Giáo trình dạy học Lớp 3 (Chương trình mới)

pdf 171 trang huongle 6071
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình dạy học Lớp 3 (Chương trình mới)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_day_hoc_lop_3_chuong_trinh_moi.pdf

Nội dung text: Giáo trình dạy học Lớp 3 (Chương trình mới)

  1. DẠY LỚP 3 THEO CHƯƠNG TRÌNH TIỂU HỌC MỚI TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN (Tái bản lần thứ nhất)
  2. Chịu trách nhiệm xuất bản : Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc NGÔ TRẦN ÁI Phó Tổng Giám đốc kiêm Tổng biên tập NGUYỄN QUÝ THAO Tổ chức bản thảo và chịu trách nhiệm nội dung : Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc NXBGD tại TP. Hà Nội NGUYỄN XUÂN HÒA Biên soạn : TRẦN MẠNH HƯỞNG - TRẦN THỊ MINH PHƯƠNG NGUYỄN ĐẮC DIỆU LAM (Tiếng Việt) ĐỖ ĐÌNH HOAN - NGUYỄN ĐÌNH KHUÊ - NGUYỄN THANH SƠN PHẠM THANH TÂM - NGUYỄN ÁNG (Toán) LƯU THU THUỶ - NGÔ QUANG QUẾ (Đạo đức) ĐÀO THỊ HỒNG - LÊ THU DINH NGUYỄN TUYẾT NGA - BÙI PHƯƠNG NGA (Tự nhiên và Xã hội) HOÀNG LONG - LÊ MINH CHÂU - LÊ ĐỨC SANG (Âm nhạc) NGUYỄN HỮU HẠNH - BÙI ĐỖ THUẬT - NGUYỄN QUỐC TOẢN (Mĩ thuật) LƯƠNG NGỌC CẨN - TRẦN THỊ THU- HÀ VĂN KHẢI (Thủ công) TRẦN ĐÌNH THUẬN - VŨ THỊ THƯ - ĐẶNG ĐỨC THAO (Thể dục) Biên tập lần đầu và tái bản : ĐÀO TIẾN THI - NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN NGUYỄN MY LÊ - VŨ MAI HƯƠNG NGÔ THANH HƯƠNG - BÙI ANH TÚ NGUYỄN THỊ HIỀN - PHẠM VĨNH THÔNG Sửa bản in : HÀ QUỲNH ANH Thiết kế sách và Biên tập mĩ thuật : ĐÀO PHƯƠNG NAM Trình bày bìa : BÙI QUANG TUÊN
  3. CÁC TỪ VIẾT TẮT CCGD Cải cách giáo dục CT CCGD Chương trình Cải cách giáo dục CTTH Chương trình Tiểu học ĐDDH Đồ dùng dạy học HS Học sinh GV Giáo viên PPDH Phương pháp dạy học SGK Sách giáo khoa SGV Sách giáo viên VBT Vở bài tập
  4. LỜI NÓI ĐẦU Để góp phần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiểu học, Dự án Phát triển Giáo viên Tiểu học đã tổ chức biên soạn các mô đun đào tạo theo chương trình Cao đẳng Sư phạm và chương trình liên thông từ Trung học Sư phạm lên Cao đẳng Sư phạm ; biên soạn các mô đun bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật những đổi mới về nội dung, PPDH và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục tiểu học theo chương trình, sách giáo khoa tiểu học mới. Điểm mới của các tài liệu viết theo mô đun là thiết kế các hoạt động, nhằm tích cực hoá hoạt động học tập của người học, kích thích óc sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, tự giám sát và đánh giá kết quả học tập của người học ; chú trọng sử dụng kết hợp nhiều phương tiện truyền đạt khác nhau (tài liệu in, băng hình / băng tiếng ,) giúp cho người học dễ học, dễ hiểu và gây được hứng thú học tập. Dạy lớp 3 theo chương trình Tiểu học mới là tài liệu bồi dưỡng giáo viên tiểu học dạy lớp 3 theo chương trình, sách giáo khoa mới. Tài liệu gồm có 8 tiểu mô đun tương ứng với : Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thủ công), Thể dục. Trong mỗi tiểu mô đun sẽ có : - Phần tài liệu in. - Phần tài liệu nghe nhìn. Khi tiến hành bồi dưỡng theo tài liệu này, các địa phương cần tổ chức cho giáo viên học theo hình thức tự học có hướng dẫn để phát huy tính tích cực chủ động của người học. Tài liệu chỉ đưa ra thời lượng tối thiểu để bồi dưỡng cho từng môn học. Tuỳ vào hình hình cụ thể của học viên và điều kiện học tập của từng địa phương, các cấp quản lí giáo dục sẽ quyết định thời lượng bồi dưỡng từng môn cho phù hợp. Tài liệu được biên soạn theo chương trình và phương pháp mới, chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Ban điều phối Dự án rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của bạn đọc, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, sinh viên các trường Sư phạm, giáo viên tiểu học trong cả nước. Trân trọng cám ơn. DỰ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁO VIÊN TIỂU HäC
  5. TIẾNG VIỆT A - TỔNG QUAN VỀ TIỂU MÔ ĐUN 1. Mục tiêu của tiểu mô đun 1.1. Kiến thức Giáo viên (GV) nắm được những điểm mới trong chương trình, sách giáo khoa (SGK), sách giáo viên (SGV) Tiếng Việt 3 nhằm phục vụ tốt cho việc giảng dạy môn Tiếng Việt lớp 3 ở Tiểu học. 1.2. Kĩ năng GV có được những kĩ năng cơ bản về thực hành đổi mới phương pháp dạy học để có thể tiến hành tổ chức và hướng dẫn các hoạt động dạy học môn Tiếng Việt lớp 3. 1.3. Thái độ Có ý thức tìm tòi, sáng tạo trong việc thực hiện yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt những nội dung, yêu cầu cơ bản của chương trình, SGK Tiếng Việt 3. 2. Nguồn Kèm theo Tài liệu bồi dưỡng này, GV cần có : 1) Tiếng Việt 3 (SGK, hai tập), NXB Giáo dục, 2004. 2) Tiếng Việt 3 (SGV, hai tập), NXB Giáo dục, 2004. 3) Tập viết 3 (hai tập), NXB Giáo dục, 2004. 4) Vở bài tập Tiếng Việt 3 (hai tập), NXB Giáo dục, 2004. 5) Hỏi đáp về dạy học Tiếng Việt 3, Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên), NXB Giáo dục, 2004. 6) Bộ mẫu chữ viết trong trường Tiểu học, Trung tâm Bản đồ và Tranh ảnh Giáo dục, NXB Giáo dục, 2004. 7) Bộ chữ dạy tập viết, Trung tâm Bản đồ và Tranh ảnh Giáo dục, NXB Giáo dục, 2004. 8) Băng hình dạy và học môn Tiếng Việt lớp 3 (dạy Tập đọc, Tập làm văn), Ban chỉ đạo đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông, Vụ Giáo dục Tiểu học, 2004. 9) Văn bản hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá HS lớp 2, lớp 3, Vụ Giáo dục Tiểu học, 2004. 10) Hướng dẫn ra đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt lớp 3, Vụ Giáo dục Tiểu học. 3. Cấu trúc của Tiểu mô đun 3.1. Giới thiệu các chủ đề của tiểu mô đun Mô đun 3 về bồi dưỡng GV dạy Tiếng Việt lớp 3 gồm có các chủ đề cơ bản như sau :
  6. Chủ đề 1 : Những điểm mới trong chương trình, SGK, SGV Tiếng Việt 3. Gồm những nội dung sau : - Mục tiêu môn học - Quan điểm biên soạn SGK Tiếng Việt 3 - Nội dung SGK Tiếng Việt 3 - Phương pháp chung dạy SGK Tiếng Việt 3 - Vai trò của GV trong hoạt động dạy học môn Tiếng Việt lớp 3. Chủ đề 2 : Phương pháp dạy học các phân môn Gồm các nội dung sau : - Dạy Tập đọc - Dạy Kể chuyện - Dạy Chính tả - Dạy Tập viết - Dạy Luyện từ và câu - Dạy Tập làm văn. Chủ đề 3 : Đánh giá kết quả học tập của học sinh về môn Tiếng Việt. Gồm những nội dung sau : 1. Mục đích, yêu cầu của việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập (KQHT) môn Tiếng Việt lớp 3. 2. Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên KQHT môn Tiếng Việt lớp 3. 3. Hướng dẫn thiết kế bài kiểm tra định kì trong năm học đối với môn Tiếng Việt lớp 3. 3.2. Cách thức triển khai từng chủ đề Mỗi chủ đề được triển khai theo từng bước cụ thể như sau : - Thông tin cơ bản - Hoạt động của học viên : + Mục tiêu của hoạt động + Chỉ dẫn hoạt động + Dự kiến sản phẩm. 3.3. Phương pháp học tập tiểu mô đun Chú trọng phương pháp học tập tích cực : - Làm việc cá nhân - Thảo luận nhóm - Nêu ý kiến thắc mắc - Nêu sáng kiến và trao đổi kinh nghiệm - Thực hành giảng mẫu, dạy minh hoạ - Xem băng hình, thảo luận về bài giảng qua băng hình.
  7. B - TRIỂN KHAI TIỂU MÔ ĐUN (HỌC TRONG 22 TIẾT) Chủ đề 1 Những điểm mới trong chương trình, sách giáo khoa và sách giáo viên Tiếng Việt lớp 3 Thông tin cơ bản 1. Mục tiêu môn học Mục tiêu của môn Tiếng Việt ở tiểu học là : - Hình thành và phát triển ở HS các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. - Thông qua việc dạy - học môn Tiếng Việt, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy. - Cung cấp cho HS những kiến thức sơ giản về tiếng Việt và những hiểu biết sơ giản về xã hội, tự nhiên và con người, về văn hoá, văn học của Việt Nam và nước ngoài. - Bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 2. Quan điểm biên soạn sách a) Quan điểm dạy giao tiếp Để thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển ở HS các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết), để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi, SGK Tiếng Việt 3 lấy nguyên tắc dạy giao tiếp làm định hướng cơ bản. Có thể hiểu giao tiếp là hoạt động trao đổi tư tưởng, tình cảm, cảm xúc, nhằm thiết lập quan hệ, sự hiểu biết hoặc sự cộng tác giữa các thành viên trong xã hội. Người ta giao tiếp với nhau bằng nhiều phương tiện, nhưng phương tiện thông thường và quan trọng nhất là ngôn ngữ. Hoạt động giao tiếp bao gồm các hành vi giải mã (nhận thông tin) và kí mã (phát thông tin) ; trong ngôn ngữ, mỗi hành vi đều có thể được thực hiện bằng hai hình thức là khẩu ngữ (nghe, nói) và bút ngữ (đọc, viết). Quan điểm dạy giao tiếp được thể hiện trên cả hai phương diện nội dung và PPDH. Về nội dung, thông qua các phân môn Tập đọc, Kể chuyện, Luyện từ và câu, Chính tả, Tập viết, Tập làm văn, SGK Tiếng Việt 3 tạo ra những môi trường giao tiếp có chọn lọc để HS mở rộng vốn từ theo định hướng, trang bị những tri thức nền và phát triển các kĩ năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp. Về PPDH, các kĩ năng nói trên được dạy thông qua nhiều bài tập mang tính tình huống, phù hợp với những tình huống giao tiếp tự nhiên. b) Quan điểm tích hợp Tích hợp nghĩa là tổng hợp trong một đơn vị học, thậm chí một tiết học hay một bài tập nhiều mảng kiến thức và kĩ năng liên quan với nhau nhằm tăng cường hiệu quả
  8. giáo dục và tiết kiệm thời gian học tập cho người học. Có thể thực hiện tích hợp theo chiều ngang và chiều dọc. Tích hợp theo chiều ngang là tích hợp kiến thức Tiếng Việt với các mảng kiến thức về văn học, thiên nhiên, con người và xã hội theo nguyên tắc đồng quy. Hướng tích hợp này được sách Tiếng Việt 3 thực hiện thông qua hệ thống các chủ điểm học tập. Theo quan điểm tích hợp, các phân môn (Tập đọc, Kể chuyện, Chính tả, Tập viết, Luyện từ và câu, Tập làm văn) trước đây ít gắn bó với nhau, nay được tập hợp lại xung quanh trục chủ điểm và các bài đọc ; các nhiệm vụ cung cấp kiến thức và rèn luyện kĩ năng cũng gắn bó chặt chẽ với nhau hơn trước. Tích hợp theo chiều dọc là tích hợp ở một đơn vị kiến thức và kĩ năng mới với những kiến thức và kĩ năng đã học trước đó theo nguyên tắc đồng tâm (còn gọi là đồng trục hay vòng tròn xoáy trôn ốc). Cụ thể là : kiến thức và kĩ năng của lớp trên, bậc học trên bao hàm kiến thức và kĩ năng của lớp dưới, bậc học dưới, nhưng cao hơn, sâu hơn kiến thức và kĩ năng của lớp dưới, bậc học dưới. Dĩ nhiên, trong tích hợp vẫn có điểm nhấn. Không nắm được điểm nhấn này, GV dễ hiểu lệch yêu cầu tích hợp, dẫn tới chỗ sa đà, ví dụ biến giờ Tập đọc thành giờ dạy Đạo đức, thậm chí giờ dạy Toán hay Thủ công (gấp hình, xé giấy), Để nắm vững trọng tâm của mỗi tiết học, bài học, GV nên đọc kĩ phần mục đích, yêu cầu của mỗi tiết, mỗi bài nêu trong SGV. c) Quan điểm tích cực hoá hoạt động học tập của HS Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới chương trình và SGK lần này là đổi mới phương pháp dạy và học : chuyển từ phương pháp truyền thụ sang phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học, trong đó GV đóng vai trò người tổ chức hoạt động của HS ; mỗi HS đều được hoạt động, mỗi HS đều được bộc lộ mình và được phát triển. Theo phương pháp tích cực hoá hoạt động học tập của HS, SGK Tiếng Việt 3 không trình bày kiến thức như là những kết quả có sẵn mà xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập hướng dẫn HS thực hiện các hoạt động nhằm chiếm lĩnh kiến thức và phát triển kĩ năng sử dụng tiếng Việt ; SGV Tiếng Việt 3 hướng dẫn GV cách thức cụ thể tổ chức các hoạt động này. 3. Nội dung SGK Tiếng Việt 3 a) Các đơn vị học SGK Tiếng Việt 3 gồm 15 đơn vị học, mỗi đơn vị gắn với một chủ điểm, học trong 2 tuần (trừ chủ điểm Ngôi nhà chung học trong 3 tuần), cụ thể như sau : Tập 1 gồm 8 chủ điểm : - Tuần 1, 2 : Măng non (Thiếu nhi) - Tuần 3, 4 : Mái ấm (Gia đình) - Tuần 5, 6 : Tới trường (Trường học)
  9. - Tuần 7, 8 : Cộng đồng (Sống với những người xung quanh) - Tuần 9 : Ôn tập giữa học kì I - Tuần 10, 11 : Quê hương - Tuần 12, 13 : Bắc - Trung - Nam (Các vùng, miền trên đất nước ta) - Tuần 14, 15 : Anh em một nhà (Các dân tộc anh em trên đất nước ta) - Tuần 16, 17 : Thành thị - Nông thôn - Tuần 18 : Ôn tập cuối học kì I Tập 2 gồm 7 chủ điểm : - Tuần 19, 20 : Bảo vệ Tổ quốc - Tuần 21, 22 : Sáng tạo (Hoạt động khoa học ; Trí thức) - Tuần 23, 24 : Nghệ thuật - Tuần 25, 26 : Lễ hội - Tuần 27 : Ôn tập giữa học kì II - Tuần 28, 29 : Thể thao - Tuần 30, 31, 32 : Ngôi nhà chung (Các nước ; Một số vấn đề toàn cầu : hoà bình, hữu nghị, hợp tác, bảo vệ môi trường) - Tuần 33, 34 : Bầu trời và mặt đất (Các hiện tượng thiên nhiên, vũ trụ ; Con người với thiên nhiên, vũ trụ) - Tuần 35 : Ôn tập cuối học kì II. Như vậy, so với lớp 2, nội dung các chủ điểm học ở lớp 3 được mở rộng và nâng cao hơn, đặc biệt là từ tuần 7 đến tuần 34. Một số chủ điểm học từ tuần 1 đến tuần 6 tuy quen thuộc với HS nhưng có độ khái quát cao hơn, đề cập đến trách nhiệm của HS nhiều hơn. b) Các phân môn - Phân môn Tập đọc rèn cho HS các kĩ năng đọc, nghe và nói. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống bài đọc theo chủ điểm và những câu hỏi, những bài tập khai thác nội dung bài đọc, phân môn Tập đọc cung cấp cho HS những hiểu biết về thiên nhiên, xã hội và con người, cung cấp vốn từ, vốn diễn đạt, những hiểu biết về tác phẩm văn học (như đề tài, cốt truyện, nhân vật, ) và góp phần rèn luyện nhân cách cho HS. - Phân môn Kể chuyện rèn các kĩ năng nói, nghe và đọc. Trong giờ kể chuyện, HS kể lại những câu chuyện phù hợp với chủ điểm mà các em đã đọc (trong SGK hoặc trong các sách khác), nghe thầy cô hoặc bạn kể rồi kể lại câu chuyện bằng lời của mình hoặc trả lời câu hỏi về câu chuyện đó. - Phân môn Chính tả rèn các kĩ năng viết, nghe và đọc. Trong giờ chính tả, nhiệm vụ của HS là viết một đoạn văn (nhìn - viết, nghe - viết, nhớ - viết) và làm bài tập
  10. chính tả, qua đó rèn luyện các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ. Các bài chính tả nhiều khi cũng cung cấp cho HS vốn từ, vốn hiểu biết về các mảng khác nhau của đời sống. - Phân môn Tập viết chủ yếu rèn kĩ năng viết chữ. Trọng tâm ở lớp 3 là luyện viết chữ hoa. Qua các từ ngữ và câu ứng dụng, HS có thêm hiểu biết về các nhân vật lịch sử, các địa danh, tích luỹ thêm được vốn ca dao, tục ngữ và vốn sống. - Phân môn Luyện từ và câu cung cấp những kiến thức sơ giản về tiếng Việt bằng con đường quy nạp và rèn luyện kĩ năng dùng từ, đặt câu (nói, viết), kĩ năng đọc cho HS. - Phân môn Tập làm văn rèn cả 4 kĩ năng nghe, nói, viết và đọc. Trong giờ tập làm văn ở lớp 3, HS được dạy các kĩ năng giao tiếp như viết thư, làm đơn, khai giấy tờ, hội họp (họp nhóm, họp tổ, báo cáo hoạt động của tổ, lớp ). Ngoài ra, HS còn được rèn luyện các kĩ năng nghe và nói thông qua hình thức nghe - kể. c) Cấu trúc của một đơn vị học * Tuần thứ nhất * Tuần thứ hai - Tập đọc - Kể chuyện (2 tiết): Một - Tập đọc - Kể chuyện (2 tiết): Một truyện kể truyện kể - Chính tả (1 tiết) - Chính tả (1 tiết) - Tập đọc (1 tiết) : Một văn bản thơ - Tập đọc (1 tiết) : Một văn bản thơ - Luyện từ và câu (1 tiết) - Luyện từ và câu (1 tiết) - Tập viết (1 tiết) - Tập viết (1 tiết) - Tập đọc (1 tiết) : Một văn bản thông - Tập đọc (1 tiết) : Một văn bản miêu tả thường - Chính tả (1 tiết) - Chính tả (1 tiết). - Tập làm văn (1 tiết) 4. Phương pháp dạy học môn Tiếng Việt lớp 3 (Phương pháp chung) a) Bản chất của phương pháp dạy học mới Nội dung và PPDH bao giờ cũng gắn bó với nhau. Mỗi nội dung đòi hỏi một phương pháp thích hợp. Các kĩ năng giao tiếp không thể được hình thành và phát triển bằng con đường truyền giảng thụ động. Muốn phát triển những kĩ năng này, HS phải được hoạt động trong môi trường giao tiếp dưới sự hướng dẫn của GV. Các kiến thức về ngôn ngữ, văn học, văn hoá, tự nhiên và xã hội có thể được tiếp thu qua lời giảng, nhưng HS chỉ làm chủ được những kiến thức này khi các em chiếm lĩnh chúng bằng chính hoạt động có ý thức của mình. Cũng như vậy, những tư tưởng,
  11. tình cảm và nhân cách tốt đẹp chỉ có thể được hình thành chắc chắn thông qua sự rèn luyện trong thực tế. Đó là những lí do cắt nghĩa sự ra đời của PPDH mới - phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học. Tích cực hoá hoạt động của người học được hiểu là PPDH lấy người học làm trung tâm, trong đó GV đóng vai trò người tổ chức hoạt động của HS ; mỗi HS đều được hoạt động, đều được bộc lộ mình và được phát triển. b) Hoạt động của HS trong PPDH mới Trong môn Tiếng Việt, hoạt động của HS có thể là : - Hoạt động giao tiếp (đặc thù của môn Tiếng Việt). - Hoạt động phân tích, tổng hợp, thực hành lí thuyết (như ở các môn học khác). Cả hai loại hoạt động trên đều có thể được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau : - Làm việc độc lập. - Làm việc theo nhóm. - Làm việc theo lớp. Trong phần lớn các trường hợp, nhất là trong trường hợp câu hỏi, bài tập đề ra đã rất cụ thể, HS được tổ chức làm việc độc lập. Trong trường hợp câu hỏi, bài tập tương đối trừu tượng hoặc đòi hỏi một sự khái quát nhất định và trong trường hợp nếu làm việc chung theo đơn vị lớp sẽ có ít HS được hoạt động thì làm việc theo nhóm là giải pháp tốt nhất. Hình thức làm việc chung theo đơn vị lớp được áp dụng chủ yếu trong trường hợp GV thực hiện các khâu giới thiệu bài, củng cố bài, nêu những câu hỏi không yêu cầu phải suy nghĩ lâu hoặc để HS trình bày kết quả làm việc. c) Hoạt động của GV trong phương pháp dạy học mới Về phần GV, các hoạt động chủ yếu là : - Giao việc cho HS : + Cho HS trình bày yêu cầu của câu hỏi. + Cho HS làm mẫu một phần. + Tóm tắt nhiệm vụ, dặn dò HS. - Kiểm tra HS : + Xem HS có làm việc không. + Xem HS có hiểu việc phải làm không. + Trả lời thắc mắc của HS. - Tổ chức báo cáo kết quả làm việc :
  12. + Các hình thức : báo cáo trực tiếp với GV/ báo cáo trong nhóm/ báo cáo trước lớp. + Các phương tiện : bằng miệng/ bằng bảng con/ bằng bảng lớp/ bằng phiếu học tập/ bằng giấy. + Thi đua giữa các nhóm/ trình bày cá nhân. - Tổ chức đánh giá : + Các hình thức đánh giá : tự đánh giá/ đánh giá trong nhóm/ đánh giá trước lớp. + Các biện pháp đánh giá : khen, chê (định tính)/ cho điểm (định lượng). Các Hoạt động của học viên Hoạt động 1. Tìm hiểu về quan điểm biên soạn và nội dung của SGK Tiếng Việt 3 a) Mục đích hoạt động + Nắm được quan điểm biên soạn và nội dung của sách Tiếng Việt 3. + Thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa mục tiêu môn học, quan điểm biên soạn sách và nội dung sách Tiếng Việt 3. b) Nhiệm vụ cụ thể - Học viên trao đổi nhóm về những vấn đề sau : + Phân tích quan điểm biên soạn sách Tiếng Việt 3, dẫn chứng một bài học cụ thể để làm rõ quan điểm ấy. + Nội dung sách Tiếng Việt 3 có những điểm gì mới ? Phân tích một đơn vị học để thấy rõ điều đó. + Phân tích mối quan hệ giữa mục tiêu môn học, quan điểm biên soạn sách và nội dung sách Tiếng Việt 3. - Đại diện từng nhóm trình bày ý kiến về các vấn đề trên ; trao đổi ý kiến chung ở lớp. - Giảng viên chốt lại những điểm quan trọng về quan điểm biên soạn, những điểm mới trong SGK Tiếng Việt 3 và giải đáp thắc mắc của học viên. Hoạt động 2. Tìm hiểu về yêu cầu đổi mới PPDH môn Tiếng Việt lớp 3 a) Mục đích hoạt động - Nắm được bản chất của phương pháp tích cực hoá hoạt động học tập : đặc điểm, mối quan hệ với nội dung và mục tiêu của môn học. - Nắm được các hoạt động của thầy và trò trên lớp theo PPDH mới. b) Nhiệm vụ cụ thể - Học viên trao đổi nhóm về những vấn đề sau : + Đặc điểm của phương pháp tích cực hoá hoạt động học tập. Mối quan hệ giữa phương pháp tích cực hoá hoạt động học tập với nội dung và mục tiêu của môn học.
  13. + Nội dung hoạt động của thầy và trò theo phương pháp tích cực hoá hoạt động học tập. Phân tích một bài soạn trong SGV Tiếng Việt 3 để làm rõ điều đó. - Đại diện từng nhóm trình bày ý kiến về các vấn đề trên ; trao đổi ý kiến chung ở lớp. - Giảng viên chốt lại những điểm quan trọng về phương pháp tích cực hoá trong dạy học môn Tiếng Việt lớp 3 và giải đáp thắc mắc của học viên.
  14. Chủ đề 2 PHƯƠNG PHÁP DẠY CÁC PHÂN MÔN DẠY TẬP ĐỌC Thông tin cơ bản I - Nội dung dạy học 1. Rèn kĩ năng đọc - Rèn kĩ năng đọc thành tiếng và đọc thầm thông qua 93 bài Tập đọc thuộc các loại hình văn bản khác nhau : nghệ thuật, hành chính, báo chí, Trong đó có 30 bài thơ (từ thơ 4, 5 tiếng đến thơ 7, 8 tiếng, thơ lục bát, thơ tự do), 63 bài văn xuôi (truyện, văn miêu tả, khoa học, nghị luận và văn bản thông thường). - Rèn kĩ năng đọc hiểu văn bản thông qua phần hướng dẫn sư phạm cuối bài Tập đọc (chú thích và giải nghĩa từ, câu hỏi và bài tập tìm hiểu bài) ; giúp HS nắm được ý chính của đoạn, tập nhận xét về một số hình ảnh, nhân vật, chi tiết trong bài đọc. 2. Kết hợp rèn kĩ năng nghe - nói Qua việc hướng dẫn HS luyện đọc và tìm hiểu bài, GV giúp các em có cơ hội rèn kĩ năng nghe - nói (nghe GV và các bạn đọc, nghe GV hướng dẫn học bài hoặc các bạn trả lời câu hỏi ; nói trước lớp hoặc trao đổi với bạn về nội dung bài đọc). 3. Cung cấp và mở rộng vốn sống Các bài Tập đọc trong SGK Tiếng Việt 3 phản ánh nhiều lĩnh vực khác nhau, từ gia đình, nhà trường, quê hương, các vùng miền và các dân tộc anh em trên đất nước ta đến các hoạt động văn hoá, khoa học, thể thao và các vấn đề lớn của xã hội như bảo vệ hoà bình, phát triển tình hữu nghị, sự hợp tác giữa các dân tộc, bảo vệ môi trường sống, chinh phục vũ trụ, Thông qua hệ thống bài Tập đọc theo chủ điểm về các lĩnh vực khác nhau, qua những câu hỏi, bài tập khai thác nội dung bài, phân môn Tập đọc còn cung cấp cho HS những hiểu biết về thiên nhiên, xã hội và con người, cung cấp vốn từ, vốn diễn đạt, những hiểu biết về tác phẩm văn học (như đề tài, cốt truyện, nhân vật), qua đó góp phần rèn luyện nhân cách cho HS. II - Biện pháp dạy học chủ yếu 1. Đọc mẫu (GV) - Đọc toàn bài : thường nhằm giới thiệu, gây xúc cảm, tạo hứng thú và tâm thế học đọc cho HS. Căn cứ vào trình độ HS, GV có thể đọc 1 hoặc 2 lần, theo mục đích đề ra. - Đọc câu, đoạn : nhằm hướng dẫn, gợi ý hoặc “tạo tình huống” để HS nhận xét, giải thích, tự tìm ra cách đọc (có thể đọc vài lần trong quá trình dạy đọc). - Đọc từ, cụm từ : nhằm sửa phát âm sai và rèn cách đọc đúng, góp phần nâng cao ý thức viết đúng cho HS. 2. Hướng dẫn tìm hiểu nghĩa từ và nội dung bài - Xác định những từ ngữ trong bài cần tìm hiểu :
  15. + Từ ngữ khó (được chú giải trong SGK). + Từ ngữ phổ thông mà HS địa phương chưa quen. + Từ ngữ đóng vai trò quan trọng để hiểu nội dung bài đọc. - Hướng dẫn HS tìm hiểu nghĩa của từ ngữ : + Đọc (hoặc nêu lại) phần giải nghĩa trong SGK. + Sử dụng đồ dùng dạy học (tranh ảnh, vật thật, mô hình, ). + Miêu tả sự vật, đặc điểm được biểu thị ở từ ngữ cần giải nghĩa (có thể phối hợp với động tác, cử chỉ). + Thông qua các bài tập nhỏ : tìm từ ngữ đồng nghĩa hay trái nghĩa với từ ngữ cần giải nghĩa ; đặt câu với từ ngữ cần giải nghĩa, Lưu ý : Cần giới hạn phạm vi nghĩa từ ngữ cụ thể ở bài học, tránh mở rộng ra nhiều nghĩa xa lạ, chưa cần thiết với HS lớp 3 ; tránh giải nghĩa quá nhiều từ ngữ, làm cho giờ Tập đọc thiên về yêu cầu học từ ngữ một cách nặng nề. - Hướng dẫn HS tìm hiểu nội dung bài : + GV căn cứ vào câu hỏi, bài tập trong SGK để hướng dẫn HS tìm hiểu nội dung bài (có thể nêu nguyên văn hoặc gợi dẫn bằng 1, 2 câu hỏi hỏi phụ để HS dễ trả lời, tuỳ thuộc trình độ HS lớp dạy) ; tránh đặt thêm những câu hỏi khai thác nội dung vượt quá yêu cầu bài học và không phù hợp với trình độ HS lớp 3. + GV nêu câu hỏi để định hướng cho HS đọc thầm và trả lời đúng nội dung (đôi khi có thể kết hợp cho 1 HS đọc thành tiếng, những HS khác đọc thầm, sau đó trao đổi, thảo luận về vấn đề do GV nêu ra). + Bằng nhiều hình thức tổ chức khác nhau, GV tạo điều kiện cho HS luyện tập một cách tích cực : trả lời câu hỏi, trao đổi ý kiến, thực hiện nhiệm vụ (hoặc bài tập) do GV giao, sau đó báo cáo kết quả để nhận xét. Quá trình tìm hiểu bài, GV cần rèn cho HS cách trả lời câu hỏi, diễn đạt ý bằng câu văn gọn rõ. Sau khi HS nêu ý kiến, GV sơ kết, nhấn mạnh ý chính và ghi bảng (nếu cần). 3. Hướng dẫn đọc và học thuộc lòng - Luyện đọc thành tiếng : + Các hình thức tổ chức luyện đọc : đọc cá nhân (riêng lẻ hoặc nối tiếp), đọc đồng thanh (nhóm, tổ, lớp) ; đọc theo vai (phối hợp nhiều HS đọc cá nhân).
  16. + GV cần biết nghe HS đọc để có cách rèn luyện thích hợp với từng em ; gợi ý, khuyến khích HS trong lớp trao đổi, nhận xét về chỗ được, chỗ chưa được của bạn nhằm giúp HS biết rút kinh nghiệm để đọc tốt hơn. - Luyện đọc thầm : + Dựa vào SGK, GV giao nhiệm vụ cụ thể cho HS nhằm định hướng việc đọc hiểu (Đọc câu, đoạn hay khổ thơ nào ? Đọc để biết, hiểu, nhớ điều gì ?). + Có đoạn văn (thơ) cần cho HS đọc thầm 2, 3 lượt với tốc độ nhanh dần và từng bước thực hiện các yêu cầu từ dễ đến khó, nhằm rèn luyện kĩ năng đọc - hiểu. Cần khắc phục tình trạng HS đọc thầm một cách hình thức, GV không nắm được kết quả đọc - hiểu của HS để xử lí trong quá trình dạy học. - Luyện học thuộc lòng : ở bài dạy có yêu cầu học thuộc lòng, GV cần chú ý cho HS luyện đọc kĩ hơn ; có thể kết hợp hướng dẫn HS vừa ghi nhớ nội dung vừa dựa vào một số từ ngữ trên bảng (điểm tựa) để đọc thuộc toàn bộ (đọc cá nhân, đọc đồng thanh nhịp nhàng, vừa phải) ; hoặc tổ chức cuộc thi hay trò chơi luyện học thuộc lòng một cách nhẹ nhàng, gây hứng thú cho HS. 4. Ghi bảng Nội dung ghi bảng nói chung cần ngắn gọn, súc tích, bảo đảm tính khoa học và tính sư phạm. Hình thức trình bày bảng cần mang tính thẩm mĩ, có tác dụng giáo dục HS. Việc ghi bảng cần được kết hợp nhịp nhàng với tiến trình dạy học nhằm đem lại hiệu quả trực quan tốt nhất. GV tham khảo vận dụng 2 mô hình ghi bảng giờ Tập đọc như SGV đã hướng dẫn : Thứ , ngày tháng năm (ghi chung cho buổi học) Mô hình 1 Tập đọc (Tên bài) Luyện đọc Tìm hiểu bài - Từ, cụm từ cần luyện đọc - Từ ngữ, hình ảnh, chi tiết nổi bật cần ghi nhớ - Câu, đoạn cần luyện đọc - ý chính của đoạn hoặc của khổ thơ, của bài cần nhớ Mô hình 2
  17. Tập đọc (Tên bài) Phần ghi để lưu trữ Phần ghi có thể xóa đi 1. Luyện đọc - Từ, cụm từ, câu, đoạn cần luyện đọc 2. Tìm hiểu bài - Các thông tin xuất hiện trong giờ dạy - Từ ngữ, hình ảnh, chi tiết, nhân vật nổi - Bài tập HS làm trên bảng lớp bật - Ý nổi bật cần khắc sâu III - Quy trình dạy học 1. Kiểm tra bài cũ - GV kiểm tra 2 - 3 HS về bài Tập đọc kế trước. Tuỳ điều kiện cụ thể, GV yêu cầu từng HS đọc (1 - 2 đoạn ngắn) hoặc 2 - 3 HS đọc tiếp nối nhau toàn bài ; sau đó, GV có thể đặt câu hỏi cho HS trả lời về nội dung đoạn đọc, củng cố kĩ năng đọc - hiểu. - Việc kiểm tra bài cũ cần thể hiện rõ tinh thần động viên, khuyến khích HS luyện đọc (cho điểm biểu dương HS đọc tốt, nhắc nhở và giúp đỡ HS đọc yếu, không nên cho điểm kém). 2. Dạy bài mới a) Giới thiệu bài - Nhìn chung cần ngắn gọn, gây hứng thú cho HS khi tiếp xúc với văn bản sẽ học. Riêng bài Tập đọc đầu tuần thuộc chủ điểm mới, GV giới thiệu thêm cho HS biết vài nét chính về nội dung chủ điểm sắp học. - GV lựa chọn biện pháp và hình thức dẫn dắt HS vào bài mới sao cho nhẹ nhàng, hấp dẫn nhưng không cầu kì, kéo dài thời gian : gợi mở bằng câu hỏi hoặc tranh ảnh trong SGK (hoặc phóng to, nếu có), bằng vật thật (nếu cần thiết) ; diễn giảng bằng lời, b) Luyện đọc - GV đọc toàn bài (tham khảo hướng dẫn trong SGV). - GV hướng dẫn HS luyện đọc, kết hợp giải nghĩa từ : + Đọc từng câu (kết hợp luyện đọc đúng từ ngữ). + Đọc từng đoạn trước lớp (kết hợp luyện đọc đúng câu và tìm hiểu nghĩa từ ngữ). + Đọc từng đoạn trong nhóm (hoặc theo từng cặp). + Cả lớp đọc đồng thanh (một, hai đoạn hoặc cả bài). c) Hướng dẫn tìm hiểu bài (Luyện đọc - hiểu, trả lời câu hỏi theo SGK). d) Luyện đọc lại bài Tập đọc
  18. Đọc diễn cảm, luyện đọc theo vai, tổ chức trò chơi, hướng dẫn học thuộc lòng theo yêu cầu bài dạy). e) Củng cố, dặn dò GV hướng dẫn HS chốt lại ý chính (hoặc nêu ý nghĩa, đọc lại bài Tập đọc, ), nhận xét về tiết học, dặn dò về yêu cầu luyện tập và chuẩn bị bài sau. Lưu ý : Vận dụng quy trình dạy - học nói trên đối với từng loại bài tập đọc và với đối tượng học sinh cụ thể, GV cần lưu ý một số điểm sau : + Bài Tập đọc - Kể chuyện ở đầu tuần được dạy trong khoảng 2 tiết (1,5 tiết Tập đọc, 0,5 tiết còn lại dành cho phần Kể chuyện). GV có thể thực hiện các hoạt động kiểm tra bài cũ, giới thiệu bài, luyện đọc ở tiết 1, các hoạt động hướng dẫn tìm hiểu bài, luyện đọc lại ở đầu tiết 2 (0,5 tiết) ; riêng hoạt động củng cố, dặn dò được thực hiện ở cuối tiết 2, kết hợp với yêu cầu củng cố, dặn dò của phần Kể chuyện. + Hoạt động luyện đọc lại được vận dụng một cách linh hoạt : hướng dẫn học thuộc lòng (theo yêu cầu của chương trình), đọc lại bài Tập đọc bằng nhiều hình thức khác nhau (do GV lựa chọn : đọc phân vai, thi đọc tốt một đoạn hoặc cả bài, tổ chức trò chơi học tập có tác dụng luyện đọc, ). + Hoạt động đọc từng câu là quy định có tính ước lệ (chia nhỏ văn bản cho nhiều HS được tham gia bộc lộ năng lực đọc), do vậy không cần xác định đơn vị câu một cách quá cứng nhắc. Tuỳ văn bản cụ thể, GV có thể cho HS đọc 2, 3 câu ngắn (hoặc 2, 3 dòng thơ), đọc từng khổ thơ, nếu HS có trình độ đọc khá vững vàng. + Hoạt động cả lớp đọc đồng thanh không thực hiện một cách máy móc : có văn bản thông thường không nên đọc đồng thanh ; có văn bản truyện kể chỉ chọn đọc đồng thanh 1 đoạn ; có văn bản miêu tả được đọc đồng thanh 2, 3 đoạn hoặc cả bài ; có bài thơ được đọc đồng thanh toàn bài 2, 3 lượt (hỗ trợ cho việc học thuộc lòng). + Các tiết ôn tập về Tập đọc, học thuộc lòng phục vụ cho yêu cầu kiểm tra định kì được thực hiện theo quy trình luyện tập (nêu trong SGV), không thực hiện theo quy trình nói trên. Hoạt động của học viên Hoạt động 1. Tìm hiểu về quy trình, biện pháp và hình thức tổ chức dạy Tập đọc ở lớp 3 a) Mục đích hoạt động - Nắm được quy trình và những biện pháp dạy học chủ yếu ở phân môn Tập đọc lớp 3 ; xác định rõ một số hình thức tổ chức dạy đọc nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới PPDH. - Thấy được những điểm giống và khác nhau về phương pháp dạy Tập đọc ở lớp 2 và lớp 3.
  19. b) Nhiệm vụ cụ thể - Thảo luận nhóm để trả lời các câu hỏi : + Phân tích và nêu ví dụ minh hoạ quy trình, biện pháp dạy Tập đọc ở lớp 3 (kết hợp so sánh với quy trình và biện pháp dạy Tập đọc ở lớp 2 để thấy những điểm giống và khác nhau). + Những điểm nào trong quy trình hoặc biện pháp dạy Tập đọc cần được giảng viên giải thích rõ thêm ? + Để đổi mới PPDH và kích thích hứng thú đọc cho HS lớp 3, GV cần sử dụng những hình thức tổ chức dạy đọc như thế nào ? - Đại diện các nhóm trình bày ý kiến thảo luận của nhóm và thực hành hướng dẫn một trò chơi luyện đọc theo SGK Tiếng Việt 3. - Giảng viên chốt lại những nội dung cơ bản về quy trình và biện pháp dạy Tập đọc lớp 3, những hình thức tổ chức dạy đọc kích thích hứng thú đọc của HS ; giải đáp thắc mắc của học viên. Hoạt động 2. Thực hành soạn và trình bày kế hoạch bài học một bài Tập đọc lớp 3 a) Mục đích hoạt động - Vận dụng những hiểu biết về nội dung và PPDH để thực hành soạn kế hoạch bài học(*) lên lớp cho một bài Tập đọc cụ thể trong SGK Tiếng Việt 3. - Qua việc thực hành soạn kế hoạch bài học và trao đổi về cách dạy các dạng bài Tập đọc, GV biết chủ động thực hiện quy trình giảng dạy một cách hợp lí và có hiệu quả. b) Nhiệm vụ cụ thể - Nhóm học viên tự nghiên cứu, trao đổi và thực hành soạn kế hoạch bài học một bài Tập đọc theo sự phân công của giảng viên. - Đại diện nhóm học viên thuyết trình (hoặc dạy thử) trước lớp về tiết Tập đọc lớp 3 theo kế hoạch bài học đã soạn. - Trao đổi ý kiến trên lớp về cách dạy tiết Tập đọc đã thuyết trình (hoặc dạy thử) ; kết hợp chỉ rõ sự vận dụng linh hoạt về quy trình, biện pháp và hình thức tổ chức dạy Tập đọc.
  20. DẠY KỂ CHUYỆN Thông tin cơ bản I - Nội dung dạy học và các hình thức luyện tập 1. Nội dung dạy học - Khác với CT CCGD 1981, CTTH mới không có SGK riêng cho phân môn Kể chuyện (như các sách Truyện kể, Truyện đọc trong CCGD). ở lớp 2 và lớp 3 mới, nội dung truyện kể chính là những câu chuyện các em vừa học trong bài tập đọc. Bên cạnh đó, trong một số tiết Tập làm văn còn bố trí một số bài tập nghe - kể để rèn luyện các kĩ năng nghe và nói. ở lớp 4 và lớp 5, nội dung truyện kể có thể là những câu chuyện được nghe thầy cô kể (văn bản truyện in và minh hoạ trong SGK), những truyện các em đọc được hay những câu chuyện có thực mà các em được chứng kiến hoặc tham gia, gắn với những chủ điểm nhất định. - Khác với lớp 2, chương trình Tiếng Việt lớp 3 không có tiết Kể chuyện riêng mà bố trí trong bài Tập đọc hai tiết ở đầu mỗi tuần. HS luyện đọc và tìm hiểu bài tập đọc khoảng 1,5 tiết rồi chuyển sang làm các bài tập kể chuyện (0,5 tiết). 2. Các hình thức luyện tập a) Kể chuyện theo tranh minh hoạ - Kể theo đúng thứ tự các tranh minh hoạ hay sắp xếp lại tranh minh hoạ cho đúng diễn biến của câu chuyện rồi kể. - Kể một đoạn hay kể toàn bộ câu chuyện. - Kể theo lời lẽ trong bài tập đọc, theo lời của một nhân vật hay kể bằng lời của mình. b) Kể chuyện theo gợi ý bằng lời + Kể một đoạn hay kể toàn bộ câu chuyện. + Kể theo lời lẽ trong bài tập đọc, theo lời của một nhân vật hay kể bằng lời của mình. c) Tự đặt tên cho các đoạn rồi kể chuyện - Kể một đoạn hay toàn bộ câu chuyện. - Kể theo lời lẽ trong bài tập đọc, theo lời của một nhân vật hay kể bằng lời của mình. d) Phân vai, dựng lại câu chuyện. II - Biện pháp dạy học chủ yếu - Sử dụng tranh minh hoạ (SGK) để gợi mở, hướng dẫn HS kể lại từng đoạn của câu chuyện. - Sử dụng câu gợi ý hoặc dàn ý, hướng dẫn HS kể lại câu chuyện.
  21. - Sử dụng những câu hỏi gợi trí tưởng tượng hoặc gợi nhận xét - cảm nghĩ, hướng dẫn HS tập kể bằng lời của mình. - Hướng dẫn HS phân vai, dựng lại câu chuyện theo hình thức đối thoại. Chú ý : - GV cần tế nhị khi hướng dẫn HS kể chuyện : + Nếu có em đang kể bỗng lúng túng vì quên chuyện, GV có thể nhắc một cách nhẹ nhàng để em đó nhớ lại câu chuyện. + Nếu có em kể thiếu chính xác, cũng không nên ngắt lời thô bạo. Chỉ nhận xét khi các em đã kể xong. + Nên động viên, khuyến khích để các em kể tự nhiên, hồn nhiên, như là đang kể cho anh chị em hay bạn bè ở nhà. - GV cần quan niệm một cách đúng mức về kể sáng tạo : + Kể chuyện sáng tạo có nhiều mức độ khác nhau, gắn với những kiểu bài tập khác nhau nhưng bản chất của kể chuyện sáng tạo không phải là kể khác nguyên văn mà là kể tự nhiên như sống với câu chuyện, kể bằng ngôn ngữ, giọng điệu của mình, thể hiện được cảm nhận của mình về câu chuyện đó. + Khi kể tự nhiên, hồn nhiên bằng giọng điệu, cảm xúc của chính mình, trẻ có thể thêm vào câu chuyện một số câu chữ của mình nhưng cũng có thể chỉ diễn lại nguyên văn câu chuyện đã thuộc lòng. GV cần tránh cách hiểu máy móc dẫn đến sai lầm là khuyến khích HS thay những từ (chốt) đã được tác giả lựa chọn rất chính xác bằng những từ ngữ khác. + GV không coi việc HS kể thuộc lòng câu chuyện, kể chính xác từng câu chữ theo văn bản truyện là thiếu sáng tạo. Chỉ trong trường hợp HS kể như đọc văn bản, vừa kể vừa cố nhớ lại một cách máy móc từng câu chữ trong văn bản, GV mới nhận xét kể như thế là chưa tốt. III - Quy trình dạy học Để hướng dẫn HS kể chuyện, GV thực hiện các công việc sau : - Giúp HS nắm vững yêu cầu của bài tập kể chuyện trong SGK. Trong trường hợp cần thiết, GV hoặc một HS làm mẫu một phần của bài tập. - Tổ chức HS thực hiện yêu cầu của bài tập bằng hình thức thích hợp (kể chuyện trong nhóm, kể chuyện trước lớp, thi kể chuyện tiếp sức, phân vai dựng lại câu chuyện, ). Hoạt động của học viên Hoạt động 1. Tìm hiểu nội dung, biện pháp và quy trình dạy Kể chuyện ở lớp 3 a) Mục đích hoạt động
  22. - Nắm được mục tiêu, các biện pháp dạy học và quy trình dạy phân môn Kể chuyện ở lớp 3. - Nắm được các hoạt động của thầy và trò trên lớp theo PPDH mới. b) Nhiệm vụ cụ thể - Thảo luận nhóm để trả lời câu hỏi : + Cho biết nội dung và hình thức luyện tập Kể chuyện ở lớp 3 mới có gì khác CT CCGD 1981 và chương trình Tiếng Việt 2 mới. Tìm ví dụ minh hoạ trong SGK Tiếng Việt 3. + Nêu các biện pháp, quy trình dạy học và những điều cần chú ý khi dạy phân môn Kể chuyện. Phân tích một bài dạy Kể chuyện trong SGV Tiếng Việt 3 để làm rõ ý kiến của anh, chị. - Đại diện các nhóm trình bày ý kiến thảo luận. - GV chốt lại những vấn đề cơ bản về nội dung và hình thức luyện tập kể chuyện ở lớp 3, biện pháp và quy trình dạy học chủ yếu. Hoạt động 2. Xem băng hình Tập đọc - Kể chuyện và thảo luận theo hướng dẫn học băng hình Hoạt động 3. Thực hành soạn kế hoạch bài học và trao đổi về quy trình dạy Kể chuyện ở lớp 3 a) Mục đích hoạt động - Củng cố những hiểu biết về nội dung và PPDH Kể chuyện ở lớp 3. - Hình thành khả năng chủ động thực hiện quy trình giảng dạy một cách hợp lí và có hiệu quả. b) Nhiệm vụ cụ thể - Từng nhóm học viên tự nghiên cứu, bàn bạc và soạn một kế hoạch bài học Kể chuyện theo sự phân công của giảng viên. - Đại diện nhóm học viên thuyết trình hoặc dạy thử kế hoạch bài học đã soạn trước lớp tập huấn. - Trao đổi trước lớp dưới sự hướng dẫn của giảng viên về các kế hoạch bài học được thuyết trình. Bài soạn minh hoạ Tập đọc - Kể chuyện NẮNG PHƯƠNG NAM (Tuần 12) A - Mục đích, Yêu cầu 1. Tập đọc
  23. a) Rèn kĩ năng đọc thành tiếng : - Đọc đúng các từ ngữ có âm, vần, thanh dễ viết sai do ảnh hưởng của tiếng địa phương : nắng phương Nam, Uyên, ríu rít, sững lại, vui lắm, lạnh, reo lên, xoắn xuýt, sửng sốt (miền Bắc) ; đông nghịt, bỗng sững lại, sắp nhỏ, gửi ra, cuồn cuộn, tủm tỉm cười, xoắn xuýt hỏi, sửng sốt, hớn hở (miền Nam). - Đọc đúng các câu hỏi, câu kể. Bước đầu diễn tả được giọng các nhân vật trong bài ; phân biệt được lời dẫn chuyện và lời nhân vật. b) Rèn kĩ năng đọc - hiểu : - Hiểu nghĩa các từ khó và từ địa phương được chú giải trong bài (sắp nhỏ, lòng vòng). Đọc thầm khá nhanh và nắm được cốt truyện. - Cảm nhận được tình bạn đẹp đẽ, thân thiết, gắn bó giữa thiếu nhi hai miền Nam Bắc qua sáng kiến của các bạn nhỏ miền Nam : gửi tặng cành mai vàng cho bạn nhỏ ở miền Bắc. 2. Kể chuyện a) Rèn kĩ năng nói : Dựa vào các gợi ý trong SGK, kể lại được từng đoạn của câu chuyện. Bước đầu biết diễn tả đúng lời từng nhân vật ; phân biệt lời dẫn chuyện với lời nhân vật. b) Rèn kĩ năng nghe (nghe và nhận xét, đánh giá lời kể của bạn). B - Đồ dùng dạy học - Tranh minh hoạ bài đọc trong SGK ; tranh, ảnh (hoặc vật thật) hoa mai vàng, hoa đào (nếu có). - Bảng phụ ghi các ý tóm tắt từng đoạn (trong SGK) để HS kể chuyện . C - Các hoạt động dạy học Tập đọc (Khoảng 1,5 tiết) I - Kiểm tra bài cũ 2 HS tiếp nối nhau đọc bài Chõ bánh khúc của dì tôi (mỗi em đọc 1 đoạn) ; trả lời câu hỏi : Vì sao tác giả không sao quên được mùi vị của chiếc bánh khúc quê hương ? II - Dạy bài mới 1. Giới thiệu chủ điểm mới và bài tập đọc
  24. - HS mở SGK (tr. 93), quan sát tranh minh hoạ chủ điểm. GV giới thiệu : Chủ điểm Bắc - Trung - Nam giúp cho các em hiểu biết về các vùng, miền trên đất nước ta. - HS mở SGK (tr. 94), quan sát tranh minh hoạ bài Tập đọc. GV nói : Thiếu nhi Việt Nam chúng ta ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều yêu quý nhau, thân thiết với nhau như anh em một nhà. Đọc câu chuyện Nắng phương Nam của nhà văn Trần Hoài Dương, các em sẽ thấy được tình cảm của các bạn thiếu nhi miền Nam đối với thiếu nhi miền Bắc biểu hiện qua những việc làm cụ thể như thế nào. 2. Luyện đọc a) GV đọc toàn bài GV đọc với giọng sôi nổi ; diễn tả rõ sắc thái tình cảm trong lời nói của từng nhân vật ; nhấn giọng các từ ngữ gợi tả trong đoạn thư của Vân gửi các bạn miền Nam (rạo rực, lạnh buốt, dòng suối hoa, ). HS theo dõi bài Tập đọc trong SGK (đọc thầm). b) GV hướng dẫn HS luyện đọc, kết hợp giải nghĩa từ - Đọc từng câu : + GV hướng dẫn : Đọc tiếp nối nhau theo từng câu hoặc 2 câu ngắn ; có thể đọc liền mạch lời nhân vật có xen lời dẫn chuyện - gồm 3, 4 câu (VD : Một cành mai ? - Tất cả sửng sốt, rồi cùng kêu lên - Đúng ! Một cành mai chở nắng phương Nam). + HS nối tiếp nhau đọc (1 hoặc 2 lượt bài Tập đọc). GV nghe và gợi ý HS sửa lỗi phát âm (chú ý một số từ ngữ nêu trong mục Rèn kĩ năng đọc thành tiếng). - Đọc từng đoạn trước lớp : + GV hướng dẫn : Đọc tiếp nối nhau theo từng đoạn trong bài ; chú ý đọc đúng các câu hỏi, câu kể ; cố gắng phân biệt lời nhân vật và lời dẫn chuyện bằng giọng đọc (VD : Vật gì vậy ? - Cả bọn xoắn xuýt hỏi). + HS tiếp nối nhau đọc từng đoạn trong bài (1 hoặc 2 lượt bài Tập đọc). GV nghe, hướng dẫn HS ngắt hơi và đọc đúng các câu hỏi, câu kể : Nè /, sắp nhỏ kia /, đi đâu vậy ? (Câu hỏi, nhấn giọng ở các từ ngữ in đậm) ; Có phải Vân hát dân ca ở trại hè Nha Trang không ? Vui nhưng mà / lạnh dễ sợ luôn. Hà Nội đang rạo rực trong những ngày giáp Tết. // Trời cuối đông lạnh buốt. // Những dòng suối hoa / trôi dưới bầu trời xám đục và làn mưa bụi trắng xoá. // (Giọng Uyên đọc lời trong thư cần khác với lời nói của Uyên, của người dẫn chuyện). + HS tìm hiểu nghĩa các từ ngữ được chú giải trong SGK : Đường Nguyễn Huệ, sắp nhỏ, lòng vòng, dân ca, xoắn xuýt, sửng sốt. GV có thể dùng tranh (ảnh) hoặc vật
  25. thật nói thêm về hoa mai và hoa đào là hai loài hoa đặc trưng của hai miền trong dịp Tết : hoa đào (hoa Tết của miền Bắc) ; hoa mai (hoa Tết của miền Nam). - Đọc từng đoạn trong nhóm : + GV tổ chức HS đọc theo từng cặp (mỗi em đọc 1 đoạn, 1 em đọc, 1 em theo dõi SGK để góp ý cho bạn), hoặc đọc lần lượt trong nhóm (bàn, tổ) và góp ý cho nhau về cách đọc (có thể đọc 2 lượt bài Tập đọc). + GV theo dõi, hướng dẫn HS đọc đúng. - 3 HS tiếp nối nhau đọc 3 đoạn của bài ; sau đó có thể cho 1 HS xung phong đọc toàn bài Tập đọc. 3. Hướng dẫn tìm hiểu bài - HS đọc thầm toàn bài, trả lời : Câu chuyện nói đến những người bạn nhỏ nào, ở đâu ? (Nói đến các bạn nhỏ : Uyên, Huê, Phương và một số bạn ở TP Hồ Chí Minh ; các bạn nhắc đến bạn Vân ở ngoài Bắc). - HS đọc thầm đoạn 1, trả lời : Uyên và các bạn đi đâu, vào dịp nào ? (Uyên cùng các bạn đi chợ hoa, vào ngày hai mươi tám Tết). - HS đọc thầm đoạn 2, trả lời : Nghe đọc thư Vân, các bạn ước mong điều gì ? (Ước mong gửi cho Vân được ít nắng phương Nam). - HS đọc thầm đoạn 3, thực hiện các nhiệm vụ : + Trả lời : Phương nghĩ ra sáng kiến gì ? (Gửi tặng bạn Vân ở ngoài Bắc một cành mai). + Trao đổi (trong nhóm hoặc trước lớp) : Vì sao các bạn chọn cành mai làm quà Tết cho Vân ? (HS có thể nêu các lí do : Cành mai chở nắng phương Nam đến cho Vân trong những ngày đông rét buốt./ Cành mai không có ở ngoài Bắc nên rất quý./ Cành mai Tết chỉ có ở miền Nam sẽ gợi cho Vân nhớ đến bạn bè ở miền Nam v.v.) - 1 HS đọc yêu cầu 5 trong SGK : Chọn thêm một tên khác cho truyện. + Câu chuyện cuối năm + Tình bạn + Cành mai Tết. (HS phát biểu ý kiến. GV lưu ý : Cả 3 tên truyện đều đúng. Điều quan trọng là HS chọn tên truyện nào thì giải thích được lí do lựa chọn tên truyện ấy, VD : chọn tên
  26. truyện là Tình bạn vì nội dung truyện nói về tình cảm bạn bè đẹp đẽ giữa các bạn ở miền Nam với bạn Vân ở miền Bắc, ). 4. Luyện đọc lại - GV hướng dẫn HS chia nhóm, tập đọc theo vai : mỗi nhóm 4 em, tự phân các vai (người dẫn chuyện, Uyên, Phương, Huê) và tham gia đọc truyện. - 2 hoặc 3 nhóm thi đọc theo vai toàn bộ câu chuyện (hoặc GV chỉ yêu cầu thi đọc theo vai 1 - 2 đoạn). - Cả lớp và GV nhận xét, bình chọn cá nhân và nhóm đọc hay nhất. Kể chuyện (Khoảng 0,5 tiết) 1. Giáo viên nêu nhiệm vụ Dựa vào các ý tóm tắt trong SGK, các em hãy nhớ lại và tập kể từng đoạn của câu chuyện Nắng phương Nam một cách rõ ràng, đủ ý. 2. Hướng dẫn kể từng đoạn của câu chuyện - HS đọc lại yêu cầu của bài. Dựa theo các ý tóm tắt, kể lại nội dung từng đoạn của câu chuyện Nắng phương Nam. - GV đưa bảng phụ đã viết sẵn các ý tóm tắt mỗi đoạn, mời 1 HS (nhìn gợi ý, nhớ nội dung) kể mẫu đoạn 1 (Đi chợ Tết) trước lớp. VD : + Truyện xảy ra đúng vào ngày hai mươi tám Tết, ở thành phố Hồ Chí Minh. (ý 1 : Truyện xảy ra vào lúc nào ?) + Lúc đó, Uyên và các bạn đang đi giữa chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ. Chợ tràn ngập hoa, khiến các bạn tưởng như đang đi trong mơ giữa một rừng hoa. (ý 2 : Uyên và các bạn đi đâu ?) + Cả bọn đang ríu rít trò chuyện bỗng sững lại vì nghe tiếng gọi : Nè, sắp nhỏ kia đi đâu vậy ? (ý 3 : Vì sao mọi người sững lại ?) - GV hướng dẫn HS tập kể trong nhóm (mỗi em kể 1 đoạn nối tiếp nhau, cả nhóm kể 2, 3 vòng để từng em thay đổi đoạn kể). - 3 HS kể nối tiếp nhau 3 đoạn của câu chuyện trước lớp. GV hướng dẫn cả lớp nhận xét, bình chọn HS kể tốt nhất.
  27. Củng cố, dặn dò - GV yêu cầu HS nhắc lại tên bài đã tập đọc và kể chuyện ; nêu ý nghĩa của câu chuyện (ca ngợi tình bạn thân thiết, gắn bó giữa thiếu nhi các miền trên đất nước ta). - GV nhận xét về kĩ năng đọc và kể chuyện (nói) của HS (động viên, khen ngợi HS đọc bài tốt, kể chuyện hay) ; khuyến khích HS về nhà tập đọc và kể lại câu chuyện đã học. Dạy chính tả Thông tin cơ bản I - Nội dung dạy học 1. Chính tả đoạn, bài - Về nội dung : Bài viết chính tả được trích (hoặc tóm tắt) từ bài tập đọc trước đó hoặc nội dung biên soạn mới (độ dài khoảng 60 - 70 chữ). - Về hình thức : Có 3 hình thức chính tả đoạn bài được sử dụng là chính tả tập chép (ở lớp 3 có 4 tiết thuộc các tuần 1, 3, 5, 7), chính tả nghe - viết và chính tả nhớ - viết. (Sách chú trọng hình thức chính tả nghe - viết, hình thức chính tả nhớ - viết được áp dụng từ tuần 8 - học kì I, hình thức chính tả so sánh được lồng trong tất cả các bài chính tả âm, vần). 2. Chính tả âm, vần - HS luyện viết các chữ ghi tiếng có âm, vần, thanh dễ viết sai chính tả do cả 3 nguyên nhân : do bản thân các âm, vần, thanh khó (khó phát âm, cấu tạo phức tạp), do HS không nắm vững quy tắc ghi âm chữ quốc ngữ, do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương. + Phụ âm : l/n, x/s, ch/tr, d/gi/r, + Vần : - oao, oeo, uyu, uêch, oăc, oay, oai, eng, oen, oong, ooc (vần khó) ; - an/ang, ăn/ăng, ân/âng, en/eng, ươn/ương, iên/iêng, uôn/uông, ên/ênh, in/inh, at/ac, ât/âc, ăt/ăc, iêt/iêc, uôt/uôc, ươt/ươc, ut/uc, ưt/ưc, êt/êch, au/âu, ay/ây, ui/uôi, ưi/ươi, (vần dễ lẫn) + Thanh : thanh hỏi/thanh ngã, - Về nội dung : Bài chính tả âm vần là bài tập lựa chọn, được đặt trong ngoặc đơn, ví dụ : (2), (3). Mỗi bài tập lựa chọn gồm 2 đến 3 bài tập nhỏ dành cho các vùng phương ngữ nhất định. Giáo viên căn cứ vào đặc điểm địa phương và thực tế phát âm của HS để lựa chọn bài tập hoặc tự biên soạn bài tập mới cho thích hợp. - Về hình thức : Hình thức bài tập chính tả âm vần rất phong phú và đa dạng. Nội dung bài tập mang tính tình huống và thể hiện rõ quan điểm giao tiếp trong dạy học. Có thể kể đến một số hình thức bài tập chính tả âm, vần mới xuất hiện ở lớp 3 như :
  28. + Phân biệt cách viết các từ dễ lẫn trong câu, trong đoạn văn. + Tìm tiếng có nghĩa điền vào ô trống trong bảng cho phù hợp. + Tự rút ra quy tắc chính tả qua các bài tập thực hành. + Đặt câu để phân biệt các từ có hình thức chính tả dễ lẫn. + Giải đố để phân biệt từ ngữ có âm, vần, thanh dễ lẫn. + Nối tiếng từ ngữ đã cho để tạo thành từ ngữ hoặc câu đúng. + Tìm từ ngữ chứa âm, vần dễ lẫn qua gợi ý nghĩa của từ, qua gợi ý từ đồng âm, từ trái nghĩa, Ngoài các bài tập chính tả đoạn, bài, chính tả âm, vần, sách còn có các bài tập về trật tự bảng chữ cái. Phần nhận xét về chính tả cuối bài chính tả trong SGK còn giúp HS củng cố về những kiến thức và kĩ năng chính tả như quy tắc viết hoa, cách viết khi xuống dòng, cách viết các dòng thơ, cách trình bày bài thơ. II - Biện pháp dạy học chủ yếu 1. Hướng dẫn HS chuẩn bị viết chính tả Gồm các hoạt động : Hướng dẫn HS đọc và nắm nội dung bài chính tả, nhận xét những hiện tượng chính tả trong bài, luyện viết những chữ ghi tiếng khó hoặc dễ lẫn. 2. Đọc bài chính tả cho HS viết (Chính tả nghe - viết) GV đọc toàn bài trước khi viết - đọc từng câu ngắn hoặc cụm từ (từ 2 đến 3 lần) cho HS viết - đọc lần cuối cho HS soát lại. 3. Chấm và chữa bài chính tả GV hướng dẫn HS chữa bài Chính tả ; chấm một số bài viết của HS để nhận xét và rút kinh nghiệm chung. 4. Hướng dẫn HS làm bài tập chính tả âm, vần GV hướng dẫn HS nắm yêu cầu của bài tập, chữa một phần bài tập để làm mẫu, cho HS làm bài và nêu kết quả để nhận xét, đánh giá. III - Quy trình dạy học 1. Kiểm tra bài cũ HS nghe viết một số từ ngữ khó đã được luyện tập ở tiết chính tả kì trước hoặc nghe viết một số từ ngữ thường mắc lỗi phổ biến của địa phương. 2. Dạy bài mới a) Giới thiệu bài GV nêu yêu cầu của bài viết chính tả và bài tập chính tả rèn một số cặp âm, vần, thanh dễ lẫn. b) Hướng dẫn chính tả - HS đọc bài chính tả sẽ viết trong SGK.
  29. - GV hỏi 1 - 2 câu hỏi để HS nắm được nội dung chính của bài viết (ở lớp HS học yếu, có thể không hỏi nội dung bài). - Hướng dẫn nhận xét về bài chính tả (cách trình bày văn bản, một số hiện tượng chính tả cần lưu ý trong bài, ) - Hướng dẫn học sinh nhận biết (phân tích, so sánh, ghi nhớ, ) và tập viết các chữ ghi tiếng khó hoặc dễ lẫn trên bảng con. c) Viết chính tả - Chính tả tập chép (nhìn bảng, nhìn SGK) : Với hình thức chính tả tập chép, ở giai đoạn đầu lớp 3 GV yêu cầu HS nhìn bảng lớp hoặc nhìn SGK để tập chép. Lưu ý HS nhìn sách đọc nhẩm cả câu ngắn hay cả cụm từ rồi viết liền mạch để làm quen với cách viết chính tả nghe viết (tránh cách nhìn viết từng chữ hay từng từ ngữ). - Chính tả nghe - viết (GV đọc cho HS viết) : GV đọc lần thứ nhất để HS bao quát toàn bài (GV cần phát âm rõ ràng, tốc độ vừa phải, tạo điều kiện cho HS lưu ý các hiện tượng chính tả cần chú ý) - GVđọc từng câu ngắn hay từng cụm từ để HS viết, mỗi câu ngắn hoặc cụm từ được đọc từ 2 đến 3 lần cho HS kịp viết theo tốc độ quy định ở lớp 3 - GV đọc toàn bài lần cuối cho HS soát lại. - Chính tả nhớ - viết : HS nhớ lại nội dung bài đã học thuộc lòng trước đó để tự viết lại. Với hình thức chính tả nhớ - viết, ở giai đoạn đầu, GV cần hướng dẫn HS cách tự nhớ lại bài học thuộc lòng, đọc nhẩm từng câu thơ trong đầu, viết lại từng dòng thơ theo thứ tự từ đầu đến cuối ; chú ý nhắc nhở HS viết đúng, trình bày đẹp theo đặc điểm của từng thể loại thơ. d) Chấm, chữa bài chính tả Mỗi giờ chính tả GV chọn chấm, chữa một số bài viết của học sinh. Đối tượng được chọn chấm, chữa bài ở mỗi giờ là : những HS chưa có điểm bài chính tả, những HS viết chậm hoặc hay mắc lỗi cần được chú ý rèn cặp thường xuyên. Qua chấm bài, GV có điều kiện rút ra nhận xét, kịp thời tuyên dương những HS có nhiều tiến bộ, phát hiện những lỗi HS thường mắc để các em chú ý sửa chữa. Sau khi chấm bài cho một số em, GV có thể giúp HS cả lớp tự kiểm tra và chữa lỗi theo các cách sau : + GV treo bảng viết sẵn bài chính tả (nghe - đọc, nhớ - viết) lên bảng lớp để HS tự đối chiếu và chữa bài của mình. + HS đổi vở cho nhau để chấm bài của bạn. + GV đọc từng câu cho cả lớp soát lỗi, kết hợp chỉ dẫn các chữ dễ viết sai chính tả. e) Hướng dẫn HS làm bài tập chính tả - Các loại bài tập chính tả :
  30. + Bài tập bắt buộc (chung cho các vùng phương ngữ) : Nội dung các bài tập này là luyện viết các âm, vần, thanh khó (ít dùng). Những âm vần khó thường ít dùng, tần số xuất hiện thấp. GV có thể lưu ý HS ghi nhớ một số trường hợp khó để tránh viết sai các trường hợp khác. Ví dụ : vần uyu chỉ xuất hiện trong khuỷu tay, khúc khuỷu, khuỵu chân ; vần oeo chỉ xuất hiện trong ngoằn ngoèo, khoèo chân, + Bài tập lựa chọn cho từng vùng phương ngữ : Nội dung các bài tập này là luyện viết phân biệt các âm, vần dễ lẫn do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương. Ví dụ : ch/tr, s/x, d/r/gi (miền Bắc) ; an/ ang, ac/ at, thanh hỏi/ thanh ngã (Nam Bộ) ; ui/ uôi, ưi/ ươi, im/ iêm, thanh hỏi/ thanh ngã (Trung Bộ). Mỗi bài tập lựa chọn bao gồm 1 - 3 bài tập nhỏ dành cho từng vùng phương ngữ khác nhau. GV căn cứ vào thực tế phát âm và lỗi chính tả của HS lớp mình mà chọn bài tập nhỏ thích hợp cho từng đối tượng. - Hướng dẫn HS làm bài tập chính tả : + Giúp HS nắm vững yêu cầu của bài bằng cách đọc lệnh rõ ràng. Có thể hỏi hoặc giải thích thêm nếu nghĩ rằng HS chưa thực sự hiểu yêu cầu của bài. + Với những dạng bài mới, bài khó có thể chữa một phần bài mẫu cho cả lớp cùng quan sát. + Cho HS làm bài vào bảng con hoặc vở bài tập theo cá nhân hay nhóm. GV quan sát giúp đỡ những HS yếu. + Chữa toàn bộ BT. g) Củng cố, dặn dò - GV nhận xét tiết học. - Lưu ý những trường hợp dễ viết sai, những HS còn hay viết sai từng loại lỗi cụ thể để nêu yêu cầu tiếp tục luyện tập. HOẠT ĐỘNG CỦA HỌC VIÊN Hoạt động 1. Xác định những điểm mới về nội dung, hình thức luyện tập chính tả ở lớp 3 ; quy trình và biện pháp tổ chức dạy học Chính tả lớp 3 a) Mục đích hoạt động - Nắm được cấu trúc, cách biên soạn các bài học chính tả trong SGK Tiếng Việt 3, những điểm mới về nội dung và hình thức luyện tập phân môn Chính tả lớp 3. - Nắm được quy trình và các biện pháp dạy học chủ yếu ở phân môn Chính tả lớp 3. Xác định rõ một số lưu ý cần thiết trong từng bước thực hiện quy trình nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới PPDH. b) Nhiệm vụ cụ thể
  31. - Cho biết nội dung dạy học phân môn Chính tả trong SGK Tiếng Việt 3 mới có những điểm gì khác so với CT CCGD trước đây ? Có những điểm gì khác so với phân môn Chính tả lớp 2 mới ? - Nêu những điểm mới về cách trình bày bài học Chính tả trong SGK Tiếng Việt 3. Trình bày những hình thức luyện tập chính tả mới và những lưu ý cần thiết khi thực hiện các hình thức luyện tập đó. - Nêu quy trình cơ bản trong dạy học phân môn Chính tả, những lưu ý cần thiết khi dạy từng kiểu loại bài, khi thực hiện từng bước trong quy trình. Để thực hiện dạy học theo tinh thần đổi mới, lấy HS làm trung tâm, GV cần chủ động, linh hoạt ở những bước nào trong quy trình dạy ? Hoạt động 2. Thực hành soạn kế hoạch bài học và trao đổi nhóm a) Mục đích hoạt động - Vận dụng hiểu biết về nội dung và ý đồ thiết kế bài chính tả trong SGK để thực hành soạn kế hoạch bài học lên lớp cho bài Chính tả cụ thể trong SGK Tiếng Việt 3. - Qua thực hành soạn và trao đổi nhóm, GV nắm được quy trình lên lớp bài Chính tả và mức độ cho phép sự linh hoạt sáng tạo của GV để phù hợp với đối tượng HS nhằm đạt hiệu quả thiết thực nhất cho một tiết học Chính tả. b) Nhiệm vụ cụ thể - Làm việc cá nhân : tự nghiên cứu tài liệu hướng dẫn. - Mỗi nhóm chọn một bài chính tả trong SGK Tiếng Việt 3 để soạn một kế hoạch bài học dạy cho đối tượng HS địa phương. - Đại diện các nhóm thuyết trình trên lớp về kế hoạch bài học đã soạn. - Trao đổi trên lớp về tiết dạy chính tả đã thuyết trình ; nhận xét, bổ sung từng hoạt động dạy học để chọn được phương án dạy hiệu quả nhất. Kế hoạch bài học minh hoạ CHÍNH TẢ Nghe - Viết : Ai có lỗi Phân biệt uêch/uyu, s/x, ăn/ăng (Tuần 2) I - Mục đích, yêu cầu 1. Nghe và viết đúng chính tả đoạn 3 bài “Ai có lỗi”. Chú ý viết đúng tên riêng người nước ngoài. 2. Tìm đúng các từ ngữ chứa tiếng có vần uêch, vần uyu. 3. Luyện viết đúng những từ ngữ có âm, vần dễ lẫn do ảnh hưởng của cách phát âm phương ngữ : s/x, ăn/ăng.
  32. II - Đồ dùng dạy học - Bảng phụ hoặc giấy to viết sẵn nội dung bài tập 2, bài tập 3. - Các thẻ từ viết sẵn từng dòng nội dung bài tập 2 để HS tự điền vào chỗ trống. III - Các hoạt động dạy học 1. Hướng dẫn HS nghe - viết chính tả a) Hướng dẫn HS chuẩn bị viết chính tả - GV đọc toàn bài chính tả trong SGK 1 lượt. Chú ý đọc thong thả, rõ ràng, phát âm chính xác các tiếng có âm, vần, thanh HS địa phương thường viết sai. HS nghe và theo dõi SGK. - Có thể yêu cầu từ 1đến 2 HS khá giỏi đọc lại bài chính tả. HS cả lớp nghe và theo dõi SGK. - GV hướng dẫn HS tìm hiểu nội dung đoạn viết chính tả và những hiện tượng chính tả cần lưu ý trong đoạn : + Nội dung chính của đoạn văn là gì ? GV đặt câu hỏi cho 1 - 2 HS trả lời và chốt lại nội dung chính của đoạn văn. (Sự hối hận của Cô-rét-ti sau khi cơn giận lắng xuống. Cậu thấy thương bạn, muốn xin lỗi bạn nhưng không đủ can đảm). + Tìm tên riêng trong bài chính tả ? GV gọi 1 - 2 HS trả lời câu hỏi và chốt lại (Cô-rét-ti). + Nhận xét cách viết tên riêng nói trên, so sánh với cách viết tên riêng người Việt Nam. GV nêu yêu cầu, có thể cho HS thảo luận cặp đôi. Sau đó gọi 2 HS trả lời, nhận xét và chốt lại : Đây là tên riêng người nước ngoài, cách viết khác với cách viết tên riêng Việt Nam. Chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên, giữa các chữ ghi tiếng trong tên riêng có dấu gạch nối). + Lưu ý HS các hiện tượng chính tả khó. GV đọc cho HS viết vào giấy nháp hoặc bảng con các từ ngữ dễ viết sai tuỳ theo đặc điểm của HS địa phương : khuỷu tay, sứt chỉ, can đảm, vác củi, bỗng nhiên. b) Đọc cho HS viết bài chính tả - GV đọc từng cụm từ hay từng câu ngắn cho HS viết. Mỗi cụm từ (câu ngắn) đọc từ 1 đến 3 lượt tuỳ theo mức độ khó của văn bản và trình độ viết của HS trong lớp. - GV theo dõi tốc độ viết của HS để điều chỉnh tốc độ đọc của mình cho phù hợp và uốn nắn, nhắc nhở tư thế ngồi của HS. - GV bao quát lớp, chú ý nhắc nhở, giúp đỡ những HS viết chậm và viết sai nhiều lỗi chính tả.
  33. - GV đọc lại toàn bài chính tả 1 lượt. HS nghe và soát lại bài. c) Hướng dẫn HS chữa lỗi và chấm bài chính tả - Sau khi HS viết xong bài, GV giúp HS cả lớp tự kiểm tra và chữa lỗi theo các cách sau : + GV treo bài chính tả đã viết sẵn lên bảng lớp để HS tự đối chiếu và chữa bài của mình. + HS đổi vở cho nhau đối chiếu bảng lớp để chữa bài của bạn. + GV đọc cho cả lớp soát lỗi từng câu, có chỉ dẫn các chữ dễ sai chính tả để HS tự sửa lỗi. - HS có thể đối chiếu bảng lớp, SGK hoặc nghe GV đọc, tự sửa những chữ viết sai bên lề trang vở. - GV chọn chấm, chữa một số bài viết của học sinh. Đối tượng được chọn chấm chữa bài ở mỗi giờ là : những HS chưa có điểm bài chính tả, những HS viết chậm hoặc hay mắc lỗi cần được chú ý rèn cặp thường xuyên. - GV nhận xét, kịp thời tuyên dương những HS có nhiều tiến bộ, phát hiện những lỗi HS thường mắc để các em chú ý sửa chữa. 2. Hướng dẫn HS làm bài tập chính tả Bài tập 2 : Dùng trò chơi tiếp sức để giải. - GV nêu yêu cầu : Lớp chia thành 4 nhóm thảo luận để tìm từ ngữ có vần uêch, uyu. Sau 1 phút thảo luận, HS các nhóm sẽ nối tiếp nhau lên bảng viết từ ngữ có chứa vần uêch, uyu vào cột của nhóm mình. Nhóm nào tìm được nhiều từ ngữ và viết đúng, nhóm ấy thắng cuộc. - HS thực hành thảo luận nhóm và chơi trò chơi tiếp sức theo chỉ dẫn của GV. - HS trong nhóm đọc các từ ngữ nhóm mình tìm được. - Cả lớp và GV nhận xét về kết quả làm việc của mỗi nhóm. Khen thưởng nhóm thắng cuộc. - GV đọc cho cả lớp viết các từ ngữ có vần khó vừa tìm được. Bài tập 3 : Dùng thẻ từ để điền từ ngữ thích hợp. - GV giải thích, hướng dẫn HS hiểu yêu cầu bài tập 2 (lựa chọn âm, vần thích hợp điền vào chỗ trống). - GV chọn bài tập (a) hay (b) tuỳ đặc điểm phương ngữ, lỗi phát âm, lỗi chính tả của HS trong lớp.
  34. - Mỗi HS tự làm bài vào vở bài tập hoặc giấy nháp. - GV cho từ 2 đến 3 HS điền từ ngữ bằng thẻ từ trên bảng lớp. - Cả lớp nhận xét, đánh giá kết quả làm bài của bạn. - Cả lớp sửa bài theo lời giải đúng : Bài (a) : Cây sấu, chữ xấu ; chia sẻ, xẻ gỗ ; xắn tay áo, củ sắn. Bài (b) : Thuốc đắng, đúng đắn ; nhọc nhằn, lằng nhằng ; vắng mặt, vắn tắt. Chú ý : Có thể tổ chức HS chữa bài tập dưới hình thức thi tiếp sức : 2 nhóm HS lên bảng lớp thi nhau chữa bài nhanh và đúng, mỗi HS của mỗi nhóm tìm 1 tiếng có âm đầu phù hợp điền vào 1 chỗ trống lần lượt cho đến hết, mỗi tiếng điền đúng được 1 điểm, nhóm nào xong trước và được nhiều điểm nhóm ấy thắng cuộc ; hoặc 3 - 4 nhóm thi làm bài đúng, nhanh trên các tờ giấy viết nội dung bài tập chữ to. Nhóm nào làm xong dán bài làm lên bảng lớp. GV tự mình đánh giá các nhóm hoặc chỉ định 1 HS làm trọng tài đánh giá. GV đóng vai trò tư vấn, tổng kết. 3. Củng cố, dặn dò - GV nhận xét giờ học, biểu dương những HS tốt về từng mặt : viết sạch, viết đẹp, viết đúng chính tả. - Lưu ý HS một số từ các em thường viết sai. DẠY TẬP VIẾT Thông tin cơ bản I - Nội dung dạy học phân môn Tập viết lớp 3 Chương trình Tiểu học (ban hành kèm theo Quyết định số 43/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 9 tháng 11 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định về dạy viết chữ cho HS lớp 3 như sau : “Viết đúng, nhanh các kiểu chữ thường và chữ hoa cỡ nhỏ ; viết rõ ràng, đều nét một đoạn văn ngắn”. 1. So với chương trình lớp 2, nội dung và yêu cầu của phân môn Tập viết lớp 3 có những điểm mới chủ yếu về kĩ năng viết chữ, cụ thể : - Luyện tập củng cố kĩ năng viết các kiểu chữ thường và chữ hoa theo cỡ nhỏ với mức độ yêu cầu được nâng cao : đúng và nhanh. - Thực hành viết ứng dụng (câu, đoạn ngắn) nhằm bước đầu hoàn thiện kĩ năng viết chữ ở giai đoạn thứ nhất (lớp 1, 2, 3) của chương trình Tiểu học. Yêu cầu nói trên đòi hỏi GV vừa phải tăng cường hướng dẫn HS thực hành luyện tập viết chữ (chữ hoa, chữ thường) vừa kết hợp củng cố những kiến thức về mẫu chữ
  35. viết (hình dạng và kích cỡ chữ, cấu tạo nét), về các thao tác (kĩ thuật) viết chữ (quy trình viết, nối nét, ghi dấu phụ và dấu thanh, để khoảng cách, ). 2. Nội dung dạy học phân môn Tập viết lớp 3 được cụ thể hoá trong vở Tập viết 3 (hai tập) như sau : a) Bám sát nội dung bài học trong SGK Tiếng Việt 3 (35 tuần) : Ôn tập, củng cố cách viết 29 chữ cái viết hoa và một số tổ hợp chữ ghi âm đầu có chữ cái viết hoa (VD : Ch, Gi, Gh, ) ; luyện viết ứng dụng các tên riêng, các câu tục ngữ, ca dao, thơ, có số chữ dài hơn ở lớp 2. Chú ý : 4 tuần ôn tập và kiểm tra định kì không có tiết dạy Tập viết trên lớp nhưng trong vở Tập viết 3 vẫn có nội dung luyện viết thêm (ở nhà) để HS rèn kĩ năng viết chữ và trình bày một đoạn (hoặc bài ngắn). b) Mỗi bài Tập viết ở lớp 3 được thiết kế trên 2 trang vở có chữ viết mẫu (cỡ nhỏ) trên dòng kẻ li. Cấu trúc cụ thể như sau : * Trang lẻ : - Tập viết ở lớp (kí hiệu n ). Thường có những yêu cầu sau : + 2 dòng chữ viết hoa cỡ nhỏ (bao gồm : 1 dòng ôn lại chữ cái viết hoa hoặc tổ hợp chữ ghi âm đầu có chữ cái viết hoa đã học ở lớp 2 - yêu cầu trọng tâm ; 1 dòng củng cố thêm 1 - 2 chữ cái viết hoa hoặc tổ hợp chữ ghi âm đầu có chữ cái viết hoa xuất hiện trong tên riêng hoặc câu ứng dụng - yêu cầu kết hợp). + 2 dòng viết ứng dụng tên riêng (cỡ nhỏ). + 4 dòng viết ứng dụng câu (tục ngữ, ca dao, thơ ) theo cỡ nhỏ. - Tập viết nghiêng (tự chọn, kí hiệuô). * Trang chẵn : - Luyện viết thêm (kí hiệu <) Gồm những chữ viết hoa cần ôn luyện và một số chữ viết thường cần lưu ý về kĩ thuật nối nét (viết liền mạch) ; luyện viết tên riêng và câu ứng dụng trong bài. - Tập viết nghiêng (tự chọn, kí hiệu ô). Chú ý : Sau chữ viết mẫu, trên mỗi dòng kẻ đều có điểm đặt bút (dấu chấm) với những dụng ý : giúp HS xác định rõ số lần viết theo mẫu, tạo điều kiện thuận lợi cho HS viết đúng hình dạng, quy trình chữ viết, bảo đảm khoảng cách đều nhau giữa các chữ, tăng thêm tính thẩm mĩ của trang vở Tập viết. II - Biện pháp dạy học chủ yếu 1. Hướng dẫn HS viết chữ - GV viết mẫu và chỉ dẫn kĩ thuật viết chữ (quy trình viết, nối nét các chữ cái trong chữ ghi tiếng, đặt dấu thanh, ước lượng khoảng cách).
  36. - Hướng dẫn HS thực hành luyện tập viết chữ trên bảng con, trong vở Tập viết (viết chữ hoa, từ ứng dụng, câu ứng dụng). 2. Chấm và chữa bài tập viết - GV đối chiếu với yêu cầu đề ra để đánh giá chất lượng chữ viết của HS, giúp HS thấy rõ thành công hay hạn chế trong bài tập viết. - Cho điểm theo quy định, nhận xét, góp ý, nêu yêu cầu cụ thể đối với HS về chữ viết. 3. Rèn thói quen, nền nếp viết chữ - Uốn nắn HS về tư thế ngồi viết, cách cầm bút, để vở, giữ khoảng cách giữa vở và mắt, - Nhắc nhở HS về cách trình bày, về ý thức viết chữ và giữ gìn sách vở sạch đẹp ; quan tâm đến những điều kiện cần thiết như ánh sáng, bàn ghế, học cụ, III - Quy trình dạy học Theo yêu cầu của chương trình, quy trình dạy học tiết Tập viết ở lớp 3 so với lớp 2 có một vài thay đổi, cụ thể như sau : 1. Kiểm tra bài cũ GV đọc cho HS viết (bảng lớp, bảng con) chữ hoa và tên riêng đã học ở bài kế trước ; nhận xét, củng cố kĩ năng viết chữ hoa và tên riêng ; hoặc GV nhận xét về bài tập viết của HS đã được thu về chấm thêm. 2. Dạy bài mới a) Giới thiệu bài GV nêu yêu cầu của tiết học (củng cố chữ viết hoa, viết tên riêng và câu ứng dụng) ; hoặc cho HS đọc nội dung bài trong SGK, sau đó GV nêu rõ thêm về yêu cầu của tiết học ; ghi bảng tên bài. b) Hướng dẫn HS luyện viết trên bảng con - Luyện viết chữ hoa : + Củng cố cách viết chữ hoa trọng tâm (GV viết mẫu, kết hợp nhắc lại cách viết - HS tập viết trên bảng - GV nhận xét, uốn nắn). + Củng cố thêm 1 - 2 chữ hoa xuất hiện trong tên riêng và câu ứng dụng (GV viết mẫu, kết hợp nhắc lại cách viết - HS tập viết trên bảng - GV nhận xét, uốn nắn). - Luyện viết từ ứng dụng (tên riêng) : + HS đọc tên riêng (SGK) ; GV giới thiệu (hoặc gợi ý HS nhận biết) về tên riêng.
  37. + GV hướng dẫn cách viết tên riêng (chú ý về khoảng cách hoặc nối chữ viết hoa với chữ viết thường, nối nét các chữ cái) ; viết mẫu (kết hợp nhắc lại cách viết) ; cho HS tập viết trên bảng ; nhận xét, uốn nắn về cách viết. - Luyện viết câu ứng dụng (chữ viết hoa, tên riêng trong câu ứng dụng) : + HS đọc câu ứng dụng (SGK) ; GV giúp HS hiểu nội dung câu ứng dụng. + HS nêu các chữ viết hoa, tên riêng có trong câu ứng dụng ; GV hướng dẫn HS luyện viết trên bảng 2 - 3 chữ viết hoa hoặc tên riêng đã nêu (kết hợp củng cố thêm về cách viết chữ cái viết hoa, nếu cần thiết) ; nhận xét, uốn nắn. Chú ý : GV kết hợp sử dụng Bộ chữ dạy tập viết, Bộ chữ viết mẫu tên riêng (theo mẫu chữ Bộ GD&ĐT ban hành) để hướng dẫn như phần (b). c) Hướng dẫn HS viết vào vở Tập viết - GV nêu yêu cầu tập viết (nội dung viết và số dòng luyện viết trong vở). - Hướng dẫn HS viết vào vở Tập viết (lưu ý về cách viết liền mạch ; về tư thế ngồi viết, để vở, cầm bút ; về ý thức viết chữ và trình bày bài sạch đẹp ). d) Chấm, chữa bài GV chấm (từ 5 đến 7 bài), nêu nhận xét để HS rút kinh nghiệm. e) Củng cố, dặn dò GV nhận xét về tiết học ; nhắc HS luyện viết thêm trong vở Tập viết 3 để rèn chữ đẹp (chú ý khuyến khích HS tập viết theo kiểu chữ nghiêng - tự chọn). HOẠT ĐỘNG CỦA HỌC VIÊN Hoạt động 1. Xác định nội dung, yêu cầu, quy trình, biện pháp dạy học phân môn Tập viết lớp 3 a) Mục đích hoạt động - Nắm được nội dung, yêu cầu dạy học phân môn Tập viết theo SGK Tiếng Việt 3 ; hiểu cấu trúc và cách biên soạn các bài dạy Tập viết trong vở Tập viết 3. - Nắm vững quy trình, biện pháp dạy - học tiết Tập viết ở lớp 3 (chú ý những điểm mới so với Tập viết ở lớp 2). b) Nhiệm vụ cụ thể - Thảo luận nhóm về các câu hỏi : + Trình bày nội dung bài học Tập viết trong SGK Tiếng Việt 3 và yêu cầu luyện tập trong vở Tập viết 3 (kết hợp so sánh với nội dung, yêu cầu dạy Tập viết ở lớp 2 để thấy những điểm giống và khác nhau).
  38. + Phân tích và nêu ví dụ minh hoạ về quy trình, biện pháp dạy học Tập viết ở lớp 3 (kết hợp so sánh với quy trình và biện pháp dạy Tập viết ở lớp 2 để thấy những điểm giống và khác nhau). Những điểm nào trong quy trình hoặc biện pháp dạy học Tập viết lớp 3 cần được giảng viên giải thích rõ thêm ? - Đại diện các nhóm trình bày kết quả thảo luận và nêu ý kiến thắc mắc. - GV chốt lại các vấn đề cơ bản và giải đáp thắc mắc của học viên. Hoạt động 2. Xem băng hình Dạy học - Tập viết và thảo luận theo hướng dẫn học băng hình Hoạt động 3. Thực hành soạn và trình bày kế hoạch bài học một bài Tập viết ở lớp 3 (theo sự phân công của giảng viên) a) Mục đích hoạt động - Vận dụng những hiểu biết về nội dung và PPDH để thực hành soạn kế hoạch bài học lên lớp cho một bài Tập viết cụ thể trong vở Tập viết 3. - Qua việc thực hành soạn kế hoạch bài học và trao đổi về cách dạy tiết Tập viết lớp 3, GV biết chủ động thực hiện quy trình dạy học một cách hợp lí và có hiệu quả. b) Nhiệm vụ cụ thể - Nhóm học viên tự nghiên cứu, trao đổi và thực hành soạn kế hoạch bài học một bài Tập viết theo sự phân công của giảng viên. - Đại diện nhóm học viên thuyết trình (hoặc dạy thử) trước lớp về tiết Tập viết lớp 3 theo kế hoạch bài học đã soạn. - Trao đổi ý kiến trước lớp về cách dạy tiết Tập viết đã thuyết trình (hoặc dạy thử) ; kết hợp chỉ rõ sự vận dụng linh hoạt về quy trình, biện pháp và hình thức tổ chức dạy học. Kế hoạch bài học minh hoạ TẬP VIẾT Ôn chữ hoa : G (tiếp theo) (Tuần 10) I - Mục đích, yêu cầu - Luyện viết đúng và nhanh chữ hoa G (Gi) theo cỡ nhỏ ; ôn cách viết các chữ hoa Ô, T có trong tên riêng và câu ca dao. - Tập viết ứng dụng tên riêng : Ông Gióng - Biết viết và trình bày đúng câu thơ lục bát có chữ viết hoa : Gió đưa cành trúc la đà
  39. Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. II - Đồ dùng dạy học - Mẫu chữ viết hoa : G, Ô, T. - Chữ mẫu theo cỡ nhỏ : tên riêng (Ông Gióng), câu ca dao trong bài (viết trên bảng lớp, hoặc cho HS quan sát trong vở Tập viết 3). - Vở Tập viết 3, tập một. Chú ý : Danh mục TBDH tối thiểu lớp 3 - môn Tiếng Việt (ban hành kèm theo Quyết định số 03/2004/QĐ/BGD&ĐT, ngày 23/2/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) có 2 thiết bị dạy học được sử dụng trong các tiết dạy Tập viết : Bộ chữ dạy tập viết, Bộ chữ viết mẫu tên riêng. III - Các hoạt động dạy học 1. Kiểm tra bài cũ GV yêu cầu HS : - Viết (trên bảng lớp, bảng con) chữ viết hoa và tên riêng đã học ở bài trước : G, Gò Công. - Nhắc lại câu ứng dụng đã tập viết ở bài trước (Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau) ; sau đó có thể cho HS viết lại (trên bảng lớp, bảng con) 2 chữ có trường hợp nối nét khó : ngoan, ngoài. Sau mỗi lần viết, GV nhận xét, củng cố kiến thức, kĩ năng viết chữ đã học ở bài trước. (Nếu thu bài tập viết của HS về chấm thêm, GV cần kết hợp nhận xét, biểu dương sau khi kiểm tra bài cũ). 2. Dạy bài mới a) Giới thiệu bài - GV nêu yêu cầu của tiết học : Hôm nay, các em sẽ tiếp tục luyện viết chữ hoa G (giê) trong chữ Gi (giê-i), ôn lại cách viết các chữ hoa Ô (ô), T (tê) ; tập viết ứng dụng tên riêng (Ông Gióng) và câu ca dao nói về cảnh đẹp đất nước : Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. - GV ghi tên bài lên bảng lớp : Ôn chữ hoa : G (tiếp theo). (Hoặc giới thiệu bài theo cách sau : Yêu cầu HS đọc nội dung bài trong SGK, tr. 80, sau đó GV nêu rõ mục đích, yêu cầu của tiết học và ghi bảng tên bài). b) Hướng dẫn HS luyện viết trên bảng con * Luyện viết chữ hoa
  40. - Yêu cầu HS đọc SGK (tên riêng, câu), tìm và nêu các chữ hoa có trong bài : G (giê, hoặc HS có thể nêu Gi / giê-i), Ô (ô), T (tê, hoặc HS có thể nêu Th / tê-hát, Tr / tê e-rờ), V (vê), X (ích-xì). - GV nói : Tiết học hôm nay tiếp tục củng cố cách viết chữ hoa G (giê) trong chữ Gi (giê-i). - GV treo mẫu chữ G hoa trên bảng cho HS quan sát và nhận xét sơ bộ (nhớ lại cách viết chữ hoa đã học ở lớp 2) : + Chữ G hoa được viết mấy nét ? (2 nét). + Nét 1 viết giống chữ hoa gì ? (C). + Nét 2 là nét gì ? (nét khuyết). - GV (nói và viết mẫu) : Chữ G (giê) hoa được viết liền với chữ i thành chữ Gi (giê- i) như sau (GV viết chữ Gi cỡ nhỏ trên dòng kẻ li ở bảng lớp cho HS quan sát, vừa viết vừa nhắc HS lưu ý : độ cao chữ G là 4 li, phần trên được viết gần giống chữ hoa C, cao hai li rưỡi, phần nét khuyết cần viết thẳng và cân đối, kéo xuống 1 li rưỡi ; từ G nối sang i tạo thành chữ Gi). - GV (nói và viết mẫu) : Trong bài tập viết hôm nay, các em sẽ luyện viết củng cố thêm chữ hoa Ô và chữ hoa T (có thể đưa bìa chữ hoa Ô, T cho HS quan sát lại, nếu cần). Hãy theo dõi cô (thầy) viết trên bảng và nhớ lại cách viết (GV lần lượt viết từng chữ hoa cỡ nhỏ trên dòng kẻ li ở bảng lớp, kết hợp lưu ý về cách viết, VD : Chữ hoa Ô cỡ vừa cao hai li rưỡi, được viết 1 nét, phần cuối nét lượn cong vào bụng chữ, không to quá hay nhỏ quá. Chữ hoa T cao bằng chữ hoa Ô, cũng được viết liền 1 nét, phần đầu nét chú ý viết phối hợp 2 nét cơ bản cong trái nhỏ và lượn ngang, sau đó lượn đầu bút trở lại tạo vòng xoắn ở đầu chữ rồi viết tiếp nét cơ bản cong trái to, phần cuối nét lượn cong vào trong ). - GV yêu cầu HS tập viết vào bảng con từng chữ hoa : Gi (2 lần), Ô (1 hoặc 2 lần), T (1 hoặc 2 lần). Sau mỗi lần viết, GV nhận xét để HS rút kinh nghiệm. * Luyện viết từ ứng dụng (tên riêng) - HS đọc tên riêng (trong SGK) : Ông Gióng - GV giới thiệu (hoặc gợi ý HS nêu hiểu biết về Ông Gióng) : Theo một câu chuyện cổ, Ông Gióng (còn gọi là Thánh Gióng hoặc Phù Đổng Thiên Vương) quê ở làng Gióng (nay thuộc xã Phù Đổng, ngoại thành Hà Nội), là người sống vào thời vua Hùng, đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. - GV gắn bìa chữ tên riêng (cỡ nhỏ) lên bảng lớp cho HS quan sát và nhận xét các chữ cái cần lưu ý khi viết : + Những chữ nào viết 2 li rưỡi ? (Ô, g) + Chữ hoa nào viết 4 li ? (G)
  41. Sau đó, GV viết mẫu tên riêng theo cỡ nhỏ trên dòng kẻ li ở bảng lớp (lưu ý về cách viết liền mạch ở chữ Gióng). - GV yêu cầu HS tập viết tên riêng (Ông Gióng) trên bảng con 1 - 2 lần. Nhận xét, uốn nắn về cách viết. * Luyện viết câu ứng dụng - HS đọc câu ứng dụng (trong SGK hoặc trên bảng lớp) : Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. - GV nói : Câu ca dao tả cảnh đẹp và cuộc sống thanh bình trên đất nước ta (Trấn Vũ, Thọ Xương là những địa điểm thuộc Hà Nội trước đây ; tiếng chuông ở chùa Trấn Vũ và tiếng gà gáy sáng gợi cho ta nghĩ đến một khung cảnh thật êm ả). GV hỏi : Câu ca dao có những chữ nào được viết hoa ? (Gió, Tiếng - đầu dòng thơ ; Trấn Vũ, Thọ Xương - tên riêng). - GV yêu cầu HS luyện viết trên bảng con từng tên riêng đã nêu : Trấn Vũ, Thọ Xương (có thể đưa bìa chữ mẫu đã chuẩn bị trước, hoặc viết ở góc phải của bảng lớp, viết ở bảng phụ để chỉ dẫn thêm về cách viết các chữ hoa V, X). Sau mỗi lần viết, GV nhận xét, uốn nắn để HS rút kinh nghiệm. c) Hướng dẫn viết vào vở Tập viết - GV nêu yêu cầu viết chữ theo cỡ nhỏ trong vở Tập viết 3 : + 1 dòng chữ Gi, 1 dòng chữ Ô và chữ T + 2 dòng tên riêng : Ông Gióng + 2 lần (4 dòng) câu ca dao : Gió đưa cành trúc canh gà Thọ Xương. - HS tập viết vào vở (GV có thể cho viết theo từng chặng và nhận xét, uốn nắn kịp thời để HS rút kinh nghiệm). GV nhắc nhở HS ngồi viết đúng tư thế, lưu ý về độ cao và khoảng cách giữa các chữ ; trình bày câu ca dao theo đúng mẫu. d) Chấm, chữa bài GV chấm nhanh khoảng 5 - 7 bài ; nêu nhận xét về các bài đã chấm để rút kinh nghiệm chung. e) Củng cố, dặn dò GV nhận xét về tiết học ; khuyến khích HS học thuộc lòng câu ca dao, luyện viết thêm trong vở Tập viết để rèn chữ đẹp. DẠY LUYỆN TỪ VÀ CÂU Thông tin cơ bản I - Những điểm cần lưu ý về nội dung dạy học 1. Mở rộng vốn từ
  42. - Gắn với các chủ điểm được học : Măng non, Mái ấm, Tới trường, Cộng đồng, Quê hương, Bắc - Trung - Nam, Anh em một nhà, Thành thị - Nông thôn, Bảo vệ Tổ quốc, Sáng tạo, Nghệ thuật, Lễ hội, Thể thao, Ngôi nhà chung, Bầu trời và mặt đất. - Thông qua các bài tập : + Tìm từ ngữ theo chủ điểm + Tìm hiểu, giải nghĩa của từ + Hệ thống, phân loại vốn từ + Luyện cách sử dụng từ. 2. Ôn luyện kiến thức đã học ở lớp 2 - Ôn về các từ chỉ sự vật, từ chỉ hoạt động, trạng thái, từ chỉ đặc điểm (chủ yếu thông qua các bài tập có yêu cầu nhận diện). - Ôn về các kiểu câu đã học ở lớp 2 : Ai là gì ? Ai (cái gì, con gì) làm gì ? Ai thế nào ? Các thành phần trong câu đáp ứng các câu hỏi : Ai ? Là gì ? Làm gì ? Thế nào ? ở đâu ? Bao giờ ? Như thế nào ? Vì sao ? Để làm gì ?, thông qua các dạng bài tập : + Trả lời câu hỏi + Tìm bộ phận câu trả lời câu hỏi + Đặt câu hỏi cho từng bộ phận câu + Đặt câu theo mẫu, ghép các bộ phận thành câu. - Ôn về một số dấu câu cơ bản : dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm hỏi, dấu chấm than. Thông qua các bài tập : + Chọn dấu câu đã cho điền vào chỗ trống + Tìm dấu câu thích hợp điền vào chỗ trống + Điền dấu câu đã cho vào chỗ thích hợp + Tập ngắt câu. 3. Bước đầu làm quen với các biện pháp tu từ so sánh và nhân hoá - Về biện pháp so sánh, SGK có nhiều loại hình bài tập như : + Nhận diện (tìm) những sự vật được so sánh, những hình ảnh so sánh, các vế so sánh, các từ so sánh, các đặc điểm được so sánh + Tập nhận biết tác dụng của so sánh. + Tập đặt câu có dùng biện pháp so sánh . - Về biện pháp nhân hoá, SGK có những loại hình bài tập như : + Nhận diện phép nhân hoá trong câu : Cái gì được nhân hoá ? Nhân hoá bằng cách nào ? + Tập nhận biết cái hay của phép nhân hoá.
  43. + Tập viết câu hay đoạn văn có dùng nhân hoá. II - Biện pháp dạy học chủ yếu 1. Hướng dẫn HS làm bài tập - GV giúp HS nắm yêu cầu bài tập. - Hướng dẫn chữa một phần của bài tập để làm mẫu. - Hướng dẫn HS làm bài tập vào vở (hoặc bảng con, vở bài tập ), làm cá nhân, làm theo nhóm. - Tổ chức cho HS trao đổi, nhận xét về kết quả, rút ra những điểm cần nhớ về tri thức. 2. Cung cấp một số tri thức sơ giản về từ, câu và dấu câu HS chủ yếu thực hành luyện tập để làm quen với những kiến thức sẽ học ở các lớp trên. Đối với lớp 3, GV có thể nêu tóm tắt một số ý tóm lược thật ngắn gọn để HS nắm chắc bài (theo hướng dẫn trong SGV), không sa vào dạy lí thuyết. III - Quy trình dạy học 1. Kiểm tra bài cũ Yêu cầu HS giải bài tập về nhà (hoặc bài tập đã làm ở tiết trước) ; hoặc nêu ngắn gọn những điều đã học ở tiết trước, cho ví dụ minh hoạ. 2. Dạy bài mới a) Giới thiệu bài b) Hướng dẫn làm bài tập GV tổ chức HS thực hiện từng bài tập theo trình tự : Đọc và xác định yêu cầu của bài tập - GV hướng dẫn mẫu - HS làm bài tập - GV hướng dẫn HS nêu kết quả, trao đổi, nhận xét, ghi nhớ về kiến thức. c) Củng cố, dặn dò Nhấn mạnh những điểm cần nhớ về nội dung bài (kiến thức, kĩ năng). Nêu yêu cầu thực hành luyện tập về bài học. Hoạt động của học viên Hoạt động 1. Xác định những điểm cơ bản về nội dung, PPDH Luyện từ và câu ở lớp 3 a) Mục đích hoạt động - Nắm được những điểm mới về nội dung phân môn Luyện từ và câu theo SGK Tiếng Việt 3. Hiểu cấu trúc và cách biên soạn các bài Luyện từ và câu trong SGK Tiếng Việt 3. - Nắm được các biện pháp và hình thức tổ chức dạy học chủ yếu ở phân môn Luyện từ và câu lớp 3.
  44. b) Nhiệm vụ cụ thể - Học viên trao đổi nhóm về những vấn đề sau : + Nội dung dạy phân môn Luyện từ và câu trong SGK Tiếng Việt 3 có những điểm gì khác so với SGK Tiếng Việt 2 và so với SGK CCGD trước đây ? + Hãy chỉ ra những điểm cơ bản của hệ thống bài tập Luyện từ và câu, phương pháp và hình thức tổ chức dạy từng loại bài Luyện từ và câu theo nội dung dạy học trong SGK Tiếng Việt 3. - Đại diện nhóm trình bày ý kiến về những vấn đề trên, kèm ví dụ minh hoạ cụ thể trong SGK Tiếng Việt 3 ; học viên trong lớp trao đổi ý kiến. - Giảng viên chốt lại những điểm cơ bản về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy Luyện từ và câu ở lớp 3 ; giải đáp thắc mắc của học viên. Hoạt động 2. Xem băng hình Luyện từ và câu, thảo luận theo tài liệu hướng dẫn học băng hình Hoạt động 3. Thực hành soạn kế hoạch bài học và trao đổi về quy trình dạy học tiết Luyện từ và câu ở lớp 3 a) Mục đích hoạt động - Vận dụng những hiểu biết về nội dung và PPDH để thực hành soạn kế hoạch bài học lên lớp cho một bài Luyện từ và câu trong SGK Tiếng Việt 3. - Qua thực hành soạn kế hoạch bài học một bài cụ thể, học viên nắm được cách hướng dẫn HS luyện tập và quy trình dạy hợp lí. b) Nhiệm vụ cụ thể - Nhóm học viên tự nghiên cứu, trao đổi và thực hành soạn kế hoạch bài học một bài Luyện từ và câu lớp 3 theo sự phân công của giảng viên. - Đại diện nhóm học viên thuyết trình (hoặc dạy thử) trước lớp về tiết Luyện từ và câu theo kế hoạch bài học đã soạn. - Trao đổi ý kiến trên lớp về cách dạy tiết Luyện từ và câu đã thuyết trình (hoặc dạy thử). Kết hợp chỉ rõ sự vận dụng linh hoạt về quy trình, biện pháp và hình thức tổ chức dạy học. Kế hoạch bài học minh hoạ
  45. LUYỆN TỪ VÀ CÂU Mở rộng vốn từ : Thiếu nhi Ôn tập câu Ai là gì ? (Tuần 2) I - mục đích, yêu cầu 1. Mở rộng vốn từ của HS về chủ điểm trẻ em : tìm được các từ ngữ chỉ trẻ em, từ ngữ chỉ tính nết của trẻ em, từ ngữ chỉ tình cảm hoặc sự chăm sóc của người lớn đối với trẻ em. 2. Ôn tập kiểu câu Ai (cái gì, con gì) là gì ? II - Đồ dùng dạy học - Bảng phụ hoặc tờ giấy tờ rô ki to kẻ sẵn nội dung bài tập 1, để khoảng trống cho HS điền tiếp các từ ngữ sau từ mẫu (M). - Các băng giấy viết sẵn các câu a, b, c, ở bài tập 2 và bài tập 3. - Băng dính. III - Các hoạt động dạy học 1. Kiểm tra bài cũ - 1 - 2 HS làm lại BT1, BT2 tiết luyện từ và câu tuần trước. Cả lớp làm lại vào vở bài tập. - HS cả lớp nghe GV đọc khổ thơ và tìm hình ảnh so sánh trong khổ thơ : Sân nhà em sáng quá Nhờ ánh trăng sáng ngời Trăng tròn như cái đĩa Lơ lửng mà không rơi HS có thể thảo luận cặp đôi để tìm hình ảnh so sánh trong khổ thơ. GV gọi 1-2 HS phát biểu ý kiến và sửa chữa (hình ảnh so sánh : Trăng tròn như cái đĩa). 2. Dạy bài mới a) Giới thiệu bài Qua các bài học trong tuần qua, các em đã biết nhiều từ ngữ nói về sự vật nói chung. Bài học hôm nay, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm vốn từ ngữ thuộc chủ điểm trẻ em. b) Hướng dẫn HS làm bài tập Hoạt động 1. Thảo luận nhóm để hoàn thành bài tập 1 - GV nêu yêu cầu của bài tập 1 và chia lớp thành 4 - 5 nhóm để thảo luận hoàn thành bài tập. - GV phát giấy khổ to đã viết sẵn yêu cầu của bài tập 1 cho các nhóm làm việc.
  46. - HS làm bài theo nhóm, 1 HS trong nhóm đọc yêu cầu của bài (đọc cả mẫu). - Nhóm HS thảo luận để tìm nhanh các từ theo yêu cầu đã cho và điền tiếp vào sau VD mẫu. - Đại diện các nhóm dán kết quả làm việc của nhóm mình lên bảng lớp. - GV hướng dẫn cả lớp nhận xét, sửa chữa và đánh giá kết quả làm việc của các nhóm. - Cả lớp viết kết quả giải bài tập 1 vào vở bài tập : Bài a (từ ngữ chỉ trẻ em) : thiếu nhi, nhi đồng, thiếu niên, trẻ nhỏ, trẻ con. Bài b (từ ngữ chỉ tính nết của trẻ em) : ngoan ngoãn, lễ phép, ngây thơ, hồn nhiên, Bài c (Từ ngữ chỉ tình cảm hoặc sự chăm sóc của người lớn đối với trẻ em) : thương yêu, yêu quý, quan tâm, săn sóc, nâng niu, chiều chuộng, Hoạt động 2. Làm việc cá nhân để hoàn thành bài tập 2 - GV đọc yêu cầu của bài tập 2 : Tìm các bộ phận của câu trả lời câu hỏi Ai ? và bộ phận câu trả lời câu hỏi Là gì ? - Yêu cầu 1HS giải câu (a). GV sửa để làm mẫu cho cả lớp (bộ phận câu trả lời câu hỏi Ai ? (cái gì, con gì) - là thiếu nhi. Bộ phận câu trả lời câu hỏi Là gì ? - là măng non đất nước. - GV nêu yêu cầu : Gạch 1 gạch dưới bộ phận câu trả lời cho câu hỏi : Ai (cái gì, con gì) ? - GV cho 2 - 3 HS làm trên bảng phụ hoặc băng giấy ghi sẵn các câu. - Cả lớp đọc thầm yêu cầu của bài, mỗi cá nhân tự xác định và gạch dưới các bộ phận câu theo yêu cầu của bài. - GVgọi 2 HS lên bảng dán câu vừa làm được của mình. - HS cả lớp nhận xét bài làm của bạn, GV nhận xét, sửa chữa. - Cả lớp sửa lại bài tập của mình theo lời giải đúng : Ai (cái gì, con gì) ? Là gì ? a) Thiếu nhi là măng non đất nước. b) Chúng em là học sinh tiểu học. c) Chích bông là bạn của trẻ em. Hoạt động 3. GV hướng dẫn cả lớp cùng hoàn thành bài tập 3 1 HS đọc yêu cầu của bài. Cả lớp đọc thầm yêu cầu của bài.
  47. GV gợi ý : Sách giáo khoa đã xác định sẵn các bộ phận câu trả lời cho câu hỏi Ai ? Làm gì ? bằng cách in đậm bộ phận câu ấy. Bài tập này yêu cầu các em đặt câu hỏi cho chính bộ phận được in đậm đó trong từng câu. HS cả lớp làm bài nhanh vào giấy nháp. GV gọi từng em nối tiếp nhau đọc câu hỏi vừa đặt được cho phần in đậm trong các câu a, b, c. GV nhận xét và chốt lại lời giải đúng : + Cái gì là hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam ? + Ai là chủ nhân tương lai của Tổ quốc ? + Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là gì ? c) Củng cố, dặn dò - GV nhận xét giờ học, tuyên dương các HS và các nhóm làm việc tốt. - Dặn HS về nhà đọc lại để ghi nhớ các từ ngữ vừa học. DẠY TẬP LÀM VĂN Thông tin cơ bản I - Nội dung dạy học và các hình thức luyện tập 1. Nội dung dạy học - Trang bị cho HS một số hiểu biết và kĩ năng phục vụ học tập và đời sống hằng ngày như điền vào các giấy tờ in sẵn, viết thư, làm đơn, tổ chức họp và phát biểu trong cuộc họp, giới thiệu hoạt động của tổ, lớp và trường, ghi chép sổ tay, - Tiếp tục rèn luyện kĩ năng viết, nói thông qua kể chuyện và miêu tả như kể một sự việc đơn giản, tả sơ lược về người, vật xung quanh theo gợi ý bằng tranh, bằng câu hỏi. - Rèn luyện kĩ năng nghe thông qua các bài tập nghe - kể và các hoạt động học tập trên lớp. 2. Các hình thức luyện tập a) Bài tập nghe + Nghe và kể lại một mẩu chuyện ngắn. + Nghe và nói về tổ chức cuộc họp. + Nghe báo cáo. b) Bài tập nói + Tổ chức, điều khiển cuộc họp, phát biểu trong cuộc họp. + Kể hoặc tả miệng về người thân, gia đình, trường lớp, quê hương, lễ hội, hoạt động thể thao, văn nghệ,
  48. + Thảo luận về bảo vệ môi trường, về tình hình học tập và hoạt động của lớp. + Báo cáo về các hoạt động. + Giới thiệu hoạt động của tổ, lớp. + Nói về Đội, thành thị, nông thôn, người lao động trí óc, c) Bài tập viết + Điền vào giấy tờ in sẵn. + Viết một số giấy tờ theo mẫu. + Viết thư. + Ghi chép sổ tay. + Kể hoặc tả ngắn về người thân, gia đình, trường lớp, quê hương, lễ hội, hoạt động thể thao, văn nghệ, thành thị, nông thôn, II - Các biện pháp dạy học chủ yếu 1. Hướng dẫn HS làm bài tập - Giúp HS nắm vững yêu cầu của bài tập (bằng câu hỏi, bằng lời giải thích). - Giúp HS chữa một phần của bài tập làm mẫu (một HS chữa mẫu trên bảng lớp hoặc cả lớp làm bài vào vở). 2. Thực hành luyện tập - Tuỳ theo các dạng bài tập, GV tổ chức cho HS thực hành giải các bài tập bằng các hình thức học tập khác nhau : cá nhân, thảo luận cặp đôi, thảo luận nhóm, tổ chức trò chơi, - Quá trình thực hành giải bài tập, GV cần lưu ý giúp HS nắm được các bước để thực hành giải các bài tập cụ thể chứ không phải chỉ quan tâm đến đáp án cuối cùng. - Tổ chức cho HS trao đổi, nhận xét về kết quả, rút ra những điểm ghi nhớ về kiến thức trong mỗi dạng bài tập cụ thể. 3. Đánh giá kết quả thực hành luyện tập ở lớp, hướng dẫn hoạt động tiếp nối (ở ngoài lớp, sau tiết học) - Hướng dẫn HS nhận xét kết quả của bạn, tự đánh giá kết quả của bản thân trong quá trình luyện tập. - Nêu yêu cầu, hướng dẫn HS thực hiện những hoạt động tiếp nối nhằm củng cố kết quả thực hành luyện tập ở lớp (viết bài ở nhà, thực hành giao tiếp ngoài lớp học, sử dụng kĩ năng đã học vào thực tế cuộc sống ). III - Quy trình giảng dạy 1. Kiểm tra bài cũ
  49. Yêu cầu HS làm lại bài tập ở tiết trước, bài tập ở nhà hoặc nhắc lại những nội dung cần ghi nhớ về kiến thức, kĩ năng ở bài học trước. GV nhận xét kết quả chấm bài, nếu có. 2. Dạy bài mới a) Giới thiệu bài Các bài tập làm văn trong chương trình lớp 3 có rất nhiều kiểu dạng và thể loại bài khác nhau. Bởi thế GV cần chú ý mục đích yêu cầu của từng kiểu dạng bài cụ thể để có những cách vào bài cho thích hợp. Nhìn chung phần giới thiệu bài có thể tham khảo gợi ý trong SGV và có những điều chỉnh cụ thể cho thích hợp với từng bài. b) Hướng dẫn làm bài - GV hướng dẫn HS thực hiện lần lượt từng bài tập trong SGK. Chú ý giúp HS nắm vững yêu cầu của các bài tập trước khi thực hành giải bài tập. - Thực hành giải các bài tập bằng nhiều hình thức tổ chức hoạt động khác nhau. Tránh cách tổ chức giải bài tập đơn điệu như một tiết tự học của HS. - Chú ý mục đặc trưng của từng tiết dạy là rèn kĩ năng nghe, nói, hay viết là chủ yếu để có các hình thức tổ chức thực hành khác nhau dựa theo những biện pháp đã nói nhằm đạt được mục đích, yêu cầu của tiết Tập làm văn lớp 3. c) Củng cố, dặn dò - Chốt lại nội dung kiến thức và kĩ năng đã học. - Nêu yêu cầu những hoạt động tiếp nối. HOẠT ĐỘNG CỦA HỌC VIÊN Hoạt động 1. Tìm hiểu nội dung, biện pháp và quy trình dạy phân môn Tập làm văn ở lớp 3 a) Mục đích hoạt động - Nắm được nội dung, các biện pháp dạy học và quy trình dạy phân môn Tập làm văn ở lớp 3. - Nắm được các hoạt động của thầy và trò trên lớp theo PPDH mới. b) Nhiệm vụ cụ thể - Làm việc cá nhân để trả lời câu hỏi : + Cho biết nội dung và hình thức của các bài tập làm văn ở lớp 3 mới có gì khác nội dung và hình thức bài tập làm văn trong CT CCGD 1981 và chương trình môn Tiếng Việt 2 mới. - Thảo luận nhóm về các vấn đề : + Các biện pháp dạy học phân môn Tập làm văn.
  50. + Phân tích một bài dạy trong SGV Tiếng Việt 3 để làm rõ các biện pháp dạy học cụ thể. - Trao đổi trước lớp dưới sự hướng dẫn của GV về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau qua nghiên cứu cá nhân và thảo luận nhóm. Hoạt động 2. Thực hành lập kế hoạch bài học và trao đổi về quy trình dạy Tập làm văn ở lớp 3 a) Mục đích hoạt động - Củng cố những hiểu biết về nội dung và phương pháp dạy học Tập làm văn ở lớp 3. - Hình thành khả năng chủ động thực hiện quy trình dạy học một cách hợp lí và có hiệu quả. b) Nhiệm vụ cụ thể - Thảo luận nhóm : Từng nhóm học viên tự nghiên cứu, bàn bạc và lập một kế hoạch bài học Tập làm văn theo sự phân công của giảng viên. - Đại diện nhóm học viên thuyết trình hoặc thực hiện thử kế hoạch bài học đã soạn trước lớp tập huấn. - Trao đổi trước lớp dưới sự hướng dẫn của giảng viên về các kế hoạch bài học được thuyết trình. Kế hoạch bài học minh hoạ TẬP LÀM VĂN Nghe kể : Tôi cũng như bác Giới thiệu hoạt động (Tuần 14) I - mục đích, yêu cầu Rèn kĩ năng nói : 1. Nghe và kể lại được một cách tự nhiên truyện vui Tôi cũng như bác. 2. Biết giới thiệu một cách mạnh dạn, tự tin với đoàn khách đến thăm lớp về các bạn trong tổ và hoạt động của các bạn trong tháng vừa qua. II - Đồ dùng dạy học - Tranh minh hoạ truyện vui Tôi cũng như bác - Tranh minh hoạ buổi sinh hoạt tổ và đoàn khách tham quan đến thăm. - Băng dính. III - Các hoạt động dạy học
  51. 1. Kiểm tra bài cũ - 2 đến 3 HS đọc lại bức thư viết gửi bạn miền Nam, miền Trung hoặc miền Bắc đã sửa lại trong tiết Tập làm văn trước. - GV nhận xét cho điểm. 2. Dạy bài mới a) Giới thiệu bài Trong tiết Tập làm văn tuần trước các em đã được rèn kĩ năng viết qua thể loại văn viết thư. Tiết học ngày hôm nay các em sẽ được rèn kĩ năng nghe và nói qua thực hành 2 bài tập : Bài tập 1 : Các em tập nghe và kể lại một câu chuyện vui có đầu đề là Tôi cũng như bác. Bài tập 2 : Các em hình dung có một đoàn khách đến tham quan tình hình học tập và các hoạt động khác của trường. Đoàn khách sẽ vào thăm lớp em ; là một tổ trưởng, em hãy giới thiệu với đoàn khách các bạn trong tổ mình và hoạt động của tổ trong tháng vừa qua. b) Hướng dẫn HS làm bài tập Hoạt động 1. Nghe kể lại câu chuyện Tôi cũng như bác - GV giới thiệu câu chuyện : các em quan sát xem bức tranh trong SGK vẽ gì ? Hai người ấy là ai ? Họ đang ở đâu ? Họ đang nói với nhau điều gì ? Các em chú ý nghe cô kể chuyện để rõ điều đó nhé. - GV kể chuyện lần thứ nhất (lưu ý : GV đọc trước văn bản chuyện trong SGK và kể lại chuyện chứ không đọc chuyện cho HS nghe). - GV hỏi HS : + Câu chuyện cô vừa kể xảy ra ở đâu ? (ở một nhà ga tàu hoả). + Trong chuyện có những nhân vật nào ? Họ là ai ? (Hai nhân vật : nhà văn già và một người khách qua đường). + Vì sao nhà văn không đọc được bản thông báo ? (Vì ông ta quên không mang theo kính). + Ông nói gì với người đứng bên cạnh ? (Phiền bác đọc giúp tôi bản thông báo của nhà ga). + Người đó trả lời như thế nào ? (Xin lỗi tôi cũng như bác. Hồi bé tôi không được đi học nên bây giờ đành chịu mù chữ).
  52. + Câu trả lời có gì đáng buồn cười ? (Người đó tưởng nhà văn không đọc được là vì không biết chữ như mình). - GV kể lại câu chuyện lần thứ hai. - HS dựa vào gợi ý trong SGK để thi kể lại câu chuyện. - GV sửa lỗi và nhận xét lời kể chuyện của mỗi em (khuyến khích động viên những em nhớ nội dung câu chuyện, kể chuyện tự nhiên, giọng kể phân biệt lời nhân vật). Hoạt động 2. Thảo luận theo nhóm Mục tiêu : Tập giới thiệu về tổ học tập với đoàn khách tham quan. Các bước tiến hành : - GVchia lớp thành 4 - 5 nhóm và nêu yêu cầu hoạt động của nhóm : + Mỗi em trong nhóm hãy tự tưởng tượng mình là tổ trưởng, có một đoàn khách đến thăm lớp, em hãy tự giới thiệu về mình và các bạn trong tổ. + Khi giới thiệu, các em cần dựa vào các gợi ý đã nêu trong SGK : Tổ em gồm những bạn nào ? Các bạn là người dân tộc nào ? Mỗi bạn có đặc điểm gì hay ? Tháng vừa qua, các bạn làm được những việc gì tốt ? + Chú ý thêm tự giới thiệu bản thân và có thể bổ sung thêm các nội dung khác, VD : hoàn cảnh và thành tích nổi bật của bạn nào đó. + Lời giới thiệu cần mạnh dạn, tự tin, chân thực. - 1 hoặc 2 HS khá giỏi làm mẫu. VD : Chúng cháu chào các bác, các chú. Cháu tên là Lan, tổ trưởng tổ 1, cháu xin giới thiệu với các bác, các chú về các bạn trong tổ cháu như sau. Tổ cháu có 8 bạn. Bạn ngồi đầu bàn thứ nhất là bạn Tuấn, bạn mặc áo hoa bên cạnh là bạn Vân, bạn ngồi bàn tiếp sau là bạn Trang, Bạn Tuấn và bạn Trang là người dân tộc Hmông. Nhà các bạn ở rất xa, tít trên đỉnh núi cao, nhưng các bạn rất chuyên cần, ít khi nghỉ học. Bạn Vân học rất giỏi, thường giúp đỡ các bạn trong tổ, - GV hướng dẫn, sửa chữa thêm để làm mẫu cho HS cả lớp. - HS làm việc theo nhóm, từng em lần lượt đóng vai người giới thiệu. Chú ý khuyến khích các em nói theo cách của mình, không nhất thiết phải nói lại theo đúng lời của bạn nói trước đấy. - Đại diện các tổ thi giới thiệu về tổ mình trước lớp. - Cả lớp và GV nhận xét, bình chọn người giới thiệu đầy đủ, chân thực và hay nhất. c) Củng cố, dặn dò - GV nhận xét giờ học, tuyên dương các HS và các nhóm làm việc tốt.
  53. - Dặn HS về nhà tiếp tục thực hành giới thiệu các bạn trong tổ cho cha mẹ và anh chị em trong gia đình biết.
  54. Chủ đề 3 Đánh giá kết quả học tập của học sinh về môn Tiếng việt I - Yêu cầu cơ bản cần đạt Học hết lớp 3, HS cần đạt được những yêu cầu cơ bản sau : - Đọc đúng và rành mạch bài văn (khoảng 70 tiếng/1 phút), nắm được ý chính của bài. - Viết đúng và khá nhanh các chữ thường, chữ hoa ; viết bài chính tả khoảng 70 chữ/15 phút ; biết viết thư ngắn theo mẫu, kể lại chuyện theo tranh, kể lại công việc đã làm (từ 8 đến 10 dòng). - Nghe hiểu ý chính lời nói của người đối thoại ; thuật lại được câu chuyện đã nghe. - Nói đúng và rõ ý, biết hỏi và nêu ý kiến cá nhân ; kể được một đoạn truyện đã học, đã nghe hay việc đã làm. II - Nội dung và phương pháp dạy học 1. Nội dung dạy học GV thực hiện nội dung dạy học từng bài cụ thể (ghi trong Phân phối chương trình) theo SGK Tiếng Việt 3 và vở Tập viết 3. Thực hiện đổi mới nội dung dạy học tiếp theo chương trình lớp 2, GV cần quán triệt mục tiêu môn Tiếng Việt ở Tiểu học và nắm vững các quan điểm dạy giao tiếp, dạy tích hợp và tích cực hoá hoạt động học tập của HS để thực hiện tốt yêu cầu dạy các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (đọc, viết, nghe, nói), làm cho nội dung học tập của HS thêm phong phú, tự nhiên và hấp dẫn. Đối với các bài tập có nội dung theo hướng “mở” (phát huy vốn tiếng Việt của HS), GV cần căn cứ vào trình độ HS cụ thể để thực hiện sao cho phù hợp nhưng không vượt quá mức độ yêu cầu kiến thức và kĩ năng đề ra ở lớp 3. Đối với các bài tập đư- ợc lựa chọn nội dung trong SGK (bài tập chính tả), GV dựa vào đặc điểm phương ngữ chủ yếu của HS để xác định cụ thể và có thể điều chỉnh sao cho thích hợp. 2. Phương pháp dạy học Để việc dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 3 có hiệu quả, cần phải sử dụng những PPDH phát huy tính tích cực chủ động của HS, các phương pháp đặc trưng của môn học : phương pháp thực hành giao tiếp (đọc, viết, nghe, nói trong các tình huống giao tiếp cụ thể), phương pháp đóng vai, phương pháp rèn luyện theo mẫu, phương pháp phân tích ngôn ngữ, Đương nhiên, những PPDH khác như diễn giảng, thảo luận, đặt và giải quyết vấn đề, sử dụng phương tiện trực quan, vẫn được dùng để dạy Tiếng Việt theo cách phối hợp một cách hợp lí với các phương pháp đã nêu. ở từng phân môn cụ thể, về cơ bản, GV thực hiện PPDH theo những gợi ý nêu ra trong SGV (phần hướng dẫn chung). Để quán triệt những yêu cầu đổi mới PPDH,
  55. làm cho giờ dạy môn Tiếng Việt lớp 3 nhẹ nhàng và đem lại hiệu quả thiết thực, GV cần chú ý một số điểm sau : a) Dạy Tập đọc - GV biết đọc mẫu một cách chuẩn xác, phù hợp với từng loại văn bản. Biết hướng dẫn HS về cách đọc và sử dụng các biện pháp, hình thức tổ chức dạy học thích hợp nhằm phát huy tính tích cực của HS trong hoạt động rèn kĩ năng đọc (đọc thành tiếng - đọc thầm, đọc cá nhân - đọc đồng thanh, đọc theo vai, đọc thầm, ) để tìm hiểu nội dung bài. Biết tổ chức các trò chơi luyện đọc. - Thực hiện quy trình giảng dạy một cách linh hoạt nhằm đạt được mục đích, yêu cầu bài dạy. Hướng dẫn HS tìm hiểu nghĩa của từ ngữ trong bài và nội dung bài đọc theo mức độ yêu cầu ở lớp 3 (dựa theo hệ thống câu hỏi, bài tập trong SGK). Ghi bảng những nội dung cần thiết, có tác dụng trực quan trong tiến trình giảng dạy. Tận dụng tranh minh hoạ trong SGK và sử dụng ĐDDH một cách thiết thực, tránh thiên về hình thức. b) Dạy Kể chuyện - GV cần tận dụng những hiểu biết của HS về nội dung bài Tập đọc mới học, sử dụng các biện pháp dạy học thích hợp (làm mẫu, dẫn dắt, gợi mở bằng tranh ảnh, dàn ý hoặc câu hỏi, ) nhằm khích lệ HS mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia vào hoạt động rèn kĩ năng nói (tập kể chuyện) theo mức độ yêu cầu của bài tập trong SGK. - Quan tâm chuẩn bị và tổ chức tốt các hình thức luyện tập gây hứng thú đối với HS lớp 3 (phân vai dựng lại câu chuyện, tập đóng hoạt cảnh, ). Chú ý tạo mọi cơ hội cho HS được thực hành luyện tập kể chuyện trên lớp, trong nhóm, tổ hoặc theo từng cặp, c) Dạy Chính tả - GV thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các biện pháp dạy học phân môn nhằm rèn cho HS kĩ năng viết đúng chính tả và trình bày bài sạch đẹp : hướng dẫn HS chuẩn bị và thực hành bài viết chính tả ; chấm - chữa bài chính tả ; hướng dẫn HS làm bài tập chính tả theo yêu cầu chung (bắt buộc) và yêu cầu cụ thể (do GV lựa chọn) sao cho phù hợp với đối tượng HS địa phương. - Chuẩn bị các điều kiện và phương tiện thích hợp để tổ chức HS tham gia tích cực vào các hoạt động thực hành luyện tập : bảng lớp, bảng phụ (hoặc giấy khổ rộng),
  56. bảng con, vở nháp, Vở bài tập Tiếng Việt 3 (nếu có), ĐDDH đơn giản (phục vụ trò chơi thực hành về bài tập chính tả) d) Dạy Tập viết - Ngoài việc nắm vững nội dung và PPDH phân môn, GV cần phải có kĩ năng viết chữ đúng mẫu (theo mẫu chữ viết ban hành tại Quyết định số 31/2002/QĐ- BGD&ĐT ngày 14/6/2002 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), có nhiều biện pháp đẩy mạnh phong trào “Giữ vở sạch, rèn chữ đẹp” nhằm phát huy kết quả dạy học Tập viết ở lớp 2, nâng cao chất lượng viết chữ của HS lớp 3. - GV hướng dẫn HS học tiết Tập viết chủ yếu qua các hoạt động thực hành luyện tập (củng cố các chữ viết hoa đã học ở lớp 2, tăng cường luyện viết ứng dụng và trình bày đoạn viết), tránh thiên về giảng giải lí thuyết ; có ý thức sử dụng và hướng dẫn HS sử dụng thường xuyên, có hiệu quả các phương tiện, ĐDDH (bìa chữ mẫu, bảng lớp, bảng con, vở Tập viết 3, ) ; kết hợp tổ chức các trò chơi, cuộc thi ngắn về chữ viết nhằm khuyến khích HS luyện viết chữ đẹp. e) Dạy Luyện từ và câu - GV cần nắm vững nội dung và mức độ yêu cầu của từng bài tập để hướng dẫn HS thực hành cho sát hợp, củng cố và phát triển những kiến thức, kĩ năng đã dạy ở lớp 2 ; có nhiều biện pháp, hình thức tổ chức nhằm phát huy tính tích cực học tập của HS : hướng dẫn làm mẫu, trao đổi, nhận xét, thực hành luyện tập trên bảng lớp, bảng con, làm theo nhóm, làm cá nhân trong vở nháp hoặc Vở bài tập Tiếng Việt 3 (nếu có). - Chú ý hướng dẫn HS sử dụng SGK, sưu tầm hoặc tự làm những ĐDDH đơn giản nhằm giúp HS nắm vững kiến thức và tích cực tham gia vào hoạt động thực hành luyện tập về các kĩ năng : giải nghĩa từ ; nhận biết biện pháp so sánh, nhân hoá ; dùng từ, đặt câu trong hoạt động giao tiếp. g) Dạy Tập làm văn - GV chú trọng rèn luyện cho HS các kĩ năng nói, viết, nghe theo nội dung, yêu cầu của bài tập nêu trong SGK ; có biện pháp dạy học thích hợp nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS trong hoạt động thực hành luyện tập : làm bài miệng, làm bài viết theo nhóm, làm cá nhân trên bảng lớp, trong vở nháp hoặc Vở bài tập Tiếng Việt 3 (nếu có).
  57. - Tận dụng SGK (kênh hình, kênh chữ) để hướng dẫn HS thực hiện yêu cầu của bài tập ; động viên HS mạnh dạn tham gia đóng vai thực hành luyện nói theo bài tập tình huống một cách tự giác và hứng thú. III - Kiểm tra, đánh giá 1. Mục đích, yêu cầu - Đánh giá tương đối đầy đủ và toàn diện 4 kĩ năng : đọc, viết, nghe, nói. - Đánh giá kiến thức về tiếng Việt thông qua kết quả thực hiện các bài tập theo chương trình quy định. - Kết hợp hình thức kiểm tra bằng câu hỏi trắc nghiệm (Đọc hiểu, Luyện từ và câu) và hình thức kiểm tra bằng bài viết (Chính tả - Tập viết, Tập làm văn). 2. Cách kiểm tra, đánh giá - Môn Tiếng Việt được kiểm tra, đánh giá qua các bài kiểm tra thường xuyên (hằng tháng) và kiểm tra định kì (giữa Học kì I, cuối Học kì I, giữa Học kì II, cuối Học kì II - cuối năm học). - Các bài kiểm tra định kì (đọc, viết) được tiến hành đối với từng HS và với cả lớp học, cụ thể: + Kiểm tra Tập đọc - Học thuộc lòng đối với từng HS (kết hợp trong các tiết ôn tập giữa Học kì và cuối Học kì hoặc tổ chức riêng, nếu có điều kiện). + Kiểm tra Đọc hiểu - Luyện từ và câu đối với HS cả lớp qua bài làm viết (có kết hợp hình thức kiểm tra bằng câu hỏi trắc nghiệm). + Kiểm tra Chính tả, Tập làm văn đối với HS cả lớp qua bài làm viết. - Điểm kiểm tra Tập đọc - Học thuộc lòng và Đọc hiểu - Luyện từ và câu được tính chung là điểm kiểm tra đọc ; điểm kiểm tra Chính tả - Tập làm văn được tính là điểm kiểm tra viết. Điểm kiểm tra định kì môn Tiếng Việt được đánh giá chung từ 2 bài kiểm tra đọc - viết. Nội dung, yêu cầu, cách đánh giá và cho điểm bài Kiểm tra định kì môn Tiếng Việt lớp 3 trong năm học 2004 - 2005 được thực hiện tương tự như ở lớp 2. 3. Hướng dẫn kiểm tra định kì Kiểm tra định kì môn Tiếng Việt gồm kiểm tra giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II, cuối học kì II được tiến hành với 2 bài kiểm tra đọc, viết nhằm kết hợp đánh giá HS về kiến thức và kĩ năng (đọc, viết, nghe, nói) theo yêu cầu quy định sau từng giai đoạn học. Yêu cầu chung của hai bài kiểm tra đọc, viết như sau :
  58. a) Bài kiểm tra đọc (10 điểm) : - Đọc thành tiếng (6 điểm) : HS đọc một đoạn văn (khoảng 55 chữ - giữa học kì I, 60 chữ - cuối học kì I, 65 chữ - giữa học kì II, 70 chữ - cuối học kì II) ; trả lời 1 - 2 câu hỏi về nội dung đoạn đọc. - Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm) : HS đọc thầm một bài (khoảng 180 chữ - giữa học kì I, cuối học kì I, khoảng 200 chữ - giữa học kì II, cuối học kì II), sau đó HS trả lời (viết) 3 - 4 câu hỏi về nội dung bài đọc, về từ và câu trong khoảng thời gian 30 phút. b) Bài kiểm tra viết (10 điểm), gồm 2 phần : - Chính tả (5 điểm) : GV đọc cho HS viết (chính tả nghe - viết) một đoạn văn (khoảng 55 chữ - giữa học kì I, 60 chữ - cuối học kì I, 65 chữ - giữa học kì II, 70 chữ - cuối học kì II) trong khoảng thời gian từ 15 phút đến 20 phút. - Tập làm văn (5 điểm) : HS viết một bài tập làm văn (theo yêu cầu của nội dung chương trình sau từng giai đoạn học) trong khoảng thời gian 30 - 35 phút.