Giáo trình Từ khái niệm “Nông dân” tới “Xã hội tiểu nông” ở Việt Nam-Dẫn vào một nghiên cứu về phát triển nông thôn
Bạn đang xem tài liệu "Giáo trình Từ khái niệm “Nông dân” tới “Xã hội tiểu nông” ở Việt Nam-Dẫn vào một nghiên cứu về phát triển nông thôn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- giao_trinh_tu_khai_niem_nong_dan_toi_xa_hoi_tieu_nong_o_viet.pdf
Nội dung text: Giáo trình Từ khái niệm “Nông dân” tới “Xã hội tiểu nông” ở Việt Nam-Dẫn vào một nghiên cứu về phát triển nông thôn
- Xã hội học số 4(120), 2012 13 TỪ KHÁI NIỆM “NÔNG DÂN” TỚI “XÃ HỘI TIỂU NÔNG” Ở VIỆT NAM: DẪN VÀO MỘT NGHIÊN CỨU VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BÙI QUANG DŨNG* Nhiều nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay cho thấy một bức tranh khá đa dạng liên quan tới tình hình nông nghiệp và xã hội nông thôn từ sau Đổi Mới cho tới thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Một mặt, ta chứng kiến quá trình tích tụ ruộng đất và phân hóa xã hội; mặt khác, lại vẫn thấy nét nổi bật trong nông nghiêp và các quan hệ ruộng đất hiện nay: nền “sản xuất nhỏ” của nông dân và sự tồn tại một xã hội tiểu nông1. Sự phát triển của nền nông nghiệp và nông thôn Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào mức độ, khả năng biến đổi của các quan hệ ruộng đất này. Dù hiện tượng trao đổi đất diễn ra tại mỗi vùng như thế nào thì, cuối cùng, tích tụ ruộng đất ở nhóm cư dân này, sẽ tạo ra tình trạng không đất ở một một nhóm cư dân khác. Việc tích tụ đất đai sẽ hỗ trợ cho chủ trương hướng tới nền nông nghiệp hàng hoá của Việt Nam; tuy nhiên, nó cũng sẽ làm gia tăng mối quan tâm về nghèo đói và công bằng xã hội, khi mà cơ hội việc làm phi nông nghiệp tại nông thôn cũng như trình độ của lực lượng lao động hiện nay vẫn còn thấp. Bài viết này phân tích tình hình nghiên cứu về các quan hệ ruộng đất và xã hội nông thôn trong thời gian qua từ các công trình của các học giả trong nước và quốc tế. Ngoài việc phân tích, nhận diện một vài khái niệm làm việc liên quan tới vấn đề, bài viết cũng dành thảo luận về các khía cạnh của chiến lược phát triển nông thôn Việt Nam hiện nay. Khái niệm “Nông dân” Các môn khoa học xã hội, khi đề cập tới tình hình các nước đang phát triển, đều không thể nào bỏ qua được vấn đề nông nghiệp và nông dân. Trong khi đó, một cách có phần nghịch lý, từ “nông dân” (peasant) lại là ví dụ điển hình về sự nhầm lẫn về nghĩa của một từ thông dụng với nghĩa xã hội học của nó. Thậm chí, có lẽ, cách dùng thông dụng của từ này lại dễ nắm bắt hơn cả. Người ta luôn hiểu khi nào thì một người là nông dân, và khi nào thì không, ngay cả khi bàn về trường hợp những tiểu chủ giàu có, người lĩnh canh, người lao động nông nghiệp không có đất, trong một loạt những bối cảnh lịch sử và văn hoá đặc thù. Nhìn chung, giới nghiên cứu khoa học xã hội đã mất nhiều công sức để thảo luận về một định nghĩa chính xác. Các nhà nghiên cứu nhân học định nghĩa nông dân thông qua những thói quen và chuẩn mực văn hoá, đặc trưng bằng sự thu hẹp tầm nhìn và định hướng đến truyền thống. Những nỗ lực mô tả nông dân như là một phạm trù khái quát như thế, lẫn lộn với các loại hình học nhằm kết hợp mọi hình thức kinh tế xã hội khác nhau được gọi là nông dân. Tuy * PGS.TSKH, Viện Xã hội học. 1 Bùi Minh, Bế Quỳnh Nga, Đặng Thị Việt Phương. Ruộng đất, nông dân và phát triển nông thôn. Tạp chí xã hội học, số 3/2012. Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 4(120), 2012 14 nhiên, cũng như trong giới kinh tế học Marxist, không có một định nghĩa chính xác hay hữu dụng nào được nêu ra, và thuật ngữ này vẫn bị coi là một phạm trù kinh tế - xã hội có tính mô tả hơn là tính khám phá hữu ích (Oxford Dictionary of Sociology). Cuốn sách nổi tiếng của Eric Wolf về các cuộc chiến tranh nông dân thế kỷ XX, dành một phần viết về Việt Nam, đều lấy cảm hứng từ sự phân tích kinh tế nông dân như là cội nguồn của các phong trào xã hội và các cuộc chiến tranh nổi dậy. Ngoài cuốn Nông dân, các bài báo gần đây nhất của tác giả đều nỗ lực làm rõ sự phân biệt giữa nông dân và các hình thức khác của người sản xuất nông nghiệp. Wolf xác định các đặc trưng của nông dân bằng cách đối lập nó với cái mà ông gọi là “người nguyên thủy” và nông gia. Nông dân được định nghĩa là những người trồng trọt ở nông thôn và họ không phải là nông gia (chủ các nông trại). Nông trại về cơ bản là một doanh nghiệp, ở đó các yếu tố đầu vào của sản xuất được kết hợp lại, sau đó các sản phẩm của nông trại sẽ được bán ra ngoài thị trường với giá cao hơn. Còn người nông dân, xét về phương diện kinh tế lại không điều hành doanh nghiệp, mà quản lý nền kinh tế gia đình. Vậy điều gì là cái giúp phân biệt giữa nông dân và người nguyên thủy, là người cũng sống ở nông thôn bằng trồng trọt và chăn nuôi ? Wolf đồng ý với Sahlins rằng "xã hội nông dân" có đặc trưng riêng biệt so với các xã hội cổ truyền khác, là vì nó phụ thuộc rất nhiều vào những hình thức chính trị và kinh tế cao hơn. Các cộng đồng nông dân phải phục tùng quyền lực từ bên ngoài, và họ phải cung đốn lương thực, thực phẩm, trích từ nền kinh tế tự cung tự cấp của họ. Mỗi một nông dân phải mang đến lâu đài một phần mùa màng của mình, phải đến đó làm lao dịch và đóng thuế cho chính quyền trung ương. Kinh tế nông dân vừa phải cung cấp cho việc sinh tồn của làng, vừa phải trích ra để nuôi sống xã hội (Wolf, 2000). Vị trí của gia đình gắn liền với cái bối cảnh chính trị xã hội xung quanh, được thảo luận trong nhiều bài nghiên cứu, như là một cách diễn giải về người nông dân. Theo nhiều học giả, thì gia đình là then chốt để đánh giá vị trí “đầy mâu thuẫn” của nông dân với tư cách là người kiểm soát các nguồn lực sản xuất nông nghiệp (đất đai, gia súc ), và là đối tượng của các quan hệ bóc lột. Bản thân gia đình có khả năng đưa ra các quyết định sản xuất chủ yếu và để làm điều đó, gia đình phải cân đối các nhu cầu tiêu dùng của mình với các đòi hỏi từ phía tầng lớp cai trị (Meillassoux, 1979;W Roseberry, 2000;H. Friedmann , 2001). Một mặt nông dân tiến hành các hoạt động kinh tế tự túc, nhằm vào tiêu dùng bản thân và gia đình, mặt khác, họ được coi là những đơn vị sản xuất của hệ thống kinh tế nói chung và do đó họ phụ thuộc vào một hệ thống quan hệ bóc lột (W. Roseberry, 2000). H. Friedmann cố gắng tìm cách thay thế cho khái niệm nông dân bị phê phán là quá trừu tượng và đề nghị thay bằng một khái niệm mới về “những người sản xuất hàng hóa giản đơn”. Tác giả này đối lập sản xuất hàng hóa giản đơn với sản xuất nông dân, theo đó, nông dân được coi như đơn vị sản xuất hộ gia đình, chỉ liên kết phần nào với thị trường, còn người sản xuất giản đơn lại liên kết hoàn toàn với thị trường (dẫn lại W. Roseberry, 2000). Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 4(120), 2012 15 Đã có nhiều cố gắng để định nghĩa về kinh tế nông dân (peasant economic), bằng cách tìm ra mối liên hệ giữa các nhóm xã hội khác nhau như người tá điền trong các lãnh địa phong kiến,người tiểu nông và người lao động công nhật. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình nông dân như là đơn vị của sản xuất lẫn tiêu dùng, vai trò gia đình trong hoạt động canh tác nông nghiệp, mối quan hệ giữa nền nông nghiệp tư bản và tiền tư bản. Một cách vắn tắt, có thể nói rằng đặc điểm cốt yếu của kinh tế nông dân thể hiện ở chỗ "Gia đình là một đơn vị của lao động và tiêu dùng" (Meillassoux, 1979). Kinh tế gia đình chủ yếu sản xuất lương thực, thực phẩm cho sự tiêu dùng trực tiếp, sản xuất các công cụ và vật dụng cần thiết cho hoạt động sản xuất và tái sản xuất các thành viên gia đình. Hình thức kinh tế này gắn liền với một kiểu tổ chức xã hội riêng biệt. Người nông dân vừa là tác nhân kinh tế vừa là chủ một gia đình. Một gia đình nông dân không đơn giản là một đơn vị sản xuất, đó cũng là một đơn vị tiêu dùng. Gia đình nông dân không chỉ nuôi dưỡng các thành viên của nó mà còn cung cấp cho họ những hoạt động khác. Người già được chăm sóc cho tới lúc chết. Kết hôn và các hình thức thừa kế đảm bảo tái sản xuất đơn vị gia đình cả về mặt sinh học cũng như về mặt xã hội. Trẻ con được nuôi nấng và được xã hội hóa phần lớn trong gia đình. Rất nhiều chức năng của một hệ thống xã hội như thế đòi hỏi đóng góp lao động và bản chất của thứ lao động này là ở chỗ nó không được trả công. Như thế, hình thức sản xuất này rất chặt chẽ vì nó liên quan tới tất cả các phương diện của đời sống từng thành viên gia đình hay nhóm nói chung. Nhưng cũng chính trên cơ sở đó mà nó tạo nên một thứ bảo hiểm và an toàn rất lớn cho tái sản xuất và đời sống nhóm. Về mặt lịch sử, hình thức tổ chức sản xuất này gắn liền với lao động thủ công và chính điều đó giải thích tại sao tồn tại những quy mô gia đình lớn trong các kiểu xã hội nông nghiệp. Chừng nào mà các cộng đồng kinh tế kiểu này (gia đình, bộ lạc, v.v ) còn được sử dụng đất đai không phải trả tiền thì nó còn tiếp tục giữ vai trò bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội là mục đích của kinh tế gia đình. Các thành viên gia đình (bố mẹ, vợ chồng, con cái của họ) không được "hoàn lại" theo lao động trực tiếp mà theo lao động mà họ góp cho cộng đồng trong suốt cả cuộc đời. Sự kiện này là đối lập lại hệ thống kinh tế hiện đại dựa trên chế độ làm công ăn lương, căn cứ vào thời gian lao động hay khối lượng sản phẩm1. Luận điểm về hình thái lao động gia đình không được trả công, có lẽ gần gũi với cảm hứng từ một nghiên cứu kinh điển của Chayanov về “kinh tế nông dân”. Chayanov cho rằng đặc điểm cơ bản của kinh tế nông dân là kinh tế gia đình. Toàn bộ tổ chức của 1 Trong loại xã hội như thế, nông nghiệp tạo ra các mối liên hệ xã hội do hoạt động nông nghiệp không phải là cái cho năng suất ngay. Từ khi bắt đầu sản xuất (làm đất, gieo hạt, v.v ) đến thời kỳ thu hoạch, phải có thời gian chờ cho lúa chín. Trong khoảng thời gian này, người sản xuất phải có số lương thực dự trữ từ trước và khoản này là "nợ" của họ đối với những người sản xuất trước đó, và những người này, tới lượt mình, lại nợ của những người khác nữa. Năm này qua năm khác, việc thay thế các nhóm sản xuất nông nghiệp diễn ra thông qua sự thay thế các thế hệ.Các mối quan hệ này kéo dài suốt cả chu trình sống, nó tạo ra một cơ cấu thứ bậc trên cơ sở tham gia trước (hay sau), xác định nguồn gốc xã hội. Đó là cái mà theo Meillassoux, tạo thành hệ thống các quan hệ họ hàng. Nhìn từ phía các quan hệ xã hội này (quan hệ họ hàng hay gia đình), ta thấy rằng chính nó cấu thành bộ xương sống cho tổ chức kinh tế (Meillassoux, 1979). Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 4(120), 2012 16 dạng kinh tế này do quy mô, cấu trúc của gia đình, các nhu cầu tiêu dùng và số lượng lao động quy định. Đây là lý do giải thích tại sao quan niệm về lời lãi của kinh tế nông dân khác với kinh tế tư bản và tại sao những quan điểm của kinh tế tư bản không thể áp dụng cho nền kinh tế nông dân (Chayanov, 2000). Những gì đúng đối với gia đình lại càng đúng đối với các giai cấp. Giới nghiên cứu nỗ lực nhằm đinh nghĩa phương thức sản xuất nông dân, cũng như khẳng định rằng nông dân là một giai cấp. Điều này liên quan đến những cuộc tranh luận về tiềm năng cách mạng của nông dân,đặc biệt là giữa những nhà lý thuyết Marxist. Thảo luận của Marx trong cuốn sách về nông dân Pháp (Ngày 18 tháng Sương mù của Luis Bonaparte) thường được viện dẫn, để làm mềm dẻo hơn các định nghĩa. Phân tích những điều kiện kinh tế xã hội của cuộc chính biến, Marx nhận xét rằng cơ sở của tình hình là tầng lớp tiểu nông. Marx nhấn mạnh rằng, chừng nào mà hàng triệu gia đình tồn tại trong những điều kiện kinh tế chia tách lối sống và lợi ích của họ với các giai cấp khác, thì họ tạo thành giai cấp; và chừng nào những người tiểu nông Pháp đơn giản liên kết với nhau ở cấp độ địa phương và quyền lợi của họ không tạo ra các mối liên kết mang tính dân tộc, thì họ không hình thành giai cấp (Dẫn lại theo Roseberry, 2000 ) . H. Mendras nhấn mạnh rằng, khác với người nguyên thuỷ và người lao động nông nghiệp, chân dung xã hội nông dân có thể xác định bằng năm đặc tính. Thứ nhất, đó là tính tự trị tương đối của các nhóm nông dân trong quan hệ với xã hội xung quanh; thứ hai là tầm quan trọng về mặt cấu trúc của nhóm gia đình trong việc tổ chức đời sống kinh tế và đời sống xã hội; thứ ba, hệ thống kinh tế tương đối tự chủ, không phân biệt tiêu dùng và sản xuất và không có quan hệ với nền kinh tế xung quanh; thứ tư, các nhóm địa phương hiểu biết lẫn nhau và chỉ có mối quan hệ yếu với các nhóm bao quanh; và cuối cùng, các thân hào và chức sắc đóng vai trò hoà giải giữa các nhóm nông dân với xã hội bao quanh (Mendras, 1976). Từ những luận bàn nói trên, ta có thể định danh bản chất kinh tế xã hội của nông dân: nhân vật này thuộc về loại chân dung của các xã hội tiền tư bản. Xã hội tiểu nông ở Việt Nam Vấn đề “xã hội tiểu nông” dẫn ta trở lại những cái mốc sớm sủa nhất trong thư tịch nghiên cứu về xã hội nông thôn Việt Nam. Về mặt lịch sử, ta biết rằng chế độ sở hữu lớn phong kiến ở Đàng ngoài (Bắc Bộ) không phát triển theo hướng tạo thành hai giai cấp hoàn toàn đối lập nhau. Một trong những nguyên nhân tạo nên chế độ sở hữu ruộng đất manh mún là tập quán chia ruộng đất tư cho con cái: người Việt Nam dù thuộc tầng lớp nào cũng chia đều tài sản (ruộng đất v.v ) cho các con mà không phân biệt trưởng thứ (Trương Hữu Quýnh, 1983). Một số học giả còn cho rằng việc chia đều tài sản ruộng đất là nguyên tắc chủ yếu của thừa kế trong xã hội Việt Nam, nếu có ngoại lệ dành cho người trưởng nam, thì đó là do liên quan tới ruộng hương hỏa (Samuel Baron và Abbe Richard, dẫn theo Yu, 1994). Còn phải thêm vào đó việc khai khẩn ruộng đất liên tục, nguồn bổ sung thường xuyên cho chế độ sở hữu nhỏ về ruộng đất của người tiểu nông. Trong khi đó, tại Đàng trong (Nam Bộ), do nhiều lý do khác nhau, chế độ sở hữu lớn phong kiến Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 4(120), 2012 17 phát triển mạnh mẽ (Trương Hữu Quýnh, 1983). Trong thời hiện đại, các tài liệu còn cho thấy những đường nét khác nhau rõ hơn nữa của mối quan hệ giữa các chế độ sở hữu đất đai và những khuôn mẫu giai cấp và nhóm xã hội đặc thù. Theo Robequain và Yves Henry, thì vùng châu thổ miền Bắc là nơi ruộng đất phân tán nhất. Chế độ tiểu tư hữu ở miền Bắc phát triển lạ lùng so với Nam kỳ. Vấn đề là ở chỗ, vì đất công là quỹ cho chương trình phúc lợi của làng, nên tỷ lệ đất công phản ánh gần đúng "chỉ số kết gắn xã hội". Từ đó thì có thể hiểu là các làng mạc miền Nam không có cùng dung lượng kết gắn và hoạt động xã hội như các phần nông thôn kia của Việt Nam. Một học giả Mỹ nhận xét rằng nông dân Nam Bộ chủ yếu là tá điền, nên nhiệt tình hơn nông dân Bắc Bộ, là những người tiểu sở hữu, trong các phong trào xã hội chính trị (Gabriel Kolko, 2003). Còn nhà nghiên cứu khác, thì cố gắng nêu bật tầm quan trọng của việc biến cuộc cải cách điền địa thành trung tâm trong chính sách phát triển, nhằm giải quyết các mẫu thuẫn xã hội trong nông thôn (R. Sansom, 1971). Nông nghiệp Việt Nam trong thập niên 1980 được đánh dấu bằng các chính sách cải cách trong nông nghiệp; đầu tiên là Khoán 100 (Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, năm 1981); tiếp sau đó là Khoán 10 về “đổi mới quản lí nông nghiệp” (Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, ban hành tháng 4/1988), quy định giao lại ruộng đất cho nông dân quản lí. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6 (1986) và các nghị quyết sau đó thừa nhận nền kinh tế thị trường trong sản xuất nông nghiệp. Những thay đổi trong chính sách đất đai của Việt Nam góp phần đáng kể trong việc tăng nhanh sản lượng nông nghiệp và phát triển nông thôn. Về mặt học thuật, ngày càng có nhiều nghiên cứu, từ phía các học giả quốc tế và giới nghiên cứu trong nước, về các vấn đề của nền nông nghiệp, xu hướng tiến lên sản xuất lớn “xã hội chủ nghĩa”, lẫn mối quan tâm có tính hệ thống về các tầng lớp và giai cấp xã hội. Xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu nhằm nhận diện cơ cấu giai cấp xã hội của nông dân (Trần Hữu Quang,1984; Lê Minh Ngọc, 1984). Thực tiễn phát triển nền sản xuất hàng hóa trong nông thôn Nam Bộ cung cấp vô số bằng chứng cho thấy cần nhìn vấn đề từ góc độ vai trò của các tầng lớp đối với phát triển. Thảo luận về “tầng lớp trung nông”, tác giả vừa dẫn, nhấn mạnh tới các đặc điểm kinh tế xã hội của tầng lớp này, và gợi ý một cách có lý rằng các chính sách phát triển cần đặc biệt lưu ý tới hiện tượng này (Lê Minh Ngọc, 1984). Thời kì tập thể hóa, ở miền Bắc đã có khoảng 80% hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã. Họ góp chung đất đai và các tư liệu sản xuất khác vào hợp tác xã dưới sự quản lý chung (Nguyễn Sinh Cúc, 1995). Ở miền Nam, tập thể hoá tiến hành muộn hơn và cũng thu hút được ít nông hộ tham gia hơn. Ở ĐBSCL, chỉ có không đến 6% số hộ nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp (Pingali and Xuan, 1992). Khác với miền Bắc, ở miền Nam hộ nông dân vẫn là đơn vị sản xuất cơ bản mặc dù họ tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Họ vẫn giữ quyền sở hữu tư nhân đối với các công cụ sản xuất và cung cấp các dịch vụ nông nghiệp song hành với hợp tác xã. Việc phân chia ruộng đất sau hợp tác hóa chủ yếu dựa trên tình trạng sở hữu đất đai của hộ từ trước năm 1975 (Ravallion và van de Walle, 2001). Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 4(120), 2012 18 Giới nghiên cứu nhấn mạnh tới các tác động chính sách đối với việc định hình một chế độ ruộng đất có tính bình quân trong nông thôn, nhất là ở miền Bắc. Những quy định về phân chia đất đai trong Nghị quyết “Đổi mới quản lí nông nghiệp” năm 1988 cho phép những hộ có khả năng sản xuất tốt hơn đấu thầu tiếp đất canh tác. Tuy nhiên, đề xuất chính sách đó vấp phải những phản ứng của nông dân vì cho rằng nó góp phần tạo ra những bất bình đẳng trong xã hội nông thôn. Cho đến năm 1994, hầu hết các địa phương miền Bắc đều áp dụng việc phân chia đất trên cơ sở bình quân đầu người (Luong and Wealth, 1998, tr. 65-66). Đây là một trong những nguyên cớ tạo ra trình trạng manh mún ruộng đất. Các nghiên cứu gần đây nhất cho thấy tình trạng không đất phổ biến trong nhóm nông dân nghèo ở cả 2 vùng đồng bằng ( ĐBSH và ĐBSCL). Nếu xét riêng trong nhóm nghèo nhất, tỉ lệ người không có ruộng là khoảng 5% ở ĐBSH so với 40% ở ĐBSCL (Ravallion and Van de Walle, 2006). Việc gia tăng tình trạng không đất trong nông dân khiến nhiều người quan ngại về những vấn đề xã hội nảy sinh (Smith and Tran, 1994; Akram-Lodhi, 2005). Tuy nhiên, có nghiên cứu lại cho rằng tình trạng không đất không hẳn gắn với nghèo đói (Ravallion và Van de Walle, 2008). Biến số vùng thậm chí còn cung cấp những hàm ý sâu sắc hơn liên quan tới mối quan hệ giữa cơ cấu xã hội nông với các nỗ lực chính sách. Nhiều bằng chứng cho thấy hình thái kinh tế tiểu nông đã đạt tới cái “giới hạn” phát triển của nó, và với yêu cầu hội nhập và phát triển hơn nữa nền nông nghiệp thương phẩm, thì chế độ kinh tế này không còn thích hợp nữa. Trong những nghiên cứu gần đây về nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, người ta nhận thấy rằng các nông hộ thuộc tầng lớp trung nông không đủ đất canh tác và vốn đầu tư, nên không có đủ sức để tham gia vào các cơ hội làm ăn thật sự có hiệu quả. Cái quan niệm về vai trò trung tâm của tầng lớp trung nông hiện nay trong nền kinh tế Nam bộ có lẽ không còn chính xác nữa (Trần Hữu Quang, 2010). Bài nghiên cứu về mấy vấn đề về ruộng đất, dựa trên kết quả của cuộc “Điều tra nông dân”, đặc biệt lưu ý tới quá trình tích tụ ruộng đất và bóng dáng một tầng lớp “nông dân mới”, các chủ nông trại với quy mô vài chục ha đất canh tác (Bùi Quang Dũng, Đặng Thị Việt Phương, 2011). Trong nhiều xuất bản phẩm về cùng sự kiện, người ta gọi họ là các “Nông gia” hay “Nhà nông” và thảo luận nhiều về các quan hệ xã hội tương ứng ( Đỗ Thái Đồng, 1994; Trần Đình Thiên, 2009; Nguyễn Thị Tố Quyên 2010). Tuy nhiên, dù sự phân hóa xã hội trong nông thôn, với những nhân vật mới như các nông gia, và người làm thuê trong nông nghiệp, chúng ta vẫn đang đứng trước một “xã hội tiểu nông” (Bùi Quang Dũng và đồng nghiệp, 2011). Điều mà Nguyễn Từ Chi viết từ gần ba chục năm trước, hiện vẫn còn có thể dùng để xác định cái chân dung đó: xã hội nông thôn Việt Nam vẫn là một “cái biển tiểu nông”, trong đó “từng hộ nông dân tự do, dù thuộc giai cấp hay thành phần xã hội nào, vẫn là một tế bào kinh tế độc lập, với lý tưởng vươn lên của nó; vươn lên về mặt kinh tế đã đành, vươn lên cả về mặt xã hội nữa ” (Nguyễn Từ Chi, 1996). Phát triển nông thôn Như phần trình bày ở trên cho thấy, bức tranh chung của khu vực nông thôn Việt Nam Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 4(120), 2012 19 vẫn là sự tồn tại của một “xã hội tiểu nông”. Kinh tế hộ dù sao vẫn là kinh tế hộ gia đình tiểu nông nằm trong phương thức sản xuất tiền tư bản, chứ không phải là thành phần của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa như kinh tế trang trại ( Đỗ Thái Đồng, 1994). Trong khi đó, sự phát triển của nền nông nghiệp và xã hội nông thôn Việt Nam tủy thuộc rất nhiều vào sự chuyển hóa của lao động và ruộng đất, nói cách khác, tùy thuộc vào mức độ, khả năng giải thể chế độ kinh tế tiểu nông hiện nay. Tất cả điều này diễn đạt tầm quan trọng của việc phác thảo chiến lược phát triển nông thôn hữu hiệu. Trong khi ghi nhận những kết quả tốt đẹp của chính sách Đổi mới, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng còn nhiều vấn đề cơ bản đối với sự phát triển nông thôn hiện vẫn chưa được giải quyết. Vấn đề chọn lựa một mô hình cho phát triển nông nghiệp và nông thôn trở thành vấn đề hàng đầu tại các thảo luận học thuật trong giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng nông thôn đang quay trở lại với “con đường tiến hóa tự nhiên” (Vũ Tuấn Anh, 1990). Và cái mô hình phát triển mà nhiều người kỳ vọng là cùng với sự “bung ra” của nông hộ, ruộng đất sẽ tập trung vào tay một số hộ làm ăn giỏi, còn những nông dân khác hoặc sẽ tìm được các công việc khác (phi nông nghiệp), hoặc trở thành những người lao động làm thuê trong nông nghiệp. Các tổ chức hợp tác sẽ hình thành tự nguyện ở những lĩnh vực cần tới sự hợp tác (Vũ Tuấn Anh, 1990; Đỗ Thái Đồng,1994; Võ Thị Kim Sa, 2012). Nếu mô hình trên được coi như con đường phát triển chủ đạo của kinh tế và xã hội nông thôn, thì hiện vẫn còn rất nhiều điều kiện, khiến cho quá trình này khó có thể mang tính chất của một quá trình tiến hóa tự nhiên! Giới nghiên cứu nhấn mạnh tới hai điều kiện quan trọng nhất: việc thiếu quyền sở hữu tư nhân đối với ruộng đất, cái điều kiện căn bản nhất cho quá trình tập trung ruộng đât và quyền tự chủ của hộ gia đình với tư cách chủ thể kinh doanh vẫn chưa được đảm bảo trên thực tế (Vũ Tuấn Anh, 1990; Đỗ Thái Đồng,1994). Đã có mấy chục năm, hai miền Nam Bắc Việt Nam đã đi khá sâu vào những quỹ đạo kinh tế đối lập với nhau, miền Bắc nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, miền Nam nằm trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Đấy là chưa nói tới những ảnh hưởng do sự tiếp xúc của nông dân tại hai vùng nông thôn với các nền văn hóa khác nhau.Văn hóa miền Nam với nhiều tầng cổ xưa khác với miền Bắc và ảnh hưởng nhiều từ giao tiếp văn hóa phương Tây, vì thế mà tính liên tục của lịch sử không hẳn đã nổi trội hơn những đảo lộn và đứt đoạn. Tất cả những đặc điểm này cần phải được tính tới trong các nỗ lực phát triển nông thôn (Đỗ Thái Đồng, 1989). Trong khi đồng tình với nhận xét về tình trạng khác biệt văn hóa và vùng miền, thì các học giả nước ngoài lại lưu ý nhiều hơn tới tác động của các chính sách. Davide Dapice, trong bài nghiên cứu xuất sắc của mình về tình trạng chậm phát triển của các tỉnh phía Bắc, thay vì nhấn mạnh tới các đặc trưng lịch sử - văn hóa, lại lưu ý tới tầm quan trọng quyết định của các chính sách phát triển (Davide Dapice, 2004). Các nhà nghiên cứu thống nhất rằng cần tránh lặp lại mô hình nền kinh tế nhị nguyên ở các quốc gia chậm phát triển, đặc biệt là các nước thuộc địa. Đó là hai nền kinh Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 4(120), 2012 20 tế trong mỗi xã hội: nền kinh tế công nghiệp thành thị với trình độ sản xuất tiên tiến, năng động và giàu có, và đầu kia là nền kinh tế nông thôn với hầu hết đất đai và dân số nghèo khổ. Lý luận chủ nghĩa nhị nguyên hình thành trên cái nền kinh tế xã hội đó, nó chấp nhận cái thực tế đối nghịch nói trên và coi phát triển công nghiệp và đô thị là giải pháp để cải tạo khu vực nông nghiệp và nông thôn chậm phát triển (B. Hainsworth, 1987). Trên thực tế, việc phổ biến mô hình lý thuyết nói trên không tạo ra giải pháp thật sự hữu hiệu cho phát triển nông thôn tại các quốc gia đang phát triển. Các chương trình phát triển nông thôn, do Liên hiệp quốc thúc đẩy, xuất hiện từ thập kỷ 70, trở thành một trong những con đường giải quyết bài toán phát triển nông nghiệp và xã hội nông thôn, thay cho việc vận dụng lý luận về nền kinh tế nhị nguyên. Mục tiêu của chương trình phát triển nông thôn trước tiên dựa trên một giả định là các nông gia muốn tiếp tục sống lâu dài ở nông thôn, và do đó cần hướng dẫn họ hội nhập vào một nền kinh tế thương phẩm, thay vì làm tan rã nền kinh tế nông hộ. Theo tinh thần này, các chương trình phát triển nông thôn dựa vào các cộng đồng, và bằng nhiều cách, tránh cho nó khỏi tan rã. Tiến hành công nghiệp hóa nông thôn và mối quan hệ hữu cơ giữa nhà nước với nông dân là những nội dung then chốt khác của chương trình phát triển nông thôn (A. Chowdhuzy, 1993). Từ phía các nhà nghiên cứu trong nước, nội dung của chương trình phát triển nông thôn được thể hiện thành quan điểm “lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu và lấy công nghiệp hóa nông thôn làm hướng ưu tiên trước mắt” (Đỗ Thái Đồng, 1989; Đặng Kim Sơn và đồng nghiệp, 2008). Một chính sách như thế phải xuất phát từ vai trò tự chủ của nông hộ, từ quyền lợi thiết thân của hàng triệu nông dân, và từ khả năng liên kết sức mạnh to lớn của họ để phát triển đất nước trong những bước đi ổn định và vững chắc. Bên cạnh những thảo luận có tính lý thuyết nói trên, nhiều học giả nêu lên các giải pháp cụ thể hơn cho chiến lược phát triển nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn trở thành một trong những điểm nóng của thảo luận chính sách. Một lực lượng lao động lớn vẫn nằm ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở nông thôn cao hơn thành thị và việc làm nông thôn tăng chậm hơn, tạo nên sức ép về việc làm ở khu vực nông thôn. Năng xuất lao động thấp và diện tích đất đai dành cho canh tác bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và công nghiệp cũng là lý do tạo nên những khó khăn về công ăn việc làm tại khu vực nông thôn. Trong bối cảnh này, mô hình kinh tế hộ nông dân với hoạt động phi nông nghiệp được coi là hữu ích để giải quyết một trong những nan đề của phát triển là tình trạng thiếu việc làm với một dân số nông thôn quá đông đúc. Nội dung của mô hình này hiện nay, lấy lại ý tưởng trong mô hình của Chayanov, do Singh, Squire và Strauss (1986) phát triển, là nỗ lực đáng kể để giải quyết bài toán phát triển nông nghiệp (Lê Xuân Bá và đồng nghiệp, 2006). Đồng tình với cách đặt vấn đề về phát triển khu vực phi nông nghiệp trong nông thôn, Nicholas và đồng nghiệp, nêu ra một loạt những khuyến nghị về phát triển nông thôn, trong đó đặc biệt chú ý tới việc tăng năng xuất đất và tăng thu nhập từ lao động trồng trọt. Thậm chí, các học giả này còn khuyến cáo chính phủ và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam nên coi đa dạng hóa cây trồng là con đường quan trọng để tăng thu nhập, dù đấy không phải là cách duy nhất (Nicholas và đồng nghiệp, 2003). Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 4(120), 2012 21 Gắn liền với những nội dung trên là đề nghị về các chính sách phát triển xã hội áp dụng đối với các tầng lớp và nhóm xã hội khác nhau. Các khuyến nghị này xuất phát từ tình hình một xã hội nông thôn đã phân hóa sâu sắc thành các nhóm, tầng lớp với những năng lực, nhu cầu và nguyện vọng hết sức khác nhau. Tài liệu trích dẫn Akram-Lodhi, và A. Haroon. 2005. "Vietnam's agriculture and mechanisms of social differentiation." Journal of Agrarian change 5(1). Bùi Quang Dũng, và Đặng Thị Việt Phương. 2011. "Một số vấn đề ruộng đất qua cuộc điều tra nông dân 2009-2010." Tạp chí Khoa học Xã hội (9). Bùi Thế Cường, Đặng Thị Việt Phương, và Trịnh Huy Hóa. 2010. "Từ điển xã hội học Oxford." Hà Nội: NXB ĐHQG. Đặng Kim Sơn. 2008. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam: Hôm nay và mai sau. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia. Đỗ Thái Đồng. 1989. "Những vấn đề cơ cấu xã hội và sự phát triển ở một xã nông thôn Nam Bộ " Tạp chí Xã hội học (3):49. Đỗ Thái Đồng. 1994. "Kinh tế hộ gia đình và những xu thế mới trong hợp tác hóa ở đồng bằng sông Cửu Long." Tạp chí Xã hội học (2):12. Lê Minh Ngọc. 1984. "Về tầng lớp trung nông ở đồng bằng sông Cửu Long " Tạp chí Xã hội học (2):25. Lê Xuân Bá và cộng sự. 2006. "Các yếu tố tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn Việt Nam." Hà Nội: Ipsard. Luong, Hy Van, và Jonathan Unger Wealth. 1998. "Power, and poverty in the transition to market economies: The process of socio-economic differentation in rural China and Nothern Vietnam." The China Journal (40):61-93. Meillassoux, C. 1979. Femmes, Greniers and capitaux. Paris. Mendras, H. 1966. "Sociologie rural." in Aspects de la sociologie Francaise: Les editions ouvriers. Mendras, H. 1976. Societe paysannes. Paris: Armand Colin. Minot, Nicholas, Bob Baulch, and Michael Epperecht. 2003. "Poverty and inequality in Vietnam: Spatial patterns and geographic determinants." Nguyễn Sinh Cúc. 1995. Nông nghiệp Việt Nam (1945-1995). Hà Nội: NXB Thống kê. Nguyễn Từ Chi. 1996. Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người. Hà Nội: NXB Văn hóa thông tin. Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Xã hội học số 4(120), 2012 22 Pingali, Prabhu L, và Vo-Tong Xuan. 1992. "Vietnam: Decollectivization and rice productivity growth." Economic development and cultural change (4):697-718. Ravallion, Martin, và Dominique Van de Walle. 2001. "Breaking up the collective farm (Policy research working paper 2710." Washington DC: World Bank. Ravallion, Martin, và Dominique Van de Walle. 2006. "Does rising landlessness signal success or failure for Vietnam's agrarian transition? (Policy research working paper 3871)." World Bank. Ravallion, Martin, và Dominique Van de Walle. 2008. Đất đai trong thời kỳ chuyển đổi: Cải cách và nghèo đói ở nông thôn Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn hóa Thông tin. Roseberry, William. 2000. "Từ nghiên cứu nông dân đến nghiên cứ quá trình vô sản hóa." in Một số vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các nước và Việt Nam, edited by Benedict J. Tria Kerkvliet and James Scott. Sansom, R. 1970. The economics of insurgency in the Mekong delta of Vietnam. London: M.I.T Press. Smith, William, và Tran Thanh Binh. 1994. "The impact of the 1993 land law on rural households in the Mai Don district of Son La province." Vietnam: ActionAid. Trần Hữu Quang. 1984. "Nhận diện cơ cấu xã hội giai cấp nông dân." Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế. Trần Hữu Quang. 2010. "Trung nông và sự chuyển biến của cơ cấu xã hội ở nông thôn Tây Nam Bộ." tại hội thảo Khoa học xã hội và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ. Vũ Tuấn Anh 1990. "Về sự chuyển biến cơ cấu xã hội và định hướng giá trị ở nông thôn trong quá trình đổi mới kinh tế " Tạp chí Xã hội học (4):9. Wolf, E. 1996. Peasants: Prentice Hall. Wolf, E. 2000. "Giai cấp nông dân và các vấn đề của nó." in Một số vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở các nước và Việt Nam. Hà Nội: NXB Thế giới. Yu, Insun. 1994. Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn