Bài giảng Tư vấn tâm lý căn bản

doc 296 trang huongle 4180
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Bài giảng Tư vấn tâm lý căn bản", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docbai_giang_tu_van_tam_ly_can_ban.doc

Nội dung text: Bài giảng Tư vấn tâm lý căn bản

  1. TƯ VẤN TÂM LÝ CĂN BẢN LỜI GIỚI THIỆU Tôi rất vui lòng viết lời giới thiệu cho cuốn sách TƯ VẤN TÂM LÝ CĂN BẢN của Nguyễn Thơ Sinh. Tôi với Sinh quen nhau trên mạng điện tử: biết tôi ở trong Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam (ở dưới gọi là Hội), Sinh gởi email cho tôi; tôi nhận thấy anh quan tâm đến Tâm lý học và Giáo dục học nước nhà và chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi với nhau. Như vậy là cuộc làm quen có chủ đích, chứ không phải ngẫu nhiên: hai người đều có lòng nhiệt tâm với nền khoa học này của nước nhà. Cuối năm 2005 đầu năm 2006, Hội có cuộc Hội thảo về Tư vấn tâm lý tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi báo tin này và mời Sinh về tham dự, anh nhận lời với cả một báo cáo Khoa học dài đến hơn 20 trang giấy khổ A4. Sau đó tôi bảo anh: Nếu đúng là vấn đề anh quan tâm, và nếu có điều kiện, anh nên viết một cuốn sách về tư vấn tâm lý. Kết quả đến quá nhanh, hôm nay mới giữa tháng 8 năm 2006, tức là trong có vài tháng, cuốn sách đã viết xong, dày tới gần 300 trang. Theo tôi, đây là một cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Việt về tư vấn tâm lý. Tất nhiên, mới là đề cập đến những vấn đề cơ bản. Nhưng cũng có thể nói ngay rằng chữ “cơ bản” ở đây không phải chỉ là các vấn đề lý luận cơ bản mà phần lớn lại là các (hay một số) vấn đề thực hành cơ bản - đúng là cái chúng ta đang cần, cần biết cả lý thuyết cơ bản nhưng rất cần biết những điều chỉ dẫn tiến hành công việc tư vấn, từ mở đầu đến kết thúc một cuộc (có thể nhiều buổi) tư vấn tâm lý. Thật vậy, các bạn thấy tác giả đã trình bày sự vận dụng một loạt học thuyết (lý thuyết) tâm lý vào công việc tư vấn tâm lý: từ
  2. học thuyết Freud rồi Anna Freud (con gái của Freud); thuyết tâm lý học phân cách của Adler, Roger, thuyết hiện sinh của May và Frankl trong tâm lý học; tiếp theo là tâm lý học hành vi, tâm lý học hình thái, thuyết nhận thức trị liệu, thuyết hệ thống gia đình của Bower, v.v. Phần nhiều các lí thuyết này đã được giới thiệu ở ta, nhưng đều ở tâm lý học đại cương, lịch sử tâm lý học, nhập môn tâm lý học. Còn ở đây mỗi thuyết chỉ trình bày rất tóm tắt, có khi chỉ trong vài dòng, phần lớn dành nói về lý thuyết này tiến hành công việc tư vấn tâm lý như thế nào? Cuốn sách này thật sự có ý nghĩa rất thiết thực cho những nhà tư vấn tâm lý, và cả các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu tâm lý xem cũng rất bổ ích. Ý nghĩa thiết thực của cuốn sách còn được thể hiện rất rõ trong tất cả các loại hình tư vấn tâm lý được đề cập ở trong sách, như tư vấn tâm lý về sức khỏe tâm thần, các dạng bệnh lý, trong đó có Stress khác: các vấn đề này ngày càng đi vào công nghiệp và hiện đại càng nảy sinh nhiều; tư vấn hôn nhân mà hiện nay đang chiếm tỷ trọng hàng đầu trong các cuộc tư vấn tâm lý ở ta; tư vấn gia đình cũng là một phạm vi ngày càng bức xúc hơn; tư vấn nghề nghiệp, tư vấn học đường là những lĩnh vực rất cần quan tâm và phải mau chóng tăng cường. Các bạn còn thấy có cả tư vấn tâm lý cho người bị ma tuý nên làm những gì. Đúng là những cái chúng ta đang cần. Trong tất cả các loại hình tư vấn tâm lí được đề cập trong cuốn sách này đều nêu rất cụ thể các công việc mà người tư vấn phải làm. Tôi đặc biệt thích thú với các mục giới thiệu kỹ năng tư vấn như: Kỹ năng thuyết phục, Kỹ năng đồng cảm, Kỹ năng chia sẻ,
  3. Kỹ năng kịp thời, Kỹ năng hài hước, Kỹ năng hợp đồng, v.v Mặt khác, cuốn sách nói trong tư vấn tâm lý có 3 yếu tố quan trọng là: (1) tính chuyên nghiệp, (2) sức thu hút thấp dẫn, (3) được hỏi tên. Công việc gì đề cập trong sách đều đưa ra quy trình, từ làm một bản hợp đồng như thế nào? cách giải quyết khó khăn, chẳng hạn như thấy người hỏi lưỡng lự khi nghe tư vấn, cho đến việc đào tạo, tự đào tạo đều nêu rõ quy trình: một, hai, ba bốn phải làm gì, rõ ràng, rành mạch. Tất nhiên, từ chỗ đọc đến chỗ hiểu, tiếp thu và vận dụng nhất là vào từng trường hợp cụ thể, còn nhiều chuyện phức tạp đòi hỏi người tư vấn phải rất linh hoạt, uyển chuyển, sáng tạo cho đến việc chấm dứt cuộc tư vấn cũng vậy, cuốn sách cũng bày cách làm rất cụ thể, rất chi tiết. Đọc cuốn sách này, chúng ta còn có dịp làm quen với một số thông tin về tư vấn tâm lý ở Mỹ, tuy còn sơ sài nhưng cũng thấy được chủ trương thúc đẩy công tác này là phù hợp với yêu cầu đào tạo cán bộ tư vấn tâm lý ngày càng cao, chúng ta còn thiếu quá nhiều, có lẽ tính đến nay từ mọi nguồn số cán bộ này ở ta chỉ đếm được hàng chục (ở Mỹ đã lên đến hàng vạn và còn phân ngành Tư vấn tâm lý chuyên sâu), như trong sách cho hay. Đặc biệt, sách này còn cung cấp cho ta một vốn thuật ngữ Anh Việt với khoảng 300 từ, với khoảng cách rất cần cho những ai tư vấn tâm lý. Tóm lại, đây là một cuốn sách đọc rất dễ hiểu, cụ thể, nhiều điều có thể đem áp dụng vào công việc rất thiết thực bổ ích. Nhân dịp này tôi nhiệt liệt chúc mừng và bày tỏ lời cảm ơn Thạc sĩ Nguyễn Thơ Sinh đã có tác phẩm đóng góp xây dựng và
  4. phát triển khoa học Tâm lý nước nhà, nhấn mạnh hướng ứng dụng, thực hành, phục vụ con người, phục vụ xã hội. Chúc tác giả có những thành công mới trong nghiên cứu và hành nghề Tâm lý học. Mong anh tiếp tục hợp tác nhiều hơn với các bạn đồng nghiệp trong nước. Anh thật xứng đáng với câu “Tôi tự hào là người Việt Nam” mà anh đã lấy câu đó làm tiêu đề trong máy điện tử của mình. Hà Nội 16.8.2006 GS.TSKH PHẠM MINH HẠC Chủ tịch Hội các khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam PHẦN MỘT LỊCH SỬ NGÀNH TƯ VẤN VÀ NỀN TẢNG BAN ĐẦU Chương 1 LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VÀ XU HƯỚNG CỦA NGÀNH TƯ VẤN 1. Dẫn nhập Tư vấn, không giống những ngành phục vụ sức khoẻ tâm thần khác ở chỗ, tư vấn bao gồm chức năng giúp thân chủ phát triển khả năng thăng tiến của bản thân và chức năng trị liệu ở mức độ rối loạn hệ thống tư duy. Tư vấn viên làm việc với cá nhân, nhóm, gia đình, hoặc những tổ chức với những nan đề ngắn hạn và những nan đề lâu dài. Công tác tư vấn nhằm vào mục tiêu giáo dục (education) mang tính năng phát triển đời sống lành mạnh, ngăn ngừa tệ nạn và điều trị những
  5. rối loạn do thiếu khung tư duy trưởng thành, nên ngành này đã đóng một vai trò quan trọng tích cực với an toàn và phát triển của xã hội. Tư vấn trong những bước khởi đầu lịch sử của ngành không có tổ chức bài bản mà thường là những tập hợp rời rạc, thiếu đồng bộ. Theo thời gian, ngành này không ngừng lớn mạnh và tự hoàn thiện thêm. Tuy thế, nhiều người nhầm lẫn tư vấn với những loại hình giúp đỡ và hướng dẫn khác. Vì thế, tư vấn là một công việc đã mang trong nó nhiều danh xưng và cả những hiểu lầm không nhỏ, thành ra người trong nghề và cả dư luận xã hội vẫn có vài ngộ nhận lẫn về chức năng công tác nghiệp vụ. Có chút kiến thức về lịch sử của ngành tư vấn sẽ giúp tư vấn viên hiểu kỹ hơn về ngành nghề mà họ đảm trách. 2. Định nghĩa ngành Tư vấn Nói theo truyền thống, tư vấn viên – là người lắng nghe và giúp đỡ người khác giải quyết một nan đề. Tuy nhiên, nhiều chức năng và danh xưng đã gây nên những hiểu lầm khi danh từ tư vấn viên được gắn với những sản phẩm, dịch vụ, dẫn đến những lẫn lộn vẫn thường nghe thấy như: tư vấn tài chính, tư vấn hôn nhân, tư vấn tiêu dùng, tư vấn pháp luật, tư vấn du lịch, tư vấn mua sắm Tư vấn, tại các nước phát triển, bắt nguồn từ hệ thống hướng dẫn, (guidance systems) và ngược hẳn với tâm lý liệu pháp (psychotherapy). Đấy là chuyện cũ. Hôm may, tư vấn gần như có mặt ở khắp nơi, được sử dụng trong những trung tâm có chức năng lâm sàng và chức năng giáo dục sức khoẻ công cộng, các trung tâm tư nhân và có sự hỗ trợ của Chính phủ, các hội đoàn, các tổ chức kinh doanh có lãi, các trung tâm tôn giáo, hội từ thiện
  6. Ngành này không chỉ chú trọng đến quá trình thăng tiến và phát triển lối sống lành mạnh, mà còn góp phần trong trị liệu với sức khoẻ tâm thần. Để hiểu rõ hơn về chức năng tư vấn, thiết nghĩ hiểu biết về hệ thống hướng dẫn trong nhà trường (guidance) và tâm lý liệu pháp (psychotherapy) sẽ giúp chúng ta hiểu được về ngành tư vấn một cách sáng tỏ hơn. Hướng dẫn giáo dục trong học đường (Guidance): Là một quá trình giúp đỡ người trẻ chọn ra một giải pháp thích hợp cho một vấn đề cần được giải quyết bằng cách đề nghị những việc cần làm rất cụ thể. Tính thiết yếu này đã đi vào hoạt động tư vấn qua ngả tìm ra quyết định cụ thể cho một vấn đề. Tuy nhiên, cách giúp trong hướng dẫn rất khác với cách giúp trong tư vấn. Điểm khác biệt căn bản ở đây: hướng dẫn cho lời khuyên, còn tư vấn chỉ mang tính đề nghị và gợi ý một giải pháp cho thân chủ. Nói khác đi, hướng dẫn giúp người khác tìm ra một chọn lựa cụ thể thích hợp bằng cách người được giúp đỡ sẽ nghe theo đề nghị của người khuyên. Tư vấn, khác hơn và nhiệm vụ của nó là giúp thân chủ tạo ra một sự thay đổi bằng chính khả năng của họ. Hướng dẫn, thường gặp trong môi trường học đường (ở các nước phương Tây phát triển), khi người trưởng thành làm công tác hướng dẫn, giúp trẻ em chọn lựa giải pháp như chọn nghề, chọn môn học. Quan hệ giữa hai bên là một quan hệ không đối xứng. Ở đây, người có kinh nghiệm sẽ truyền đạt kinh nghiệm cho người thiếu kinh nghiệm. Rất giống như trường hợp vai trò của cha mẹ, người lớn trong gia đình hướng dẫn con cái những việc cần phải làm. Vì thế, hướng dẫn là một hình thái giúp đỡ không bao giờ cũ đi, nó cũng không biến mất trong lịch sử phát triển văn minh của con người. Bất cứ ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng cần đến quá trình
  7. chọn giải pháp cho những nan đề. Vì thế con người vẫn cần đến giúp đỡ. Từ lâu là ngành có xuất thân từ hướng dẫn, nên nó chịu ảnh hưởng từ hướng dẫn rất nhiều. Giống như hướng dẫn không bao giờ cũ đi, tư vấn trong bối cảnh hôm nay đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của mọi người cũng không bao giờ trở thành già cỗi. Tâm lý trị liệu (psychotherapy): Khác với tư vấn thông thường, tâm lý trị liệu (còn gọi là tâm lý liệu pháp) được áp dụng với những trường hợp nghiêm trọng hơn, liên quan đến những lĩnh vực nội tâm, xung đột tư duy, trạng thái tâm thần, mà mục đích nhắm đến là chữa lành hoặc làm giảm nhẹ những rối loạn thiên về thái cực lâm sàng. Tâm lý trị liệu tập trung nhiều vào những vấn đề nhức nhối của quá khứ, những hành vi bệnh lý cần can thiệp bởi những phương pháp chữa trị như thuốc men, chăm sóc y tế Sự can thiệp của chuyên viên như bác sĩ là cần thiết. Kỹ thuật chuyên môn của chuyên viên tâm lý trị liệu cao, song họ thường không chú trọng nhiều đến việc tìm hiểu và khám phá cảm xúc, tư duy, và hành vi của thân chủ - họ thường thiên về những triệu chứng (symptoms) của thân chủ. Bác sĩ tâm thần học (psychiatrist) và tâm lý gia lâm sàng (clinical psychologist) thường là những người có nhiều gắn bó với tâm lý trị liệu. Tuy nhiên, nhiều học thuyết trong tư vấn có nguồn gốc từ tâm lý học, nên ứng dụng của chúng có thể được sử dụng cả trong môi tường tư vấn lẫn môi trường tâm lý trị liệu. Hai tiêu chuẩn đặc trưng giúp phân biệt sự khác nhau giữa tư vấn và tâm lý trị liệu là:
  8. 1. Thời gian kéo dài của quá trình giúp đỡ. Với tâm lý trị liệu, thời gian kéo dài hơn (20 - 40 cuộc hẹn, xấp xỉ từ 6 tháng đến 2 năm), tập trung vào việc thay đổi lại hệ thống tư duy, vốn dẫn đến những rối loạn cá tính. Tư vấn cần ít thời gian hơn (8 đến 12 cuộc hẹn, dưới sáu tháng), tập trung vào quá trình xử lý một vấn đề mang tính tức thời trong sinh hoạt. 2. Địa điểm: tâm lý trị liệu xảy ra trong điều kiện nội trú (ở bệnh viện có đội ngũ y tá, (bác sĩ chuyên môn), và tư vấn là ở môi trường ngoại trú. Tư vấn (counseling): Là một ngành chuyên môn vẫn đang gây những bàn cãi về một định nghĩa chuẩn của nó. Tuy nhiên vài điểm sau đây sẽ giúp cho trong quá trình tìm đến một định nghĩa đầy đủ, dựa theo Gladding (2000). - Tư vấn là một nghề chuyên nghiệp, đòi hỏi phải có đào tạo bài bản, có trường lớp. - Tư vấn tập trung vào trợ giúp về vấn đề sống lành mạnh, thăng tiến đời sống quan hệ cá nhân, nghề nghiệp, và những quan tâm thuộc lĩnh vực bệnh lý tinh thần. - Tư vấn áp dụng với người có khả năng xử lý tốt và cả những người có vấn đề về rồi loạn tâm thần dạng nhẹ. - Tư vấn phải dựa trên hệ thống lý thuyết về tư vấn. - Tư vấn là một quá trình phát triển trên bình diện ngăn ngừa (prevention) và can thiệp (intervention). Tư vấn bao gồm nhiều chuyên môn (specialty) khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thân chủ. 3. Lịch sử ngành Tư vấn
  9. Dựa vào lịch sử hiện có, ngành Tư vấn ở các nước phát triển là một ngành tương đối trẻ. Trước những năm 1900, tư vấn chủ yếu là cho ý kiến, tập trung vào việc cung cấp những phúc lợi nhân đạo căn bản cho những người kém may mắn trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp (Industrial Revolution). Ban đầu, nó được dành riêng cho người trẻ, liên quan đến những chương trình hướng nghiệp và những bài học đạo đức căn bản, như làm điều đúng, sống tốt, tránh điều sai, xa lánh điều xấu. Tư vấn thời gian đầu chủ yếu là cung cấp thông tin và hướng dẫn giáo dục. Cần biết, tư vấn và hoạt động của nó là một quá trình (process) bao gồm những thao tác căn bản cần thiết, vì thế luôn có những thay đổi, tự điều chỉnh, nhằm thích nghi với những yêu cần căn bản của đời sống xã hội vốn luôn có những phát sinh biến chuyển không ngừng. Năm 19007, Jesse B. Davis là người đầu tiên thiết lập một cơ sở hướng dẫn có hệ thống ở tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ. Frank Parson, người cho xuất bản cuốn Chọn Nghề (1909), một năm sau khi ông qua đời. Cứ thế, tư vấn từ từ phát triển, trở thành một nghề có mặt khắp nơi, đóng góp những công việc thầm lặng của mình, cống hiến cho xã hội những hy sinh âm thầm trong công việc giúp đỡ những con người mệt mỏi và quá tải về mặt đời sống tinh thần. Riêng ở Việt Nam, chưa có một thông tin cụ thể nào về điểm khởi đầu hoạt động chính thức của ngành Tư vấn. Lịch sử phát triển của ngành Tư vấn ở Việt Nam chưa có một tài liệu nào công bố rõ ràng về từng bước, từng giai đoạn. Ngày 18 tháng 2 năm 2006, Hội thảo khoa học quốc gia: Tư vấn tâm lý - giáo dục lý luận, thực tiễn và định hướng phát triển đã
  10. được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây có thể nói là một hoạt động tích cực, rất có ý nghĩa đối với những yêu cầu cơ bản, rất bức xúc của đời sống xã hội hiện nay. Tất cả có hơn 60 bài tham luận được gửi về đã trình bày rất nhiều ý kiến sôi động, phản ánh được nhu cầu cấp bách của tư vấn trong bối cảnh bức tranh toàn cảnh. Dựa vào báo cáo của Hội thảo khoa học quốc gia (2006), tư vấn tâm lý - giáo dục đã được thực hiện trong nhiều năm gần đây, trên các địa bàn, đặc biệt là ở các thành phố. (Đinh Phương Duy, 2006). Rồi con số các trung tâm tư vấn cứ lớn dần lên và việc có một cuộc hội thảo cấp quốc gia như thế có thể nói là một bước nhảy vọt rất đáng khích lệ. Một điều đáng chú ý, tư vấn (hay còn gọi là tư vấn tâm lý) là một ngành phục vụ, đối tượng chủ yếu là con người trong bối cảnh phát triển của xã hội. Ngành Tư vấn luôn có mặt, bám sát với những thay đổi và phát triển trên mọi bình diện của tất cả những hoạt động của xã hội. Đơn cử, theo kết quả nghiên cứu của TS.Trần Thị Giồng, Th.S Đỗ Văn Bình và 11 đồng nghiệp, ở thành phố Hồ Chí Minh (2003) có hơn 50 cơ sở tư vấn tâm lý, hoạt động trên các lĩnh vực: Tình yêu - hôn nhân - gia đình, trẻ em và cha mẹ trong gia đình, sức khỏe, HIV/AIDS, hướng nghiệp, trong đó hơn 60% do cơ quan Nhà nước hay ban ngành thành lập, phần còn lại do các hội, tư nhân, tổ chức tôn giáo Điều này đã phản ánh được một thực tế: nhu cầu tư vấn là một nhu cầu rất thực của xã hội Việt Nam ta. Đây chỉ là một ví dụ lấy từ thực tiền được báo cáo. Còn chuyện tư vấn ngoài luồng hoặc tư vấn nghiệp dư luôn tồn tại trong xã hội là điều tất yếu. Vì tính chuyên môn cao của tư vấn, trong lúc điều kiện đào tạo đội ngũ tư vấn chưa được phát triển ở Việt Nam, tình
  11. trạng tư vấn mạnh ai nấy làm tất nhiên là khó tránh khỏi. Nhưng không mấy ai nhận thức được rằng, tư vấn nếu làm sai, đôi khi gây hại nhiều hơn làm lợi, có thể gây ra những tác hại hệ lụy lâu dài. TS Đinh Phương Duy (2006) đã nêu lên những câu hỏi nóng bỏng trong hội thảo là: - Chuyên viên tư vấn và tham vấn có cần được đào tạo bài bản hay chỉ cần có kinh nghiệm hay một tấm lòng vì người khác? - Có cần xây dựng một hệ thống lý luận riêng cho tư vấn, tham vấn tâm lý ở Việt Nam? Đặc biệt với tổng kết của PGS, TS. Bùi Ngọc Oánh (2006), những vấn đề được nêu ra đã tạo nên hướng suy nghĩ cho công tác tư vấn nước nhà: 1. Xây dựng lý luận về công tác tư vấn, khái niệm tư vấn, tham vấn, tâm lý trị liệu và sự phối hợp giữa các hình thức trên. 2. Quy trình cơ bản của một ca tư vấn. 3. Xây dựng các chương trình đào tạo chuyên viên tư vấn. - Xây dựng các quy định về hoạt động tư vấn. - Xây dựng các quy chế, quy định về việc thành lập các trung tâm tư vấn. - Biên soạn các tài liệu, giáo trình, tài liệu về tư vấn. - Nghiên cứu việc quảng bá tuyên truyền cho hoạt động tư vấn. - Nghiên cứu việc định hướng, dự báo kế hoạch phát triển hoạt động tư vấn trong tương lai, đặc biệt là tư vấn học đường. Cho đến nay, ở Việt Nam hiện vẫn chưa có hệ thống đào tạo và có bằng cấp (mang tính đồng bộ) và cấp giấp phép trong lĩnh vực
  12. hoạt động tư vấn. Điều này cũng dễ hiểu, nhất là khi so sánh với các nước âu Mỹ. Điển hình như ở Hoa Kỳ, mãi đến những năm giữa thập ký 70 họ mới có hệ thống đào tạo có bằng cấp hoạt động của tiểu bang. Virginia là tiểu bang đầu tiên (1976) bắt buộc phải có giấy phép hành nghề tư vấn. Đến năm 1981, ở Hoa Kỳ mới chính thức có một hệ thống tiêu chuẩn đào tạo chuyên viên tư vấn có bài bản. Điều này cho phép chúng ta lạc quan khi nhận định rằng ở Việt Nam, vấn đề tổ chức và sắp xếp để tư vấn trở thành một ngành chuyên nghiệp chỉ là vấn đề nhanh hay chậm của thời gian. 4. Những thử thách và xu hướng hiện thời của ngành Tư vấn Tư vấn là ngành không ngừng phát triển và tự điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của xã hội. Hơn lúc nào hết, xã hội đang đối diện với những thay đổi lớn lao, như tiến trình toàn cầu hóa, bùng nổ các dịch vụ tư nhân, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đóng góp và ảnh hưởng của kỹ nghệ thông tin, đời sống công nghiệp hóa, và cả những vấn đề đạo đức và nhân sinh quan nóng bỏng khác của xã hội, vốn khó phán đoán trước, chẳng hạn như đô thị hóa, dân số, sức khỏe, lương bổng, và những nhu cầu khác ngày càng cao của xã hội Theo GS, TS. Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam: “Giáo dục là phạm trù đi liền với lịch sử tồn tại và phát triển của loài người, tâm lý nói riêng, tinh thần nói chung là tiêu chí đặc trưng của từng con người và toàn nhân loại. Ngày nay, nhất là mấy thập kỷ cuối thế kỷ trước giáo dục và tâm lí con người
  13. được coi là hạ tầng xã hội - hai yếu tố cực kỳ quan trọng góp phần tạo nên sự tiến bộ xã hội”. Như thế, đội ngũ tư vấn viên có thể nói đã nhìn ra được vai trò của mình trong công cuộc xây dựng đất nước và xã hội. Nhất là khi GS, TS Phạm Minh Hạc vạch ra: "Tư vấn tâm lý - giáo dục ở nước ta có sứ mệnh vẻ vang là động viên mọi người và toàn xã hội, tạo nên một vốn xã hội - vốn người tốt cùng nhau đoàn kết, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định xã hội, góp phần tiếp tục đổi mới đất nước, tạo dựng nên một đất nước độc lập, phồn vinh, mọi người được hưởng các quyền của con người, của mọi công dân." 5. Kết luận Với trách nhiệm của một tư vấn viên; chúng ta, những con người góp phần sức lực khiêm tốn của mình nhưng rất có ý nghĩa với xã hội. Chỉ khi tìm được ý nghĩa cao cả của công việc hàng ngày mà mình đang tìm, tư vấn vấn mới có thể bám trụ được với nghề thầm lặng đầy khó khăn này. Hy vọng mỗi chúng ta sẽ làm tốt, làm đúng, để xã hội càng ngày càng thêm tin tưởng nhiều hơn vào đóng góp và tinh thần phục vụ của chúng ta - qua chất lượng huy chương vàng của nghiệp vụ tư vấn với xã hội. Xã hội luôn luôn có những vấn đề đặc trưng muôn thuở. Con người là một sinh thể có liên đới mật thiết trong bức tranh tổng thể quan hệ trong xã hội. Không ai sống một mình được. Hành vi của một người luôn có ảnh hưởng đến người khác. Tất nhiên hành vi tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực. Hành vi là kết quả của tư duy và cảm xúc. Tư vấn viên là người giúp đỡ thân chủ tìm ra chìa khóa trong ứng xử lành mạnh, tìm đến những hành vi lành mạnh nhất. Chúng
  14. ta được mời gọi vào tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, trong nghiệp vụ tư vấn của mình, ở một thời điểm đất nước đang đối diện với những thay đổi rất lớn trong bức tranh toàn cảnh của xã hội toàn cầu. Chương 2 MÔ HÌNH CỦA MỘT TƯ VẤN VIÊN LÀM VlỆC CÓ HIỆU QUẢ Dẫn nhập Trong tư vấn, yếu tố thành công và chất lượng của quá trình trợ giúp nằm ở nơi bản thân tư vấn viên là việc rất lớn. Nói khác đi, không có một tư vấn viên làm việc có hiệu quả, có trách nhiệm, dịch vụ tư vấn sẽ chẳng đem lại bất cứ một tiến bộ khả quan nào. Không chỉ hạn chế tác dụng hữu ích của tư vấn, một tư vấn viên yếu nghiệp vụ có thể sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng, về lâu dài cho thân chủ. Vì thế với người muốn bước vào nghề tư vấn cần suy nghĩ xem nghề này có thật sự là chọn lựa đúng đắn cho mình? Riêng với những tư vấn viên đã bước vào nghề, việc duy trì để giữ mình mãi là một tư vấn viên có hiệu quả là một trong những sứ mệnh đòi hỏi của nghề. Để trở thành một tư vấn viên tốt, thiết nghĩ mình phải rõ ràng với bản thân của mình. Theo TS. Trần Thị Giồng (2006): “Chúng ta không thể cho những gì mình không có”. Cũng thế, tư vấn viên không thể giúp cho thân chủ một cách có hiệu quả nếu họ không chuẩn bị và được đào tạo cẩn thận. 1. Nhân cách và vốn sống của một tư vấn viên
  15. Tư vấn là một nghề đòi hỏi phải thành tâm và có tấm lòng cao cả. Nó thu hút những tâm hồn biết quan tâm, tâm tình cởi mở, thân thiện và nhạy cảm với nhu cầu giúp đỡ con người. (Myrick, 1997). Tuy nhiên động cơ và duyên may đến với nghề này của nhiều tư vấn viên đang hành nghề trong xã hội rất khác nhau. Những ai muốn gắn bó cuộc đời mình với công tác tư vấn phải tự hỏi nếu họ có đủ tố chất và đam mê; đủ vững mạnh để đối diện với thử thách rất thực tế của nghề này. Tóm lại, để trở thành một tư vấn viên tốt, những yêu cầu sau đây thường được nhắc đến, theo Gladding (2000): - Nhân cách và vốn sống. - Giáo dục căn bản của tư vấn viên. - Học thuyết áp dụng và kiến thức về hệ thống tư duy được sử dụng trong công tác tư vấn. - Khả năng tham gia vào những hoạt động liên quan đến công tác tư vấn (như tham gia hội thảo, diễn đàn, là ủng hộ viên đắc lực cho ngành, tham gia đào tạo thế hệ tư vấn viên mới, và không ngừng tiếp tục bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ) - không ngừng tiếp tục học hỏi. Theo Carkhuff (1969) tư vấn viên và quá trình tư vấn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến một cá nhân, vì thế nếu tư vấn không hiệu quả, tất sẽ có ảnh hưởng tai hại lâu dài đến thân chủ. Gladding (2000) đã nói đến nhân cách của một tư vấn viên. Theo ông, chúng ta nên nhắm đến những tiêu chí căn bản từ một tư vấn viên: (1) Trưởng thành (2) Biết thông cảm (3) Cởi mở (4) Thành thực (5) Điềm đạm, không dễ nổi nóng.
  16. Tất nhiên không phải ai cũng có những đức tính này. Vì thế tư vấn không phải là nghề giành cho tất cả mọi người. 2. Những động cơ tiêu cực lôi kéo người ta vào nghề Tư vấn Nhiều người muốn trở thành tư vấn viên với động cơ không lành mạnh. Họ không hẳn là người xấu, tuy nhiên quyết định đi vào nghề của họ có ảnh hưởng tiêu cực đến thân chủ và xã hội. Witmer và Young (1996) nêu ra những động cơ tiêu cực hoặc sai lệch của một tư vấn viên đã mắc phải trong quá trình muốn trở thành một tư vấn viên: - Có vấn đề trục trặc về mặt tình cảm. Khi họ có những khúc mắc tình cảm chưa được giải quyết từ thời thơ ấu hay trong quá khứ. - Họ cô đơn và sống thiếu liên đới với xã hội. Họ không có bạn bè và thường mượn quá trình tư vấn như một thay thế cho nhu cầu có bạn bè. - Tham vọng có quyền lực. Họ là người không thành công trong cuộc sống (không nhất thiết phải chỉ có nhiều tiền mới là có thành công), vì thế họ mong được kiểm soát người khác. - Có nhu cầu tình yêu. Họ là những người quá yêu bản thân, có thái độ tự hào thái quá, tin tưởng rằng mọi khó khăn đều có thể giải quyết được bằng tình yêu và do chính khả năng của họ. Đây là hội chứng muốn mình là anh hùng cứu vớt được cả thế giới. - Họ có thái độ vùng vằng, muốn chống đối cuộc đời một cách gián tiếp. Họ là người có vấn đề về quan hệ cá nhân nào đó, giải
  17. quyết không thoả đáng, nay muốn đem ra để áp đặt lên thân chủ trong quá trình tư vấn. - Tìm đến sự an nhàn. Họ nghĩ rằng nghề tư vấn là nghề chỉ ngồi văn phòng nói chuyện và đếm tiền. - Tìm danh vọng. Họ tin rằng, làm nghề Tư vấn được xếp vào một danh mục nghề nghiệp quan trọng, cao quý, lịch sự. Hiểu sai như thế sẽ hoàn toàn thất hại. Đơn giản vì trở thành tư vấn nên sẽ không đáp ứng được những khát khao của họ như vừa nêu trên. Trái lại, tác hại của sự thất vọng sẽ trở thành chất độc, phá huỷ cuộc sống chỉ vì họ có chọn lựa sai lầm. Vì thế, tư vấn cần được coi như là một tiếng gọi (calling) nhiều hơn là một hứa hẹn vật chất, địa vị, hay cho những phần thưởng tinh thần, xã hội. Trước khi quyết định chọn vào nghề Tư vấn, nhiều bạn trẻ đã băn khoăn nếu như mình có đủ những điều kiện tố chất để vào nghề. Thật khó xác định cụ thể được điều này. Song, một điều căn bản là bạn có đặt tiêu chí muốn giúp người khác làm tiêu chí hàng đầu hay không? Nếu bạn chọn nó vì nghề này cũng hay hay, lúc ấy bạn nên cân nhắc kỹ hơn. Con người luôn phát triển qua kinh nghiệm sống nên tư duy thay đổi là lẽ tất nhiên. Không hẳn là nhân cách (personality) của chúng ta là bất biến. Nhân quan (personal view) và quan niệm về quan hệ giữa người với người sẽ thay đổi khi chúng ta sống nhiều hơn. Tuy nhiên, nhân tố bẩm sinh muốn giúp người vẫn là điều đáng quý nhất. Nếu hiểu ở một góc cạnh trong tinh thần nhân văn, chúng ta có thể tin rằng cụ Nguyễn Du đã rất có lý khi nêu lên quan điểm của ông: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (Truyện Kiều). Nói thế, ta đủ thấy tầm quan trọng của ý nghĩa nhân văn trong nghề tư vấn.
  18. Dưới đây là những đặc tính cần có của một tư vấn viên hiệu quả, dựa theo Foster (1996) và Guy (1987): - Hiếu kỳ (curiosity and inquisitiveness): bộc lộ tinh thần quan tâm một cách tự nhiên đối với người khác. - Khả năng biết lắng nghe (ability to listen): biết tập trung theo dõi một cách sát sao, chú ý đến người khác. Đây là một vốn quý hết sức cần thiết, vì nó kích thích thân chủ trong việc tham gia tích cực vào quá trình tư vấn. Thân chủ sẽ chán nản khi tư vấn viên không có khả năng lắng nghe tốt. - Tự nhiên với đối thoại (comfort with conversation): khả năng tạo sự cởi mở thoải mái, giúp thân chủ tự tin và giảm thiểu căng thẳng vốn ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn. - Đồng cảm và hiểu biết (empathy and understanding): khả năng liên hệ mình vào hoàn cảnh của người khác, ngay cả chuyện thân chủ là người khác phái, khác văn hóa, khác biệt về điều kiện sống, hoàn cảnh sống. - Hiểu biết về tình cảm (emotional insightfulness): khả năng kiềm chế bản thân, có thể đối diện một cách tự tin với những mức độ cảm xúc khác nhau từ quá trình tư vấn, trưởng thành vững vàng về mặt cảm xúc. - Phản tỉnh táo nội tâm (introspection): khả năng tĩnh tâm để tự đánh giá bản thân, suy xét nội tâm, từ đó có thể tự phục thiện, hoàn thiện bản thân. - Khả năng biết quên mình (capacity for self-denial): nghĩ đến lợi ích của người khác trước, ngay cả trường hợp lợi ích người khác ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân mình.
  19. - Không sa ngã trong tình cảm (tolerance of intimacy): khả năng kiềm chế trong khi tư vấn với thân chủ khác phái, tránh những cảm xúc thiên về nhục thể thiếu lành mạnh. - An tâm với năng lực của thân chủ (comfort with power): khả năng chấp nhận năng lực của thân chủ ở một giới hạn nào đó khi không tiếp cận trực tiếp. Tư vấn viên sẽ không lạm dụng vị trí của mình để lấn lướt, chỉ thị, hướng dẫn sai lệch. - Khả năng biết cười (ability to laugh): cần có tính khôi hài trong những huống trạng éo le của cuộc sống, biết lạc quan và không quá gò bó. Ứng dụng tính khôi hài để giảm căng thẳng và khơi dậy tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Ngoài ra, một tư vấn viên làm việc có hiệu quả cũng cần đến những khả năng ứng dụng các khám phá khoa học kỹ thuật trong công tác của mình. Họ cần có kiến thức để duy trì cho mình một sự quân bình về tình cảm. Chính sự cân bằng trong cuộc sống ấy sẽ giúp họ trở thành tư vấn viên làm việc tốt. Cũng dễ hiểu, một tư vấn viên không có cuộc sống ổn định, anh ta sẽ không thể công tác tốt trong quá trình tư vấn với thân chủ. Cormiers (1989) đề xuất những tiêu chuẩn rất cần thiết của một tư vấn viên làm việc có hiệu quả như sau. - Năng lực thông minh (intellecture competence): khả năng và tinh thần ham học hỏi, lối suy nghĩ nhanh chóng, nhạy bén, sáng tạo. - Sức làm việc (energy): khả năng duy trì hoạt động một cách nhanh nhẹn, tỉnh táo trong suốt các ca tư vấn và với cơ quan mình công tác. - Khả năng co giãn (flexibility): có thể điều tiết và học hỏi khi công tác tư vấn yêu cầu.
  20. - Tinh thần động viên (support): khả năng giúp đỡ, động viên thân chủ trong việc họ tự quyết định và tin tưởng, hy vọng vào cuộc sống. - Lòng thiện (goodwill): luôn muốn làm việc vì lợi ích của thân chủ, với tinh thần xây dựng, nhằm giúp thân chủ trong việc duy trì khả năng độc lập. - Tinh thần cảnh giác (self-awareness): kiến thức về bản thân, bao gồm thái độ với cuộc sống, nghề nghiệp, cảm xúc và khả năng phân biệt là kiểm soát được những nhân tố có ảnh hưởng tiêu cực trên bản thân. Tất nhiên tư vấn viên còn cần có những đức tính khác, tuy nhỏ bé hơn như trung thành với những tiêu chuẩn cơ bản của phép xử thế. Song, đế trở thành một tư vấn viên có hiệu quả, bạn cần liên tục và không ngừng hoàn thiện bản thân. Can đảm nhìn nhận những mặt yếu kém để khắc phục. Ý thức được những giới hạn của bản thân cũng là một đặc trưng quan trọng của một tư vấn viên có trách nhiệm. Vì khi ta nhận thức được hạn chế, ta sẽ dễ dàng hơn trong tiến trình tự hoàn thiện, gạt bỏ những thiếu sót chủ quan hạn hẹp của mình. 3. Duy trì để giữ mình là một tư vấn viên làm việc có hiệu quả Một tư vấn viên luôn có những khó khăn đời thường như tất cả mọi người trong xã hội. Họ có những trăn trở, đôi khi rất bức xúc và nan giải. Cuộc sống của họ không hẳn là một cuộc sống bằng phẳng. Họ cũng vật lộn với những vấn đề gay cấn như: bệnh tật: cuộc sống, nghề nghiệp, tình cảm, tài chính, gia đình
  21. Tất nhiên những nan đề này, khôi hài một chút, lại là chất liệu giúp một tư vấn viên xây dựng khả năng đồng cảm với thân chủ tốt hơn. Nói khác đi, kinh nghiệm song sẽ giúp họ đồng cảm hơn với những nan đề trong cuộc đời của những thân chủ. Nói thế, không có nghĩa là kinh nghiệm xử lý của tư vấn viên sẽ áp dụng được cho mọi cá nhân khác. Nên nhớ, kinh nghiệm của tư vấn viên chỉ mang tính chia sẻ, tham khảo, hoàn toàn không phải là cơ sở cho lời khuyên hay cung cấp giải pháp cho thân chủ. Một tư vấn viên tốt luôn đón nhận những khó khăn trong cuộc sống như bài học kinh nghiệm. Họ giữ vững lập trường, sống khách quan và đối diện khó khăn với tinh thần trách nhiệm. Với họ, thất bại và thành công đều có tính giáo dục trong đó. Vì thế họ có thể nhìn thấy, đồng cảm và giúp thân chủ tìm ra những giá trị tích cực trong cuộc sống. Một bạn trẻ muốn trở thành một tư vấn viên, trước hết bạn cần phải hiểu rõ bạn cần từ bỏ và đón nhận một cách có chọn lọc để giữ cho bản thân được trong sáng, trung lập. Với tư vấn viên, thân chủ hoàn toàn có lý do riêng của họ về những hành vi và ứng xử. Tư vấn viên có nhiệm vụ chí rõ ra những hành vi và ứng xứ của thân chủ sẽ có những ảnh hưởng nào đến người khác. Như thế, thân chủ sẽ nhìn thấy hành vi và ứng xử của họ cần được thay đổi để họ biết chấp nhận bản thân họ và tiếp cận với người khác một cách có hiệu quả hơn. Để giữ cho mình luôn cân bằng, những biện pháp phòng ngừa xem ra rất cần thiết. Tình trạng quá tải thường (overload) là một vấn đề phổ biến. Tình trạng quá tải có thể hiểu rằng như những mệt mỏi về cả mặt tinh thần và thể xác. Khi quá tải, tư vấn viên sẽ không còn tỉnh táo và minh mẫn trong công tác nữa. Để tránh tình
  22. trạng này, tư vấn viên cần có những thú vui trong sáng lành mạnh khác ngoài phạm vi nghề nghiệp của mình. Tìm cho mình những giải trí lành mạnh. Các tác giả Bay và Pine (1980), Pines và Aronson (1989), Savicki và Cooley (1982), Watkins (1983) có vài gợi ý dưới đây giúp tư vấn viên tránh tình trạng quá tải: - Quan hệ với những cá nhân khác (bạn bè, đồng nghiệp ) có đời sống lành mạnh. - Công tác và quan hệ với những cơ quan tổ chức có tiêu chí làm việc tích cực. - Luôn giữ chừng mực tương đối với những học thuyết trong tư vấn mình áp dụng. Tránh lún ngập quá sâu trong lý thuyết. - Tận dụng tập thể dục để giảm căng thẳng (chạy bộ, tập yoga, dưỡng sinh ). - Cố gắng điều tiết bản thân sao cho phù hợp với môi trường gây ra căng thẳng, tránh những môi trường gây ra căng thẳng. - Tự đánh giá bản thân, nhằm tìm nguồn tác nhân gây ra những căng thẳng, để có biện pháp thích hợp. - Thường xuyên đánh giá lại quan điểm nghiệp vụ, vai trò nghiệp vụ, mong đợi của chính mình, niềm tin và triết lý của mình trong quá trình theo nghề. - Tìm đến tư vấn viên khác, nếu có nhu cầu. - Giữ gìn khoảng cách, không nên liên hệ quá sâu với nan đề của thân chủ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của tư vấn viên. Tránh đem nan đề của thân chủ về nhà. - Luôn giữ thái độ lạc quan, yêu mến cuộc sống.
  23. Một tư vấn viên hiệu quả sẽ giữ cho hệ tình cảm của mình được ổn định, cân bằng, và khách quan. Họ cần cảnh giác và luôn sống với những mặt mạnh và cả những hạn chế của mình một cách thực tế. Đó là lời khuyên của Auvenshine và Noffsinger (1984). 4. Đào tạo căn bản cho một tư vấn viên Ta vẫn thấy nhiều tư vấn viên làm việc có hiệu quả mà không qua đào tạo trường lớp kiến thức về quá trình phát triển của con người và kiến thức về tư vấn. Để quyết định xem mức độ cần thiết về đào tạo như thế nào là đủ, thiết nghĩ nên xem đến mức độ quan hệ giữa hai người trong quá trình tư vấn. Tạm thời, ba cấp độ của quan hệ trợ giúp gồm: không chuyên - bán chuyên nghiệp - chuyên nghiệp. Mỗi cấp độ đòi hỏi một trình độ đào tạo khác nhau. Với cấp độ chuyên nghiệp, ca tư vấn thường được hẹn trước, chủ yếu là tìm giải pháp cho nan đề. Thân chủ trong tư vấn chuyên nghiệp rõ ràng mong đợi kết quả từ quá trình tư vấn. Với cấp độ không chuyên, ca tư vấn thường không có giờ hẹn nhất định, quan hệ tư vấn chỉ là quan hệ phụ, thân chủ thường không có mong đợi kết quả cụ thể. Nói chung tư vấn theo kiểu tiện đâu làm đó. Cấp độ bán chuyên, các điểm vừa nêu trên nằm ở khoảng giữa. Không chuyên: ở cấp độ không chuyên, người cung cấp tư vấn thường là bạn bè, đồng nghiệp, những người không qua đào tạo căn bản trường lớp, những người thiện nguyện, hoặc những người có lòng vì người khác. Họ cũng có những kiến thức và kinh nghiệm
  24. nhất định - nhưng thiếu hẳn kinh nghiệm tư vấn và kiến thức tư vấn. Cần biết có kinh nghiệm sống và khả năng tư vấn là hai lĩnh vực rất khác nhau. Bán chuyên nghiệp: Ở cấp độ này, người cung cấp tư vấn có những kiến thức được huấn luyện về đặc điểm tính năng trong quan hệ giữa con người. Họ là những người làm việc như cảnh sát, y tá, thầy cô giáo, nam nữ tu sĩ Họ thường làm việc như: một bộ phận liên ngành, không hoạt động riêng biệt, hoặc độc lập như một tư vấn viên. Họ thường làm việc trong những môi trường có liên hệ đến dịch vụ tư vấn, song họ làm việc dưới sự giám sát bởi chuyên viên cao hơn. Chuyên nghiệp: Ở cấp này, chuyên viên được đào tạo chuyên môn về cả hướng dẫn đề phòng và can thiệp trị liệu. Họ là những người có chuyên môn và học vị tùy theo chuyên ngành. Họ là bác sĩ tâm thần, tâm lý gia, chuyên viên tâm lý nhân viên cộng đồng, linh mục, sư ni Thông thường trong quá trình đào tạo, những chuyên gia này trải qua thời gian thực tập sinh hoặc có kinh nghiệm thu thập được trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Những chuyên môn riêng trong tư vấn Mỗi chuyên ngành trong xã hội đều có riêng những chương trình đào tạo chuyên biệt. Tư vấn là một ngành độc lập cũng có những đào tạo nhằm giúp các tư vấn viên trao đổi, liên lạc, và cộng tác trên bình diện phục vụ mục đích chung trong ngành. Thường thì tư vấn viên liên hệ nhiều nhất với bác sĩ tâm lý học, tâm lý gia, và nhân viên cộng đồng. Bác sĩ tâm thần học (psychiatrist): Là người có học vị bác sĩ, họ trải qua đào tạo có thực tập trong bệnh viện tại khoa tâm thần học. Họ làm việc với những bệnh nhân có vấn đề tâm lý nghiêm
  25. trọng. Họ có quyền ghi toa thuốc và thực hiện những phương pháp trị liệu trong bệnh viện. Thân chủ của họ được gọi là bệnh nhân. Ở Hoa Kỳ, họ phải có giấy phép hành nghề của quốc gia và tiểu bang. Tâm lý gia (psychologist): Hay còn gọi nhà tâm lý, họ tốt nghiệp với học vị tiến sĩ (Ph.D). Quá trình đào tạo với chương trình thực tập có thể ở nhưng trung tâm trị liệu, trường học, hay những trung tâm trị liệu ngoại trú. Ở Hoa Kỳ, mỗi tiểu bang có những quy chê riêng đối với việc cấp giấy phép hành nghề cao tâm lý gia. Trong quá trình đào tạo, chương trình học chú trọng đến những khối môn học: khoa học cơ bản, đạo đức nghề nghiệp, nghiên cứu, phương pháp, thống kê, tâm lý thử nghiệm, sinh học trong hành vi, hành vi với tư duy – cảm xúc, hành vi từ xã hội, hành vi cá nhân, căn nguyên bệnh lý, những vấn đề liên quan. Nhân viên cộng đồng xã hội (social worker): Thường tốt nghiệp cao học (Master's Degree), hoặc cử nhân (Bachelor). Họ thực tập chủ yếu ở những trung tâm cộng đồng xã hội. Một số làm việc tại những trung tâm của ban ngành trực thuộc nhà nước. Phần còn lại, họ công tác như những tư vấn viên. Giáo dục bắt buộc trong tư vấn chuyên nghiệp Để trở thành một tư vấn viên chuyên nghiệp, những sinh viên ở Hoa Kỳ phải hoàn tất chương trình cao học 2 năm với ít nhất 48 tín chỉ (semester hours). Nhân viên tư vấn sức khỏe tâm thần được yêu cầu hoàn thành 60 tín chỉ, cũng giống như các tư vấn chuyên môn khác như, tư vấn hôn nhân gia đình, tư vấn cho người nghiện Theo ủy ban tiêu chuẩn đào tạo cho tư vấn và giáo dục Hoa Kỳ (CACREP, 1994), giáo dục đào tạo bắt buộc cho tư vấn viên bao gồm:
  26. 1. Chương trình học cho cao học (master's degreee) tư vấn bắt buộc gồm 8 khối môn học: (1) Tiến trình phát triển của con người. (2) Căn bản về văn hóa và xã hội. (3) Quan hệ trong tư vấn. (4) Tư vấn cho nhóm. (5) Thúc đẩy lối sống lành mạnh và tư vấn nghề nghiệp. (6) Đánh giá chất lượng chương trình. (7) Nghiên cứu và thẩm định chương trình. (8) Căn bản chuyên nghiệp trong nghề Tư vấn. 2. Thực tập (practicum) trong môi trường có giám sát trực tiếp 1 giờ trên tuần và 1.5 giờ với giáo sư, tổng cộng 100 giờ. 3. Thực tập sinh (internship) yêu cầu 600 giờ dưới sự giám sát của chuyên viên, ngay sau khi hoàn tất thực tập 100 giờ (practicum), như nêu ở trên. 4. Mỗi trường đại học cung cấp đào tạo tư vấn viên cần có ít nhất 3 giáo sư thường trực tại Ban tư vấn giáo dục khoa Tư vấn. 5. Lý thuyết và hệ thống căn bản áp dụng bởi tư vấn viên Học thuyết (theory), theo định nghĩa, là một mô hình, giải thích cặn kẽ nghiệp vụ và thao tác của một tư vấn viên trong quá trình đặt giả thiết về nguồn gốc của một vấn đề và từ đó có giải pháp cho vấn đề đó. Nói chung học thuyết trong tư vấn sẽ giúp tư vấn viên liên hệ được nan đề của thân chủ trong bối cảnh đa diện của cuộc sống.
  27. Một tư vấn viên làm việc hiệu quả sẽ trang bị cho mình một học thuyết cơ bản, như một sườn chính (main frame) trong quá trình đào tạo. Sau đó, học thuyết sẽ trở thành kim chỉ nam và triết lý nghiệp vụ cho công tác tư vấn sau này. Học thuyết cũng sẽ giúp tư vấn viên xác định được nhu cầu của thân chủ. Tương tự, một hệ thống khung tư duy căn bản (basic thinking system) cũng không kém phần quan trọng. Tư vấn viên cần tập trung cho mình một hệ thống căn bản bao gồm những tư tưởng, nguyên tắc, và hành vi phù hợp với nghiệp vụ tư vấn. Hệ thống tư duy căn bản này giúp tư vấn viên áp dụng hoàn cảnh cụ thể của thân chủ vào học thuyết mà tư vấn viên đã sử dụng, nhằm xây dựng những kế hoạch tư vấn mục tiêu và quá trình tư vấn cho thân chủ. Học thuyết được thành lập bởi những chuyên viên ưu việt, người đã xây dựng tư tưởng dựa trên kinh nghiệm làm việc của họ. Các nhà sáng lập học thuyết liên tục theo dõi tính thực tế và khả thi của những tư tưởng mà họ sử dụng để xây dựng học thuyết của mình. Tuy nhiên, những nhà học thuyết đều công nhận rằng không có một học thuyết nào có thể áp dụng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng và phức tạp của thân chủ. Tất nhiên có những học thuyết được xây dựng kỹ lưỡng và đầy đủ hơn những học thuyết khác. Tính chất đặc trưng của một học thuyết Một học thuyết tốt bao gồm 5 đặc tính sau, theo Hansen, Stevic, và Waner (1986): 1. Rõ ràng, dễ hiểu và có thể trao đổi được với mọi người. Đấy là một tổng thể hợp nhất và không có các điểm mâu thuẫn trong cùng một học thuyết.
  28. 2. Toàn diện, đặc tính này cho phép học thuyết có thể áp dụng được vào tất cả những hiện tượng khả dĩ có thể xảy ra trong thực tế. 3. Thiết thực, có tính được khám phá, dựa trên mẫu thiết kế của học thuyết, áp dụng và thể nghiệm được. 4. Cụ thể trong liên hệ với kết quả mong đợi, vì học thuyết cho phép người sử dụng để tìm ra kết quả khá quan trong quá trình áp dụng. Tính khả thi và ứng dụng của học thuyết. 5. Hữu ích cho người sử dụng, cung cấp hướng dẫn cần thiết cho người muốn kiểm nghiệm và áp dụng. Ngoài ra, một học thuyết tốt cần phải phù hợp với triết lý sống và nhân sinh quan của một cá nhân. Shertzer và Stone (1974) đề nghị một tư vấn viên nên thật sự thoải mái với một học thuyết như chuyện mặc quần áo vừa vặn. Giống như quần áo, nó có thể sửa đổi, cát xén sao cho thật vừa vặn. Họ khuyến cáo tư vấn viên nên sử dụng học thuyết một cách uyển chuyển, linh động. Auvenshine và Noffsirger (1984) cũng khuyên, một tư vấn viên làm việc hiệu quả là người biết tổng hợp, chọn lọc, áp dụng nhiều học thuyết khác nhau một cách thích hợp với những trường hợp khác nhau, tuy nhiên cần tôn trọng những đường lối căn bản của những học thuyết đang được sử dụng. Tầm quan trọng của học thuyết Học thuyết là nền tảng quan trọng cho tư vấn có hiệu quả. Nó mời gọi tư vấn viên trong việc tận dụng một cách có quan tâm và sáng tạo ở khuôn khổ của học thuyết, giúp thăng tiến mối quan hệ trong tư vấn, phát triển hướng giải quyết và thông cảm giữa hai bên.
  29. Học thuyết còn cung cấp phương tiện cho quan hệ hai bên được nảy nở. Nó cũng giúp để những nan đề của thân chủ được phơi bày. Nó còn giúp tư vấn viên trung thành với đạo đức nghiệp vụ và xác định được vị trí của tư vấn viên trong bức tranh toàn cảnh, trong suốt quá trình tư vấn. Học thuyết cũng giúp giải thích những gì đang xảy ra trong quan hệ tư vấn. Vì thế, tư vấn viên có thể dự đoán, đánh giá, điều chỉnh, nhằm tăng tính hiệu quả của kết quả tư vấn. Học thuyết cho phép ứng dụng khoa học được áp dụng trong tư vấn. Nó cho phép tư vấn viên quan sát. Học thuyết cũng tạo cơ hội cho tư vấn viên áp dụng những tư tưởng mới của mình vào hệ thống tư tưởng của học thuyết, tạo nên tính năng động trong sáng tạo. Vì thế học thuyết giúp giải thích và đem lại sự hòa hợp giữa những gì tư vấn viên quan sát từ thực tế và hệ tư tưởng trong học thuyết. Nói khác đi, học thuyết giải thích tại sao về những thao tác của khách hàng, vì thế trong quá trình giúp đỡ, tư vấn viên sẽ biết làm như thế nào khi trợ giúp thân chủ. Price và Boy (1983) đã nêu ra tại sao một học thuyết tốt sẽ hữu ích cho một tư vấn viên: 1. Học thuyết giúp tư vấn viên liên hệ và nắm bắt được tính đa dạng của những nan đề trong cuộc sống. 2. Học thuyết yêu cầu tư vấn viên giám sát quan hệ trong tư vấn như một nhắc nhở bắt buộc. 3. Học thuyết cung cấp tư vấn viên những hướng dẫn xử lý tình huống để họ có cơ sở đánh giá quá trình phát triển khả năng chuyên nghiệp của mình.
  30. 4. Học thuyết giúp tư vấn viên nắm bắt dữ kiện, và vì thế có thể biết trước loại dữ kiện nào cần tìm, chủ động hơn trong tác nghiệp. 5. Học thuyết giúp tư vấn viên làm việc hiệu quả hơn với thân chủ trong quá trình điều chỉnh những hành vi tiêu cực 6. Học thuyết giúp tư vấn viên đánh giá lối tiếp cận cũ và mới trong quá trình tư duy. Nói khác đi, một học thuyết tốt sẽ cung cấp nền tảng cho những lối tiếp cận mới với nan đề trong quá trình tư vấn. 6. Học thuyết nguyên thủy và tổng hợp các học thuyết Ban đầu, trong tư vấn, những học thuyết được sử đụng dưới hình thái nguyên dạng, và tư vấn viên được yêu cầu phải trung thành với một học thuyết. Tuy nhiên, càng gần về sau, ý tưởng vận dụng một cách có chọn lọc và áp dụng các học thuyết khác nhau đang trở nên càng phổ thông hơn. Lazareus và Beuler (1993) cho biết hiện nay ở Hoa Kỳ, từ 60 - 70 phần trăm các tư vấn viên tự nhận họ thuộc phái tổng hợp học thuyết (eclectism). Họ chủ trương sử dụng nhiều học thuyết và áp dụng nhiều kỹ năng khác nhau để áp dụng sao cho phù hợp với từng nhu cầu cá biệt của mỗi thân chủ. Một điều cần lưu ý khi sử dụng những học thuyết khác nhau, tư vấn viên cần sử dụng học thuyết sao cho gần gũi và phù hợp với khả năng tiếp nhận và sự lĩnh hội của thân chủ nhất. Một trở ngại lớn cho những tư vấn viên mới vào nghề là chuyện họ không nắm vững các thao tác của mỗi học thuyết. Để tránh tình trạng trên, tư vấn viên cần kiên nhẫn với một vài học
  31. thuyết căn bản trước, sau đó từ từ triển khai áp dụng sang những học thuyết khác. 7. Hệ thống khung tư duy trong tư vấn Hệ thống khung tư duy (thinking system) trong tư vấn được quy định dựa trên hai cơ sở chính: (1) Tập trung vào tiêu chí của tư vấn là phát triển đời sống lành mạnh; (2) Mục tiêu của tư vấn là tập trung vào can thiệp, trị liệu đối với rối loạn tâm lý và rối loạn chức năng. Để có hiệu quả, tư vấn viên cần đứng ở vị trí trung lập giữa hai hệ khung tư tưởng trong tư vấn vừa kể ra. Đây là việc rất cần, giống như việc họ cần trung thành với một học thuyết (đã nêu ở phần trên). Nói rõ hơn, hiệu quả tư vấn tùy thuộc vào mức độ tập trung của một tư vấn viên đối với quá trình áp dụng thao tác nghiệp vụ vào hệ thống khung tư tưởng trong tư vấn - đảm bảo thường xuyên tính trung lập của mình - nghĩa là tránh có thành kiến với lối suy nghĩ của người khác. Thiếu hệ thống khung tư duy tư vấn: Nhiều tư vấn viên không đi theo một hệ thống khung tư duy trong tư vấn thường lạc lối và hiệu quả tư vấn, chất lượng tư vấn cũng không cao. Họ giống người cỡi ngựa chạy lang thang trên cánh đồng, không có định hướng. Hệ thống tư duy tư vấn phát triển / đời sống lành mạnh: Tư vấn viên đi theo hệ thống tư duy này thường tin tưởng vào kinh nghiệm sống và sự phát triển của con người trong bối cảnh của những ứng xử và hành động. Với họ, những nan đề trong cuộc sống là vấn đề thuộc về mức độ phát triển của một giai đoạn trong tiến trình phát triển của con người. Và như thế, hành vi của cá nhân ở
  32. một thời điểm có thể sẽ không phù hợp ở một thời điểm khác. Nhiệm vụ của tư vấn viên là giúp thân chủ có hành vi thích hợp với giai đoạn phát triển phù hợp với tuổi tác của cá nhân. Vì thế, khi phỏng vấn lần đầu (initial interview), tư vấn viên cần xem xét nếu thân chủ đã phát triển đến giai đoạn nào và như thế những biện pháp ứng dụng sẽ phù hợp với giai đoạn phát triển của thân chủ. Với hệ thống tư duy nhắm đến phát triển thăng tiến đời sống lành mạnh, tư vấn viên phải ý thức được rằng con người vốn sẵn có bản năng tích cực. Nhiệm vụ của họ là khơi dậy trong thân chủ những nhân tố tích cực, khả năng sống tốt, và các mặt mạnh của họ. Như thế thân chủ sẽ có thêm niềm tin vào bản thân cũng như niềm tin vào cuộc sống. Sau đó thân chủ sẽ tự tin hơn và có thể tự giải quyết được những vấn đề của bản thân. Nan đề không còn là điều bí hiểm khó hiểu, song đó là vấn đề cần được khắc phục. Với hệ thống tư duy con người phát triển: Thân chủ được hướng dẫn để hiểu rõ vấn đề trong hoàn cảnh hiện tại. Họ được cung cấp những kỹ năng cần thiết để xử lý những vấn đề đó. Kết quả nhắm tới là họ không chỉ giải quyết vướng mắc trong hiện tại, nhưng có cả khả năng đối phó với những vấn đề tương tự trong tương lai. Tóm lại, hệ thống tư duy tư vấn phát triển đời sống lành mạnh mang tính ngăn chặn đề phòng, mang tính giáo dục. Tư vấn viên giúp thân chủ hiểu được những mảng liên quan của đời sống con người. Thân chủ vì thế sẽ chủ động hơn nhiều trong quá trình tư vấn, nhất là khi họ xác định được tai trò hoàn cảnh của họ nằm ở đâu trong bức tranh toàn cảnh của cuộc sống.
  33. Hệ thống tư duy tư vấn theo mô hình y học / bệnh lý: Đối ngược với hệ thống tư tưởng phát triển/ đời sống lành mạnh, hệ thống mô hình y học/ bệnh lý yêu cầu thân chủ phải được điều trị dựa trên chẩn đoán lâm sàng. (Dựa vào bảng phân loại: Diagnostic anh Statistical manual 4th edition DSM IV. Đây là một cẩm nang chỉ rõ tiêu chuẩn chẩn đoán những rối loạn tâm thần. Nhiều học giả vẫn có nhiều ý kiến khác nhau mặc dù DSM IV là một cẩm nang được sư dụng rất rộng rãi. Theo họ, cuốn cẩm nang trên không dựa vào một học thuyết nào, chỉ nhắm vào những chẩn đoán cá nhân, hoàn toàn bỏ qua những mảng quan hệ khác của đời sống con người, như văn hóa, xã hội, môi trường Một lợi thế của DSM IV là, nó cho phép tư vấn viên ghi nhận một cách cụ thể hiện trạng của thân chủ. Nhất là lối chẩn đoán 5 trục (axis) bao gồm những khu vực chức năng hoạt động và tên gọi của rối loạn tâm thần của thân chủ, điều đó cho phép các chuyên gia khác nắm bắt được tình trạng hiện thời của một thân chủ một cách có hệ thống, mỗi khi họ có nhu cầu thảo luận và trao đổi về bệnh án của thân chủ. Tư vấn theo hệ thống tư tưởng này dễ rơi vào tình trạng gào tên bệnh cho thân chủ. Tất nhiên, một khi đã được chẩn đoán, nhất là chẩn đoán về một rối loạn tâm lý nào đó, thân chủ sẽ chịu một ảnh hưởng tâm lý khó tránh khỏi do việc mình đã bị/ được chẩn đoán và bị gán cho là có bệnh tâm thần. Đây là điều hoàn toàn nên tránh, chỉ áp dụng khi thật cần thiết mà thôi. 8. Tham gia những hoạt động liên quan đến tư vấn chuyên nghiệp
  34. Trở thành tư vấn viên là một quá trình phát triển tiếp diễn gắn liền với đời sống và nghiệp vụ, không dừng lại sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo. Được cấp chứng chỉ, đấy mới là khởi đầu của một hành trình phấn đấu không ngừng trong nghề nghiệp. Tư vấn viên bắt buộc phải tham gia những chương trình giáo dục tiếp diễn (continuing education). Thiết nghĩ một hệ thống như thế sẽ giúp tư vấn viên có được những đơn vị giờ học (tối thiểu để giúp cho nghề này được bảo đảm cập nhật), từ những chương trình giáo dục tiếp diễn. Tư vấn viên cần được yêu cầu giám sát. Việc này sẽ giúp tư vấn viên cập nhật hóa, đồng thời bảo đảm tính chuyên môn của ngành Tư vấn cũng như tăng thêm chất lượng phục vụ cho thân chủ. Giáo dục tiếp diễn: Một bắt buộc cho tất cả tư vấn viên hành nghề ở Hoa Kỳ. Lý do chính là vì ý tưởng và ứng dụng trong phương pháp điều trị luôn thay đổi và biến hóa. Tư vấn viên không chịu đọc, tham khảo, tham gia những chương trình hội thảo sẽ chóng bị lạc hậu về mặt kiến thức chuyên môn. Vì thế tham gia giáo dục tiếp diễn sẽ giúp tư vấn viên nhạy bén với những bổ sung trong nghề và hiệu quả hơn trong công tác; tránh tình trạng tụt hậu. Vai trò của giám sát: Là tiến trình người có kinh nghiệm giám sát và giúp người ít kinh nghiệm hơn về những mặt liên quan đến hoạt động tư vấn. Người giám sát không chỉ cung cấp những chia sẻ mang tính giáo dục mà cả những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác và cuộc sống. Hầu hết những trường đại học có chương trình đào tạo tư vấn tâm lý cần chú trọng đến công tác giám sát. Đây là cách tốt nhất để đào tạo những thế hệ tư vấn tâm lý có chuyên môn và kỹ năng vững vàng để phục vụ. Các tư vấn viên được cấp chứng chỉ cần nỗ lực và hăng hái trong việc nhận thực tập sinh mới. Đây cần được xem như là một nghĩa vụ cao cả chứ không
  35. nên là một chọn lựa, càng không phải là một ơn huệ, giành cho những thực tập sinh đang cần có thêm kinh nghiệm. Ủng hộ viên: Là những hoạt động tư vấn viên giành thời gian cho công cuộc tư vấn ở cấp địa phương cũng như cấp liên tỉnh, cấp quốc gia. Điều này không chỉ có tác động tích cực cho ngành Tư vấn mà còn có lợi ích cho xã hội nói chung. Ủng hộ có nhiều hình thức như: mua sách báo liên quan đến ngành, tham gia viết bài chia sẻ kinh nghiệm của mình, đóng góp và tham gia các chương trình phúc lợi công cộng, nhằm tạo một hình ảnh tích cực của dịch vụ tư vấn với xã hội. 9. Kết luận Tóm lại, một tư vấn viên làm việc có hiệu quả là một nhân tố then chốt trong công tác tư vấn. Ngoài những đức tính thiên phú sẵn có, họ còn phải trang bị cho mình kiến thức và được đào tạo hẳn hoi. Họ cần tiếp tục quá trình giáo dục và phát triển nghề nghiệp. Tư vấn viên cần trang bị cho mình một học thuyết và sử dụng một hệ thống tư vấn căn bản. Điều quan trọng nhất mà một tư vấn viên cần ghi nhớ là đào tạo công tác tư vấn không kết thúc sau khi tốt nghiệp và nhận việc. Trái lại, đấy chính là khởi đầu của một quá trình lao động nghiêm túc với một nghề cao quý. Tư vấn viên có kinh nghiệm cần giúp đỡ giám sát những thực tập viên, vì đây không phải là một việc làm dựa trên cơ sở thích thì làm. Tư vấn là một ngành giúp đỡ thật sự. Người yêu nghề nhất định không thể ngồi im để thấy ngành phục vụ của mình không phát triển. Giám sát thực tập sinh là nghĩa vụ của tư vấn viên.
  36. Chương 3 ĐẠO ĐỨC VÀ TÍNH PHÁP LÝ TRONG TƯ VẤN 1. Dẫn nhập Đạo đức trong nghề nghiệp là làm đúng, làm có trách nhiệm, làm hết mình vì công việc. Đạo đức trong nghề nghiệp là không tạo ra những dịch vụ và sản phẩm có hại cho người tiêu dùng. Trong nghề tư vấn, tính đạo đức cũng thế, nó đòi hỏi người tư vấn viên phải luôn chú ý đến nghiệp vụ của mình, sử dụng mọi kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để bảo đảm tính đạo đức trong nghiệp vụ tư vấn. Theo TS.Trần Thị Giồng (2006): lĩnh vực công việc nào cũng đều có những đòi hỏi của đạo đức nghề nghiệp, làm việc với “con người”, một sinh linh quý giá nhất, chúng ta lại càng phải trân trọng tối đa. Để giúp cho những ai đang phải mang trách nhiệm giúp đỡ những con người đang có vấn đề, nghĩa là họ đang ở trong giai đoạn mong manh yếu mềm, thì chúng ta lại cần sự hướng dẫn hơn cả. "Đạo đức trong Tư Vấn là Trị Liệu" chính là những điều giúp chúng ta thực hiện công tác phục vụ “con người’”" một cách hữu hiệu? Từ tinh thần đó, tư vấn viên cần suy nghĩ và lĩnh hội được cái chất nhân văn trong nghề, để từ đó mỗi khi tư vấn cho thân chủ, họ cần nghiêm túc cân nhắc xem những trợ giúp của mình có thật sự đem lại lợi ích cho họ không? Đây không chỉ đơn thuần là nghiệp vụ mà đó là trách nhiệm của chúng ta, những người đã tình nguyện đến với nghề Tư vấn. 2. Khái niệm về đạo đức trong tư vấn
  37. Đối với một quan hệ tư vấn, tính đạo đức trong quá trình tư vấn là một điều quan trọng hàng đầu không thể thiếu được. Nguyên tắc của tư vấn là trợ giúp và giải quyết một vấn đề. Đây là điểm then chốt không thể lơ là đối tới bất cứ một tư vấn viên nào. Để giúp tư vấn viên có một khái niệm rõ hơn về tính đạo đức trong tư vấn, khái niệm tính đạo đức được giới thiệu dưới đây như một tham khảo cần thiết. Đạo đức (ethics): Trong tư vấn là thước đo quyết định xem hành vi của tư vấn viên trong quá trình tư vấn có đúng, có tốt, có làm sai, làm hại đến thân chủ hay không. Nói khác đi, trong quan hệ tư vấn tâm lý, người nhận dịch vụ tư vấn tâm lý có được đối xử công bằng và hợp lý hay không? Họ có đạt được hiệu quả trị liệu hay không? Một tư vấn viên có kỹ năng và kiến thức chuyên môn, song anh ta không có tính đạo đức trong công việc. Với một tư vấn viên như thế, chúng ta không thể không dừng lại để hỏi một câu: Anh ta sẽ làm được gì chứ? Tính đạo đức trong tư vấn, một lần nữa, tinh thần của cụ Nguyễn Du trở nên rất cần thiết để chúng ta suy gẫm: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (Truyện Kiều). Không có tâm, kỹ thuật (tài) có khi gây ra tác hại khôn lường, vì thế cụ còn dạy thêm: Có tài mà cậy chi tài Chữ tài liền với chữ tai một vần. (Truyện Kiều) Đạo đức trong tư vấn khác hơn đạo đức thông thường. Tính đạo đức trong tư vấn đi xa hơn. Có thể nói, nó không chỉ ngừng lại không làm điều xấu cho thân chủ mà câu hỏi được đặt ra ở đây cho tư vấn viên đã làm hết sức vì lợi ích của thân chủ hay chưa?
  38. Tính bảo mật (confidentiality): Trước hết tư vấn viên phải được xác định rõ tư vấn là một ngành dịch vụ rất đặc trưng. Thông tin được trao đổi giữa tư vấn viên và thân chủ là một vấn đề hết sức tế nhị, và cần được giữ đến độ bảo mật tối đa trong những khuôn khổ cho phép. TS.Trần Thị Giồng (2006) nhận định rằng, bí mật là nguyên tắc trong tư vấn. Tư vấn viên luôn đặt an toàn và lợi ích của thân chủ lên mức quan trọng hàng đầu. Thân chủ hoàn toàn có quyền được biết mọi dự tính và kế hoạch ứng xử của tư vấn viên trong những tình huống khi luật pháp xảy ra và quyền lợi của thân chủ có mâu thuẫn, đối ngược với yêu cầu của luật pháp. Trong trường hợp thân chủ phạm pháp, tư vấn viên phải tôn trọng quyền của thân chủ trước. Không chần chừ, tư vấn viên phải thông báo cho thân chủ biết rằng giải pháp hữu hiệu nhất là cộng tác với cơ quan có trách nhiệm. Điều này cần được xúc tiến trong tinh thần đầy trách nhiệm của tư vấn viên. Tư vấn viên phải nêu cao tinh thần tự giác. Thân chủ cần được tư vấn viên giúp để nhận thức được tinh thần tôn trọng công lý. Tư vấn viên cần làm cho thân chủ nhìn rõ rằng tự giác là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân. Nguy hiểm đến tính mạng thân chủ và tính mạng người khác (risk and danger to self and others): Đôi khi thân chủ tiết lộ những ý tưởng và kế hoạch hành động gây hại đến sức khỏe và tính mạng của mình (và người khác), tư vấn viên có nhiệm vụ cất tiếng với những cơ quan hữu trách. Tốt nhất, ngay buổi đầu của quá trình tư vấn (initial interview), tư vấn viên cần giải thích rõ đây là nhiệm vụ nghề nghiệp, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của thân chủ và người khác.
  39. Quan hệ riêng tư (intimacy): Đôi lúc vấn đề trở nên thật tế nhị và rắc rối khi tư vấn viên rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Vấn đề càng trở nên gay cấn và căng thẳng hơn khi thân chủ và tư vấn viên đã có những liên hệ gần gũi, do quá trình tư vấn đã được xây dựng sau một khoảng thời gian nhất định nào đó. Quan hệ tình cảm giữa tư vấn viên và thân chủ là một vi phạm đạo đức trong dịch vụ tư vấn. Vì nó có ảnh hưởng tiêu cực, thiếu lành mạnh đến hiệu quả tư vấn. Đây là vấn đề được nghiêm cấm trong dịch vụ tư vấn ở Hoa Kỳ. Với tư vấn nhóm (group works): Vấn đề đạo đức trong tư vấn nhóm là một vấn đề rất tế nhị. Vẫn biết khi tư vấn nhóm, việc giữ cho thông tin và chia sẻ trong quá trình tư vấn ở một nhóm là một điều gần như bất khả kháng. Tuy nhiên, tư vấn viên trong trường hợp tư vấn nhóm, tư vấn viên có thể rõ ràng trình bày ngay buổi họp nhóm đầu tiên về vấn đề tế nhị này. Hai người nói chuyện trao đổi với nhau đôi khi đã khó giữ kín thông tin. Với nhiều người tham gia, nội dung chuyển sẽ càng khó giữ. Vấn đề nhiều người ở một nhóm chia sẻ, trong quá trình tư vấn, nhất định khó tránh khói xác xuất cao hơn khi thông tin bị rò rỉ, lọt ra khỏi nhóm. Những hành vi thiếu tính đạo đức trong tư vấn xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Nói chung, ngoài xã hội có những khó khăn thử thách nào, đội ngũ tư vấn viên đều vấp phải những thử thách cám dỗ ấy. Có người vượt qua được, có người không kiềm chế được những yếu đuối cố hữu của bản thân, cuối cùng sa ngã, tự đánh mất mình. Tư vấn viên cũng là một con người như bao nhiêu cá nhân khác. Họ cũng có những nhu cầu, nguyện vọng, (và tham vọng). Hoàn cảnh cuộc sống đôi lúc vẫn bày ra những cám dỗ trước mặt tư vấn viên, chăng hạn như những rung cảm có thể chuyển sang vụ lợi
  40. trong tình cảm. Nhiều tư vấn viên có những hành vi gây ra bóng gió xa gần của dư luận có hại. Nhất là những những nguồn tin được sử dụng ngoài mục đích lương thiện, nhằm phục vụ cho những mưu toan phi đạo đức của những nhóm viên. Quan hệ sai tuyến (dual relationship): Là một vấn đề thuộc lĩnh vực cần quan tâm. Dịch vụ tư vấn là dịch vụ có tính quan hệ trị liệu (therapeutic relationship). Vì thế bất cứ quan hệ nào không dựa trên căn bản quan hệ trị liệu sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Tư vấn viên cần tránh những quan hệ ngoài tuyến như: trao đổi hai chiều các dịch vụ, quan hệ tình cảm trái nguyên tắc (dù không phạm pháp) song lại phạm đến tính đạo đức nghề nghiệp. Tư vấn viên sẽ không làm tư vấn cho người nhà, hay tư vấn cho thân chủ có quan hệ làm ăn ngoài xã hội với người nhà của mình. Tư vấn viên không được tư vấn cho bạn bè của mình. Nhiều hành vi phi đạo đức trong tư vấn tâm lý rất xấu và tồi tệ. Nhiều hành vi phạm lỗi nhẹ nhàng kín đáo hơn. Dưới đây là một vài ví dụ của những hành vi phi đạo đức điển hình do Levenson (1986), Pope và Vetter (1992), và Swanson (1983) đã vạch ra: - Vi phạm quyền kín đáo, lộ bí mật thông tin của thân chủ. - Nhận những ca tư vấn vượt ngoài khả năng tư vấn của mình. - Cẩu thả và vô trách nhiệm đối với thân chủ. - Quảng bá liều lĩnh, quáng cáo sai nội dung, tự đánh bóng chuyên môn của mình. - Gán ghép và chèo kéo thân chủ tin theo giá trị và triết lý sống riêng của tư vấn viên. - Cố tình tạo điều kiện để thân chủ phải lệ thuộc vào tư vấn viên.
  41. - Không tận tình giúp thân chủ giải quyết nan đề, câu giờ, kéo dài quá trình tư vấn không cần thiết, mong kiếm thêm thu nhập. - Có hành vi và quan hệ tình cảm trái pháp luật với thân chủ, như ngủ chung chẳng hạn. - Rủ rê và mê hoặc thân chủ vào những phiêu lưu tình cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả tư vấn, đề nghị những hành vi thiếu lành mạnh. - Vấn đề mâu thuẫn trong lợi ích, khi quan hệ tư vấn đi sai tuyến. - Phí tư vấn quá cao. 3. Nội quy và tiêu chuẩn đạo đức đối với tư vấn chuyên nghiệp Thật sự rất cần thiết khi chúng ta phải có một bản điều lệ (codes of conduct) trong đó những nội quy và tiêu chuẩn đạo đức cần được ghi ra thật rõ. Bản điều lệ này phải được đưa vào chương trình đào tạo, được đưa ra trong các kỳ thi tốt nghiệp cấp chứng chỉ. Bản điều lệ nên được khuyến khích rộng rãi, phải được cả tư vấn viên và công chúng dư luận cùng đọc. Đây là tài liệu nên được mọi giới tiếp cận. Tính công khai của bản điều lệ sẽ giúp tư vấn viên theo sát hơn. Thân chủ cũng an tâm hơn và tinh thần cộng tác sẽ cao hơn. Kottler và Van Hoose (1985) đề nghị một bảng điều lệ như thế sẽ giúp ngành Tư vấn, thân chủ và tư vấn viên trên các mặt sau: - Bản điều lệ xây dựng ngành Tư vấn trở thành một ngành có tổ chức.
  42. - Bản điều lệ sẽ cung cấp hướng dẫn cần thiết khi nội bộ ngành sử dụng như một hướng dẫn khi xử lý những vụ vi phạm. - Giúp bảo vệ tư vấn viên vì họ biết đến những phạm trù nào có thể và không có thể phạm đến. - Giúp bảo vệ thân chủ vì tư vấn viên sẽ cảnh giác hơn khi họ có một bản điều lệ. - Giúp thân chủ đánh giá khả năng của một tư vấn viên, vì họ dựa vào bảng điều lệ. Hướng dẫn của bản điều lệ được xây dựng và xuất phát từ nhiều nhân tố chủ quan và khách quan khác nhau. Tư vấn viên trước phải hết tuân thủ những điều lệ nói trên một cách triệt để, vì nó là bản đồ, là kim chỉ nam, là những hướng dẫn cần thiết giúp họ không sa ngã, vấp váp vào những sai phạm đáng tiếc trong nghiệp vụ tư vấn. Tư vấn viên không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ bản điều lệ, họ cần tự hào và quý trọng bản điều lệ đó, vì đó là văn bản chính thức giúp bản thân và những đồng nghiệp khác làm tốt trách nhiệm của một tư vấn viên tốt. Những gợi ý của một bản điều lệ nên tập trung vào những tiêu chuẩn sau: - Tư cách nghề nghiệp và lợi ích của thân chủ. - Trách nhiệm của tư vấn viên, những hành vi được làm và những điều cấm. - Cân nhắc về quyền giữ kín thông tin giữa thân chủ và tư vấn viên. - Những quyền của thân chủ được bảo vệ trong quá trình tư vấn.
  43. - Quan hệ trong tư vấn, những nền tảng quan hệ cho phép và không cho phép. - Quyền của những chức năng ban ngành khác, có liên quan đến thân chủ (như cảnh sát, tư pháp, ban ngành khác). - Vấn đề các bộ thử nghiệm (test, battery) dùng trong đánh giá, trong quá trình tư vấn. - Vấn đề liên quan đến đào tạo căn bản và những yêu cầu cần thiết từ tư vấn viên (chứng chỉ, giấy phép hành nghề, văn bằng ). - Vấn đề liên quan đến nghiên cứu, đào tạo, giám sát - Thủ tục giải quyết những tranh chấp giữa tư vấn viên, thân chủ, và những bộ phận thứ ba có liên quan khác. 4. Những giới hạn của của bản điều lệ Như bao nhiêu hệ thống luật lệ và những quy tắc hướng dẫn khác, một bản điều lệ luôn luôn có những ngoại lệ, xuất phát từ những trường hợp đặc biệt nằm ngoài tầm kiểm soát, từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong nhiều trường hợp, bản điều lệ đóng vai trò như một hướng dẫn chung, do đó khó có thể trả lời được những câu hỏi, nảy sinh từ những trường hợp cá biệt. Rất nhiều lúc, tư vấn viên sẽ vấp phải những tình huống không nằm trong bản điều lệ. Hoặc đôi lúc một tư vấn viên phải lưỡng lự trước hai chọn lựa gay cấn, hóc búa Beymer (1971), Corey và Callanan (1988), Mabe và Rollin (1986) Tallbutt (1981) đã liệt ra dưới đây là những trường hợp đặc biệt khi bản điều lệ không thể hoặc khó áp dụng được trong quá trình tư vấn:
  44. - Những trường hợp không thể giải quyết bằng bản điều lệ. - Quá khó khăn khi áp dụng bản điều lệ. - Mâu thuẫn giữa hai điều lệ trong một bản điều lệ với một ca tư vấn đặc biệt. - Bản điều lệ không liệt kê nhưng trường hợp hi hữu. - Luật pháp thay đổi nhưng bản điều lệ vẫn chưa sửa đổi kịp. - Thiếu những điều luật cho nhiều trường hợp có thể xảy ra. - Khó có thể dung hòa, hoặc đáp ứng nguyện vọng của nhiều bên có liên quan. - Điều khoản mập mờ, không rõ ràng. Tất nhiên bản điều lệ là một hướng dẫn căn bản và tư vấn viên đôi lúc sẽ phải tự quyết định trong những trường hợp mơ hồ hoặc không rõ ràng vì tính chất đặc biệt của một ca tư vấn. Thật không dễ khi phải đi đến một quyết định về mặt đạo đức trong tư vấn cho những ca đặc biệt, hi hữu. Đây là một trong những phạm trù nhức đầu của nghề tư vấn. Điều này thường liên quan đến tư cách đạo đức, tính quả cảm liêm chính, lòng can đảm của từng cá nhân một. Ví dụ, cùng một vụ việc, nhiều tư vấn viên sẽ có nhiều quyết định, cắt nghĩa khác nhau, và sẽ có những lối xử lý, cách tiếp cận khác nhau. Để giúp tư vấn viên tránh được những đau đầu không cần thiết, dưới đây là vài gợi ý của Tennyson và Strom (1 986) khi đi đến một quyết định là đối diện với nhưng ngã ba khó xử này: - Lợi ích cho thân chủ (beneficence): làm điều ích và ngăn chặn điều có hại. - Không làm hại (nonmaleficence): không cố ý gây hại.
  45. - Tự giác (autonomy): tôn trọng tự do lựa chọn và phương châm sống của thân chủ. - Công bằng (justice): công bằng, bình đẳng, hợp pháp luật. - Tin cậy (fidelity): tin cậy và trung thành với những cam kết của mình. Như thế, tư vấn viên nên nhớ rằng mình có nhiệm vụ không chỉ tránh những điều có hại mà còn phải chủ động trong việc ngăn chặn những tác hại, không cho chúng xảy ra trong tương lai với thân chủ. Trước khi bắt tay vào quá trình tư vấn, tư vấn viên cần thông báo cho thân chủ biết rằng, trong trường hợp thông tin cung cấp bởi thân chủ, tiết lộ cho thấy nguy hiểm sẽ xảy ra đối với một nhân vật thứ ba nào đó. Trường hợp này, tư vấn viên sẽ thông báo đến những cơ quan có chức năng nhằm bảo vệ người có khả năng sắp bị hại bởi thân chủ. Trong nhiều trường hợp, nếu đồng nghiệp làm sai, tư vấn viên có nhiệm vụ ngăn chặn đồng nghiệp bằng cách động viên tư vấn viên đồng nghiệp hãy tự giác giải quyết, xử lý nội vụ một cách thỏa đáng. Một tư vấn viên có trách nhiệm sẽ luôn nhắc nhở đồng nghiệp hãy tôn trọng an toàn và lợi ích của thân chủ trước tiên. Ngoài những điều lệ ghi rõ trong bản điều lệ, những gợi ý sau đây giúp tư vấn viên hướng những cố gắng để xác định được bước phải làm khi gặp phải những ca tư vấn hóc búa. Tiêu chí căn bản ở đây vẫn là tính kỷ luật với bản thân và của nguyên tắc làm việc phải thật thà. Tư vấn viên cần: - Trung thực tìm đến với đồng nghiệp, vì họ sẽ giúp ta tháo gỡ những khó khăn.
  46. - Thao tác với tiêu chí lợi ích của thân chủ là trên hết. - Tránh lợi dụng cho bản thân hoặc gây hại cho người khác. - Công bằng trong mọi ứng xử. Giáo dục và đào tạo tư vấn viên về tính đạo đức trong tư vấn, giáo dục về tính đạo đức là một khâu then chốt đối với các trung tâm đào tạo tư vấn viên. Có thể nói đây là cách quảng bá tinh thần đạo đức trong nghiệp vụ tư vấn có hiệu quả nhất đối với đội ngũ tư vấn viên. Việc sử dụng những hoạt cảnh (vignette) hoặc những ca tư vấn hóc búa như những tư liệu giảng dạy trong lớp để học sinh thảo luận sẽ có tác dụng như những lần thực tập thực tế có ý nghĩa. Nhất là đóng kịch từ những hoạt cảnh (role playing) hóc búa. Mỗi tư vấn viên cũng nên biết rằng nơi mỗi cá nhân, quá trình phát triển tư duy đạo đức là một nhân tố có ảnh hưởng đáng kể vào những quyết định mang tính đạo đức. Van Hoose và Paradise (1979) đã đề cập đến quá trình phát triển tư duy đạo đức qua 5 giai đoạn: 1. Sự trừng phạt (punishement orientation): giai đoạn này, tư vấn viên tin rằng họ và thân chủ nếu vi phạm luật xã hội sẽ bị trừng phạt. 2. Luật phục vụ cơ quan (institusional orientation): tư vấn viên tin rằng luật trong cơ quan là bất biến, và anh sẽ triệt để tuân thủ theo luật của cơ quan anh làm việc. 3. Luật phục vụ xã hội (societal orientiation): giai đoạn này, tư vấn viên coi luật của xã hội là quan trọng. Khi đứng giữa xã hội và thân chủ, tư vấn viên sẽ chọn giải pháp phù hợp với luật xã hội.
  47. 4. Luật phục vụ cá nhân (individual orientation): tư vấn viên dù vẫn quan tâm đến luật xã hội nhưng anh ta đặt lợi ích của cá nhân (thân chủ, hoặc tư vấn viên) lên trên luật xã hội. 5. Luật phục vụ lương tâm (principle [conscience] orientation): tư vấn viên tin rằng giải pháp trong hệ thống tư duy (tư tưởng) của họ quan trọng hơn luật xã hội. Đây là một điểm cần chú ý, vì quá trình tư duy đạo đức này có thể dẫn đến những chủ quan trong quá trình tư vấn. Và vì thế, có thể sẽ gây ra những sai sót đáng tiếc, rất có thể xảy ra trong nghiệp vụ. Khi cảnh giác được tiến trình phát triển trên, tư vấn viên có thể sẽ tự điều tiết hoặc bản thân hoặc để cảnh giác với đồng nghiệp. Vài câu hỏi sau đây sẽ giúp tránh được những sai sót không cần thiết: - Tại sao tôi chọn quyết định ấy? - Ai sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định ấy của tôi? - Cái gì đã khiến tôi chọn giải pháp ấy? - Giải pháp ấy ảnh hưởng đến ca tư vấn ra sao? - Tôi đã tận dụng các nguồn giải pháp chưa? - Khi nào là lúc thuận tiện thực hiện giải pháp? Welfel (1998) đã đề nghị chín bước dẫn đến quyết định đạo đức trong tư vấn như sau: 1. Thiết lập hệ thống nhạy cảm về tính đạo đức trong tư vấn (tinh thần cảnh giác). 2. Vạch rõ chân dung nan đề và những giải pháp khả thi nhất. 3. Tìm trợ giúp trong tiểu chuẩn chuyền nghiệp, hay từ bản điều lệ.
  48. 4. Tìm thêm dữ liệu về đạo đức trong nguồn học vấn, thư viện, sách vở, đồng nghiệp. 5. Áp dụng tiêu chuẩn đạo đức vào trường hợp cụ thể, có cân nhắc. 6. Tham khảo với người có nhiều kinh nghiệm trong nghiệp vụ tư vấn (nếu là thực tập sinh) 7. Suy nghĩ, cân nhắc, sau đó quyết định cẩn thận. 8. Thông báo cho người giám thị của mình (nếu là thực tập sinh), thực hiện quyết định; lưu lại báo cáo. 9. Suy nghĩ và lưu trữ quá trình xử lý như một kinh nghiệm nghề nghiệp. Những trường hợp cá biệt trong tư vấn liên quan đến đạo đức thường xảy ra trong những môi trường sau: Trường học (tư vấn viên học đường bênh vực quyền cho nhà trường, thay vì bênh vực cho học sinh). Máy vi tính (khi thông tin về thân chủ có thể bị người khác đọc được). Hôn nhân - gia đình (khi vợ chồng có mâu thuẫn về mục đích và động cơ trong quá trình tìm giải pháp - tư vấn viên sẽ dễ thiên vị, đánh mất tính vô tư và vai trò trung lập của mình). Với nhóm đối tượng thân chủ đặc biệt (người già, người nghiện, người tàn tật vốn không có nhiều uy tín trước mặt mọi người, nhàm chán, lú lẫn). 5. Quan hệ ngoài tuyến (dual relationship)
  49. Đây là một điều rất tai hại và là một tập quán không phải hiếm trong nhiều ca tư vấn khi tư vấn viên và thân chủ không tuân thủ những quy định lành mạnh trong việc không xác định được một quan hệ thuần tuý lành mạnh và chuyên nghiệp trong quá trình tư vấn. Quan hệ ngoài tuyến có thể coi như là một hoạt động thiếu tính đạo đức trong đó quan hệ giữa tư vấn viên và thân chủ không chỉ dừng lại ở giới hạn chuyên môn mà đi xa, lan lấn qua những quan hệ khác. Dù được hai bên thoả thuận và không nhất thiết là phạm pháp - quan hệ ngoài tuyến sẽ giảm thiểu danh dự và uy tín của tư vấn viên rất nhiều. Vấn đề được đặt ra, nếu hai bên đã thỏa thuận; có gì là không ổn khi họ tự nguyện, hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến người khác? Đúng - quan hệ ngoài tuyến không ảnh hưởng đến người khác, nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến tiên trình tư vấn. Vì thế sẽ có tác hại đối với thân chủ. Tuy thế, khi xem xét kỹ, ta nhận thấy tác dụng của tư vấn là tìm ra giải pháp. Ta biết, những quan hệ ngoài tuyến không dính dáng, liên quan gì đến quá trình tư vấn có thể ảnh hưởng đến quan hệ chính trong tư vấn. Nhiều khi, quá trình tư vấn tìm giải pháp chưa đạt kết quả, việc quan hệ ngoài tuyến sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tiến trình tìm ra giải pháp hiệu quả cho vấn đề. Nhiều lúc, tác hại của quan hệ ngoài tuyến còn gây tác hại ảnh hưởng về lâu về dài. Tư vấn viên sẽ quen với lối làm việc không hiệu quả, thiếu tôn trọng thân chủ, lỏng lẻo với kỷ luật bản thân. Phía thân chủ thì họ mất niềm tin nơi dịch vụ tư vấn.
  50. Vì thế, một quan hệ trong quá trình tư vấn, trước hết phải là một quan hệ hết sức chuyên nghiệp (professional). Hoàn toàn dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Không thể là một quan hệ chồng chéo, sai tuyến, lệch lạc, vặn vẹo, khúc xạ. Quan hệ ngoài tuyến có thể xuất hiện dưới nhiều hình thái. Đôi khi nhìn vào, những quan hệ này tưởng như rất vô hại: bình thường, chẳng hạn như trao đổi hai chiều hay quan hệ giữa trai đơn gái chiếc, không ràng buộc bởi luật hôn nhân gia đình - hoàn toàn hợp pháp nhé. Khi quan hệ trong quá trình tư vấn không còn thuần túy dựa trên căn bản trợ giúp và mục đích hoạt động không còn chú trọng đến việc tìm ra giải pháp cho nan đề. Phần nhiều, những quan hệ ngoài tuyến thường là quan hệ tình cảm nam nữ giữa tư vấn viên và thân chủ. Ngoài ra những quan hệ khác như vừa tư vấn vừa trở thành bạn bè, làm ăn chung, trao đổi dịch vụ, giới thiệu tư vấn viên với gia đình (hoặc ngược lại) Nhiều người cho rằng những quan hệ ngoài tuyến có vẻ vô hại, hoặc tệ hại hơn, người ta cho rằng những qua lại nho nhỏ ấy có thể tăng thêm tinh thần gắn bó giữa hai bên. Đấy thật ra là những sai lầm nghiêm trọng, mặc dầu bên ngoài là có vẻ vô hại, nhưng bên trong, quá trình tư vấn đã bị ảnh hưởng, ở một mức độ rất sâu, khó nhận ra. 6. Làm việc với đồng nghiệp có những dấu hiệu không đạo đức Khi một tư vấn viên phát hiện ra đồng nghiệp có những biểu hiện không lành mạnh, thiếu đạo đức trong chuyên môn nhiệm vụ của tư vấn viên là tiếp cận đồng nghiệp và yêu cầu họ có những
  51. hành động cụ thể xoá bỏ và chấm dứt ngay những hành vi không phù hợp với tiêu chí nghiệp vụ tư vấn. Tại sao phải hành động như thế? Thứ nhất, nếu tư vấn viên làm ngơ với đồng nghiệp, tự động tư vấn viên ấy đã để cho kỷ luật nghề nghiệp của họ những cơ hội bị xói mòn. Và từ đó họ càng dễ dãi với những hành vi của đồng nghiệp trong tương lai. Hơn nữa, tư cách của một tư vấn viên thường được phản ảnh qua đồng nghiệp. Chúng ta có trách nhiệm lên tiếng, bảo vệ đồng nghiệp trước khi họ đi quá xa. Chưa kể những trường hợp đồng nghiệp không có những kiến thức căn bản về tính đạo đức trong nghiệp vụ tư vấn. Hoặc nhiều lúc vô ý, đồng nghiệp không nhìn thấy việc họ làm là vi phạm tính đạo đức. Vì thế, ta càng cần nên có trách nhiệm giúp đỡ bạn đồng nghiệp nhiều hơn. Sau đây là vài gợi ý khi tiếp cận với đồng nghiệp có biểu hiện sai lạc trong tư cách đạo đức. 1. Cẩn thận thu gom đầy đủ dữ kiện một cách kín đáo, tế nhị. 2. Trao đổi với đồng nghiệp một cách khách quan những gì bạn thấy, nghĩ. 3. Sử dụng những văn bản hiện hành để giới thiệu cho đồng nghiệp về những sai phạm. 4. Luôn thể hiện tinh thần tôn trọng và mối quan tâm thật sự. 5. Bình tĩnh, từ tốn, những dứt khoát trong quan điểm đạo đức nghề nghiệp. 6. Để ý, quan sát nếu như bạn đồng nghiệp có những biểu hiện cải thiện - khích lệ họ khi những biến chuyển tích cực xảy ra. 7. Có biện pháp hành động tùy theo phản ứng của bạn đồng nghiệp.
  52. 7. Kết luận Tính đạo đức trong tư vấn là một yếu tố quan trọng, then chốt trong công tác tư vấn. Có thể nói, đạo đức trong tư vấn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của một tư vấn viên. Thân chủ không ngẫu nhiên tìm đến dịch vụ tư vấn, họ là những người gặp khó khăn thật sự, vì thế, không giúp đỡ họ tận tình đã là một thiếu sót. Lợi dụng họ hoặc làm điều có hại lại càng là một sai phạm lớn hơn. Tất nhiên những thử thách và cám dỗ không hẳn là không tấn công đội ngũ tư vấn viên, vì thế, chúng ta cần cảnh giác với những cám dỗ ấy, có hành động ngăn chặn kịp thời và chủ động. Và sau cùng, quan tâm đến đồng nghiệp là một điều chúng ta nên cố gắng. Vì chúng ta không đến với xã hội bằng mỗi cá nhân, mà chúng ta làm việc với một đội ngũ những tư vấn viên. Bảo vệ tính đạo đức trong ngành Tư vấn không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nghĩa vụ. Một nghĩa vụ không thể sao nhãng, lơi lỏng được. Chương 4 TƯ VẤN TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI PHONG PHÚ 1. Dẫn nhập Con người luôn có những đòi hỏi liên đới mật thiết với những cá nhân khác trong xã hội. Không phải cứ sống trong một xã hội đa chủng như Hoa Kỳ hay nước Úc chúng ta mới trải nghiệm được những khác biệt rất đa dạng của cuộc sống đa văn hoá.
  53. Trong bất cứ xã hội nào, tính đa văn hoá cũng tồn tại và phát triển. Chúng ta sẽ luôn thấy có những đại diện khác nhau trong một xã hội. Đây cũng chính là tính đa dạng và phong phú của xã hội. Với Việt Nam, một đất nước trải dài 3620 km bờ biển và 1650 km đường chim bay từ cực bắc đến cực nam; có những phong tục tập quán rất khác biệt giữa vùng cao và vùng xuôi, miền Nam, Trung, Bắc, nhiều sắc dân. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện tại, nước nhà mở cửa ra với thế giới, những giá trị văn hoá khác du nhập vào, càng làm cho tính đa văn hoá trở nên phong phú, muôn màu sắc. Công tác tư vấn là một công tác đem dịch vụ trợ giúp đến xã hội, thông qua làm việc với từng cá nhân riêng biệt. Điều này cho chúng ta thấy, tư vấn viên tất nhiên phải tiếp cận với xã hội, đòi hỏi họ phải có một não trạng và chuẩn bị sẵn sàng làm việc với từng cá nhân, hoặc nhóm riêng biệt. Tất nhiên trong bối cảnh xã hội phong phú, tư vấn viên cần chủ động trên mặt trận văn hóa trong công tác tư vấn đối với từng cá nhân, nhóm có hoàn cảnh văn hóa xã hội khác nhau - vì phần lớn những ứng xứ và nhận thức của con người đến từ văn hóa Xã hội luôn có những nhóm người và họ thuộc những tầng lớp khác nhau. Từ đó, một tư vấn viên cần có những khái niệm căn bản về tính đa dạng ở mặt văn hoá của xã hội là điều không thể xem nhẹ. Thiết tưởng khái niệm văn hóa rất cần được thảo luận rõ ràng. 2. Khái niệm văn hóa Văn hóa là một khái niệm có thể định nghĩa qua nhiều khía cạnh khác nhau. Nó bao gồm những đại lượng thuộc về chủng học, như nhân học, dân tộc học, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục. Những
  54. đại lượng thuộc nhân khẩu học, như tuổi tác giới tính, nơi sống. Ngoài ra còn có những đại lượng xã hội, như nghề nghiệp, trình độ giáo dục, sức khỏe, thu nhập kinh tế Định Nghĩa: Từ đó, một định nghĩa thật rộng về một nền văn hóa, có thể được gọi là: Bất cứ một nhóm những cá nhân liên kết với nhau, có chung một bối cảnh xã hội, chung mục đích, và cùng có chung những nhu cầu tương tự. Ngoài ra trong một xã hội sẽ có những nhóm văn hóa đem theo những kinh nghiệm rất đặc trưng rất khác nhau của những con người trong các nhóm này như: niềm tin, triết lý sống, nhân sinh quan, giá trị sống. Ví dụ, một người thuộc giới dân cư lao động nghèo sẽ có những não trạng rất khác với một người thuộc nhóm trong giới trí thức, quân đội, kinh doanh thương mại, hay giới công nhân viên chức. Đa văn hóa: Vì tính đa dạng nhiều mặt của văn hóa, từ ngữ đa văn hoá trở thành một từ khá phổ biến trong thuật ngữ xã hội học hiện đại. Khó có một khái niệm thống nhất về đa văn hoá. Và có thể hiểu, đa văn hoá là nhiều nhóm văn hoá nhỏ cùng tồn lại song song với nhau trong một nền văn hoá của một dân tộc, đất nước. Một tư vấn viên, nếu không có não trạng cần thiết về khái niệm đa văn hoá, anh ta sẽ dễ rơi vào lúng túng khi tiếp cận với những thân chủ có quá nhiều điểm khác biệt với tư vấn viên; xét trên bình diện văn hóa. Ý thức sâu sắc được mỗi cá nhân sẽ thuộc về một nhóm văn hóa nhất định trong xã hội (gồm nhiều thành phần - đa văn hóa) sẽ giúp tư vấn viên cảnh giác khi tiếp cận những thân chủ. Như thế quá trình tư vấn sẽ đạt được những hiệu quả thiết thực và đáp ứng được chính xác nhu cầu tư vấn của từng thân chủ.
  55. Với kiến thức về đa văn hoá, tư vấn viên có thể mạnh dạn thẩm định khả năng của mình trong việc đem đến những dịch vụ tư vấn bổ ích cho thân chủ. Như đã trình bày trong chương 3 về tính đạo đức trong tư vấn, một tư vấn viên phải chú trọng đến lợi ích của thân chủ, không được làm hại đến thân chủ. Nên biết, khác biệt về văn hóa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ và chất lượng tư vấn. Đôi khi có ảnh hưởng của đối chọi trong hệ văn hoá tư tưởng sẽ có những phản tác dụng với mục tiêu tư vấn. Ví dụ, nếu như một tư vấn viên hoàn toàn có thành kiến với quan niệm đồng tình luyến ái. (Dù đây là một điều hoàn toàn có thể chấp nhận được trong não trạng của mình), tư vấn viên này nhất định không nên cung cấp dịch vụ tư vấn cho thân chủ đã trình bày rõ ràng anh ta là người đồng tình luyến ái. Một thân chủ sẽ mạnh dạn tự nhiên hơn khi tư vấn viên có cùng một hoàn cảnh văn hoá như họ. Điều này sẽ giúp tư vấn viên ứng xử sao để sự đồng cảm có thể đạt hiệu quả cao nhất. Tư vấn viên cần chủ động trong mảng văn hoá khi thực hiện tư vấn. Hoàn toàn có thể chấp nhận được, nếu tư vấn viên từ chối làm việc với một thân chủ vì lý do khác nhau về văn hóa tư tưởng. Nhiệm vụ của tư vấn viên là mạnh dạn trình bày quan điểm của mình về vấn đề tế nhị này. Nếu thân chủ vẫn yêu cầu tiếp tục được tư vấn, tư vấn viên có thể thử một lần. Tuy nhiên, khi phát hiện ra hiệu quả không đạt được, tư vấn viên sẽ giới thiệu thân chủ với một tư vấn viên khác, thích hợp với thân chủ hơn. 3. Những khó khăn trong công tác tư vấn đa văn hoá
  56. Một vấn đề nóng bỏng đến từ hiện thực đa văn hoá là tư vấn viên đánh giá không chính xác về điều kiện cụ thể và não trạng của thân chủ đến từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau. Con người vốn hay có một lối đánh giá chung hay có thành kiến (stereotype). Ví dụ, họ nghĩ người giàu sẽ keo kiệt và người nghèo sẽ tiêu hoang khi họ có tiền. Hay là phụ nữ thì nhiều chuyện và đàn ông thì thích hảo ngọt. Điều này hoàn toàn không hẳn như thế. Chính vì vậy, thành kiến với những đặc điểm bên ngoài về mặt văn hóa xã hội dễ dẫn đến những hiểu lầm chủ quan, vốn rất dễ xảy ra. Những sai sót này, nếu như tư vấn viên được trang bị và có cảnh giác trong quá trình tư vấn, họ có thể tránh được. Ngôn ngữ là một khó khăn không nhỏ. Ta biết, mỗi một nhóm người trong xã hội có một nhóm từ vựng ngôn ngữ riêng. Đôi lúc ta vẫn nghe thấy người ta bảo: Ông ấy ăn nói nghe chính trị lắm. Bà ấy nói chuyện sặc mùi tiền. Anh ta dân võ biền, ăn nói chắc như đinh đóng cột. Cậu phải để ý, họ dùng toàn thuật ngữ chuyên môn Như thế, tuy rằng ngôn ngữ chung là tiếng Việt, nhưng ngôn ngữ văn hóa của một nhóm nào đó lại có những từ vựng và não trạng riêng. Nắm bắt được điều này, tư vấn viên sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp, để những chia sẻ trong quá sinh tư vấn sẽ vận hành nhịp nhàng thuận lợi, tạo ra những hiểu biết cần thiết. Đối xử phân biệt với thân chủ (discrimination): Là một thách thức nhức nhối đối với những người làm công tác tư vấn. Nhiều lúc chúng ta bắt gặp những đối tượng thân chủ hoàn toàn
  57. không hợp với cảm giác làm việc; thật đáng buồn, do chủ yếu chỉ vì họ không được giống như chúng ta. Tư vấn viên không đối xứ với thân chủ một cách bình đẳng, không có tôn trọng là phạm đến lỗi đối xử phân biệt với khách. Chẳng hạn, khi tiếp một thân chủ nghèo, cao tuổi, chậm chạp, nếu không có cái tâm, tận tụy với nghề, nhiều tư vấn viên sẽ lộ vẻ không hào hứng, ngán ngẩm ra mặt, điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả tư vấn; như chuyện họ sẽ tư vấn cho xong, gay gắt, thiếu thân thiện, dè bỉu. Một điểm khác cần quan tâm đến là quá trình hội nhập của một cá nhân trong xã hội. Ví dụ, một thân chủ gốc miền Bắc, sau một thời gian sống ở miền Nam, rất có thể não trạng của anh đã miền Nam hóa. Nếu tư vấn viên cẩn thận, khéo léo thăm dò, sẽ tránh được những hiểu lầm, đôi khi không đáng xảy ra. Đừng vì giọng anh ta nói nghe Bắc quá rồi đóng kịch cho Bắc hóa là thiếu tôn trọng. Văn hóa trong tư vấn phải chân thành, trung thực, hợp với tinh thần tôn trọng tối thiểu. 4. Vấn đề cần chú ý trong tư vấn đa văn hóa Một vấn đề thường gặp với tư vấn viên là họ luôn coi mọi đối tượng thân chủ đều giống nhau. Từ đó những khuôn mẫu được áp dụng cho mọi đối tượng. Tư vấn vì thế mà công thức, sáo và tẻ ngắt. Điều này sẽ tạo ra những hạn chế nhất định. Khi thân chủ không nhận ra sự đồng cảm nơi tư vấn viên, họ sẽ không nhiệt tình cộng tác. Như thế hiệu quả tư vấn sẽ không cao. Nên nhớ, chất lượng tư vấn chủ yếu phụ thuộc vào sự cộng tác của thân chủ. Nói khác đi, không có sự cộng tác của thân chủ, tư
  58. vấn viên sẽ không thật sự sử dụng hết khả năng tư vấn của họ được. Tư vấn phải là một nỗ lực cộng tác hai chiều. Quá nhạy cảm (oversensitive) một cách không cần thiết cũng là một vấn đề trong tư vấn đa văn hóa. Khi thân chủ hiểu lầm thiện ý của tư vấn, có thể họ sẽ khựng lại vì ngộ nhận tư vấn viên đã có một thái độ vồ vập. Thông thường các thân chủ muốn mình được tiếp đón, đối xử một cách công bằng. Họ không muốn được đối xử gần như được thương hại. Vì thế, tư vấn viên rất cần quan tâm đến khía cạnh tế nhị này. Trang bị kiến thức về đa văn hóa, tư vấn viên sử dụng nó như dụng cụ sẽ giúp họ công tác hiệu quả hơn. Tất nhiên thân chủ không nhất thiết phủ nhận ra điều này nơi tư vấn viên. Kiến thức về đa văn hóa trong tư vấn phải được áp dụng khéo léo, vì tính chất tế nhị của vấn đề. Để thật sự tạo ra sự đồng cảm với một thân chủ về những khác biệt trong văn hóa, Peterson (1977) đã đề nghị một tư vấn viên chỉ nên đi vào những mảng văn hóa sau khi đã thăm dò một thân chủ về những điểm sau: - Nhắc lại nan đề của thân chủ bằng ngôn ngữ văn hóa của thân chủ. - Thăm dò xem thân chủ có phản ứng tiêu cực nào không? - Nếu thân chủ không tỏ thái độ bảo vệ quan điểm văn hóa. - Rút tỉa kinh nghiệm với thân chủ, tùy theo phản ứng của thân chủ. Tư vấn viên cũng nên luôn cảnh giác những tín hiệu thuộc phạm trù văn hóa, được gửi đi bởi thân chủ. Những tín hiệu này có thể là tín hiệu thăm dò mà thân chủ thường dùng để xác định năng
  59. lực chuyên môn của tư vấn viên. Vì thế, thái độ khách quan và trung lập luôn là lựa chọn an toàn, thích hợp. Nhất là những vấn đề thuộc phạm trù luân lý, tín lý, tôn giáo, đạo đức Nwachula và Ivey (1991) đề cao việc tư vấn viên nên có một kiến thức cơ bản về tập tục (customs) văn hóa của thân chủ. Những kiến thức này sẽ hỗ trợ sự liên kết khi tư vấn viên và thân chủ cùng ngồi xuống. Sự gần gũi đôi khi nảy sinh một cách thuận lợi khi thân chủ biết tư vấn viên có một kinh nghiệm cá nhân với những gì họ đã trải nghiệm. Hai tác giả này đề nghị tư vấn viên, nếu có thể, nên xem qua những tư liệu về quê hương, tập tục của thân chủ. Điều này sẽ giúp thân chủ và tư vấn viên có được những nhịp cầu gần gũi. Ví dụ khi tư vấn viên nói: Ô! Quê anh ở gần chùa Hương à. Tôi đã đến đấy. Một kỷ niệm thật là khó quên. Tôi thích lắm, nhất là đi vào thăm động Hương Tích. Sau khi nghe thế, thân chủ nhất định sẽ cảm thấy gần gũi hơn. Tuy nhiên những vấn đề khác, tế nhị như việc bình luận về một trận đấu bóng, bình phẩm về một cuốn phim, khen chê về một ca sĩ nổi tiếng nào đó tư vấn viên cần đứng ở vị trí trung lập, tránh hăng say quá đà, vô tình sẽ tạo ra một chân dung thích bè phái Tất nhiên đứng về phía thân chủ trong việc ủng hộ một đội bóng không phải là sai, nhưng tránh quá khích, dễ để cho cảm xúc lèo lái đến những nơi không cần thiết Học tập từ đồng nghiệp (colleague): Một điểm cần bàn là trách nhiệm học tập về những nhóm văn hóa khác nhau từ những đồng nghiệp có kinh nghiệm. Cố gắng tham khảo với những đồng nghiệp có kinh nghiệm. Họ sẽ cung cấp cho những tư vấn viên trẻ những lời khuyên bổ ích. Nên nhớ, đôi khi, chỉ năm mười phút tham
  60. khảo, một tư vấn viên có thể có được những thông tin cần thiết, tương đương với kết quả đọc hẳn một cuốn sách 300 trang. Một tư vấn viên muốn có những kiến thức nhất định về một tập tục sinh hoạt của một nhóm thân chủ cần có những tham khảo cụ thể. Để làm tốt điều này, các tư vấn viên nên tạo được một mạng lưới, để khi cần thiết, những tham khảo ấy sẽ cung cấp cho họ những kiến thức có thể áp dụng nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian. Cần biết, trong nghiệp vụ tư vấn, thói quen có mạng lưới đội ngũ tư vấn viên để tham khảo là một điều không thể xem nhẹ được. Sue (1978) đã đề nghị 5 hướng dẫn khi làm việc với thân chủ từ các nhóm văn hóa khác: 1. Tư vấn viên cần xác định được giá trị văn hóa và nhân sinh quan của mình. Chỉ áp dụng những tình cảm và hành vi chấp nhận được bởi xã hội và sử dụng chúng một cách thích hợp trong những tình huống đặc biệt. Nên giữ thái độ trung lập. 2. Tư vấn viên cần quan tâm đến tính phổ thông của những học thuyết và kỹ thuật tư vấn. Nên nhớ, không một học thuyết hay kỹ thuật tư vấn nào an toàn tuyệt đối khi tiếp cận với vấn đề văn hóa trong tư vấn. 3. Tư vấn viên cần nắm bắt những diễn biến xã hội có ảnh hưởng đến nhóm xã hội của thân chủ, vì con người là sản phẩm của những diễn biến xảy ra trong một xã hội. Tránh chủ quan và thành kiến cứng nhắc. 4. Tư vấn viên cần có thái độ tôn trọng, nếu như họ không có quan điểm đồng nhất với thế giới quan của thân chủ, không nhất thiết phải chất vấn về thế giới quan của thân chủ.
  61. 5. Tư vấn viên cần sử dụng tính tổng hợp (eclectic) trong kỹ năng tư vấn để đáp ứng nhu cầu văn hóa lớn rộng của toàn bộ các nhóm đối tượng thân chủ. Nhiều tư vấn viên xuất thân từ những nhóm văn hóa xã hội thiểu số khác, có thể không được trang bị hoặc thiếu những trải nghiệm cá nhân về nền văn hóa chung. Điều này cần được các tư vấn viên quán triệt. Như thế, họ sẽ không có lý do để dễ dãi với mình. Cần biết, nỗ lực học hỏi về văn hóa là một yêu cầu với tư vấn viên có trách nhiệm. Cần biết, làm một tư vấn viên trung bình không khó. Rất dễ dàng nếu hành nghề như một tư vấn viên yếu nghiệp vụ, cẩu thả, bừa bãi. Để trở thành một tư vấn viên có chuyên môn nghiệp vụ cao, có tinh thần trách nhiệm, am tường về văn hóa xã hội mới là một việc làm khó khăn hơn rất nhiều. 5. Những đề nghị cho ca tư vấn với nhóm đối tượng đặc biệt Vừa nêu trên là những nhóm xã hội tương đối chung. Tư vấn viên nên ý thức rằng, còn có những thân chủ trong một nhóm xã hội nào đó, có những nhu cầu còn khác biệt hơn vì hoàn cảnh đặc trưng của nan đề cũng như điều kiện của thân chủ. Vì thế, mỗi tư vấn viên phải cảnh giác rằng mỗi thân chủ là một cá nhân độc nhất, và mỗi ca tư vấn đều đặc biệt. Đôi khi, có thể ngạc nhiên, khác biệt bên trong một nhóm xã hội còn lớn hơn khác biệt giữa các nhóm xã hội khác. Vì thế, tiếp cận mỗi thân chủ như một cá nhân đặc biệt là điều cần được quan tâm, chú trọng. Hay nói khác đi, một xã hội đa văn hóa sẽ có nhiều
  62. nhóm xã hội văn hóa khác nhau. Trong mỗi nhóm văn hóa ấy, là tập hợp những cá nhân rất khác nhau. Với người già: Nhóm thân chủ vào tuổi về hưu, tư vấn viên cần chú ý đến kinh nghiệm sống, đóng góp của họ trong xã hội. Tư vấn viên cần có những kiến thức căn bản về quá trình phát triển của người già. Những tâm tư và khát vọng, những nhu cầu bức xúc. Tư vấn viên cũng nên bỏ chút thời gian trong việc tìm hiểu về điều kiện sinh hoạt của họ, như tình trạng gia đình về vợ chồng, con cháu Yếu tố văn hoá trong tư vấn với người già vẫn phải được chú trọng một cách thoả đáng. Cần biết, với người già, bệnh tật và tình trạng sức khỏe, đối diện với cái chết, luôn là những vấn đề tế nhị, những bức xúc Vì thế tư vấn viên cần tham khảo kỹ và luôn đánh giá những vấn đề này trong một bối cảnh thích hợp, nhằm cung cấp những gợi ý chính xác, có ích với người già. Cũng nên nhớ, tư vấn viên tránh đối xử thiếu ý thức như coi việc phản ứng chậm của thân chủ lớn tuổi như là những dấu hiệu của lão hóa. Tất nhiên càng lớn tuổi, những ứng xứ của con người có chậm hơn, song họ vẫn hoàn toàn có thể xử lý được những vấn đề trong cuộc sống nếu như họ có đủ thời gian. Vì thế, khi làm việc với thân chủ nhiều tuổi, tư vấn viên cần kiên nhẫn, giải thích rõ ràng, chậm, cẩn thận, để thân chủ lớn tuổi có thể nắm bắt được những thông tin cần thiết. Với thân chủ khác giới: Phụ nữ và nam giới là những cá thể chịu ảnh trưởng bởi điều kiện và áp lực của xã hội khác nhau, vì họ có những chức năng và vai trò khác phau trong xã hội. Từ đó cảm nghiệm và não trạng của họ cũng rất khác nhau.
  63. Tư vấn viên nghèo nàn kiến thức về giới tính thường rơi vào những sai lầm về quan điểm giới tính, sẽ dễ dẫn đến những phân biệt trong đối xử, có thành kiến sai lạc, ưa đòi hỏi vô lý, áp đặt thiếu cơ sở, kỳ vọng thiếu thực tế những điều này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tư vấn. Một điều cần chú ý khi tư vấn cho phụ nữ và nam giới là ở mỗi phái, quá trình phát triển cơ thể và khả năng nhận thức rất khác nhau. Phụ nữ thường có nhu cầu nội tâm nhiều hơn nam giới. Một số chị em vẫn sống thụ động và ngần ngại với những thay đổi mang tính bước ngoặt. Cũng nên biết, phụ nữ thường có nhu cầu tư vấn cao hơn nam giới. Điều này không nên coi như một lẽ tất nhiên đơn giản, khai thác bừa bãi. Trái lại, tư vấn viên phải tôn trọng nhu cầu này ở nơi họ. Luôn cố gắng phấn đấu trong nghiệp vụ để đem đến cho họ những dịch vụ tư vấn có chất lượng. Vai trò của phụ nữ trong xã hội rất lớn. Tư vấn viên nên thông qua họ để những đóng góp tích cực của họ sẽ đến với sinh hoạt xã hội. Xét về những phương diện sinh hoạt, nhất là trong điều kiện công nghiệp hóa hiện tại, chị em phụ nữ hiện nay, ngoài những vai trò truyền thống đối với gia đình và xã hội như làm vợ, làm mẹ, họ còn có những nhiệm vụ và trọng trách mới trong xã hội. Điều này không chỉ đặt ra cho họ những khó khăn mới, mà còn là một thử thách cho đội ngũ tư vấn trong quá trình tìm ra những tháo gỡ hiệu quả với những vấn đề mang tính thời sự nêu trên với chị em phụ nữ. Một điều cần biết, phụ nữ có nhu cầu và các mối quan hệ rất cao. Vì thế, những vấn đề liên quan đến quan hệ tình cảm, gia đình, công tác, nghề nghiệp luôn là những yêu cầu bức xúc. Tư vấn viên nên mạnh dạn và khách quan khi đề cập đến vấn đề quan hệ.
  64. Không nói lời dễ nghe khi thân chủ nữ muốn nghe. Tư vấn viên cần trung thực. Luôn cố gắng tạo ra những suy nghĩ lành mạnh tích cực, để chị em tìm thấy sự cân bằng thực tiễn và có những quyết định phù hợp với hoàn cảnh đặc biệt của họ. Vai trò của phụ nữ toàn cầu nói chung, và phụ nữ Việt Nam nói riêng, đang càng ngày càng thay đổi. Rất tiếc, nhiều tư vấn viên vẫn chưa theo kịp với đà tiến hóa này, vẫn chậm chạp, tụt hậu. Đây là một vấn đề cần được khắc phục. Hình ảnh người phụ nữ hôm nay đã khác hình ảnh người phụ nữ trong quá khứ. Tư vấn viên vì thế cũng phải nắm bắt được vai trò mới của họ trong xã hội. Với nam giới, tư vấn viên cần biết là họ không nhiệt tình lắm trong quá trình tìm đến dịch vụ tư vấn. Nam giới thường tìm ra giải pháp bằng chính nỗ lực của bản thân họ. Riêng với nam giới, họ có những bức xúc về làn sóng vai trò của phụ nữ đang có những thay đổi lớn lao trong bức tranh toàn cục xã hội. Vai trò truyền thống của nam giới là người đem cơm về nhà đã không còn chiếm vị trí quan trọng độc tôn như xưa. Họ hiện nay phải đối phó cạnh tranh nghề nghiệp với phụ nữ gần như trong mọi ngành nghề. Bình đẳng trong xã hội giữa hai phái nam và nữ đã có những ảnh hưởng lớn lao đến não trạng của nam giới. Đặc biệt với nam giới, họ gặp trở ngại không nhỏ khi đề cập đến những vấn đề thuộc phạm trù nội tâm. Hình như với nam giới, nhìn nhận hoặc nói đến những khó khăn nan đề là dấu hiệu của suy yếu và thiếu năng lực. Vì thế, tư vấn viên cần hết sức khéo léo, tế nhị trong vấn đề. Để khắc phục tình trạng này, tư vấn viên phải tạo ra một môi trường thật an toàn, thoải mái, để nam giới an tâm hơn trong quá trình cộng tác với tư vấn viên.
  65. Scher (1981) đã đưa ra vài gợi ý khi làm việc với thân chủ nam giới, như: 1. Nhấn mạnh đến những thay đổi mà người đàn ông trải qua - cả vi mô lẫn vĩ mô. 2. Những gai góc trong vấn đề thành kiến về vai trò trong gia đình và xã hội. 3. Tầm quan trọng của việc đề nghị những giải pháp tháo gỡ. 4. Sự cần thiết trong quá trình xác định rõ vai trò của họ trong gia đình và công việc. Đặc biệt, tư vấn nhóm với nam giới sẽ có khó khăn hơn vì họ thường không đề cập đến những nan đề thực. Nên nhớ, nam giới thường nói nhiều và nói rất dễ dàng với những vấn đề ngoài lề, nhưng khi đối diện với những vấn đề gai góc, họ thường không có khả năng nói chuyện và chuyển tải một cách có hiệu quả. Nhiều thân chủ nam giới không hoàn toàn tự giác hoặc tự nguyện đến với tư vấn. Họ đến tư vấn với một thái độ dè chừng, thăm dò, đôi khi hoài nghi. Tư vấn viên, nắm bắt được vấn đề này, cần kiên nhẫn với họ. Lối sống (lifestyle): Những vấn đề khác như đồng tính luyến ái, sống thử, ly dị, tình yêu phóng khoáng luôn là những vấn đề tế nhị. Đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kiến thức. Tư vấn viên khi đối diện với những vấn đề trên, cần mạnh dạn trình bày quan điểm và khả năng nghiệp vụ của họ. Luôn tôn trọng thân chủ đã cho tư vấn viên cơ hội làm việc với họ. Đánh giá cao những kinh nghiệm trong quá trình tư vấn. Nếu cần, săn sàng giới thiệu thân chủ đến những tư vấn viên có kinh nghiệm hơn trong những vấn đề nêu trên.
  66. Vấn đề tâm linh (spirituality): Với mảng đời sống tâm linh, tư vấn viên cần để tâm đến vấn đề hết sức tế nhị nói trên. Thái độ trung lập là một thái độ cần thiết. Đời sống tâm linh và tôn giáo luôn là những vấn đề nóng, dễ có những phát sinh ngoài dự đoán, đôi khi có ảnh hưởng không có lợi đến chất lượng tư vấn. Thái độ khôn ngoan nhất vẫn là tôn trọng suy nghĩ và chủ kiến chọn lựa của thân chủ. Không phải là vuốt đuôi, song tư vấn viên nên lắng nghe để hiểu kỹ ảnh hưởng của tôn giáo hay đời sống tâm linh đã ảnh hưởng đến thân chủ như thế nào. Tuyệt đối không chất vấn, đôi co, hơn thua trong lĩnh vực tôn giáo. Tư vấn viên có thái độ điềm tĩnh trong vấn đề này thường được coi là đức tính trưởng thành. Thái độ vô tư là cần thiết. Cần nhớ, trong tôn giáo, không có xấu tốt đúng sai. Chỉ có sự khác biệt và tất cả đều được tôn trọng một cách xứng đáng. 6. Kết luận Tư vấn là một dịch vụ phục vụ lợi ích con người. Như thế, nó là dịch vụ phải đến đúng người, mổ xẻ đúng vấn đề, tìm ra giải pháp thích hợp đúng đắn nhất. Để làm được điều đó tư vấn viên cần hiểu rõ đối tượng thân chủ và hoàn cảnh văn hóa xã hội của họ. Vì tính chất rộng lớn và bao quát của khái niệm văn hóa xã hội, tư vấn viên phải coi việc thu thập và trang bị những kỹ năng và kiến thức văn hóa xã hội là nhiệm vụ cơ bản. Chất lượng tư vấn luôn đến trực tiếp từ sự cộng tác nhiệt tình của thân chủ, vì thế hiểu rõ được hoàn cảnh văn hóa xã hội của thân chủ sẽ giúp tư vấn viên phát huy hết khả năng tư vấn của mình. Nên nhớ, thành kiến là một cái bẫy đã gây ra không biết bao nhiêu là bất ngờ đôi khi dẫn đến những sai lầm hết sức đáng tiếc.
  67. Cảnh giác về nhưng khác biệt văn hóa sẽ giúp cho quan hệ giữa tư vấn viên và thân chủ tránh được những cọ xát va vấp không cần thiết. Vì thế, tư vấn viên cần đầu tư thỏa đáng để hiểu được thân chủ của mình - có như thế, chất lượng tư vấn mới cao và thân chủ sẽ tìm được những kết quả tích cực từ dịch vụ tư vấn. PHẦN HAI TIẾN TRÌNH TƯ VẤN VÀ NHỮNG HỌC THUYẾT ÁP DỤNgG Chương 5 XÂY DỰNG QUAN HỆ TÍCH CỰC TRONG TƯ VẤN 1. Dẫn nhập Quá trình tư vấn cần thiết được xác định rõ từng bước để đạt được hiệu quả tư vấn tối ưu. Tư vấn viên không thể xem nhẹ công tác này vì tiến trình tư vấn với những bước cụ thể sẽ giúp cho tư vấn viên thẩm định được quá trình tư vấn. Như một lịch trình cụ thể, từng giai đoạn của quá trình tư vấn giúp tư vấn viên xem xét mục tiêu của quá trình tư vấn đã đặt ra có đạt những tiến bộ cần thiết. Từ đó, tư vấn viên sẽ áp dụng vai trò của mình một cách triệt để vào việc xây dựng một quan hệ lành mạnh với thân chủ. Việc có một tiến trình được phân chia rõ từng giai đoạn sẽ như một bản đồ, một hệ thống bảng chỉ đường, giúp tư vấn viên thao tác dễ dàng và làm việc có hiệu quả hơn. Tư vấn viên vì thế có thể chủ động và thân chủ có thể nhận ra những tiến bộ trong tư vấn.