Giáo trình Sinh học phát triển động vật
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Sinh học phát triển động vật", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- giao_trinh_sinh_hoc_phat_trien_dong_vat.pdf
Nội dung text: Giáo trình Sinh học phát triển động vật
- SINH HỌC PHÁT TRIỂN ĐỘNG VẬT
- 1 Chương 1 Khái niệm về sự phát triển I.Nguyên lý của thuyết biểu sinh Một trong những vấn đề trung tâm của sinh học phát triển là nguyên lý của thuyết biểu sinh (epigenesis). Theo đó thì phần lớn các loài sinh vật đều khởi đầu từ những tổ chức đơn giản sau đó mới trở thành những tổ chức cơ thể phức tạp. Thuyết biểu sinh biểu thị một phần chu kỳ sống của sinh vật. Hầu hết cá thể sinh vật bắt đầu sự sống khi trứng thụ tinh, trải qua quá trình phát triển phôi, giai đoạn con non, sau đó là giai đoạn trưởng thành. Đến lượt mình cá thể trưởng thành tạo ra trứng và tinh trùng kết hợp với nhau để cho ra chu kỳ sống của thế hệ con cái. Khi một cơ thể phát triển từ một trứng thụ tinh rõ ràng là một quá trình phức tạp. Điều này cho thấy tổ chức của trứng không hề đơn giản. Một trứng có đầy đủ các bào quan và có cơ chế điều hòa tinh vi của một tế bào sống. Trứng cũng là một tế bào chuyên hóa, được cấu tạo để thực hiện vai trò trong phát triển. Nó được bảo vệ bởi một lớp vỏ chung quanh nhưng cũng sẵn sàng đón nhận tinh trùng khi thụ tinh. Nó không những đón nhận những chất dinh dưỡng mà còn mang đầy đủ các thông tin cấu trúc xác định các cơ quan bộ phận trong tương lai. Khả năng một trứng thụ tinh phát triển thành một cơ thể trưởng thành phức tạp là một kỳ công vĩ đại của thiên nhiên. Thuật ngữ dùng mô tả hiện tượng này là thuyết biểu sinh. Nguyên lý thuyết biểu sinh đã được Aristotle (384-322 TCN) thừa nhận đầu tiên khi ông quan sát sự phát triển phôi gà và các con vật khác. Tuy nhiên, vào thế kỷ XVII, người ta lại đi theo thuyết tiên thành (preformation). Thuyết này cho rằng ngay trong tế bào mầm đã có một cơ thể nhỏ và cơ thể này gia tăng kích thước trong quá trình phát triển. Về sau cùng với sự ra đời của kính hiển vi và bằng phương pháp luận mới, tính ưu việt của thuyết biểu sinh đã thống trị trong suốt thế kỷ XVIII. Nhà giải phẫu học người Đức K. F. Wolff (1733-1794) đã chỉ ra rằng nếu cơ thể được hình thành sớm trong tinh trùng hay trứng thì sự phát triển chỉ gia tăng về kích thước và như thế phôi sẽ trông giống như một cơ thể nhỏ. Tuy nhiên, các quan sát của Wolff cho thấy phôi gà đang phát triển không giống với con gà con mới nở. Hơn nữa, nhiều nhà khoa học đã khám phá sự khác nhau giữa phôi, giai đoạn con non và giai đoạn trưởng thành và vì vậy mà thuyết tân thành đã bị đi vào lãng quên. Ngày nay thuyết biểu sinh được xem là nguyên lý chủ đạo của sự phát triển còn cơ chế phân tử và tế bào đóng vai trò kiến thức cơ sở của sự phát
- 2 triển. Axit nucleic trong trứng và tinh trùng mang vật chất di truyền được mã hóa bởi các nucleotit của ADN. Bộ gen của loài cung cấp các thông tin cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển cá thể trong suốt đời sống. II. Các giai đoạn phát triển trong chu kỳ sống Sự liên tục phát triển mở đầu bằng trứng thụ tinh cho đến giai đoạn trưởng thành rồi được lặp lại qua sự sinh sản được xem như là một chu kỳ sống. Các nhà sinh học phân chia chu kỳ sống ra làm ba thời kỳ: phát triển phôi, phát triển hậu phôi và trưởng thành. Mỗi thời kỳ lại phân chia ra nhiều giai đoạn. Để minh họa một chu kỳ sống của động vật, chúng ta xem xét sự phát triển của loài ếch Xenopus laevis ở Nam Phi, một đối tượng nghiên cứu tốt về sinh học phát triển hiện nay. Thuật ngữ phôi được dùng chung để mô tả sự phát triển cá thể từ thụ tinh cho đến khi biệt hóa mô và cơ quan. Thời kỳ này được gọi là sự phát triển phôi được phân chia thành các giai đoạn: thụ tinh, phân cắt, tạo phôi vị (phôi vị hóa), phát sinh cơ quan và phát sinh mô.Sự thụ tinh là sự kết hợp trứng với tinh trùng. Trứng là một tế bào có kích thước lớn chứa đầy chất dinh dưỡng để giúp phôi phát triển cho đến khi con vật tự lấy thức ăn từ bên ngoài. Phần lớn trứng đều có một cực động vật và thực vật. Cực động vật là cực có chứa nhân còn cực đối diện là cực thực vật. Ở Xenopus, cực động vật chứa sắc tố trong khi cực thực vật sáng hơn vì chứa khối noãn hoàng lớn. Tinh trùng là một tế bào chuyên hóa cao với chức năng tìm và thụ tinh với trứng. Sau khi thụ tinh bởi một tinh trùng, trứng được gọi là hợp tử. Sự thụ tinh tạo ra và thúc đẩy mạnh các hoạt động biến dưỡng, chủ yếu là tổng hợp ADN và protein. Trong quá trình phân cắt, hợp tử phân chia thành 2, 4, 8, 16, 32, 2n tế bào hay còn gọi là các phôi bào. Lúc đầu phôi là một tế bào đặc gọi là phôi dâu (morula), sau đó là một khối tế bào rỗng với một lớp tế bào gọi là phôi nang (blastula). Giai đoạn tiếp theo là sự phôi vị hóa. Trong toàn bộ phôi diễn ra một loạt các chuyển động tạo hình. Các phôi bào di nhập vào bên trong, sắp xếp lại tạo thành một lớp phôi bào thứ hai. Phôi ở giai đoạn này gọi là giai đoạn phôi vị. Lúc này phôi có hai lá phôi (lá phôi ngoài và lá phôi trong), ở giữa có ruột nguyên thủy và bên trên có một lỗ là phôi khẩu. Sau đó phôi chuyển sang giai đoạn tạo trung bì (lá phôi giữa) để hình thành một phôi có ba lá phôi gọi là các lớp tế bào mầm. Trong giai đoạn tiếp theo của sự phát triển phôi, các lớp tế bào mầm diễn ra mạnh mẽ các chuyển động tạo hình và tương tác với các phần khác tạo cơ sở hình thành các cơ quan ấu trùng. Ở quá trình được gọi là phát sinh cơ quan này, phôi thể hiện rõ hình dạng cơ bản của con vật. Cuối cùng là sự phát sinh mô, trong đó các tế bào sẽ chuyên hóa để đảm nhận các chức năng khác nhau. Thời kỳ phát triển hậu phôi bắt đầu từ khi kết thúc phát triển phôi cho đến khi bắt đầu giai đoạn trưởng thành. Trong thời kỳ này con vật có dạng như
- 3 Hình 1.1 Chu kỳ sống của ếch (Theo K. Kalthoff, 1996) 1. Thụ tinh 2. Phân cắt 3. Tạo phôi vị 4. Phát sinh cơ quan 5. Phát sinh mô 6. Nở 7. Phát triển hậu phôi 8. Trưởng thành 9. Phôi nang 10. Vị trí của tế bà mầm 11. Ngoại bì 12. Trung bì 13. Nội bì 14. Trứng 15. Tinh trùng một cơ thể trưởng thành thu nhỏ. Ở ếch nhái và nhiều loài động vật khác, trải qua giai đoạn trung gian gọi là ấu trùng. Nói chung thời kỳ ấu trùng bắt đầu từ khi con vật thoát ra khỏi vỏ trứng. Đặc trưng của ấu trùng là có khả năng di chuyển, dinh dưỡng, đồng thời gia tăng về khối lượng. Tuy nhiên, ấu trùng có hình dạng và lối sống khác với dạng trưởng thành và có tên khác, chẳng hạn như nòng nọc của ếch. Nòng nọc có những cơ quan như ếch trưởng thành là mắt, não bộ, tim, nhưng cũng có những cơ quan đặc biệt như mang và đuôi. Sự biến đổi từ ấu trùng sang dạng trưởng thành gọi là biến thái.
- 4 Thời kỳ trưởng thành bắt đầu khi con vật thành thục sinh dục, tạo ra trứng và tinh trùng. III. Tổ chức kiểu mẫu và trường phôi Sau khi xem xét chu kỳ sống, chúng ta sẽ đề cập đến một khía cạnh cơ bản khác của sự phát triển gọi là tổ chức kiểu mẫu (pattern formation). Đây là sự phát triển một cách trật tự của các yếu tố khác nhau. Ví dụ điểm mắt trên cánh của các loài bướm. Chúng xuất hiện nhằm đánh lạc hướng kẻ thù. Điểm mắt được tạo nên do sự biệt hóa của các tế bào liên quan với các sắc tố khác nhau. Các tế bào có màu sáng xanh tạo thành một điểm ở chính giữa còn các tế bào với các sắc tố đen và nâu sáng tạo thành một vòng bao quanh. Như vậy tổ chức kiểu mẫu đòi hỏi tế bào phải có cách thể hiện khác nhau và đúng cách thì mới có hiệu quả trong việc đánh lạc hướng. Tổ chức kiểu mẫu hình thành trong tất cả các giai đoạn của sự phát triển theo những tỷ lệ khác nhau từ sự sắp xếp của các cấu trúc hiển vi cho đến các cơ quan trong sơ đồ cấu tạo cơ thể. Đặc biệt là khi biệt hóa để hình thành mô. Mô sắp xếp đúng kiểu trong cơ quan. Cơ quan sắp xếp theo sơ đồ cơ bản của cơ thể. Chẳng hạn tim của động vật có xương sống nằm ở mặt bụng, cột sống phát triển ở mặt lưng và hệ thần kinh trung ương nằm trong cột sống và hộp sọ. Một nhóm các tế bào kết hợp để tạo thành cơ quan hoặc cơ thể được gọi là trường phôi (embryonic fields). Sự thiết lập trường phôi và tổ chức kiểu mẫu là những hiện tượng cơ bản trong phát triển mặc dù đang còn ít được biết đến. Không phải chỉ có sự biệt hóa tế bào về mặt số lượng mà còn biệt hóa về sự sắp xếp các cơ quan trong cơ thể. IV. Điều khiển di truyền của sự phát triển Tất cả các thông tin quan trọng đối với việc tạo ra kiểu cơ thể của sinh vật, đối với sự biệt hóa tất cả các tế bào, đối với việc điều khiển chu kỳ sống đều nằm trong một tế bào duy nhất đó là hợp tử. Hợp tử mang cấu trúc để xây dựng và duy trì sinh vật toàn vẹn từ lần phân chia tế bào đầu tiên cho đến khi chết. Tất cả những thông tin đó nằm trong một vật chất di truyền đã được biết đến đó là ADN. Đơn vị chức năng của thông tin này gọi là gen. Gen ảnh hưởng đến hình thái và hoạt động của tế bào trong một cơ thể ở tất cả các giai đoạn phát triển của chu kỳ sống. Thật ra, gen điều khiển việc tạo ra và các tính chất của phân tử dựa trên cơ sở của sự phát triển. Bởi gen được sao chép thành ARN và được phiên mã thành polypeptit. Sự phát triển của hợp tử bé nhỏ được hướng dẫn bởi các gen gốc. ARN và protein được mã hóa bởi các gen gốc đã được tổng hợp và xác định trong trứng trong quá trình tạo trứng. Gen của phôi hay là gen của hợp tử được di truyền từ cả bố và mẹ sẽ điều khiển sự phát triển. Gen trong tế bào gốc sẽ được nhân đôi trong quá trình phát triển. ADN và mARN được tích lũy để đẩy nhanh sự phát triển và
- 5 được sử dụng bởi tất cả các phôi bào giống nhau. Các sản phẩm của các gen gốc khác phân bố không đều ở trong trứng. Vì vậy, số lượng của chúng không giống nhau trong các phôi bào khác nhau. Nếu các sản phẩm gen xác định bị biến đổi bởi sự đột biến khi các gen gốc mã hóa thì tổ chức cơ thể của phôi đang phát triển sẽ có một số xáo trộn. Ví dụ: Drosophila cái thiếu cả hai gen bicaudal+ sinh ra ruồi giấm con có phần sau thân gấp đôi trong khi phần đầu và phần ngực bị thiếu. Kiểu hình đặc biệt này phát triển độc lập với các alen bicaudal của cá thể đực. Các phân tích di truyền và phân tử cho thấy protein bicaudal được phiên mã từ mARN trong buồng trứng. Phôi xuất phát từ các cá thể cái không có các alen bicaudal chức năng. Gen điều khiển tạo ra phần đầu và phần ngực không hoạt động và phần trước của cơ thể không được tạo nên. Nhiều gen chỉ có một chức năng duy nhất trong phát triển và chỉ hoạt động trong một vài giai đoạn của sự phát triển hoặc trong một số nhóm tế bào. Các đột biến không bình thường khi biểu thị các gen này đã làm phong phú nguồn thông tin để phân tích sự phát triển. Các kiểu hình tạo ra do các đột biến đó đặc biệt tìm thấy trong thời kỳ đầu của chu kỳ sống cung cấp các đầu mối có giá trị về vai trò sinh học của các gen này trong phát triển.
- 6 Chương 2 Vai trò của tế bào trong sự phát triển I. Nguyên lý tính liên tục của tế bào Như chúng ta đã biết tẩt cả các sinh vật đều được cấu tạo bởi các tế bào. Học thuyết về tế bào đã được M. Schleiden và sau đó là T. Schwann đề ra lần đầu tiên năm 1838. Trong những thập niên sau đó, các nghiên cứu đã cho thấy rằng các tế bào đã tăng lên qua sự tồn tại và phân chia. Đây là một khám phá quan trọng bởi các nhà khoa học trước đó nghĩ rằng các tế bào cũng có thể tự sinh ra từ những vật chất không có tế bào. Tuy nhiên điều này không bao giờ tìm thấy xảy ra dưới các điều kiện hiện nay trên trái đất, mặc dù các tế bào chắc chắn được tạo ra từ sự kết hợp của các chất vô cơ đơn giản dưới các điều kiện môi trường khác nhau trong thời kỳ đầu của lịch sử hành tinh chúng ta. Tính liên tục của tế bào đã được R.Virchow tóm tắt một cách súc tích vào năm 1858 rằng tất cả các tế bào đều được sinh ra từ các tế bào. Thành tựu quan trọng khác trong học thuyết tế bào là việc khám phá ra trứng và tinh trùng là những tế bào chuyên hóa và chúng được sinh ra từ các tế bào ở trong buồng trứng và tinh hoàn. Vào năm 1841, R. A. Koelliker chỉ ra rằng tinh trùng là những tế bào đặc biệt có nguồn gốc trong các tinh hoàn chứ không như nhiều người nghĩ chúng là những động vật ký sinh trong chất dịch của ống sinh tinh. Tương tự như vậy, vào năm 1861, K. Gegenbauer đã thừa nhận trứng là một tế bào đơn. Một vài năm sau, năm 1875, O. Hertwig đã quan sát hai nhân trong trứng cầu gai đã thụ tinh, một có nguồn gốc từ trứng và một có nguồn gốc từ tinh trùng. Các khám phá này đã thiết lập nguyên lí về tính liên tục của tế bào: tất cả các sinh vật đều được sinh ra do sự phân chia liên tục của tế bào. Điều này có nghĩa rằng các tế bào trong cơ thể chúng ta ngày nay là kết quả của một chuỗi tế bào được sinh ra từ bố mẹ, ông bà, tổ tiên của loài người, thú, chim, bò sát, cho đến các sinh vật đơn bào nguyên thủy sinh ra cách đây hàng tỷ năm. Sinh học hiện đại bắt đầu khi học thuyết tế bào đã được kết hợp với những quan sát về hoạt động của thể nhiễm sắc. Năm 1883, E. van Beneden chỉ ra rằng nhân của các giao tử tương đương với số lượng thể nhiễm sắc trong sự thụ tinh. Hoạt động thể nhiễm sắc trong việc tạo giao tử và sự thụ tinh đã cung cấp cơ sở khoa học cho định luật Mendel và các quan sát khác về di truyền. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, học thuyết này đã dựa trên tính liên tục của sự phân chia tế bào, sự sao chép nguyên văn và sự phân bố của thể nhiễm sắc.
- 7 II. Chu kỳ tế bào và sự điều khiển chu kỳ tế bào Chu kỳ tế bào là thời gian tồn tại của tế bào từ lúc được tạo thành do kết quả phân chia của tế bào mẹ cho tới lần phân chia của chính nó. Chu kỳ tế bào khác nhau trong từng lọai tế bào và trong từng giai đoạn phát triển khác nhau. Ví dụ: chu kỳ tế bào của các sinh vật chưa có nhân chính thức ( tiền nhân ) kéo dài từ 20-30 phút, chu kỳ tế bào của sinh vật có nhân chính thức ( nhân thật ) kéo dài từ 10-12 giờ. Hình 2.1 Sơ đồ biểu diễn chu kỳ tế bào (Theo K. Kalthoff, 1996) 1.Tổng hợp ARN 2.Nguyên phân 3.Tổng hợp ARN 4.Tổng hợp ADN 5.Gian kỳ Ở các sinh vật chưa có nhân chính thức, chu kỳ tế bào gồm có hai giai đoạn chính là sự tách đôi của phân tử ADN và sự phân chia tế bào chất. ADN của sinh vật chưa có nhân chính thức là một mạch đơn có dạng vòng. Sự phân đôi ADN xảy ra trước lúc bắt đầu phân chia tế bào. Mỗi phân tử ADN con gắn với các vùng khác nhau của màng sinh chất và sau đó chúng tách nhau ra. Sự phân chia tế bào chất lúc màng sinh chất mới và vách ngăn mới được tổng hợp ở phần giữa tế bào. Vách ngăn này phân chia tế bào làm hai phần, mỗi phần trở thành một tế bào con. Các tế bào con sau khi được hình thành có thể vẫn dính liền với nhau như ở vi khuẩn dạng sợi hoặc tách ra thành cơ thể mới như ở các loài vi khuẩn khác. Ở các sinh vật có nhân chính thức, chu kỳ tế bào gồm hai giai đọan chính là gian kỳ và phân chia tế bào. Gian kỳ là thời kỳ chuẩn bị các điều kiện vật chất và năng lượng cho sự phân bào. Đây là thời kỳ tế bào tăng trưởng mạnh
- 8 nhất và chiếm 90% thời gian của chu kỳ tế bào. Gian kỳ được chia làm ba kỳ nhỏ là kỳ trước tổng hợp (G1), kỳ tổng hợp (S) và kỳ sau tổng hợp (G2). Giai đoạn phân chia tế bào (M) bao gồm nguyên phân (mitosis) và phân chia tế bào chất (cytokinesis). Thời kỳ nguyên phân bao gồm bốn kỳ: - Kỳ trước (prophase) kéo dài từ 2-270 phút và diễn ra ở trong nhân. Ở kỳ này chất nhiễm sắc xoắn lại tạo thành thể nhiễm sắc. Mỗi thể nhiễm sắc gồm hai chromatid dính nhau ở tâm động. Sau đó thoi vô sắc xuất hiện và màng nhân biến mất. - Kỳ giữa (metaphase) kéo dài từ 0,3-170 phút. Hình thành các thể nhiễm sắc kép tập trung trên mặt phẳng xích đạo của thoi vô sắc. - Kỳ sau (anaphase) kéo dài từ 0,3-120 phút . Hai chromatid tách nhau ra ở tâm động thành các thể nhiễm sắc con. Các thể nhiễm sắc con trượt trên thoi vô sắc tiến về hai cực của tế bào. - Kỳ cuối (telophase) kéo dài từ 1.5-150 phút. Hai nhân con được hình thành ở hai cực của tế bào. Thể nhiễm sắc tháo xoắn. Thoi vô sắc biến mất. Thời kỳ phân chia tế bào chất diễn ra cùng lúc với sự hình thành nhân mới. Đầu tiên là việc hình thành rãnh phân cắt trên bề mặt tế bào, rãnh này thắt dần lại để tách ra thành hai tế bào con. Quá trình tách đôi tế bào động vật được thực hiện nhờ các sợi protein actin cực nhỏ có khả năng co rút tập trung dưới màng sinh chất ở vùng giữa của tế bào mẹ. Quá trình giảm phân: Giảm phân cũng gồm những giai đoạn cơ bản như nguyên phân. Tuy nhiên điểm khác biệt chính là các thể nhiễm sắc nhân đôi một lần nhưng lại chia đôi hai lần (giảm phân I và giảm phân II). Kết quả là tạo ra bốn tế bào con có bộ thể nhiễm sắc giảm đi một nửa so với tế bào mẹ. Giảm phân I: Đầu tiên thể nhiễm sắc tự nhân đôi. Mỗi thể nhiễm sắc gồm hai thể nhiễm sắc con tương đồng dính nhau ở tâm động. Giảm phân I chia làm bốn kỳ: - Kỳ trước I chiếm 90% của giảm phân. Thể nhiễm sắc hình thành những sợi nhiễm sắc mảnh có một đầu dính vào màng nhân, sau đó các thể nhiễm sắc đồng dạng bắt cặp với nhau và xảy ra quá trình trao đổi chéo. Hai trung tử tách nhau ra và đi về hai cực của tế bào. - Kỳ giữa: các cặp thể nhiễm sắc tương đồng tập trung ở mặt phẳng xích đạo của thoi vô sắc. Mỗi thể nhiễm sắc ngắn lại và dài lên đồng thời gắn vào một sợi của thoi vô sắc. - Kỳ sau: mỗi thể nhiễm sắc kép trong cặp tương đồng di chuyển về một cực của tế bào.
- 9 - Kỳ cuối: đồng thời với sự phân chia nhân, tế bào chất cũng phân chia tạo ra hai tế bào con đơn bội. Hình 2.2 Các giai đoạn của chu kỳ tế bào (Theo K. Kalthoff, 1996) (a)Kỳ trung gian (b)Kỳ trước (c)Trước kỳ giữa (d)Kỳ giữa (e)Kỳ sau (f)Kỳ cuối 1.Hạt trung tâm 2.Trung thể 3.Sợi chromatin không cuộn lại 4.Nhân 5.Màng nhân 6.Sợi chuyển động 7.Sợi ngoài 8.Sợi nối cực 9. Kinetochore 10.Tâm điểm 11.Chromatid 12.Trung thể 13.Màng nhân bị tan rã Giảm phân II: - Kỳ trước: thoi vô sắc xuất hiện. Các thể nhiễm sắc di chuyển vào giữa tế bào. - Kỳ giữa: các thể nhiễm sắc tập trung trên mặt phẳng xích đạo của thoi vô sắc. Mỗi thể nhiễm sắc của cặp thể nhiễm sắc tương đồng nối với một cực của tế bào nhờ thoi vô sắc. - Kỳ sau: các tâm động của thể nhiễm sắc kép tách nhau ra. Mỗi thể nhiễm sắc con đi về một cực của tế bào.
- 10 - Kỳ cuối: Ở mỗi cực của tế bào hình thành một nhân mới và xảy ra sự phân chia tế bào chất. Như vậy từ một tế bào mẹ có bộ thể nhiễm sắc lưỡng bội tạo ra bốn tế bào con có bộ thể nhiễm sắc đơn bội. Các tế bào ở các sinh vật đa bào phân chia theo những tốc độ khác nhau. Các tế bào phôi có thể phân chia từng mười phút một, các tế bào biểu bì hoàn tất chu kỳ tế bào trong một ngày. Sự khác biệt về thời gian trong chu kỳ tế bào chủ yếu là do sự thay đổi thời gian của pha G1. Phần lớn tế bào ngừng sự phân chia ở giai đoạn nghĩ của pha G1 mà người ta gọi là pha G0 . Chu kỳ tế bào được điều hòa bởi một số enzym gọi là cyclin-dependent kinases. Các enzym này làm gia tăng các nhóm photphat đối với các protein khác. Chức năng này rất quan trọng ở trong tế bào vì sự gia tăng nhóm phot phat làm thay đổi cấu trúc không gian ba chiều và hoạt động sinh học của protein. Hoạt động của cyclin-dependent kinases đòi hỏi sự kết hợp với cycline. Cyclin cũng là một loại protein vì sự đa dạng của chúng thay đổi trong chu kỳ tế bào. Chẳng hạn như cycline B tích lũy trong gian kỳ và giảm đi một cách đột ngột ở kỳ giữa. Sự kết hợp khác nhau giữa cyclin-dependent kinases với cycline điều hòa quá trình hình thành tế bào qua các pha khác nhau của chu kỳ tế bào.
- 11 Chương 3 Sự phát sinh giao tử Giao tử là những tế bào chuyên hóa cao và rất khác với tế bào xôma. Đặc trưng của tế bào xôma là những tế bào lưỡng bội: chúng mang hai bộ thể nhiễm sắc một có nguồn gốc từ bố, một có nguồn gốc từ mẹ. Giao tử là những tế bào đơn bội: số lượng thể nhiễm sắc trong nhân là một nửa số lượng của tế bào lưỡng bội. Việc tạo ra thể nhiễm sắc xảy ra trong quá trình phát sinh giao tử khi các tế bào sinh dục nguyên thủy giảm phân để cho ra hai tế bào chuyên hóa. Khi thụ tinh, giao tử đực và giao tử cái kết hợp với nhau để cho ra một hợp tử lưỡng bội. Mặc dù giao tử đực và giao tử cái đều là những tế bào đơn bội nhưng chúng có cấu tạo hoàn toàn khác nhau. Giao tử đực hay còn gọi là tinh trùng chuyên hóa cao với chức năng duy nhất là tìm gặp và thụ tinh với trứng. Một tinh trùng đặc trưng gồm có nhân với một bộ thể nhiễm sắc, một roi bơi hoặc đuôi để chuyển động và một bộ máy ty thể làm nhiệm vụ chuyển hóa cung cấp năng lượng cho hoạt động của tinh trùng. Ngoài ra, có một cấu trúc ở phần đầu gọi là thể đỉnh (acrosome) giúp cho tinh trùng chui qua vỏ trứng khi thụ tinh. Tế bào sinh dục cái còn được gọi là trứng hoàn toàn khác các giao tử cái về sự chuyên hóa. Ngoài việc cung cấp các thông tin di truyền, chúng giúp cho trứng phát triển cho đến khi cá thể mới có khả năng lấy được nguồn dinh dưỡng từ môi trường ngoài. Trứng thường có kích thước lớn có khi gấp hàng nghìn lần so với tế bào xôma. Một trứng điển hình chứa đầy chất dinh dưỡng có năng lượng cao như glycoprotein, carbohydrat và lipid tập hợp thành khối noãn hoàng. I. Khái niệm về dòng mầm (tế bào sinh dục nguyên thủy) Khoảng cuối thế kỷ XIX, Weismann đã đưa ra lý thuyết “bào tương mầm” là chất di truyền tồn tại dưới dạng các nhân tố di truyền hay các quyết định tố (determinant). Theo lý thuyết này thì các bào tương mầm chỉ có trong các tế bào sinh dục còn trong các tế bào xôma chỉ có một bộ phận của bào tương mầm. Do trong quá trình phát triển xảy ra sự phân chia không đồng đều chất di truyền nên các tế bào con trở nên khác nhau. Qua nhiều lần phân chia mỗi loại tế bào của cơ thể trưởng thành chỉ chứa một loại quyết định tố xác định tính đặc hiệu của loại tế bào đó. Lý thuyết này đã giải thích sự phát triển một cách khá lôgic. Nó cho thấy những dự đoán quan trọng về sự tập trung vật chất di truyền trong thể nhiễm sắc và giải thích sự phát triển bằng sự phân chia không đồng đều vật chất di truyền. Về sau này người ta mới biết sự phân chia không đều này chỉ xảy ra ở một số loài động vật và chỉ khi hình thành các tế bào sinh dục. Trong các nghiên cứu của mình vào các năm 1899-1910, Boveri đã theo dõi sự hình
- 12 thành các tế bào sinh dục ngay từ hợp tử của Ascaris.Ông ta phát hiện được trong tế bào chất của cực thực vật có những hạt đặc biệt gọi là hạt nâu. Trong lần phân chia thứ nhất chỉ có các tế bào cực thực vật là chứa hạt nâu. Vì vậy, ở những phôi bào này không có sự biến đổi thể nhiễm sắc còn những phôi bào khác không có hiện tượng này gọi là sự bài chất nhiễm sắc. Hiện tượng bài chất nhiễm sắc tiếp diễn ở các lần phân chia sau trong các tế bào không chứa hạt nâu. Cuối cùng chỉ có một số tế bào là không có bài chất nhiễm sắc. Qua theo dõi, Boveri cho rằng các tế bào này là thủy tổ của các tế bào sinh dục có trong cơ thể. Chúng có kích thước lớn hơn các tế bào khác và người ta gọi chúng là các tế bào sinh dục nguyên thủy. Các tế bào này sẽ phát triển thành các tế bào sinh dục. II.Nguồn gốc của hai dòng tế bào xôma và sinh dục Sự phân ly sớm hai dòng tế bào xôma và sinh dục thấy rõ trong nhiều loài côn trùng. Sự sai khác ở đây biểu hiện ở chỗ dòng sinh dục thì giữ nguyên số thể nhiễm sắc, còn dòng xôma thì xảy ra sự loại thải nhiều thể nhiễm sắc ra khỏi bộ gen. Khi nghiên cứu loài nhặng Wachtliellia persicariae, người ta nhận thấy ở vùng cực thực vật, đối diện với vị trí các thể cực, có vùng tế bào chất có cấu tạo dạng lưới, trong ô lưới có các hạt bắt màu hematoxilin. Ở thời kỳ phân chia thứ tư, trong số 8 nhân, ở 7 nhân xôma xảy ra sự loại thải 30 thể nhiễm sắc ra khỏi nhân. Chỉ một nhân rơi vào vùng cực sẽ hình thành tế bào sinh dục là còn toàn vẹn 38 thể nhiễm sắc. Đây là ví dụ điển hình về sự tách nhau sớm của hai dòng tế bào xôma và tế bào sinh dục. Chúng tách nhau ở lần phân chia thứ ba của hợp tử, tức là giai đoạn 8 nhân. Ở đây thấy sự khác biệt rõ rệt giữa hai dòng này. Ở lưỡng cư, tế bào chất sinh dục hay còn gọi là quyết định tố sinh dục phân bố ở vùng cực thực vật. Sau phân cắt, các tế bào nào chứa tế bào chất này sẽ là các tế bào sinh dục nguyên thủy. Các tế bào này tập trung ở nội bì đáy ruột. Về sau chúng di cư vào tuyến sinh dục và phát triển thành các giao tử. Ở chim, các tế bào sinh dục sớm nhất được tìm thấy trong các tế bào nội bì ngoài phôi của đĩa phôi sát phần đầu của đĩa phôi. Sau đó chúng di cư theo các mạch máu vào tuyến sinh dục và phát triển thành giao tử. Ở động vật có vú người ta cũng phát hiện được các tế bào sinh dục nguyên thủy trong nội bì phía đuôi của phôi. Về sau chúng di cư qua mạc treo ruột vào tuyến sinh dục. III.Quá trình sinh tinh 1. Sự tạo tinh trùng Ở động vật, tinh trùng được tạo ra từ tuyến sinh dục đực nằm trong tinh hoàn. Ở đa số động vật có xương sống, tinh hoàn gồm những ống sinh tinh được bao bọc bởi mô liên kết dày xen kẽ với mô liên kết thưa gọi là mô kẽ.
- 13 Tinh trùng được tạo ra từ thành của ống sinh tinh. Các ống sinh tinh này chứa rất nhiều loại tế bào khác nhau mà quan trọng nhất là các tế bào mầm hay các tế bào sinh dục nguyên thủy lớn khoảng 10 micromet, nhân hình tròn hoặc êlip. Chúng nằm ở ngoại vi của ống trên suốt chiều dài khoảng 170m của ống sinh tinh trên mỗi tinh hoàn. (H 3.2) Hình 3.1 So sánh quá trình sinh tinh và quá trình sinh trứng (Theo K. Kalthoff, 1996) Vào một thời điểm nào đó, tế bào sinh dục nguyên thủy bắt đầu tăng lên về kích thước, gia tăng hoạt tính, đồng thời di chuyển từ ngoại vi vào trung tâm của ống và trở nên ưa kiềm hơn. Sau đó các tế bào này bắt đầu phân chia nguyên nhiễm cho ra các tinh nguyên bào, tinh nguyên bào lại phân chia để cho các tinh bào bậc I có 2n thể nhiễm sắc và có kích thước 25 - 30 micromet. Các tinh bào I phân bào giảm nhiễm hai lần, lần đầu cho các tinh
- 14 bào bậc II, lần thứ hai cho bốn tinh tử đều có bộ thể nhiễm sắc đơn bội. Các tinh tử sẽ biệt hóa để cho ra bốn tinh trùng. Có thể thấy kỳ trước của giảm phân I gồm các giai đoạn sau: - Giai đoạn sợi mảnh (leptonem): trong nhân có các tơ rất mảnh cuộn thành bó. Một đầu của tơ nhiễm sắc tập trung hướng về trung thể. - Giai đoạn sợi kép (zigonem): các cặp thể nhiễm sắc tương đồng bắt cặp với nhau. Các cặp thể nhiễm sắc tương đồng hoạt động như một thể thống nhất gọi là các lưỡng trị. Số lưỡng trị bằng 1/2 số thể nhiễm sắc lưỡng bội. - Giai đoạn sợi to (pakinem): các thể nhiễm sắc co ngắn lại và trở nên to hơn. Các lưỡng trị thấy rõ gồm bốn nhiễm sắc tử. Hiện tượng quan trọng diễn ra ở giai đoạn này là sự trao đổi chéo của các cặp thể nhiễm sắc. - Giai đoạn sợi to kép (diplonem): các thể nhiễm sắc tiếp tục co ngắn hơn và bắt đầu đẩy nhau ra. - Giai đoạn diakinese: các bắt chéo trượt về các đầu mút. Màng nhân tan và tế bào chuyển sang kỳ giữa. Sang kỳ sau, mỗi thể nhiễm sắc tương đồng đi về một cực của thoi phân chia. Sau kỳ cuối, tinh bào I chia thành hai tế bào nhỏ hơn là tinh bào II. Hình 3.2 Tạo tinh trùng trong ống dẫn tinh (Theo K. Kalthoff, 1996) 1.Tinh nguyên bào 2.Tế bào Sertoli 3.Tinh bào I 4.Tinh bào II 5.Tinh tử 6.Thể thừa 7.Màng chắn máu-tinh hoàn 8.Tế bào sinh dục nguyên thủy 2. Cấu tạo tinh trùng Tinh trùng có cấu tạo khác nhau trong các nhóm động vật khác nhau. Tuy nhiên, chúng đều có những nét cấu tạo chung thích nghi với chức năng vận chuyển, thụ tinh và các chức năng sống khác. Các nghiên cứu bằng kính hiển
- 15 vi điện tử cho thấy tinh trùng cấu tạo gồm có bốn phần: đầu, cổ , phần giữa và đuôi. Hình 3.3 Cấu tạo tinh trùng (Theo W. B. Charles, 1978) Phần đầu có thể đỉnh, nhân, tế bào chất và các bào quan khác. Thể đỉnh có nguồn gốc từ bộ máy Golgi của tinh tử và bao gồm một khối đặc nằm trên nhân và bao trùm sang hai bên tạo thành mũ tinh trùng. Ở một số nhóm động vật không xương sống ở biển, thể đỉnh tạo thành sợi thể đỉnh để khoan thủng vỏ trứng. Còn ở các nhóm động vật khác, thể đỉnh có các enzym như phosphataza, hyaluronidaza, esteraza, có tác dụng phân hủy vỏ trứng. Nhờ
- 16 vậy mà thể đỉnh đóng vai trò quan trọng trong sự xâm nhập của tinh trùng vào trứng khi thụ tinh và kích thích trứng hoạt động tiếp tục khi thụ tinh. Nhân tinh trùng có kích thước lớn, chứa đầy vật chất di truyền là các dezoxyribonucleoprotein với nồng độ cao. Phần cổ của tinh trùng chủ yếu có các trung tử đầu và trung tử đuôi. Người ta giả định rằng trung tử đuôi đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân chia trứng đã thụ tinh. Từ trung tử đuôi phát ra sợi trục nằm trong phần đuôi của tinh trùng. Ngay sau phần cổ là phần giữa có tiết diện to hơn phần đuôi. Trong đó có ti thể dạng xoắn ốc choán gần hết phần giữa và bao quanh sợi trục. Ti thể chứa các enzym oxi hóa và oxyphosphoryl hóa và các chất khác tham gia vào quá trình chuyển hóa và dự trữ năng lượng quan trọng cho tinh trùng. Phần đuôi cấu tạo chủ yếu là sợi trục. Đây là một phức hợp gồm 10 đôi vi ống (1 đôi trung tâm và 9 đôi chung quanh). Ở động vật có vú, sợi trục còn được bao quanh bởi những sợi mảnh hơn, ở cá còn được bao quanh bởi màng lượn sóng. Đuôi đảm bảo cho tinh trùng có thể chuyển động. Sự di chuyển được thực hiện nhờ chuyển động co - duỗi, lượn sóng và đập đuôi. Tuy nhiên, cũng có một số loài, tinh trùng không có đuôi. Tốc độ chuyển động khoảng từ 1,5 - 5 mm/phút Khi phóng tinh, tinh trùng trộn lẫn với dịch lỏng (tinh dịch) của tuyến tiền liệt và tuyến Cowper. Trong tinh dịch của một lần phóng tinh của ngựa có thể chứa tới 12 tỉ tinh trùng, ở bò 9 - 10 tỉ. Ở người Việt Nam, một lần phóng tinh khoảng 2,68 mm3 và chứa 89,4 triệu tinh trùng/1mm3. Tinh trùng dự trữ rất ít năng lượng, do đó tiêu hết năng lượng và mất khả năng chuyển động rất nhanh. Khả năng thụ tinh của tinh trùng của động vật có vú khi rơi vào đường sinh dục cái khá lâu. Ví dụ ở bò, cừu từ 1 - 2 ngày, ngựa từ 5 - 6 ngày, dơi từ 3 - 5 tháng, gà đến 30 ngày. Người ta có thể bảo quản vô thời hạn tinh trùng trong nitơ lỏng nhiệt độ - 196oC. 3. Cơ chế điều hòa quá trình sinh tinh - Cơ chế bên trong (vai trò của thần kinh và thể dịch): Trong cơ chế này có sự tham gia của vùng dưới đồi, tuyến yên và tinh hoàn. Vùng dưới đồi tiết ra hormon GnRH tác động vào tuyến yên kích thích tuyến yên tiết ra LH và FSH. LH tác động vào tế bào Leibdig tiết ra testosteron, còn FSH tác động vào tế bào Sertoli làm sản sinh tinh trùng và tinh dịch. Các tế bào Sertoli còn tiết ra hormon inhibin có tác dụng điều hòa ngược đối với vùng dưới đồi và tuyến yên để điều chỉnh tiết các hormon của hai tuyến này, từ đó điều chỉnh quá trình tiết testosteron và tạo tinh trùng. Ngoài ra, hormon GH còn tham gia kiểm soát chức năng chuyển hóa của tinh hoàn và thúc đẩy sự phân chia các tinh nguyên bào. - Cơ chế bên ngoài (vai trò của nhiệt độ và ánh sáng):
- 17 + Nhiệt độ: tinh trùng được tạo ra ở môi trường có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của cơ thể từ 1-2oC. Cơ Dartos của bìu co giãn tùy thuộc nhiệt độ của môi trường nhằm đảm bảo nhiệt độ tối thích cho sự sản sinh tinh trùng. Do nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn trong bìu nên những người bị chứng ẩn tinh hoàn thì không tạo được tinh trùng vì dòng tinh bị phá hủy. Nhiệt độ trong đường sinh dục nữ cao hơn trong bìu sẽ làm tăng chuyển hóa và tăng hoạt động của tinh trùng. Ngược lại nhiệt độ thấp, tinh trùng sẽ giảm chuyển hóa và giảm hoạt động. + Ánh sáng: Sự thay đổi độ dài ngày (tăng thời gian chiếu sáng) là một yếu tố quan trọng điều chỉnh hoạt tính của tuyến sinh dục đực. Để chứng minh điều này, Powen đã làm thí nghiệm trên loài chim có tên là Junko là một loài chim di cư sống ở Nhật. Ông ta đã bắt những con chim trống của loài chim này vào tháng 9 khi chúng sắp di cư về phương Nam, nơi có khí hậu ấm áp hơn và có độ dài ngày dài hơn. Sau đó dùng phương pháp chiếu sáng nhân tạo để tăng độ dài của ngày. Trong các điều kiện này, đến tháng 12 các tuyến sinh dục đã lớn tới kích thước mà bình thường chúng chỉ đạt được khi bắt đầu sinh sản vào tháng 5 năm sau. Người ta cũng đã thu được những kết quả tương tự cho nhiều loài động vật có xương sống khác và như vậy ánh sáng đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo và tiết tinh trùng. IV. Quá trình sinh trứng 1.Sự tạo trứng (H 3.1) Từ các tế bào sinh dục nguyên thủy hay các noãn bào nguyên thủy phân chia nguyên nhiễm nhiều lần cho ra các noãn nguyên bào. Các noãn nguyên bào sau một quá trình phân chia và tăng trưởng cho ra các noãn bào. Các noãn bào bắt đầu phân chia giảm nhiễm cho ra hai tế bào: tế bào to có thể tích bằng tế bào trứng nên gọi là tế bào trứng; tế bào nhỏ do cực động vật sinh ra nên gọi là cực cầu (thể cực). Tế bào trứng lại phân chia lần thứ hai thành tế bào trứng chín và thể cực thứ hai, cùng lúc đó thể cực thứ nhất cũng phân chia thành hai thể cực. Kết quả tạo ra bốn tế bào trong đó chỉ có một tế bào trứng có thể thụ tinh còn ba tế bào còn lại (ba thể cực) không có khả năng nói trên. Đây là sự khác biệt với quá trình sinh tinh. 2. Cấu tạo trứng (H 3.4) Tất cả trứng đều được bao quanh bởi màng sinh chất. Trừ một số trường hợp, trứng còn được phủ một lớp màng nữa, tạo nên khi còn ở trong buồng trứng là màng nõan hoàng. Trứng còn được bao quanh bởi màng trứng thứ ba do các tế bào bao noãn tạo nên như màng chorion của côn trùng, hoặc do ống dẫn trứng tiết ra màng keo ở lưỡng cư, lòng trắng trứng gà, màng đá vôi của trứng gà hay vỏ dai của bò sát. Tế bào chất của trứng có từ 1 - 2 nhân, có các bào quan, noãn hoàng và sắc tố. Trứng còn phân thành cực gọi là cực của trứng do tế bào chất và nõan hoàng phân bố không đều ở trong trứng. Bình thường cực đỉnh tế bào chất
- 18 nhiều, noãn hoàng ít gọi là cực động vật (cực sinh sản), ngược lại cực đáy có ít tế bào chất, nhiều noãn hoàng nên gọi là cực thực vật (cực dinh dưỡng). Noãn hoàng là một hình thức tích lũy các chất dinh dưỡng trong trứng. Noãn hoàng thường ở dạng hạt hoặc phiến, thành phần chủ yếu là protein, phospholipid và mỡ trung tính. Ví dụ trứng của ếch nhái, trong noãn hoàng có 45% protein, 2% lipid vă 8% glycogen. Noãn hàng có thể nằm trong tế bào chất như ở nhiều loài động vật không xương sống, dây sống thấp hoặc lưỡng cư hoặc tách riêng ra khỏi tế bào chất như ở cá xương, bò sát, chim. Tùy theo số lượng và sự phân bố của noãn hoàng trong trứng mà có thể phân chia ra các loại trứng sau: - Trứng đồng noãn hoàng: lượng noãn hoàng ít, dạng hạt bé và phân tán đồng đều trong tế bào chất. Ví dụ: trứng của động vật không xương sống, dây sống thấp, động vật có vú. - Trứng đoạn noãn hoàng: noãn hoàng nhiều, dạng hạt lớn, tập trung ở cực dinh dưỡng. Ví dụ: trứng cá, lưỡng cư, bò sát, chim. - Trứng trung noãn hoàng: noãn hoàng tập trung ở chính giữa tế bào, còn tế bào chất tạo thành xung quanh. Ngoài ra, ở trung tâm cũng có một ít tế bào chất chứa nhiều nhân. Ví dụ: trứng của các loài chân khớp, đặc biệt là côn trùng. Khối lượng noãn hoàng trong trứng là nguồn năng lượng quan trọng, là những nguyên liệu ban đầu để tổng hợp các chất tế bào. Khối lượng noãn hoàng cũng quy định kích thước của trứng. Ở một số loài động vật có vú, trứng có thể lớn tới 200 mm, của ếch 2 mm và của chim tới 40 mm. Khối lượng noãn hoàng trong trứng cũng quyết định cách phân cắt của trứng mà sẽ được đề cập đến trong quá trình phát triển phôi. 3. Sự rụng trứng Sau khi trải qua quá trình thành thục cần thiết và đã tạo đủ toàn bộ số lượng noãn hoàng dự trữ, trứng chín và bắt đầu rụng. Thời gian trứng rụng có liên quan mật thiết với chu kỳ sinh sản của mỗi loài động vật và được điều khiển bởi hai yếu tố bên trong và bên ngoài. Có thể lấy ví dụ ở ếch để thấy quá trình rụng trứng và di chuyển của trứng trong đường sinh dục: buồng trứng của ếch chứa khoảng 2 000 trứng dính với vách xoang cơ thể. Trứng trong buồng trứng được bao quanh bởi màng bao noãn. Sau khi chín, trứng ra khỏi màng bao noãn và rơi vào thể xoang. Thể xoang được lót một lớp mỏng các tế bào phúc mạc có lông rung. Các lông rung chuyển động nhịp nhàng đẩy trứng tới phễu của ống dẫn trứng (vòi Fallop). Khi đi qua ống dẫn trứng, trứng được phủ một lớp màng keo và cuối cùng rơi vào tử cung. Trứng tập trung ở tử cung và được đẻ ra cùng một lúc.
- 19 Hình 3.4 Cấu tạo trứng gà (Theo K. Kalthoff, 1996) (a)Sơ đồ cắt dọc (b)Cấu tạo vỏ trứng 1.Vỏ 2.Màng dưới vỏ 3.Noãn hoàng 4.Bì phôi 5.Màng noãn hoàng 6.Khoảng chân không 7.Lòng trắng 8.Lớp sợi 9.Lớp trong lòng trắng 10.Lỗ lấp đầy sợi collagen 11.Cột calcium carbonat 12.Màng vỏ trứng Một trong những yếu tố quan trọng nhất điều chỉnh chức năng của buồng trứng và rụng trứng là vùng dưới đồi và tuyến yên. Trong chu kỳ buồng trứng của động vật có vú, có hai quá trình khác nhau: một là bao noãn lớn lên và kết thúc bằng sự rụng trứng; hai là sự tạo thể vàng. Hai quá trình này được điều khiển bởi ba hormon kích thích sinh dục do tuyến yên tiết ra là hormon kích thích bao noãn (FSH), hormon tạo thể vàng (LH) và hormon tạo sữa (LTH). Ngoài ta tính hoạt động chu kỳ của buồng trứng còn chịu tác động của hai hormon của buồng trứng là estrogen và progesteron. Yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến rụng trứng là những thay đổi của điều kiện khí hậu. Với thí nghiệm nuôi chuột cống và chuột nhắt được chiếu sáng suốt đêm và che tối suốt ngày thì thời gian rụng trứng của nhiều con vật này không phải giữa đêm mà vào buổi trưa. Ngoài ra độ dài của ngày và độ dài của sóng ánh sáng cũng đóng vai trò điều chỉnh rụng trứng. Chồn cái có thể hoạt động sinh dục trái mùa nếu được chiếu sáng 16 giờ/ngày với độ dài sóng 3650 - 6500 Ǻ. Cũng như đối với sự sinh tinh, ánh sáng không tác động trực tiếp lên buồng trứng mà lên tuyến yên. Không thuộc hai yếu tố nói trên là hiện tượng xảy ra ở một số loài động vật khác: chồn, mèo và thỏ có thể rụng trứng ngay sau khi giao phối. Như vậy đây là yếu tố làm trứng rụng ra khỏi buồng trứng.
- 20 Chương 4 Sự thụ tinh I. Sự tương tác trước khi kết hợp trứng và tinh trùng Nhiều cơ chế đã được phát hiện cho thấy có sự đảm bảo để các tế bào sinh dục gặp nhau đúng lúc và đúng vị trí trong điều kiện thuận lợi khi thụ tinh ở động vật. Như vậy, có một sự sắp xếp hoàn hảo trong sự tương tác giữa cá thể đực và cá thể cái và giữa trứng và tinh trùng. Ở nhiều loài sinh vật, trứng tiết ra một chất hóa học nhằm thu hút tinh trùng về phía trứng. Ở động vật có vú và các loài động vật khác, tinh trùng phải xảy ra một loạt các biến đổi sinh hóa trước khi thụ tinh với trứng. Tinh trùng muốn xuyên thủng màng sáng của trứng đòi hỏi phải trải qua quá trình biến đổi gọi là tiềm năng hóa (capacitation) (C. R. Austin,1952). Quá trình tiềm năng hóa cũng xẩy ra trong điều kiện in vitro khi tinh trùng được ủ trong chất dịch lấy ra từ tử cung hay ống dẫn trứng. Trước khi xẩy ra quá trình này, tinh trùng động vật có vú ở trong tình trạng ít hoạt động mà chủ yếu là tích trữ năng lượng và chuẩn bị các điều kiện cho đến khi gặp trứng. Một tinh trùng có tiềm năng là tinh trùng có khả năng hoạt động và chuyển động của cơ quan vận chuyển. Cơ chế phân tử của quá trình tiềm năng hóa hiện chưa được biết nhiều. Người ta cho rằng chúng có thể làm thay đổi thành phần màng sinh chất của tế bào như làm giảm tỷ lệ photpholipid (B. K. Davis, 1981). Một quan điểm khác lại cho rằng kết quả của quá trình tiềm năng hóa là làm thay đổi tế bào chất trong phần đỉnh của tinh trùng. Ở nhiều loài động vật, tinh trùng phải trải qua một cuộc hành trình bằng cách di chuyển từ âm đạo dọc theo ống dẫn trứng đến nơi thụ tinh ở phần trên của ống dẫn trứng. Sự co rút của cơ tử cung và ống dẫn trứng hỗ trợ cho tinh trùng trong quá trình di chuyển. Tuy nhiên, với số lượng lớn tinh trùng trong âm đạo (100 triệu đến 500 triệu ở người) chỉ còn lại vài trăm ở nơi thụ tinh. Sự giảm sút đáng kể về mặt số lượng này được giải thích như một sự chọn lọc để loại đi những tinh trùng không bình thường. Việc lôi kéo tinh trùng được điều khiển bởi một chất dẫn dụ do tế bào trứng tiết ra. Việc định hướng di chuyển do một tín hiệu hóa học bên ngoài được gọi là tính hướng động hóa học (chemotaxis). Tính chất hoạt động này ở tinh trùng đã được quan sát ở các nhóm động vật như ruột khoang, thân mềm, da gai, có bao và động vật có vú bao gồm cả người (R. Miller,1985 Eisenbach và Ralt, 1992). Ở loài ruột khoang thuộc giống Campanularia, trứng phát triển trong một cấu trúc giống trứng gọi là gonangium có một đường rãnh để tinh trùng có thể chui vào trứng. Một số chất hấp dẫn tinh trùng đã được phân lập từ trứng của cầu gai. Một trong những chất đó gọi là resact - một peptid nhỏ chứa 14 amino axit tìm thấy trong tầng trung giao của loài Arbacia punctulata (G. E. Ward et al., 1985).
- 21 Bằng chứng đầu tiên về chất dẫn dụ hóa học ở động vật có vú là tinh trùng tập trung ở gần nơi thụ tinh trong trạng thái bất động nhiều giờ trước khi trứng rụng. Sau đó tinh trùng trở nên hoạt động và bị ngưng kết trên bề mặt trứng do chất hóa học của trứng tiết ra. II. Sự kết hợp các tế bào sinh dục Sau khi tinh trùng dính chặt vào trứng, tinh trùng xuyên thủng vỏ trứng nhờ một loại men phân giải vỏ trứng gọi là enzym lytic nằm trên lớp vỏ của thể đỉnh (Colwin và Colwin, 1960). Màng sinh chất của tinh trùng tiếp xúc với màng sinh chất của trứng. Sau khi màng sinh chất tiếp xúc xảy ra, trứng và tinh trùng kết hợp nhau tạo màng sinh chất hỗn hợp là một hiện tượng của sự thụ tinh. Ở trứng cầu gai, màng sinh chất hỗn hợp xẩy ra ở đầu mút của sợi thể đỉnh. (H 4.1) Thành phần hóa học của màng sinh chất hỗn hợp là một loại protein có tên gọi là PH-30 đã phân lập được từ tinh trùng của một loài lợn (Myles, 1993). Trước tiên, kháng thể kháng PH-30 ngăn cản sự thụ tinh. Sau đó, PH- 30 phân tán trên toàn bộ phần đầu của tinh trùng và tồn tại ở đó cho đến khi thể đỉnh hoạt động khi tiếp xúc với trứng. Cuối cùng, PH-30 có tính chất hóa học của protein hỗn hợp giống như của virus để xuyên thủng màng sinh chất của tế bào vật chủ (Blobal et al., 1992). Tại vị trí của màng sinh chất, trứng thụ tinh tạo nên một mấu lồi gọi là mấu thụ tinh. Mấu thụ tinh nhấn chìm tinh trùng vào sâu trong trứng. Quá trình này tạo ra một chuyển động của tế bào chất của trứng bao quanh nhân tinh trùng (Longo, 1989). Mấu thụ tinh phát triển vài phút sau khi tinh trùng xâm nhập, sau đó thoái hóa. Dưới ảnh hưởng tế bào chất của trứng, nhân tinh trùng có một vài thay đổi để chuẩn bị tham gia vào việc tạo nhân hợp tử. Màng nhân tinh trùng tan ra từng mảnh nhỏ để lộ thể nhiễm sắc của tinh trùng ra trong tế bào chất của trứng. Nhân tinh trùng lúc đó gọi là tiền nhân đực. Nhân của trứng đã hoàn thành quá trình giảm phân gọi là tiền nhân cái. Cả hai nhân cùng di chuyển và tập trung ở giữa trứng sau đó là hiện tượng kết hợp hai bộ thể nhiễm sắc của tinh trùng và trứng. (H 4.2) III. Sự hoạt hóa của trứng Những phản ứng của trứng do sự xâm nhập của tinh trùng hay một kích thích nào đó là sự họat hóa trứng. Dấu hiệu đầu tiên của sự hoạt hóa là phản ứng vỏ và sự tạo nên màng thụ tinh. Trong lớp vỏ của trứng cầu gai có những cấu trúc hạt. Bắt đầu từ vị trí màng tinh trùng đã xâm nhập, các hạt của lớp vỏ vỡ ra và lan đi về mọi phía. Đồng thời màng noãn hoàng nâng lên khỏi bề mặt trứng và tạo nên xung quanh noãn. Còn cấu trúc hạt của lớp vỏ nói trên tích tụ thành một lớp nguyên liệu đặc, ở dạng phiến. Màng noãn hoàng trên giờ đây đạt được tới độ
- 22 Hình 4.1 Sự xâm nhập của tinh trùng vào trứng trong thụ tinh (Theo K. Kalthoff, 1996) (a)Phần đầu tinh trùng khi chưa có phản ứng (b)Khi tinh trùng tiếp xúc vỏ trứng (c)Kéo dài sợi thể đỉnh, tiết chất dính với màng noãn hoàng (d)Màng sinh chất tinh trùng và trứng tiếp xúc nhau (e)Màng sinh chất hòa lẫn và tinh trùng chui vào trứng 1.Màng sinh chất trứng 2.Màng noãn hoàng 3.Màng túi thể đỉnh 4.Màng sinh chất hòa lẫn 5.Vi sợi 6.Sợi thể đỉnh 7.Enzym tiết ra từ thể đỉnh 8.Màng sinh chất tinh trùng 9.Actin G 10.Màng thể đỉnh 11.Chất thể đỉnh 12.Màng nhân dày 500 - 900Ǻ và được gọi là màng thụ tinh. Hiện tượng trên gọi là phản ứng vỏ, hoàn thành từ 1 - 3 phút sau khi thụ tinh. Phản ứng vỏ mà kết quả là tạo thành màng thụ tinh là đặc trưng cho một số loài động vật như da gai, cá, ếch nhái. Đối với các loài này, hiện tượng nói trên được xem như đóng vai trò trong việc “phong bế đa tinh”. Tuy nhiên, đối với một số loài khác (côn trùng, chuột đồng) không có hiện tượng trên. Do đó người ta chưa tán thành vai trò nói trên của phản ứng vỏ, mà chỉ xem như một trong những biến đổi của sự hoạt hóa trứng. (H 4.3) Kèm theo phản ứng vỏ còn có nhiều hiện tượng khác nhau sau khi thụ tinh như tính lưỡng chiết của lớp vỏ, độ nhớt và sự thẩm thấu qua lớp vỏ, đồng thời với sự thay đổi điện thế của màng (ở cầu gai từ - 60mV +20mV) trong vài phút được gọi là cơ chế ngăn cản tức thời. Sự hoạt hóa của trứng đưa tới những thay đổi sâu sắc về trao đổi chất của trứng. Ví dụ: sự tiêu thụ oxy tăng vọt và sự sinh nhiệt được đẩy mạnh. Ngoài ra, sự tiêu thụ photpho, sự sử dụng glycogen, sự xâm nhập amino axit và sự tổng hợp protein đều tăng lên.
- 23 Hình 4.2 Sự thụ tinh ở người (Theo K. Kalthoff, 1996) (a) Trứng ở giữa (b)Một tinh trùng đã đi vào trứng (c)Tạo tiền nhân đực (d)Màng nhân tan ra (e)Kỳ cuối với phân cắt đầu tiên (f)Phôi ở giai đoạn hai phôi bào 1.Tế bào hạt 2.Vùng sáng 3.Giảm phân 4.Thể cực 5.Tiền nhân cái 6.Tiền nhân đực 7.Trung thể Tóm lại, ngoài những thay đổi vật lý còn có sự thúc đẩy mạnh hoạt tính chuyển hóa của trứng.
- 24 Hình 4.3 Phản ứng vỏ và sự tạo màng thụ tinh (Theo W. B. Charles, 1978) A. Trứng trước thụ tinh B. Sau thụ tinh C-G. Diễn tiến theo thời gian của phản ứng vỏ và tạo màng thụ tinh 1.Chất nội bào 2.Lớp vỏ 3.Màng noãn hoàng 4.Màng tế bào5.Màng thụ tinh 6.Xoang quanh noãn IV. Sự trinh sinh Trinh sinh hay đơn tính sinh là một hình thức sinh sản mà một trứng không qua thụ tinh phát triển thành một cá thể mới. Hiện tượng này có thể gặp ở nhiều loài động vật không xương sống như trùng bánh xe, rệp, ong, tò vò, kiến). Ví dụ ở ong, các ong đực trong đàn ong là kết quả của sự phát triển từ trứng không thụ tinh của ong chúa. Ở trùng bánh xe, trứng lớn vỏ mỏng không qua thụ tinh cho ra toàn cá thể cái, còn trứng bé vỏ mỏng không thụ tinh cho ra toàn cá thể đực. Trinh sinh cũng đã được mô tả ở các loài động vật có xương sống. Ở gà tây, 40% trứng phát triển thành các gà trống hay ở loài nhông thuộc giống Leiolepis cũng trinh sinh cho ra toàn cá thể cái. Bằng kích thích cơ học hoặc hóa học cũng làm cho trứng phát triển không qua thụ tinh gọi là trinh sinh nhân tạo. Có thể gây phản ứng vỏ và tạo màng thụ tinh khi xử lý trứng chưa thụ tinh bằng những tác nhân rất khác nhau. Chẳng hạn, nếu nhúng trứng cầu gai vài phút vào nước biển ưu trương và sau đó lại đưa về nước biển bình thường thì chúng thường phát triển thành những ấu thể bình thường. Cũng có thể châm kim có bôi máu vào trứng ếch chưa thụ tinh, trứng này cũng có thể phát triển.
- 25 Cần nhận xét rằng, các trứng phát triển không phải luôn ở trạng thái đơn bội. Trong một số trường hợp trinh sinh nhân tạo hay tự nhiên xảy ra sự nhân đôi thể nhiễm sắc và kết quả là tạo nên cá thể trưởng thành lưỡng bội. Cũng cần lưu ý là qua hiện tượng trinh sinh cho thấy một sự thực là trong trứng có tất cả các nhân tố cần thiết cho phát triển. Do đó có thể xem trứng như là một hệ thống phản ứng sẵn sàng hoạt động chỉ cần có một kích thích bên ngoài nào đó không phải là tinh trùng
- 26 Chương 5 Sự phân cắt trứng I. Sự phân bố noãn hoàng và các kiểu phân cắt Dựa vào sơ đồ phân bố các phôi bào, người ta chia ra mấy kiểu phân cắt khác nhau: 1. Phân cắt tán xạ: Đặc trưng cho động vật có xương sống, da gai, hải miên. Trong phân cắt tán xạ, những mặt phẳng của các phân cắt kế tiếp đi qua trứng một cách trực giao với nhau và các phôi bào phân bố đối xứng nhau qua bất kỳ mặt phẳng nào đi qua trục động - thực vật của trứng. Ví dụ: cầu gai. 2. Phân cắt đối xứng hai bên: thấy ở sứa lược, có bao và không sọ. Trong quá trình phân cắt các phôi bào sắp xếp đối xứng hai bên. Hình 5.1 Phân cắt đối xứng hai bên (Theo K. Kalthoff, 1996) (a)Giai đoạn hai tế bào nhìn bên, lưu ý cực động vật có thể cực (b)Giai đoạn 2 tế bào nhìn từ cực động vật (c,d)Giai đoạn 4 tế bào nhìn từ cực động vật và nhìn bên (e)Giai đoạn 8 tế bào nhìn bên (f)Giai đoạn 16 tế bào nhìn từ cực thực vật
- 27 3.Phân cắt xoắn ốc: thấy ở trứng giun vòi, giun đốt và đa số thân mềm. Hình 5.2 Phân cắt xoắn ốc (Theo K. Kalthoff, 1996) (a)Giai đoạn 4 phôi bào (b)Giai đoạn 8 phôi bào (c)Giai đoạn 8 phôi bào nhìn bên Trong phân cắt xoắn có sự chuyển dịch các tế bào theo một vị trí tương đối so với trục của chúng. Mặt phẳng phân cắt không đi qua trục động - thực vật mà lệch đi một góc so với mặt phẳng xích đạo của trứng. Các phôi bào phân bố không cân xứng mà ít nhiều lần lượt luân phiên nhau. Cũng có thể căn cứ vào số lượng và sự phân bố của noãn hoàng để phân chia các kiểu phân cắt sau: 1.Phân cắt hoàn toàn: thấy ở cá lưỡng tiêm và lưỡng cư. Rãnh phân cắt phân chia toàn bộ trứng, có nghĩa là toàn bộ trứng đều phân cắt. 2. Phân cắt không hoàn toàn: chỉ có các tế bào ở cực động vật phân cắt còn toàn bộ khối noãn hoàng ở cực thực vật không phân cắt. Nếu chỉ có đĩa tế bào chất ở cực động vật phân cắt, kiểu phân cắt được gọi là phân cắt không hoàn toàn hình đĩa. Ví dụ: cá xương, chim. Nếu các tế bào ở phần trung tâm của trứng phân cắt sau đó di chuyển ra bề mặt của trứng thì gọi là phân cắt không hoàn toàn bề mặt. Ví dụ: côn trùng (H 5.3). Đặc điểm sự phân cắt:
- 28 - Cơ thể phôi không lớn lên. Số lượng tế bào tăng lên không ngừng nên kích thước tế bào liên tục nhỏ đi. - Số lượng nhân tăng lên theo cấp số nhân. Lượng ADN tăng gấp đôi qua mỗi lần phân cắt, do đó lượng ADN tổng số tăng lên rất nhanh. Hình 5.3 Các kiểu phân cắt trứng (Theo P. Cassier et al, 1998) -Sự tăng lên không ngừng tương quan nhân/tế bào chất. Trong tạo noãn, khối lượng nhân trở nên rất nhỏ bé so với khối lượng khổng lồ của trứng. Ví dụ: trứng chín của cầu gai có tương quan nhân/tế bào chất giảm tới 1/550, ở Cyslops: 1/1260, ở cá, lưỡng cư, bò sát tương quan này rất nhỏ. Tuy nhiên, khi phân cắt, tương quan này tăng lên rất nhanh và dần dần trở lại bình thường đặc trưng cho các tế bào xôma (vào khoảng 1/7). - Ở các lần phân cắt đầu tiên, tất cả tế bào thường phân chia đồng thời với nhau, có nghĩa là trong một thời điểm tất cả tế bào nằm cùng một giai đoạn phân chia. - Sự phân cắt của trứng có lệ thuộc vào sự phân bố của khối noãn hoàng. Sự phụ thuộc này được phát triển trong hai quy luật của Hertwig:
- 29 +Quy luật 1: nhân bao giờ cũng nằm ở trung tâm của vùng tế bào chất hoạt động. Trong trứng trung noãn hoàng hoặc đồng noãn hoàng, nhân nằm ở trung tâm hoặc gần trung tâm của trứng. Trong trứng đoạn noãn hoàng nhân nằm ở trung tâm của đĩa tế bào chất hoạt động. +Quy luật 2: thoi phân chia phân bố dọc theo hướng dài nhất của tế bào chất hoạt động. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phân cắt: - Số lượng và sự phân bố noãn hoàng tất nhiên có ảnh hưởng đến tính chất phân cắt và hình dạng của phôi nang. Tuy nhiên, nó không cho phép giải thích đầy đủ các kiểu phân cắt khác nhau. Ví dụ: ở lưỡng cư thì thấy rõ vai trò của noãn hoàng, nhưng khi xét sự sai khác về kích thước của các phôi bào giun đốt thì không thể do noãn hoàng được. Mặt khác sự phân cắt xoắn ốc ở thân mềm chắc chắn không do noãn hoàng quyết định. - Theo dẫn liệu của các nhà nghiên cứu khác nhau, trước khi phân cắt, sức căng của lớp vỏ tăng lên và rãnh phân cắt xuất hiện dưới dạng một chỗ dày lên của lớp vỏ. Trong thời gian phân cắt tế bào hầu như không lớn lên, nhưng số lượng tế bào và tổng diện tích bề mặt tế bào tăng lên rất nhiều. Mặt khác, tổng hàm lượng và sự tổng hợp ADN tăng lên theo cấp số nhân, vì vậy số lượng tế bào và tế bào chất cũng phải tăng lên tương ứng. Hình dạng phôi nang cũng biến đổi như các kiều phân cắt, tuy nhiên vẫn có những nét cấu tạo chung. Mỗi phôi nang gồm nhiều tế bào quanh xoang phân cắt (nằm ở chính giữa hoặc lệch về một bên) thường gọi là xoang phôi nang. Ở một số động vật, phôi nang là một quả cầu rỗng, thành của nó gồm những tế bào liên kết chặt chẽ với nhau. Ở những động vật khác các tế bào phân bố tương đối thưa. Người ta phân biệt các loại phôi nang như sau: - Phôi nang rỗng: có dạng hình cầu, xoang phôi nang lớn, thành mỏng và có một lớp tế bào. Ví dụ: thân mềm, giun vòi và động vật có vú. - Phôi nang lệch: xoang phôi nang nhỏ và nằm lệch về cực động vật, thành ở cực động vật mỏng, tế bào nhỏ, thành cực thực vật dày, tế bào lớn. Ví dụ: cá tầm, lưỡng cư. - Phôi nang đĩa: xoang phôi nang có dạng một khe hẹp, thành gồm một số lớp tế bào như cái đĩa nằm trên khối noãn hoàng không phân chia. Ví dụ: cá xương, chim. - Phôi mang bề mặt: xoang phôi nang nằm dưới lớp tế bào do kết quả của sự phân cắt bề mặt ở côn trùng và một số chân khớp. Các yếu tố ảnh hưởng đến hình dạng phôi nang là lớp hyalin hay lớp vỏ bên ngoài trứng, cầu nối chất tế bào giữa các tế bào, các di tích của thoi vô sắc sau khi phân chia và chất dính giữa các khoảng gian bào. II.Kiểu phân cắt của các nhóm động vật tiêu biểu 1. Phân cắt hoàn toàn của trứng đồng noãn hoàng ở cầu gai
- 30 Phần lớn trứng cầu gai là trứng đồng noãn hoàng và phân cắt hoàn toàn. Sự phân cắt bắt đầu bởi lần nguyên phân đầu tiên mà hướng phân cắt thẳng góc với trục động-thực vật. Sau nguyên phân, sự phân bào xuất hiện mặt phẳng phân cắt thẳng góc với trục của thoi vô sắc, kết quả là tạo ra hai phôi bào có kích thước bằng nhau. Lần phân cắt thứ hai diễn ra đồng thời trên cả hai phôi bào và trục phân cắt cũng thẳng góc với trục động thực vật và với thoi phân bào đầu tiên. Kết quả lần phân cắt này cho ra bốn phôi bào bằng nhau. Đối với lần phân cắt thứ ba, hướng phân cắt song song với trục động - thực vật tạo nên bốn phôi bào ở cực động và bốn phôi bào ở cực thực vật. Hình 5.4 Phân cắt trứng cầu gai (Theo K. Kalthoff, 1996) 1.Phôi bào vừa 2.Phôi bào lớn 3.Phôi bào nhỏ 4,5.Phôi bào cực động vật 6,12.Phôi bào nhỏ 7,13.Phôi bào cực nhỏ 8,9.Phôi bào cực động vật phân chia 10,11Phôi bào cực thực vật. Ở lần phân cắt thứ ba các phôi bào cực động vật phân chia tạo thành tám phôi bào ở 2/3 phía trên. Đồng thời ở cực thực vật cũng phân chia cho ra bốn phôi bào lớn và bốn phôi bào nhỏ. Khối tế bào lúc này được gọi là phôi dâu (morula). Lần phân cắt thứ năm sẽ tạo ra 16 phôi bào ở cực động vật và 16 phôi bào ở cực thực vật trong đố có tám phôi bào nhỏ. Ở giai đoạn 32 phôi bào, phôi có một xoang chứa đầy dịch lỏng bên trong gọi là xoang phôi nang và phôi gọi là phôi nang (blastula). Sự phân cắt của cầu gai được gọi là phân cắt tán xạ vì các phôi bào sắp xếp đối xứng phóng xạ quanh trục động - thực vật. 2. Phân cắt hoàn toàn của trứng đoạn noãn hoàng ở lưỡng cư Sự phân cắt của phôi lưỡng cư vừa hoàn toàn vừa tán xạ như cầu gai. Một giờ sau khi tinh trùng xâm nhập, trứng lưỡng cư bắt đầu có những chuyển động tế bào chất cục bộ, diễn ra sự tái phân bố trong trứng, đưa đến sự xuất hiện của liềm xám ở phía đối diện với nơi xâm nhập của tinh trùng. Liềm xám là biểu hiện của sự biệt hóa sớm ở khu vực tương lai môi lưng của
- 31 phôi khẩu. Qua khoảng hai giờ sau thụ tinh, trên bề mặt cực động vật của trứng xuất hiện một đường lõm là rãnh phân cắt. Rãnh này lan xuống phía dưới, đi qua liềm xám rồi cực thực vật để phân chia trứng thành hai nửa- hai phôi bào đầu tiên có kích thước bằng nhau. Hình 5.5 Phát triển của Xenopus laevis từ thụ tinh đến chồi đuôi (Theo K. Kalthoff, 1996) Rãnh phân cắt thứ hai thẳng góc với rãnh phân cắt thứ nhất và cũng đi qua cực động vật. Phân cắt thứ ba nằm ngang song song với mặt phẳng xích đạo của trứng. Kết quả tạo nên tám phôi bào: bốn ở cực động vật; bốn ở cực thực vật lớn hơn. Rãnh phân cắt thứ tư lại đi qua trục động - thực vật theo mặt phẳng kinh tuyến của trứng. Kết quả tạo tám phôi bào nhỏ ở cực động vật và tám phôi bào lớn ở cực thực vật. Hàng loạt các thay đổi tiếp theo là vào giờ thứ sáu đến giờ thứ 28 của sự phát triển. Sự phân cắt tiếp tục cho đến giờ thứ 16. Lúc đó các phôi bào rất nhỏ nhưng các phôi bào cực thực vật vẫn lớn hơn các phôi bào cực động vật. Ở giai đoạn này trong phôi xuất hiện xoang phôi nang. 3. Sự phân cắt xoắn ốc của trứng đồng noãn hoàng ở ốc Phân cắt xoắn ốc đặc trưng cho giun đốt, đa số thân mềm và một số giun dẹp. Trong kiểu phân cắt này, ở lần phân cắt thứ ba thoi phân chia nằm lệch với phương thẳng đứng một góc 45o. Do đó, sau khi phân chia, bốn phôi bào bên trên không xếp thẳng với các phôi bào bên dưới mà nằm lệch giữa ranh giới hai phôi bào. Nếu nhìn vào cực động vật, phôi bào bên trên nằm lệch về bên trái thì sẽ có phân cắt xoắn trái và nếu lệch bên phải thì có phân cắt xoắn phải. Do số lượng phôi bào xác định, số lần phân chia có hạn nên người ta đánh dấu các phôi bào để theo dõi số phận của chúng trong quá trình phát triển. Bốn phôi bào đầu tiên được ký hiệu là A, B, C, D. Các phôi bào này phân chia cho bốn phôi bào nhỏ ở cực động vật là 1a, 1b, 1c và 1d, đồng thời cho ra bốn phôi bào lớn ở cực thực vật là 1A, 1B, 1C và 1D. Trong lần phân chia thứ tư, các phôi bào lớn cho ra các phôi bào 2A, 2B, 2C, 2D và 2a, 2b,
- 32 2c, 2d. Các phôi bào nhỏ cho ra các phôi bào 1a1, 1b1, 1c1, 1d1 và 1b2, 1c2, 1d2 Thường ở phân cắt xoắn ốc chỉ có 7-8 lần phân chia và ấu trùng thường có số lượng tế bào xác định. Người ta đã biết được số phận các phôi bào đã được đánh dấu: các phôi bào nhỏ thứ nhất tạo phần ngoài miệng ấu trùng, các phôi bào nhỏ thứ hai tạo thành vành tiêm mao. Các phôi bào nhỏ thứ ba tạo trung bì và một phần ngoại bì. Các phôi bào nhỏ thứ tư tạo ruột. Đặc biệt các phôi bào 2d (thể bào) tạo ngoại bì và phần sau ấu trùng và sau này bao phủ toàn bộ cơ thể con vật trưởng thành. Phôi bào 4d (trung bì bào) tạo trung bì về sau thành thể xoang của cơ thể trưởng thành. (H 5.2) 4.Phân cắt đối xứng hai bên ở giun tròn Giun tròn có một số đặc điểm gần với động vật có xương sống về sự phát triển phôi và giai đoạn ấu trùng. Ngoài ra, đối với cực động - thực vật, trứng giun tròn có cực trước sau do sự phân bố không đối xứng của thành phần tế bào chất. Hiện tượng đối xứng hai bên được tạo nên do sự phân cắt của hợp tử. Mặt phẳng phân cắt thứ nhất đi ngang qua trục động - thực vật và phân chia hai nửa tế bào không đều nhau. Mặt phẳng phân cắt thứ hai song song với trục động - thực vật nhưng hơi lệch về phía sau. Nó phân ra hai phôi bào lớn ở phía trước từ đó cho ra hai phôi bào nhỏ ở phía sau có thành phần tế bào chất khác nhau. Thành phần tế bào chất khác nhau đưa đến sự phát triển khác nhau của các phôi bào trước và sau. Tại thời điểm này, kiểu phân cắt chỉ có một mặt phẳng đối xứng và vì vậy được gọi là phân cắt đối xứng hai bên. Trong các phân cắt tiếp theo, sự khác nhau về hình dạng của phôi bào làm tăng thêm tính chất đối xứng hai bên của quá trình phát triển. 5. Sự phân cắt luân phiên ở động vật có vú Sự phân cắt trứng động vật có vú diễn ra vài ngày khi di chuyển dọc theo ống dẫn trứng. Sự phân cắt kéo dài khoảng 12 giờ. Sự phân cắt diễn ra không đồng bộ. Tất cả các phôi bào không diễn ra cùng một lúc. Vì vậy, phôi không phân cắt theo quy luật từ hai đến bốn rồi tám phôi bào mà có thể bao gồm một số lượng tế bào lẻ.
- 33 Hình 5.6 Phát triển phôi người tuần thứ nhất (Theo K. Kalthoff, 1996) 1.Trứng 2.Nang trứng 3.Vùng sáng 4.Trứng chưa thụ tinh 5.Tế bào nang trứng 6.Thụ tinh 7.Tinh trừng 8.Hợp tử 9.Nguyên phân lần đầu 10,2 phôi bào (1,5 ngày) 11.Phôi dâu 16 phôi bào (3 ngày) 12,13.Vùng sáng 14.Phôi nang 58 phôi bào (4 ngày) 15.Phôi nang nở (4,5 ngày) 16.Phôi nang (6 ngày) 17.Tử cung 18.Thể cực Phân cắt đầu tiên đi qua trục động - thực vật như kiểu phân cắt hoàn toàn. Tuy nhiên, phân cắt thứ hai được xem như kiểu phân cắt luân phiên vì hai phôi bào phân chia trong các mặt phẳng khác nhau: một đi qua mặt phẳng xích đạo; một đi qua mặt phẳng kinh tuyến. Kết quả tạo nên một rãnh phân cắt chéo tạo nên các phôi bào đặc trưng của động vật có vú. Ở giai đoạn tám phôi bào, các phôi bào sắp xếp lỏng lẻo. Các tế bào cạnh nhau chỉ dính nhau một ít trên bề mặt. Sau đó, các phôi bào dính lại thành một khối tế bào đặc. Ở giai đoạn này, các phôi bào xẩy ra quá trình phân cực như trong phát triển phôi của lưỡng cư. Mỗi phôi bào có mặt ngoài mở ra môi trường ngoài như phần nhọn của tế bào biểu bì. Mặt kia nằm bên trong tiếp xúc với các tế bào khác. Trong khi tạo thành khối tế bào đặc, các phôi bào bên ngoài kết nối chặt, còn các phôi bào bên trong kết nối với nhau lỏng lẻo hơn. Hiện tượng phân cực và việc tạo các kết nối chặt làm cho môi trường bên trong và bên ngoài phôi khác nhau. Giai đoạn phôi dâu xẩy ra khi phôi có 16 phôi bào. Ở người, giai đoạn này xẩy ra 3 -4 ngày sau khi thụ tinh và phôi từ ống dẫn trứng vào tử cung. Phôi dâu 16 phôi bào gồm 9 - 14 phôi bào phân cực ở bên ngoài và 2 - 7 phôi bào
- 34 Hình 5.7 Phát triển phôi chim (Theo K. Kalthoff, 1996) A. Sự phân cắt của trứng gà nhìn từ cực động vật B.Phát triển phôi chim (a). Giai đọan phôi bì (b),(c). Tạo lớp phôi bì dưới 1 Noãn hoàn 2,5.Khoảng trống dưới lớp tế bào mầm 3.Phôi bì trên 4.Phôi bì dưới 6.Xoan phôi nang không phân cực ở bên trong. Cả hai nhóm tế bào tiếp tục phân chia, các phôi bào bên ngoài bơm dịch lỏng từ tử cung vào phôi. Đây là quá trình mà kết quả tạo thành một xoang chứa đầy dịch trong phôi được xem là quá trình phôi nang hóa hình thành túi phôi. Cũng vào ngày thứ tư, ở một cực của túi phôi, một nhóm tế bào được tách ra có tên là khối tế bào trong. Từ những tế bào này sẽ tạo thành phôi, màng ối và túi noãn hoàng. Lớp ngoài mỏng của túi phôi là màng đệm hay dưỡng bào; về sau chúng tạo thành nhau thai. Trong thời kỳ phân cắt và tạo túi phôi trứng còn được bao bởi vùng sáng. Khoảng ngày thứ sáu thì vùng sáng tiêu biến, túi phôi dính vào biểu mô tử cung, ăn sâu vào lớp nội mạc để bắt đầu quá trình làm tổ của phôi. 6. Phân cắt hình đĩa của trứng đoạn noãn hoàng ở bò sát, chim và nhiều loài cá (H 5.7) Như đã đề cập ở trên, khối lượng và sự phân bố của noãn hoàng trong trứng có liên quan đến các kiểu phân cắt. Trứng có ít noãn hoàng sự phân cắt xẩy ra trên toàn bộ trứng. Trứng có nhiều noãn hoàng, do khối noãn hoàng
- 35 không phân chia nên trứng phân cắt không hoàn toàn. Có hai kiểu phân cắt không hoàn toàn là phân cắt hình đĩa và bề mặt. Phân cắt hình đĩa là đặc trưng cho các loài cá, chim và bò sát. Kiểu phân cắt của loài cá Brachidanio rerio không khác xa kiểu phân cắt hoàn toàn của lưỡng cư. Ở trứng chưa thụ tinh, tế bào chất phân bố thành lớp mỏng bao quanh khối noãn hoàng trung tâm. Trong quá trình thụ tinh, tế bào chất bao phủ cực động vật tạo thành đĩa phôi. Lần phân cắt thứ nhất chia đĩa phôi thành hai nửa, mặt phân cắt thẳng góc với mặt phẳng của trứng. Rãnh phân cắt đi qua cực động vật như ở luỡng cư nhưng không đi qua toàn bộ trứng mà dừng lại trên khối noãn hoàng. Lần phân cắt thứ hai thẳng góc với lần phân cắt thứ nhất và với bề mặt trứng. Sự phân chia lại không hoàn toàn và kết quả tạo thành bốn phôi bào nằm bên trên khối noãn hoàng. Các phân cắt tiếp theo tạo thành những rãnh phân cắt nông qua đĩa phôi. Các tế bào sau khi hoàn thành từ mặt phẳng phân cắt song song với bề mặt gần trung tâm đĩa phôi được bao bọc bên ngoài bởi màng sinh chất. Sự phân cắt tiếp tạo thành đĩa phôi nằm trên đỉnh của khối noãn hoàng không phân chia. Ở phần lớn trứng bò sát và chim sự phân cắt hình đĩa gần như theo một phương thức như nhau. Ở gà, trong lần phân cắt đầu tiên đường kính của đĩa phôi khoảng 3 mm. Vùng ngoài cùng của đĩa rộng 0,5mm gọi là vùng mờ. Phân cắt bắt đầu từ phần trung tâm của đĩa phôi và các rãnh phân cắt dần dần phân chia vùng này ra các tế bào. Tuy nhiên, các rãnh phân cắt này không tách mép dưới của đĩa phôi ra khỏi noãn hoàng. Ở các giai đoạn tiếp theo, các rãnh phân cắt đi theo hình phóng xạ ra ngoại vi của đĩa phôi và tạo các tế bào rìa cho ra vùng rìa. Ở giai đoạn 16 phôi bào, mặt dưới của những tế bào ở trung tâm đĩa phôi bắt đầu tách khỏi khối noãn hoàng tạo thành một xoang rỗng gọi là xoang dưới phôi, tương ứng với xoang phôi nang. Vào lúc trứng đẻ ra ngoài, đĩa phôi xuất hiện hai vùng phân biệt rõ là vùng sáng và vùng mờ. Sau đó đĩa phôi lan nhanh bao phủ lên khối noãn hoàng và kết thúc khi toàn bộ khối noãn hoàng được bọc trong túi noãn hoàng. 7. Sự phân cắt bề mặt của trứng trung noãn hoàng ở côn trùng Ở phần lớn trứng côn trùng sự phân cắt bị giới hạn ở trên lớp mặt của khối sinh chất bên ngoài. Khối sinh chất nằm ở trung tâm giàu noãn hoàng được gọi là khối sinh chất ở bên trong không phân cắt. Đối với phôi của côn trùng, thuật ngữ phân cắt đôi khi không được dùng bởi vì sự phân cắt bị trì hoãn cho đến khi có sự phân bào xảy ra. Sự phân chia của nhân hợp tử nằm sâu ở bên lớp sinh chất bên trong. Việc nhân lên của các nhân cùng nguồn được bao bọc bởi các màng sinh chất xung quanh sẽ di chuyển dần ra lớp sinh chất bên ngoài. Ở đây cũng xảy ra các sự phân bào tiếp theo nhưng vẫn không được bao bọc bởi màng sinh chất.
- 36 Hình 5.8 Phân cắt bề mặt của ruồi dấm (Theo K. Kalthoff, 1996) (a).Tế bào cực (b).Tế bào phôi bì (c).Phôi bì hỗn hợp Một số nhân nằm ở phía sau và trở thành các tế bào “thực bào noãn hoàng” (vitellophages) điều hòa các mảnh vỡ của khối noãn hoàng. Sự phân cắt ở ruồi dấm Drosophila (H 5.8) là một ví dụ cho sự phân cắt bề mặt của côn trùng. Nhân hợp tử và các thế hệ tiếp theo của chúng trải qua tám lần nguyên phân ở trong khối sinh chất bên trong giàu noãn hoàng trước khi một số nhân di chuyển ra ở trên khối sinh chất bên ngoài nằm ở cực sau của trứng. Ở đây, chúng bắt đầu được bao bọc bởi màng sinh chất để tạo nên các tế bào mầm được xem như là các tế bào phân cực. Sau các lần phân bào khác, phần lớn nhân tập trung ở trên khối sinh chất bên ngoài. Giai đoạn này được xem như giai đoạn phôi bì hỗn hợp (syncyitial blastoderm) vì nhân vẫn nằm trong khối sinh chất chung trên bề mặt. Trong các lần phân bào tiếp theo, các bước của chu kỳ tế bào dần dần chậm lại. Sau 13 lần phân bào, có khoảng 5000 nhân tập trung thành lớp nguyên sinh chất bên ngoài của phôi ruồi dấm tạo thành khối hình sáu cạnh. Trước khi các nhân dinh dưỡng được bao phủ bởi màng sinh chất, màng noãn hoàng mỏng tăng lên khi khối noãn hoàng di chuyển lấp đầy trung tâm của trứng.
- 37 Lúc này các tế bào đã hình thành và tập trung trên toàn bộ bề mặt của phôi gọi là giai đoạn phôi bì tế bào (cellular blastoderm). Giai đoạn này tương ứng với giai đoạn phôi nang của các phôi khác mặc dù phôi nang không lấp đầy chất dịch lỏng mà chứa nội chất giàu noãn hoàng.
- 38 Chương 6 Sự tạo phôi vị Trong sự phân cắt, trứng thụ tinh phân chia ra hàng trăm hay hàng ngàn tế bào tạo thành một khối cầu chứa đầy chất dịch là phôi nang. Để trở thành một sinh vật có đầy đủ các chức năng, phôi phải sắp xếp lại các tế bào phôi nang theo một sơ đồ cơ thể đặc trưng cho loài. Thời kỳ đầu tiên của quá trình này là sự tạo phôi vị. Sự phôi vị hóa biến đổi phôi nang hình cầu thành một cấu trúc phức tạp gồm có ba lớp tế bào. Lớp ngoài cùng tiếp xúc trực tiếp với môi trường là ngoại bì (lá phôi thứ nhất). Ở phần lớn sinh vật nó cho ra biểu bì và hệ thần kinh. Lớp tế bào bên trong là nội bì (lá phôi thứ hai) tạo thành ruột nguyên thủy. Nhiều cấu trúc đa bào phát triển từ lớp tế bào ở giữa là trung bì (lá phôi giữa). Đặc trưng của phôi vị sớm là hình thành phôi khẩu là một lỗ trên phôi mà từ đó các tế bào di chuyển vào bên trong để tạo thành nội bì và trung bì. Sự phát triển của phôi khẩu về sau được dùng làm cơ sở để phân loại thành hai nhóm động vật. Những động vât có phôi khẩu hình thành lỗ miệng, còn lỗ hậu môn xuất hiện sau ở vị trí đối diện với phôi khẩu là những Động vật có miệng sinh trước (Động vật có miệng nguyên sinh - Protostomia). Những động vật có phôi khẩu cho ra lỗ hậu môn trước khi hình thành lỗ miệng ở vị trí đối diện là những Động vật có miệng sinh sau (Động vật có miệng thứ sinh - Deuterostomia). Động vật có miệng thứ sinh bao gồm động vật có xương sống và da gai, Động vật có miệng sinh trước là những loài động vật khác. Động vật có miệng thứ sinh và Động vật có miêng nguyên sinh khác nhau về sự chuyển động tế bào và hình thành các lá phôi. I. Phân tích sự phát sinh hình thái Phôi vị hóa đánh dấu bước khởi đầu của sự chuyển động tế bào mà từ các cơ quan chưa đầy đủ của phôi cho ra tất cả các phần của một sơ đồ cơ thể. Sự chuyển động này liên quan với cái gọi là chuyển động hình thái hay sự phát sinh hình thái (morphogenesis). Trong phát sinh hình thái, các tế bào riêng lẻ di cư một khoảng cách xa tạo nên lớp biểu mô lan phủ, lõm vào, uốn cong hay cuộn lại. Sự chuyển động này mang lại hiện tượng phôi vị hóa và tiếp sau là sự phát sinh cơ quan (organogenesis). Chuyển động phát sinh hình thái là chuyển động mạnh mẽ để phức tạp hóa và trật tự hóa cơ thể. Mỗi bước hoàn thiện tạo thành một cơ quan mới đồng thời gia tăng dần sự phức tạp. Một khi các mầm cơ quan được tạo nên đòi hỏi phôi phải sắp xếp theo sơ đồ cơ bản của cơ thể. Sự tạo thành phôi ở giai đoạn này thường đặc trưng cho một nhóm phát sinh chủng loại. Sự phát sinh sơ đồ cơ thể cơ bản bằng chuyển động phát sinh hình thái tìm thấy ở tất cả các sinh vật đang phát triển và gây ra nhiều lý thú khi quan sát.
- 39 II. Chuyển động tế bào và các hoạt động khác diễn ra trong phát sinh hình thái Các kiểu phôi vị hóa và phát sinh cơ quan rất khác nhau trong các nhóm sinh vật khác nhau. Tuy nhiên, có thể tóm lại trong một số kiểu chuyển động tế bào cơ bản. Hai trong số các chuyển động này là lõm vào và di cư được thực hiện bởi các tế bào riêng lẻ hay bởi các nhóm nhỏ tế bào, ngược lại các chuyển độnh khác được thực hiện bởi toàn bộ lớp biểu mô hay lớp tế bào. - Di cư: Sự chuyển động của từng tế bào đi qua đáy của các tế bào khác hay qua các vật chất ngoại bào. - Đi vào: Sự di chuyển của từng tế bào hay một nhóm tế bào từ biểu mô vào bên trong xoang phôi. - Lõm vào: Một vùng của biểu mô lõm vào bên trong như khi ấn một quả bóng quần vợt. - Cuốn vào: Chuyển động lõm vào của một lớp tế bào bao quanh một điểm hay một khe. - Hội tụ: Sự kéo dài lớp tế bào ở chỗ này và thu ngắn ở chỗ khác. - Bao phủ: Chuyển động bao phủ của lớp tế bào bề mặt trùm lấy khối noãn hoàng và lớp tế bào ở sâu bên dưới. - Tách lớp: Tách một lớp tế bào thành hai lớp song song. - Chuyển động thụ động: Các tế bào bị kéo dọc theo các tế bào khác. III. Tạo phôi vị ở cầu gai Phôi nang cầu gai là một phôi nang rỗng điển hình với thành phần là một lớp tế bào dạng biểu mô. Tạo phôi vị theo phương thức lõm điển hình. Toàn bộ phần đáy (cực thực vật) lõm vào xoang phôi nang. Đồng thời với quá trình lõm, các tế bào trung bì cũng bị tách khỏi nội bì và đi vào xoang phôi nang để tạo các tế bào trung bì. Các tế bào này phân bố thưa thớt trong xoang phôi nang giống như các tế bào trung mô ở phôi động vật có xương sống. Người ta thấy chúng phát các chồi và sau kéo dài thành các sợi tế bào chất bám vào mặt trong của các tế bào ngoại bì, giả định rằng sự co các tế bào chất này tạo nên lực kéo hỗ trợ cho việc lõm cực thực vật đi sau vào xoang phôi nang. Như vậy, ở cầu gai, sự tách trung bì xảy ra đồng thời với quá trình lõm vào để tạo nội bì. Về sau nội bì sẽ hình thành biểu mô ruột, phôi khẩu sẽ hình thành hậu môn còn miệng sẽ tạo mới. Rất đặc biệt ở cầu gai là ngay từ giai đoạn 16 phôi bào người ta đã có thể phân biệt ba loại phôi bào theo kích thước, phân bố theo ba tầng dọc theo trục động-thực vật. Trên bán cầu động vật là các phôi bào có kích thước trung bình, tầng dưới xích đạo là các phôi bào lớn và ở chỏm đáy là các phôi bào nhỏ. Mỗi loại đã có số phận xác định. Loại trung bình cho ngoại bì. Lọai lớn
- 40 Hình 6.1 Phôi vị cầu gai (Theo K. Kalthoff, 1996) (a)Phôi nang sớm (b,c)Phôi nang giữa và muộn (d)Phôi vị sớm (e)Phôi vị giữa (f)Phôi vị muộn (g)Giai đoạn ấu trùng lăng trụ(h,i)Ấu trùng Pluteus 1.Phôi bào động vật I 2.Phôi bào động vật II 3.Phôi bào thực vật I 4.Phôi bào thực vật II 5.Phôi bào nhỏ 6.Phôi bào cực nhỏ 7.Ống miệng 8.Ngoại bì 9.Chồi xương 10.Ruột 11.Hậu môn 12.Ruột nguyên thủy 13.Phôi bào trung bì thứ cấp 14.Phôi bào nhỏ di chuyển xuống dưới 15.Phôi bào trung bì sơ cấp 16. Miệng 17.Cơ 18.Túi thể xoang 19.Tế bào sắc tố 20. Tế bào xoang phôi nang và loại nhỏ sẽ lõm vào trong, loại nhỏ lõm trước, đi sâu hơn và sau tách ra di cư để tạo trung bì. Loại lớn sẽ là nội bì IV.Tạo phôi vị ở cá lưỡng tiêm Phôi nang cá lưỡng tiêm cũng là một phôi nang rỗng điển hình với thành là một lá đơn các tế bào biểu mô trụ. Trên quả cầu rỗng đó người ta cũng phân biệt được các khu vực khác nhau. Hầu hết bán cầu động vật gồm các tế bào có kích thước trung bình, chúng sẽ ở lại bên ngoài và hình thành ngoại bì. Chỏm cầu thực vật bao gồm các tế bào có kích thước lớn, nó sẽ đi vào trong và cho nội bì. Nguyên liệu dây sống-trung bì gồm các tế bào nhỏ, nó
- 41 Hình 6.2 Tạo phôi vị lưỡng tiêm (Theo W. B. Charles,1978) 1,5.Xoang phôi nang 2.Phôi khẩu 3.Ngoại bì 4.Nội bì 6.Ống thần kinh đang hình thành 7.Dây sống 8.Thể tiết 9.Ruột nguyên thủy tạo một vành đai phía trên bán cầu thực vật ngay dưới xích đạo. Vành đai phân bố không cân đối: phần chứa nguyên liệu dây sống là phần lưng rộng hơn phần bụng, lan cả lên vĩ độ động vật và xuống dưới cả vĩ độ 30o động vật. Tạo phôi vị theo phương thức lõm điển hình, tuy nhiên các phần khác nhau lõm vào với tốc độ khác nhau. Phần lưng có hoạt tính mạnh, đi vào nhanh hơn và sau chiếm một dải trên nóc ruột nguyên thủy, đó là nguyên liệu dây sống. Theo quá trình lõm, trung bì được kéo theo và nằm hai bên dây sống. Nội bì nằm ở đáy ruột nguyên thủy. Nếu cắt ngang phôi vị ở giai đoạn này sẽ có sơ đồ sau: lá ngoài là ngoại bì, lá trong là nội bì. Trung bì gồm có dải chính giữa lưng là dây sống, hai dải hai bên dây sống là trung bì, còn phần bụng là nội bì. Từ phôi hai lá sẽ diễn ra các diễn biến để tách trung bì. Phương thức tạo trung bì theo kiểu thắt túi điển hình. Hai dải trung bì hai bên sẽ lồi vào xoang phôi nang thành hai túi dọc và cắt thành hai túi trung bì, mỗi túi có một xoang, sau sẽ hình thành xoang thứ sinh của cơ thể. Dây sống cũng cuộn thành một dây hình trụ dọc theo hướng đầu đuôi của cơ thể và phôi cũng dài
- 42 dần theo hướng này. Lúc này đã hình thành một phôi với ba lá phôi hoàn chỉnh. V.Tạo phôi vị ở lưỡng cư Sau phân cắt hình thành nên một phôi nang lệch. Thành dày gồm một số lớp tế bào. Thành phôi nang thuộc bán cầu động vật gồm một số lớp tế bào nhỏ. Xoang phôi nang nhỏ và nằm lệch ở bán cầu động vật. Toàn bộ bán cầu thực vật là thành phôi nang rất dày gồm nhiều lớp tế bào rất lớn chứa đầy noãn hoàng. Giữa hai vùng tế bào nhỏ và lớn có một vành đai chuyển tiếp với sự thay đổi từ từ về kích thước tế bào. Ở lưỡng cư không có tương quan chặt chẽ giữa kích thước phôi bào và số phận tương lai của chúng. Để nhận biết người ta phải dùng phương thức đánh dấu, ví dụ như bằng các thuốc nhuộm sống, các khu vực khác nhau và sau đó theo dõi ở các giai đoạn tiếp theo. Kết quả theo dõi cho biết sự phân bố các khu vực nội, ngoại, trung bì và dây sống cũng gần giống với ở cá lưỡng tiêm. Hình 6.3 Tạo phôi vị và tạo tấm thần kinh ở ếch (Theo K. Kalthoff, 1996) (a-d)Giai đoạn phôi vị (e,f)Giai đoạn tấm thần kinh 1,2,13,15.Môi lưng của phôi khẩu 3.Nút noãn hoàn 4,6.Tấm thần kinh 5,7.Nếp thần kinh 8,16.Môi bụng 9.Biểu bì tương lai 10,28,29.Xoang phôi nang 11.Tấm thần kinh tương lai 12,.Trung bì tương lai 14.Nội bì 17,18.Ruột nguyên thủy19,22.Phôi khẩu 20,23.Trung bì 21,24.Nội bì 25.Ngoại bì 26.Dây sống 27.Dây sống tương lai Khu vực liềm xám tương ứng với phần lưng và cho nguyên liệu dây sống. Tạo phôi vị nói chung diễn ra theo kiểu ở cá lưỡng tiêm. Sự khác nhau biểu hiện ở chỗ cực thực
- 43 vật của phôi ếch gồm các tế bào lớn, rất giàu noãn hoàng nên có sức ỳ lớn, chúng không thể tự lõm vào xoang phôi nang mà gần như bị đẩy vào do hoạt động cuộn vào của môi lưng, do sự lan phủ của lá tế bào nhỏ của bán cầu động vật và do sự cuộn vào của môi bên và môi bụng. Sự lõm vào kèm theo sự tăng sinh mạnh ở bán cầu động vật, đặc biệt mạnh ở vùng môi lưng. Phôi khẩu xuất hiện như một khe lõm ở bán cầu thực vật ngay dưới liềm xám. Nguyên liệu liềm xám qua môi lưng đi vào trong rất nhanh tạo phần nóc của xoang phôi vị. Xoang phôi nang bị chen lấn dần. Hai bên mép lưng của phôi khẩu lan dần sang hai bên cùng với sự lan phủ của bán cầu động vật và tạo hai khe môi bên. Cung khe lan dần và bán kính cung cũng nhỏ dần, khi xuất hiện môi bụng thì cung khe khép kín hình thành vòng tròn phôi khẩu. Tuy nhiên, khối noãn hoàng vẫn chưa vào hết và trông như cái nút, nút lấy miệng phôi khẩu. Nút đó gọi là nút noãn hoàng. Lực kéo vào của thành xoang phôi vị và lực đẩy của các môi làm khối noãn hoàng dần cuộn vào trong để tạo nên thành đáy của ruột nguyên thủy. Phôi khẩu nhỏ dần rồi khép kín lại. Các khu vực trên phôi nang mà ta đã đánh dấu như trung bì và nội bì đều lộn cả vào trong. Phôi lúc này gồm hai lá tế bào, là ngoài là ngoại bì, là trong chứa nguyên liệu của cả nội bì, trung bì và dây sống. Nếu ta tưởng tượng phôi lúc này như một quả dừa, phôi khẩu là phía sau phôi, vỏ cứng là ngoại bì, phần cùi là lá trong thì nội bì chiếm bán cầu phía dưới còn trung bì và dây sống chiếm bán cầu phía trên. Dây sống như một dải chạy dọc theo hướng đầu- đuôi, còn hai dải trung bì nằm hai bên. VI. Tạo phôi vị ở chim Lúc trứng được đẻ ra, phôi bì đang chuẩn bị bước vào tạo phôi vị hoặc quá trình tạo phôi vị đã bắt đầu. Ở gà, phôi vị diễn ra rất lâu và chỉ kết thúc vào cuối ngày thứ hai. Đầu tiên xẩy ra sự tách lớp giữa lá phôi trong và lá phôi ngoài gần phía sau vùng rìa. Đồng thời xảy ra sự tạo trung bì từ lá phôi ngoài qua dải nguyên thủy. Nội bì và trung bì lan ra ngoại vi của đĩa phôi. Bên dưới khu vực dày ở rìa sau của vùng sáng có nhiều lớp tế bào, lớp dưới gồm những tế bào lớn lúc đầu còn rời rạc và chứa đầy noãn hoàng. Lớp tế bào này tách khỏi lớp trên bằng cách tách lớp. Gần với giới hạn phía sau, giữa vùng sáng và vùng mờ có một vùng tương đối nhỏ nhưng có đặc điểm tăng sinh cao và mật độ tế bào lớn gọi là trung tâm tăng trưởng. Trung tâm này bắt đầu những chuyển động tế bào phức tạp, có liên quan tới việc tạo lá phôi trong. Các tế bào di cư theo kiểu phóng xạ từ trung tâm này và cuối cùng tạo nên một lớp lá phôi trong liên tục ra ngoại vi vùng sáng. Những chuyển động như thế ở lớp trong có thể thấy ở các giai đoạn của sự tạo dãi nguyên thủy. Tuy nhiên khi dãi nguyên thủy hình thành hoàn toàn, các tế bào di chuyển mạnh và nhanh sang hai bên và về phía sau. Kết quả của những chuyển động tế bào lớp trong ở giai đoạn phôi vị sớm ngoài việc tạo lá
- 44 phôi trong liên tục, còn thiết lập trục nguyên thủy rõ rệt của phôi và sự đối xứng hai bên của đĩa phôi. Trong lúc lá phôi trong xếp chặt lại và lan ra ngoại vi của đĩa phôi, lá phôi ngoài ở khu vực sau vùng sáng cũng dày lên tạo dải nguyên thủy. Mút trước của dải nguyên thủy nằm trong vùng sáng có tên là nút Hensen. (H 6.5). Trục của dải nguyên thủy trùng với trục của đĩa phôi. Hình 6.4 Phôi vị chim (Theo K. Kalthoff, 1996) (a)Cắt ngang khoảng 1/3 (b)Cắt ngang ở giữa 1,6.Nút Hensen 2,8,18.Dãi nguyên thủy 3,9,16.Bì phôi 4.Các tế bào di cư 5,15.Phôi bì dưới 7.Hõm nguyên thủy 10,13.Nội bì 11.Trung bì tr ục 12.Noãn hoàng 14.Trung bì bên 17.Nếp nguyên thủy Hình 6.5 Đĩa phôi bì trứng gà (Theo W. B. Charles, 1978) 1.Vùng sáng 2.Màng noãn hoàng 3.Vùng mờ 4.Noãn hoàng
- 45 Dải nguyên thủy trở nên hẹp hơn và dọc theo giữa nó xuất hiện rãnh nguyên thủy. Sự tạo dải nguyên thủy có thể so sánh với sự tạo các môi bên của phôi khẩu khi tạo phôi vị ở lưỡng cư. Trong phát triển của phôi gà, nút Hensen tương ứng với môi lưng của phôi khẩu của lưỡng cư, nơi xẩy ra sự lộn vào của dây sống và trung bì trục. Quá trình này diễn ra bằng cách như sau: phía trước nút có một lưỡi tế bào lộn vào dưới ngoại bì và hướng về phía trước gọi là chồi đầu. Dây sống tạo nên ở đây và hai bên dây sống là trung bì trục. VII. Tạo phôi vị ở động vật có vú Vào cuối giai đoạn phân cắt, phôi có hai lớp tế bào: dưỡng bào ở ngoài và nút phôi ở bên trong. Nút phôi sẽ tạo thân phôi và tham gia tạo các cơ quan ngoài phôi. Cũng vào thời kỳ này, trong phôi xuất hiện một xoang lớn và phôi lúc này gọi là túi phôi. Bắt đầu giai đoạn tạo phôi vị, nút phôi bám vào một cực của thành xoang. Các tế bào nút phôi phân hóa thành hai lớp là lớp dưới tiếp xúc với xoang túi phôi và ngăn cách với lớp trên. Lớp dưới thường chỉ có một lớp tế bào sẽ cho ra nội bì phôi và nội bì ngoài phôi. Lá dưới lan theo mặt trong của dưỡng bào và bao lấy một phần xoang túi phôi để tạo túi noãn hoàng. Các tế bào bên trên lá dưới đầu tiên có dạng một khối tế bào. Ở đa số động vật có vú, trong khối tế bào xuất hiện xoang, xoang to dần và trở thành xoang ối. phần đáy của xoang chính là lớp trên của đĩa phôi. Như vậy ở đây ta có túi dưỡng bào bao quanh toàn bộ phôi và tương đồng với túi đệm (màng đệm) ở chim. Túi ối và túi noãn hoàng cũng tương đồng với các cấu trúc này ở chim. Ở người ngay từ giai đoạn này, trong xoang giữa màng đệm, túi ối và túi noãn hoàng đã có các tế bào trung bì phân tán thưa thớt. Túi ối và túi noãn hoàng tiếp xúc với nhau bằng một khu vực hình đĩa. Đó chính là đĩa phôi. Giống như ở chim, tạo phôi vị bắt đầu bằng sự di chuyển tế bào ở lớp trên để tạo nút Hensen và dải nguyên thủy. Tất cả các quá trình tiếp theo của tạo phôi vị đều giống với chim. Túi ối tạo môi trường nước cho phôi phát triển. Túi noãn hoàng ở giai đoạn sớm có chức năng hô hấp. Các chức năng này nhanh chóng chuyển sang một cơ quan có tầm quan trọng đặc biết trong phát triển của động vật có vú, đó là nhau thai. Sự tạo nhau thai: Khi vào xoang tử cung, phôi chuyển sang giai đoạn túi phôi, lớp dưỡng bào phôi dính vào biểu mô tử cung. Các dưỡng bào phá hủy thành tử cung để xâm nhập vào trong niêm mạc của tử cung. Lớp dưỡng bào phân chia rất mạnh tạo thành nhiều lớp nhưng chỉ có một lớp ở gần phía phôi là có cấu tạo tế bào gọi là lớp dưỡng bào tế bào. Phía ngoài lớp dưỡng bào tế bào có các khối dưỡng bào ăn sâu vào niêm mạc tử cung và không có giới hạn tế bào, đó là các khối dưỡng bào hợp bào. Khối dưỡng bào hoạt động phân hủy rất mạnh. Chúng phá huỷ cả mạch máu của tử cung và tạo ra các xoang máu. Các chất dinh dưỡng từ máu mẹ lúc này được đưa vào nuôi phôi bằng cách thẩm thấu. Cùng với sự phát triển phôi, lớp dưỡng bào hình thành
- 46 các lông nhung cắm sâu vào niêm mạc tử cung. Đó là các lông nhung sơ cấp nhanh chóng được cung cấp các tế bào trung bì đầu tiên từ trung bì ngoài phôi và sau đó là trung bì của túi niệu. Trung bì túi niệu phát triển mạnh thành cuống phôi. Các tế bào trung bì nhanh chóng hình thành các mạch máu và nối với hệ mạch của phôi để hình thành vòng tuần hoàn nhau thai. (H 6.6) Hình 6.6 Nhau thai người (Theo K.Kalthoff,1996) 1.Màng nhung 2.Máu mẹ 3.Túi noãn hoàng 4.Màng nhung bị cắt 5.Nếp màng ối 6.Dây rốn 7.Động mạch rốn 8.Tĩnh mạch rốn 9.Gốc chính của màng nhung 10.Nhánh động mạch rốn 11.Khe hỗng 12.Đảo máu trong khe hỗng 13.Động mạch xoắn 14.Vách ngăn 15.Tuyến 16.Động và tĩnh mạchtiết niệu 17.Cơ Nhau thai có hai chức năng chính là trao đổi khí và dinh dưỡng cho phôi, ngoài ra nó còn có hàng loạt chức năng khác như bảo vệ, khử độc và đặc biệt là chức năng nội tiết. Nhau thai tiết các hormon bảo đảm cho sự phát triển bình thường của thai.
- 47 Chương 7 Sự hình thành hệ thần kinh Sau khi hoàn thành quá trình tạo phôi vị, phôi chuyển sang giai đoạn phát triển quan trọng. Các lớp tế bào mầm sắp xếp vào đúng vị trí sơ đồ cấu tạo cơ thể. Trong giai đoạn tiếp theo của quá trình phát sinh cơ quan, các lớp tế bào mầm tương tác lẫn nhau để tạo cơ quan của cơ thể. Ở động vật có xương sống, hoạt động quan trọng nhất của sự phát sinh cơ quan là quá trình tạo thần kinh để hình thành não bộ và tủy sống. Cả não bộ và tủy sống đều có nguồn gốc từ các tế bào ngoại bì ở mặt lưng gọi là tấm thần kinh về sau cho ra ống thần kinh. Việc tạo thần kinh bắt đầu ngay sau sự tạo phôi vị. Kết thúc quá trình phát sinh cơ quan khó xác định, vì chúng hòa lẫn với thời kỳ dài của sự biệt hóa tế bào và mô theo đó các cơ quan chưa hoàn thiện biến đổi thành các cơ quan có chức năng xác định. Một số cơ quan như tim và thận bắt đầu hoạt động ở giai đoạn phôi nhưng vẫn hoàn thiện dần cho đến khi trưởng thành. Ở người, quá trình phát sinh cơ quan kéo dài từ 6 - 8 tuần. Khi một mầm cơ quan đạt đến hình dạng và vị trí như trong sơ đồ cơ bản của cơ thể thì chúng không những đặc trưng cho từng loài mà còn cho nhóm phát sinh chủng loại. Chẳng hạn, phôi người 5 tuần tuổi có đầu với não bộ, mắt và mầm tai; phần thân phân đốt ở mặt lưng với đuôi và mầm chi. Cấu tạo bên trong của phôi còn có mầm tim, ruột, phổi, thận và phần lớn cơ quan khác đã được tạo thành. Hình thể của các mầm cơ quan này và vị trí của chúng có liên quan đến đặc điểm của động vật có vú và tổ chức cơ thể động vật có xương sống nói chung. Nhiều quá trình phát sinh cơ quan xảy ra ở bên trong phôi nên rất khó quan sát và thực hiện các thực nghiệm. Tuy nhiên, đối với quá trình tạo tấm thần kinh thì khác, vì não bộ và tủy sống nằm ở mặt lưng có thể tiếp cận dễ hơn nên đã được nghiên cứu tương đối kỹ. Nhiều sự kiện trong sự phát sinh cơ quan được điều khiển bởi sự tương tác cảm ứng.Ví dụ: sự tạo thần kinh được tạo nên trong ngoại bì lưng và trung bì kế cận. Quá trình này được gọi là sự cảm ứng thần kinh (neural induction) đã được trình bày trong các thực nghiệm của H. Spemann và H. Mangold (1924). Các tác giả này đã cấy chuyển trung bì lưng của phôi axolot đến ngoại bì bụng của phôi chủ ở giai đoạn phôi vị. Việc cấy chuyển đã gây cảm ứng quanh mô chủ để tạo ra một phôi phụ gắn vào phôi chủ. Với thí nghiệm này, H. Spemann đã nhận Giải Nobel về y học năm 1935 và là một điển hình của phôi sinh học thực nghiệm cổ điển. I. Dẫn xuất của ba lá phôi Khi đã hình thành ba lá phôi, sự phát triển đi tiếp sang một giai đoạn mới là phát sinh cơ quan. Trong quá trình này diễn ra sự tương tác mật thiết của ba lá phôi và nhiều cơ quan tạo nên với sự tham gia của hai hoặc ba lá phôi. Tuy nhiên, vai trò chủ đạo của một lá nào đó cũng xác định được.
- 48 Hình 7.1 Dẫn xuất ba lá phôi (Theo K. Kalthoff, 1996, có chỉnh lý) - Dẫn xuất ngoại bì: Ngoại bì có hai dẫn xuất chính là hệ thần kinh và biểu bì. Một bộ phận lớn, chiếm tới 1/3 diện tích ngoại bì cuộn lại thành ống, chìm vào trong và cho hệ thần kinh. Phần ngoại bì còn lại bao quanh toàn bộ cơ thể, đó là biểu bì. Biểu bì có các dẫn xuất như lông, tóc, vẩy sừng, men răng, các tuyến da, Hai chỗ lõm
- 49 đầu xoang miệng và hậu môn cũng có nguồn gốc từ ngoại bì. Mang của cá xương cũng có nguồn gốc ngoại bì. - Dẫn xuất nội bì: Từ nội bì sẽ phát triển thành lớp biểu mô ống tiêu hóa và các tuyến tiêu hóa. Mang của cá miệng tròn và biểu mô lót cơ quan hô hấp của động vật có xương sống cũng có nguồn gốc từ lá phôi này. - Dẫn xuất trung bì: Tất cả các phần còn lại phát triển từ trung bì. Tất cả các mô cơ, mô liên kết, mô sụn, mô xương, mạc treo ruột, màng lót xoang thân (lá thành), hệ tuần hoàn, hệ bài tiết, hệ sinh dục (trừ các tế bào sinh dục có nguồn gốc đặc biệt). II. Sự tạo thần kinh - một ví dụ về sự phát sinh cơ quan Tạo thần kinh là một chuyển động hình thái đáng chú ý trong việc hình thành hệ thần kinh trung ương. Chủ yếu là từ một vùng của ngoại bì lưng biến đổi thành một khối tế bào nhô cao gọi là tấm thần kinh. Sau đó, tấm thần kinh uốn lại thành dạng ống với một xoang bên trong, từ đó phát triển thành não bộ và tủy sống. Sự tạo thần kinh có tầm quan trọng lớn về mặt khoa học vì tấm thần kinh có kích thước lớn và có khả năng tiếp cận nên có thể quan sát dễ dàng và gợi ý cho việc nghiên cứu sự phát triển các cơ quan khác. Ngoài ra, những hiểu biết sâu về sự tạo thần kinh có ý nghĩa về mặt y học. Những khuyết tật và chậm trễ trong việc tạo ống thần kinh đều ảnh hưởng đến hệ xương, cơ, và mô bao quanh não bộ và tủy sống. Ví dụ: những sai sót trong phần đầu của ống thần kinh gây ra bệnh thiếu não (anencephaly) (ở người, tỷ lệ mắc bệnh này chiếm 0,1 - 6,7/ 1000 trẻ sơ sinh). Quá trình tạo thần kinh giống nhau ở động vật có xương sống, nhưng được nghiên cứu nhiều ở chim và lưỡng cư. Ở phôi lưỡng cư, sự tạo thần kinh phân làm hai thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ tạo tấm thần kinh. Thời kỳ tứ hai là thời kỳ tạo ống thần kinh. Thời kỳ thứ nhất bắt đầu bằng sự biến đổi hoạt động của các tế bào ngoại bì thần kinh nằm ở mặt lưng của phôi vị muộn. Trong tạo phôi vị, các tế bào này di chuyển về phía sau ngang qua phôi khẩu dọc theo ngoại bì. Chuyển động biểu mô chấm dứt sau khi sự tạo phôi vị hoàn thành. Sau đó, các tế bào ngoại bì thần kinh di chuyển qua phần giữa và trước mặt lưng. Đồng thời các tế bào dài ra và nhô lên thành tấm thần kinh. Trên tấm thần kinh xuất hiện rãnh thần kinh và nếp thần kinh bao quanh biểu bì. Thời kỳ thứ hai bắt đầu khi tấm thần kinh lõm xuống theo chiều dọc, cuối cùng hai mép của tấm thần kinh nối liền với nhau ở phía trên để thành một cấu trúc dạng ống gọi là ống thần kinh. Các tế bào còn lại của tấm thần kinh tách khỏi ống thần kinh thành mào thần kinh. Ống thần kinh sẽ phát triển thành não bộ và tủy sống, còn mào thần kinh cho ra hệ thần kinh ngoại biên gồm các dây thần kinh não và các dây thần kinh tủy. Việc tạo ống thần kinh khác nhau ở động vật có xương sống. Ở lưỡng cư, mép ống thần kinh khép lại cùng lúc theo chiều dài. Trong khi ở chim, ống
- 50 thần kinh bắt đầu khép lại ở phía trước rồi tiến dần về phía sau. Kiểu này cũng được quan sát ở động vật có vú. Tuy nhiên, ở động vật có vú, phần trước của ống thần kinh lớn nên khó khép lại. Vì vậy, phần giữa ống khép trước tiên, kết quả tạo ra hai lỗ thần kinh phía trước và lỗ thần kinh phía sau. III. Cơ chế tạo thần kinh 1.Sự tạo thần kinh độc lập với biểu bì xung quanh nhưng lệ thuộc vào trung bì trục Trong nghiên cứu sớm nhất về sự tạo thần kinh, W. His (1874) đã cho rằng biểu bì bên nén lại để tạo tấm thần kinh sau đó thành ống thần kinh. Tuy nhiên, quan niệm biểu bì bên dồn nén cho tấm thần kinh đã bị W. Roux (1885) bác bỏ khi ông ta tiến hành phân lập tấm thần kinh từ biểu bì gần kề và quan sát hoạt động của chúng trong nuôi cấy mô. Ông đã quan sát thấy tấm thần kinh phân lập khép lại nhanh hơn bình thường. Roux kết luận rằng động lực tạo thần kinh nằm ngay trong tấm thần kinh, còn biểu mô bao quanh ngăn cản sự tạo thần kinh hơn là giúp cho quá trình này. Kết luận này đã được củng cố bởi thí nghiệm thực hiện bởi A. Jacobson và R. Gordon (1976). Khi tạo một đường rạch trên biểu mô bao quanh tấm thần kinh, người ta thấy vết rạch này mở rộng không theo một hướng nào cả. Các tác giả này đã kết luận rằng biểu mô dưới áp lực mạnh trong sự định hướng không có khả năng lôi kéo nếp thần kinh khi tấm thần kinh khép lại thành ống. Một loại mô khác cũng có thể gây ra sự tạo thần kinh là trung bì nằm dưới tấm thần kinh khi tấm thần kinh bị tách ra. Chúng sẽ sẵn sàng phát triển từ trung bì nằm bên dưới, ngoại trừ trung bì trục ở giữa. Mô này là tiền thân của dây sống gắn vào tấm thần kinh và được xem như phần không di chuyển trong thực nghiệm phân lập của Roux. Kết quả này đã chỉ ra rằng các tế bào tấm thần kinh tương tác với các tế bào dây sống nằm bên dưới để thực hiện quá trình tạo thần kinh một cách bình thường. 2. Hiện tượng xếp cột của các tế bào tấm thần kinh Trong quá trình tạo thần kinh, các tế bào tấm thần kinh có sự thay đổi về hình dạng nhưng vẫn giữ nguyên về thể tích. Các tế bào tấm thần kinh dài ra và xếp thẳng góc với bề mặt của phôi trong khi đỉnh và đáy của chúng thì co lại. Quá trình này gọi là hiện tượng tạo cột tế bào thường thấy ở vùng biểu bì nơi bắt đầu chuyển động phát sinh hình thái. Hiện tượng tạo cột của tế bào biểu bì thường liên quan tới sự sắp xếp của các vi ống. Vào lúc bắt đầu sự tạo thần kinh, các vi ống của các tế bào tấm thần kinh định hướng song song với trục dọc của tế bào. Hiện tượng tạo cột của các tế bào tấm thần kinh làm giảm diện tích bề mặt của tấm thần kinh. 3.Sự khép ống thần kinh Trong giai đoạn hai của sự tạo thần kinh khi tấm thần kinh khép lại thành ống, bề mặt tế bào đỉnh tiếp tục quá trình co lại. Quá trình kết hợp làm
- 51 cho tấm thần kinh có dạng tấm uốn cong thành dạng ống. B. Burnside (1971) cho rằng sự thay đổi hình dạng này có thể gây ra bởi hiện tượng nén chặt phần đỉnh. Ở đó, việc nén chặt của dải các vi sợi nằm dưới phần đỉnh. Theo giả thiết này thì các bó vi sợi sẽ dày lên và bện xoắn lại. Tuy nhiên, người ta không biết làm thế nào mà các tế bào phần đỉnh sinh ra các tế bào dạng kim tự tháp hay hình chóp nón để cuối cùng tạo thành chỗ lõm vào trên tấm thần kinh. IV. Sự cảm ứng thần kinh Người ta gọi tiềm năng của một phần nào đó của phôi là khả năng của nó biệt hóa thành các kiểu cấu trúc khác nhau trong những điều kiện bên ngoài khác nhau. Khi nói đến tiềm năng của ngoại bì, người ta thường xem xét thí nghiệm cấy môi lưng của phôi khẩu và vai trò của chúng trong việc tạo hệ thần kinh. Bình thường vùng này phát triển thành dây sống và trung bì, nên người ta gọi nó là dây sống trung bì đoán trước. Nếu đem cấy nó vào xoang phôi nang của phôi vị nguyên vẹn khác sao cho nó tếp xúc với biểu bì đoán trước thì nó tạo nên tấm thần kinh. Sự tạo tấm thần kinh thứ sinh dưới ảnh hưởng của miếng dây sống trung bì cấy vào nói lên một trong những hiện tượng cơ bản trong phát triển - sự cảm ứng phôi. Người ta cũng đã theo dõi sự phát triển của liềm xám (cấu trúc xuất hiện sớm trong phát triển phôi ếch) khi mang một mẫu liềm xám này cấy vào trứng chưa phân cắt sao cho nó đối diện với liềm xám kia. Sau khi phôi vị được tạo thành thì hệ thần kinh thứ sinh cũng được tạo nên. (H 7.2) Nhờ có tính chất tổ chức được hệ thần kinh từ ngoại bì mà người ta thường gọi khu vực nằm ngay trên môi lưng của phôi khẩu là nhân tố tổ chức của trứng. Không nên hiểu lý thuyết về nhân tố tổ chức là tác động của dây sống trung bì. Cảm ứng phôi như là một quá trình mà nhờ đó một nhóm tế bào này kích thích nhóm khác biệt hóa. Bản chất của cảm ứng thần kinh: Người ta cho rằng nóc ruột nguyên thủy kích thích ngoại bì nằm trên nó phát triển thành mô thần kinh, có nghĩa là nóc ruột nguyên thủy tác động trực tiếp lên các tế bào ngoại bì. Trong đó có thể tồn tại một số phương thức mà qua đó các tác động này có thể thực hiện được. Một trong số đó là tương tác bề mặt của các tế bào ở chỗ mà các tế bào của hệ cảm ứng tiếp xúc trực tiếp với nhau. Ví dụ như khi có tiếp
- 52 Hình 7.2 Thí nghiệm về cảm ứng thần kinh (Theo K. Kalthoff, 1996) A.Bóc tấm thần kinh B.Cắt một phần nóc ruột cấy vào xoang phôi nang C.Phôi có đầu phụ D.Cấy vào xoang phôi vị sớm E.Phôi có thân phụ 1,6.Nhân tố tổ chức đầu đem cấy 2,5.Xoang phôi nang 3.Đầu tạo nên do cảm ứng 4.Thân tạo nên do cảm ứng xúc giữa hai lớp tế bào: ngoại bì và dây sống - trung bì; dây sống - trung bì có thể gây thay đổi về cấu tạo, hình dạng hoặc hoạt động của màng tế bào ngoại bì. Như thế, cấu trúc không gian của màng tế bào dây sống - trung bì có thể gây cảm ứng làm thay đổi về hình dạng màng tế bào ngoại bì, thay đổi này lại dẫn tới những biến đổi trong tế bào và quyết định nó phát triển thành tấm thần kinh. V. Nguồn gốc và phát triển các tế bào thần kinh Các tế bào thần kinh nguyên thủy hay các nguyên bào thần kinh có một số nguồn gốc khác nhau. Ống thần kinh là nguồn gốc chủ yếu của các nguyên bào thần kinh. Nó chứa những nguyên bào thần kinh to, tròn, tạo nên đại bộ phận các tế bào thần kinh và sợi thần kinh của não bộ và tủy sống cũng như các dây thần kinh vận động. Ngoài ra, các nguyên bào thần kinh còn có nguồn gốc từ các mào thần kinh. Để xem xét sự phát triển của tế bào thần kinh, Harrison (1907) đem cấy một đoạn ống thần kinh ở giai đoạn phôi sớm khi chưa có dây thần kinh. Ông ta có thể theo dõi sự phát triển của tế bào nhỏ bé có chồi đi xa thân tế bào tới 60 - 90 cm. Quan sát nguyên bào thần kinh trong nuôi cấy cho thấy thoạt đầu từ một phía thân tế bào phát ra một dây chất tế bào mảnh. Ở đó hình thành một chồi giống chân giả và vẫn nối vào tế bào gọi là chóp tăng trưởng. Khi chóp đi xa khỏi tế bào, dây chất tế bào giữa chúng dài ra và tạo nên sợi thần
- 53 kinh. Sợi thần kinh có thể phân nhánh và có hai chóp tăng trưởng. Trong thân tế bào tạo nên chất tế bào mới, và chất tế bào mới này di chuyển ra xa theo lõi của sợi thần kinh. VI. Mào thần kinh và những dẫn xuất của mào thần kinh Ở những giai đoạn phát triển sớm, các tế bào của mào thần kinh di cư theo hai hướng so với ống thần kinh. Một phần tế bào của mào thần kinh di cư vào vùng động mạch chủ lưng và tạo các hạch thần kinh cạnh đốt sống (các hạch giao cảm), các hạch này tạo thành thân giao cảm. Các hạch thần kinh bên và tận cùng của hệ thần kinh thực vật liên quan chặt chẽ với cơ quan nội tạng, có lẽ cũng bắt nguồn từ các tế bào của mào thần kinh. Dùng phương pháp đánh dấu tế bào mào thần kinh bằng chất timidin cho thấy những tế bào di cư theo hướng lưng - bên so với ống thần kinh sẽ đi vào ngoại bì bề mặt tạo các nguyên bào thần kinh ở da. Thực nghiệm bằng phương pháp phóng xạ hoặc cắt bỏ mào thần kinh sẽ đưa đến kết quả là các tế bào Schwann không hình thành bao và màng myelin. Cuối cùng, đa số các tế bào mào thần kinh tạo nên các hạch thần kinh tủy và các sợi cảm giác của dây thần kinh tủy. VII. Phát triển tủy sống và não bộ 1. Phát triển tủy sống Ống thần kinh lúc đầu tương đối đồng nhất về cấu trúc. Thành của nó gồm những tế bào biểu mô thần kinh, về sau cho các nguyên bào thần kinh, tạo các sợi thần kinh, các nguyên bào xốp hay các tế bào đỡ và các tế bào lót ống nội tủy lót xoang trung tâm. Trong ống thần kinh của phôi gà ấp bốn ngày có thể phân biệt ba vùng: - Lớp dày các nguyên bào thần kinh chưa biệt hóa về cấu trúc lót lòng ống, - Vùng áo nằm xa trung tâm hơn và gồm các thân tế bào đang biệt hóa, - Vùng rìa ngoài, trong đó là các sợi thần kinh đang biệt hóa Trong ống thần kinh ở giai đoạn sớm, phân lập ra vùng mầm có các tế bào phân chia dọc theo xoang trung tâm. Các tế bào mầm có khả năng biệt hóa thành các nguyên bào thần kinh, nguyên bào xốp và các tế bào lót ống nội tủy. Qua một hai ngày sau khi ống thần kinh khép kín, một phần tế bào tạo ra ở vùng mầm biệt hóa thành nguyên bào thần kinh và di cư đi xa xoang trung tâm, tạo nên lớp áo đầu tiên. Sự tăng sinh cực đại vùng mầm làm cho xoang trung tâm hẹp lại. Khi xoang trung tâm gần như bị lấp kín thì một số tế bào của vùng mầm di chuyển từ lòng ống tới lớp áo và biệt hóa thành các tế bào nâng đỡ. Các tế bào còn lại ở vùng mầm tạo nên lớp lót ống nội tủy ổn định. Ở những giai đoạn tiếp theo lòng xoang trung tâm tiểp tục nhỏ đi và trong xoang chứa dịch tủy. 2. Phát triển não bộ Phát triển não bộ từ phần trước của tấm thần kinh là một quá trình phức tạp nhất. Tuy nhiên, những nguyên tắc chủ yếu của phát triển hệ thần kinh
- 54 trung ương giống với nguyên tắc xác định sự biệt hóa các dây thần kinh tủy và tủy sống. Đó là sự di cư có định hướng và tương tác cảm ứng của các tế bào và sợi. Sau khi các bờ thần kinh khép lại, trong não có thể phân biệt ba bộ phận lớn: não trước nguyên thủy, não giữa và não sau nguyên thủy. Đồng thời với việc xuất hiện các dấu hiệu biệt hóa cục bộ thành não, lần đầu tiên xuất hiện sự phân chia não thành năm phần đặc trưng cho cơ thể trưởng thành. Sự biệt hóa này của các thành não bao gồm sự tạo các chỗ lồi, dày lên và một vài chỗ thành mỏng đi. Các vòng thắt tạo nên thành não cũng là giới hạn giữa các phần. Trên các giai đoạn phát triển sớm, trong số các cơ quan nằm trong phần đầu, ống thần kinh to ra nhanh hơn cả do tăng sinh tế bào, do khối lượng và thể tích dịch não thất tăng lên. Sự tăng sinh biệt hóa tế bào và có thể sự tăng áp suất trong não thất là những nhân tố tạo hình quan trọng nhất để tạo nên các chỗ uốn của não. Bóng não thứ nhất tức não trước giới hạn với các phần khác của não bằng eo thắt phía lưng - màng mái ngang và chỗ lõm phía bụng hố thị giác. Từ thành não trước phát triển thành các bán cầu đại não, các bán cầu vẫn nối với nhau theo đường giữa nhờ cầu nối. Xoang não trước chia làm hai tạo nên não thất I và II. Hình 7.3 Phát triển não bộ phôi người (Theo K. Kalthoff, 1996) (a) 4 tuần, nhìn bên (b) 4 tuần,cắt theo mặt phẳng ngang (c) 5 tuần, nhìn bên (d) 5 tuần cắt dọc theo mặt phẳng thẳng đứng (e) Cắt dọc theo mặt phẳng ngang 1,7,23.Não sau 2.Hạch cảm giác tủy sống và não 3.Tủy sống 4,9.Não trước 5,13.Túi thị giác 6,10.Não giữa 8,19,24.Rãnh trung tâm 11,22.Tiểu não 12.Hành tủy 14.Não trước 15.Bán cầu não nguyên thủy 16,21.Não trung gian 17.Não giữa 18.Nóc của não sau 20.Thành não trước 25.Não thất IV 26.Rãnh Sylvius tương lai 27. Cốc thị giác 28.Não thất III 29.Não thất bên 30.Não trước Não trung gian giới hạn bởi đường đi từ mấu sau tới phía sau
- 55 cuống tuyến yên có bắt chéo thị giác ở thành bụng. Tuyến yên có nguồn gốc từ biểu bì và thần kinh được tạo nên do túi lồi của đáy não trung gian với túi lồi của nóc miệng nguyên thủy hay túi Rathke. Tuyến tùng thì lại xuất hiện dưới dạng túi lồi của thành lưng não trung gian. Các thành bên của não trung gian tạo nên đồi thị. Từ thành của não trung gian cũng tạo nên vùng dưới đồi. Xoang của não trung gian trở thành não thất III. Thành lưng của bóng não giữa sẽ tạo các thùy thị giác. Tiểu não được tạo nên từ thành lưng của não sau. Ở đáy não sau có các đường dẫn truyền nối tiểu não với các phần khác của hệ thần kinh trung ương. Phần khác của não sau nguyên thủy tạo nên hành tủy, chứa các đường dẫn truyền nối thân não với tủy sống. Xoang hành tủy tạo não thất IV thông với xoang trung tâm của tủy sống.