Giáo trình Kỹ thuật nuôi thủy đặc sản

pdf 59 trang huongle 2940
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Kỹ thuật nuôi thủy đặc sản", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_ky_thuat_nuoi_thuy_dac_san.pdf

Nội dung text: Giáo trình Kỹ thuật nuôi thủy đặc sản

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA THỦY SẢN BỘ MÔN KỸ THUẬT NUÔI THỦY SẢN Nguyễn Văn Kiểm-Bùi Minh Tâm GIÁO TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI THỦY ĐẶC SẢN (MSMH TS 521) Cần Thơ -2004
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM KHOA THUỶ SẢN Độc Lập -Tự Do -Hạnh Phúc BẢN NHẬN XÉT PHẢN BIỆN GIÁO TRÌNH – NĂM 2004 Tên Giáo trình : KỸ THUẬT NUÔI THỦY ĐẶC SẢN Mã số môn học: TS 521 Người biên soạn: TS. Nguyễn Văn Kiểm I. HÌNH THỨC Giáo trình gồm 5 chương + Chương 1: Sinh học và kỹ thuật nuôi lươn đồng + Chương 2: Sinh học và kỹ thuật nuôi Ba Ba + Chương 3: Sinh học và kỹ thuật nuôi Ếch + Chương 4: Sinh học và kỹ thuật nuôi Cá Sấu + Chương 5: Sinh học và kỹ thuật nuôi Vích, Đồi mồi Nhìn chung, về mặt hình thức giáo trình trình bày rõ ràng, đọc dễ hiểu, đáp ứng yêu cầu của 1 giáo trình có 2 tín chỉ. Tất nhiên giáo trình cần chỉnh sửa thêm lổi do đánh máy nhầm còn khá nhiều. Nếu có điều kiện nên đưa thêm hình minh họa đối tượng và hệ thống nuôi thực tế trong dân gian vào sẽ làm tăng tính thuyết phục. II. NỘI DUNG Nhìn chung nội dung trình bày trong giáo trình hòan tòan đáp ứng cho khối kiến thức mà môn học chuyên ngành đặt ra về các đối tượng thủy đặc sản với khối lượng 2 tín chỉ. Tất nhiên theo quan điểm của chúng tôi để giáo trình hòan chỉnh hơn, tác giả nên lưu ý một số điểm sau: + Tách hẳn nội dung nuôi thương phẩm các đối tượng thành 1 phần riêng lẻ, không nên ghép chung với nội dung đề cập đối với phần sản xuất giống, vì đây là 2 nội dung căn bản và rất quan trọng của giáo trình. + Bên cạnh tính hàn lâm về mặt kiến thức chuyên ngành, cố gắng đưa thêm khối kiến thức thực tế về kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm các đối tượng thủy đặc sản mà người dân vùng ĐBSCL đã khai thác.
  3. + Theo tôi, nên bỏ nội dung về kỹ thuật sản xuất giống và nuôi Vích, nếu được thì bên cạnh Ba Ba, cần đề cập thêm kỹ thuật sản xuất giống và nuôi rùa, hiện nuôi khá phổ biến ở vùng ĐBSCL. III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ ĐỀ NGHỊ 1 - Đánh giá chung: Tốt, đạt yêu cầu về kiến thức của 1 giáo trình 2 tín chỉ. 2 - Đề nghị: Nghiệm thu Người đọc góp ý Dương Nhựt Long
  4. i ĐẶT VẤN ĐỀ Nuôi thuỷ đặc sản là môn học lấy những giống loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao làm đối tượng nghiên cứu để đưa ra quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Nhiệm vụ của nó là cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về đặc điểm sinh học, kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm những đối tượng trên. Hiện nay, một số giống loài thuỷ đặc sản ở ĐBSCL đang được mọi người quan tâm tới như ba ba, rắn, ruà, ếch, lươn Những giống loài thuỷ sản này không những là nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng mà còn có gía trị xuất khẩu rất cao. Sản phẩm phụ của một số loài còn có giá trị làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ở góc độ y học, thịt hoặc sảm phẩm phụ của một số giống loài thuỷ sản khi kết hợp với một số dược thảo sẽ có tác dụng chữa trị một số loại bệnh. Trên thế giới, nghề nuôi thuỷ đặc sản phát triển và thường được chú ý ở những quốc gia có biển và cũng chỉ tập trung ở một số ít loài thực sự có giá trị kinh tế cao. Đài Loan nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống cá mú, hải sâm, Nhật Bản lại chú trọng việc nuôi thuỷ đặc sản phục vụ cho việc chế tác đồ mỹ nghệ như trai ngọc. Pháp chú ý việc nuôi một số giống loài nhuyễn thể làm vật chỉ thị về mức độ ô nhiễm môi trường nước như vẹm xanh, có quốc gia gắn việc nuôi thuỷ đặc sản với việc phục vụ du lịch như Thái Lan Ở nước ta vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc nghiên cứu biện pháp nuôi thuỷ đặc sản chưa được chú ý đúng mức. Do đó những người nuôi gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật. Có thể nói rằng những giống loài thuỷ đặc sản ở nước ta rất phong phú nhưng chúng ta chưa có nghiên cứu đầy đủ về những đối tượng này. Giáo trình kỹ thuật nuôi thuỷ đặc sản được tổng kết, tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu phác nhau (trong đó có bài giảng kỹ thuật nuôi thủy đặc sản của Bùi Minh Tâm, Dương Nhựt Long, Phạm Thanh Liêm) kể cả một số kinh nghiệm nuôi thuỷ đặc sản của người dân ĐBSCL cũng được đề cập tới trong giáo trình này. Hy vọng tài liệu này sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu của người nuôi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên giáo trình còn nhiều hạn chế, rất cần có sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp, sinh viên và của người nuôi để giáo trình hoàn chỉnh hơn.
  5. ii Nội dung trang Đặt vấn đề i Mục lục ii-iii Chương 1 SINH HỌC VÀ KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN ÐỒNG I. GIỚI THIỆU 1 II. ÐẶC ÐIỂM SINH HỌC CỦA LƯƠN 1 1. Đặc điểm hình thái 1 2. Phân bố 2 3.Tính ăn 2 4. Ðặc điểm hô hấp 2 5. Ðặc điểm sinh trưởng 2 6. Ðặc điểm sinh sản 2 III. KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN 3 1. Hình thức nuôi lươn 3 2. Giống lươn nuôi. 4 3. Chăm sóc và quản lý. 4 4. Thu hoạch. 5 IV. MỘT SỐ KHÓ KHĂN KHI NUÔI LƯƠN 5 Chương 2 SINH HỌC VÀ KỸ THUẬT NUÔI BA BA I.GIỚI THIỆU 7 II. ÐẶC ÐIỂM SINH HỌC CỦA BA BA. 7 1.Ðặc điểm phân loại, hình thái cấu tạo: 7 2. Tập tính sống của ba ba: 8 3. Ðặc điểm dinh dưỡng và sinh trưởng: 8 4. Ðặc điểm sinh sản: 8 III. SẢN XUẤT GIỐNG BA BA: 10 1. Nuôi ba ba bố mẹ và cho đẻ: 10 2. Ấp trứng 10 3. Ương ba ba con: 11 III. NUÔI BA BA THỊT 12 1.Ao và bể nuôi ba ba 12 2. Thả giống và chăm sóc: 12 3. Bệnh ở ba ba 14 Chương 3 SINH HỌC VÀ KỸ THUẬT NUÔI ẾCH I. VAI TRÒ CỦA ẾCH. 15 II. ÐẶC ÐIỂM SINH HỌC CỦA ẾCH. 16 1- Phân loại - Hình thái - Cấu tạo. 16 2- Tập tính sống của ếch. 18 3- Tính ăn. 18 4- Sinh sản và phát triển của éch. 19 III. KỸ THUẬT SẢN XUẤT ẾCH GIỐNG, NUÔI ẾCH THỊT. 20 1. Sản xuất ếch giống. 20
  6. iii 2- Nuôi ếch thịt. 23 3- Thu hoạch -Vận chuyển. 23 4- Một số bệnh thường gặp ở ếch và biện pháp phòng trị. 24 Chương 4 SINH HỌC VÀ KỸ THUẬT NUÔI CÁ SẤU I. GIỚI THIỆU CHUNG 27 II. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CÁ SẤU 28 1. Phân lọai cá sấu và tình trạng của chúng: 28 2. Một số đặc điểm sinh học đáng chú ý ở cá sấu 29 3.Tính ăn và sinh trưởng: 30 4.Ðặc điểm sinh sản 31 II. SẢN XUẤT GIỐNG CÁ SẤU 31 1. Chuồng trại, nuôi và cho cá sấu đẻ: 31 2. Thu trứng và ấp trứng: 32 3. Chăm sóc nuôi sấu con: 34 III NUÔI CÁ SẤU THƯƠNG PHẨM 35 1. Vị trí nuôi 35 2. Xây dựng chuồng nuôi 35 3. Chăm sóc, quản lý 36 4. Quản lý sức khỏe và bệnh tật của cá sấu 37 Chương 5 SINH HỌC VÀ KỸ THUẬT NUÔI VÍCH, ÐỒI MỒI I. GIỚI THIỆU CHUNG 40 II. ÐẶC ÐIỂM SINH HỌC CỦA VÍCH, ÐỒI MỒI 41 1.Vị Trí Phân Loại. 41 2. Ðặc điểm sinh học của vích. 41 3. Ðặc điểm sinh học của đồi mồi. 43 III. ÐÁNH BẮT VÍCH, ÐỒI MỒI. 45 1.Thu trứng và con mới nở: 45 2.Ðánh bắt vích, đồi mồi lớn 45 III. SẢN XUẤT GIỐNG VÀ NUÔI VÍCH, ÐỒI MỒI. 45 1.Thu trứng, ấp trứng và ương con non: 46 2.Nuôi Vích, Đồi mồi 46 3.Bệnh vích, đồi mồi 47
  7. 1 Chương 1 ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC VÀ KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN ÐỒNG I. GIỚI THIỆU Lươn đồng là một loài thủy sản rất quen thuộc với người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Giá trị trị của lươn không chỉ là một nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng (đạm: 18,6%; chất béo: 9,1%), chúng còn là đối tượng có giá trị kinh tế khá cao trên thị trường so với một số giống loài thuỷ sản nước ngọt khác. Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, khi kết hợp với một số thành phần thảo mộc khác, lươn sẽ trở thành thuốc bổ có tác dụng nâng cao sức khoẻ, có khả năng chữa trị một số bệnh như viêm gan mạn tính, đại tiện ra máu (Nguyễn Hữu Đảng, 2004) Hiện nay ở ĐBSCL, lươn loại 1 (4-5con/kg) có giá khá cao (khoảng 45000đ/kg). Do đó phong trào nuôi lươn ở ĐBSCL đã xuất hiện ở một số nơi (Huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) và đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định. Tuy nhiên, những người nuôi lươn chưa nắm được bị kỹ thuật nuôi thêm vào đó nguồn lươn giống vẫn còn phụ thuộc vào tự nhiên nên nhìn chung, hiệu quả nuôi lươn chưa cao. Khó khăn về nguồn giống lươn không chỉ gặp riêng ở Việt Nam mà kể cả một số quốc gia có nghề nuôi cá nước ngọt phát triển, tiên tiến. Các vấn đề trình bày dưới đây sẽ giúp người nuôi giải quyết một số khó khăn vừa nêu ở trên. II. ÐẶC ÐIỂM SINH HỌC CỦA LƯƠN 1. Đặc điểm hình thái Lươn đồng có tên khoa học là Monopterus albus. Lươn có thân dài, phần trước tròn, phần sau dẹp bên và mỏng. Toàn thân không có vẩy. Ðường bên hoàn toàn, chạy dọc theo trục giữa thân từ sau đầu đến gốc vây đuôi. Lươn có đầu hơi dẹp bên, miệng có thể mở rất rộng, xương hàm cứng và chắc. Vây ngực và vây bụng thoái hóa hoàn toàn. Vây lưng, vây hậu môn, vây đuôi nối liền với nhau và tia vây không rõ ràng . Màu sắc của lươn có thể thay đổi theo môi trường sống. Nhìn chung, lươn có một số đặc điểm chung như sau: Lưng có màu nâu sậm, vàng nâu, bụng có màu vàng nhạt.
  8. 2 2. Phân bố Lươn là loài phân bố rộng, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là khu vực nhiệt đới. Lươn sống phổ biến trong trong các ao, hồ, sông rạch, ruộng lúa nơi có nhiều mùn bã hữu cơ và sinh vật nhỏ làm thức ăn. Lươn có khả năng chịu đựng khô hạn bằng cách chui rúc vào trong đất ẩm. 3. Tính ăn Kết quả khảo sát cho thấy lươn có ruột ngắn, không cuộn khúc. Tỉ lệ chiều dài ruột so với chiều dài thân trung bình 0,67%. Điều đó chứng tỏ lươn là loài cá ăn động vật Khi còn nhỏ thức ăn của lươn là động vật phù du, khi trưởng thành thức ăn là động vật đáy như tôm cá con, ấu trùng côn trùng thuỷ sinh. Nhìn chung, thức ăn của lươn trưởng thành là động vật và đặc biệt thức ăn có mùi tanh vì vậy khi tôm, cá trong nước bị thương, bị bệnh, cơ thể tiết nhiều nhớt sẽ trở thành mồi của lươn. Tuy nhiên tính ăn còn thay đổi và tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của cơ thể, cơ sở thức ăn trong môi trường nước Lươn có tập tính hoạt động kiếm ăn về đêm, ban ngày ẩn nấp trong hang hoặc chỉ rình mồi ở cửa hang. Khi kích cỡ không đồng đều và khi thiếu thức ăn, lươn có thể ăn lẫn nhau. 4. Ðặc điểm hô hấp Ở lươn, ngoài mang còn có cơ quan hô hấp phụ là da và khoang hầu. Da lươn thuộc da trơn, có nhiều nhớt và dưới da có rất nhiều mạch máu nhỏ nên rất thuận lợi cho việc trao đổi khí qua da. Thành khoang hầu của lươn mỏng có nhiều mạch máu giúp cho việc trao đổi khí xảy ra ở đây khi lươn đớp khí. Thí nghiệm cho thấy khi để lươn trên cạn, da khô, chúng sẽ chết sau 12 - 20 giờ; nhưng nếu giữ đủ độ ẩm cho da lươn sẽ chết sau 27- 70 giờ; Nếu không được tiếp xúc trực tiếp với không khí lươn sẽ chết sau 4 - 6 giờ mặc dù oxy trong nước đầy đủ. 5. Ðặc điểm sinh trưởng Sinh trưởng của lươn phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố. Nhưng nhìn chung tốc độ sinh trưởng của lươn chậm so với một số giống loài thuỷ sản khác. Ở môi trường tự nhiên sau một năm, lươn có thể đạt trọng lượng 200-300g/con. Nhiệt độ thích hợp nhất cho lươn sinh trưởng từ 25 - 28oC. Khi nhiệt độ thấp hơn 18oC lươn bỏ ăn và dưới 10oC lươn sẽ chui xuống bùn trú đông. 6. Ðặc điểm sinh sản
  9. 3 Lươn thành thục khá sớm (1 tuổi), điều đặc biệt là lươn có sự chuyển giới tính. Theo Mai Ðình Yên (1978), lươn có kích cỡ nhỏ (dưới 25 cm) hoàn toàn là lươn cái, cỡ 25 - 54 cm có cả con đực, con cái và con lưỡng tính, cỡ lớn hơn (trên 54 cm) thì hoàn toàn là lươn đực. Tuy nhiên đặc điểm này lươn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long không rõ ràng. Một số nghiên cứu cho thấy, lươn ở ÐBSCL có kích cỡ từ 18 - 38 cm là lươn đực và trên 38 cm có cả lươn cái, lươn đực và lưỡng tính. Tùy vào kích cỡ của lươn, sức sinh sản có thể từ 100- 1500 trứng/con. Đường kính trứng có thể đến 4 mm. Khi sinh sản, lươn làm tổ bằng cách đào hang ở cạnh bờ và nhả bọt lên miệng hang để bao bọc trứng. Bọt do lươn nhả ra vừa có tác dụng bảo vệ trứng vừa có tác dụng giữ trứng tập trung trong tổ . Vào mùa sinh sản, sau những trận mưa và lúc trời gần sáng là thời điểm lươn đẻ tập trung. Trước khi đẻ, lươn đực phun bọt vào trong tổ, sau đó lươn cái đẻ trứng và con đực cắp trứng vào tổ. III. KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN 1. Hình thức nuôi lươn Tuỳ theo điều kiện cụ thể có thể chọn hình thức nuôi lươn cho thích hợp. Nhưng dù nuôi theo hình thức nào thì vấn đề cần quan tâm là tạo được điều kiện tốt nhất cho lươn làm tổ và sinh sống. a.Nuôi lươn trong ao Diện tích ao nuôi lươn phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng nơi. Bờ ao đầm nén kỹ và đủ độ rộng (1,5-2,0 m) vừa có tác dụng giữ nước vừa có tác dụng chống lại việc lươn đào hang qua bờ. Không nên nuôi lươn trong các ao có diện tích quá lớn. Ở ĐBSCL, các ao nuôi lươn có diện tích từ 100-200m2. Xung quanh bờ và đáy ao có thể dùng ni-lon để lót hoặc bờ ao có thể xây cao có gờ để tránh lươn vượt bờ đi mất khi có điều kiện thuận lợi. Nơi nuôi lươn phải có điều kiện thay nước thuận lợi và cũng cần tạo được nơi cho lươn đào hang trú ẩn gần giống như trong tự nhiên Đáy ao có thể phủ đáy ao một lớp bùn non có trộn phân chuồng mục dày khoảng 20- 30 cm. Bùn không lẫn sỏi đá vì sẽ làm xây xát lươn. Trên lớp bùn, trải một lớp rơm, cỏ mục hay thân cây chuối đã mục. Mực nước trong ao nuôi sâu từ 0,5-1,2 m Ðể tạo điều kiện cho lươn sinh sản trong ao, xung quanh bờ ao (hoặc làm cù lao/gò đất giữa ao nuôi) bằng đất sét để lươn làm tổ. Trong ao nên thả thêm lục bình, bèo, rau muống và trên bờ trồng cây để tạo bóng mát cho lươn.
  10. 4 b. Nuôi lươn trong bể xi măng Có thể tận dụng bể chứa nước, chuồng heo sau khi đã sửa chữa lại để nuôi lươn. Nếu xây bể nuôi mới thì nên xây nửa nổi, nửa chìm với chiều cao khoảng 1m với diện tích từ 6-20 m2. Bể có dạng hình chữ nhật chiều rộng 1m để dễ dàng chăm sóc. Tốt nhất nên chia bể thành 3 ngăn: ngăn cho lươn sinh sống (A) lớn nhất, ngăn thứ hai (B) nhỏ hơn cho lươn đẻ và cho ăn và ngăn thứ ba (C) dùng để thu hoạch. Ngăn A có phủ một lớp bùn non và thân chuối như đối với ao nuôi và cách đáy bể 30 cm có lổ thoát nước. Xếp gạch ở đáy trong ngăn này thành nhiều ngách. Ngăn B xây vách bằng gạch hình mắt cáo cho lươn chui ra vào và quanh bên có đắp đất sét và đất thịt thành bờ rộng 0.5 m để lươn làm tổ đẻ. Ngăn C kín và thông với ngăn B bằng một ống có đường kính 20 cm và có lổ thoát nước ra ngoài có lưới chắn dạng chảy tràn phòng khi mưa to nước đầy, lươn sẽ thoát ra ngoài. Trong bể nuôi thả bèo, lục bình làm bóng mát khoảng 1/2 diện tích. Bờ đất cũng trồng các loại như cỏ, rau, khoai, môn để che mát cho lươn. Mức nước 0,4-0,5m. 2. Giống lươn nuôi. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên lươn giống nhân tạo chưa cung cấp đủ cho người nuôi, cho nên người nuôi lươn vẫn phải dựa vào nguồn giống tự nhiên là chính. Tuy nhiên muốn nuôi lươn có kết quả thì lươn giống phải bảo đảm: Kích cỡ tương đối đồng đều. Thường chọn lươn giống có kích cở 40-50 con/kg. Khỏe mạnh, không thương tích hay bị bệnh. Chú ý không mua lươn giống trôi nổi trên thị trường nếu chưa biết rõ thời gian thu gom lươn, phương thức khai thác lươn giống. Nếu thời gian thu gom lươn giống quá dài lươn bị mất sức, xây sát thì khi nuôi tỷ lệ hao hụt sẽ cao. Nếu nuôi lươn để sinh sản thì mật độ thả khoảng 6-8 con/m2 và sau khi nuôi vỗ khoảng 1-2 tháng chúng sẽ tự đẻ. Sau đẻ khoảng một tuần thì trứng nở ở điều kiện nhiệt độ từ 28-30oC. Nếu nuôi lươn thịt, thả với mật độ trung bình 50 con/m2. 3. Chăm sóc và quản lý. Thức ăn chủ yếu dùng cho lươn ăn bao gồm: xác động vật chết như gà, vịt băm nhỏ, cá, tôm, động vật sống như giun đất, bọ, ốc, dòi. Khi trưởng thành có thể tập cho lươn ăn thức ăn chế biến có hàm lượng đạm 20-25%. Một số hộ nuôi lươn ở Hậu giang đã tận dụng da chuột, ốc bươu vàng làm thức ăn nuôi lươn cũng cho kết quả tốt.
  11. 5 Khẩu phần ăn là 5-8% trọng lượng thân. Nên cho lươn ăn vào chiều tối (16-17 giờ). Cho lươn ăn trên sàn và đặt cố định ở một nơi. Thường xuyên theo dõi lượng thức ăn để điều chỉnh kịp thời. Trong quá trình nuôi, cần phải bảo đảm nguồn nước không bị ô nhiễm. Mực nước trong bể phải hơn 20cm. Oxy hoà tan khoảng 2mg/l. Khi thấy lươn nhô đầu thẳng đứng trong nước thì phải kịp thời thay nước. Thường xuyên kiểm tra bờ ao, các lỗ rò rỉ, cửa cống để đề phòng lươn thất thoát. Khi trời mưa to liên tục, phải kiểm tra và điều chỉnh mức nước kịp thời. Buổi tối lươn thường ngoi lên mặt nước hoặc bò lên cạn nên cần đề phòng địch hại của lươn. Trong qúa trình nuôi, lươn có thể bị một số bệnh như nấm thủy mi, tiêm mao trùng, đốm đen và giun sán. Khi lươn bị bệnh thường bỏ ăn, do đó cần coi trọng biện pháp phòng bệnh cho lươn. 4. Thu hoạch. Sau khoảng 8-10 tháng nuôi có thể thu hoạch, khi đó lươn đạt kích cỡ khoảng 200g. Ngưng cho lươn ăn 2-3 ngày sau đó dùng cám, gạo rang trộn với cua, tép và giun làm mồi và dụ lươn vào ngăn thu hoạch. Khi thấy lươn tập trung nhiều trong ngăn thu hoạch thì đóng nút thông với ngăn B và dùng vợt bắt lươn. IV. MỘT SỐ KHÓ KHĂN KHI NUÔI LƯƠN Khó khăn lớn nhất trong nghề nuôi lươn hiện nay là nguồn giống. Do lươn có sức sinh sản thấp, thời gian phát triển phôi dài (khoảng 200 giờ) nên việc sản xuất lươn giống nhân tạo với số lượng lớn gặp rất nhiều khó khăn (trên thế giới chưa có quốc gia nào có quy trình sản xuất lươn giống hoàn chỉnh). Hiện nay ở ĐBSCL người nuôi lươn vẫn phải thu gom lươn giống ngoài tự nhiên. Đây là khó khăn lớn nhất cho người nuôi vì chất lượng giống nuôi không bảo đảm nhất là khi nuôi với diện tích lớn, số lượng lượng giống cần nuôi nhiều. Nguồn giống nuôi không bảo đảm có thể do một số nguyên nhân sau: Lươn thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, thời gian lưu giữ lươn dài. Phương tiện đánh bắt (có thể bắt bằng dòng diện) làm ảnh hưởng sức khoẻ lươn. Kích cỡ lươn không đều. Người nuôi chưa được trang bị đầy đủ về kỹ thuật nuôi và chăm sóc lươn. Thức ăn không đủ trong quá trình nuôi nên tỷ lệ hao hụt cao. Chưa có thuốc đặc trị một số bệnh của lươn.
  12. 6 nước vào vách ngăn bằng gạch ống nước ra A B C Hình 1. bể xi măng nuôi ba ba chia 3 ngăn nước cấp nước thoát cù cùlao lao bằng đất Hình 2. bể xi măng nuôi lươn có cù lao bằng đất cấp nước cấp thoát cù lao để lươn sinh sống và đẻ trứng Hình 2. ao nuôi lươn lót cao su và có cù lao bằng đất
  13. 7 Chương 2 ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC VÀ KỸ THUẬT NUÔI BA BA ( có thể ứng dụng nuôi rùa) I. GIỚI THIỆU ba ba thuộc lớp bò sát và phân bố khá rộng trên thế giới. Chúng ta có thể gặp ba ba sống ở ao, đầm, hồ và cũng có thể gặp chúng sống ở trên cạn. Ba ba không những là nguồn thực phẩm có giá trị kinh tế cao (ở trong nước khoảng 150 000-180 000đ/kg) mà thịt hoặc xương ba ba khi kết hợp với một số loại thảo dược còn có tác dụng chữa trị một số bệnh của người như thuốc chữa đau lưng, hen suyễn, suy nhược cơ thể (Nguyễn Hữu Đảng, 2004). Hiện nay, ở nước ta đã có phong trào nuôi ba ba khá rộng và cũng đã có một số cơ sở sản xuất ba ba giống. Đặc biệt hơn nữa là những cơ sở này đều được “Công ước buôn bán Quốc Tế các loài bị đe doạ-CITES) công nhận. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc nuôi ba ba với quy mô lớn để xuất khẩu. II. ÐẶC ÐIỂM SINH HỌC CỦA BA BA. 1. Ðặc điểm phân loại, hình thái cấu tạo Ba ba là loài động vật thuộc lớp bò sát (Reptilia); Bộ Rùa (Chelonia); Phân bộ ba ba (Trionychoidei); Họ: Trionycidae Ở nước ta có 4 loài: Giải ( Pelochelys bironi), Ba ba trơn (Trionyx sinensis), Ba ba gai (Trionyx stein dachneri) ở Miền Bắc và ở Miền Nam còn gọi rùa đinh hay là cua đinh (Trionyx catilagineus) . “Ba ba trơn” trên mai không có những nốt sần, bụng có màu vàng và những chấm nâu đen như đốm hoa. Loài này phân bố ở các thủy vực như sông, ao, hồ ở đồng bằng miền Bắc và đây cũng là loài đang được nuôi phổ biến. “Ba ba gai” trên mai có những nốt sần, càng về cuối mai nốt sần càng to dần. Chúng phân bố ở miền núi phía Bắc. “Cua đinh” cổ có vòng gai sần. Trên đầu và mai có những vạch trắng. Loài này phân bố ở các đầm lầy ở miền Nam.
  14. 8 Da của ba ba khô, tầng bì hoá sừng để giảm sự thoát nước. Da không có vai trò hô hấp như lưỡng thê. 2. Tập tính sống của ba ba Ba ba có đời sống vừa ở nước vừa ở trên cạn. Trong tự nhiên, chúng thường phân bố ở những nơi có sông, suối, đầm lầy, hay ao hồ. Ba ba sống ở đáy và thích chui rúc trong các hang hốc. Những nơi tiếp giáp các dòng chảy là nơi chúng tập trung nhiều. Ba ba vẫn thường lên cạn nhất là vào ban đêm. Ban ngày, thỉnh thoảng chúng bơi lên khỏi mặt nước để thở. Ba ba có khả năng vượt bờ và bò đi xa. Do ba ba là loài động vật biến nhiệt, nên hoạt động của chúng cũng gắn liền với sự thay đổi nhiệt độ trong ngày và theo mùa. Khi nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, chúng sẽ rúc vào hốc cây, chui vào hang hay chúi xuống đáy bùn để trú ẩn và ít ăn, khi nhiệt độ cao (26-30oC) thì bò ra tìm nơi sưởi ấm và bắt mồi. Ba ba hô hấp bằng phổi. Cử động hô hấp được điều hòa bằng sự co giãn nhịp nhàng của cơ bám vào mặt trong của da nối với đầu, chi, và đuôi với mai. Hệ thần kinh: thị giác và khứu giác phát triển tốt nhưng thính giác kém phát triển. 3. Ðặc điểm dinh dưỡng và sinh trưởng Trong điều kiện tự nhiên, ba ba thường thích ăn các loại động vật như cá, tép, cua, côn trùng. Tuy nhiên, khi nuôi, ngoài thức ăn chính là động vật, chúng cũng có khả năng ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Tuy ba ba và rùa nói chung có khả năng ăn liên tục, nhưng chúng cũng có khả năng nhịn đói rất lâu ngày. Ba ba là loài chậm lớn. Tốc độ tăng trưởng của chúng liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường như thời tiết, nhiệt độ và thức ăn. Ba ba con nuôi một năm có thể đạt 500-600g/con, 2 năm đạt 800 1,200g/con. Ba ba giống 0,5 kg sau một năm nuôi có thể đạt 0,9 – 1,2 kg/con. Ba ba lớn nhanh khi nhiệt độ trên 25oC, nếu nhiệt độ thấp hơn khoảng 15oC, ba ba ít ăn và vì thế cũng rất chậm lớn. Tuổi thọ của ba ba có thể đến 25 năm. Tuy nhiên có loài có thể 200 năm. Không như các loài bò sát khác, ba ba và rùa lớn lên liên tục trong suốt đời sống. Điều đặc biệt ba ba không lột xác khi lớn lên như các loài bò sát khác. 4. Ðặc điểm sinh sản Hệ sinh dục: Cơ quan sinh dục đực gồm 2 tinh hoàn và cơ quan giao phối là ngọc hành. Cơ quan sinh dục cái gồm một đôi buồng trứng. Ống dẫn trứng phân hóa thành nhiều phần như: phểu đón trứng, phần tiết ra lòng trắng trứng, tử cung tiết vỏ đá vôi, và âm đạo.
  15. 9 Ở ba ba đã thụ tinh theo phương thức thụ tinh trong. Trứng ba ba và rùa có cấu tạo thích nghi với điều kiện sống trên cạn như: Có vỏ dai và vỏ đá vôi, trên bề mặt vỏ có nhiều lỗ nhỏ đảm bảo cho sự trao đổi khí và nước của phôi. Lượng noãn hoàng chiếm khoảng 2/3 thể tích trứng. Khoang ối chứa dịch đảm bảo điều kiện sống và giảm ảnh hưởng của tác động cơ học. Túi niệu chứa chất bài tiết của phôi. Ba ba và lớp bò sát nói chung có đặc tính thụ tinh trong. Thông thường ba ba 2 năm tuổi với kích cỡ nhỏ nhất 400 – 500g sẽ tham gia sinh sản. Vào mùa sinh sản, trong những đêm trăng sáng từ tháng 4-9, ba ba thường bắt đầu động hớn và đẻ vào những ngày mưa to, sấm chớp. Khi sinh sản có thể nhiều con đực đuổi theo một con cái. Sau khi giao phối 5 - 10 ngày ở nhiệt độ không khí 20oC, con cái bắt đầu đẻ trứng. Khi đẻ trứng, con cái bò lên bờ tìm nơi đất xốp để đào hố đẻ trứng, hố có độ sâu 5– 10cm. Sau khi đẻ trứng xong chúng dùng chân lấp đất lại để bảo vệ trứng (lớp đất dày 2 - 3cm). Bảng 1. Phân biệt ba ba đực và ba ba cái Ba ba dực Ba ba cái Kích cỡ nhỏ, mình mỏng hơn Kích cỡ lớn hơn con đực, Mai tròn hơn Mai hình bầu dục Cổ, đuôi dài, nhỏ và nhô ra khỏi mai Cổ và đuôi ngắn, mập không lồi ra Yếm lõm Yếm ít lõm Vuốt chân dài Vuốt chân ngắn hơn Khoảng cách giữa hai chân sau nhỏ Khoảng cách giữa hai chân sau lớn hơn Hoạt động mạnh Hiền, nhút nhát Trứng mới đẻ ra vỏ còn mềm, đàn hồi, sau đó cứng dần. Mỗi trứng đẻ cách nhau khoảng 5-10 phút. Kích cỡ trứng phụ thuộc vào kích cỡ của ba ba cái. Trứng cỡ nhỏ đường kính khoảng 10–12 mm, nặng 2–3 g; cỡ lớn khoảng 18- 200mm, nặng 6g. Tùy vào kích cỡ con cái mà số lượng trứng mỗi lần đẻ khác nhau. Ba ba mới đẻ lần đầu (0,4–0,5kg) có thể đẻ 4-6 trứng. Cỡ 2kg đẻ 10-15 trứng. Con lớn hơn có thể đẻ 20- 30 trứng. Một năm ba ba có thể đẻ 4 - 5 lứa. Sau khi đẻ 5-7 ngày chúng lại tiếp tục giao phối để chuẩn bị cho lần đẽ tiếp theo.
  16. 10 Trong tự nhiên, với nhiệt độ khoảng 30oC, trứng sẽ nở sau khoảng 45 - 60 ngày. Ba ba con mới nở có kích cỡ dài khoảng 3cm (tính theo chiều dài từ đầu tới cuối của mai), nặng 3 - 4g và đã có bản năng tìm xuống nước để sinh sống và phát triển. III. SẢN XUẤT GIỐNG BA BA 1. Nuôi ba ba bố mẹ và cho đẻ Trong một trại nuôi ba ba, cần thiết nên có ao nuôi ba ba bố mẹ, ao ương ba ba con và ao nuôi thịt riêng. Ba ba bố mẹ có kích cỡ từ 0,8 - 3 kg/con (2- 5 tuổi), tốt nhất nên chọn ba ba có trọng lượng từ 1,5 – 2,0 kg/con. Mật độ thả từ 3 - 5 con/m2 với tỉ lệ đực : cái là 1 : 1. Thức ăn cho ba ba bố mẹ là các loại cá, tép, ốc, hay phế phẩm lò sát sinh. Lượng thức ăn hàng ngày chiếm 5 - 10 % trọng lượng thân. Ao nuôi nên có bóng mát, yên tĩnh. Có thể làm nhà hay trồng cây che mát ở trên bờ ao cho ba ba đẻ trứng. Bờ ao cần có rào chắn cao 50 cm-70 cm, hoặc có gờ tránh ba ba tẩu thoát. Ngoài ra trong ao cũng cần làm cầu (bằng gỗ hoặc tre) sát mặt nước cho ba ba lên phơi nắng khi cần thiết. Ao có nguồn nước dồi dào. Tùy theo điều kiện cụ thể mà ao nuôi ba ba bố mẹ có diện tích khác nhau (trung bình từ 50- 100m2). Mức nước sâu từ 1–1,2 m để ổn định nhiệt độ. Ðáy ao có một lớp bùn dày 20-25 cm để ba ba vùi mình khi cần thiết. Trên bờ ao nên thiết kế nơi cho ba ba lên đẻ trứng khi thành thục (nơi này có đổ lớp cát và dốc về phía ao với độ dốc khoảng 30o). Nơi này cần có lối đi cho ba ba vào đẻ trứng. Ngay trước lối này có bắc một tấm gỗ xuống ao nuôi làm cầu cho chúng lên xuống. Trong trường hợp ấp trứng tự nhiên, ở nơi đẻ có rãnh nước rộng 30cm, sâu 5 - 10cm để thu ba ba mới nở và để giữ độ ẩm nơi ba ba đẻ. Ngăn chuồng cho ba ba đẻ chứa cát dày khoảng 40-50cm để ba ba đào tổ đẻ trứng. Sau khi ba ba đẻ xong khoảng 7-10 ngày thu trứng đem ấp hoặc để tại chổ để trứng tự nở. Trong ngăn cho đẻ nên đặt những thau nước nhỏ để đảm bảo độ ẩm 80-85%. 2. Ấp trứng a. Ấp trứng tự nhiên Có thể để nguyên trứng trong tổ đẻ của ba ba và phôi nở tự nhiên. Tổ trứng ba ba cần đảm bảo đủ độ ẩm cho trứng phát triển bằng cách tưới nước (dạng phun sương) hoặc trồng nhiều cây bóng mát để luôn giữ ẩm. Ở nhiệt độ 28 - 30oC, sau khi ấp 45 -
  17. 11 60 ngày sẽ nở. Trứng thường nở về đêm. Ba ba mới nở sẽ bò xuống rãnh nước gần tổ trứng và được vớt vào sáng hôm sau. b. Ấp trứng nhân tạo Nếu ấp trứng nhân tạo, cần phải theo dõi kỹ hoạt động sinh đẻ của ba ba. Sau khi chúng đẻ 7 -10 ngày, vỏ trứng cứng thì bới ổ và mang trứng vào ấp trong khay. Không nên thu trứng sớm vì sẽ làm hư trứng khi chưa đủ cứng. Những trứng được thụ tinh, vỏ có màu ngà vàng và nhìn rõ túi hơi trong trứng. Trứng không được thụ tinh thì không rõ túi hơi và trên vỏ có những chấm trắng loang lổ. Khay ấp trứng lớn hay nhỏ tùy điều kiện, nhưng phải có một lớp cát dày 15 - 20 cm. Xếp trứng vào khay các trứng quả cách nhau 2-5 cm. Ðiều quan trọng cần chú ý là phải để túi hơi hướng lên trên như trứng được đẻ trong tự nhiên, nếu không trứng sẽ không phát triển được. Trên lớp trứng phủ lớp cát dày khoảng 5 cm. Trong khay ấp, đặt một vài chậu nước nhỏ để ba ba con nở ra tìm đến sinh sống. Nếu không chúng sẽ bị chết do thiếu nước. Trong quá trình ấp trứng cần phải giữ ẩm bằng cách phun nước cho khay và điều quan trọng là không nên đảo lộn trứng. Thông thường, ở nhiệt độ tự nhiên 28 - 30oC, trứng sẽ nở trong vòng 45 - 60 ngày. Tuy nhiên, nếu giữ nhiệt độ ổn định khoảng 30 - 34oC trong suốt thời gian ấp trứng bằng cách dùng bóng đèn và ấp trong phòng kín thì thời gian ấp sẽ được rút ngắn đáng kể (35 - 40 ngày) và tỷ lệ nở của trứng có thể đạt 80 - 90%. Nhiệt độ thấp hơn 20oC hoặc cao hơn 37oC trứng sẽ bị hỏng. choì cho ba ba đẻ cầu để ba ba lên bờ hoặc đi đẻ bè để ba ba phơi nắng H: 0,8-1,2m Hình 4. Mô hình nuôi ba ba 3. Ương ba ba con Ba ba con mới nở có đường kính lớn của mai khoảng 3cm và có thể bắt đầu ăn được sau 15 phút. Do còn nhỏ, chúng cần được nuôi dưỡng trong những bể ương trước khi chuyển vào nuôi thịt trong ao.
  18. 12 Bể ương ba ba mới nở có kích thước khoảng 1-4m2, mức nước 15-25cm, đáy bể có một lớp cát dày 20 cm là nơi cho ba ba vùi mình. Trên mặt nước thả những tấm ván cho ba ba con lên xuống. Mật độ ương khoảng 30 – 50 con/m2. Thức ăn của chúng chủ yếu trong một tuần đầu là các loại trùng chỉ với tỉ lệ khoảng 10% trọng lượng thân. Sau đó bổ sung cá xay, lòng đỏ trứng. Do ba ba không ăn khi có tiếng động, vì thế nên cho ba ba ăn trên sàn và tránh xa nơi ồn ào. Hàng ngày cho ba ba ăn 2 - 3 lần: sáng, chiều và tối. Sau 20 ngày ương, có thể chuyển ba ba sang bể ương có diện tích lớn hơn hoặc dâng nước cao đến 25 – 35cm. Thức ăn chủ yếu là cá tép, thịt động vật, và có thể tập cho ba ba ăn thức ăn tổng hợp. Trong quá trình ương, việc thay nước hàng ngày là rất cần thiết để đảm bảo môi trường sạch sẽ. Sau khi ương 3 tháng thì có thể thu hoạch để làm giống nuôi thịt. IV. NUÔI BA BA THỊT 1. Ao, bể nuôi Ao nuôi nên có diện tích từ 100 - 600 m2 với mức nước sâu 1 – 1,2m. Đáy ao có một lớp bùn sạch hoặc cát mịn 20 - 30 cm để chúng trú ẩn. Bờ ao nên có độ dốc thấp (i: 40-45%) hoặc có thể bắc vài tấm ván gỗ làm cầu cho ba ba lên xuống. Trong ao nên thả lục bình để vừa tạo bóng mát cho ba ba và lọc sạch nước. Ðối với nuôi trong bể xi măng, có thể thiết kể bể nuôi tuỳ theo điều kiện cụ thể (dao động từ vài chục mét vuông đến vài trăm mét vuông). Hiện nay diện tích bể nuôi ba ba có diện tích phổ biến từ 10- 20m2, mức nước sâu 0,6-1,0m. Xung quanh thành bể nên thiết kế nơi cho ba ba bò lên nghỉ ngơi hoặc trong bể có thể đặt những tấm ván nổi cho chúng lên xuống. Bể nuôi cũng cần che mát. Ao và bể cần có cống cấp và thoát nước. Miệng cống được bịt kĩ bằng lưới sắt để tránh thất thoát. 2. Thả giống và chăm sóc Hiện nay ba ba có 2 nguồn giống có thể chọn nuôi: giống tự nhiên và giống nhân tạo. Tuy nhiên, đối với giống tự nhiên, cần chọn cẩn thận. Không nên mua ba ba bị câu, giật điện, xây sát hay thương tích, dị tật. Ba ba yếu thường có biểu hiện bò chậm, cổ rụt không hết, mắt đục, không chúi được xuống bùn khi thả xuống ao. Những con khỏe khi bị lật ngửa sẽ tự lật sấp lại.
  19. 13 Ba ba làm giống nuôi nên có kích cở đồng đều với trọng lượng trung bình 100-200g Trường hợp khác biệt lớn về kích cỡ thì nên tách nuôi riêng để tránh cạnh tranh thức ăn hoặc có thể ăn lẩn nhau. Mùa vụ thả giống từ tháng 2 - 3. Tùy vào kích cỡ giống mà mật độ thả như sau: Cỡ giống (gam) Mật độ (con/m2) 50-100 10-15 100-150 7-10 150-200 3-5 400-600 1-3 Thức ăn cho ba ba bao gồm các loại thịt động vật cá, tép, cua, ốc, giun đất hay cả các loại phế phẩm lò sát sinh. Cũng có thể cho ăn bổ sung thức ăn chế biến với thành phần bao gồm: bột bắp 30%, cám 30%, đậu nành 20%, bột cá 20%. Cho ba ba ăn mỗi ngày 2 - 3 lần vào sáng và chiều với khẩu phần ăn 5 - 8% trọng lượng ba ba nuôi. Có thể cho ba ba ăn trên sàn đặt trên bờ hoặc đặt sàn ăn ngập sâu trong nước 20 - 25 cm. Hàng ngày trước khi cho ăn cần vệ sinh kỹ sàn ăn, và thông qua kiểm tra thức ăn mà điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp, tránh quá dư thừa làm bẩn nước mà dễ dàng gây bệnh cho ba ba nuôi. Để dễ kiểm tra mức sử dụng thức ăn của ba ba cần tập cho ba ba ăn cố định ở một vị trí và ở một thời gian ổn định. rào chắn trên bờ (h:0,5-0,6m cỏ cầu để ba ba lên bờ hoặc đi đẻ bè để ba ba phơi nắng H: 0,8-1,2m Hình 5. Mô hình nuôi ba ba thịt Ngoài ra, cũng có thể thả nuôi thêm các loài ốc, cá rô phi để chúng sinh sản làm mồi trực tiếp cho ba ba hoặc nuôi giun đất trên bờ để chủ động nguồn thức ăn cho chúng. Nhiệt độ thích hợp cho ba ba bắt mồi từ 22 - 32oC. Ba ba sẽ ngừng ăn khi nhiệt độ quá cao (toC> 35oC) hay quá thấp (toC< 12oC).
  20. 14 Trong quá trình nuôi, cần định kì thay nước để giữ môi trường trong sạch và cũng cần giữ môi trường yên tĩnh, tránh gây tiếng động. Khi đạt kích cỡ thương phẩm thì có thể thu hoạch. Cần cẩn thận khi bắt, vì có thể bị ba ba cắn. Nên thu hoạch ba ba vào thời gian có nhiệt độ tương đối thấp (20-25oC) tránh hao hụt. Có thể vận chuyển ba ba bằng bao bố (vận chuyển gần) hoặc bằng những dụng cụ khác nhau có lót rong, cỏ mềm để giữ đủ độ ẩm khi vận chuyển xa. 2. Bệnh ở ba ba Mặc dù ba ba ít khi bị mắc bệnh., tuy nhiên, do thời gian nuôi tương đối dài, mật dộ nuôi cao nên ba ba vẫn có thể mắc một số bệnh sau: a. Bệnh sưng cổ: - Nguyên nhân: người ta chưa xác định được do nhiều chủng vi khuẩn gây ra. -Dấu hiệu: Cổ sưng to, bụng có các đốt mụn đỏ, mắt đục, có thể chảy máu mũi, mắt sưng đỏ và bị mù khi bị bệnh nặng. - Phòng trị: Giữ môi trường sạch sẽ. Dùng các loại kháng sinh trộn vào thức ăn với lượng 0,2g/10kg thức ăn, cho ăn trong 3 ngày liên tiếp. Các loại kháng sinh thường dùng hiện nay là Streptomicin, Penicilin, Cloramphenicol. b. Bệnh đốm trắng: - Nguyên nhân: do nấm gây ra -Dấu hiệu: Các chân và viền mép mai có đốm, lúc đầu xuất hiện ở viền mai, sau lan rộng thành đốm trắng làm da bị thối rữa. Bệnh thường xảy từ 5-7 tháng tuổi và thường gặp ở giai đoạn ba ba giống (2-3 tháng tuổi). Khi mắc bệnh nặng ba ba ăn ít, suy yếu dần rồi chết. - Cách phòng trị: Giữ nước sạch sẽ, tránh gây thương tích cho chúng. Khi bệnh nên cách ly con bệnh và dùng Methylen 1% bôi vào nơi bị nấm. c. Bệnh nấm thủy mi: - Nguyên nhân: do nấm thủy mi gây ra -Dấu hiệu: Thường xảy ra ở ba ba giống vào đầu mùa. Trên vùng da bị thương có các các sợi nấm dạng bông trắng. Những bộ phận trên cơ thể ba ba dễ bị mắc bệnh này là cổ, nách. Khi ba ba bệnh bơi lội chậm chạp, ăn ít - Cách phòng trị: Giữ môi trường sạch sẽ. Khi ba ba bị bệnh dùng Malachite green 4mg/l ngâm trong 8 giờ, hoặc tắm cho ba ba liên tục 2-3 ngày
  21. 15 Chương 3 ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC VÀ KỸ THUẬT NUÔI ẾCH I. GIỚI THIỆU Từ lâu ếch đã được xem là đối tượng hữu ích đối với đời sống con người trong sản xuất nông nghiệp. Ếch giúp tiêu diệt côn trùng, sâu bọ phá hoại mùa màng. Nhiều nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy khi nuôi ếch trong ruộng lúa đã làm tăng năng suất luá rõ rệt. Ếch đồng phân bố chủ yếu trong nước ngọt, đặc biệt những nơi ẩm ướt và yên tĩnh. Ếch có rất nhiều kẻ thù như rắn, mèo, chuột, cáo cho nên ban ngày ếch thường chui rúc trong hang, bụi cỏ. Ếch không những là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà ếch còn là đối tượng dùng trong các thí nghiệm và góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu về lĩnh vực thần kinh và sinh lý học. Ngoài ra thịt ếch cũng được dùng chữa trị một số bệnh như chữa tắc kinh ở phụ nữ, bệnh đái dầm ở trẻ em (Nguyễn Hữu Đảng, 2004). Nhu cầu thịt ếch ngày càng cao (trong khi đó do nhiều nguyên nhân khác nhau nguồn lợi ếch ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt). Trước tình hình đó một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc đã có chương trình nuôi ếch cách nay khoảng 15 năm. Ở Ðài loan loài ếch bò được nhập từ Nhật bản vào năm 1924 và là đối tượng nuôi chính ở đây. Ấn độ tuy không phải là quốc gia yêu chuộng thịt ếch và xem việc buôn bán là vô đạo đức, song sản lượng đùi ếch xuất khẩu hàng năm khoảng 300 tấn. Ngoài ra Singapore cũng có dự án nuôi ếch rất qui mô. Ở Ðức, Ba lan và Anh đều có trại nuôi ếch. Tại Việt nam, loài ếch bò được di nhập từ Cu ba vào miền Bắc từ những năm 1960, tuy nhiên, việc nuôi loài ếch này cho thấy hiệu quả không cao. Trong những năm gần đây, các tỉnh phía nam cũng có một số hộ nuôi ếch như Cần thơ, An giang. Tuy hiên hiệu qủa kinh tế của mô hình nuôi ếch này chưa cao vì chưa chủ động được nguồn giống, hơn nữa ếch ở Việt Nam chưa được thuần dưỡng nên khi nuôi tỷ lệ sống không cao. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc nuôi ếch chưa phát triển thành phong trào. Năm 2001-2002, đã có một số hộ ở thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp nhập ếch Thái Lan (Rana rugulosa) về nuôi. Đây là đối tượng mới di nhập nên cần
  22. 16 có thời gian theo dõi. Nhưng những kết quả ban đầu cho thấy ếch Thái Lan có thể phát triển nuôi rộng rãi và có thể nuôi với quy mô công nghiệp. II. ÐẶC ÐIỂM SINH HỌC CỦA ẾCH 1. Phân loại, hình thái, cấu tạo. a. Phân loại Ếch hay lớp lưỡng thê nói chung là nhóm động vật có xương sống đầu tiên sống trên cạn mặc dù chúng còn giữ nhiều đặc điểm sống ở nước. Hiện nay có khoảng 2500 loài ếch nhái thuộc lớp lưỡng thê và được phân thành 3 bộ: bộ lưỡng thê có đuôi (280 loài), bộ lưỡng thê không chân (60 loài) và bộ lưỡng thê không đuôi (2100 loài). Ếch là loài lưỡng thê không đuôi, sống được trên cạn và trong môi trường nước. b. Hình thái Ếch có mình ngắn và không phân cách với đầu. Chiều dài thân trung bình 7-13cm và nặng 100-300g. Chân trước có 4 ngón rời, chân sau dài và khỏe, có 5 ngón dính liền nhau bằng một màng mỏng. Miệng ếch rất rộng, mắt lồi, mi trên không cử động, mi dưới có thể che đậy cả mắt. Hai lổ mũi gần mõm. Phần lưng có màu đất xám nâu nhạt, phần da bụng có màu trắng bạc, hai đùi có các hoa văn sắc tố màu xanh pha trắng bạc. c. Cấu tạo * Da ếch mềm, ẩm ướt và được cấu tạo bởi nhiều lớp, lớp thượng bì có nhiều lớp tế bào và có nhiều tuyến nhờn. Lớp hạ bì bị tiêu giảm và chỉ dính với cơ bên dưới làm thành những vách ngăn giữa các tuí bạch huyết, vì thế da ếch chỉ dính với cơ thể theo một số đường nhất định. *Hệ hô hấp Phổi ếch vẫn chưa đảm nhận hoàn toàn chức năng hô hấp. Vì thế da ếch có vai trò rất lớn trong hô hấp. Có khoảng 51% oxy được lấy từ không khí và 86% cacbonic được thải qua da. Còn lại là chức năng của phổi. Phổi có dạng túi đơn giản với những phế nang hình thành khắp trong phổi. Do thiếu lồng ngực nên tác động hô phấp được thực hiện bằng cử động nuốt khí của miệng. Ngoài việc trao đổi khí chủ yếu thực hiện qua da, phổi, ếch còn có bộ máy hô hấp riêng là thanh quản .
  23. 17 Việc trao đổi nước giữa cơ thể và môi trường cũng được thực hiện chủ yếu qua da. Ðối với ếch mất khoảng 15-30% nước sẽ gây chết. Ðể có thể thực hiện được những chức năng trên, da ếch phải luôn giữ được ẩm ướt, vì thế tuy ếch sống trên cạn nhưng vẫn phải gắn liền với nước hay không khí ẩm. * Hệ xương Tuy ếch sống trên cạn nhưng sự thích nghi chưa thật hoàn chỉnh. Chi đã có kiểu 5 ngón như động vật có xương sống ở cạn, song còn yếu chưa đủ sức nâng cơ thể khỏi mặt đất. Sọ có hai khớp nối với đốt sống cổ đầu tiên, song cử động của đầu vẫn còn hạn chế. * Hệ cơ Hệ cơ của ếch có những biến đổi quan trọng, thích nghi với đời sống vận chuyển trên cạn. Ðã hình thành những bó cơ riêng biệt và khoẻ. Nhiều cơ nằm trực tiếp trên chi giúp cho quá trình bơi lội và nhảy của ếch. Ngoài ra tính phân đốt của cơ thể cũng giảm đi rõ rệt, chỉ còn vài cơ ngực và cơ lưng. * Hệ tiêu hóa Khe miệng cuả ếch rất rộng và khoang miệng lớn, vì thế chúng có thể đớp và nuốt được mồi có lích cỡ lớn. Lưỡi có hệ cơ riêng làm chúng có thể cử động. Phần trước của lưỡi dính vào thềm miệng và phần sau hướng về phía trong họng. Do đó, chúng dễ dàng phóng lưỡi để bắt mồi. Các tuyến nhờn trong xoang miệng có tác dụng làm trơn thức ăn. Răng ếch nhỏ, hình nón, đính trên xương hàm trước, xương hàm trên, xương lá mía và có tác dụng giữ mồi. Thực quản ngắn, không phân biệt với dạ dày. Thành thực quản có nhiều tuyến nhờn và tuyến vị tiết acid và men pepsin. Dạ dày ếch có hệ cơ khỏe, và có các tuyến tiêu hoá. Ruột cuộn lại thành nhiều vòng, không phân biệt rõ ruột trước và giữa, nhưng ruột sau (trực tràng) phân biệt rõ hơn và là nơi chứa phân. * Hệ tuần hoàn Hệ tuần hoàn của ếch gồm hai vòng tuần hoàn và tim 3 ngăn: 2 tâm nhĩ, 1 tâm thất do đó chưa phân biệt máu động mạch và tĩnh mạch, máu nuôi cơ thể là máu pha. * Hệ bài tiết Ếch có hai thận nằm sát xương sống ở về phía lưng trong có nhiều ống thận (2000 ống). Thận thiếu khả năng tái hấp thu nước từ nước tiểu. * Hệ thần kinh
  24. 18 Bán cầu não ếch đã có những tế bào thần kinh, có tác dụng phân tích, tổng hợp thông tin đi qua thị giác, thính giác và khứu giác. Tiểu não nhỏ, vì thế cử động của ếch đơn giản, hoạt động chậm chạp. * Thị giác Mắt ếch kém phát triển, chỉ phân biệt được được các vật di động. Chúng không cảm nhận được các vật bất động hay di động chậm chạp. Mắt ếch chỉ có thể phân biệt được 2 màu đỏ và màu xanh da trời hoặc sự phối hợp giữa hai màu này. * Thính giác, khứu giác Ếch đã có tai giữa. Ống dẫn âm thanh có màng nhĩ tiếp xúc với không khí và nằm hai bên thái dương. Nhiệt độ càng thấp, khả năng nghe của ếch càng giảm. Khứu giác của ếch là hai lổ mũi, trong có nhiều tuyến nhờn, mũi giúp ếch đánh hơi tìm mồi, phát hiện những mùi quen thuộc của ao hồ nơi sinh sống. Ở nòng nọc có cơ quan đường bên giúp nhận biết sự thay đổi về nhiệt độ trong phạm vi 2-3oC. * Hệ sinh dục Ở ếch đực có một đôi tinh hoàn và hai ống Volf. Tinh dịch được đổ vào ống Volf rồi đổ vào xoang huyệt. Ếch không có cơ quan giao cấu. Buồng trứng ếch cái có hai nhánh và phần cuối của hai ống dẫn trứng gặp nhau và đổ chung vào xoang huyệt. Trứng rụng theo ống dẫn trứng đổ vào xoang huyệt sau đó mới đẻ ra ngoài qua lỗ huyệt. 2. Tập tính sống của ếch. Vòng đời của ếch chia làm 4 giai đoạn: trứng- nòng nọc- ếch con-ếch trưởng thành. Ðến mùa sinh sản, ếch đực, cái thành thục và bắt cặp đẻ trứng trong môi trường nước. Trứng dính với nhau thành từng mảng nhờ màng nhày của trứng. Sau khi nở, nòng nọc sống hoàn toàn trong nước và thở bằng mang. Khi nòng nọc biến thái thành ếch con thì thở bằng da, phổi và vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước. Ếch có thể bơi nhanh, nhảy liên tục và nhảy cao khoảng 1m. Ếch thường đào hang để ẩn nấp tránh địch hại như chuột, rắn đồng thời cũng để giữ ẩm cho da. 3. Tính ăn. Sau khi nở 3 ngày đầu nòng nọc sống bằng noãn hoàng, sau đó bắt đầu sử dụng thức ăn ngoài. Ở giai đoạn nòng nọc, thức ăn chủ yếu là động vật phù du, cá bột các loại. Giai đoạn ếch con ăn mồi là động vật có kích thước lớn hơn như giun, tép, ốc, cua , cá con và các côn trùng. Ếch ít hoạt động vào ban ngày. Chúng thường ngồi rình mồi và khi con mồi di chuyển đến tầm hoạt động của lưỡi thì phóng lưỡi cuốn con
  25. 19 mồi vào miệng. Hiện tượng ăn nhau của nòng nọc hay ếch con chỉ có thể xảy ra khi thiếu thức ăn. 4. Sinh sản và phát triển của ếch. Ếch 1 năm tuổi thì tham gia sinh sản. Ếch 2-3 năm tuổi có sức sinh sản cao nhất. Mùa sinh sản của ếch thường bắt đầu từ tháng 3-8. Khi vào mùa sinh sản, ếch đực phát ra tiếng kêu báo hiệu và ếch đực nào kêu to, khỏe sẽ được ếch cái tìm đến để ghép đôi. Thời điểm bắt cặp, đẻ trứng tập trung nhất là lúc sau những trận mưa rào, vào lúc nửa đêm đến gần sáng. Những nơi có mực nước 5-15cm, có nhiều thực vật thủy sinh là nơi ếch tới đẻ trứng. Chúng bắt cặp từng đôi một và thời gian bắt cặp, đẻ trứng có thể kéo dài 2-3 giờ. Bảng 2. Phân biệt ếch đực và ếch cái theo các tiêu chuẩn sau Ếch đực Ếch cái Màng nhĩ lớn hơn mắt Màng nhĩ nhỏ hơn mắt Có chai sinh dục ở gốc ngón chi trước Không có chai sinh dục Dưới cằm có 2 túi phát âm Không có túi phát âm Khối lượng thân nhỏ nhơn Khối lượng thân lớn hơn Ếch đẻ trứng trong nước và thụ tinh ngoài. Tùy theo kích cỡ mà số lượng trứng ếch đẻ ra khác nhau (từ 3000-6000 trứng/ một lần) và có thể đẻ 2-3 lần trong năm. Trứng đẻ ra được bao bọc trong khối màng nhày nổi trên mặt nước. Khối nhày có tác dụng bảo vệ trứng tránh va chạm, tránh bị vật khác ăn và làm tăng độ hội tụ ánh sáng vì thế làm tăng nhiệt độ, giúp trứng nở nhanh. Trứng ếch phân cắt kiểu hoàn toàn và không đều. Trứng có cực động vật có màu đen ở nửa trên và cực thực vật có màu trắng ở nửa dưới. Trong điều kiện nhiệt độ 25- 30oC, thời gian phát triển phôi là 18-24 giờ. Sự biến thái của nòng nọc thành ếch con có thể được chia thành 2 thời kỳ: Thời kỳ 1: Nòng nọc mới chỉ có đầu, thân và đuôi. Khi mới nở nòng nọc chưa có mắt, đuôi đơn giản nằm trong khối chất nhày. Sau 3-4 ngày nòng nọc xuất hiện mang ngoài. Có đường bên, chưa có miệng mà chỉ có giác bám hình chữ V. Chúng bám vào cây cỏ thủy sinh. Sau khi nở 4-6 ngày thì mang ngoài tiêu biến và mang trong hình thành. Cơ quan bám tiêu biến và xuất hiện miệng hình phễu có răng môi, lỗ thở xuất hiện. Ðuôi kéo
  26. 20 dài, lỗ hậu môn và mắt xuất hiện. Nòng nọc bơi lội dễ dàng trong nước. Thức ăn chủ yếu là động vật thủy sinh cỡ nhỏ. Thời kỳ 2: Xuất hiện các chi. Chi trước xuất hiện trước và ẩn dưới da, tiếp theo là chi sau. Ðuôi và mang tiêu biến đồng thời xuất hiện mi mắt, lưỡi, phổi, cơ. Hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, da cũng được biến đổi. Sau đó nòng nọc trở thành ếch con. Khi tới thời kỳ biến thái, các tuyến nội tiết hoạt động rất mạnh. Kích thích tố giáp trạng có tác dụng quyết định đến sự biến thái của ếch. Ngoài ra, nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến quá trình này. Nhiệt độ thấp hơn 22oC nòng nọc biến thái rất chậm. Ở nhiệt độ 28-30oC, sau 3 tuần nòng nọc sẽ biến thái thành ếch con. Sau khi một tháng nuôi đạt ếch giống 20-25 g/con. Sau 4-6 tháng nuôi ếch đạt 80-100g/con. III. KỸ THUẬT SẢN XUẤT ẾCH GIỐNG, NUÔI ẾCH THỊT. 1. Sản xuất ếch giống. a. Nuôi vỗ ếch bố mẹ Ếch bố mẹ có thể chọn từ ếch thành thục trong tự nhiên hoặc từ đàn ếch thịt sau khi thu hoạch. Ếch chọn cho sinh sản nên có kích cỡ lớn hơn 100g/con, béo, khỏe và trên 1 tuổi, tốt nhất là 2-3 năm tuổi. Ðể chủ động tạo nguồn ếch bố mẹ tốt, trước mùa sinh sản cần nuôi vổ tích cực để ếch thành thục. Thành phần thức ăn có hàm lượng đạm cao (35-40% ) sẽ có tác dụng thúc đẩy ếch thành thục nhanh hơn. Khẩu phần ăn là 5-10% trọng lượng thân. Tỉ lệ đực cái là 1:1. Nếu có điều kiện nên nuôi riêng ếch đực và ếch cái. Khi ếch cái thành thục có bụng phình to, mềm. Theo dõi và chăm sóc. Mật độ thả ếch bố mẹ trung bình 5-6 cặp/m2. Trong quá trình nuôi ếch đẻ, nước phải trong sạch. Cần lưu ý trước khi đẻ 3-4 ngày, ếch đực bắt đầu kêu báo hiệu. b. Cho ếch đẻ. * Ao cho ếch đẻ. Ao cho ếch đẻ phải chọn nơi yên tĩnh, dễ dàng trong việc cấp thoát nước. Diện tích chỉ cần 10-15m2. Ao cho đẻ nên chia hai phần: phần có mực nước sâu 10-15cm là nơi cho ếch bắt cặp và đẻ, diện tích phần này chiếm khoảng 30%, phần còn lại sâu 30-40cm để ếch bơi lội và gọi đàn trước khi bắt cặp. Trong ao có thả thực vật thủy sinh như lục bình chiếm 1/2 diện tích ao. Xung quanh ven bờ ao nên tạo bóng mát và nên làm những ụ rơm rạ ven bờ cho ếch vào trú ẩn.
  27. 21 * Vườn cho ếch đẻ. Các khu vườn quanh nhà đề có thể tận dụng để cho ếch sinh sản. Cũng giống như ao, diện tích vườn khoảng 10-20m2. Trong vườn cần đào một rãnh nhỏ cho ếch đẻ với chiều rộng 50-60cm, sâu 30-40cm và mức nước sâu 10-15cm. Trên khu vườn cũng cần trồng cây che mát và làm nơi trú ẩn cho chúng. Xung quanh vườn nên rào kỹ bằng lưới hay tường tránh ếch thất thoát. Tuy nhiên cần chú ý rào phải trơn nhẵn tránh làm xây sát ếch. Thông thường sau những trận mưa rào và vào lúc sau nửa đêm là thời gian ếch đẻ tập trung nhất. Trong thực tế người ta có thể tạo mưa nhân tạo để kích thích ếch đẻ sớm bằng cách phun nước từ 11 giờ đêm đến sáng. Ðể ếch đẻ hiệu quả cần giữ môi trường xung quanh thật yên tĩnh. Trứng sau khi đẻ nằm trong khối chất nhày nổi lên mặt nước. Những trứng không có cực động vật màu đen là trứng ung. Số lượng trứng đẻ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khối lượng ếch, độ tuổi của ếch. Thông thường ếch đẻ 3.000-6.000 trứng tương ứng với khối lượng ếch cái 200-250g. c. Ấp và ương nòng nọc đến 7 ngày tuổi. Dụng cụ dùng ấp trứng ếch và ương nòng nọc trong giai đoạn đầu có thể là những thau, chậu, bể lót nilon, giai hay bể xi măng. Nếu để ếch đẻ dưới ao, hoặc trong các rãnh nước trong vườn rhì cần thu trứng về ấp trong các dụng cụ đã chuẩn bị trước. Khi vớt trứng thao tác phải nhẹ nhàng, không làm trứng vón cục và khi đưa trứng vào ấp không lật ngược khối trứng vì cần để cực động hướng lên trên. Mức nước trong các dụng cụ từ 10-15cm và có nước lưu thông liên tục. Mật độ ấp từ 20000-30000 trứng/m2 . Khi ấp trong giai bằng lưới nilon mềm, giai đặt ngập 15-20cm trong ao nước sạch. Nước có thể lưu thông nhẹ, nếu không sau 3-4 giờ cần đảo nhẹ nước quanh giai một lần. Mật độ ấp trứng trong giai cũng từ 20.000-30.000 trứng/m2. Trong quá trình ấp cần bảo đảm điều kiện tối ưu cho trứng phát triển. Nước phải trong sạch, không nhiễm bẩn. Không nên dùng nước máy trực tiếp mà nên sục khí 2- 3 ngày để cho bay hết Chlorine. Ðảm bảo oxy đầy đủ (3-5mg/l), pH từ 7-8 và nhiệt độ 25-30oC. Nhiệt độ quá cao (trên 33oC) hay quá thấp (dưới 15oC) trứng sẽ bị ung hoàn toàn. Trong điều kiện nhiệt độ 25-30oC, trứng nở sau 18-24 giờ. Sau khi nở 4-8 giờ vớt lớp váng nhày ra khỏi bể ấp và sau 30 giờ nên thay nước. Nòng nọc nở ra còn yếu và có khối noãn hoàng nặng nên bám dưới đáy.
  28. 22 3 ngày đầu (sau khi nở) nòng nọc dinh dưỡng bằng noãn hoàng. Từ ngày thứ 3-4 cho ăn lòng đỏ trứng luộc chín với lượng 2 trứng/10.000 con/ngày. Cho ăn 4-5 lần/ngày. Ngày thứ 5-6 lượng cho ăn tăng dần 4-5 trứng/ngày. Có thể dùng cả lòng đỏ và lòng trắng trứng tươi, cám nấu, cá tươi xay nhuyễn hoặc động vật phù du cho ăn bổ sung. Sau ngày thứ 7, nòng nọc đã khoẻ và chuyển sang ao ương. d. Ương nòng nọc từ ngày thứ 8 thành ếch con. * Chuẩn bị ao ương. Ðây là bước chuẩn bị cần thiết để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho nòng nọc trong giai đoạn đầu. Ao ương nòng nọc chỉ cần kích thước nhỏ (50-100 m2) với mức nước sâu 40-50cm. Trước khi thả nòng nọc ương cần chuẩn bị ao kỹ càng bằng cách bón vôi 10 kg/100m2 và bón lót phân hữu cơ gây màu nước 20-30 kg/100m2 ao. . * Chăm sóc quản lý. Nòng nọc ương với mật độ 1000-3000 con/m2. Trong 10 ngày đầu thức ăn bổ sung bao gồm các loại bột bắp, bột gạo nấu chín (70%) và cá, giun, ốc xay nhuyễn (30%). Việc tập cho ếch quen với mồi tĩnh, thức ăn công nghiệp cũng bắt đầu vào thời gian này. Có thể bổ sung 01 trứng gà hoặc vịt tươi sống. Lượng thức ăn trung bình 0,1kg/ngày/10.000 con. Mỗi ngày cho ăn 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều. Sau 2 tuần, mang bắt đầu thoái hóa, phổi hình thành và nòng nọc bắt đầu ngoi lên mặt nước để đớp khí, chân cũng xuất hiện. Lúc này nên thả bèo hay lục bình vào ao (1/3 diện tích) làm giá thể cho nòng nọc . Cùng với sự biến thái, đuôi bị tiêu biến dần. Lúc này ếch có thể sử dụng nguồn dinh dưỡng từ chính sự thoái hoá của đuôi. Vì thế có thể giảm lượng thức ăn một nửa hay có thể ngừng hẳn. Ếch con được định hình từ ngày 18-22 ngày sau khi ương và bắt đầu đời sống trên cạn. Cần lưu ý nguồn nước sử dụng phải sạch. Bắp cày, cá dữ và sự ăn nhau là nguyên nhân chính làm giảm tỉ lệ sống của nòng nọc. e. Nuôi ếch con thành ếch giống. Sau khi ếch con được hình thành, tập tính sống đã thay đổi vì thế cần phải chuyển ếch sang ao khác thích hợp hơn. Lúc này ếch có trọng lượng trung bình 2-5 g/con . Ao nuôi có diện tích 10-20m2 với mức nước sâu 30-50cm. Ðất ao là đất nền cứng. Bờ ao nên thiết kế có độ dốc thấp (i=20-30%) để tạo điều kiện cho ếch lên xuống.
  29. 23 Xung quanh bờ đặt các ống tre hay ống nước để cho ếch trú ẩn và trồng dây leo để che mát cho ao. Ngoài ra có thể nuôi ếch giống trong khu vườn quanh nhà được rào kỹ và có những rãnh nước nhỏ . Mật độ ếch thả 500-1.000 con/m2. Trong giai đoạn này thức ăn cho ếch bao gồm các mồi di động như cá con, giáp xác nhỏ, trùng chỉ, giun đất, và có thể kết hợp với thức ăn hổn hợp (70% ngũ cốc nấu và 30% cá, ốc xay nhuyễn). Để tập cho ếch quen với mồi tĩnh có thể giảm dần tỷ lệ mồi động và tăng dần tỷ lệ mồi tĩnh (ở tuần lễ đầu 75% mồi di động và 25% thức ăn hổn hợp sau khoảng 2-3 tuần giảm dần thức ăn di động và và tăng dần thức ăn hổn hợp đến tỉ lệ 25% và 75%). Lượng thức ăn cho ếch trung bình 7-10% trọng lượng. Tuy nhiên, tùy điều kiện cụ thể mà điểu chỉnh cho thích hợp. Nên cho ếch ăn trên sàn đặt trên bờ đất. Cho ăn mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Hằng ngày phải vệ sinh sàn ăn. Sau 1-2 tuần thay nước 1 lần. Để tránh hiện tượng chúng sát hại lẫn nhau cần phân cỡ và san nuôi riêng. Với điều kiện chăm sóc tốt ếch có thể đạt trọng lượng 25-30g/con sau một tháng ương nuôi. 2. Nuôi ếch thịt. Hiện nay, có nhiều dạng nuôi ếch khác nhau như nuôi trong ao với 1/4 diện tích đất không ngập nước, phần ngập nước có bè nổi (1/5 diện tích) cho ếch lên xuống ăn mồi diện tích nuôi từ 50-100m2. Công tác chuẩn bị và tạo sinh cảnh cho ếch trú ngụ nhìn chung cũng giống như ao nuôi ếch con. Ngoài ra, có thể làm nhiều hang cho ếch trú ẩn bằng cách xếp gạch quanh bờ ao để tạo hang sâu khoảng 40cm. Trong khu vườn hoặc quanh bờ ao có thể trồng mướp vừa giúp tạo bóng mát, vừa là nơi trú ẩn vừa kích thích côn trùng đến làm mồi cho ếch khi mướp ra hoa. Ban đêm có thể treo đèn điện quanh ao vừa bảo vệ và vừa dẫn dụ côn trùng đến làm mồi cho ếch. Mật độ ếch nuôi thịt từ 40-60 con/m2. Thức ăn là các loại giun, tôm, cua, tép, côn trùng, giòi ruồi và thức ăn chế biến như trường hợp nuôi ếch giống. Khẩu phần ăn là 7-10% trọng lượng thân. Sau thời gian nuôi 6-8 tháng ếch có thể đạt kích cỡ thương phẩm và thu hoạch. 3. Thu hoạch, vận chuyển. a. Thu hoạch. Việc đánh bắt thu hoạch ếch thông thường bằng lưới với kích thước mắc lưới khác nhau tùy từng giai đoạn của ếch. Ðối với nòng nọc có thể dùng lưới cá hương, ếch con dùng lưới ni-lon mắt lưới 2a = 6-14mm và ếch thịt 2a = 16-30mm.
  30. 24 Quá trình đánh bắt cần thao tác nhẹ nhàng, dụng cụ chứa ếch cụ cần trơn nhẵn để tránh xây xát gây thương tích cho ếch. Thời điểm tốt nhất để đánh bắt là lúc sáng sớm hay chiều mát, nhiệt độ thích hợp từ 25-30oC. b.Vận chuyển. Trước khi thu hoạch và vận chuyển, cần phải ngừng cho ăn và luyện ếch bằng cách gom chúng lại với mật độ dày cho quen dần với điều kiện chật hẹp để giảm tỉ lệ tử vong trong quá trình vận chuyển. * Vận chuyển nòng nọc. Nòng nọc có thể được vận chuyển trong túi nilon có bơm Oxy với mật độ 1000 con/lít nước hay trong các thùng, chậu với mật độ 50-100 con/l. Trong điều kiện nhiệt độ 25-30oC và đã luyện kỹ, tỉ lệ sống có thể đạt 100%. * Vận chuyển ếch con và ếch thịt. Có thể vận chuyển ếch bằng nhiều dụng cụ khác nhau như thùng gỗ, thùng xốp, thùng kim loại có lổ thông hơi. Phía trong các dụng cụ này cần xếp một lớp bèo hoặc cỏ mềm để giữ ẩm và tránh xây xát ếch trong quá trình vận chuyển. Mật độ vận chuyển đối với ếch con từ 20-40 con/lít thể tích dụng cụ. Có thể dùng bao tải ướt để vận chuyển ếch ếch thịt. Trong quá trình vận chuyển, cần giữ đủ độ ẩm cho ếch. 4. Một số bệnh thường gặp ở ếch và biện pháp phòng trị. a- Bệnh trướng hơi. - Giai đoạn mắc bệnh: Nòng nọc. - Nguyên nhân: Do nước bẩn, thức ăn dư thừa, hôi thối. - Triệu chứng: Nòng nọc bị mắc bệnh này bụng trương to, ngửa lên rồi chết - Cách phòng: Thay nước thường xuyên, giữ môi trường trong sạch. Nên cho ăn nhiều lần trong ngày, không cho ăn quá dư thừa. b- Bệnh do trùng bánh xe. - Giai đoạn mắc bệnh: Nòng nọc. - Nguyên nhân: Do Trichodina gây ra. - Triệu chứng: Có nhiều điểm trắng bạc trên da và đuôi, thân có nhiều dịch nhờn. - Cách phòng: Dùng CuSO4 phun xuống ao với lượng 2-3mg/l hoặc tắm với lượng 5-7mg/l trong 10-15 phút hoặc tắm 5-10 phút trong với nước muối nồng độ 2-3% c. Bệnh đốm đỏ. - Giai đoạn mắc bệnh: Ếch giống.
  31. 25 - Nguyên nhân: Do vi khuẩn Aeromonas hydrophyla. - Triệu chứng: Xuất hiện nhiều đốm đỏ ở đùi. - Cách phòng: Thay nước thường xuyên, giữ môi trường trong sạch. Dùng CuSO4 phun xuống ao với lượng 1,5mg/l. d. Bệnh đường ruột. - Giai đoạn mắc bệnh thường gặp ở ếch giống. - Nguyên nhân: Do vi khuẩn gây ra. - Triệu chứng: phân ếch màu trắng hay phân sống, nếu bị nặng hậu môn bị đỏ, có máu chảy ra khi nhấn vào. -Cách phòng: Dùng Ganidan trộn vào thức ăn nấu chín với liều 1viên (500mg) trộn với 1kg thức ăn (dùng cho 1000-3000 con). Cho ăn liên tục 3-4 ngày.
  32. 26 bể nuôi ếch bố mẹ bể nuôi ếch giống bể nuôi ếch thương phẩm Nguồn: Nguyễn Thành Nhân, ĐH Nông Lâm TP HCM, 2003
  33. 27 Chương 4 ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC VÀ KỸ THUẬT NUÔI CÁ SẤU I. GIỚI THIỆU Cá sấu có lịch sử xuất hiện và tồn tại khoảng 150-200 triệu năm nay. Trong số 21 loài cá sấu, có ít nhất 18 loài đã được báo động đỏ. Nguyên nhân của sự giảm sút này là do khai thác quá mức và việc phá hoại nơi cư trú của chúng cùng với những tác động khác như đắp đập ngăn sông, phá rừng sát. Việc bảo vệ nguồn lợi này bằng cách cấm săn bắt, buôn bán sản phẩm cá sấu đã hình thành trên qui mô quốc tế, nhiều nước đã có chương trình khôi phục bằng cách nuôi và sinh sản nhân tạo cá sấu. Điều này cũng giúp nhiều quốc gia quản lý được cá sấu và là nơi cho nghiên cứu, giáo dục về cá sấu kể cả việc phục vụ cho du lịch. Từ 1967, ở Tân Guinea cả cá sấu nước ngọt và nước mặn đều giảm sút rõ rệt, đặc biệt cá sấu nước mặn từ năm 1969 hầu như không còn tìm thấy trong vùng nữa. Năm 1972, việc nuôi cá sấu chính thức được bắt đầu. Nhiều trại với nhiều qui mô khác nhau đã được thành lập. Năm 1981, cả nước có khoảng 30000 cá sấu nuôi. Ở Thái lan, trại cá Sấu Saumut Prakan được thành lập vào năm 1950 với khoảng 20 con cá sấu tự nhiên. Đến nay nuôi khoảng 30000 con và được xem là trại cá sấu lớn nhất thế giới. Hai loài được nuôi chủ yếu là cá sấu nước mặn (Crocodylus procosus) và cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis). Ở Ấn Ðộ, năm 1974, chính phủ đã có chương trình bảo vệ và quản lý cá sấu. Người ta đã thu trứng cá sấu ngoài tự nhiên về ấp và ương nuôi đến khi chiều dài khoảng 1,2m thì thả lại ngoài tự nhiên cho chúng tự sinh sống và tự sinh sản. Tính đến năm 1979, đã có khoảng 200 con được thả lại. Ngoài các hình thức trên, các hoạt động nghiên cứu, tập huấn về cá sấu cũng được thực hiện. Ngoài những nước trên, các nước khác như Trung Quốc, Ðài Loan, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Mỹ, Cuba, Mexico, El Sanvador, Venezuela đều có những trại nuôi cá sấu. Ngoài mục đích bảo vệ và phát triển quần thể cá sấu, việc nuôi cá sấu cũng đã góp phần tăng sản phẩm và thu nhập từ da, thịt kể cả du lịch.
  34. 28 Ở nước ta, có 2 loài cá sấu là cá sấu nước mặn (Crocodylus porosus) và cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis). Trước đây, ở nước ta cá sấu có rất nhiều ở các sông rạch, rừng sát nhất là ở miền Nam. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau 2 loài cá sấu này không còn. Cá sấu Cuba (Crocodylus rhobifer) được nhập vào năm 1985 và 1997. Trong những năm gần đây, sau những thành công trong việc sinh sản nhân tạo cá cấu, phong trào nuôi đang được gây dựng và phát triển. Ðến năm 1988, ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có tổng cộng hơn 150 con. Ngoài các công viên, lâm viên, sở thú của nhà nước, cũng có rất nhiều tư nhân nuôi với số lượng 2-10 con mỗi trại. Hiện nay, cá cấu con rất có giá trị trên thị trường. Cá sấu trong 1 tháng tuổi giá 1-1,5 triệu đồng, 1 tuổi khoảng 2,5 triệu, 2 tuổi 3,5-4 triệu, 3 tuổi khoảng 6 triệu và 4 tuổi khoảng 8-10 triệu đồng mỗi con. Tuy nhiên, việc buôn bán cá sấu thịt vẫn còn bị hạn chế để bảo vệ nguồn lợi. II. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CÁ SẤU 1. Phân lọai cá sấu và tình trạng của chúng Cá sấu thuộc lớp bò sát (Reptilia), bộ cá sấu (Crocodylia). Các loài cá sấu còn tồn tại đến nay là nhóm cuối cùng cùng của những cá sấu cổ đại xuất hiện cách đây khoảng 150 triệu năm. Lúc đó chúng có tới 15 họ, hơn 100 giống và nhiều loài nhưng đến đầu kỷ Đại Tân Sinh hầu hết chúng bị tuyệt chủng. Việc phân loại cá sấu còn nhiều điều chưa thống nhất về mặt khoa học nhưng hiện tại có khoảng 21 loài trong 3 họ là: * Họ cá sấu mõm dài (Galvialidae): Họ này chỉ còn một loài đó là cá sấu Ấn Độ-cá sấu sông Hằng -Galvialis gangenticus * Họ cá sấu thực sự (Crocodylidae): có 14 loài và chi phổ biến nhất là Crocodylus. Trung và Nam Mỹ có các loài C. acutus, C. rhombifer, C. intermedius và C. moreltiis * Họ cá sấu mõm ngắn (Alligatoridae) có 7 loài thuộc 4 chi là Cainan, Melanosuschus, Paleosuschus và Alligato. Đa số phân bố ở Nam Mỹ, ở Bắc Mỹ và Trung Quốc mỗi nơi có 1 loài. Tây và Trung Phi có 2 loài: C. cataphractus và loài cá sấu mõm tù Osteolaemus tetraspis dài tới 2m. Ở cận Sahara có loài C. niloticus có thể dài tới 7m. Ở nước ta hiện đang nuôi 3 loài cá sấu:
  35. 29 * Cá sấu hoa cà (cá sấu nước lợ, cá sấu đa sừng, cá sấu lửa, cá sấu Đồng Nai- Crocodylus porosus). Loài này thích sống ở nước lợ, vùng cửa sông Mekong, sông Đồng Nai. Trước đây ở nước ta, chúng phân bố nhiều từ Vũng Tàu, Cần Giờ,Vịnh Kiên Giang, Phú Quốc, Côn Đảo. Là loài có kích thước lớn, hung dữ, khó thuần hoá. * Cá sấu nước ngọt (cá xấu Xiêm, sấu Xiêm-Việt Nam-Crocodylus siamensis). Thân có màu vàng, trưởng thành dài 3-4m. Đầu to và ngắn. Phân bố ở Cà Mau, U Minh, các sông vùng Nam Trung Bộ như sông Ba, sông Thày, sông Easup, sông Đồng Nai là loài dễ thuần hoá, thích hợp với việc nuôi ở nước ngọt. Cả hai loài cá sấu trên hiện nay không còn bắt gặp ở ngoài tự nhiên nữa * Cá sấu nhập từ Cuba (Crocodylus rhombifer). Thân có màu vàng sẫm pha nâu và xen các chấm đen, đầu dài hơi thon. Trưởng thành dài 2,5-3m, thích hợp với việc nuôi nước ngọt. Năm 1975, Việt Nam nhập vào 100 con, 1997 nhập tiếp 150 con. Hiện nay ở nước ta đã cho cá sấu Cuba đẻ và lai tạo được với cá xấu Xiêm. Cá sấu lai dễ nuôi, thích hợp với nhiều vùng nước. 2. Một số đặc điểm sinh học đáng chú ý ở cá sấu Cấu tạo ngoài Cơ thể cá sấu có dạng thằn lằn, dài từ 1,5-6m. Cá sấu có mõm dài, đầu dẹp, đuôi cao, dẹp bên và khỏe. Chân sau có màng bơi nối liền giữa các ngón. Khi bơi chỉ để lộ chót mõm với hai lổ mũi và hai mắt. Da cá sấu bao gồm hai lớp: là ngoại bì và nội bì. Lớp nội bì dày và rất dai gồm nhiều sợi đan với nhau. Lớp này cũng có thần kinh, túi máu và điã xương. Lớp ngoại bì có phần gốc mỏng, và phần ngoài hóa sừng thành tấm vảy. Ở lưng, các tấm sừng nổi lên thành những gờ. Sọ cá sấu có xương khẩu cái thứ sinh phát triển phía trước họng. Nếp này giúp cá sấu mở rộng miệng. Nhiệt độ cơ thể Cá sấu thuộc động vật biến nhiệt. Chúng thường sưởi ấm cơ thể bằng cách phơi nắng. Cá sấu thường tự chọn chỗ nằm cho thích hợp. Khi nhiệt độ cơ thể giảm cá sấu bỏ ăn, ít hoạt động. Khi nhiệt độ thấp hơn 15oC cá sấu ngừng ăn và dưới 7oC cá sấu mất thăng bằng. Đây cũng là nguyên nhân chính cá sấu không phân bố ở vùng và hàn đới. Ở những nơi có nhiệt độ thấp khi nuôi cần chú ý chống rét cho cá sấu. Khi bị buộc phơi dưới ánh nắng mặt trời với thời gian dài cá sấu có thể bị chết vì chúng không tự làm giảm thân nhiệt.
  36. 30 Hô hấp Cá sấu hô hấp bằng phổi và phổi có cấu tạo khá hoàn chỉnh, có nhiều túi phổi làm tăng việc trao đổi khí. Do lỗ mũi của sấu thông với đỉnh hàm trên của mõm nên khi hô hấp, cá sấu chỉ cần để lộ lỗ mũi lên khỏi mặt nước trong khi miệng bị ngập nước. Cử động hô hấp của cá sấu nhờ cơ hoành co giãn và đẩy nội quan xuống bụng. Trong quá trình nuôi cá sấu có hiện tượng cá bị chết ngạt nếu ngập trong quá lâu dưới nước. Cơ quan cảm giác Não cá sấu tuy nhỏ nhưng phát triển hoàn thiện hơn những loài bò sát khác. Cá sấu nhận biết mùi khá tốt. Ở đáy họng có hai tuyến xạ và hai tuyến khác nằm trong lỗ huyệt. Nhờ các tuyến này mà cá sấu nhận biết nhau qua mùi và chúng có thể phát hiện được mùi trong không khí bằng cử động ngửi đặc biệt. Tai cá sấu cũng phát triển tốt và có thể cử động được. Âm thanh đóng vai trò rất quan trọng đối với cá sấu để giữ mối liên lạc trong đàn. Vào mùa sinh sản (hoặc gặp nguy hiểm) cá trưởng thành cũng có thể cất tiếng kêu. Tần số âm thanh phát ra là tín hiệu gọi đàn hoặc báo hiệu nguy hiểm . Mắt cá sấu có khả năng thấy được vào cả ban ngày và ban đêm. Mắt có thể nhìn thấy cả phía trước và hai bên. Ngoài ra ở cá sấu còn có những cơ quan cảm giác khác như những nút vị giác trong miệng, cảm giác qua va chạm ở hàm, và đặc biệt trong lớp bò sát, chỉ có cá sấu là có cơ quan cảm giác áp suất nằm dưới răng. 2. Tính ăn và sinh trưởng Cá sấu là loài ăn động vật. Răng của chúng cắm sâu vào xương hàm và có hình nón, hơi cong. Trong suốt đời sống, cá sấu thay răng liên tục vì thế không thể đánh giá tuổi cá sấu qua răng. Hàm cá sấu rất cứng dùng để giử và xé mồi, tuy nhiên, chúng không thể xé mồi thành những miếng nhỏ để nuốt. Nhưng chúng cũng không thể nuốt được những miếng mồi to. Vì thế, chúng phải lắc, xé, vặn mồi một mình hoặc cùng với những con khác. Hệ tiêu hóa của cá sấu cũng khá phát triển và tiêu hóa nhanh (thời gian tiêu hóa khoảng sau 72 giờ). Ở cá sấu hoang dã, trong dạ dày còn có nhiều hòn đá giúp tiêu hóa. Chúng cũng có thể sống nhiều tháng mà không cần ăn nhưng sẽ gầy yếu đi, nếu thiếu thức ăn kéo dài chúng trở nên chán ăn. Vì thế khi nuôi cần phải cho ăn thường xuyên và nếu được cho ăn tốt, chúng sẽ lớn nhanh hơn cả cá sấu ngoài tự nhiên. Điều kiện nhiệt độ thích hợp cho sấu sinh trưởng là 30-32oC, khi nhiệt độ không thích hợp sấu có thể ngừng ăn, sinh trưởng giảm.
  37. 31 3. Ðặc điểm sinh sản Thông thường rất khó phân biệt giới tính cá sấu qua dấu hiệu bên ngoài. Tuy nhiên, khi sấu lớn, cũng có thể phân biệt dựa vào kích cỡ của chúng. Sấu cái thường có thân hình nhỏ, đầu nhỏ và thường có hai u nhỏ trên đầu. Sấu đực có thân hình to, đầu to, cổ bạnh ra, đầu có hai u nhô cao. Ngoài ra cũng có thể dựa vào bộ phận sinh dục của chúng. Ở sấu cái, bộ phận sinh dục như cá, con đực có ngọc hành. Tuổi thành thục sinh dục của cá sấu khác nhau tùy từng loài và tình trạng nuôi dưỡng. Cá sấu sông Nile trong điều kiện tự nhiên sẽ làm tổ đẻ lần đầu tiên ở khoảng 10-15 năm tuổi, trong khi cá sấu Mỹ sẽ đẻ ở độ 9-10 tuổi. Cá sấu có thể đẻ liên tục đến khi già (có thể hơn 40 năm). Mỗi năm cá sấu đẻ một lần và đẻ theo mùa. Thường mùa mưa là mùa sinh sản của chúng nhưng đôi khi cũng có trường hợp đặc biệt. Mỗi con đực thường giao phối với nhiều con cái. Trong thời gian động dục giao phối, cá sấu thường cất tiếng kêu thể hiện mức độ hưng phấn khi sinh sản. Cá sấu thường giao phối vào ban đêm và hiện tượng giao phối có thể lập lại nhiều lần trong thời gian dài (có thể đến vài tuần). Do đó, khó xác định được chính xác thời gian thụ tinh của chúng Trước khi đẻ khoảng 1 tuần, cá sấu cái bắt đầu lên bờ tìm nơi làm tổ đẻ. Trứng có vỏ cứng và số lượng trứng thay đổi từ 15-70 trứng tùy từng loài và độ tuổi. Trong suốt đời sống, mỗi con có thể đẻ khoảng 1500-1700 trứng, khối lượng trứng tùy từng loài. Cách làm tổ của chúng cũng khác nhau, một số làm tổ bằng cây cỏ, lá mục; một số bằng đất, bùn đắp thành những ụ; có loài đào cát thành những hố để đẻ rồi lấp lại như rùa. Cá sấu cái thường kiểm tra tổ một cách cẩn thận, khi trứng sắp nở hoặc nghe tiếng kêu của cá sấu con, cá sấu mẹ sẽ bới đất trên nắp tổ để cá sấu con chui ra . Tùy từng loài và điều kiện nhiệt độ, thời gian ấp trứng có thể kéo dài 9-13 tuần. Nhiệt 31-32oC được cho là an toàn cho quá trình phát triển phôi. Trung bình tỷ lệ nở tự nhiên khoảng 70-80%. Sau khi nở, cá sấu con theo mẹ ra mép nước và đã biết săn mồi nhưng chúng sống cùng cá sấu mẹ vài tuần rồi tách đàn. II. SẢN XUẤT GIỐNG CÁ SẤU 1. Chuồng trại, nuôi và cho cá sấu đẻ Tùy từng nơi, việc cho cá sấu sinh sản có thể được áp dụng với những mô hình khác nhau. Chuồng nuôi bao gồm một bể nuôi cá sấu bố mẹ và một bể cho ăn bằng xi măng. Ngoài ra chuồng nuôi cũng cần có khu đất rộng dùng làm nơi cho cá sấu nằm
  38. 32 phơi nắng hoặc làm tổ đẻ khi cá sấu thành thục. Xung quanh chuồng nuôi phải rào bằng lưới thép hoặc tường xây gạch. Bể nuôi cá sấu bố mẹ phải cấp thoát nước thuận tiện, có độ sâu 1,5 m để chúng bắt cặp Bể cho ăn sâu trung bình 0,5 m nước và được vệ sinh hàng ngày sau khi cho ăn. Mật độ nuôi tối đa 1 con/8-10m2. Tỷ lệ đực cái 1:3. Khu đẻ gần với bể nuôi bố mẹ, cần có cây cỏ mục, đất tơi, hay cát để chúng làm tổ đẻ. Nếu thiếu, sẽ gây trở ngại trong việc đẻ trứng và trứng có thể sót trong bụng mà gây chết sấu mẹ. Có thể chia khu cho cá sấu đẻ thành nhiều ô mỗi ô có diện tích 4x4 m (có rào bằng chắn) và có cửa 0,6x0,6m hướng về bể nuôi bố mẹ. Khi vào mùa sinh sản, và trước khi đẻ một tuần, cá sấu cái thường tìm và chọn khu đẻ trứng để làm tổ. Thời điểm cá sấu đẻ thường 5-9 giờ sáng và chỉ mất vài phút. Sau khi đẻ, đuổi cá ra và đóng cửa khu đẻ để ấp trứng. Tỷ lệ nở có thể đạt 70-86%. Nếu chuồng nuôi sấu bố mẹ có nhiều con đực, chuồng nên có hình dạng sao cho tạo được nhiều bể riêng biệt để đạt hiệu quả cao trong việc bắt cặp giao phối và.tránh hiện tượng sát hại lẩn nhau khi tranh giành con cái. Chuồng có một bể chính ở giữa và nhiều bể nhỏ xung quanh. Các bể nhỏ nối với bể chính nhờ các kênh nhỏ và có cửa đóng mở được khi cần thiết. 2. Thu trứng và ấp trứng a. Thời điểm thu trứng Trứng cá sấu có một đĩa nhỏ trên mặt túi noãn hoàng. Ðĩa này sau đó phát triển thành phôi. 24 giờ sau khi đẻ, khối noãn hoàng có thể chuyển động bên trong trứng mà không ảnh hưởng đến đĩa này. Tuy nhiên, sau ngày đầu tiên này, đĩa phôi sẽ dính vào màng vỏ và vì thế, nếu trứng chuyển động sẽ làm hư hỏng phôi. Sau 3-4 tuần ấp, phôi và màng phôi phát triển mạnh hơn và có thể chịu được những chuyển động nhẹ. Chính vì thế nếu như không thể thu trứng ngay sau khi đẻ ra thì phải để yên trong tổ đến 3-4 tuần mới được thu đem ấp. Dụng cụ thu trứng có thể khác nhau tùy từng trường hợp. Khi vận chuyển, nên chuyển trứng cùng với cả cát, đất hay lá, cỏ mục của tổ cũ về ấp. Thao tác cần phải nhẹ nhàng. Các lứa trứng khác nhau nên được xếp trong những thùng riêng để trứng nở đồng loạt. b.Ấp trứng Điều kiện để trứng phát triển tốt là nhiệt độ. Khi nhiệt độ thích hợp và ổn định (28- 32oC). Ẩm độ cao (75-85%). Trứng đặt đúng hướng sẽ có tỷ lệ nở cao ( 60-70%). c.Ấp trứng bằng tổ nhân tạo:
  39. 33 Tổ ấp trứng nhân tạo nên được phỏng theo tổ tự nhiên của chúng. Trong tổ nhân tạo có đủ đất cát thích hợp để ấp trứng. Lớp đất phủ mặt tổ trứng phải bảo đảm ổn định được nhiệt độ trong phạm vi thích hợp từ đó lớp đất này có thể dầy hay mỏng khác nhau . Đối với đất mịn hay sét, có thể phủ 15-20cm; đối với đất cát phủ 30-45cm là thích hợp nhất. Ở Ấn độ dùng bể bằng gạch 1x1x1m và có chứa đầy cát và mỗi lứa trứng được ấp trong một bể . Ðể đảm bảo nhiệt độ ổn định, nên dùng nhiệt kế đặt vào tổ đẻ theo dõi thường xuyên và đất, cát, rơm, được đắp thêm vào hay lấy bớt ra khi cần thiết để giữ nhiệt độ ổn định trong khoảng 31-32oC. Cần giữ tổ đủ độ ẩm, không bị địch hại, ngập nước Ngoài ra, để đảm bảo ổn định về điều kiện môi trường và an toàn có thể ấp trứng trong phòng. Phòng ấp trứng có thể xây bằng gỗ hay gạch có cửa ra vào và có mái che để tránh mưa nắng trực tiếp. Kích cỡ thùng ấp khoảng 54x34x34cm được xem là thuận tiện (có thể ấp 40 trứng gồm 2 lớp trứng). Lớp cát lót giữa hai lớp trứng và phủ mặt trứng dày khoảng 6-8cm. d. Ấp bằng máy ấp Ấp trứng bằng máy sẽ có thuận lợi là có thể quan sát được trứng trong suốt quá trình ấp và kiểm soát được kỹ điều kiện môi trường. Máy ấp trứng ở đây dưới dạng thiết bị nuôi cấy mô ở phòng thí nghiệm. Ðiều kiện cần phải đảm bảo là ẩm độ từ 90- 100% để trứng không mất nước và cá sấu con chui ra khỏi vỏ dễ dàng, lưu thông khí đầy đủ và nhiệt độ ở mức tối ưu (31-32oC). Mật độ ấp 250 trứng/m2, cũng có thể đặt vật đệm bằng cây cỏ mục sẽ có tác dụng tốt cho quá trình nở của trứng. e. Xác định các giai đoạn phát triển của trứng và phôi Trứng mới đẻ có màu trắng trong suốt. Sau khi đĩa phôi bám vào trong màng vỏ, ở đó sẽ xuất hiện một đốm trắng đục. Khi trứng nằm yên, đốm này luôn nằm ở đỉnh trứng. Nếu trứng phát triển mạnh, đốm trắng này sẽ lan rộng thành vòng xung quanh giữa trứng. Sau khoãng 45 ngày, toàn bộ trứng sẽ có màu trắng đục.Vòng trắng quanh trứng có thể quan sát dễ dàng bằng cách xem dưới ánh đèn dầu. Nếu trứng không thụ tinh thì không xuất hiện vòng trắng mà sẽ trong suốt. Khi nghiên cứu các giai đoạn phát triển phôi cá sấu, Ferguson (1985) đã phân biệt được 28 giai đoạn: * Dưới một tuần: Khi đập đỉnh vỏ (không làm rách màng vỏ) sẽ thấy đốm máu dưới màng vỏ là vị trí của phôi. Phôi lúc này có độ dài khoảng 1mm * 7 ngày: Phôi vẩn còn trong suốt và khó thấy, tuy nhiên, vùng máu có thể thấy rõ. Phôi lúc này dài 8mm, hơi cong, xuất hiện khối lồi của tim và mầm chân.
  40. 34 *14 ngày: Vệt máu dài khoảng 20mm, mắt phôi có sắc tố và là một đốm hơi đen, đường kính khoảng 1,5mm, phôi vẩn trong suốt. Mầm chân có thể thấy dễ dàng. * 24 ngày: Vùng máu kéo dài với mạng lưới mạch máu nối hai đầu trứng. Phôi dài 22mm và cuối đuôi uốn cong. Đã có khủyu chân và đầu gối. Phôi có màu hơi trắng nhưng không còn trong nữa. * 38 ngày: Phôi dài khoảng 30mm. Bàn chân đã có ngón chân và có thể thấy được móng chân dưới kính lúp. . Cơ thể có màu hồng và có các tấm sừng trên lưng và đuôi. Não có thể phân biệt được và có màu trắng. Ðầu dẹp, hàm trên dài và sắc ở đỉnh, mắt lớn. * 49 ngày: Có nhiều vạch sắc tố màu hồng trên cơ thể. Tim chiếm một phần hay gần hết xoang cơ thể. Vảy xuất hiện trên chân. Móng còn mềm. * 61 ngày: Các tấm lưng màu hơi trắng và mềm. Mắt đầy đủ. Não vẫn còn nhìn thấy qua nắp xương sọ. Một số răng xuất hiện. Noãn hoàng đặc lại. * 77 ngày: Màu sắc giống như lúc được nở ra. Có nhiều tấm sừng. Nắp sọ chắc hơn nhưng chưa cứng. * 84 ngày: Khối noãn hoàng được di chuyển vào trong bụng và được da bụng bao lại. Răng cứng và nhọn. Nắp xương sọ cứng chắc. * 92 ngày: Ðầy đủ các bộ phận. Khối noãn hoàng đã nằm trong bụng. f. Thời gian phát triển phôi Tùy điều kiện nhiệt độ và loài khác nhau, thời gian nở của trứng thường chênh lệch nhau trong vòng khoảng 3 tuần và thời gian nở cho các loài không dưới 8 tuần. Khi trứng sắp nở, cá sấu con trong trứng sẽ phát ra tiếng kêu. Sau khi nở, cần để cá sấu con trong thùng ấp trong vòng 24-48 giờ cho chúng khô màng nở. Tránh kiến hay côn trùng khác làm hại cá sấu con. Cá sấu con mới nở có chiều dài 28-30 cm. 3. Chăm sóc nuôi sấu con Chuồng nuôi cá sấu con có thể được thiết kế theo hình chữ nhật bằng xi măng, hoặc bể đất lót cao su. Trong mỗi ô chuồng có hai rãnh nước rộng 60cm, sâu 15cm chạy dọc theo hai bên. Khoảng giữa chuồng còn lại là dải đất cao hơn mặt nước. Thành trong của chuồng và sàn nên làm trơn nhẵn để tránh làm xây sát cá sấu. Hai rãnh nước này có tác dụng làm giảm mức độ sát hại lẩn nhau do cá sấu tập trung quá đông ở một nơi. Hệ thống chuồng nên được che mát và có hệ thống sưởi ấm sấu con vào ban đêm. Giữ ấm trong quá trình ương nuôi sấu con là rất quan trọng vì nhiệt độ thấp sẽ ảnh
  41. 35 hưởng đến tỉ lệ sống. Có thể dùng dụng cụ điều hòa nhiệt độ, hệ thống nước chảy hay hệ thống đèn để giữ nhiệt độ không dưới 30oC. Mật độ ương thích hợp nhất 10-12 con/m2 và không nên thả trên 60 con/m2 . Thức ăn cho cá sấu con bao gồm tôm, tép, cá tạp, thịt, gà, vịt, gan động vật băm nhỏ. Không nên cho ăn thức ăn nhiều mỡ. Thức ăn cần phải tươi, không ươn thối. Có thể giữ lạnh thức ăn dành cho cá sấu. Ðôi khi, cũng có thể dùng đèn để hấp dẩn côn trùng tập trung lại làm mồi cho cá sấu con. cá sấu con có khối lượng 40-70g có thể ăn mồi với tỉ lệ 5-10% trọng lượng của chúng. Sau vài tháng, lượng thức ăn có thể 25-30% khối lượng thân. Nên cho ăn đều hàng ngày, đôi khi cá sấu chỉ ăn vào ban đêm, vì thế cần cho sấu ăn thêm vào ban đêm. Thay nước và vệ sinh chuồng vào buổi sáng hàng ngày. Trong quá trình ương nuôi, cần hạn chế quấy phá sấu, trừ những lúc cần thiết như cho ăn, vệ sinh. III NUÔI CÁ SẤU THƯƠNG PHẨM 1. Vị trí nuôi Vị trí làm chuồng nuôi cá sấu phải có nguồn nước đầy đủ và chất lượng nước (độ mặn, pH, ) trong phạm vi thích hợp. Khi dùng nước máy, cần kiểm tra nồng độ Chlorine trong nước trước khi dùng. Nước cũng không được nhiễm các sinh vật gây bệnh hay gây hại. Nơi nuôi cần thoáng mát để nhận được ánh nắng mặt trời. Ðể thuận lợi cho việc thay nước, cần chọn nơi có nền đất dốc thoai thoải. Chuồng nuôi cũng cần có nhiều cây hoặc vật cản gió, nhất là gió Đông Bắc. Tuy nhiên, vật cản gió này cũng không nên gần chuồng quá vì sẽ che mất nắng. 2. Xây dựng chuồng nuôi Chuồng nuôi cá sấu có diện tích rất biến động tùy theo qui mô nuôi nhiều hay ít, nền chuồng có thể là đất hoặc láng xi măng (có thể láng xi măng toàn bộ chuồng hoặc chỉ láng những nơi là bể chứa nước, bể cho cá ăn). Quanh chuồng rào bằng rào gỗ, lưới thép hay bằng xi măng. Thông thường nên làm phần dưới của rào bằng tường xây và phần trên bằng gỗ hay lưới. Rào có độ cao khoảng 1,3 m và âm xuống đất 0,5 m để tránh cá sấu đào hang ra ngoài. Các góc rào nên bo tròn để tránh sấu nằm chồng chất thành đống nơi góc rào. Dạng bể đất có chứa nước có thuận lợi là giá thi công thấp, giống với điều kiện tự nhiên cuả cá sấu. Khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, cá cá sấu có thể vùi mình
  42. 36 trong bùn. Tuy nhiên, dạng này bất lợi là khó giữ nước, làm vệ sinh khó khăn. Muốn khắc phục nhược điểm trên thì bể chứa nước phải đào sâu, diện tích lớn. Nhưng nếu đào sâu, cá sấu sẽ khó lên bờ khi cần thiết. Tốt nhất nên có hai chuồng để có thể thay phiên và dọn tẩy, phơi khô chuồng. Ðối với chuồng bằng xi măng có thuận lợi là dễ dàng quản lí như dọn tẩy, thay nước, nước không bị rò rỉ nhưng đòi hỏi đầu tư cao. Trong chuồng, các bể chứa nước nên có nhiều hình dạng khác nhau và tránh tạo thành góc nhọn hoặc vuông tránh sấu nằm chồng chất lên nhau. Độ sâu của bể chứa ít nhất là 0,6m. Tỷ lệ diện tích mặt nước trong chuồng khoảng 30-60% diện tích chuồng. Bờ của bể chứa nước nên có độ độ dốc thấp để cá sấu có thể lên xuống thuận tiện. Ðối với các chuồng nhỏ, có thể cho ăn bằng các khay, nhưng đối với chuồng lớn cần phải xây các máng ăn bằng xi măng cố định, máng xây gần bể chứa nước và có ống dẫn đến rãnh thoát nước. 3. Chăm sóc, quản lý Mật độ sấu nuôi có thể dao động tùy theo kích cỡ của chúng. Trong điều kiện thực tế ở nước ta, cá sấu dưới 2kg/con thường thả với mật độ 0,5m2/con; 4 m2/con đối với cá sấu lớn (10kg/con). Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không nên thả nuôi với mật độ quá cao vì chúng sẽ cạnh tranh thức ăn nhau, sát hại lẫn nhau. Ngoài ra giống thả nuôi phải đồng kích thước và trong quá trình nuôi phải định kỳ phân loại kích thước để nuôi trong những chuồng riêng biệt. Bảng 4: Lượng thức ăn tính theo tuần khi nuôi cá sấu Cỡ cá sấu Lượng thức ăn tươi Tỷ lệ % so với (cm chiều dài) trong tuần (g)/ con thể trọng trong tuần 45-60 80-210 26 61-90 210-415 20 91-120 415-940 15 121-140 940-1310 13 141-160 1310-1910 12 161-180 1910-2430 11 Các loại thức ăn và cách cho ăn có thể thay đổi tùy theo kích cỡ của chúng. Thức ăn bao gồm các loại động vật như côn trùng, cá nhỏ, tép nhỏ, thịt thái nhỏ cho sấu con.
  43. 37 Thức ăn có kích cỡ lớn, để nuôi cá sấu lớn. Các loại này cần phải tươi và cho ăn cả xương. Cá sấu rất cần chất can-xi trong khẩu phần của chúng. Sấu có thể nhịn đói nhiều ngày, nhưng nên cho ăn đều khoảng 5 ngày mỗi tuần ở năm đầu tiên, sau đó có thể cho ăn 3 ngày mỗi tuần. Tỷ lệ thức ăn được tính theo thể trọng của chúng được trình bày ở bảng 4. Thông thường cho sấu ăn vào lúc chiều mát, sáng hôm sau dọn thức ăn dư thừa cùng với vệ sinh chuồng trại. Đây là công việc rất quan trọng và phải tiến hành hàng ngày nhằm giữ môi trường nuôi sạch sẽ hạn chế được tác nhân gây bệnh cho sấu. 4. Quản lý sức khỏe và bệnh tật của cá sấu Trong điều kiện nuôi nhốt cá sấu có thể gặp nhiều trở ngại về sức khỏe do thời tiết khí hậu, chế độ chăm sóc quản lý vệ sinh không thoả đáng hay do các loại bệnh tật khác. a. Nhiệt độ Nhiệt độ có tác động rất lớn đến hoạt động sống của cá sấu và được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng khoảng 32oC. Khi nhiệt độ thấp hơn 25oC, chúng bắt đầu giảm ăn. Khi bị phơi nắng quá lâu chúng cũng có thể bị chết. Vì thế việc che mát chuồng nuôi với tỷ lệ hợp lý là vấn đề rất cần thiết. b. Vệ sinh chuồng nuôi Khi chuồng, bể nuôi vệ sinh kém, mầm bệnh sẽ có điều kiện tích tụ và có thể gây bệnh cho cá sấu, nhất là đối với sấu nhỏ. Ngoài ra, nước ô nhiễm cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đối với cá sấu nuôi. c. Vấn đề dinh dưỡng Trong thực tế, sấu có thể nhịn đói được nhiều ngày, song, nếu kéo dài hay cho ăn thiếu thành phần các chất dinh dưỡng, cá sấu sẽ bị gầy ốm, chậm lớn, sinh bệnh và chết. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, khi cá sấu bị thiếu lượng đường trong máu trầm trọng chúng sẽ bị sốc. Triệu chứng có thể thấy là chúng hướng mũi lên cao, con ngươi mắt nở rộng, mất thăng bằng. Để xử lý trường hợp này, cần cung cấp đường Glucose với lượng 3g/kg thể trọng hoặc hoà tan 2g đường và 12ml nước/1 kg thể trọng bơm trực tiếp vào miệng cá sấu. Trường hợp khác đã được báo cáo là bệnh đau nhức mà nguyên nhân là do thức ăn có hàm lượng protein quá cao (P>50%) làm các amino acid dư thừa trong máu chuyển thành sản phẩm thải tích tụ trong ống thận, hoặc bề mặt các cơ quan nội
  44. 38 tạng. Khi bị bệnh, trước tiên sấu sẽ bị liệt các chân sau rồi dần dần liệt các phần khác và chết. Khi khẩu phần ăn của sấu thiếu canxi và trong trường hợp ít được phơi nắng, quá trình trao đổi canxi sẽ bị ảnh hưởng. Triệu chứng có thể thấy mõm cứng như cao su, răng rụng hay mọc không bình thường. Cung cấp thức ăn với thành phần Canxi, Phostpho thích hợp có thể là một biện pháp xử lý. Ngoài ra, khi cá sấu bị thiếu các loại Vitamin cũng bị bệnh. Khi thức ăn có quá nhiều các acid béo không no, chúng sẽ làm cạn kiệt các Vitamine E dự trữ và vì thế có thể gây bệnh mỡ vàng. Xử lý trường hợp này có thể bổ sung Vitamine E với lượng 100 UI/kg thể trọng mỗi ngày. Khi sấu thiếu Vitamine B1, chúng thường bỏ ăn, gầy ốm, và dễ nhiễm bệnh. Có thể tiêm Vitamine B1với liều 44mg/kg thể trọng hay bổ sung vào thức ăn với lượng 1000 mg/100 kg thức ăn. d. Bệnh do vi khuẩn Cũng như ở nhiều đối tượng nuôi khác, ở cá sấu, bệnh do vi khuẩn cũng được xem là bệnh thứ cấp. Có rất nhiều chủng vi khuẩn đã được phân lập từ những cá sấu bị bệnh và ngay cả cá sấu khỏe hay trong môi trường nuôi đều tồn tại nhiều chủng vi khuẩn gây bệnh cho cá sấu Tùy từng loài sấu khác nhau, thành phần vi khuẩn cũng khác nhau, nhưng nhìn chung, vi khuẩn Aeromonas, Pseudomonas và Salmonella vẫn phổ biến nhất. Cá sấu bị bệnh do vi khuẩn gây ra thường bị xuất huyết ruột, bệnh đường hô hấp, bệnh thối mõm. Có thể trị bằng cách dùng Oxytetracyline hydrochloride trộn vào thức ăn với lượng 500 mg/kg thức ăn và cho ăn liên tục trong 3 ngày. Bệnh đường hô hấp với các triệu chứng như ho, chảy nước mũi và có thể xử lý bằng Chloramphenicol (16 mg/kg thể trọng), bệnh thối mõm thường gây ra do sấu bị thương làm cơ hội cho các vi khuẩn tấn công. Xử lý bằng cách rửa nước muối và bôi streptomycin. Trường hợp bệnh sưng mắt, dùng chloramphenicol phun vào mắt. e. Bệnh do nấm Nấm thường là sinh vật gây bệnh thứ cấp sau khi có những vết thương. Bệnh do nấm gây ra thường kết hợp với bệnh vi khuẩn. Các dấu hiệu của bệnh thường tương tự nhau, vì thế khó chẩn đoán được nguyên nhân. Dấu hiệu thông thường nhất là viêm da. Da lưng thường có những đốm trắng. Ðể xử lý bệnh này có thể dùng KMnO4 hay CuSO4 tẩy uế chuồng sạch sẽ. f. Bệnh do ký sinh trùng
  45. 39 Các loại ký sinh trùng gây bệnh cho cá sấu bao gồm động vật nguyên sinh, giun. Động vật nguyên sinh trong đường ruột, mật, ống mật mà phổ biến là nhóm Coccidia có thể gây ra triệu chứng tiêu chảy có xuất huyết. Bệnh này có thể xử lý bằng Sulphachloropyrazine trộn vào thức ăn với lượng1,5g/kg thức ăn. Ðối với bệnh giun gồm có giun tròn ở đường ruột, ở phổi hay ở da bụng, xuất hiện phổ biến ở cá sấu nuôi hay bắt tự nhiên. Có thể dùng thuốc trị giun sán trộn với thức ăn với liều lượng 1g/10kg thức ăn và cho ăn liên tục 3-5 ngày.
  46. 40 Chương 5 ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC VÀ KỸ THUẬT NUÔI VÍCH, ÐỒI MỒI I. GIỚI THIỆU Rùa biển (Sea Turtle) nói chung và vích, đồi mồi nói riêng là nhóm động vật bò sát phổ biến vào kỷ phấn trắng cách đây khoảng 130 triệu năm (cùng thời với khủng long). Hiện nay, tất cả những giống loài còn tồn tại đã được xuất hiện vào giai đoạn đầu kỷ Eocene đến kỷ Pleitocene, cách đây 60-10 triệu năm. Chúng là loài bò sát sống trong môi trường biển và phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới và chỉ vào đất liền khi đến mùa sinh sản. Tất cả những loài rùa biển đều có giá trị cao. Sản phẩm của chúng có thể là thịt, trứng, da, vây phục vụ cho tiêu dùng của con người hoặc phục vụ cho việc chế biến các mặt hàng mỹ nghệ. Ngày nay, với sự khai thác ngày càng gia tăng, sự ô nhiểm môi trường, quần thể rùa biển đang trên đà nguy hiểm nếu như không có biện pháp thỏa đáng trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng chúng. Theo thống kê của FAO, tổng sản lượng đồi mồi đánh bắt ở Trung Tây Ðại Tây Dương là 318 tấn vào năm 1987 mà hầu hết là từ Cuba (277tấn) và Cộng hòa Dominican (41 tấn). Ở Nhật Bản, vào cuối thế kỹ XIX, sản lượng vích đánh bắt hàng năm khoảng trên 1500 con. Tuy nhiên, sản lượng sau đó giảm dần và đặc biệt giảm nhanh chóng vào đầu thế kỷ XX. Năm 1911, một trại nuôi vích đã được thành lập ở đảo Ogasawara để cho sinh sản nhân tạo và thả lại biển để duy trì quần thể tự nhiên. Tuy nhiên, trong chiến tranh thế giới lần II, trại này đã ngưng hoạt động. Ðến năm 1973, trại này hoạt động trở lại và nâng cấp thành trung tâm Ogasawara. Chỉ sau 5 năm hoạt động trở lại đã có khoảng 25 ngàn con vích được thả xuống biển. Hiện nay, nghề sản xuất giống nhân tạo và nuôi thâm canh vích đang mở ra nhiều triển vọng ở vùng này. Ở nước ta, trước đây vích, đồi mồi có nhiều ở Nha Trang và Phú Quốc, Cát Bà, Côn Đảo, song do khai thác quá mức nên sản lượng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì thế cần có biện pháp khắc phục kịp thời bằng cách cấm khai thác đồng thời phải tổ chức nuôi và sản xuất giống để phục hồi lại quần đàn vích và đồi mồi ở nước ta.
  47. 41 II. ÐẶC ÐIỂM SINH HỌC CỦA VÍCH, ÐỒI MỒI 1. Đặc điểm phân loại Vích và đồi mồi là 2 trong số 4 loài rùa biển đã được phát hiện ở Việt Nam. Hệ thống phân loại của các loài này như sau: Lớp bò sát (Reptile), bộ rùa (Testudinata) và có hai họ được biết đến nhiều nhất: (i) Họ vích (Cheloniidae) với 3 loài: đồi mồi (Ertmochelys imbricata), vích (Chelonia mydas) và quản đồng (Careltta olivacea). (ii) Họ rùa da (Dermochelyidae) có một loài rùa da (Dermochelys coriacea) Ðối với vích, ngoài tên khoa học trên, có rất nhiều đồng tên như: Testudo macropus (Walbaum, 1782); T. viridis (Schelder, 1783); T. japonica (Thunberg, 1787); T. Marina Vulgari (Lacepède, 1788) Đồi mồi cũng có những tên khác như sau: Chelone imbricata (Brongniart, 1805); Chelone imbricata (Schweigger, 1812); Caretta imbricata (Merrem, 1820); Chelonia pseudo-midas (Lesson, 1834); Caretta bissa (Bruppel, 1835) 2. Ðặc điểm sinh học của vích. a. Ðặc điểm hình thái của vích Vích trưởng thành có thân hình dẹp theo hướng lưng bụng. Nhìn trên xuống mai có hình oval với chiều rộng khoảng 88% chiều dài. Ðầu hơi nhỏ và chiếm khoảng 20% dài thân. Ðầu có một đôi vảy trước trán, thon dài nằm giữa hai hốc mắt. Các tấm mai mỏng, trơn, phẳng và dể uốn. Mai gồm có bốn đôi tấm bên (tấm sườn) mà tấm đầu tiên không giáp với tấm trước lưng. Giữa lưng có 5 tấm sống lưng. Ngoài ra, mai vích còn có 12 đôi tấm bìa. Mai vích thường có màu sắc thay đổi từ từ một màu đến kết hợp nhiều màu như: vàng, nâu, xanh nhạt; từ dạng có vạch phóng xạ hay có nhiều chấm đen. Vích ở Thái Bình Dương thường có màu đen hơn vích ở Ðại Tây Dương. Mặt dưới (yếm), các tấm phẳng, hơi mỏng và gồm có: 1 tấm giáp họng, 1 đôi tấm cánh tay, 2 đôi tấm ngực, 1 đôi tấm bụng, 1 đôi tấm đùi, 1 đôi tấm hậu môn, 4 đôi tấm bìa dưới và 4-8 tấm nách rất nhỏ. Bốn chi của vích biến thành dạng mái chèo, ở đầu chi trước và chi sau có một vuốt nhỏ, dẹp. Ðuôi ngắn. Vích trưởng thành thường có thể nặng 100-200 kg, con lớn nhất đã gặp nặng 400kg. b. Phân bố:
  48. 42 Ở nước ta, vích phân bố rộng rải từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan, nhiều nhất là ở Nha Trang, Phan Thiết, Côn Ðảo, Trường Sa và Phú Quốc Trên thế giới, vích phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới từ 20o Vĩ Bắc đến 20o Vĩ Nam, gần các thềm lục địa hay xung quanh các đảo. Tuy nhiên, chúng có thể di cư thay đổi chỗ ở tuỳ theo nhiệt độ môi trường. c. Tập tính sống: Vích thông thường sống đơn độc, song chúng cũng có thể tụ tập thành đàn ở các vùng nước cạn có nhiều rong tảo để ăn. Chúng có thể di cư dọc theo các thềm lục địa hàng ngàn km để tìm thức ăn hoặc tìm nơi sinh sản. Bãi đẻ của vích thường ở những vùng có nhiệt độ nước trên 25oC. Hiện nay, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về tuổi thành thục của vích. Vài tác giả cho rằng, vích thành thục lần đầu tiên ở 6 năm tuổi nhưng cũng có tác gỉa cho từ 8-13 tuổi vích mới thành thục. Giữa các quần thể khác nhau thậm chí ngay cả trong cùng một quần thể, tuổi và kích cỡ thành thục lần đầu của vích cũng khác nhau. Trong điều kiện nuôi, vích đạt trọng lượng 35kg sau 3 năm nuôi và bắt đầu sinh sản ở khoảng 10 năm tuổi. Do vích phân bố rộng trên thế giới, vì thế tùy từng vùng với những điều kiện khác nhau mà mùa vụ sinh sản của vích cũng khác nhau. Ở nước ta, vích sinh sản chủ yếu vào khoảng tháng 3-5. Quá trình sinh sản của vích là quá trình bắt cặp, giao phối, làm tổ và đẻ trứng. Thông thường, một con cái bắt cặp với nhiều con đực và sự bắt cặp thường xảy ra ở gần bờ. Vích bắt đầu giao phối vào đầu mùa sinh sản và kết thúc khi bắt đầu làm tổ đẻ trứng. Các kết quả nghiên cứu về sinh sản của vích cho thấy tinh trùng của vích sống rất lâu trong ống dẫn trứng con cái. Do đó lượng tinh trùng “chưa sử dụng tới” của những lần giao phối sau sẽ được dùng để thụ tinh cho những lần đẻ tiếp theo trong năm. Khi đẻ, vích cái sẽ bò lên những bãi cát ở các vùng ven biển hay các đảo vắng để làm tổ đẻ. Chúng thường dùng chân sau để đào lỗ sâu 30-50cm rồi đẻ trứng vào. Sau đó lấp cát lại cẩn thận rồi quay xuống biển. Vích có tập tính làm tổ ở những nơi cố định nào đó và chúng có thể trở lại ngay bãi đẻ cũ cho lần sinh sản sau. Chu kỳ sinh sản của vích có thể thay đổi tùy vào quần thể, chất lượng của bãi ăn Mỗi con cái có thể đẻ từ 38-195 trứng tùy vào tuổi, kích cỡ của vích. Trứng có đường kính từ 38-58 mm, trọng lượng từ 38-60g .
  49. 43 Ở nhiệt độ 28-30oC, độ ẩm 75-80%, thời gian phát triển phôi 48-70 ngày. Hầu hết trứng nở vào ban đêm. Sau khi nở, vích con bới cát chui lên và lập tức chạy nhanh chóng xuống biển tìm nơi ẩn trú. Thức ăn của vích là thực vật, tuy nhiên, trong điều kiện nuôi, chúng có thể ăn thực vật lẫn động vật. Những nghiên cứu cho thấy, ở vích lớn (dài 31-120cm), trong cơ quan tiêu hoá chứa khoảng 88,3-95,5% tảo đáy, phần nhỏ còn lại là các động vật. Ngoài ra, một số nhỏ các loài động vật sống trong những đám rong cỏ cũng được vích vô tình ăn phải và thường chiếm tỷ lệ dưới 2% vật chất trong ruột. 3. Ðặc điểm sinh học của đồi mồi. a. Ðặc điểm hình thái: Đồi mồi có thân hình thon dẹp, nhìn trên có hình elip. Mai đồi mồi có những tấm vảy sừng xếp lớp dạng mái ngói với chiều rộng mai khoảng 70-79% (trung bình 74.1%) chiều dài. Ở đồi mồi mới nở và đồi mồi giống (1-2 tháng tuổi) có 3 đường gai sống trên lưng và mất dần khi lớn lên. Ðầu có kích cỡ trung bình, hẹp và có mỏ nhọn. Chiều dài đầu khoảng 21-33% chiều dài mai. Trên đầu có hai đôi vảy trước trán và 3-4 vảy sau hốc mắt. Mỏ không có răng cưa nhưng có móc ở đỉnh. Mõm hẹp, kéo dài và có những tấm vảy dày để thích nghi, chống chịu với điều kiện sóng của biển và để tìm thức ăn trong những rặng san hô hay trong vùng đá sỏi. Đồi mồi mới nở đã xuất hiện vảy, song lúc này còn mềm và nằm sát mai. Khi lớn lên, vảy cũng lớn và cứng dần, gốc những tấm vảy lưng gắn chắc vào mai. Lúc nhỏ, vảy có màu đen hay hơi vàng. Khi đạt đến kích cỡ 10cm trở lên vảy bắt đầu trổ bông. Đồi mồi là loài có màu sắc sặc sỡ và đa dạng nhất trong số các loài rùa biển. Đồi mồi có các chi biến thành dạng mái chèo, hai chi trước phát triển hơn chi sau và là làm cơ quan bơi lội và xé mồi. Chi trước có 2 vuốt, chi sau có 1 vuốt. Đồi mồi đực có các vuốt cong và chắc hơn và có đuôi dài hơn ở con cái. b. Ðặc điểm phân bố: Đồi mồi phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, khắp vùng trung Ðại Tây Dương như từ Bắc Mỹ đến nam Brazil, Ấn Ðộ Dương thường gặp ở Madagasca, Tây Thái Bình Dương như ở Nhật Bản, Trung Quốc, Phillippines, Việt Nam và Ðông Thái Bình Dương. Đồi mồi thường hiện diện ở những vùng biển có nhiều rạn đá, nhưng đôi người ta vẫn phát hiện được chúng ở vùng nước nông của các đầm, vịnh ven biển. Chúng thường làm tổ đẻ từ 25o Vĩ độ Bắc đến 35o Vĩ độ Nam.
  50. 44 Ở nước ta, đồi mồi phân bố khắp từ Vịnh Thái Lan và nhiều ở các đảo Cát Bà, Trường Sa, Hòn Sa, Côn Ðảo. Vùng Hà Tiên trước đây có nhiều ở Hòn Heo, Hòn Móng Tay, Hòn Ngang, Hòn Ðầm và hiện nay chủ yếu ở các nơi xa thuộc đảo Phú Quốc như: Hòn Ông, Hòn Bà, Hòn Đồi Mồi, Thổ Chu c.Tập tính sinh học: Đồi mồi sống chủ yếu ở vùng triều, độ trong cao (1-3m), ven các rạn san hô ngoài hải đảo. Chúng có tập tính di cư từ vùng này sang vùng khác, vì thế mật độ quần thể của đồi mồi thường biến động theo từng vùng và từng mùa khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn chưa gặp đồi mồi di cư thành từng đàn lớn hàng ngàn con. Đồi mồi được xem là loài làm tổ đẻ đơn lẻ, chúng thường đến làm tổ ở những nơi cố định. Thông thường, đồi mồi sinh sản vào mùa mưa và ấm như mùa hè. Chu kỳ sinh sản của chúng từ 2-3 năm. Nhiều báo cáo cho thấy rằng, trong suốt mùa sinh sản chúng có thể đẻ 2-5 đợt, mỗi đợt và cách nhau 2-3 tuần. Ở nước ta, mùa vụ sinh sản của đồi mồi ở vùng biển Hà tiên thường từ tháng 12 đến tháng 7 hoặc 8 hằng năm và rộ nhất vào tháng 2-5. Ở các đảo càng xa bờ thì mùa vụ sinh sản càng đến sớm. Đồi mồi làm tổ vào ban đêm, song cũng có trường hợp làm tổ vào ban ngày. Những lúc nước cường, biển động là lúc chúng đẻ rộ nhất. Hiện nay, người ta vẫn chưa biết được chắc chắn tuổi thành thục của đồi mồi. Nhiều báo cáo cho biết, trong điều kiện nuôi, đồi mồi có thể thành thục sau 3-5 năm, tuy nhiên ở ngoài tự nhiên, người ta cho rằng tuổi thành thục sẽ cao hơn. Dựa trên đặc điểm ngoại hình, có thể phân biệt giới tính của đồi mồi như: con đực có hình dạng dẹp, thon dài, vảy mỏng, đuôi dài, mỗi chân chèo có 2 vuốt dài; con cái thân dày hơn, tròn, vảy dày, đuôi ngắn, chân sau có 2 vuốt và chân trước 1 vuốt nhưng ngắn hơn con đực. Con đực và cái thường bắt cặp và giao phối ở những vùng nước cạn (2-3m). Quá trình giao phối và thường xảy ra trong vài giờ. Mỗi con cái thường có vài con đực theo đuổi trong quá trình này. Khi làm tổ, con cái thường làm tổ ở bãi cát ẩm cách mức nước cao nhất 5-6m, tổ tròn thường có đường kính mặt 0,5-1m, đường kính đáy khoảng 0,3m và tùy kích cỡ mà đào sâu hay cạn. Đồi mồi đẻ trứng dính với nhau thành từng chùm nhờ chất nhớt. Sau khi đẻ xong, chúng dùng chân trước lấp đất lại và nện bằng phẳng rồi bò quanh tổ, xới cát với đường kính vài chục mét rồi bỏ đi. Có lẽ đây là tập tính để tránh kẻ thù phát hiện ra tổ của chúng.
  51. 45 Sức sinh sản của đồi mồi, tùy từng nơi, kích cỡ của con mẹ, cũng như mùa vụ mà số lượng trứng thay đổi khá lớn từ 51-225 trứng. Thông thường, trong suốt mùa sinh sản, đợt đầu đẻ 70-80 trứng, đợt giữa 150-200 trứng, và đợt cuối đẻ 80-100 trứng. Trứng có đường kính từ 30-45mm với trọng lượng từ 20-31,6g. Tùy điều kiện nhiệt độ thời gian phát triển phôi trung bình 47-75 ngày ở nhiệt độ khoảng 28 -30oC. Đồi mồi con mới nở có trọng lượng từ 8-17,9g. Thông thường chúng nở đồng loạt vào sáng sớm. Sau khi nở, chúng bới cát chui lên và bò ra biển. Đồi mồi là loài ăn thịt. Thành phần thức ăn của chúng có thể là: cá, giáp xác, nhuyễn thể, sứa, hải quỳ, rắn biển. III. KHAI THÁC NGOÀI TỰ NHIÊN Vích, đồi mồi hiện nay là một mặt hàng rất hấp dẫn trên thị trường. Nhưng nguồn giống vẫn phải dựa tự nhiên. Vì thế, người ta có thể đánh bắt cả trứng, con non và con trưởng thành để phục vụ ch nhiều mục đích khác nhau. 1. Thu trứng và con mới nở Ðể phát hiện ổ trứng vốn được ngụy trang rất kỹ bởi con mẹ, ngư dân có thể dùng chĩa xom vào nền cát nghi ngờ. Nếu có trứng sẽ có dịch nhờn dính vào chĩa. Ngoài quan sát dấu chi trên cát, những nơi trên nền cát có nhiều ruồi đậu do mùi tanh tiết ra lúc chúng đẻ cũng có thể là dấu hiệu của ổ trứng. Khi phát hiện ổ trứng hay khi phát hiện chúng làm tổ đang đẻ, người ta có thể làm dấu và rào lại, đợi đến khi trứng nở thì bắt con non mang về nuôi. Ngoài ra, cũng có thể thu trứng mang về ấp. 2. Ðánh bắt vích, đồi mồi lớn Ðể đánh bắt vích, đồi mồi lớn, ngư dân có thể dùng lưới, câu giăng hay cả việc theo dấu để bắt con mẹ sinh sản. Ngoài ra, cũng có thể bao lưới bao quanh các hốc đá, rạn san hô sau đó dùng nhiều cách để đuổi chúng vào lưới. Tuy nhiên, đôi khi người đánh cá vẫn có thể bắt được ngẫu nhiên vích, đồi mồi ngoài biển khơi khi bủa lưới. Người ta cũng có thể dùng mồicâu, giăng lưới ở mức nước sâu 3-4m. Cách này đơn giản, nhẹ nhàng, song năng suất thấp. IV. SẢN XUẤT GIỐNG VÀ NUÔI VÍCH, ÐỒI MỒI. Hiện nay, với việc đánh bắt vích, đồi mồi ngày một gia tăng đã làm nguồn lợi đang trên đà suy giảm đáng kể. Vì thế, song song với việc tăng cường sản xuất giống và
  52. 46 nuôi vích, đồi mồi cho nhu cầu thị trường, cũng cần phải chú ý đến việc bảo vệ và khôi phục nguồn lợi tự nhiên mà Nhật Bản là nơi có hoạt động tích cực nhất. 1.Thu trứng, ấp trứng và ương con non Trứng vích, đồi mồi có thể thu từ tự nhiên hoặc cho đẻ nhân tạo. Ðối với việc cho đẻ nhân tạo, con trưởng thành sẽ được nuôi vỗ trong ao riêng biệt, có bãi đẻ nhân tạo. Sau khi chúng đẻ, trứng thu được nên vận chuyển cẩn thận vào thùng ấp, tránh va chạm, hay đảo ngược trứng. Thùng ấp có thể là thùng gỗ có diện tích khoảng 1 m2 có chứa cát và xếp trứng vào thùng, trên cùng là lớp cát dày 20-30cm. Cần giữ thùng nơi râm mát và tưới nước để giữ ẩm với độ ẩm từ 5-10%. Trong điều kiện vùng Hà tiên, thông thường 45-60 ngày trứng sẽ nở. Sau khi trứng nở, rốn rụng và khô thì thả bể nuôivới mức nước 4-5cm và đặt nơi râm mát. Tránh thả sớm vì có thể làm nhiểm bệnh con non. Trong vòng 3 ngày đầu sau khi nở, vích và đồi mồi con dinh dưỡng bằng noãn hoàng nên không cần cho ăn. o Cần thay nước hàng ngày với nước trong sạch và đủ mặn (20-25 /oo). Mỗi ngày cho ăn 3 lần: sáng, trưa và chiều. Thức ăn bao gồm các loại thịt hầu, thịt cá thái mỏng. Trung bình cho ăn với lượng 1-1,3kg/100con mỗi ngày. Sau nửa tháng lượng thức ăn được tăng lên với lượng 40-60g/con. Cho ăn mỗi ngày 2 lần lúc sáng và chiều. Sau khi cho ăn nên thay nước. Sau 6 tháng có thể chuyển nuôi trong chuồng ở biển hay ương nuôi tiếp trong bể tròn nước chảy. 3. Nuôi Vích, Đồi mồi Bảng 5 mật độ nuôi vích và đồi mồi Tuổi Trọng lượng (kg) Mật độ (con/m3) 1 2 10 2 10 4 3 25 1,6 4 40 1 Hiện nay có nhiều kiểu chuồng nuôi khác nhau. Chuồng có thể bằng xi măng đúc khối, hay bằng gỗ chịu nước mặn. Trường hợp chuồng bằng ximăng, đá hộc phải xếp chừa những lỗ thông nước với bên ngoài. Tùy điều kiện cụ thể, chuồng có thể có kích thước nhỏ 5x2,5x2m và có thể rất lớn 20x10x3m. Trên chuồng nên có sàn để bảo vệ. Chuồng nên xây dựng ven bờ biển nơi có nước sạch, thủy triều lên xuống được hàng ngày. Tốt nhất chuồng phải phơi đáy được khoảng 1 giờ/ngày.
  53. 47 Thức ăn cung cấp hàng ngày với lượng 3% trọng lượng cơ thể. Rong biển, cỏ biển chỉ là thức ăn bổ sung với lượng nhỏ. Khi mới thả, nên tập cho chúng ăn trên sàn, sau đó có thể rải khắp chuồng. Cần thiết kế vách chuồng sao cho có thể thông nước với nước biển bên ngoài. Ngoài ra, cần vệ sinh chuồng hàng ngày, dọn sạch rong cỏ bám bên ngoài để tăng cường trao đổi nước. 4.Bệnh vích, đồi mồi Rùa biển nói chung, vích và đồi mồi nói riêng, trong quá trình nuôi đã xuất hiện nhiều bệnh khác nhau.Tuy nhiên, việc điều trị bệnh vẫn chưa được hiệu quả ví chưa có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về bệnh của chúng. a.Bệnh ở vích: (i) Bệnh đốm xám: Dấu hiệu: Bệnh này thường là những vết thương lan rộng, màu xám trên da cổ, chân chèo, hay đôi khi cả trên carapace. Nguyên nhân: Do virus dạng thuyền gây ra. Ảnh hưởng: Bệnh có thể làm lở lóet da và mai vích (carapace). Con mới nở bị bệnh nặng sẽ chết, những cá thể trên 1 tuổi còn sống sót sẽ được miễn dịch. Phòng bệnh: Có lẽ đây là loại bệnh sốc do môi trường như mật độ quá cao, nhiệt độ tăng cao đột ngột Vì thế, những biện pháp như giảm mật độ, xử lý chlorine nước đã cho thấy thành công. (ii).Bệnh do Protozo Dấu hiệu: Thường xảy ra nghiêm trọng nhất đối với con mới nở. Rùa gầy yếu, lờ đờ, khi bị bệnh nặng ruột có thể bị tách ra khỏi lớp cơ gắn vào mai. Nguyên nhân: do giống Caryspora thuộc Protozoa gây bệnh Ảnh hưởng lên vật chủ: Bệnh sẽ xâm nhập và phá vỡ niêm mạc ruột, phân không thải được ra ngoài mà tập trung thành khối làm tắc ruột. Phòng bệnh: Vệ sinh là biện pháp quan trọng để tránh nhiểm bẩn môi trường. a. Bệnh ở Đồi mồi: Giai đoạn mới nở đến 6 tháng tuổi đồi mồi con có thể mắc một số bệnh như nhiểm trùng, lở lóet hậu môn * Bệnh nhiểm trùng rốn có thể xảy ra đối với đồi mồi con mới nở có cuống rốn dài, chưa khô. Nếu thả sớm khi rốn chưa khô và rụng thì sẽ làm nhiễm trùng cuống rốn và sẽ gây chết. Vì thế không nên thả sớm con mới nở.
  54. 48 * Trường hợp khác, trong họng đồi mồi có nhiều mụn đẹn, đồi mồi không ăn được. thông thường người ta có thể sát trùng và nuôi riêng đến khi khỏi bệnh. * Bệnh lở loét hậu môn và nổ mắt cũng đã được phát hiện ở đồi mồi con. Tuy nhiên, khi đạt kích cỡ 12-15cm thì hiếm khi xuất hiện bệnh này. Ngoài ra, do thể chất kém, đồi mồi con bị còi, hoạt động yếu. Những con này cần được tách nuôi riêng với chế độ chăm sóc thỏa đáng. Trong trường hợp môi trường nước nhiễm bẩn, nhiều chất vẩn lơ lững có thể làm nghẹt mũi đồi mồi và có thể gây chết. Cần vớt lên ngay và xử lý đến khi thở được mới thả xuống. Bệnh ở đồi mồi lớn Da đồi mồi, đặc biệt là da cổ và chân chèo có thể có những đốm mốc, sau đó lan rộng gây lở lóet. Bệnh này lây lan nhanh và có khi gây chết. Ngoài ra, đồi mồi còn có thể bị bệnh đốm đỏ trên cổ và chân. Lúc đầu là những chấm đỏ nhỏ, sau lan rộng và lở lóet. Bệnh lây lan nhanh và trường hợp nặng sẽ gây chết. Dùng thuốc kháng sinh streptomycin, penicilin bôi trực tiếp lân chỗ lở loét hoặc tắm từng con với liều lượng 1g/10lít nước. Do nuôi thời gian dài, đồi mồi có thể bị Hà bám vào mai, đục khóet, làm hư hại vảy và có khi ăn sâu cả vào thân. Xử lý bằng cách vệ sinh chuồng kỹ và thường xuyên. Bệnh bong vảy thường xuất hiện ở đồi mồi lớn. Trên vảy xuất hiện những vết trắng rồi bong ra thành từng mảng và làm giảm giá trị của vảy. Thông thường, cần phải san thưa và cải tạo môi trường nuôi sạch sẽ để hạn chế bệnh.