Giáo trình Các mối quan hệ trong gia đình ở Việt Nam-Một số vấn đề cần quan tâm - Nguyễn Hữu Minh

pdf 10 trang huongle 3870
Bạn đang xem tài liệu "Giáo trình Các mối quan hệ trong gia đình ở Việt Nam-Một số vấn đề cần quan tâm - Nguyễn Hữu Minh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_cac_moi_quan_he_trong_gia_dinh_o_viet_nam_mot_so.pdf

Nội dung text: Giáo trình Các mối quan hệ trong gia đình ở Việt Nam-Một số vấn đề cần quan tâm - Nguyễn Hữu Minh

  1. Xã hội học số 4(120), 2012 91 CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM NGUYỄN HỮU MINH* Gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của cá nhân, trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, sự ổn định của gia đình đóng góp rất lớn vào sự ổn định và phát triển của cộng đồng và xã hội, vì vậy đó là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đầu tư cho gia đình chính là đầu tư cho phát triển bền vững. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 coi việc xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ là một trong những định hướng cơ bản trong thập niên sắp tới. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành TƯ Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ XI, Chiến lược Gia đình Việt Nam nhấn mạnh đến việc phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình Việt Nam “tiến bộ, hạnh phúc”, làm cho mỗi gia đình Việt Nam “thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các mối quan hệ trong gia đình thường được xem xét gồm có quan hệ theo chiều ngang và quan hệ theo chiều dọc. Quan hệ theo chiều ngang, chủ yếu là quan hệ vợ chồng. Quan hệ theo chiều dọc, chủ yếu là quan hệ cha mẹ – con cái và quan hệ con cháu với ông bà (người cao tuổi). Trong những năm vừa qua việc xây dựng gia đình Việt Nam theo định hướng nâng cao chất lượng mối quan hệ gia đình đã đạt một số kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm xét về cả các mối quan hệ gia đình theo chiều ngang và theo chiều dọc. Những kết quả phân tích sâu cuộc Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 và nhiều nghiên cứu khác đã cho thấy những bất cập về các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam hiện nay, và điều đó đã hạn chế việc thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc. Có thể nêu lên một số vấn đề cần được quan tâm theo các khía cạnh dưới đây. 1. Mối quan hệ vợ - chồng Quan hệ hôn nhân vợ chồng được coi là nền tảng và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hạnh phúc, độ bền vững và phát triển của gia đình nói chung. Có một số khía cạnh đáng quan tâm trong mối quan hệ vợ chồng hiện nay. Trước hết là vấn đề đăng ký kết hôn. Đây là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của những người tham gia hôn nhân, đặc biệt đối với phụ nữ, nếu trường hợp hôn nhân tan vỡ. Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp khuyến khích các cuộc hôn nhân có đăng ký, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn. Theo kết quả Điều tra Gia đình Việt Nam 2006, trong nhóm dân số đang có vợ chồng từ 15 tuổi trở lên, có * PGS,TS, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
  2. Xã hội học số 4(120), 2012 92 khoảng gần 30% chưa đăng ký kết hôn. Nói cách khác, với một bộ phận người dân, việc được công nhận quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý chưa được coi trọng bằng việc được công nhận về mặt xã hội. Những người dân thuộc các dân tộc ít người, người dân nghèo, người dân nông thôn hay có học vấn thấp ít quan tâm nhất đến việc đăng ký kết hôn. (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan khác, 2008) Điều đáng quan tâm là tỷ lệ người không đăng ký kết hôn hay có thái độ chấp nhận đối với việc chung sống không đăng ký kết hôn có chiều hướng tăng lên. Theo Nghị quyết 35/2000/QH10, kể từ ngày 01/01/2001, nếu nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Tuy nhiên, số liệu Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 cho thấy, trong số những người kết hôn từ năm 2001 (thời điểm mà Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực), tỷ lệ chưa đăng ký kết hôn là 31,9%. Tỷ lệ này ở nhóm kết hôn trước năm 2001 là 30,4%. Nếu so sánh đối với nhóm thanh niên và vị thành niên 14-25 tuổi ở hai cuộc điều tra quốc gia, Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 và Điều tra thanh niên và vị thành niên Việt Nam 2009 (SAVY 2) có thể thấy rằng, tỷ lệ thanh niên được điều tra năm 2009 chấp nhận chung sống không đăng ký kết hôn tăng lên khoảng 4 lần (Nguyễn Hữu Minh và Trần Thị Hồng, 2011). Điều này có thể gây ra nhiều hậu quả về quyền lợi cho các bên khi ly hôn, đặc biệt là đối với phụ nữ. Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục vận động người dân thực hiện việc đăng ký kết hôn, và quan tâm hơn đến người dân nghèo, dân tộc ít người, học vấn thấp. Phân công lao động trên cơ sở giới vẫn còn duy trì, mặc dù đã có sự chia sẻ cân bằng hơn giữa hai giới trong công việc sản xuất kinh doanh hoặc một số loại việc khác. Người phụ nữ/ người vợ được quan niệm là phù hợp hơn với các công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, giữ tiền, chăm sóc người già/người ốm. Người đàn ông/người chồng được quan niệm là phù hợp hơn với các công việc sản xuất kinh doanh, tiếp khách lạ, thay mặt gia đình giao tiếp với chính quyền. Nhìn chung, sự tham gia của nam giới vào công việc nội trợ không tăng đáng kể và tương xứng với sự gia tăng phụ nữ trên thị trường lao động. Chẳng hạn, trong số những người 18-60 tuổi trả lời về việc làm chính các công việc trong hộ gia đình trong 12 tháng trước cuộc khảo sát 2006, có 82,5% người cho rằng người vợ làm chính công việc nội trợ, chỉ có 3,5% cho rằng là người chồng làm. Tỷ lệ trả lời người vợ làm chính công việc chăm sóc trẻ nhỏ là 68,3% và người chồng là 2,4%. (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan khác, 2008). Lao động nội trợ không được nhận thức thỏa đáng cả từ phía nam giới và phụ nữ và có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực cho quan hệ vợ - chồng và các thành viên. Gánh nặng lao động “kép”, với quĩ thời gian hạn hẹp, sức khoẻ kém đi đang gây trở ngại cho phụ nữ phát triển năng lực, kinh nghiệm, và đời sống văn hoá tinh thần, do đó cũng làm giảm chất lượng mối quan hệ vợ - chồng. Quan niệm về người chủ gia đình có sự thay đổi chậm, phần lớn người dân vẫn coi đàn ông là chủ gia đình. Người đàn ông cũng thường đứng tên các loại tài sản lớn, có giá trị của gia đình. Chẳng hạn, theo số liệu Điều tra Gia đình Việt Nam 2006, tỷ lệ người chồng ở thành thị đứng tên các loại tài sản “Nhà/đất ở”, “đất canh tác/đất đồi rừng”, “ô tô”, “xe máy” dao động từ 61,1% đến 76,9%, và ở nông thôn từ 77,7% đến 88,6%. (Sđd, Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
  3. Xã hội học số 4(120), 2012 93 2008) Với những “việc lớn” của gia đình, vai trò ra quyết định của người đàn ông, người chủ gia đình vẫn là một chuẩn mực ít thay đổi. Điều này cho thấy sự phân biệt giới còn khá phổ biến, mối quan hệ vợ-chồng trong nhiều trường hợp dường như là sự lặp lại hình ảnh “chồng chúa vợ tôi” từ xa xưa và cần phải có những nỗ lực triển khai mạnh mẽ Luật Bình đẳng giới nhằm có được sự bình đẳng thực chất giữa phụ nữ và nam giới. Một bộ phận các cặp vợ chồng đang phải trải qua một cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Những bất hòa về ứng xử và khó khăn về kinh tế là hai nguyên nhân chủ yếu khiến cho các cặp vợ chồng không hài lòng về cuộc hôn nhân của mình và điều đó có liên quan đến xung đột và bạo lực trong gia đình. Theo kết quả Điều tra Gia đình Việt Nam 2006, có 21,2% các gia đình xảy ra một trong ba loại hiện tượng bạo lực gia đình trong 12 tháng trước cuộc Điều tra: đánh; mắng; chửi; chấp nhận quan hệ tình dục khi không muốn. Số liệu Điều tra quốc gia 2010 (đối với 4828 phụ nữ tuổi 18-60) cho thấy rằng, có 58,3% những người phụ nữ tham gia khảo sát đã trải qua ít nhất một hình thức bạo hành như thể chất, tinh thần, hoặc tình dục, với 27% đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong vòng 12 tháng trở lại. Có 32% phụ nữ từng có chồng cho biết từng trải qua bạo lực về thể chất, với 6% trong đó trải qua bạo lực trong vòng 12 tháng trở lại. (Tổng cục Thống kê, 2010) Điều này đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, nhiều vụ bạo lực gia đình vẫn diễn ra âm thầm đằng sau cánh cửa gia đình, sự can thiệp của Nhà nước và các tổ chức xã hội còn hạn chế. Gắn với các mâu thuẫn và bạo lực gia đình là vấn đề ly hôn. Số liệu thống kê cho thấy số lượng các cuộc ly hôn tăng dần qua các năm và tỷ lệ nữ đứng đơn ly hôn ngày càng nhiều hơn nam giới (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan khác, 2008) Mặc dù điều này phần nào cho thấy địa vị của người phụ nữ đã thay đổi, nhận thức về quyền của họ đã được nâng lên, người phụ nữ đang ngày càng tự chủ hơn trong đời sống hôn nhân của mình, tuy nhiên nó cũng phản ánh một sự thật là mối quan hệ vợ - chồng hiện nay ít bền vững, dễ bị tác động của ngoại cảnh hơn so với trước đây. Sự khác biệt về lối sống là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của các cuộc ly hôn. Hậu quả lớn của các cuộc ly hôn chính là sự phát triển thiếu toàn diện của con cái cũng như sự thiếu tôn trọng của con cái đối với cha mẹ sau này. Ngoài ra, trong đa số các trường hợp sau ly hôn, con cái ở với mẹ và nhiều người cha không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái, điều này đã gây nên những thiệt thòi cho cuộc sống của người phụ nữ và trẻ em sau ly hôn. Cần có những chính sách thích hợp để giúp đỡ các gia đình không đầy đủ này, tạo điều kiện cho trẻ em ở các gia đình thiếu bố hoặc mẹ có cơ hội phát triển toàn diện ngang bằng những trẻ em khác. 2. Quan hệ cha mẹ - con cái vị thành niên Gia đình và mối quan hệ gần gũi với cha mẹ là yếu tố bảo vệ quan trọng đối với thanh, thiếu niên. Trong xã hội, cha mẹ là người chịu trách nhiệm chính chăm sóc trẻ từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành, đặc biệt ở tuổi trước khi đi học, nơi trẻ có thể tiếp thu nhiều tri thức mới mẻ khác. Các quan niệm, kì vọng, cách thức giáo dục, ứng xử khác nhau của cha mẹ và điều kiện chăm sóc ở các gia đình ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
  4. Xã hội học số 4(120), 2012 94 thể chất, tinh thần của trẻ em. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nhiều khía cạnh hạn chế trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái chưa trưởng thành hiện nay. Giá trị của con cái là một trong những đặc điểm đáng quan tâm khi xem xét mối quan hệ cha mẹ - con cái. Số liệu cho thấy việc có con trai vẫn là một mục tiêu theo đuổi của nhiều gia đình từ các góc độ khác nhau: nối dõi, nguồn nhân lực, trợ giúp khi tuổi già. Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 khẳng định rằng, đối với người dân, giá trị của con trai đã thay đổi, tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ đáng kể người dân (36,7% người trả lời độ tuổi 18-60) ủng hộ quan niệm nhất thiết phải có con trai. Động cơ có con trai để có người nối dõi tông đường là lý do chính trong số những người cần có con trai (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan khác, 2008). Đáng lưu ý là đối với nhóm thanh niên tuổi 14- 25, những người đại diện cho thế hệ tương lai, quan niệm này vẫn còn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ. Theo kết quả Điều tra thanh niên và vị thành niên Việt Nam 2009, còn 12,6% thanh niên coi trọng việc phải có con trai. Tư tưởng trọng con trai phổ biến ở nông thôn hơn ở thành thị, ở nhóm dân tộc ít người hơn nhóm người Kinh (Nguyễn Hữu Minh và Trần Thị Hồng, 2011). Một số kì vọng, phân biệt đối xử của cha mẹ về con trai, con gái, đặc biệt về giá trị kinh tế, xã hội của con trai ở gia đình vẫn còn mạnh, dẫn đến tình trạng chọn lọc giới tính thai nhi. Tỷ số giới tính khi sinh theo TĐTDS 2009 là 111, xu hướng mất cân bằng giới tính này là đáng lo ngại, đặc biệt tập trung ở một số vùng, miền và một số nhóm xã hội như ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng: Hưng Yên 130,7; Hải Dương 120,2; Bắc Ninh 119,4 (Ban chỉ đạo TĐTDSTƯ, 2010). Điều này cho thấy cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình vẫn phải đặc biệt quan tâm đến việc thay đổi nhận thức về nhu cầu có con trai của người dân. Cần đặc biệt lưu ý đến một số nhóm đối tượng như những người sống ở khu vực nông thôn, các gia đình nghèo, gia đình các dân tộc ít người. Trong mối quan hệ cha mẹ - con cái, một số yếu tố bảo vệ thanh thiếu niên như tăng cường sự giám sát của cha mẹ, thông tin và phối hợp với nhà trường nhằm đảm bảo sự phát triển nhân cách lành mạnh của trẻ em (học tập, tham gia lao động và quan hệ xã hội khác (bạn bè, tiếp cận thông tin, xã hội khác), đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lứa tuổi vị thành niên - như sức khỏe, tình dục vị thanh niên, mang thai ngoài ý muốn, nạo thai, nguy cơ lây nhiễm bệnh liên quan đến đường tình dục, HIV/AIDS, là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Liên quan đến quyền được sống và sống khỏe mạnh của trẻ em trong gia đình đã có những chỉ báo cho thấy những khó khăn của trẻ em trong gia đình. Điều tra MICS 2006 cho biết là tỷ lệ người cha tham gia vào ít nhất một hoạt động nhằm khuyến khích việc học và sự sẵn sàng đi học của trẻ em trong 3 ngày trước cuộc khảo sát là 54,4% (Tổng cục Thống kê và UNICEF, 2007). Do gánh nặng kiếm sống, một bộ phận những người làm cha làm mẹ đã không dành thời gian chăm sóc và quan tâm đến con cái, nhất là trong những gia đình nghèo, gia đình nông thôn, gia đình các dân tộc ít người. Theo kết quả Điều tra Gia đình Việt Nam 2006, chỉ có 1/2 số vị thành niên (VTN) cho biết được cha mẹ dành thời gian hàng ngày hướng Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
  5. Xã hội học số 4(120), 2012 95 dẫn/nhắc nhở việc học và chưa đầy 1/5 số VTN cho biết cha mẹ chỉ liên hệ để tìm hiểu tình hình học tập của con cái ở trường học ở mức độ hàng tháng. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ (hơn 20%) các bậc cha mẹ không biết về thời gian học tập ở nhà và kết quả học tập của con cái ở độ tuổi 15-17. Đối với nhóm trẻ dưới 15 tuổi, tỷ lệ người bố chỉ dành thời gian dưới 1 giờ để chăm sóc con là 29,6%. Đáng lưu ý là vẫn còn tỷ lệ không nhỏ người cha và người mẹ hoàn toàn không có thời gian chăm sóc con cái dưới 15 tuổi (6,8% của người mẹ và của người bố là 21,5%). (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan khác, 2008). Tập quán ứng xử “trọng nam khinh nữ” còn ảnh hưởng khá lớn trong xã hội. Việc phân chia tài sản cho các con trong gia đình vẫn còn hiện tượng ưu tiên cho con trai. Điều này thể hiện rõ hơn ở các hộ gia đình nông thôn. Số liệu Điều tra Gia đình Việt Nam cho thấy chỉ có 45,8% người trả lời 18-60 tuổi quan niệm phân chia tài sản đều cho các con, trong khi đó 28% ưu tiên cho con trai và chỉ có 0,6% sẽ ưu tiên cho con gái. Mối quan hệ cha mẹ - con cái ngày càng bớt tính áp đặt hơn ở Việt Nam. Vai trò và vị thế của con cái trong gia đình đã dần tăng lên. Tuy nhiên, mối quan hệ cha mẹ - con cái về cơ bản vẫn tuân thủ tôn ti trật tự truyền thống, cha mẹ vẫn là người quyết định mọi công việc có liên quan đến con cái. Đại bộ phận các bậc cha mẹ cho rằng con cái phải luôn phục tùng sự chỉ bảo của người lớn tuổi trong gia đình (Sđd, 2008). Điều này dẫn đến tình trạng thiếu tôn trọng quyền của con cái hoặc có những hành vi đối xử vi phạm quyền tự do thân thể của các em. Có một tỷ lệ không nhỏ các bậc cha mẹ giáo dục con cái không đúng cách, làm ngơ cho lỗi lầm của con trẻ, đánh đòn con bất kể lý do gì, hay có thái độ bất lực đối với các hành vi mắc lỗi của con cái. Chẳng hạn, số liệu điều tra SAVY lần 2 (2009) cho thấy có đến 4,1% trẻ vị thành niên tuổi 14-17 cho biết đã bị người trong gia đình đánh thương tích (có thể hiểu chủ yếu là cha mẹ đánh), tỉ lệ nam thiếu niên bị đánh cao hơn nữ. (Tổng cục Dân số-KHHGĐ và cơ quan khác, 2010) Đặc biệt ở lứa tuổi tâm sinh lý trẻ dễ thay đổi (lứa tuổi dạy thì 14-17, ở thành thị, môi trường có nhiều tác động ), nguy cơ về xung đột cha mẹ - con cái bất ổn cao hơn. Số liệu Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 cho biết, khi được hỏi về phản ứng của cha mẹ đối với hành vi lỗi lầm của con cái trong 12 tháng qua, có 12,1% người làm cha mẹ đã sử dụng hình thức quát mắng và 1,4% đã đánh trẻ. (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan khác, 2008) Điều này dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển nhân cách của trẻ. Nhiều em không được kiểm soát đã có các hành vi như gây gổ đánh nhau, uống rượu, sử dụng chất gây nghiện, v.v. hoặc khi bị đánh đòn hay bị đối xử không công bằng, đã buồn bã, lo lắng, thậm chí thờ ơ, không quan tâm nữa đến các hình phạt của cha mẹ. Một khảo sát khác trong cùng năm (MICS, 2006) cũng cho thấy là có 9,4% trẻ em tuổi 2-14 đã bị mẹ/người chăm sóc hoặc các thành viên khác trong hộ gia đình xử phạt nặng bằng roi vọt. Đáng chú ý hơn, khoảng một nửa (45,8%) bà mẹ/người chăm sóc chính tin rằng cần phải dùng roi vọt đối với trẻ em (Tổng cục Thống kê và UNICEF, 2007). Tình trạng này là rất nghiêm trọng và đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn từ phía gia đình và xã hội trong việc bảo vệ sức khỏe thiếu niên. Cần nhấn mạnh đến một tình trạng khác làm ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ- con cái, đó là tình trạng bất hoà, bạo lực giữa cha và mẹ. Như đã nêu ở trên, có một tỷ lệ Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
  6. Xã hội học số 4(120), 2012 96 không nhỏ các gia đình có xảy ra những bất hòa nghiêm trọng và bạo lực giữa cha và mẹ. Quan hệ cha mẹ bất hoà ảnh hưởng mạnh đến tâm trạng, tình cảm (lo lắng, buồn chán ) và phát triển bình thường (thiếu tự tin, mặc cảm, bỏ nhà ra đi ) của trẻ em, và làm gia tăng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái (xa lánh cha mẹ, không kính trọng). Một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là mối quan hệ cha mẹ - con cái trong các gia đình khuyết thiếu, gia đình có cha mẹ li dị, cha hoặc mẹ mất sớm, cha hoặc mẹ đi làm vắng nhà lâu ngày. Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu đi sâu vào vấn đề này ở Việt Nam nhưng các kết quả khảo sát gợi ra rằng do thiếu sự quan tâm đầy đủ của cha mẹ về vật chất hoặc tinh thần, quá trình phát triển nhân cách của các em trong những gia đình này gặp những khó khăn nhất định, dẫn đến những hệ quả xã hội tiêu cực về sau. Trong các gia đình này, điều kiện kinh tế thường khó khăn hơn vì một người cha hoặc mẹ phải đảm đương cuộc sống của gia đình; mối quan hệ tình cảm trong gia đình thường bị thiếu hụt do người cha hoặc mẹ phải dành thời gian lo lắng cuộc sống vật chất của gia đình nên không có thời gian dành chăm sóc con cái. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thanh niên sống trong gia đình chỉ có bố hoặc mẹ thường có tình trạng trục trặc về hành vi nhiều hơn, có tỉ lệ có thai ở độ tuổi vị thành niên cao hơn, và kết quả học tập kém hơn. Đối với trẻ mồ côi, sự thiếu vắng cha mẹ thường đi kèm một số hệ quả như1: sự phát triển lòng tin bị ảnh hưởng không tốt; trẻ có thể cảm thấy sợ hãi và cảm giác không an toàn với cuộc sống chung quanh; quá trình nhận thức, nhận biết xã hội thông qua giao tiếp xã hội có thể bị chậm (Nguyễn Kim Liên, 2002). Trẻ em ở các gia đình cha mẹ li dị bị giảm bớt các mối quan hệ lâu dài với các thành viên gia đình mở rộng, đặc biệt với những người cha hoặc mẹ không sống cùng nhà. Sau ly hôn, với những cặp vợ chồng mà cả hai bên đều có con để nuôi hoặc một bên nuôi con thì tình cảm của con cái đối với bố mẹ càng bị thiệt thòi, nhất là trong trường hợp con cái ở với một bên có ác cảm, thù ghét bên kia. Điều đó có thể làm cho nhiều em đánh giá thấp tầm quan trọng của cha mẹ chúng trong cuộc sống và sự bền chặt của mối quan hệ cha mẹ - con cái (Lê Thi, 1996). Một số nghiên cứu ở Việt Nam cũng cho thấy nhiều trẻ sống lang thang có lý do từ nguyên nhân gia đình, trong đó chiếm tỉ lệ đáng kể là số trẻ xuất thân từ những gia đình có bố/mẹ ly hôn đã lập gia đình mới - do bị dì ghẻ hoặc bố dượng hắt hủi hoặc từ những gia đình bất hòa. Những trẻ mồ côi cũng có khả năng sống lang thang cao hơn (Nguyễn Thanh Tâm và cộng sự, 2002; Nguyễn Hải Hữu, 2002). Sự thiếu vắng cha mẹ và sự bất hòa trong gia đình cũng được coi là nguyên nhân làm cho các em không được chăm sóc. Từ đó dễ bị kẻ xấu lợi dụng, cưỡng hiếp hoặc rủ rê đi vào con đường mại dâm (Đỗ Năng Khánh, 2002). 3. Mối quan hệ giữa người cao tuổi và con cháu trong gia đình Mối quan hệ người cao tuổi - con cháu được đặc biệt quan tâm hiện nay khi xã hội Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số sớm hơn dự báo (Giang Thanh Long và Wade donald Pfau, 2007; Nguyễn Đình Cử, 2009). Hiện nay có khoảng trên 30% số gia đình Việt Nam có người cao tuổi (tỉ lệ này cao hơn ở nhóm nghèo, 40% so với nhóm giàu-26,2%), trong đó, 70% số người cao tuổi đang tự làm việc nuôi sống mình hoặc nhờ 1 Theo một kết quả nghiên cứu, vào thời điểm năm đầu thế kỷ 21, nước ta có khoảng 300.000 trẻ em mồ côi (khoảng 0,4% dân số, trong đó có 140.000 trẻ mồ côi không nơi nương tựa. (Nguyễn Kim Liên, 2002). Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
  7. Xã hội học số 4(120), 2012 97 vào phần trợ cấp và nuôi dưỡng của con cháu. 30% người cao tuổi đang sống trong điều kiện nghèo; 95% trong tổng số người cao tuổi đang mắc ít nhất 1 loại bệnh. Trong thực tế có khoảng 50% người cao tuổi có sức khỏe không được tốt (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan khác, 2008). Điều này góp phần đẩy người cao tuổi vào tình trạng phụ thuộc vào gia đình và con cháu mà không có một sự lựa chọn nào khác khi không còn khả năng tự chăm sóc hoặc không có khả năng tạo thu nhập bảo đảm cuộc sống hàng ngày và chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Việc chăm sóc của con cái đặc biệt có ý nghĩa về mặt tinh thần đối với người cao tuổi. Chính vì vậy, xu hướng chung hiện nay vẫn là người cao tuổi sống chung với con trai đã xây dựng gia đình. Hiện nay, gia đình đang đóng vai trò chủ yếu phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi (Sđd, 2008). Việc dựa vào gia đình phụng dưỡng chăm sóc người cao tuổi giúp giảm áp lực cho nhà nước về chi phí trong điều kiện nền kinh tế và ngân sách quốc gia còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, người cao tuổi sống dựa vào con cháu có khó khăn vì bản thân cuộc sống còn nhiều vất vả của con cháu. Theo số liệu Điều tra Gia đình Việt Nam 2006, có khoảng 1/3 số hộ có người cao tuổi là hộ nghèo, vì vậy, chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là thực sự khó khăn cho nhóm hộ này trong điều kiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước còn ít và thường chỉ tập trung vào nhóm người cao tuổi được hưởng chính sách. Đối với nhiều hộ gia đình, chi phí chữa bệnh cho người cao tuổi là một gánh nặng kinh tế trong bối cảnh việc chi trả cho các dịch vụ y tế (khám chữa bệnh, thuốc men, chăm sóc ) cao hơn rất nhiều so với thu nhập của họ. Ngoài ra còn những khó khăn khác như: con cái bị tàn tật, đau yếu, con cái không thích ở chung với bố mẹ, công việc của con cái không ổn định, nhà neo người Vì vậy, sự trợ giúp của Nhà nước thông qua những hình thức khác nhau (bảo hiểm, trợ cấp tuổi già, v.v) nhằm giảm bớt sự phụ thuộc về mặt vật chất của người cao tuổi đối với con cháu có ý nghĩa rất quan trọng. Một vấn đề khác là những biến đổi nhanh chóng của xã hội đang làm cho một bộ phận không nhỏ người già cảm thấy thiếu được tôn trọng hơn trước đây. Ý thức về tự do cá nhân của các thành viên gia đình tăng lên, trong một chừng mực nhất định đã làm cho mối quan hệ ông bà - cha mẹ - con cháu không thuận chiều như trước đây và làm tăng những mâu thuẫn và xung đột thế hệ. Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 cho biết có khoảng 1/10 số ý kiến từ các hộ gia đình có 3 thế hệ chung sống thừa nhận có sự không thống nhất về các vấn đề lối sống sinh hoạt, cách quản lý tiền và tiêu tiền, cách thức làm ăn và phát triển kinh tế gia đình, và phương pháp giáo dục con cháu. Sự bất đồng này có thể là môi trường nảy sinh những mâu thuẫn gia đình và làm cho mối quan hệ ông bà - con cháu bị kém đi. Những khi vui buồn, sự chia sẻ, tâm sự đối với người khác có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống người cao tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi tâm sự với con chỉ chiếm khoảng 25% số người được hỏi (Sđd, 2008). Lý do chính là con cháu thiếu thời gian, không sẵn sàng lắng nghe và giữa hai bên thiếu mối quan tâm chung. Điều đó làm cho nhiều người cao tuổi buồn phiền. Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
  8. Xã hội học số 4(120), 2012 98 Một trong những tâm điểm trong mối quan hệ ông bà - con cái đã trưởng thành chính là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Sau khi lập gia đình, so với nam giới, người phụ nữ trẻ thường gặp phải những khó khăn trong thiết lập quan hệ gia đình mới (kĩ năng hoà nhập, thích ứng, vấn đề kết hợp thực hiện vai trò, trách nhiệm, bổn phận ở gia đình chồng ). Mặc dù trên báo chí đề cập khá nhiều đến mối quan hệ này, còn rất ít nghiên cứu khoa học thực sự quan tâm đến quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Nhiều người vẫn nhìn nhận mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu với ánh mắt e ngại, mặc dù hiện nay xu hướng dường như trái lại với trước đây, quyền quyết định cũng như khả năng ảnh hưởng của mẹ chồng đối với con dâu đã giảm đi. Trong rất nhiều trường hợp, chính việc không xử lý tốt quan hệ mẹ chồng - nàng dâu đã làm xấu đi mối quan hệ giữa người cao tuổi với những người con đã trưởng thành và cháu chắt trong gia đình. Hiện tại và trong tương lai, gia đình vẫn được xem là cơ sở quan trọng nhất chăm sóc người cao tuổi. Hầu hết người cao tuổi có xu hướng sống cùng con cái và coi đó như là một giải pháp an sinh tuổi già cho dù có những khác biệt và xung đột về lối sống, sở thích. Tuổi càng cao, sức khoẻ càng kém thì nhu cầu chung sống với con cháu càng tăng lên. Tuy nhiên, hệ thống trợ giúp của gia đình cho người cao tuổi trong tương lai gần sẽ gặp những trở ngại do những biến động của quy mô dân số và cấu trúc gia đình. Việc giảm số con trong gia đình sẽ làm giảm nguồn hỗ trợ cho cha mẹ khi tuổi già và làm tăng trách nhiệm của con cái trong việc chăm sóc cha mẹ. Sự thay đổi những giá trị gia đình, tình trạng ly hôn, ly thân, sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động xã hội, nhiều thanh niên di cư ra thành phố, khu công nghiệp tìm kiếm việc làm và cuộc sống tự do khiến cho việc cung cấp của gia đình về chăm sóc, tình cảm, tâm lý và tài chính trở thành một vấn đề đối với người cao tuổi. Nhiều người cao tuổi sẽ phải sống một mình và tự chăm sóc cho bản thân, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tài chính và bệnh tật. Trên đây là một số vấn đề về các mối quan hệ trong gia đình cần được quan tâm nghiên cứu sâu hơn và giải quyết vì sự phát triển của gia đình Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu gợi ra một số hàm ý về mặt chính sách và nghiên cứu như sau: 1. Tiếp tục tuyên truyền để hạn chế tình trạng sống chung không đăng ký kết hôn. 2. Tăng cường các hoạt động nhằm vận động nam giới tham gia tích cực hơn trong các công việc gia đình. Cùng với điều này cần hình thành các dịch vụ gia đình nhằm giải tỏa áp lực công việc gia đình cho phụ nữ. 3. Quan tâm giáo dục về cách thức xử lý các mối quan hệ trong đời sống gia đình, đặc biệt ở giai đoạn tiền hôn nhân và thời kỳ đầu của đời sống hôn nhân, phòng chống các hành vi bạo lực gia đình. 4. Tăng cường sự quan tâm của các bậc làm cha mẹ đối với việc giáo dục con cái. Đặc biệt quan tâm tới việc bảo đảm quyền lợi của người mẹ và trẻ em sau khi hai vợ chồng ly hôn. 5. Khắc phục tình trạng phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, từ việc chọn lọc giới tính khi sinh đến việc ưu tiên cho con trai trong việc học hành, phân Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
  9. Xã hội học số 4(120), 2012 99 chia tài sản. 6. Tôn trọng quyền của con cái, đặc biệt là ngăn chặn những hành vi đối xử vi phạm quyền tự do thân thể của các em. Giáo dục các bậc cha mẹ có phương thức giáo dục con đúng cách. Xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. 7. Có các giải pháp phù hợp bảo đảm sự chăm sóc của gia đình đối với người cao tuổi, góp phần giảm bớt những mâu thuẫn và xung đột giữa người cao tuổi và con cháu, đặc biệt là giải quyết tốt mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. 8. Sự biến đổi chuẩn mực vai trò của nam và nữ trong gia đình cũng đặt ra những vấn đề mới về mối quan hệ giữa mục tiêu bình đẳng giới và củng cố quan hệ gia đình trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt là làm thế nào để kết hợp tốt trách nhiệm của người phụ nữ đối với gia đình và những trách nhiệm xã hội khác như nghề nghiệp, chính trị, v.v. bảo đảm sự phát triển tự do của người phụ nữ nhưng đồng thời củng cố mối quan hệ đầm ấm trong gia đình. Hiểu rõ những vấn đề đặt ra ở trên là một trong những cơ sở quan trọng để có các quyết sách đúng đắn xây dựng gia đình Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thập niên tới. Tài liệu trích dẫn Ban chỉ đạo TĐTDS&NO TƯ. 2010. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: một số kết quả chủ yếu. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch- Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, UNICEF. 2008. Kết quả điều tra gia đình Việt Nam năm 2006. Hà Nội. Bộ Y tế và các cơ quan khác. 2005. Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam. Hà Nội: Bộ y tế, Tổng cục Thống kê, UNICEF, WHO. Đỗ Năng Khánh. 2002. Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Trong Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc 2002. Vấn đề phụ nữ và trẻ em thời kỳ 2001-2010. Nhà xuất bản Lao động - xã hội. Hà Nội. Trang 177- 200. Giang Thanh Long và Wade donald Pfau, 2007: Tổng quan dân số cao tuổi ở Việt nam giai đoạn chuyển đổi kinh tế. Trong sách: Các vấn đề xã hội trong quá trình chuyển đổi và hội nhập kinh tế ở Việt Nam, Tập 1 (chủ biên: Giang Thanh Long- Dương Kim Hồng, NXB Lao động - xã hội, H. 2007). Lê Thi. 1996. Gia đình phụ nữ thiếu vắng chồng. Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội 1996. Nguyễn Đình Cử. 2009. "Xu hướng già hoá trên thế giới và những đặc trưng của người cao tuổi ở Việt Nam." trong Hội thảo Thách thức về già hoá dân số ở Việt Nam. Hà Nội: Tổng cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế. Nguyễn Hải Hữu. 2002. Vấn đề trẻ em lang thang và trách nhiệm của Ngành Lao động- Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
  10. Xã hội học số 4(120), 2012 100 Thương binh và Xã hội. Trong Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc 2002. Vấn đề phụ nữ và trẻ em thời kỳ 2001-2010. Nhà xuất bản Lao động-xã hội. Hà Nội. Trang 104-113. Nguyễn Hữu Minh và Trần Thị Hồng. 2011. Thái độ của thanh thiếu niên Việt Nam về hôn nhân và gia đình. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 4-2011, trang 3-14. Nguyễn Kim Liên 2002. Trẻ em mồ côi và chính sách chăm sóc trẻ mồ côi không nơi nương tựa giai đoạn 2001-2010. Trong Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc 2002. Vấn đề phụ nữ và trẻ em thời kỳ 2001-2010. Nhà xuất bản Lao động - xã hội. Hà Nội. Trang 210-225. Nguyễn Thanh Tâm và cộng sự 2002. Ly hôn, nghiên cứu trường hợp Hà Nội. Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội. Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2000. Luật Hôn nhân và Gia đình (2000). Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Tổng cục Thống kê, và ADB. 2010. Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2. Hà Nội. Tổng cục Thống kê (TCTK) và UNICEF (2007). Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ 2006. Multiple Indicator Cluster Survey 2006 (MICS). Nhà xuất bản Thống kê. Hà Nội. Tổng cục Thống kê (TCTK), UNICEF (2007). Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ 2006. Multiple Indicator Cluster Survey 2006 (MICS). Nhà xuất bản Thống kê. Hà Nội. Tổng cục Thống kê 2010. Im lặng là chết: Kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam. Hà Nội. Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn