Giáo trình Thiết kế môi trường dạy học thực hành kỹ thuật theo quan điểm dạy học tương tác tích cực

doc 5 trang huongle 3590
Bạn đang xem tài liệu "Giáo trình Thiết kế môi trường dạy học thực hành kỹ thuật theo quan điểm dạy học tương tác tích cực", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docgiao_trinh_thiet_ke_moi_truong_day_hoc_thuc_hanh_ky_thuat_th.doc

Nội dung text: Giáo trình Thiết kế môi trường dạy học thực hành kỹ thuật theo quan điểm dạy học tương tác tích cực

  1. THIẾT KẾ MÔI TRƯỜNG DẠY HỌC THỰC HÀNH KỸ THUẬT THEO QUAN ĐIỂM DẠY HỌC TƯƠNG TÁC TÍCH CỰC 1. Đặt vấn đề Quan điểm Khoa học giáo dục nhìn chung đều khẳng định, yếu tố môi trường có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển nhân cách sống cho người học. Nhưng thực tiễn môi trường dạy học (MTDH), trong các Nhà trường hiện nay chưa đảm bảo các tiêu chuẩn theo hướng MTDH tích cực. Những nguyên nhân thuộc về việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiết kế phòng học chưa xác định được nguyên tắc, yêu cầu và định hướng đúng đắn. Mặt khác, người dạy ít tích cực hoá trong quá trình dạy học (chậm thay đổi cách dạy, cách đánh giá, ), tạo sức ỳ ở người học trong học tập. Do đó làm cho MTDH hạn chế. Kết quả là chất lượng dạy học không cao. Nghiên cứu, thiết kế MTDH thực hành kỹ thuật (THKT) theo quan điểm dạy học tương tác tích cực (TTTC), sẽ gải quyết được hạn chế trên, nhằm nâng cao chất lượng dạy học THKT. 2. Khái niệm môi trường, môi trường dạy học 2.1. Môi trường Môi trường, có thể hiểu theo nghĩa rộng nhất thì: "Môi trường là tập hợp các điều kiện và hiện tượng bên ngoài có ảnh hưởng tới một vật thể hoặc sự kiện. Bất cứ vật thể, sự kiện nào cũng tồn tại và diễn biến theo các chiều hướng khác nhau trong sự tác động của tập hợp những tác động vốn không thuộc bản thân chúng. Đó là môi trường của sự kiện, vật thể đó" [2 tr.11]. Môi trường sống của con người: "bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên." (Theo Điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam). Như vậy, môi trường là tất cả những gì có xung quanh con người, cho con người cơ sở để sống và phát triển. Chức năng chủ yếu của môi trường là nơi lưu trữ và cung cấp các nguồn thông tin. 2.2. Môi trường dạy học (MTDH) Trong nghiên cứu khoa học giáo dục, môi trường được sử dụng với nhiều cách gọi, thể hiện mức độ, phạm vi, ý nghĩa khác nhau, chẳng hạn như: môi trường sư phạm, môi trường giáo dục, môi trường học tập, môi trường lớp học Tựu chung lại tất cả cách gọi có chung bản chất là nói đến điều kiện tự nhiên, xã hội, vật chất giúp cho người học tồn tại, phát triển nhận thức theo hướng tích cực về các mặt thái độ, kỹ năng, tri thức. Quan niệm môi trường dạy học, các tác giả Jean - Marc Denomme & Madeleine Ray [4] và một số tác giả ở Việt Nam hiện nay cho rằng môi trường dạy học đa dạng, phong phú, gồm: môi trường bên ngoài (tự nhiên, vật chất, người dạy, gia đình, nhà trường, xã hội ), môi trường bên trong (trí tuệ, 1
  2. tình cảm, vốn sống, ). Nhưng thực chất MTDH chỉ tồn tại là môi trường bên ngoài, không thể có môi trường bên trong, bởi những thứ được gọi là môi trường bên trong vốn thuộc chủ thể nhận thức (bên trong người học), mâu thuẫn với quan niệm về môi trường phải là các yếu tố bên ngoài chủ thể, xung quanh chủ thể. Trong quá trình dạy học, có các yếu tố (người dạy, người học, mục tiêu, nội dung, phương pháp ) cần được xem xét đặt trong MTDH xác lập, mà ở đó diễn ra hoạt động học của người học và hoạt dạy của người dạy. Khái niệm MTDH trong phạm vi bài viết này sẽ hiểu theo nghĩa là: môi trường xung quanh người học, với những điều kiện cụ thể về tự nhiên, xã hội, vật chất được người dạy định liệu cho các hoạt động dạy-học diễn ra, nhằm đạt được các nhiệm vụ dạy học. 3. Quan niệm môi trường theo quan điểm dạy học tương tác tích cực Tư tưởng quan điểm dạy học TTTC được hiểu là: "Dạy học TTTC là quá trình dạy học có quá trình tương tác nhiều chiều giữa ba yếu tố chủ đạo gồm thầy, trò và MTDH, trong đó trò là trung tâm được khơi dậy tính tích cực, thầy là người tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ trò thực hiện nhiệm vụ học tập, môi trường đóng vai trò ảnh hưởng, thích nghi đến thầy và trò".[3, tr. 22] Môi trường mặc dù rất rộng (môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường vật chất) không thể xem xét kỹ được tất cả, nhưng nhìn nhận ở khía cạnh đáp ứng nguồn nhân lực, theo nhu cầu xã hội, đây chính là sự ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ của môi trường đối với quá trình đào tạo nói chung, quá trình dạy học cụ thể nói riêng. Chính điều này có tác động tới việc phải xác định rõ chuẩn đầu ra, dẫn đến cần đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy - học, điều kiện cơ sở vật chất cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. Quá trình dạy học có các hoạt động tương tác giao thoa giữa các yếu tố thuộc cấu trúc hoạt động dạy học, kéo theo sự biến đổi các yếu tố đó, tạo nên chất lượng mới cho cả hệ dạy học. Vì vậy, MTDH không phải là một yếu tố tĩnh, bất động mà phải là một yếu tố thuộc cấu trúc hoạt động dạy học. Do đó, MTDH tồn tại cả ở dạng "động". Thực tiễn rất khó để khai thác tất các các yếu tố của MTDH, vì vậy chỉ quan tâm tới những yếu tố MTDH cơ bản có thể tác động được, đem lại lợi ích tốt cho quá trình dạy học. MTDH là một yếu tố thuộc cấu trúc hoạt động dạy học, nối kết một cách đặc thù với hoạt động dạy, hoạt động học cùng với người dạy và người học. Các yếu tố thành phần của MTDH ảnh hưởng đến người học, buộc người học phải thay đổi hoặc sắp xếp các điều kiện MTDH mà họ phát triển trong đó đến mức thích nghi những điều kiện ấy. Vậy quan hệ của MTDH đến người học là quan hệ "ảnh hưởng và thích nghi". MTDH không chỉ có: bàn, nghế, phấn, bảng, phương tiện, thiết bị dạy học, ánh sáng, không khí, mà còn chứa đựng cả các tình huống dạy học. Mặt khác, hoạt động dạy và hoạt động học phải dựa vào nội dung dạy học, mà thực chất 2
  3. nội dung dạy học là thành phần đã được đúc kết, rút ra từ những "kinh nghiệm" xã hội qua việc hệ thống hóa, khái quát hóa thành "văn hóa". Vì vậy, nội dung dạy học là một bộ phận thuộc MTDH. Người dạy tổ chức hoạt động dạy-học sẽ có dự liệu trước về điều kiện MTDH cho phù hợp (sắp xếp vị trí, chuẩn bị tài liệu học tập, các tình huống dạy học, thiết bị phục vụ dạy-học, ) với nội dung học tập. Quá trình dạy - học người dạy có thể tác động, điều chỉnh MTDH theo nội dung học tập, nhịp độ học tập (thay đổi bầu không khí, cung cấp tư liệu, đưa ra các tình huống, kích thích tính tò mò ). Như vậy, người học và người dạy sẽ đều bị ảnh hưởng, thích nghi với MTDH. Chính người dạy, người học lại làm thay đổi MTDH và rồi lại tiếp tục bị ảnh hưởng, thích nghi. Vậy có thể hiểu MTDH theo quan điểm dạy học TTTC là: MTDH là yếu tố thuộc cấu trúc hoạt động dạy học, nó không chỉ ảnh hưởng đến người dạy, người học, mà điều quan trọng là làm thay đổi người học, người dạy nhằm đảm bảo sự thích nghi của người học, người dạy với môi trường và ngược lại chính người dạy, người học cũng làm môi trường thay đổi. Với điều kiện MTDH cụ thể như qua các thiết bị dạy học tương tác (tương tác người - máy), phần mềm dạy học tương tác trở thành điều kiện cho người học tương tác với MTDH. Ở mức cao hơn thì việc dạy học có thể không cần người thầy ở đó mà thiết bị dạy học trở thành người thầy vô hình ẩn trong thiết bị dạy học hay phần mềm dạy học, phần mềm thí nghiệm, thực hành ảo, E-book, Như vậy, nghĩa là người học tự học qua quá trình tương tác với MTDH. 4. Đặc điểm môi trường trong dạy học thực hành kỹ thuật Các đặc điểm của MTDH thực hành kỹ thuật được thể hiện như sau: - Địa điểm là trong nhà, thuộc xưởng thực hành, phòng học thực hành, hoặc có thể ở ngoài trời là ruộng, vườn, sân bãi, - Không gian về sắp xếp, bố trí trang thiết bị, vị trí thực hành - Thời gian học thường theo ca, theo buổi - Tính an toàn tùy thuộc vào từng chuyên môn, ngành nghề mà có có sự ảnh hưởng mang tính độc hại như: hóa chất, phóng xạ, tiếng ồn, các loại tia, áp suất, nhiệt độ, khói, bụi, - Điều kiện trang bị thiết bị, vật liệu, máy móc, - Điều kiện trang bị về an toàn, vệ sinh, phòng chống cháy, nổ, - Phương pháp dạy học THKT cũng có những nét đặc trưng riêng. 5. Định hướng thiết kế môi trường dạy học thực hành kỹ thuật theo quan điểm dạy học tương tác tích cực 5.1. Nguyên tắc và yêu cầu thiết kế môi trường dạy học thực hành kỹ thuật theo quan điểm dạy học tương tác tích cực 3
  4. + Ánh sáng, nhiệt độ phù hợp, không khí thông thoáng. + Đảm bảo an toàn, thuận lợi cho các hoạt động thực hành diễn ra + Bảng, màn chiếu, loa bố trí cho mọi người học có thể nhìn rõ, nghe rõ + Mô hình, máy móc, thiết bị, tủ, giá, thiết bị bố trí thuận tiện, khoa học + Diện tích nhà xưởng, phòng thực hành đủ rộng theo tiêu chuẩn + Cách bố trí chỗ ngồi của người học linh hoạt + Bầu không khí vui vẻ thuận lợi cho trao đổi, thảo luận của người học + Các tình huống dạy học đa dạng, phong phú và phù hợp với người học nhưng vẫn tạo được sự thách thức đối với người học + Đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho xã hội. 5.2. Định hướng thiết kế môi trường dạy học thực hành kỹ thuật theo quan điểm dạy học tương tác tích cực Để có được MTDH thân thiện, tác động tích cực đến hoạt động dạy- học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học THKT, cần có định hướng thiết kế MTDH thực hành kỹ thuật theo quan điểm dạy học TTTC theo 4 hạng mục sau: Hạng mục 1: Xác định hạ tầng cơ sở (cải tạo hoặc xây mới). Thực tế hầu hết hạ tầng cơ sở đã có, mặc đù chưa đạt được tiêu chuẩn, nhưng chỉ có thể cải tạo trong điều kiện cho phép tùy theo điều kiện nhất định như: bố trí lại điện nước, lát nền, chát, ốp tường Quan tâm đến thông thoáng, chống nóng, chống ồn Nếu xây mới thì thực hiện theo thiết kế tiêu chuẩn quy định. Hạng mục 2: Kế hoạch trang bị máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm dạy học, bảng tương tác, Phương án bố trí thiết bị, vị trí thực hành Hạng mục 3: Kế hoặch trang bị phương tiện phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, tùy theo từng chuyên môn, nghề nghiệp. Hạng mục 4: Thiết kế, xây dựng các tình huống dạy học, theo nội dung dạy học cụ thể, thông quan việc thiết kế bài dạy theo quan điểm dạy học TTTC. Quan niệm việc thiết kế và thi công MTDH thực hành kỹ thuật theo quan điểm dạy học TTTC không chỉ của người dạy, mà còn có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các cấp quản lý, lãnh đạo, quan tâm của xã hội. Đặc biệt vai trò của người học trong việc xây dựng (thi công) MTHT cực kỳ quan trọng trong hạng mục 4 trên đây. 6. Kết luận Vị trí, vai trò và ý nghĩa của MTDH trong dạy học nói chung, dạy học THKT nói riêng, theo quan điểm dạy học hiện đại, đã chứng tỏ là một yếu tố quan trọng thuộc cấu trúc hoạt động dạy học, đồng thời cũng là một tác nhân, luôn có biến động. Từ cách hiểu như vậy, đi đến thiết kế và xây dựng MTDH thực hành kỹ thuật để được khả thi, hiệu quả, sẽ cần có sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng liên quan. Bước đầu thực hiện sẽ không tránh 4
  5. khỏi những vướng mắc, khó khăn, như tìm được sự ủng hộ của các cấp quản lý lãnh đạo, người dạy cần đầu tư nhiều thời gian, công sức trong việc thiết kế MTDH đặc biệt là các tình huống dạy học, thay đổi cách học của người học từ thụ động sang tích cực sẽ cần có thời gian. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phó Đức Hòa, Ngô Quang Sơn, Phương pháp và công nghệ dạy học trong môi trường sư phạm tương tác, NXB ĐHSP Hà Nội, 2011. 2. Phạm Hồng Quang, Môi trường giáo dục, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006. 3. Nguyễn Cẩm Thanh, Quan hệ giữa các thành phần của quá trình dạy học theo quan điểm dạy học tương tác tích cực, tạp chí Khoa học Giáo dục, số 73, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2011, tr 22-25. 4. Nguyễn Quang Thuấn (dịch), Jean-Marc Denommé et Madeleine Roy: Tiến tới một phương pháp sư phạm tương tác, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000. 5. Thái Duy Tuyên, Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới. NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007. TÓM TẮT Thiết kế môi trường dạy học thực hành kỹ thuật theo quan điểm dạy học tương tác tích cực Bài viết làm rõ quan niệm về môi trường dạy học theo quan điểm dạy học tương tác tích cực, cùng với xem xét đặc điểm môi trường trong dạy học thực hành kỹ thuật. Từ đó, đưa ra bốn hạng mục thiết kế môi trường dạy học thực hành kỹ thuật, theo quan điểm dạy học tương tác tích cực. SUMMARY 5