Giáo trình Mâu thuẫn và xung đột vai trò giới trong nhóm ưu trội chính trị Việt Nam - Lê Thị Thục
Bạn đang xem tài liệu "Giáo trình Mâu thuẫn và xung đột vai trò giới trong nhóm ưu trội chính trị Việt Nam - Lê Thị Thục", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- giao_trinh_mau_thuan_va_xung_dot_vai_tro_gioi_trong_nhom_uu.pdf
Nội dung text: Giáo trình Mâu thuẫn và xung đột vai trò giới trong nhóm ưu trội chính trị Việt Nam - Lê Thị Thục
- Xã hội học số 3 (123), 2013 MÂU THUẪN VÀ XUNG ĐỘT VAI TRÒ GIỚI TRONG NHÓM ƯU TRỘI CHÍNH TRỊ VIỆT NAM LÊ THỊ THỤC* Đặt vấn đề Mâu thuẫn và xung đột vai trò giới luôn là vấn đề khó giải quyết đối với phụ nữ khi tham gia hoạt động chính trị. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là trong hoạt động chính trị, việc phân tích để hiểu rõ những mâu thuẫn và xung đột này là vô cùng quan trọng. Điều này góp phần giúp các nhà hoạch định và thực thi chính sách có được căn cứ vững chắc cho việc đưa ra những thay đổi về chính sách hỗ trợ bình đẳng giới, nhằm hiện thực hóa Mục tiêu Thiên niên kỷ về bình đẳng giới mà Việt Nam đang theo đuổi. 1. Nghiên cứu về mâu thuẫn và xung đột vai trò giới: Chúng ta đã biết những gì? Chủ đề về mâu thuẫn và xung đột vai trò giới đã được khá nhiều học giả quan tâm nghiên cứu. Theo Barnett và cộng sự, các chuẩn mực xã hội và văn hóa có thể tạo ra những mong đợi rất khác nhau đối với bổn phận của nam giới và nữ giới ở nơi làm việc và trong gia đình, kể cả trong trường hợp họ có vai trò tương đương trong thị trường lao động (1995). Hơn nữa, những áp lực mà nam giới và phụ nữ phải chịu cũng khác nhau, do sự khác nhau về mức độ xung đột vai trò của họ, cả về mặt tâm lý và về mặt xã hội (Simon, 1995; Wiley, 1991). Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng phụ nữ phải chịu đựng nhiều hơn nam giới dưới tác động của xung đột vai trò trong thực hiện trách nhiệm gia đình và sự nghiệp (Barnett và Baruch, 1985; Chusmir, 1986; Gray, 1983; Kramer và Melchior, 1990; Zappert và Weinstein, 1985). Phụ nữ có thể cảm thấy mệt mỏi hơn và dễ thấy kiệt quệ về tinh thần hơn so với nam giới, do thời gian và năng lượng họ đã sử dụng để thực hiện các bổn phận của mình ở nơi làm việc (Hochschild, 1989). Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ đi làm cảm thấy việc kết hợp công việc ở cơ quan với công việc gia đình là rất khó khăn, thậm chí là xung đột (Cowan, 1983; Fuchs, 1989); phụ nữ có xu hướng phải chịu nhiều áp lực hơn so với nam giới khi phải thực hiện các vai trò phi-truyền thống (Menaghan, 1989; Ross, Mirowsky và Huber, 1983; Thoits, 1986); và những phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cao cấp thường gặp nhiều khó khăn hơn trong đời sống gia đình so với nam giới có cùng các chức vụ như vậy (Stefano và Pinnelli, 2004). Theo dòng quan điểm khác, một số tác giả lại cho rằng nam giới chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với nữ giới khi có xung đột vai trò giữa bổn phận công việc và bổn phận gia đình. Quan điểm của các tác giả này xuất phát từ niềm tin truyền thống rằng vai trò trọng tâm của nam giới là đi ra ngoài làm kiếm tiền chứ không phải là làm việc tại nhà. Windle và Dumenci (1997:626) kết luận: “Vai trò nghề nghiệp là quan trọng hơn so với vai trò chăm sóc gia đình trong sức khỏe tinh thần của nam giới, trong khi đó vai trò chăm sóc gia đình lại là quan trọng hơn so với vai trò nghề nghiệp trong sức khỏe tinh thần của phụ nữ”. Một số người khác * TS, Viện Xã hội học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 3 (123), 2013 (Barnett và Baruch, 1987; Pleck, 1977) cũng đưa ra hàm ý rằng việc phải thực hiện quá nhiều bổn phận gia đình so với bổn phận nghề nghiệp sẽ có thể làm cho nam giới lâm vào tình trạng tồi tệ. Như vậy, nam giới và phụ nữ có thể có những thái độ rất khác nhau đối với việc thăng tiến ở nơi làm việc. Vianello và cộng sự (1990) cho rằng, phụ nữ có thể không quan tâm đến các vị trí lãnh đạo, bởi vì họ phải tập trung sức lực và mối quan tâm của mình vào các vấn đề gia đình, vốn có liên hệ một cách tự nhiên với các vai trò của họ trong xã hội. “Phụ nữ không chỉ bị hạn chế trong tiếp cận quyền lực mà còn thua kém [nam giới] ngay cả trong khát vọng đạt tới quyền lực, bởi vì họ đã được xã hội hóa để chủ yếu trở thành những người vợ và những người mẹ” (Vianello et al. 1990:8). Mặt khác, như gợi ý trong nghiên cứu của Epstein (1990), với các trường hợp từ chối cơ hội thăng tiến thì lý do không thể đảm nhận thêm những trách nhiệm mới thường được các ứng viên nam viện dẫn hơn so với các ứng viên nữ. Khối lượng công việc ở bên ngoài gia đình về thực chất là làm tăng gấp đôi gánh nặng của người phụ nữ, bởi vì họ thường được mong đợi theo cách truyền thống là chịu trách nhiệm thực hiện mọi bổn phận bên trong gia đình. Hochschild (1989) cho rằng việc phân tách giới tại nơi làm việc và những đòi hỏi của “ca hai” đối với phụ nữ có đi làm bên ngoài có thể khiến phụ nữ phải chịu nhiều hệ quả xấu hơn so với nam giới dưới tác động của xung đột giữa trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm gia đình. Tương tự như vậy, Tausig (1999) cũng đưa ra hàm ý rằng vai trò của người nhân viên là thứ “đè nặng thêm” lên vai những người phụ nữ đi làm bên ngoài, bên cạnh các vai trò truyền thống khác mà họ vẫn phải đảm nhiệm. Hệ quả là phụ nữ đã phải đưa ra các chiến lược khác nhau nhằm điều hòa những xung đột này. Có một kiểu lựa chọn, như thể hiện trong kết quả của một số nghiên cứu, là họ có thể chọn cách hy sinh đời sống gia đình truyền thống để theo đuổi sự nghiệp của mình. Smock và Manning (1997) đưa ra bằng chứng gợi ý rằng những phụ nữ có năng lực làm việc tốt hơn thì thường có xu hướng ly hôn nhiều hơn so với những phụ nữ khác, và họ cũng ít quan tâm hơn đến cuộc sống hôn nhân. Knudsen (1995), Vianello và Moore (2000) cũng kết luận về việc những người phụ nữ thuộc nhóm có năng lực làm việc tốt hơn này thường chọn cách sinh ít con hơn so với những người khác. Một kiểu lựa chọn khác của họ là tổ chức công việc gia đình, và thường chọn cách ưu tiên gia đình hơn nhằm điều hòa xung đột vai trò gia đình và công việc (Barnett và Baruch, 1987). Một số phụ nữ chọn giải pháp làm việc bán thời gian hoặc chọn những nghề cho phép làm việc với thời gian linh hoạt nhằm giảm bớt căng thẳng trong thực hiện các vai trò công việc (Bergman, 1992; Fiorentine, 1988; Fowlkes, 1987; Weitzman, 1984). 2. Mâu thuẫn và xung đột vai trò giới của nhóm ưu trội chính trị Việt Nam: một vài phát hiện từ kết quả nghiên cứu Phần tiếp theo của bài viết tập trung phân tích về mâu thuẫn và xung đột vai trò giới của nhóm ưu trội chính trị Việt Nam, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của cuộc Khảo sát về quyền lực giới và lãnh đạo chính trị ở Việt Nam, được thực hiện năm 2006 (xem thêm thông tin về cuộc khảo sát trong Lê Thị Thục, 2012). Các phát hiện ở đây giúp trả lời một số câu hỏi về sự khác biệt của nam và nữ trong trải nghiệm những áp lực khác nhau khi phải đối mặt với sự mâu thuẫn và xung đột vai trò trong công việc và trong cuộc sống, bao gồm khác biệt trong nhận biết những khó khăn và rào cản chính đối với sự nghiệp chính trị, và khác biệt trong sử dụng các chiến lược nhằm vượt qua khó khăn để điều hòa các xung đột vai trò của bản thân. 2.1. Các khó khăn và rào cản chính đối với sự nghiệp chính trị Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 3 (123), 2013 Thông tin về những khó khăn và rào cản chính mà nhóm ưu trội chính trị có thể gặp phải trong sự nghiệp chính trị của họ có vai trò quan trọng giúp làm rõ cơ sở của những trải nghiệm mà nam giới và phụ nữ phải đối mặt khi giải quyết các xung đột vai trò của bản thân. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm nam và nhóm nữ trong việc nhận biết về những gì mà họ phải trải qua trên con đường chính trị của mình. Biểu đồ 1 cung cấp những bằng chứng khá rõ ràng về tác động của vai trò giới truyền thống đối với hoạt động chính trị, khiến phụ nữ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với nam giới. Phụ nữ có xu hướng nói về các khó khăn như “gánh nặng gia đình (chăm sóc con cái, bố mẹ, người thân )”, “sức ép trước định kiến xã hội đối với hoạt động chính trị của nam và nữ”, và “thiếu thời gian” nhiều hơn so với nhóm nam giới. Trong khi đó, nam giới lại thường kể về những khó khăn như “áp lực của công việc chuyên môn” và “khó khăn về tài chính” nhiều hơn so với nhóm nữ. Biểu đồ 1: Khó khăn và rào cản chính đối với sự nghiệp chính trị, theo giới tính Đơn vị: % 19.4 Gánh nặng gia đình (chăm sóc con cái, bố mẹ, người thân ) 44.4 11.5 Thiếu thời gian 28.6 Áp lực của công việc chuyên môn 37.2 23.3 Thiếu các quan hệ xã hội hỗ trợ 27.7 21.8 16.2 Hạn chế về khả năng diễn thuyết trước công chúng 21.1 Sức ép trước định kiến xã hội đối với hoạt động chính trị của 1.6 nam và nữ 19.5 Sức ép trước việc phải thể hiện mình như một hình ảnh mẫu 14.1 mực trước cộng đồng 19.5 22.5 Khó khăn về tài chính* 13.5 6.3 Khó khăn về vấn đề giao thông, đi lại 5.3 Nam Nữ *p<.05; p<.01 Nguồn: Khảo sát về quyền lực giới và lãnh đạo chính trị ở Việt Nam 2006 Các giá trị xã hội xoay quanh vai trò giới, chẳng hạn việc cho rằng nam giới chịu trách nhiệm với các hoạt động bên ngoài, trong đó có hoạt động chính trị [nam ngoại], và phụ nữ chịu trách nhiệm với các hoạt động trong phạm vi gia đình [nữ nội], là những rào cản rõ ràng đối với phụ nữ Việt Nam trong tham gia lãnh đạo chính trị. Kết quả khảo sát cho thấy rằng gánh nặng gia đình dường như gây ra vấn đề nhiều hơn cho phụ nữ. Chỉ có 19% nam giới cho rằng việc chăm sóc các thành viên trong gia đình là cản trở lớn đối với việc thăng tiến chính trị của bản thân, trong khi con số tương ứng ở nhóm nữ là 44%. Điều này gợi ý rằng phụ nữ vẫn phải chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình mình với tư cách là một phần vai trò truyền thống của họ, cho dù họ có vị trí chính trị như thế nào đi nữa. Bên cạnh đó, cũng có thể suy luận rằng gánh nặng gia đình dẫn tới việc thiếu thời gian dành cho hoạt động chính trị, nhưng điều này không phải là nghiêm trọng lắm đối với nhóm nam giới. Chỉ có 11,5% nhóm nam cho rằng họ gặp khó khăn do thiếu thời gian khi Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 3 (123), 2013 theo đuổi sự nghiệp chính trị, trong khi đây là khó khăn lớn đối với 28,6% nhóm nữ trả lời phỏng vấn. Định kiến giới cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến thăng tiến chính trị, nhưng có vẻ điều này là đúng nhiều hơn đối với phụ nữ. Trong kết quả khảo sát, chỉ có 1,6% nam giới cảm thấy rằng họ phải chịu áp lực chính trị xuất phát từ giới tính của bản thân, thì có tới gần một phần năm (19,5%) số phụ nữ được hỏi cảm thấy áp lực như vậy trong các cuộc bầu cử liên quan đến chính trị. Điều này cho thấy rằng phụ nữ cảm nhận rõ hơn về sự phân biệt đối xử giới trong hoạt động chính trị của mình. Trong thực tế, còn rất nhiều người có quan điểm như thể hiện trong đoạn phỏng vấn dưới đây: “Việt Nam là một nước phương Đông. Thiên chức của phụ nữ là ở trong gia đình chứ không phải là đi làm chính trị” (PVS, nam, 43 tuổi, đã kết hôn, chưa có con, Trưởng Phòng, cấp tỉnh, miền Trung). Cũng vì lý do đó mà nhiều người có thể nghĩ rằng phụ nữ đã kết hôn thì đương nhiên không nên có tham vọng chính trị, mà trách nhiệm gia đình của họ nên được đặt lên hàng đầu. Đây là xu hướng khá phổ biến trong thực tế, như thể hiện trong ý kiến của một người nữ lãnh đạo trẻ sau đây: “Người ta thường nghĩ phụ nữ đã lấy chồng nếu mà biết chăm sóc gia đình thì tức là không nên có tham vọng chính trị” (PVS, nữ, 36 tuổi, đã kết hôn, 2 con, Trưởng Ban, cấp xã phường, miền Nam). Theo chiều ngược lại, áp lực của công việc chuyên môn dường như tạo gánh nặng nhiều hơn đối với sự thăng tiến của nam giới. Có khoảng 37% nam giới trong nghiên cứu này cho rằng đây là một áp lực quan trọng, trong khi tỷ lệ tương đương ở nhóm nữ chỉ là 23,3%. Điều này có thể là kết quả của việc nam giới và các em trai thường được mong đợi là sẽ thành đạt hơn phụ nữ và các em gái, ít nhất là trong công việc chuyên môn, để có thể đảm nhiệm tốt vai trò truyền thống là người trụ cột trong gia đình họ. Những cản trở khác, bao gồm các khó khăn về tài chính và thiếu các quan hệ xã hội hỗ trợ, cũng tạo ra khó khăn cho nam giới nhiều hơn so với nữ giới, cho dù mức độ của các tác động này là khác nhau (22,5% so với 13,5%, và 27,7% so với 21,8%, theo thứ tự tương ứng). Vấn đề hạn chế trong khả năng diễn thuyết trước công chúng và sức ép trước việc phải thể hiện mình như một hình ảnh mẫu mực trước cộng đồng cũng là những khó khăn đáng kể đối với nhóm đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, như thể hiện trong Biểu đồ 1, nam giới tỏ ra tự tin hơn so với nữ giới khi phải đối mặt với những thách thức này. Việc phân tích theo độ tuổi của các đối tượng nghiên cứu cũng đem lại những lý giải khá thú vị về thực trạng của phụ nữ Việt Nam trong lãnh đạo chính trị. Nói một cách ngắn gọn, sơ đồ sự nghiệp chính trị thể hiện một chuỗi những cơ-hội-bị-mất của nhiều phụ nữ. Theo mong đợi truyền thống về vai trò giới, người phụ nữ khi còn trẻ nên dành thời gian và sức lực để xây dựng và củng cố cuộc sống gia đình. Trong lúc đó, nam giới trẻ tuổi có thể chuyên tâm củng cố các kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của bản thân. Trong khoảng thời gian từ 35 đến 44 tuổi, người phụ nữ có thể tập trung nhiều hơn vào những mục tiêu nghề nghiệp của mình, do bớt phải quan tâm đến việc kết hôn và sinh con. Tuy nhiên, họ cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể rút ngắn khoảng cách giữa họ và các nam đồng nghiệp, cả về kinh nghiệm làm việc lẫn khả năng chuyên môn. Từ khoảng 45 tuổi trở lên, một số phụ nữ có thể nghĩ nhiều hơn về sự thăng tiến chính trị của bản thân sau khi đã dàn xếp tương đối ổn các vấn đề của gia đình và đã tích lũy được những kinh nghiệm làm việc nhất định. Tuy nhiên, điều rất đáng suy nghĩ là ở độ tuổi này, thời gian để những người Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 3 (123), 2013 phụ nữ có thể theo đuổi các mục tiêu chính trị đã hầu như không còn. Đa số họ chỉ còn tối đa là 5 năm cho mục tiêu này, nếu trước đó họ chưa từng được bổ nhiệm vào một chức vụ quản lý nào. Từ 50 tuổi trở lên, người phụ nữ không còn một cơ hội nào để có thể lần đầu đặt chân vào các vị trí lãnh đạo chính trị. 2.2. Điều hòa mâu thuẫn và xung đột vai trò Các đối tượng nghiên cứu đã nêu ra một số biện pháp giúp họ điều hòa mâu thuẫn giữa các vai trò công việc và gia đình. Như thể hiện trong Biểu đồ 2, trong số các phương án trả lời đối với câu hỏi "Khi cố gắng điều hòa cuộc sống gia đình, hoạt động chuyên môn và hoạt động chính trị, anh/chị sử dụng những biện pháp nào sau đây?" việc "hy sinh một số mục tiêu chuyên môn" và "giảm bớt hoạt động chính trị" của cả bản thân hoặc của bạn đời đều không phải là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Tỷ lệ những người đồng ý với các biện pháp đó đều khá nhỏ, chiếm khoảng dưới 10%, và hầu như không có sự khác biệt giữa hai nhóm giới tính. Trong khi đó, biện pháp "nhờ/thuê người khác làm việc nhà" lại nhận được sự đồng tình của nhiều người hơn, với khoảng 21% nam giới và 29% nữ giới tham gia trả lời trong nghiên cứu. Đáng chú ý nhất là việc các đối tượng nghiên cứu đánh giá cao giải pháp "hy sinh một số nhu cầu cá nhân" của bản thân và của vợ/chồng mình trong nỗ lực điều hòa cuộc sống gia đình. Dữ liệu nghiên cứu cũng thể hiện rằng các đối tượng trả lời phỏng vấn có xu hướng nhấn mạnh vào việc "hy sinh một số nhu cầu cá nhân" của bản thân hơn so với việc hy sinh các nhu cầu này của bạn đời. Tuy vậy, đối với cả hai loại biện pháp này, mức độ đồng thuận của nhóm nam là cao hơn ở nhóm nữ. Biểu đồ 2: Các giải pháp điều hòa mâu thuẫn giữa cuộc sống gia đình, công việc chuyên môn và sự nghiệp chính trị, theo giới tính Đơn vị: % 77.0 Bản thân hy sinh một số nhu cầu cá nhân* 66.9 55.5 Động viên vợ/chồng hy sinh một số nhu cầu cá nhân 45.1 21.5 Nhờ/thuê người khác làm việc nhà 28.6 7.3 Động viên vợ/chồng giảm bớt hoạt động chính trị 3.0 5.2 Bản thân hy sinh một số mục tiêu chuyên môn 5.3 4.7 Động viên vợ/chồng hy sinh một số mục tiêu chuyên môn 1.5 4.2 Bản thân giảm bớt hoạt động chính trị* 9.8 Nam Nữ *p<.05 Nguồn: Khảo sát về quyền lực giới và lãnh đạo chính trị ở Việt Nam 2006 Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 3 (123), 2013 Giá trị của hôn nhân và cuộc sống gia đình, theo quan niệm của các đối tượng nghiên cứu, còn được thể hiện ở ưu tiên lựa chọn của họ đối với cuộc sống gia đình, công việc chuyên môn, hay sự nghiệp chính trị sau khi kết thúc khóa học tại Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Như trình bày trong Bảng 1, trong khi hầu như không có sự khác biệt trong lựa chọn đối với công việc chuyên môn, thì lại có những khác biệt đáng kể trong lựa chọn đối với sự nghiệp chính trị và cuộc sống gia đình giữa các nhóm đối tượng nghiên cứu. Các đối tượng nghiên cứu tỏ ra khá thống nhất trong quan điểm ứng xử đối với công việc chuyên môn, như thể hiện ở sự không khác nhau nhiều về lựa chọn các mục tiêu trong lĩnh vực này. Đồng thời, họ cũng quan tâm nhiều đến việc trau dồi tri thức chuyên môn của bản thân. Đối với nhiều người, việc thành đạt trong nghề nghiệp chuyên môn là nền tảng bảo đảm cho cuộc sống tốt hơn so với việc thành đạt trong sự nghiệp chính trị, nhất là đối với phụ nữ. Khuynh hướng này về thực chất có phần phản ánh một triết lý lâu đời của người Việt Nam khi so sánh khoảng thời gian một ai đó đóng vai trò là người lãnh đạo hay không: Quan nhất thời, dân vạn đại. Có hai khuynh hướng đối lập nhau trong quan điểm của nhóm ưu trội chính trị Việt Nam về sự nghiệp chính trị và cuộc sống gia đình. Gần một nửa số đối tượng nam giới khẳng định rằng theo đuổi sự nghiệp chính trị là ưu tiên số một của họ sau khi hoàn thành khóa học tại Học viện, nhưng con số tương ứng chỉ chiếm chưa đến một phần ba ở nhóm phụ nữ. Điều này cho thấy xu hướng ưu tiên sự nghiệp chính trị ở nam giới là mạnh hơn ở phụ nữ rất nhiều. Mặt khác, phụ nữ lại có xu hướng ưu tiên cho cuộc sống gia đình hơn so với nam giới. Cuộc sống gia đình được xác định là ưu tiên số một của 44% số phụ nữ thuộc nhóm ưu trội chính trị được phỏng vấn, trong khi chỉ có 33,5% nam giới xác định như vậy. Từ kết quả nghiên cứu này, có thể thấy khá rõ rằng phụ nữ thuộc nhóm ưu trội chính trị Việt Nam, cũng như đông đảo phụ nữ thuộc các nhóm xã hội khác, coi cuộc sống gia đình là quan trọng hơn rất nhiều so với sự nghiệp chính trị. Xu hướng này thể hiện theo chiều ngược lại so với suy nghĩ của nhóm nam giới. Bảng 1: Thứ tự ưu tiên cho sự nghiệp chính trị, công việc chuyên môn, và cuộc sống gia đình, theo giới Lĩnh vực và thứ tự ưu tiên Nam (%) Nữ (%) Chung (%) Sự nghiệp chính trị Ưu tiên 1 47,7 31,1 41,6 Ưu tiên 2 29,5 26,2 28,3 Ưu tiên 3 22,7 42,7 30,1 Công việc chuyên môn Ưu tiên 1 53,4 56,3 54,5 Ưu tiên 2 36,0 38,4 36,9 Ưu tiên 3 10,7 5,4 8,6 Cuộc sống gia đình Ưu tiên 1 33,5 44,0 37,7 Ưu tiên 2 28,1 38,5 32,2 Ưu tiên 3 38,3 17,4 30,1 Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 3 (123), 2013 Nguồn: Khảo sát về quyền lực giới và lãnh đạo chính trị ở Việt Nam 2006 Nhìn chung, các quan niệm truyền thống về vai trò giới vẫn tồn tại khá phổ biến ở cả nam giới và phụ nữ thuộc nhóm ưu trội chính trị. Cả nam và nữ đối tượng nghiên cứu đều tương đối nhất trí với mô hình "nam ngoại, nữ nội". Hơn nữa, nhóm nam giới cũng thể hiện khao khát mạnh mẽ của họ trong việc thăng tiến trong sự nghiệp chính trị. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu trích từ các phỏng vấn sâu, về ứng xử của hai giới khi được đặt câu hỏi: "Nếu phải chọn giữa sự nghiệp chính trị, công việc chuyên môn, và cuộc sống gia đình, anh/chị sẽ chọn như thế nào?". Ứng xử của phụ nữ “Tất nhiên là tôi chọn gia đình. Tôi nghĩ là gia đình phải được ưu tiên nhất " (PVS, nữ, 43 tuổi, đã kết hôn, 2 con, Phó Phòng, cấp huyện, miền Bắc). “Là phụ nữ thì không được quên mình là người vợ và người mẹ Trước hết mình phải hoàn thành bổn phận gia đình của mình ". (PVS, nữ, 42 tuổi, đã kết hôn, 2 con, Trưởng Ban, cấp xã phường, miền Trung) “Phụ nữ mà không chồng không con thì chả là gì cả" (PVS, nữ, 46 tuổi, đã kết hôn, 2 con, chuyên viên, cấp tỉnh, miền Nam) “Cũng khó nói lắm Thực ra, ai mà chẳng muốn được thăng chức? Nhưng phụ nữ có thể có nhiều khó khăn hơn. Nếu mình quá chú trọng vào chính trị thì ông chồng ông ấy sẽ chán. Kể cả là mình có được vị trí cao, nhưng mà con cái hư hỏng, học hành không ra gì, thì có ai chấp nhận mình không? Đấy là chưa kể đến những ông chồng đầu óc hẹp hòi, không chấp nhận vợ hơn mình nữa chứ. Nói gì thì nói, em cũng vẫn phải ưu tiên gia đình hơn" (PVS, nữ, 36 tuổi, đã kết hôn, 2 con, Trưởng Ban, cấp xã phường, miền Nam) “Trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già. Tôi 34 tuổi rồi. Chị thấy đấy quá nhiều áp lực nhiều lúc tôi cũng cảm thấy buồn. Tôi đã làm gì sai? Chả lẽ tôi phải vứt bỏ tiền bạc, chức vụ đi thì mới được thực hiện cái quyền phụ nữ của mình à? Thế đấy cho dù mình có hiện đại, xinh đẹp, tài giỏi và kiếm được nhiều tiền, mình cũng không được xã hội đánh giá cao nếu mình chưa có được cái chứng nhận kết hôn". (PVS, nữ, 34 tuổi, chưa kết hôn, Phó Phòng, cấp huyện, miền Trung) Ứng xử của nam giới “Tất nhiên đàn ông là phải tập trung vào phát triển sự nghiệp chính trị rồi. Nói thật nhé, bọn mình ai mà chả thế. Vào học ở Học viện, ông nào chả nhắm cho mình cái ghế cao hơn. Nếu không thì về nhà mà đuổi gà cho vợ" (PVS, nam, 46 tuổi, đã kết hôn, 1 con, Trưởng Ban, cấp trung ương, miền Bắc) “Đương nhiên là chính trị rồi. Làm trai cho đáng nên trai, phải làm lãnh đạo chứ Khi anh đã thành đạt về chính trị rồi thì tự nhiên anh sẽ có tất cả những cái khác". (PVS, nam, 42 tuổi, đã kết hôn, 2 con, Trưởng Phòng, cấp huyện, miền Trung) Không chỉ có vậy, một số nam giới còn tỏ thái độ khá gay gắt đối với việc ưu tiên sự nghiệp chính trị của phụ nữ: Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 3 (123), 2013 “Tôi không nghĩ một người phụ nữ đặt sự nghiệp chính trị cao hơn cuộc sống gia đình lại là người phụ nữ tốt. Không thể tưởng tượng nổi nếu vợ tôi mà như thế thì thế nào" . (PVS, nam, 52 tuổi, đã kết hôn, 2 con, Trưởng Ban, cấp xã phường, miền Bắc) “Theo tôi thì gia đình hạnh phúc chính là cái làm cho người phụ nữ hạnh phúc. Nếu chị ta cũng thành đạt trong sự nghiệp nữa thì cũng tốt, ví dụ như nghiên cứu khoa học chẳng hạn. Nhưng việc theo đuổi chính trị thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Giữa gia đình và công việc, quá nghiêng về bên nào thì cũng đều không ổn". (PVS, nam, 52 tuổi, đã kết hôn, 2 con, Trưởng Ban, cấp xã phường, miền Trung) Như vậy, với trường hợp nhóm nữ ưu trội chính trị Việt Nam, việc trở thành một người lãnh đạo chưa bao giờ được nhìn nhận là vai trò có tác dụng bổ trợ cho hình ảnh “một người phụ nữ tốt". Nói cách khác, việc ưu tiên công việc hơn gia đình là không được chấp nhận một cách phổ biến đối với phụ nữ. Không giống phụ nữ ở các nền văn hóa khác, phụ nữ Việt Nam không dễ giải quyết vấn đề xung đột vai trò bằng cách lựa chọn những loại nghề nghiệp hay công việc linh hoạt hơn, theo kiểu ít phải làm việc thêm giờ, hay có thể điều chỉnh giờ làm việc linh hoạt cho phù hợp với nhu cầu của giới mình, như gợi ý của một số tác giả (Bergman, 1992; Charles, 1992). Tóm lại, có thể nói rằng đối với các phụ nữ thuộc nhóm ưu trội chính trị Việt Nam, việc vừa theo đuổi sự nghiệp chính trị vừa duy trì được cuộc sống gia đình hạnh phúc là vô cùng thách thức. Thực trạng bình đẳng giới ở Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với tình trạng ở một số nước như Canađa, Ý, Ba Lan, và Rumani vào cuối những năm 1970, như thể hiện trong kết quả nghiên cứu của Vianello và cộng sự (Vianello et al. 1990:107). Mặc dù có thể hiện những khác biệt nhất định trên nhiều khía cạnh, nam giới và phụ nữ ưu trội chính trị Việt Nam vẫn thống nhất cao độ về việc coi công việc nội trợ về cơ bản là bổn phận của phụ nữ. Do đó, để có thể điều hòa được vai trò là người vợ/người mẹ với vai trò là người lãnh đạo, về thực chất các nữ chính trị gia phải chịu “gánh nặng kép". Trong thực tế, không có nhiều người thành công trong việc điều hòa như vậy. Nói cách khác, việc duy trì hạnh phúc gia đình đồng thời với việc theo đuổi mục tiêu chính trị là một mục tiêu vô cùng khó thực hiện đối với các cán bộ nữ. Đã có rất nhiều câu chuyện thực về những bi kịch gia đình ở các trường hợp người phụ nữ đặt ưu tiên hơn cho mục tiêu thăng tiến chính trị. Để có thể theo đuổi mục tiêu chính trị, người phụ nữ có thể bị rơi vào tình trạng ly hôn hoặc sống ly thân với chồng của mình. Ngược lại, nếu người phụ nữ dành nhiều thời gian và sức lực cho cuộc sống gia đình thì sẽ có rất ít cơ hội để được thăng tiến trong sự nghiệp chính trị. Cái giá mà người cán bộ nữ phải trả để đạt được cả hai mục tiêu này là vô cùng to lớn. Những người chấp nhận và có đủ khả năng để trả cho cái giá đó sẽ thành công trong việc đạt được cả các mục tiêu trong cuộc sống gia đình và sự nghiệp chính trị. Những rào cản đối với sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam vẫn còn rất lớn. Nhiều người phụ nữ vẫn cho rằng việc lựa chọn sự nghiệp chính trị và cuộc sống gia đình là điều vô cùng nan giải, như tác giả Tô Duy Hợp (2004) đã từng đề cập. Kết luận Vấn đề giải quyết mâu thuẫn giữa công việc và gia đình chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là đối với phụ nữ. Như thể hiện trong bài viết, có những khác biệt đáng kể trong cách thức mà nam giới và phụ nữ thuộc nhóm ưu trội chính trị Việt Nam giải quyết các căng thẳng và xung đột vai trò đó. Những khác biệt giữa họ phản ánh những khuynh hướng khác nhau mà nam giới Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 3 (123), 2013 và phụ nữ phải đối mặt, cũng như các chiến lược họ sử dụng để vươn tới các vị trí lãnh đạo, quản lý, và cách thức khác nhau của họ trong tiếp cận các cơ hội thăng tiến. Một mặt, phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến các bổn phận gia đình và đến những mong đợi đối với họ với tư cách người vợ và người mẹ. Những mối quan tâm này có thể kéo họ lùi về phía sau một cách đáng kể trên con đường sự nghiệp chính trị. Do đó, một người phụ nữ muốn có được vị trí cao hơn trong lãnh đạo thì phải vượt qua những rào cản như vậy. Hơn nữa, người phụ nữ đó cũng phải phấn đấu để xuất sắc vượt lên trên các đồng nghiệp nam giới của mình để có thể được cất nhắc lên các vị trí cao hơn tại nơi làm việc. Trong khi đó, nam giới được hưởng những điều kiện thuận lợi hơn phụ nữ rất nhiều. Dường như nam giới khá rảnh rỗi trước những bổn phận mà phụ nữ thường phải gánh vác. Do vậy, họ quan tâm nhiều hơn đến những gì có thể giúp họ củng cố và cải thiện địa vị chính trị của mình, bao gồm những vấn đề như kỹ năng chuyên môn, tiền bạc, và mạng lưới quan hệ xã hội tốt. Với thực tế tư duy truyền thống ở Việt Nam luôn coi lãnh đạo chính trị là lãnh địa của nam giới, cộng với những hạn chế về việc phụ nữ khó có được những giải pháp điều chỉnh công việc như đã đề cập, có thể khẳng định rằng nhóm nữ ưu trội chính trị ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn nam giới trong giải quyết xung đột vai trò trong thực hiện công việc và nhiệm vụ gia đình. Do vậy, họ không hào hứng bằng các đồng nghiệp nam giới trong đón nhận những thăng tiến về mặt chính trị. Việc giải quyết mâu thuẫn và xung đột vai trò giới vẫn đang là thách thức rất lớn đối với phụ nữ Việt Nam trên con đường chính trị. Tài liệu trích dẫn Barnett, R.C.and G.K. Baruch. 1985. "Women's Involvement in Multiple Roles and Psychological Distress". Journal of Personality and Social Psychology 49(1):135- 145. Barnett, R.C., S.W. Raudenbush, R.T. Brennan, J.H. Pleck, and N.L. Marshall. 1995. "Change in Job and Marital Experiences and Change in Psychological Distress: A Longitudinal Study of Dual-Earner Couples". Journal of Personality and Social Psychology 69:839-850. Bergman, B. 1992. "The Job of Housewife". in Feminist Philosophies: problems, theories, and applications, edited by J.P. Sterba, J.A. Kourany, and R. Tong. Englewood Cliffs: N.J.: Prentice-Hall. Charles, M. 1992. "Cross-national Variations in Occupational Sex Segregation". American Sociological Review 57(4):483-502. Chusmir, L.H. 1986. "Gender Differences in Variables Affecting Job Commitment among Working Men and Women". Journal of Social Psychology 126:87-94. Chusmir, L.H.and C.S. Koberg. 1988. "Gender Identity and Sex Role Conflict among Working Men and Women". Journal of Psychology 122(6):567-575. —. 1989. "Perceived Work Competence and Sex Role Conflict: An Empirical Study". Journal of Psychology 123(6):537-546. Cowan, R.S. 1983. More Work for Mother. New York: Basic Books. Epstein, C.F. 1990. "Foreword". Pp. xix-xxii in Gender Inequality: A Comparative Study of Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 3 (123), 2013 Discrimination and Participation. London, Newbury Park, Calif: Sage Publications. Fiorentine, R. 1988. "Increasing Similarity in the Values and Life Plans of Male and Female College Students? Evidence and Implications". Sex Roles 18:143-158. Fowlkes, M.R. 1987. "Role Combinations and Role Conflict: Introductory Perspective". in Spouse, Parent, Worker, edited by F.J. Crosby. New Haven, CT: Yale University Press. Fuchs, V.R. 1989. "Women's Quest for Economic Equality". Journal of Economic Perspectives 3:2541. Gray, J.D. 1983. "The Married Professional Woman: An Examination of Her Role Conflicts and Coping Strategies". Psychology of Women Quarterly 7:235-243. Hochschild, A.R. 1989. The Second Shift. New York: Avon Books. Jacobs, J. 1989. Revolving Doors: Sex Segregation and Women's Careers. Stanford, CA: Stanford University Press. Kaufman, D.R. 1992. "Professional Women: How Real Are the Recent Gains?" in Feminist philosophies, edited by J.A. Kouraney, J.P. Sterba, and R. Tong. Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall. Knudsen, L.B. 1995. "Do Gender-Specific Differences in Fertility Pattern in Denmark Reflect Different Expectations to Men and Women?" Presented at EAPS-IUSSP Seminar: Evolution or Revolution in European Population, Milano: Franco Angeli. Koberg, C.S.and L.H. Chusmir. 1989. "Relationship between Sex Role Conflict and Work- related Variables: Gender and Hierarchical Differences". Journal of Social Psychology 129:779-791. Kramer, D.A.and J. Melchior. 1990. "Gender, Role Conflict, and The Development of Relativistic and Dialectic Thinking". Sex Roles 25:553-573. Menaghan, E.G. 1989. "Role Changes and Psychological Well-Being: Variations In Effects By Gender and Role Repertoire". Social Forces 67:693-714. Moore, D. 1991. "Entitlement and Justice Evaluations: Who Should Get What and Why?" Social Psychology Quarterly 54:208-223. —. 1992. Labor Market Segmentation and Its Implications: Social Justice, Relative Deprivation and Entitlement. New York: Garland Publishing. Pleck, J.H. 1977. "The Work-family Role System". Social Problems 24:17-27. Ross, C.E., J. Mirowsky, and J. Huber. 1983. "Diving Work, Sharing Work, and In Between: Marriage Patterns and Depression". American Sociological Review 48:809-823. Simon, R.W. 1995. "Gender, Multiple Roles, Role Meaning, and Mental Health". Journal of Health and Social Behavior 36: 182-194. Smock, P.J.and W.D. Manning. 1997. "'Cohabiting Partners' Economic Circumstances and Marriage". Demography 34(3): 331-341. Stefano, G.D.and A. Pinnelli. 2004. "Demographic Characteristics and Family Life". Current Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 3 (123), 2013 Sociology 52(3):339-369. Tausig, M. 1999. "Work and Mental Health". Pp. 255-276 in Handbook of the Sociology of Mental Health, edited by C.S. Aneshensel and J.C. Phelan. New York: Kluwer Academic/Plenum. Thoits, P.A. 1986. "Multiple Identities: Examining Gender And Marital Status Differences In Distress". American Sociological Review 51:259-272. Tô Duy Hợp. 2004. "Báo cáo kết quả khảo sát định tính miền Bắc [Report of the qualitative research in the North]". trong Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị. Ban Tổ chức Trung ương. Vianello, M.and G. Moore. 2000. "Gendering Elites: Economic and Political Leadership in 27 Industrialized Societies". London: Macmillan. Vianello, M., R. Siemienska, N. Damian, E. Lupri, R. Coppi, E. D'Arcangelo, S. Bolasco, and C.F. Epstein. 1990. Gender Inequality: A Comparative Study of Discrimination and Participation. London, Newbury Park, Calif: Sage Publications. Weitzman, L.J. 1984. "Sex Role Socialization: A Focus on Women". in Women: A Feminist Perspective, edited by J. Freeman. Palo Alto, CA: Mayfield. Wiley, M.G. 1991. "Gender, Work, and Stress: The Potential Impact of Role Identity Salience and Commitment". Sociological Quarterly 32:495-510. Windle, M.and L. Dumenci. 1997. "Parental And Occupational Stress As Predictors Of Depressive Symptoms Among Dual-Income Couples: A Multilevel Modeling Approach". Journal of Marriage and the Family 59:625-634. Zappert, L.T.and H.M. Weinstein. 1985. "Sex Differences And The Impact Of Work On Physical And Psychological Health". American Journal of Psychiatry 142:1174-1178. Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn