Giáo trình Luyện chữ đẹp cho trẻ lớp 1-Phương pháp chuẩn lại nhàn

pdf 13 trang huongle 4810
Bạn đang xem tài liệu "Giáo trình Luyện chữ đẹp cho trẻ lớp 1-Phương pháp chuẩn lại nhàn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_luyen_chu_dep_cho_tre_lop_1_phuong_phap_chuan_lai.pdf

Nội dung text: Giáo trình Luyện chữ đẹp cho trẻ lớp 1-Phương pháp chuẩn lại nhàn

  1. Luyện chữ đẹp cho trẻ lớp 1: phương pháp chuẩn lại nhàn
  2. Thời gian bắt đầu Tôi biết, rất nhiều chị em nóng lòng cho con đi luyện chữ từ khi mới 4,5 tuổi. Một số còn đưa cả bé 3 tuổi đến lớp. Theo tôi, như vậy là sai lầm. Ở tuổi này chưa thích hợp để bé cầm bút gò từng con chữ. Tay bé còn rất yếu, viết dễ mỏi như thế chữ sẽ không đẹp. Từ đó sẽ dẫn đến việc bé ngày càng lười viết.Ta có thể dạy con tập đọc, dạy con tập đếm, dạy con tiếng anh hay dạy con làm toán từ khi 3,4 tuổi. Vậy nhưng để dạy con luyện chữ, cần thiết chỉ nên dạy bé 3 tháng hè trước khi vào lớp 1. Chuẩn bị đồ dùng tập viết Nhiều phụ huynh cho rằng bút nào cũng được, vở nào cũng xong. Tuy nhiên, việc lựa chọn dụng cụ học tập cho con tập viết lại đóng vai trò rất quan trọng.
  3. Bút chì: Khi mới tập, mẹ chỉ nên cho con tập viết bằng bút chì. Hiện nay có hai loại bút chì thông dụng là 2B và HB đều mềm, không quá cứng, bé dễ rèn nét thanh nét đậm. Tuy nhiên bút 2B màu chì sẽ đậm hơn HB. Dùng bút chì loại nào hợp lý là tùy vào từng bé, có bé tay yếu viết nhẹ thì dùng 2B sẽ đạt màu hợp lý, có bé khỏe viết ấn, dùng HB sẽ cho màu chứ tốt hơn. Như bé nhà tôi thì thường dùng bút 2B của Đức. Tập vở: Trẻ tập viết chữ nên mua tập vở 4 ô ly, có kẻ ngang và dọc. Với dạng tập này mẹ sẽ dễ dàng kiểm tra và giúp bé điều chỉnh độ cao cũng như độ rộng của các con chữ. Ngoài ra tập viết mẹ nên lưu ý dầu tư mua loại vở có giấy trắng, dày dặn, khi bé tẩy sẽ không bị rách và sau này có chuyển sang bút mực viết cũng không bị nhòe. Tẩy: Cục tẩy nho nhỏ nhưng lại rất quan trọng đối với bé. Mẹ đừng vì bé thích những cục tẩy hình thù ngộ nghĩnh hay vì ham rẻ mà mua cho con những loại tẩy rẻ tiền. Những cục tẩy như vậy thường tẩy không sạch và rất hay làm rách giấy, khiến vở lem nhem. Hãy chịu khó đầu tư cho con những cục tẩy màu trắng và có giá cao một chút. Thường trẻ không hay dùng hết tẩy nên ta không cần mua loại quá to. Như con nhà tôi hay thường dùng loại tẩy có màu trắng, nhỏ bằng hai đốt ngón tay của Tiệp. Bút mực: Trẻ học hết kỳ 1 sẽ bắt đầu chuyển sang dùng bút mực. Mẹ chú ý chọn mua cho bé loại bút mực nét nhỏ và nhớ kiểm tra kỹ hệ thống bơm mực cũng như nét viết trước khi mua. Những loại bút mực không tốt có thể sẽ khiến tay bé yêu lúc nào cũng lem nhàm màu xanh, tím. Nếu có điều kiện, mẹ nên mua bút mài ngòi cho bé. Bút mài ngòi một chút thì sẽ dễ viết được nét thanh nét đậm hơn. Tránh cho bé dùng các loại bút lông kim, bút dạ có mực sẵn trên thị trường.
  4. Mực viết: Tùy vào yêu cầu của từng giáo viên mà mẹ chú ý mua đúng loại mực cần thiết cho con. Hiện nay có hai màu mực được yêu thích là mực xanh thẫm hơi ghi và mực tím. Đối với mực tím, mẹo nhỏ cho mẹ là nên pha loãng ra với một chút nước lọc để có màu tím nhẹ dịu.
  5. Cách cầm bút Luyện cho con cách cầm bút đúng đắn là rất quan trọng do khi đã quen với cách cầm bút, trẻ thường rất khó đổi. Bút được cầm bằng 3 ngón: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Phần di động bút khi bé viết sẽ do ba ngón này đảm nhận. Đầu ngón trỏ cách đầu ngòi bút chừng 2,5cm. Cầm bút xuôi theo chiều ngồi. Góc độ bút đặt so với mặt giấy khoảng 45 độ. Tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 90 độ. Cách luyện chữ Thứ 1: Để con luyện được chữ đẹp thì theo tôi nhất thiết người mẹ cũng cần ngồi xuống và tập thử vài nét cùng con. Có như vậy ta mới biết mà bảo ban bé nét thẳng này 2 phân hay nét móc kia nửa phân. Khi con tôi tập viết, tôi cũng đã mất vài trang giấy trước đó để tự mình đặt bút luyện chữ và nghĩ được ra cách viết chuẩn nhất cho con. Thứ 2: Để các bé lớp 1 viết đúng, viết đẹp thì việc đầu tiên là phải hướng dẫn các bé nắm chắc các nét chữ cơ bản nhé. Có một số phụ huynh hay thắc mắc sao mà cháu đi học mấy ngày rồi mới chỉ viết được có mấy nét cơ bản, mãi chưa thấy viết được chữ nào. Các mẹ không nên sốt ruột vì nếu các bé nắm vững được cái “gốc” này rồi, sau khi viết vào chữ sẽ vô cùng đơn giản và hiếm khi bị xấu chữ. Thứ 3: Khi rèn các nét cơ bản cho bé, mẹ nên nhớ rèn luôn chữ cùng nét đó, tránh để trường hợp vừa rèn chữ a, vừa rèn chữ b vì hai chữ này có những nét hoàn toàn khác nhau. Gợi ý của tôi là mẹ nên tập cho con theo các nét như sau: Nét đứng (cao 2ly, 4 ly): khi nào đẹp thì tập viết chữ i, xong đến chữ n, m,u, ư, p. Sau đó cho con tập các từ gồm những chữ chữ trên ( ví dụ: mũ, nỉ, mun .)
  6. Nét cong (cong trái, cong phải, cong kín): khi nào đẹp thì tập viết chữ c, a, ă, â, d, đ, o, ô, e, ê. Sau đó cho con tập các từ gồm những chữ chữ trên ( ví dụ: đa, đo, dê, ca ) Nét xiên, nét móc: khi nào đẹp thì tập viết chữ h, g, gh, k và các chữ còn lại. Video clip luyện chữ viết đẹp tham khảo: Kinh nghiệm luyện chữ viết đẹp Chúng ta đang ở trong một thời đại mới, thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời đại thông tin bùng nổ, mọi người thường ngồi với chiếc máy vi tính của mình để soạn thảo một văn bản thay vì cầm bút viết trên giấy. Việc rèn chữ viết của mọi người bị chìm vào quên lãng. Ở trong trường tiểu học cũng vậy, trong những năm học gần đây, học sinh viết chữ xấu là một tình trạng đáng báo động. Hiện nay học sinh lựa chọn đủ các loại bút để viết, đặc biệt là học sinh rất yêu thích với chiếc bút bi của mình hơn là những loại bút chấm mực như ngày xưa. Mặt khác, chữ viết của khá nhiều giáo viên chưa đúng quy định cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc rèn chữ viết của học sinh. Mỗi thầy, cô giáo được xem như là một tấm gương phản chiếu để học sinh soi rọi vào đó. Lứa tuổi của học sinh tiểu học là lứa tuổi hay “bắt chước”, giáo viên viết như thế nào thì học sinh viết như thế đó; đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh lớp 1. Trẻ em đến trường là để được học đọc, học viết. Nếu phân môn tập đọc – học vần giúp trẻ biết đọc thông thì phân môn tập viết sẽ giúp trẻ viết thạo. Trẻ đọc thông, viết thạo sẽ giúp trẻ tiếp thu bài nhanh hơn, học tốt hơn. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Chữ viết cũng là một biểu hiện của nết người. Dạy cho học sinh viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn
  7. luyện cho các em tính cẩn thận, lòng tự trọng đối với mình cũng như đối với thầy và bạn đọc bài của mình”. Thật vậy, nhìn trang vở của học sinh với những dòng chữ đều tăm tắp, sạch sẽ thì cả cha mẹ và thầy cô đều dấy lên một niềm vui. Chúng ta như đặt niềm tin vào tương lai con trẻ. Việc rèn chữ viết cho học sinh còn là môi trường quan trọng bồi dưỡng cho trẻ những phẩm chất tốt như: tính cẩn thận, tinh thần kỷ luật và óc thẩm mỹ. Nhưng muốn viết thạo trẻ phải gắng công khổ luyện dưới sự dìu dắt tận tình của các thầy giáo, cô giáo. Trong trường tiểu học, việc dạy tập viết được phối hợp nhịp nhàng với dạy học vần, chính tả, tập làm văn, việc ghi bài vào vở các môn học, vở luyện viết chữ đẹp của học sinh. Dạy tập viết không chỉ truyền thụ cho học sinh những kiến thức cơ bản về chữ viết mà còn rèn kỹ thuật viết chữ. Trong các tiết tập viết, học sinh nắm bắt được các tri thức cơ bản về cấu tạo các chữ cái tiếng Việt được thể hiện trên bảng cài, bảng lớp, bảng con, trong vở tập viết và vở ghi bài các môn học khác Đồng thời, học sinh được giáo viên hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật viết từng nét chữ để hình thành nên một chữ cái rồi đến tiếng, từ, cụm từ và cả câu. Ở giai đoạn đầu, trọng tâm của việc dạy tập viết là dạy viết chữ cái và kết nối các chữ cái lại để ghi tiếng. Ở giai đoạn cuối, song song với việc rèn viết chữ hoa, học sinh còn được rèn viết văn bản, có thể là: nhìn một đoạn văn, đoạn thơ chép lại cho đúng (tập chép) hoặc
  8. nghe giáo viên đọc mẫu, học sinh viết bài vào vở (nghe viết) hoặc nhớ để viết lại (nhớ viết). Cụ thể: * Về tri thức: giáo viên cần dạy cho học sinh những khái niệm về dòng kẻ (đường kẻ) tương ứng với bao nhiêu ô li? Đặt bút ở đường kẻ nào? Dừng bút ở đường kẻ nào? Chữ cái đó có mấy nét? Tên gọi của các nét? Vị trí của dấu phụ, dấu thanh đặt ở đâu? Cách nối nét như thế nào? Từ đó hình thành cho học sinh những biểu tượng về hình dáng, độ cao, sự cân đối, tính thẩm mỹ của chữ viết. Ví dụ: Học sinh viết chữ O có hình dáng như hạt gạo, giáo viên cho học sinh xem chữ O mẫu rồi hỏi: Chữ O giống hình gì? – học sinh trả lời: Chữ O giống quả trứng gà, giống số 0 Từ đó, giáo viên cho học sinh so sánh và hướng dẫn học sinh viết đúng. * Về kỹ năng: Trước khi cho học sinh viết bài vào vở, giáo viên cần hướng dẫn học sinh về tư thế ngồi viết, cách cầm bút, để vở. a/ Tư thế ngồi viết: Ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, không tỳ ngực vào cạnh bàn, đầu hơi cúi, mắt cách vở từ 25 – 30cm. Cánh tay trái đặt trên mặt bàn bên trái lề vở, bàn tay trái tỳ vào mép vở, giữ vở không xê dịch khi viết. Cánh tay phải cùng ở trên mặt bàn; khi viết bàn tay và cánh tay phải có thể dịch chuyển từ trái sang phải và từ phải sang trái dễ dàng. b/ Cách cầm bút: Cầm bút bằng 3 ngón tay của bàn tay phải: ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa. Đầu ngón trỏ đặt trên thân bút, đầu ngón cái giữ bên trái thân bút; đầu ngón giữa tựa vào bên phải thân bút. Khi viết 3 ngón tay này giữ bút, điều
  9. khiển bút dịch chuyển. Ngoài ra cần sự phối hợp của cổ tay, cánh tay, khuỷu tay khi viết. Tiếp theo, giáo viên dạy cho học sinh các thao tác viết chữ từ đơn giản đến phức tạp, dạy cho học sinh kỹ năng viết các nét, cách lia bút và cách nối nét. Đồng thời giúp học sinh xác định được khoảng cách, vị trí cỡ chữ trên vở kẻ ô li để hình thành kỹ năng viết đúng mẫu, rõ ràng và tiến tới là viết đẹp, viết nhanh. 5.2.3. Giáo viên viết mẫu: Việc viết mẫu của giáo viên là một thao tác trực quan trên bảng lớp giúp học sinh nắm bắt được quy trình viết từng nét của từng chữ cái. Do vậy, giáo viên phải viết chậm, đúng theo quy tắc viết chữ vừa giảng giải, phân tích cho học sinh. Khi viết mẫu, giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh nhìn thấy tay của giáo viên viết từng nét chữ. Khi viết, giáo viên vừa kết hợp giảng giải, phân tích: đưa bút như thế nào? Thứ tự các nét viết ra sao? Giáo viên cũng cần chú ý phân tích cả cách viết dấu phụ và dấu thanh. 5.2.4. Hướng dẫn học sinh luyện tập viết: a. Luyện viết trên không Việc học sinh luyện viết trên không là bước giúp học sinh rèn luyện đôi tay và rèn luyện quy trình viết các nét để học sinh khỏi ngỡ ngàng khi viết. Giáo viên cũng có thể cho học sinh tì đầu ngón tay trên mặt bàn để hình thành dần kỹ năng viết các nét cho đều đặn. Bước này có thể lặp lại từ 2 – 3 lần. b. Luyện viết trên bảng con, bảng lớp
  10. - Giáo viên cho vài em luyện viết trên bảng lớp, cả lớp viết bảng con chữ cái và cụm từ mà giáo viên yêu cầu hoặc giáo viên có thể chọn cho học sinh viết những chữ khó viết mà học sinh hay viết sai. - Khi nhận xét chữ viết của học sinh, giáo viên cần cho học sinh quan sát lại chữ mẫu; giáo viên gợi ý để học sinh tự nhận xét chữ viết của mình và của bạn, biết tự tham gia chữa lại những chỗ đã viết sai. - Giáo viên chữa lỗi sai chung bằng cách viết lại chữ đúng ngay bên cạnh chữ viết của học sinh, tránh viết đè lên chữ viết sai của học sinh. c. Luyện viết bài vào vở - Giáo viên yêu cầu học sinh viết chữ gì? Từ gì? Câu gì? Cỡ chữ nào? Viết mấy dòng? - Trước khi cho học sinh viết bài; giáo viên nên hướng dẫn lại tư thế ngồi viết, cách cầm bút, nhắc nhở học sinh trước khi viết: đặt bút ngay điểm bắt đầu viết, viết chữ đúng nét, đúng độ cao của các nét, các chữ, khoảng cách giữa các chữ, các cụm từ. - Học sinh thực hành viết bài vào vở. Giáo viên theo đõi, uốn nắn cho một số em có chữ viết còn xấu. Có thể, giáo viên cầm tay hướng dẫn cho học sinh viết 1 đến 2 chữ đầu tiên. 5.2.5. Chấm, chữa bài: - Giáo viên chấm điểm từ 5 – 7 bài tại lớp. Giáo viên kết hợp chấm điểm những học sinh có chữ viết xấu và những học sinh rèn viết chữ đẹp. Số bài viết của các học sinh còn lại, giáo viên thu về nhà chấm để kịp thời chữa cách viết của học sinh ở tiết sau.
  11. - Giáo viên chữa những lỗi học sinh sai phổ biến, hướng dẫn kỹ lại cách viết của chữ cái đó để học sinh khắc sâu cách viết một lần nữa. - Cho cả lớp xem bài viết đẹp. Kịp thời động viên, khích lệ những học sinh có chữ viết tiến bộ. Tuyên dương những học sinh có bài viết đẹp. - Giáo viên chia lớp thành 4 nhóm nhỏ, cho học sinh thi đua giữa các nhóm, nhóm nào có nhiều bài viết đẹp, nhóm đó nhận được cờ thi đua. - Hàng tháng, giáo viên chấm điểm vở sạch, chữ đẹp cho từng học sinh sơ kết thi đua. 5.2.6. Củng cố bài Giáo viên có thể củng cố bằng nhiều hình thức sau: - Giáo viên yêu cầu học sinh viết lại những chữ cái đã viết trên bảng lớp. - Cho học sinh thi viết chữ cái giữa các nhóm. - Hoặc có thể dùng các nét rời rồi cho học sinh thi ghép các nét chữ với nhau để tạo thành chữ cái đã học. - Phối hợp viết chữ với các môn học khác. Trên đây là một số bước cơ bản cần thực hiện trong một tiết tập viết ở tiểu học. Giáo viên nên căn cứ vào tình hình của từng lớp để tổ chức giờ dạy theo một trình tự hợp lý. Điều quan trọng, mỗi bản thân thầy, cô giáo phải ra sức rèn luyện chữ viết của mình để làm tấm gương cho học sinh noi theo qua việc rèn chữ viết ở vở luyện viết chữ đẹp, qua những trang giáo án tham gia thi viết chữ đẹp ở các cấp cơ sở.
  12. Kết quả việc rèn chữ viết cho học sinh không phải ngày một, ngày hai mà có được. Mà đó là kết quả của một quá trình dày công khổ luyện của cả thầy và trò, dưới sự dìu dắt, chăm sóc tận tình của các thầy giáo, cô giáo.