Giáo trình Hệ thống canh tác

pdf 70 trang huongle 2560
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Hệ thống canh tác", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_he_thong_canh_tac.pdf

Nội dung text: Giáo trình Hệ thống canh tác

  1. Chương 3 KHẢO SÁT ĐẶC ĐIỂM VÙNG NGHIÊN CỨU Mô tả điểm nghiên cứu là một trong những tiến trình quan trọng nhất của HTCT, nó giúp cho nhóm nghiên cứu thu thập được những thông tin cần thiết cho những mục tiêu khác nhau, làm cơ sở cho xác định HTCT phù hợp cho vùng, cải tiến và hiệu chỉnh những thành phần trở ngại để tăng hiệu quả của HTCT đang áp dụng. Mục đích của khảo sát đặc điểm vùng nghiên cứu là: - Cung cấp những thông số, các dữ kiện về hiện trạng tự nhiên, kinh tế và xã hội của vùng nghiên cứu. - Tìm hiểu và phát hiện được những kỹ thuật tiên tiến của một vài nông dân có thể áp dụng có lợi cho những nông dân khác. - Cung cấp được thông tin để hoạch định các thí nghiệm trên đồng ruộng. 3.1 Phương pháp khảo sát 3.1.1 Mô tả sơ khởi * Phương pháp đánh giá nhanh nông thôn (PRA ) Theo Trần Thanh Bé (1998), mô tả nhanh điểm nghiên cứu là phương pháp thông dụng giúp cho nhóm nghiên cứu liên ngành và HTCT hiểu được những đặc điểm nghiên cứu mà họ dự định thiết lập trong vùng mục tiêu. Nó gồm nhiều phương pháp hợp lại thành phương pháp đánh giá nhanh nông thôn (PRA), thường được các nhà nghiên cứu về HTCT áp dụng rộng rãi trong việc tìm hiểu những khó khăn trở ngại trong sản xuất của một vùng hay của một nông hộ riêng rẽ. Phương pháp PRA sử dụng một loạt các kỹ thuật như sau: - Xem xét số liệu thứ cấp. - Quan sát trực tiếp, liệt kê các chỉ số quan sát. - Phỏng vấn bán cấu trúc. - Phỏng vấn người am tường vấn đề (KIP). - Sơ lược lịch sử. - Mặt cắt. - Lịch thời vụ. - Biểu đồ tổ chức (biểu đồ Venn). - Xếp hạng phân loại giàu nghèo. Trong các công cụ trên, có những công cụ thích hợp cho việc thu thập số liệu (quan sát trực tiếp, xem xét các nguồn thông tin có sẵn, phỏng vấn bán cấu trúc), trong khi các công cụ khác thích hợp hơn cho việc phân tích thông tin (đánh giá sáng kiến). Một số công cụ có thể dùng cho 2 mục tiêu thu thập và phân tích số liệu (xếp hạng vài loại biểu đồ). Dĩ nhiên, trong một cuộc PRA sẽ không sử dụng tất cả các kỹ thuật này. Nhóm công tác sẽ chọn lựa các kỹ thuật phù hợp mục đích và hữu dụng nhất cho từng cuộc PRA, và sẽ thử nghiệm, sáng tạo và điều chỉnh khi cần thiết.
  2. 54 + Xem xét số liệu thứ cấp Số liệu thứ cấp là các nguốn thông tin có liên quan đến vùng hoặc vấn đề dự định sẽ làm PRA và có sẵn dưới các hình thức xuất bản hoặc không xuất bản (như các báo cáo, thống kê, bản đồ, không ảnh, phim ảnh). Dựa vào kết quả của tham khảo số liệu thứ cấp như những nghiên cứu trước đã được thực hiện, những kết quả, những số liệu về điều kiện tự nhiên, sinh học, kinh tế xã hội của một khu vực rộng lớn, các số liệu thí nghiệm, các điều tra khảo sát về thị trường là nguồn cung cấp thông tin rất tốt cho mô tả điểm. Các nguồn thông tin thứ cấp hình thành nền thông tin cơ bản cho việc thu thập thông tin mới. Khi biết được các thông tin đã có sẵn, nhóm công tác sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian (vì không phải thu thập những thông tin ấy nữa). Các nguồn thông tin thứ cấp cũng hữu ích để làm rõ tiêu đề của PRA và hình thành các giả thuyết (để kiểm định) bằng cách xem xét những gì đã được đề cập liên quan đến đề tài và những gì còn thiếu từ các nguồn thông tin này. Các nguồn thông tin cần được xem xét trước khi thực hiện công tác thực địa dưới dạng: - Số liệu thống kê ở cục thống kê, các công trình khoa học, các tổng kết phát triển nông nghiệp hàng năm - Kiến trúc hạ tầng: vị trí điểm, đường sá, giao thông. - Đặc điểm về đất đai: Tổng diện tích, diện tích canh tác, nguồn nước tưới, địa hình, loại đất, sa cấu, những mô hình canh tác chủ yếu trên từng loại đất. - Xã hội: Dân số, số lao động. Những phương tiện phục vụ sản xuất như điện, máy bơm nước, máy kéo, máy suốt lúa, cơ sở gia súc lớn. - Số liệu khí tượng thủy văn là những số liệu có thể tham khảo được ở sở thống kê ở các tỉnh. - Các loại bản đồ có thể tham khảo tại sở nông nghiệp hay sở địa chính gồm có: - Bản đồ không ảnh, địa hình, sử dụng đất đai, hiện trạng về tính thích nghi cây trồng, bản đồ sinh thái nông nghiệp. Có 4 loại bản đồ thường được sử dụng đó là: - Bản đồ mộc: để biết ranh giới hành chính và những cột mốc đặt biệt ở điểm nghiên cứu. - Bản đồ địa hình và thủy văn: được phân trên cơ sở đất và nước và dùng để mô tả điều kiện tự nhiên tại điểm nghiên cứu. - Bản đồ xã hội: để hiểu biết về phân bố quần cư và đặc điểm xã hội như tín ngưỡng, dân tộc, chợ trường học,.v.v tại điểm nghiên cứu. - Bản đồ hiện trạng sản xuất: thông thường hiện trạng sản xuất sẽ tùy thuộc điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội. Đặc điểm mỗi loại cây trồng và vật nuôi sẽ thích hợp với một điều kiện tự nhiên nhất định, nhưng để chọn loại cây trồng và vật nuôi nào để canh tác sẽ tùy thuộc tình trạng kinh tế - xã hội của nông dân nơi đó. Do vậy, bốn loại bản đồ kể trên khi chồng lấp lên nhau sẽ giải lý cho chúng ta biết nông dân đang canh tác gì và tại sao nông dân làm như thế. - Các biểu đồ.
  3. 55 - Các bảng số liệu, bảng liệt kê. - Các đoạn tóm tắt ngắn. - Bản sao các bản đồ và hình ảnh. Cần lưu ý : - Không dành quá nhiều thời gian để xem xét các số liệu thứ cấp mà nên dành nhiều cho công tác thực địa. - Không cả tin (biết hoài nghi) và biết phê phán. - Tìm kiếm những thông tin còn thiếu. - Không nên đem toàn bộ số liệu có từ trước vào sử dụng cho nghiên cứu mà phải biết chọn lọc, đối chiếu, quy đổi, kiểm chứng trước khi sử dụng. + Quan sát trực tiếp Một nguy cơ khi thực hiện PRA là bị đánh lừa (mất phương hướng) bởi những chuyện hoang đường, tin đồn, chuyện "ngồi lê đôi mách". Người dân thường có niềm tin về các giá trị và hoạt động của họ vốn không phù hợp với thực tế. Thường người ta hay nói về một thói quen, mà khi thăm dò những lần đã thực hiện trong quá khứ thì phát hiện rằng nó sai lầm hoặc thậm chí chưa hề được thực hiện bao giờ. Do vậy, quan sát trực tiếp các chỉ tiêu quan trọng để hỗ trợ và kiểm tra chéo các kết quả là rất cần thiết. các chỉ tiêu (vật chỉ thị) cũng có thể được dùng để tạo nên các câu hỏi tại chỗ để hỏi các thành viên cộng đồng mà không cần chuẩn bị các câu hỏi chính quy trước. Quan sát trực tiếp là quan sát một cách có hệ thống các sự vật, sự kiện, tiến trình mối quan hệ, hoặc con người và ghi nhận những gì quan sát được. Quan sát trực tiếp là một phương cách tốt để kiểm tra chéo những câu trả lời của người được phỏng vấn. Dùng bảng liệt kê các câu hỏi chủ chốt (checklist) để thực hiện các cuộc quan sát một cách có hệ thống. Các bước: - Suy nghĩ về mục tiêu và các chủ đề rộng của cuộc PRA. - Xác định các "vật chỉ thị" mà ta có thể đánh giá qua quan sát trực tiếp. - Soạn bảng kê các câu hỏi chủ chốt dựa trên các vật chỉ thị nêu trên. Các cách quan sát trực tiếp - Đo đếm: Sử dụng thước cân hoặc các dụng cụ khác để đo đếm trực tiếp tại thực địa như kích thước thửa ruộng, trọng lượng sản phẩm (vật nuôi, cây trồng) thu hoạch, khối lượng gỗ, củi. - Sử dụng vật chỉ thị: Bất kỳ sự vật, sự kiện, quá trình hay mối quan hệ có quan sát trực tiếp đều có thể được sử dụng như "vật chỉ thị" cho một vài biến khác khó hoặc không thể quan sát được (ví dụ như loại nhà ở là vật chỉ thị mức độ giàu nghèo của một nông hộ). Các vật chỉ thị cần có giá trị, chuyên biệt đáng tin cậy, phù hợp, nhạy cảm, có hiệu quả về mặt chi phí và thời gian. - Ghi chép: Ghi chép dưới nhiều dạng như sổ ghi chép, phiếu ghi chép, biểu đồ hình ảnh, bộ thu thập các mẫu vật (ví dụ như hoa màu bị sâu bệnh, đồ chơi). - Địa điểm quan sát: Có thể thực hiện các quan sát trực tiếp tại chợ, trên phương tiện vận chuyển (xe buýt, taxi, xe lửa), nơi làm việc, nhà ở, trạm
  4. 56 y tế, trường lớp, thời gian trước và sau các cuộc họp quần chúng, các địa điểm giải trí, hiệu cắt tóc. - Sử dụng biểu kê câu hỏi kiểm tra. Sử dụng các biểu này trong quan sát để đảm bảo rằng việc quan sát được thực hiện một cách có hệ thống, và kết quả quan sát ở nhiều nơi có thể so sánh nhau được. - Sử dụng mọi giác quan: Khi quan sát cần vận dụng mọi giác quan (thị giác, xúc giác, thính giác, vị giác, khứu giác) và tham gia chia sẻ trong các hoạt động của cộng đồng. - Quan sát các sự kiện phức tạp: Khi quan sát các sự kiện phức tạp (như các buổi hành lễ, các sự kiện thể thao), nhóm công tác cần có kế hoạch và phân công cụ thể cho các thành viên để có nhiều "góc nhìn". Những người quan sát (thành viên nhóm công tác) khác nhau có thể tập trung vào các nhóm người khác nhau, như phụ nữ, nam giới, trẻ con, hoặc các du khách. - Quan sát y phục: Các loại y phục khác nhau có thể phản ảnh sự khác biệt về thân phận, giai cấp (tầng lớp), tình trạng giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo hoặc tư cách chính trị. Lưu ý: Quan sát trực tiếp xứng đáng được xem là một bộ phận quan trọng của bất kỳ một cuộc PRA nào. Tuy nhiên, không nên sử dụng chỉ một công cụ quan sát trực tiếp. Những người không thành thạo (sử dụng công cụ này) và những người không quen thuộc vùng công tác có thể diễn giải sai lầm những gì quan sát được. + Phỏng vấn bán cấu trúc (SSI) Phỏng vấn bán cấu trúc là một trong những công cụ chính được dùng trong PRA. Đây là hình thức có hướng dẫn (được dẫn dắt qua đối thoại với người được phỏng vấn) với chỉ một vài câu hỏi được xác định trước. Phỏng vấn của PRA không sử dụng biểu điều tra nhưng cần nhất là một danh mục các câu hỏi chủ chốt như là một bảng hướng dẫn linh hoạt. Ngược lại với điều tra chính quy bằng biểu điều tra (tất cả câu hỏi đều đã được định sẵn), trong SSI nhiều câu hỏi sẽ được hình thành trong quá trình điều tra (như trong các cuộc phỏng vấn của nhà báo). Nếu trong quá trình điều tra thấy rõ ràng vài câu hỏi (định trước trong danh mục) không phù hợp thì có thể bỏ các câu hỏi ấy. Các câu hỏi thường đến qua sự đối đáp của người được phỏng vấn, việc sử dụng các phương pháp xếp hạng, việc quan sát các sự vật xung quanh, và từ kiến thức và kinh nghiệm của bản thân nhóm công tác PRA. SSI có các loại như sau: - Các loại SSI: Phỏng vấn cá nhân: Phỏng vấn cá nhân để thu các thông tin đại diện. Thông tin thu được trong các cuộc phỏng vấn cá nhân mang nhiều tính cá nhân (riêng tư) hơn phỏng vấn tập thể (nhóm), và nó có thể phát hiện những xung đột trong nội bộ cộng đồng vì người trả lời cảm thấy họ có thể nói tự do hơn khi không có sự hiện diện của những người láng giềng.
  5. 57 Các cuộc phỏng vấn được thực hiện riêng lẻ với những người được chọn (một cách "cơ hội" - ngẫu nhiên) có mục đích. Những nông dân được chọn phỏng vấn nên bao gồm những người lãnh đạo nông dân, nông dân "đổi mới" - là những nông dân đã thử nghiệm các kỹ thuật được khuyến cáo hoặc đã phát triển thành công các kỹ thuật cải tiến, phụ nữ là thành viên gia đình hoặc chủ hộ, nông dân tiêu biểu cho những hệ thống canh tác chủ yếu trong vùng, nông dân đã từ chối (không áp dụng) các kỹ thuật mới. Phỏng vấn một số các nông dân khác nhau về cùng một chủ đề sẽ nhanh chóng phát hiện hàng loạt ý kiến, thái độ và chiến lược. Nên tránh chỉ phỏng vấn nam giới (thiên lệch). Chỉ hỏi người nông dân về kiến thức và hành vi của chính họ chứ không hỏi họ nghĩ gì về kiến thức và hành vi của người khác. Nhiều cộng đồng có (ít nhất một) "người gây rắc rối" luôn không đồng ý với mọi điều. Phản ứng (trả lời) của những người này có thể cung cấp những kiểm tra chéo có giá trị và giúp phát hiện những cách nhìn hữu ích mà các cuộc phỏng vấn khác không thể có được. Phỏng vấn ngẫu nhiên những người qua đường: chẳng hạn trong khi đi cũng có thể khám phá những thông tin hữu ích và những quan điểm không ngờ. Phỏng vấn người cung cấp thông tin chủ yếu: Phỏng vấn những người này để thu nhận những kiến thức đặc biệt. Người cung cấp thông tin chủ yếu (KI) là bất cứ người nào có kiến thức đặc biệt về một chủ đề riêng biệt. Người cung cấp thông tin chủ yếu (KI) là bất cứ người nào có kiến thức đặc biệt về một chủ đề riêng biệt (chẳng hạn, người buôn bán - về việc vận chuyển và tín dụng, "bà đỡ" - về các biện pháp kiểm soát sinh đẻ, nông dân - về thực tiễn canh tác). Các KI có thể trả lời các câu hỏi về kiến thức và hành vi của người khác, và đặc biệt, về các hoạt động của hệ thống (chủ đề, vấn đề) rộng hơn. Trong khi vẫn có những rủi ro do "bị gạt" bởi những câu trả lời của KI, và cần phải kiểm tra chéo, những KI là nguồn thông tin chính của PRA. Những KI giá trị là những "người ngoài cuộc" sống trong cộng đồng (như thầy cô giáo chẳng hạn) hoặc những người ở các cộng đồng láng giềng (người ngoài cuộc có hiểu biết về cộng đồng), bao gồm cả những người đã lập gia đình với (người trong) cộng đồng. Họ thường có cách nhìn khách quan hơn về công việc của cộng đồng so với chính những thành viên cộng đồng. Phỏng vấn nhóm: Phỏng vấn nhóm (GI) để thu nhận thông tin ở mức độ cộng đồng. Phỏng vấn nhóm có nhiều ưu việt: nó tạo điều kiện để tiếp xúc một lượng kiến thức rộng hơn, và cung cấp cơ hội tức thời để kiểm tra chéo thông tin thu nhận được từ những người trong nhóm. Tuy nhiên, khi nhóm quá đông (hơn 20- 25 người), việc quản lý trở nên khó khăn vì họ có khuynh hướng chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn. Các cuộc GI không hữu ích cho việc thảo luận các thông tin nhạy cảm. Các cuộc GI cũng có thể bị sai lầm nghiêm trọng khi người dân nghĩ (hoặc tin) rằng người đặt câu hỏi có quyền quyết định phúc lợi hoặc thưởng phạt họ. GI có thể phát hiện ý tưởng của người dân hơn là cái thực sự tồn tại, nhưng "tam giác" về phương pháp và kiểm tra chéo thông tin có thể tìm được bức tranh toàn cảnh. Những người phỏng vấn cần khích lệ các ý kiến và quan điểm khác nhau và cố tránh việc thúc ép phát biểu. Các cuộc nói chuyện không chính thức sau buổi họp có thể rất hữu ích để thu thập thông tin từ những người không thể (do không có điều kiện hoặc không có khả năng) diễn đạt ý kiến của mình trong cuộc phỏng vấn nhóm. Các cuộc GI đòi hỏi việc chuẩn bị và lập kế hoạch của mình trong cuộc phỏng vấn nhóm. Các cuộc
  6. 58 GI đòi hỏi việc chuẩn bọ và lập kế hoạch trước chu đáo hơn so với các cuộc phỏng vấn cá nhân. Thảo luận nhóm có trọng tâm Thảo luận nhóm có trọng tâm nhằm để thảo luận chi tiết những chủ đề đặc biệt. Một nhóm nhỏ (từ 6 đến 12 người) những người có kiến thức hoặc quan tâm về những chủ đề cần thảo luận được mời tham gia vào nhóm có trọng tâm. Một "người điều khiển" (người quản trò, người tạo thuận lợi để sự việc xảy ra) cuộc thảo luận được chọn lựa sao cho đảm bảo cuộc thảo luận ấy không đi lệch quá xa chủ đề ban đầu và không để có người nào chiếm ưu thế (nói nhiều) trong cuộc thảo luận. SSI là phỏng vấn "dẫn dắt" với chỉ một vài câu hỏi được xác định trước và các câu hỏi mới sẽ phát sinh trong quá trình phỏng vấn. Người phỏng vấn chuẩn bị một danh sách các chủ đề và câu hỏi hơn là một biểu điều tra (bao gồm tất cả những câu hỏi) cố định. - SSI được thực hiện với: - Cá nhân để thu thông tin tiêu biểu. Phỏng vấn một số cá nhân về cùng một chủ đề (ví dụ như phụ nữ, nam giới, già, trẻ, người tham gia và người không tham gia). - Người cung cấp thông tin chủ yếu để có thông tin đặc biệt. KI là những người có kiến thức đặc biệt mà người khác không có (ví dụ như các "bà đỡ" về các vấn đề sinh nở). - Nhóm để thu thông tin tổng quát ở mức độ công đồng. - Nhóm có trọng tâm để thảo luận chi tiết về một chủ đề đặc biệt. - Hướng dẫn thực hiện với SSI: - Nhóm phỏng vấn gồm từ 2 - 4 thành viên có chuyên môn khác nhau. - Bắt đầu với lời chào hỏi truyền thống và nói rõ nhóm phỏng vấn đến là để học. - Bắt đầu hỏi bằng cách đề cập đến những người hoặc những sự vật dễ thấy được. - Thực hiện phỏng vấn một cách không chính thức và xen các câu hỏi với thảo luận. - Cần (có đầu óc) cởi mở và khách quan. - Để từng thành viên chấm dứt phần hỏi của mình (không chen ngang vào). - Cẩn thận dẫn dắt đến những câu hỏi (về các vấn đề nhạy cảm). - Phân công một người ghi chép (nhưng luân phiên, không cố định suốt thời gian). - Cần chú ý đến những tín hiệu "không lời" (thái độ, cử chỉ). - Tránh những câu hỏi ngầm chứa câu trả lời và phán xét các giá trị. - Tránh những câu hỏi có thể trả lời "có" hoặc "không". - Cuộc phỏng vấn cá nhân không nên kéo dài quá 45 phút. - Cuộc phỏng vấn nhóm không nên dài quá 2 giờ.
  7. 59 - Mỗi người phỏng vấn cần có sẵn một danh mục các chủ đề và câu hỏi chủ yếu. - Những lỗi thường gặp của SSI: - Không chăm chú nghe người dân nói. - Lặp lại các câu hỏi (đã hỏi và được trả lời rồi). - Giúp người được phỏng vấn đưa ra câu trả lời. - Hỏi những câu hỏi mong lung mơ hồ. - Hỏi những câu hỏi không nhạy cảm (những vấn đề người dân không quan tâm). - Không thực hiện kiểm tra chéo về một chủ đề. - Không xem xét các câu trả lời (cả tin vào mọi điều). - Hỏi những câu hỏi ngầm chứa câu trả lời. - Để cuộc phỏng vấn kéo dài quá lâu. - Khái quát hoá quá mức các kết quả tìm được (khái quát hoá từ quá ít thông tin). - Dựa quá nhiều vào những gì do các người khá giả, người có học vấn, người lớn tuổi, và nam giới trình bày. - Bỏ qua tất cả những gì không phù hợp với những ý tưởng và khái niệm tiền định của người phỏng vấn. - Cho quá nhiều gia trọng (xem nặng) các câu hỏi có chứa số liệu định lượng (ví dụ như đưa ra câu hỏi: Ông nuôi được bao nhiêu con dê?). - Ghi chép không hoàn chỉnh. - Hướng dẫn chi tiết thực hiện SSI: Trước khi phỏng vấn: -Cần chuẩn bị bản thân cho cuộc phỏng vấn. Bạn cần nắm rõ chủ đề để có thể đưa ra các câu hỏi phù hợp và chứng tỏ mình quan tâm đến đối đáp của người được phỏng vấn. - Trong việc chọn lựa nhóm công tác, cần lưu ý rằng lứa tuổi, giới tính, thành phần (giai cấp), dân tộc, của các thành viên có thể ảnh hưởng đến chất lượng thông tin thu thập được (chẳng hạn như trong một số cộng đồng xã hội các cán bộ phỏng vấn nữ thì phù hợp để phỏng vấn phụ nữ hơn là nam cán bộ). - Thiết kế một đề cương sơ khởi cho cuộc SSI. Đề cương này sẽ được sửa đổi trong quá trình công tác thực địa. Khởi đầu với những yêu cầu tổng quát về một chủ đề nào đó và bổ sung các chi tiết, sâu hơn trong quá trình thực địa. - Chọn mẫu điều tra: Chọn những người được phỏng vấn thích hợp với chủ đề của cuộc phỏng vấn dựa vào kiến thức, tuổi tác, giới tính, địa vị, dân tộc, v.v Ghi nhận khái quát về sự phân tầng kinh tế xã hội của cộng đồng bằng cách tìm vài người quen biết cộng đồng (thành viên cộng đồng hoặc cán bộ phát triển cộng đồng) có thể vẽ một sơ đồ về cộng đồng chỉ rõ các xóm ấp và các nhóm kinh tế xã hội, dân tộc và tôn giáo khác nhau. Để có được sự phân tầng (khác biệt) chi tiết về kinh tế xã hội cần tiến hành xếp hạng giàu nghèo. Chọn một số người để
  8. 60 phỏng vấn từ các nhóm khác nhau (nam, nữ, già, trẻ) dựa vào tính sẵn có (mẫu cơ hội). - Giữ ở mức độ càng nhỏ càng tốt. Nhóm công tác nhỏ (ít thành viên), sổ ghi chép nhỏ, ít sử dụng xe cộ (đi bộ càng tốt). Tránh "hội chứng thăm dò ý kiến", các nghiên cứu viên lái xe đến gặp nông dân đang làm lụng trên đồng và nhảy ra khỏi xe với sổ ghi chép trong tay sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn. Cố gằng hoà nhập vào hoàn cảnh địa phương (nhập gia tuỳ tục) càng nhiều càng tốt, đó là chiến lược tốt nhất. -Cần lưu ý đến thời gian biểu hàng ngày của các thành viên cộng đồng. Chọn thời gian phỏng vấn sao cho không ảnh hưởng đến những hoạt động quan trọng của người được phỏng vấn. Sử dụng thời gian giữa các cuộc phỏng vấn cho các hoạt động khác của PRA (như quan sát, vẽ sơ đồ, phân tích). Trong khi phỏng vấn -Cần nhạy cảm và kính trọng dân. Lấy một cái ghế và ngồi cùng mức độ với những người được phỏng vấn, không ngồi cao hơn họ, và bắt đầu câu chuyện bằng những lời xã giao thông dụng (được chấp nhận) ở địa phương. Phải tuyệt đối tránh những cử chỉ tỏ ra coi thường hoặc không tin vào những gì các thành viên cộng đồng trình bày, như cười cợt giữa các thành viên nhóm công tác hoặc ngay cả phê bình các câu trả lời của người được phỏng vấn. Hành vi không phù hợp có thể đưa đến kết quả không chính xác. -Sử dụng cùng ngôn ngữ với người được phỏng vấn (tiếng địa phương, dân gian) để giảm bớt sự ngăn cách. Có các thành viên cộng đồng tham gia trong nhóm công tác sẽ đảm bảo là các câu hỏi phù hợp và xây dựng theo cách có ý nghĩa và nhạy cảm. Sử dụng "cách đóng vai" để tìm ra ngôn ngữ đúng. - Cuộc phỏng vấn nên là cuộc đối thoại hoặc quá trình mà các thông tin quan trọng sẽ phát triển theo câu chuyện. Chất lượng thông tin thu được tùy thuộc phần lớn vào quan hệ giữa người phỏng vấn và người cung cấp thông tin. Hãy gây niềm tin nơi họ bằng cách thể hiện sự quan tâm đến những gì quan trọng đối với họ. - Quan sát: Lưu ý quan sát các mô hình, hành vi, các dị biệt và những việc không bình thường. Quan sát các chỉ thị "không lời" như các biểu hiện trên mặt, sử dụng không gian (khoảng cách giữa người phỏng vấn và người được phỏng vấn), điệu bộ, âm giọng, sờ mó, và tiếp xúc bằng mắt vì chúng có thể biểu lộ phần lớn các mối quan tâm hay e ngại của người được phỏng vấn và cung cấp những đầu mối giá trị để giải thích các câu trả lời. Trong thực tế, quan sát và phỏng vấn hầu như được thực hiện chung nhau. Tuy nhiên, khi ghi chép cần phân biệt rạch ròi những gì quan sát được và những gì người được phỏng vấn trả lời để dễ dàng phân tích sự việc sau này. Điều đó có thể đạt được bằng cách chia trang giấy của sổ ghi chép thành 2 cột, một cho phần đối đáp và một cho phần quan sát. - Thu thập các cách phân loại, thuật ngữ, hình vẽ (đặc biệt của trẻ con, có thể đề nghị chúng vẽ về một chủ đề nào đó), các bài thơ, bài hát, truyện dân gian, các thành ngữ và tục ngữ của địa phương. - Câu hỏi: Có thể xây dựng các câu hỏi dựa vào: + Danh mục các chủ đề và câu hỏi chủ chốt. + Thông tin hiện có về cộng đồng (các báo cáo và thống kê). + Các bản đồ, không ảnh, và các biểu đồ khác.
  9. 61 + Quan sát trực tiếp - Các câu hỏi: Ai? Tại sao? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Thế nào? khi được sử dụng đúng đắn luôn tạo ra nhiều thông tin cho người phỏng vấn PRA. Không phải tất cả 6 câu hỏi trên đều được hỏi cho bất kỳ một vấn đề đặt ra, mà người phỏng vấn cần nhớ trong đầu để đảm bảo không có vấn đề quan trọng nào bị bỏ quên. Tuy nhiên, cần hạn chế sử dụng câu hỏi "Tại sao?" vì chúng có thể đặt người cung cấp thông tin ở vào thế bị động và có thể ngưng cung cấp thông tin. - Trình bày các câu hỏi một cách ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và hướng tới việc phát hoạ ra nhiều chi tiết rõ ràng. Không hỏi nhiều (hơn một) câu hỏi cùng lúc. -Bắt đầu cuộc phỏng vấn với 1 câu hỏi bao quát để người đối thoại có thể thảo luận với cách hiểu riêng của họ chứ không phải theo cách hiểu của người phỏng vấn. (Câu hỏi được thu hẹp sẽ xác định phạm vi đề tài và giới hạn các câu trả lời có thể có). Sau đó tiếp tục các câu hỏi đặc biệt để nắm được chi tiết hơn và hiểu sâu hơn. Thí dụ: sau khi hỏi "Ông bà cho biết khái quát về các loại cây trồng trong vùng và ông bà sử dụng chúng để làm gì?" tiếp tục với các câu hỏi để biết rõ hơn về việc sử dụng các loài cây trồng. Tuy nhiên đối với các đề tài nhạy cảm, hoặc trong trường hợp người được phỏng vấn rất thích một đề tài nào đó, thì cần mở đầu với câu hỏi thu hẹp vì câu hỏi bao quát có thể dẫn đến một cuộc phỏng vấn mà tất cả câu hỏi tiếp theo sẽ bị thiên lệch theo câu trả lời đầu tiên. Thí dụ nên hỏi "Hạn hán vừa qua có tác động gì đến cuộc sống của ông bà?", Ông bà đã sống như thế nào trước khi xảy ra hạn hán?" "Điều gì xảy ra cho ông bà trong lúc bị hạn hán". - Các câu hỏi cần đưa ra theo cách đòi hỏi phải giải thích (câu hỏi mở) hơn là để cho người được phỏng vấn trả lời "có" hoặc "không". - Đừng đưa ra câu hỏi có tính hướng dẫn. Các câu hỏi có tính hướng dẫn làm cho việc kiểm tra chi tiết sau này gặp nhiều khó khăn và làm cho các câu trả lời ít đáng tin cây hơn. Thí dụ: không nên hỏi "Tại sao tiêm chủng cho trẻ em là quan trọng?" mà nên hỏi "ông bà nghĩ gì về việc tiêm chủng cho trẻ em?" không nên hỏi "ông bà trồng mía vào tháng 7 phải không?" mà nên hỏi "Khi nào ông bà trồng mía?". - Tránh đưa ra kết luận đối với người được phỏng vấn hoặc tránh giúp họ hoàn thành câu của họ ngay khi họ có thể gặp khó khăn để tự trình bày. Người dân địa phương có cách riêng để diễn đạt ý tưởng của mình, cần khuyến khích họ. - Tránh dạy hay khuyên bảo người dân: tính cách này không phù hợp với PRA. Cần thay đổi quan niệm về vai trò: người phỏng vấn đến là để học cùng với người dân địa phương chứ không phải để dạy họ. -Cần hướng dẫn cẩn thận đối với các vấn đề quan trọng và nhạy cảm. Nếu cần thiết phải tiếp xúc với người cung cấp thông tin nhiều lần để tạo mối quan hệ tốt trước khi thảo luận các vấn đề nhạy cảm hơn. Chọn các chỉ tiêu đại diện cho các chỉ tiêu nhạy cảm (thí dụ: chỉ tiêu trong gia đình và ghi các nguồn thu thập là các chỉ tiêu đại diện cho số thu nhập của hộ gia đình). - Kiểm tra thông tin. Kiểm tra chéo trong khi phỏng vấn là để thu thập thông tin chi tiết và sâu sắc hơn. Để có thể kiểm tra, cần nghe rõ những gì được nói, hỏi thêm các thông tin hỗ trợ và chi tiết sâu hơn. Các sách lược kiểm tra khác nhau bao gồm:
  10. 62 + Thể hiện sự quan tâm và động viên bằng gật đầu hoặc nói "vâng", "đúng". + Dừng đôi chút để người được phỏng vấn bổ sung thông tin, nhưng không dừng quá lâu vì có thể gây ra lúng túng cho họ. + Nhắc lại câu hỏi theo cách khác (thí dụ: "Các mối nguy hiểm đối với các con của ông là gì?", "Ông bà có khó khăn gì trong việc chăm sóc con cái?", "Ông bà lo lắng điều gì nhất có thể ảnh hưởng đến con cái ông bà?"). + Sử dụng các câu hỏi trung gian như: "Ông bà có thể nói thêm về điều đó không?", "Ông bà có thể cho ví dụ được không ?", "Ông bà có thể giải thích điều đó được không?". + Sử dụng các so sánh tương đồng, tương phản, hoặc thay đổi các "kiểu" thu thập thông tin: phỏng vấn nhóm, phỏng vấn cá nhân, phỏng vấn người cung cấp thông tin chủ yếu. -Cần cân nhắc câu trả lời và đừng dựa vào quá ít người cung cấp thông tin. Những cảm nhận đầu tiên thường bị sai lệch. Nên kiểm tra sự hiểu biết của mình về một vấn đề, thuật ngữ hoặc khái niệm bằng cách sử dụng hoặc mô tả lại trong các cuộc thảo luận và phỏng vấn tiếp sau. Nếu bạn hiểu sai, người cung cấp thông tin có thể sửa chữa cho bạn. - Ghi chép, ghi chép tốt, chi tiết và đầy đủ (có thể tốc ký) là yêu cầu cần thiết cho một cuộc PRA. Đánh số các câu hỏi và đánh dấu các câu trả lời một cách rõ ràng. Chỉ định một thành viên của nhóm phỏng vấn (luân phiên) làm nhiệm vụ ghi chép sẽ giúp cho các thành viên khác của nhóm tập trung vào việc phỏng vấn. Cần thiết kế công cụ ghi chép (mẫu biểu, biểu đồ) sao cho dễ dàng phân tích thông tin này. - Ghi chép những gì được nói và những gì nhóm nhìn thấy, nhưng không kết hợp sự phỏng đoán riêng. - Trong trường hợp việc ghi chép gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện được ngay tại hiện trường thì cần nhớ lại và ghi chép nhanh một số vấn đề ngay sau khi phỏng vấn hoặc quan sát. Trong ngày (chiều, tối) sẽ ghi chép lại đầy đủ và chi tiết những gì đã ghi sơ bộ ở hiện trường, nếu để lâu sẽ quên mất thông tin. -Kết thúc cuộc phỏng vấn một cách lịch sự và cảm ơn người được phỏng vấn, người cung cấp thông tin. + Phỏng vấn người am tường vấn đề (KIP) Đây là một trong những phương pháp thu thập thông tin từ nông dân thực hiện cho việc mô tả điểm nghiên cứu có điều tra phỏng vấn. Có nhiều cách để thu thập thông tin và phương pháp hỏi những người am hiểu sự việc (Key informant Pnel), về một chuyên đề nào đó, là một phương pháp thông dụng để tìm hiểu thêm hoặc kiểm chứng những thông tin đã có từ trước, hoặc đối chiếu những thông tin thu thập được qua điều tra phỏng vấn chính thức. * Phương pháp KIP là gì? Phương pháp thu thập thông tin từ một nhóm người am hiểu về một chuyên đề nào đó gọi tắt là KIP. KIP là phương pháp thảo luận nhóm gồm những người am hiểu về sự việc khác nhau được tập hợp trong một cuộc tọa đàm về những sự kiện,
  11. 63 những chuyên đề, hoặc những thông tin khác trong một cộng đồng, mà cộng đồng này có thể là một xã hội, một tổ chức, hoặc là một cơ quan nào đó. * Tiến trình phương pháp KIP - Thành phần địa phương tham gia. Số người lý tưởng là từ 7 đến 15 người. Những người có thể tham gia nhóm KIP bao gồm: + Nông dân. + Nhà buôn bán. + Chủ ngân hàng. + Chủ nhiệm hợp tác xã. + Chính quyền xã. + Nhân viên khuyến nông địa phương. + Thầy giáo. -Tổ chức phỏng vấn: Nhóm chuyên gia liên ngành lần lượt thảo luận, trao đổi, hỏi người tham gia về các vấn đề thuộc các lĩnh vực liên quan. Xác định lại những khó khăn trở ngại trong sản xuất hiện tại, những triển vọng trong tương lai bằng các dữ liệu vừa thu thập được qua cuộc điều tra. * Lợi ích của thảo luận nhóm KIP - Mọi người tham gia và dự phần tích cực hơn trong việc thu nhập và phân tích dữ liệu. - Cung cấp thêm dữ kiện sau giai đoạn phác thảo phiếu điều tra bằng việc tăng mức chính xác của thuật ngữ. - KIP tốn ít tiền, dễ làm và thu nhập rộng rãi nhiều loại thông tin khác nhau. - Cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy như: Sự việc có tính đại chúng hoặc có thể quan sát trực tiếp và những đặc điểm nổi bật của cộng đồng. - Không có câu hỏi gây tranh luận, bàn cãi. * Nhược điểm của phương pháp KIP - Những ý kiến cực đoan và những ý kiến khác thường hoặc những ý kiến hay sẽ bị triệt tiêu vì cần có sự nhất trí. - Phương pháp này cần người có đủ trình độ suy nghĩ lẫn ăn nói. Do đó, có thể bị chế ngự bởi những người có học cao hoặc lanh lợi. - Người điều khiển thảo luận cũng cần phải đủ bản lãnh trong việc điều phối, gợi ý. - KIP cung cấp câu trả lời kém chính xác cho câu hỏi. - Thông tin không thể trực tiếp quan sát như là chất hữu cơ. - Cần phải đánh giá rõ, phán đoán. - Về lối xử thế tiêu biểu của cá nhân, hoạt động hoặc những mối quan hệ xã hội. + Sơ lược lịch sử Bản sơ lược lịch sử cho biết các thông tin quan trọng để hiểu biết tình hình hiện tại của một cộng đồng (thí dụ mối quan hệ nhân quả giữa quyền sở hữu ruộng đất đến sự xói mòn đất hay suy thoái rừng). Nó cho ta cái nhìn khái lược về các sự kiện lịch sử chủ yếu của một cộng đồng và tầm quan trọng của chúng với tình hình
  12. 64 hiện tại. Các sự kiện có thể là: xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, trường học, kinh mương, điện lực - Hướng dẫn xếp hạng - Để dân tự làm theo cách của họ. - Để dân sử dụng các đơn vị đo đếm riêng của họ. -Sử dụng tên gọi riêng, cách định danh, cách phân hạng của họ cho tất cả những gì được đưa ra xếp hạng. -Cần xem xét việc sử dụng các trò chơi địa phương để thực hiện việc xếp hạng. - Kiểm tra lý do để sắp đặt thứ tự xếp hạng. -Cần chuẩn bị trước và kiên nhẫn khi thực hiện. + Mặt cắt Bản đồ mặt cắt là bản vẽ một mặt cắt ngang xuyên qua một vùng hay một khu đất trên ấy có mô tả những đặc điểm chủ yếu về hoạt động sản xuất, các nguồn tài nguyên đất, nước, cây trồng, vật nuôi, tôm cá, thuỷ sản, cùng những hạn chế trở ngại và những cơ hội triển vọng phát triển. Bản đồ mặt cắt rất thông dụng trong việc mô tả hệ sinh thái nông nghiệp cũng như giúp hiểu được các hoạt động sản xuất chủ yếu trong vùng hay trong một nông trại riêng lẻ. - Các bước tiến hành Để thực hiện bản đồ mặt cắt, điều cần thiết là phải thực hiện dã ngoại. Có thể có được các thông tin cơ bản càng tốt, bởi vì bản đồ mặt cắt là bức tranh toàn cục thu nhỏ mô tả tất cả những hoạt động sản xuất, những chi tiết về các nguồn tài nguyên, những thuận lợi, hạn chế của một nông hộ, một vùng sản xuất. - Tìm các thành viên cộng đồng có kiến thức sẵn lòng tham gia một cuộc đi bộ trong làng và các vùng xung quanh. - Thảo luận với họ về các yếu tố cần vẽ trong mặt cắt (địa hình, đất đai, hoa màu, cách sử dụng đất, nguồn nước, ) và tuyến đường sẽ đi (đảm bảo phản ánh đầy đủ tính đa dạng của vùng nghiên cứu). - Đi khảo sát mặt cắt cùng với các thành viên cộng đồng: quan sát hỏi han nghe ngóng (nhưng không giảng dạy họ), thảo luận các khó khăn thuận lợi. - Xác định các vùng nông nghiệp và tự nhiên chủ yếu, phác họa các đặc điểm nổi bật. Đối với mỗi vùng cần mô tả: loại đất và địa hình, nguồn nước, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cây trồng (và cây mọc tự nhiên), vật nuôi (bao gồm thuỷ sản), các khó khăn và giải pháp, các thuận lợi. -Vẽ mặt cắt và kiểm tra lại mặt cắt cùng với những người hiểu biết (KI)
  13. 65 -Lợi điểm của bản đồ mặt cắt -Sử dụng bản đồ mặt cắt để mô tả hoạt động sản xuất là bức tranh toàn cục của một vùng sản xuất hay một khu đất của nông hộ. - Nhìn vào bản đồ có thể hình dung được tất cả những hoạt động sản xuất của một gia đình hay của một vùng nghiên cứu. - Là phương pháp giúp đánh giá nhanh nông thôn thông qua các chỉ tiêu về khó khăn trở ngại và những cơ hội triển vọng. - Nông dân có thể nhìn vào bản đồ hình dung được tất cả những mặt sản xuất của nông hộ mình hay của người khác hay của một vùng đất. - Cán bộ nghiên cứu và cán bộ khuyến nông dễ dàng hình dung, hiểu rõ, nắm bắt được vấn đề tồn tại ở địa phương hay của một gia đình. - Nhược điểm của phương pháp - Không thể giải thích được tất cả chi tiết do kích thước giới hạn của hình vẽ. -Nếu nhà nghiên cứu đi trên đường không gặp được những chi tiết thú vị hoặc đa dạng, bản đồ mặt cắt trở nên nghèo nàn, đơn điệu, không mô tả đúng hiện trạng sản xuất. - Chỉ mô tả được phần nổi, phần thấy được, những chi tiết không không thấy được về kinh tế, xã hội không được thể hiện rõ ràng. - Liên hệ giữa bản đồ mặt cắt với các phương pháp khác -Mặt cắt sinh thái chỉ rõ ra những loại cây trồng, vật nuôi trên những địa hình, những hệ thống tài nguyên khác nhau của một vùng hay của một nông hộ. -Bản đồ mặt cắt còn có quan hệ gần gũi với phương pháp chẩn đoán và xác định những khó khăn, trở ngại trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. -Bản đồ mặt cắt có liên hệ với những biểu đồ, sơ đồ biểu diễn lịch canh tác trong năm, mối liên hệ tương hổ giữa các hoạt động sản xuất khác nhau, những số liệu về mức đầu tư kể cả trong lẫn ngoài hệ thống, về việc tiêu thụ và sử dụng sản phẩm. + Lịch thời vụ Lịch thời vụ là loại lịch chỉ rõ các hoạt động chính, các khó khăn và thuận lợi trong suốt chu kỳ hàng năm dưới dạng biểu đồ. Đó thực sự là một chuổi các biểu đồ khác nhau được thể hiện trên một tờ giấy. Nó giúp xác định các tháng khó khăn nhất hoặc có thể bị thiệt hại nhất, hay các thay đổi quan trọng khác có tác động đến cuộc sống của người dân. -Lịch thời vụ có thể được sử dụng để tóm lược các việc như: - Thời vụ ở địa phương. - Khí hậu (lượng mưa và nhiệt độ). - Thứ tự gieo trồng hoa màu (từ khi trồng đến khi thu hoạch) và sâu bệnh.
  14. 66 - Chăn nuôi gia súc (sinh sản, cai sữa, bệnh, cho ăn, vận chuyển, bán ). - Các hoạt động tạo ra thu nhập, lượng thu nhập và chi tiêu, nợ tiết kiệm. - Nhu cầu lao động cho nam, nữ giới, trẻ con và khả năng cung cấp lao động. -Bệnh tật. - Chủng loại và số lượng thức ăn, chất đốt. - Giá cả thị trường. - Các sự kiện xã hội, lễ hội, + Biểu đồ tổ chức (biểu đồ Venn) Biểu đồ mối quan hệ cho thấy những nguyên nhân, kết quả và các mối quan hệ giữa các biến chủ yếu (quan hệ nhân quả). Thí dụ: -Mối quan hệ giữa các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hoá và khí hậu đến sự suy thoái môi trường. -Mối quan hệ giữa các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội, đến tình hình đói nghèo. - Sơ đồ tổ chức. - Biểu đồ Venn Biểu đồ Venn chỉ rõ các tổ chức và cá nhân chủ yếu trong một cộng đồng cùng mối quan hệ và tầm quan trọng của họ đối với việc xây dựng quyết định. Các bước: - Thu thập thông tin từ các nguồn dữ liệu thứ cấp, các cuộc phỏng vấn nhóm hoặc những người cung cấp thông tin chủ yếu. - Xác định các tổ chức và cá nhân chủ yếu chịu trách nhiệm đối với các quyết định trong một cộng đồng hay tổ chức. -Vẽ (cắt) các vòng tròn tiêu biểu cho mỗi cá nhân hoặc tổ chức, kích cỡ của vòng tròn chỉ rõ mức độ quan trọng hoặc phạm vi của mỗi tổ chức hoặc cá nhân. - Xác định mức độ quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân: sắp xếp các vòng, tròn như sau: + Vòng tròn riêng rẽ = không có mối quan hệ. + Vòng tròn tiếp xúc nhau = thông tin được trao đổi. + Vòng tròn chồng lắp nhau = có hợp tác trong việc xây dựng quyết định (mức độ chồng lắp càng nhiều = hợp tác càng đáng kể, chặt chẽ hơn). Lưu ý: Khuyến khích các thành viên cộng đồng xây dựng biểu đồ riêng của họ.
  15. 67 CQ xã Chồm xóm Chủ vật tư phân bón CQ ấp Cộng đồng Cán bộ kỹ thuật Tổ liên quan Hình 3.1 Mối quan hệ giữa cộng đồng và các tổ chức (Nguyễn Ngọc Đệ, 1998) + Xếp hạng phân loại giàu nghèo Xếp hạng hoặc cho điểm là sắp xếp việc gì đó theo một trật tự. Các công cụ phân tích như xếp hạng sẽ bổ sung cho phỏng vấn bán cấu trúc thông qua việc tạo ra các thông tin cơ bản có thể dẫn đến nhiều câu hỏi trực tiếp hơn. Các công cụ đó có thể được sử dụng như một phần cuộc phỏng vấn hoặc sử dụng riêng lẽ. Xếp hạng là một công cụ thực sự bổ ích đối với các thông tin nhạy cảm, đặc biệt là mức thu nhập hoặc mức độ giàu nghèo. Người cung cấp thông tin thường có xu hướng sẵn sàng cung cấp các giá trị tương đối về mức độ giàu nghèo của họ hơn là các con số chính xác tuyệt đối. Như vậy, nên nói "Hãy phân hạng các nguồn thu thập của ông bà theo tầm quan trọng" hơn là hỏi "Ông bà thu nhập được bao nhiêu?". Xếp hạng còn có ưu điểm nữa là nó dễ dàng thực hiện hơn là biện pháp đo đếm tuyệt đối. - Có nhiều phương pháp xếp hạng. Có thể kể: + Xếp hạng theo ưu tiên (xếp hạng bằng cách bỏ phiếu). + Xếp hạng theo cặp (đôi). + Xếp hạng theo ma trận trực tiếp. + Xếp hạng giàu nghèo. Chọn nông hộ nghèo để đầu tư, thường sử dụng phương pháp "Xếp hạng giàu nghèo" để chọn lọc ra nông hộ nghèo trong vùng. Sự khác biệt về mức độ giàu nghèo luôn tồn tại trong một cộng đồng. Các khác biệt này có ảnh hưởng đến quyết định tính cách, chiến lược đối phó, và quan điểm của người dân. Xếp hạng giàu nghèo cho phép nhóm PRA:
  16. 68 - Nhận ra sự khác biệt giàu nghèo trong một cộng đồng. - Phát hiện các chỉ số về tiêu chí giàu nghèo và mức sống của địa phương. - Thiết lập “vị trí” tương đối của các hộ trong cộng đồng. Thông tin sơ lược về kinh tế xã hội cộng đồng này có thể được dùng làm cơ sở cho việc chọn mẫu điều tra sau này hoặc xác định các thành viên của dự án (như người nghèo nhất, người cần được huấn luyện), và để xem sau một thời gian các gia đình tham gia dự án có cải thiện được tình hình của họ so với những người không tham gia dự án không. Xếp hạng này hữu ích như phần mở đầu để thảo luận về các chiến lược, cơ hội, khó khăn và giải pháp có thể có. - Các nguyên tắc - Người bên ngoài và thành viên cộng đồng có nhận thức khác nhau về sự giàu có, mức sống và sự bất bình đẳng. Tuy nhiên nhận thức của người dân địa phương có ý nghĩa quyết định có hiểu biết sâu sắc hơn về cộng đồng. - Những người dân khác nhau trong cộng đồng (đàn ông, đàn bà, người buôn bán, người làm công, ) có thể sử dụng các tiêu chí (đánh giá giàu nghèo) khác nhau. - Việc tìm hiểu biến động tình hình kinh tế-xã hội trong cộng đồng là hữu ích cho PRA. -Xếp hạng giàu nghèo dựa trên giả định là các thành viên cộng đồng cảm nhận được ai trong số họ giàu hơn hoặc có mức sống kém hơn. Cần lưu ý rằng đó là nhận thức riêng của cộng đồng về tình hình (của họ). Nên kiểm tra chéo kết quả thu được với các phương pháp (như bảng câu hỏi dùng trong quan sát trực tiếp). Chú ý - Phương pháp này đơn giản, linh hoạt, đòi hỏi ít thời gian với sự tham gia của một số thành viên cộng đồng. Tuy nhiên, nó khó thực hiện ở các vùng đông dân cư vì khó tìm được hiểu biết tất cả các hộ với tên chủ hộ. - Vì các nhóm khác nhau có cái nhìn khác nhau về bản thân họ nên kết quả thu được ở các xã khác nhau không thể so sánh được. Một số cộng đồng tương đối khá giả có thể tự xếp mình là kém hơn cộng đồng rất nghèo khác. Trong vài trường hợp, cộng đồng có thể chống đối việc phân loại này. Một số người trong cộng đồng lại cố tình hạ thấp “hạng” để mong cộng đồng có thể nhận được “viện trợ” hoặc đầu tư từ nhà nước và nhất là các tổ chức quốc tế. - Các bước tiến hành xếp hạng giàu nghèo -Lập danh sách tất cả các hộ trong cộng đồng kèm số liệu (số thứ tự). Tên chủ hộ và số liệu mỗi hộ được viết trên từng phiếu riêng. - Đề nghị từng người, trong nhóm người cung cấp thông tin chính người trong cộng đồng đã sống, lâu năm trong cộng đồng và biết tất cả các hộ, phân các phiếu theo nhóm nghèo trong cộng đồng (số nhóm và tiêu chí phân loại do họ quyết định). Nếu người trong cộng đồng này không biết chữ, nhóm PRA đọc to tên người trong phiếu để ông bà trong cộng đồng đó đặt phiếu vào nhóm do họ chọn. Nếu trong cộng đồng không thể xếp hạng cho một hộ nào đó (vì không biết hộ này hoặc không quyết định được nên xếp vào nhóm nào) thì tiếp tục xếp cho hộ khác. Cần ít
  17. 69 nhất 3 người trong cộng đồng độc lập phân loại các hộ nhằm đảm bảo kết quả tin cậy được. - Dùng giỏ hoặc hộp nhỏ có ghi số (số nhỏ là nghèo, số lớn hơn là khá hơn) để giúp người phân loại (người trong cộng đồng) nhớ được các hạng giàu nghèo dễ dàng hơn và nhóm PRA ghi nhận kết quả mà không nhầm lẫn. Trộn các phiếu ở các nhóm lại trước khi để người khác trong cộng đồng phân loại để tránh các định kiến từ kết quả phân loại trước. - Sau khi phân loại, nên hỏi người trong cộng đồng về các tiêu chí phân loại cho mỗi nhóm và sự khác biệt giữa các nhóm. Phải nắm chắc người được nhờ phân loại là những người đáng tin cậy và không bàn bạc về “hạng” của từng gia đình để tránh những cảm giác xấu trong nội bộ cộng đồng. Lập danh mục các tiêu chí và chỉ số đã tạo được khi thảo luận về việc xếp hạng, và kiểm tra các khác biệt kết quả từ những người cung cấp thông tin. - Sau khi người được chọn trong cộng đồng đã phân loại tất cả các phiếu thành các nhóm, nhóm PRA ghi kết quả của mỗi hộ vào biểu điểm có số nhóm. Nếu số nhóm giàu nghèo do người phân loại cung cấp khác nhau thì phải cho điểm mỗi hộ bằng cách nhận “chỉ số giàu nghèo” do người trong cộng đồng sử dụng với 100. Thí dụ, một hộ được xếp vào nhóm 3 trong 5 nhóm thì sẽ có số điểm là 60 (3/5x100=60). - Ghi điểm của các hộ (được cho bởi các người phân nhóm) vào các cột chung một bảng điểm rồi cộng lại và chia cho số người phân loại (số cột) để có số điểm trung bình. Cần kiểm tra xem kết quả giữa các người phân nhóm có khác biệt lớn không. Nếu có thì hủy bỏ kết quả cung cấp bởi các người được chọn phân nhóm và nhờ một người khác trong cộng đồng làm lại việc phân loại. - Cuối cùng sắp xếp các hộ theo các nhóm giàu nghèo. Nếu số nhóm do các người phân loại sử dụng khác nhau thì lấy số trung bình. Thí dụ 4 người phân loại có 4,5,6,7 nhóm thì có thể chia cộng đồng thành 5 nhóm giàu nghèo (4+5+6+7)/4 = 5,2. 3.1.2 Điều tra khảo sát chi tiết: Phương pháp phỏng vấn có sử dụng phiếu Phương pháp dùng phiếu điều tra thường được sử dụng cho những nghiên cứu sâu với những mục tiêu lâu dài nhằm phát triển sản xuất cho những vùng rộng lớn. Phiếu điều tra là tập câu hỏi được soạn sẵn dùng để thu thập những dữ kiện định lượng. Phiếu điều tra tùy thuộc mục đích của cuộc phỏng vấn, và thông thường được soạn sơ khởi để điều tra thử sau đó nhà nghiên cứu trở về sửa chửa bổ sung cho phù hợp với thực trạng, và thực hiện điều tra chính thức. Mô tả điểm chi tiết được thực hiện bằng cuộc điều tra khảo sát, phỏng vấn quy mô với nhiều chương mục chi tiết. Sơ lược tiến trình như sau: - Tìm hiểu sơ khởi về điểm nghiên cứu trong vùng mục tiêu bằng những lần dã ngoại quan sát trực tiếp. Áp dụng việc phỏng vấn những người am hiểu sự việc, các cấp lãnh đạo, tận dụng những nguồn thông tin khác để có cái nhìn tổng quát về điểm nghiên cứu. - Áp dụng những phương pháp thu thập thông tin để xác định sơ khởi những khó khăn trở ngại trong sản xuất hiện tại.
  18. 70 - Phác thảo tập câu hỏi dựa trên các dữ kiện thu thập được từ các công việc trên đây để chuẩn bị cho việc phỏng vấn thử tại điểm. Nội dung của các câu hỏi, chi tiết của từng chương mục trong tập câu hỏi được thiết kế tùy thuộc vào mục đích của cuộc điều tra. - Thực hiện cuộc phỏng vấn thử để kiểm chứng lại các câu hỏi trong tập câu hỏi. Có thể thực hiện phương pháp KIP song song với phỏng vấn thử để kiểm chứng cùng lúc. - Biên soạn, sửa chữa lại các chi tiết trong tập câu hỏi cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương về nội dung các câu hỏi, cấu trúc câu văn, thứ tự câu hỏi, thứ tự câu văn về sự chính xác của thuật ngữ, các đơn vị đo lường, các từ ngữ địa phương sao cho có sự hiểu biết và cảm thông hoàn toàn giữa người phỏng vấn và nông dân. - Thực hiện cuộc phỏng vấn chính thức. - Hiệu chỉnh, tính toán, xử lý các dữ liệu thu thập được sau cuộc phỏng vấn. Lập các biểu bảng tóm tắt các kết quả thu thập được, kể cả các bản đồ các hình ảnh minh họa, các biểu đồ tóm tắt các kết quả thu được, các đồ biểu, các lịch thời vụ, lịch khí tượng, lịch về tiền vốn, lao động. v.v - Trình bày các kết quả sơ khởi trước nhóm nghiên cứu và ghi nhận các phản ảnh từ các thành viên trong nhóm nếu có. - Mời đại biểu nông dân, nhóm KIP tập trung tại điểm nghe báo cáo kết quả và ghi nhận phản ảnh từ phía nông dân. - Hiệu chỉnh việc tính toán, phân tích số liệu và tập trung viết báo cáo chính thức về kết quả mô tả điểm. Có thể sử dụng các kết quả từ mô tả sơ khởi, các hình ảnh số liệu, v.v để bổ sung cho các kết quả từ cuộc phỏng vấn chính thức. - Xác định lại những khó khăn trở ngại trong sản xuất hiện tại, những triển vọng trong tương lai bằng các dữ kiện vừa thu thập được qua cuộc điều tra. Kết hợp với các phương pháp xác định nguyên nhân và hậu quả, SWOT để thực hiện tốt việc này. - Thiết lập các giả thiết và những hướng thực hiện thí nghiệm trên đồng ruộng. Kết quả từ các thí nghiệm và những hướng thực hiện thí nghiệm trên đồng ruộng. Kết quả từ các thí nghiệm này và các thí nghiệm kế tiếp được bổ sung vào kết quả mô tả điểm. Kết quả những thay đổi về mặt năng suất, về mặt kinh tế cũng góp phần bổ sung vào mô tả điểm. - Một cách tổng quát mô tả điểm là một tiến trình mở, nó được thực hiện liên tục qua nhiều giai đoạn nghiên cứu HTCT, bởi vì càng hiểu rõ về điểm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu càng có đủ cơ sở đưa ra những dự án phát triển tốt hơn. 3.1.3 Tổ chức cuộc điều tra phỏng vấn * Xây dựng phiếu điều tra Phiếu điều tra: Là một tập câu hỏi in sẵn dùng để thu thập những dữ kiện có tính chất số lượng về tình trạng sản xuất của nông dân. Tuỳ thuộc mục đích sử dụng mà phiếu điều tra được thiết kế theo những thứ tự, những nội dung thích hợp. Phiếu
  19. 71 câu hỏi giúp tiêu chuẩn hoá dữ kiện, tập trung vấn đề chính, bảo đảm độ chính xác và mức độ đo lường cần thiết. * Thảo câu hỏi Phải chắc rằng ngôn ngữ dùng trong câu hỏi đơn giản và dễ hiểu để người được phỏng vấn có thể trả lời một cách tin cậy và chính xác. Những câu hỏi về kỹ thuật canh tác phải liên quan đến nơi nông dân sống và canh tác vì nông dân biết những gì xảy ra trên ruộng của họ hàng ngày. Câu hỏi có 3 dạng: mở, lựa chọn và có định hướng. Thường khi soạn thảo câu hỏi cần tránh: - Câu có quá nhiều chi tiết. - Dùng từ mơ hồ hoặc quá chuyên môn. - Câu hỏi gợi lên trả lời trùng lấp. - Đơn vị không rõ ràng. - Vượt khả năng trả lời nông dân. - Có tính cách định hướng hoặc không thực tế. * Chọn và tập huấn điều tra viên - Tiêu chuẩn: ngôn ngữ, xuất xứ, phái tính, văn hóa, kinh nghiệm và phẩm chất cá nhân. - Tập huấn: nội dung và phương pháp điều tra. * Tổ chức điều tra thử Để chắc có được câu trả lời đáng tin cậy cần phải phỏng vấn thử, đi hỏi những người có quá trình học vấn, kinh nghiệm tương tự như những người sẽ được phỏng vấn thực sự. So sánh các câu trả lời riêng từng cá nhân. Những câu hỏi được những câu trả lời giống nhau từ nhiều người được xem như đáng tin và cần được dùng trong cuộc phỏng vấn. Những câu hỏi được trả lời khác nhau hoặc không phù hợp phải được loại bỏ hoặc phải được cải tiến, và được thử lại. * Chọn người để phỏng vấn Chọn người để phỏng vấn càng cẩn thận thì tin tức thu thập được càng đáng tin cậy và chính xác. Người được phỏng vấn càng am hiểu vấn đề thì tin tức càng tốt. Thí dụ về kỹ thuật canh tác cần chọn những người lớn tuổi, có học, đã sống và trồng trọt tại địa phương hầu như cả đời họ. Để tránh nghi ngờ và thiếu hợp tác cần giải thích về chương trình nghiên cứu cho nông dân và viên chức địa phương. Nếu họ hiểu được việc sẽ trở nên dễ dàng. Thứ hai là cần có giấy giới thiệu của chính quyền cấp trên nêu rõ mục đích. Thứ ba là tiếp xúc với những nhân vật quan trọng tại địa phương trước khi thực hiện phỏng vấn, việc đó giúp có liên hệ tốt với công chúng. Cũng hữu ích nếu hẹn lịch cụ thể với những người sẽ được phỏng vấn, như thế họ sẽ sắp xếp mà không phải làm việc gì khác.
  20. 72 * Dự trù chi phí cho cuộc điều tra - Có 2 loại chi phí: phí biến động và phí cố định Phí cố định bao gồm: + Tiền lương của cán bộ thường trực. + Văn phòng, dụng cụ và phương tiện. + Phân tích các dữ kiện và báo cáo. + Chi phí in ấn. - Phí biến động bao gồm: + Tiền công thuê nhân viên phục vụ điều tra. + Phí đi lại và ăn ở hằng ngày. + Sản xuất phiếu điều tra. + Xử lý sơ khởi và lên bảng số liệu. 3.1.4 Những trường hợp bị nhiểu thông tin khi điều tra Trong bất kỳ cuộc nghiên cứu nào cũng cần phải cẩn thận trong việc thu thập thông tin, bởi vì thu thập dữ liệu không chính xác sẽ dẫn đến việc chẩn đoán sai, như thế sẽ có những biện pháp thực hiện không phù hợp. Những cuộc thăm viếng ngắn mà người ta gọi là “cưởi ngựa xem hoa” thường vấp phải những thông tin lệch lạc như sau: - Điều kiện đường sá: Do tâm lý ngại đi các đường xấu nhóm nghiên cứu chọn đường dễ đi nên không gặp được nông dân nghèo ở những vùng sâu kém phát triển, chỉ gặp được những nông dân có điều kiện tốt hơn. - Ngại khó và tiết kiệm thì giờ: Người ngoài thường liên hệ với cán bộ phụ trách những dự án địa phương, vì thế họ chỉ được viếng thăm những vùng trong dự án mà không biết được tình trạng của những khu vực ngoài phạm vi dự án. - Không đúng đối tượng: Thường người ta thích gặp những người ít nghèo khó hơn và có thể lực hơn, đàn ông hơn đàn bà, người chịu hợp tác, người năng động hơn người thụ động, do đó chỉ biết được một chiều và không phân tích hết những tình thế có thể xảy ra. Ngoài ra viên chức địa phương không muốn cho gặp những người nghèo khổ mà nhóm nghiên cứu lại không đủ thời gian để tiếp xúc với tất cả những cư dân của một khu vực. - Không đúng thời điểm: Ở điều kiện khí hậu nhiệt đới mưa là thời kỳ bất lợi cho nông dân nghèo vì họ làm việc cực khổ hơn, năng suất hoa màu thấp hơn, có thể bị thiếu lương thực, nợ nần, bịnh tật, Ở vùng nước sâu nhà cửa tiêu điều, sinh hoạt ảm đạm, nhưng điều này trái hẳn sinh hoạt trong mùa khô. Nếu nhóm nghiên cứu thực hiện dã ngoại trong mùa khô thì sẽ không thấy hết những khó khăn trở ngại đích thực tại địa phương.
  21. 73 3.1.5 Xử lý, phân tích số liệu và trình bày kết quả Các số liệu thô sau khi thu thập được cần phải qua quá trình thanh lọc, chỉnh lý, tính toán, diễn dịch theo những phương pháp khoa học, thống nhất thì mới có ý nghĩa và có thể sử dụng được. * Tiến trình xử lý số liệu - Sàng lọc và chỉnh lý số liệu: Sàng lọc và chỉnh lý số liệu là một quá trình kiểm tra, xem xét số liệu để loại bỏ sai lầm, phát hiện thiếu sót, không đồng bộ và chỉnh sửa cho chính xác các số liệu trước khi lên bảng biểu. Trước khi mã hoá các thông tin thu được trong biểu điều tra bạn cần kiểm tra lại độ đầy đủ, chính xác và đồng nhất của số liệu - Tính đầy đủ của số liệu: Đầu tiên nên kiểm tra xem có câu hỏi nào chưa có câu trả lời hay không. Cố gắng truy tìm lý do nếu có câu hỏi còn trống. Tất cả những vấn đề này, cần trao đổi lại và làm rõ với điều tra viên. Nếu cần có thể kiểm tra lại thực tế tại địa bàn điều tra. - Tính chính xác của số liệu: Sau khi kiểm tra xem tất cả các câu hỏi đã được trả lời rồi, nên để ý tới độ chính xác và tính hợp lý của câu trả lời. Dữ kiện không chính xác có thể là do điều tra viên bất cẩn hoặc người được phỏng vấn cố tình trả lời sai lạc. Trong trường hợp các câu trả lời cần tính toán và chuyển đổi đơn vị, cần kiểm tra lại kết quả tính toán và hoán đổi. Nên dùng đơn vị đo lường chuẩn thống nhất trong tất cả biểu bảng điều tra. Các số liệu bất thường cần được lưu ý kiểm tra và xác nhận lại. - Tính đồng nhất của số liệu: Quá trình xử lý số liệu còn tạo cơ hội để kiểm tra xem liệu các điều tra viên có diễn dịch các câu hỏi và sự hướng dẫn điều tra cùng một kiểu cách hay không. Cũng cần lưu ý là việc sàng lọc và chỉnh lý số liệu cần phải được tiến hành hết sức thận trọng. Không được tẩy xoá hoặc thay đổi các thông tin trong biểu điều tra. Mọi sự thay đổi nếu cần nên viết vào tờ giấy rời hoặc chỗ trống dành sẵn trên biểu điều tra, xác định rõ tính chất của sự thay đổi và lý do. - Mã hoá dữ kiện điều tra: Khi kết quả đã được lượng hoá thì giai đoạn trung gian là mã hoá các câu trả lời. Mã hoá rất cần cho các loại hạng mục và thứ tự hoặc đôi khi cần thiết đối với các số liệu về số lượng hoặc tỉ lệ. * Trình bày kết quả + Những điều cơ bản trong việc trình bày kết quả Việc trình bày kết quả nhằm mục đích thông tin cho người đọc. Vấn đề là làm thế nào để có thể đáp ứng yêu cầu hiểu được của nhiều loại người đọc khác nhau. Bạn đọc thông thường, cần có những bảng và hình đơn giản, dễ hiểu và được nêu bật lên càng rõ ràng càng đơn giản càng tốt. Ngược lại các nhà chuyên môn, kỹ
  22. 74 thuật muốn các số liệu chi tiết để họ có thể tính toán, phân tích, đánh giá sâu hơn theo cách nhìn nhận vấn đề của họ. Để giải quyết mâu thuẩn này, cần chia bài báo cáo ra làm 2 phần: Các bảng biểu tóm tắt nêu bật các nét chính yếu của kết quả phân tích được để trong phần chính của bài báo cáo. Còn các bảng chi tiết với số liệu đầy đủ hơn ở phụ lục cho người đọc tham khảo nếu họ cần. Các điều sau đây cần lưu ý khi trình bày kết quả điều tra: - Rõ ràng, dễ hiểu ngay cả người không có liên hệ gì với cuộc điều tra - Được phân giải ở mức độ thích hợp với một cái sườn nhất quán - Sử dụng thích hợp các số liệu trung bình, độ phân tán, phần trăm và tốc độ - Phân nhóm hợp lý và thể hiện cả những hạng mục - Sử dụng hợp lý biểu đồ, sơ đồ và hình - Việc làm tròn số chỉ nên thực hiện cho bảng số liệu tóm lược cuối cùng. Nếu làm tròn số sớm quá sẽ dễ gây sai số lớn khi phân tích và tính toán. - Việc lựa chọn ranh giới cho phân phối tần số nhóm có thể rộng hơn đối với bảng tóm lược và hẹp hơn đối với bảng gốc. Cẩn thận đừng làm lệch lạc số liệu - Chú ý không có phần nào mà tổng số toàn thể của các thành phần đó lại lớn hơn 100% hoặc nhỏ hơn 0% - Gặp các bảng có hạng mục “Cái khác”, “Không biết”, “Không nói” cần xử lý thích hợp riêng cho từng trường hợp cụ thể. Tỉ lệ của những câu hỏi như vậy nên nhỏ so với toàn thể, nếu không toàn bộ số liệu của bảng không còn tin cậy được nữa. - Khi thể hiện số liệu bằng phần trăm theo hàng hoặc cột, thường nên in tổng cộng ở cuối hàng hoặc cột để người sử dụng biết phần trăm được tính theo chiều nào và nó sẽ mang ý nghĩa khác nhau. + Có 2 cách phổ biến để trình bày kết quả: Bảng và hình - Trình bày kết quả bằng bảng. Tùy theo mục đích thông tin, có thể trình bày số liệu hoặc kết quả bằng 1 trong 2 loại bảng + Bảng tổng quát + Bảng chuyên biệt Bảng tổng quát để trình bày một cái nhìn tổng quát,toàn diện hoặc để trình bày một lượng dữ kiện sơ khởi lớn dưới hình thức tiện lợi. Để trình bày các dữ kiện ban đầu, các bảng dữ kiện sơ khởi lớn dưới hình thức tiện lợi. Để trình bày các dữ kiện ban đầu, các bảng thường giống như là bảng phụ lục trong một bài báo cáo. Nó nhằm cung cấp cho người đọc các số liệu ban đầu để họ có thể tự phân tích và diễn dịch. Bảng tổng quát cũng có thể được chính nhà nghiên cứu sử dụng như là một phần của tiến trình phát triển một hình thức phân tích thích hợp nhằm đáp ứng mục đích, yêu cầu nghiên cứu. Bảng chuyên biệt trình bày một giai đoạn sâu hơn trong quá trình phân tích. Chúng thể hiện vài điểm đặc thù về các số liệu, tạo nên một bộ phận nghiên cứu, khảo sát có hệ thống chặt chẽ hướng về mục đích nghiên cứu. Nhà nghiên cứu cần
  23. 75 suy nghĩ chính chắn về hình thức và cấu trúc của một bảng chuyên biệt để thấy rằng nó chứa đựng những thông tin một cách tốt nhất để trình bày với người đọc về mục đích nghiên cứu. Nhà nghiên cứu cần suy nghĩ chính chắn về hình thức và cấu trúc của 1 bảng chuyên biệt để thấy rằng nó chứa đựng những thông tin một cách tốt nhất để trình bày với người đọc về mục đích, yêu cầu của việc nghiên cứu. Các số liệu trong bảng chuyên biệt có thể là các số liệu trung bình, phần trăm, chỉ số hoặc là dưới hình thức thích hợp nào đó nhằm nêu bật những khía cạnh đặc trưng cụ thể. - Ưu điểm trình bày bảng + Có thể trình bày các loạt số dài và nhiều biến trong một lúc. + Những con số chính xác đã có sẵn trên bảng để tham khảo. + Công việc chuẩn bị dễ dàng và nhanh chóng. - Nhược điểm trình bày bảng + Thường khó thấy được các mối liên hệ giữa các biến hoặc xu hướng thay đổi theo thời gian. + Cần có thời gian nghiên cứu và diễn giải. - Trình bày kết quả bằng hình. Một hình tốt có thể nói lên một vấn đề còn tốt hơn hàng ngàn chữ. Trình bày bằng hình có thể thay thế cách trình bày bằng bảng với ưu điểm tương đương. Hình có thể dùng để nêu rõ hoặc nhấn mạnh các mối quan hệ giữa các số liệu và cung cấp cho người đọc nắm bắt ý nghĩa toàn bộ số liệu mà không cần phải nghiên cứu tất cả các giá trị lẻ tẻ. Các loại hình thông dụng nhất là: Biểu đồ liên tục, biểu đồ phân tán, lược đồ, biểu đồ hình thanh, hình bánh và phân phối tần suất. - Biểu đồ liên tục: biểu đồ được vẽ trên 2 trục hoành độ và tung độ thể hiện mối quan hệ giữa 2 biến định lượng hoặc 2 chiều. Biểu đồ thích hợp khi có một sự liên tục trong số liệu, trong đó các điểm biểu diễn các cặp giá trị quan sát tương ứng của 2 biến và có thể được nối với nhau bằng 1 đường. - Biểu đồ phân tán: Biểu đồ phân tán tỏ ra thích hợp khi bạn muốn thể hiện mức độ trải rộng số liệu trong sự phối hợp giữa 2 biến khi không có sự liên tục rõ rệt nào. Biểu đồ phân tán thể hiện ảnh hưởng của biến động ngẫu nhiên và các ảnh hưởng khác trên số liệu. - Lược đồ: Lược đồ hình thanh: Kích thước của mỗi nhóm số liệu được thể hiện bằng những thanh có chiều rộng cố định, nhưng chiều cao tương ứng với độ lớn hoặc tần số quan sát ở mỗi khoảng số liệu liên tục từ nhỏ tới lớn. Nó thích hợp trong trường hợp muốn thể hiện đặc trưng của sự phân phối tần số. - Biểu đồ hình thanh: Kích thước của mỗi nhóm số liệu được thể hiện bằng những thanh có chiều rộng cố định, nhưng chiều cao tương ứng với độ lớn hoặc tần số mà nó đại diên. Nó khác với lược đồ ở chỗ tần số. Ở lược đồ thể hiện bằng diện tích và các khoảng cách giữa các giá trị trên trục X kề cận nhau. Trong khi biểu đồ hình thanh thể hiện tần số bằng chiều cao của thanh và các thanh này có thể tách rời nhau. Có thể thể hiện 2 hay nhiều biến hơn trên cùng một hình. Ngoài ra biểu đồ hình thanh có thể thể hiện các thành phần của một toàn thể bằng cách chia làm các phần tương ứng với mỗi thành phần hợp thành nó.
  24. 76 - Biểu đồ hình bánh: Biểu đồ hình bánh là 1 phương pháp đơn giản, trình bày thành phần của 1 tổng thể % theo từng hạng mục khác nhau. Trong biểu đồ hình bánh mật vòng tròn được chia làm các phần có kích thước lớn nhỏ tương ứng với độ lớn của từng nhóm - Ưu điểm trình bày bằng hình Có thể nêu bật sự thay đổi theo thời gian của từng thành phần hoặc giữa các nhóm. Dễ dàng phân biệt các khuynh hướng của số liệu Các giá trị tương đối có thể so sánh được dễ dàng Nhược điểm trình bày bằng hình Thường khó trình bày trên cùng 1 biểu đồ nếu các số liệu khác nhau lớn. So với bảng thì số biến và lượng thông tin trong hình ít hơn và kém chính xác hơn. Cần đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo léo và thời gian phác thảo nếu muốn có được biểu đồ tốt. Việc lựa chọn cách trình bày số liệu bằng hình hay bảng, hình loại nào, bảng kiểu gì tuỳ thuộc vào mục đích của bạn, mức độ hiệu quả mà bạn muốn và những gì bạn có sẵn trong tay. 3.2 Nội dung khảo sát trong nghiên cứu HTCT 3.2.1 Điều kiện tự nhiên - Xác định vị trí điều tra, phân vùng điều tra thành tiểu vùng đồng nhất về đất đai. - Đất + Đặc tính hoá học: pH đất, hàm lượng dinh dưỡng NPK. + Đặc tính vật lý: cấu trúc đất, khả năng giữ nước. - Thủy văn: Chế độ triều, lũ, chất lượng nước, nguồn nước ngầm. - Khí hậu: Mưa gió,bảo, nhiệt độ, ánh sáng, bốc hơi, ẩm độ. 3.2.2 Điều kiện kinh tế - Sản lượng thu hoạch: sản lượng chính và phụ phẩm. - Giá mua bán: giá cả vật tư, lao động, sản phẩm, giá vận chuyển. Xác định khung giá và thời giá. - Chi phí: chi phí vật tư, chi phí lao động, lãi suất ngân hàng, chi phí vận chuyển, chi phí xây dựng cơ bản, chi phí khấu hao - Lợi nhuận. - Thị trường: Thị trường trong nước và ngoài nước. Cách vận chuyển hàng đem bán. Xác định địa điểm có thể tiêu thụ sản phẩm, cách mua bán theo chất lượng hàng bán.
  25. 77 3.2.3 Điều kiện xã hội - Số lượng lao động cần thiết: Nam, nữ. - Thời gian cần. - Trình độ lao động cần thiết. - Quy trình kỹ thuật đang áp dụng. - Khả năng kinh tế nông hộ. - Các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật. - Các tổ chức hỗ trợ kinh tế. - Tập quán canh tác. - Mục đích sản xuất của dân trong vùng. - Đặc tính sinh vật có hại. - Sinh học: Giống cây trồng, vật nuôi, dịch bệnh, cỏ dại và sinh vật có hại - Cơ sở vật chất: Hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông, đê ngăn lũ, giếng sâu, hệ thống ao mương, hệ thống chuồng trại, hệ thống điện, hệ thống giao thông và máy móc. - Môi trường kinh tế, xã hội: Kinh tế, văn hoá, giáo dục và xã hội. - Hiện trạng sản xuất: Hiện trạng về mùa vụ, hiện trạng về kỹ thuật canh tác, hiện trạng về hiệu quả kinh tế. Thí dụ: Mô tả chăn nuôi trên một vùng khảo sát. Tình hình chăn nuôi tại huyện Champasak từ năm 1988 được trình bày tóm tắt trong Bảng 3.1. Bảng 3.1 Đàn gia súc gia cầm huyện Champasak 1988-1994 (Đơn vị tính:con) Năm Đàn trâu Đàn bò Đàn heo Đàn gia cầm 1988 14.638 14.759 8.753 1989 14.698 15.078 9.047 1990 14.743 15.022 9.565 1991 12.554 10.590 6.099 1992 12.802 13.862 6.221 1993 11.679 12.563 6.131 113.138 1994 12.057 12.781 6.415 103.424 Từ năm 1990 trở về trước, đàn gia súc huyện tương đối ổn định và tăng đều đặn hàng năm. Tuy nhiên từ năm 1991 nền chăn nuôi huyện chịu một sự thay đổi quan trọng, theo cùng với sự giảm sút nghiêm trọng về sản lượng lúa đàn gia súc cũng chịu một sự giảm sút tương tự. Theo giải thích của Phòng Nông Lâm nghiệp huyện thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút này. Nguyên nhân thứ nhất là do năm 1991 cả nước Lào bị thiên tai liên tục: lũ lụt trong mùa mưa và hạn hán nghiêm trọng vào cuối vụ, gia súc bị dịch chết nhiều. Song song đó nguyên nhân thứ hai cũng khá quan trọng là từ năm này nước Lào thực hiện chính sách mở cửa, do sự chênh lệch giá cả quá cao giữa Lào và Thái Lan, nên nhiều người chăn nuôi bán một lượng lớn gia súc sang Thái Lan làm cho tổng đàn tiếp tục sụt giảm. Từ
  26. 78 năm 1991 đến nay đàn gia súc có tăng trở lại nhưng chưa thể bù đắp số lượng trước năm 1991 (Đường và ctv., 1994). Huyện Champasak cách Vientiane khá xa nên ít chịu ảnh hưởng của nền chăn nuôi thủ đô và sự di nhập giống mới. Trong vùng Champasak là huyện có tổng đàn gia súc gia cầm khá cao và là nguồn cung cấp cho các huyện lân cận nên việc di nhập giống tại các trại giống hầu như không ảnh hưởng đến huyện. Hình thức chăn nuôi chủ yếu của nhân dân trong huyện là quảng canh có thời gian hay quanh năm. Trâu bò hầu như không có chuồng, heo được nuôi theo cách cột dây dưới sàn nhà hay gốc cây, chỉ có gia cầm là có chuồng nhốt vào ban đêm để tránh thú dữ, kỹ thuật chưa được áp dụng. Thức ăn cho vật nuôi đơn giản là những gì chúng tìm kiếm được ngoài đồng, trong rừng, chung quanh nhà, riêng heo thì được cho ăn bằng tấm cám, rau và gia cầm thì được cho ăn thêm vào sáng hay chiều tối. Chính hình thức chăn nuôi này làm hạn chế khá lớn đến việc tiêm phòng và chữa trị bệnh cho gia súc gia cầm, ngoài ra việc vận chuyển vaccin trên đoạn đường quá xa từ Vientiane cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho việc bảo vệ đàn vật nuôi của huyện. Cán bộ chăn nuôi thú y của huyện chỉ có 1 kỹ sư chăn nuôi tốt nghiệp Đại Học nông nghiệp 1 Hà nội, 2 trung cấp, 1 sơ cấp và 1 trung cấp trong biên chế của Chương trình Phát triển Nông thôn. Số lượng khá mỏng, không chỉ chuyên trách chăn nuôi thú y và những hạn chế nhất định khác làm cho việc đưa tiến bộ đến người chăn nuôi còn khá chậm chạp. Các chuyên ngành cụ thể được trình bày chi tiết trong phần kế tiếp. Số liệu thống kê trình bày được thu nhập, phân tích và xử lý từ nhiều nguồn khác nhau như Cục Chăn nuôi Thú y tại Vientiane, Ủy ban Nhân dân huyện, Phòng Nông Lâm nghiệp Huyện, Chương trình phát triển nông thôn. Cơ cấu đàn và cấu trúc thực vật của đồng cỏ được xác định thông qua việc điều tra mẫu trực tiếp tại các bản làng điển hình để xác định tỉ lệ cho toàn huyện. Một số giá trị thân thịt và mức độ nhiễm giun sán ký sinh được khảo sát trực tiếp thông qua mổ khám. * Chăn nuôi bò Bò được nuôi để bán thịt và lấy sức kéo, tuy nhiên trong công việc trồng lúa người dân thường dùng trâu, bò chỉ được dùng trong công việc trên cạn như kéo xe, kéo củi gỗ Tình hình chăn nuôi bò tại huyện được trình bày trong Bảng 3.2. Bảng 3.2 Tình hình chăn nuôi bò huyện Champasak năm 1994 STT Chỉ tiêu Đơn vị Số lượng 1 Dân số toàn huyện Người 54.823 2 Tổng số hộ Hộ 7.803 3 Diện tích canh tác Ha 10.365 4 Tổng đàn bò Con 12.781 5 Số bò/ha canh tác Con 1,23 6 Số bò/hộ Con 1,64 7 Số bò/1 người dân Con 0,233
  27. 79 * Giống Dù ở gần Paksé có một trại bò giống nuôi bò Lang trắng đen và Braman nhưng số lượng chăn nuôi tại đây quá ít nên không ảnh hưởng đến khu vực huyện Champasak. Giống chủ yếu tại huyện là bò địa phương, không có tên gọi chính thức. Chúng tôi quan sát tại nhiều vùng khác nhau trong huyện và nhận thấy bò địa phương có lông da chủ yếu màu vàng từ nhạt ngả trắng cho đến sậm nâu, một số ít bò có màu đen. Vóc dáng nhỏ, con trưởng thành chỉ nặng khoảng 200-250kg. Hầu hết không u vai và dậu yếu, kém phát triển, hiếm thấy bò đực có u vai nhỏ. Mông dốc, vai và ngực hẹp, bụng thon gọn, đùi nhỏ và đứng khá cao. Bò cái đẻ con lứa đầu tiên khoảng 3 năm tuổi, sau đó đẻ mỗi năm một con. Người dân không hạn chế tuổi sử dụng con cái cũng như con đực. Hoàn toàn không có việc kiểm tra phối giống, con đực và con cái được chăn thả chung nhau và tự tìm đến nhau. Do đó, có thể xem quần thể bò Champasak là một quần thể toàn phối. Cơ cấu đàn bò được trình bày trong bảng sau: Bảng 3.3 Cơ cấu đàn bò huyện Champasak năm 1994 STT Loại hạng Đơn vị Số lượng Tỉ lệ % 1 Đực Con 4.492 35,15 2 Cái Con 4.545 35,56 3 Bê < 2 tuổi Con 3.744 29,29 Nhìn chung, tỉ lệ đực/cái trong đàn gần bằng 1, cho thấy rằng không có một sự chọn lọc đáng kể tác động đến. Người dân nông thôn có khuynh hướng sử dụng sứ kéo của con đực, nhưng họ vẫn muốn giữ lại các con cái để sinh sản. Sự phân bố đàn bò trong huyện cũng không đều cho tất cả các vùng, một số lượng lớn tập trung ở các bản gần núi thuộc vùng I,II,và IV như các bản từ PhaPhine đến VatThat, NongTè, Nong Hỏ nơi gần núi và có diện tích đồng cỏ tự nhiên lớn. Trình độ kỹ thuật chăn nuôi: Nhìn chung kỹ thuật chăn nuôi khá đơn giản. Hầu hết bò đực chăn thả ở những nơi có cỏ và nước. Nơi chăn thả phần lớn là các thảm cỏ trong rừng, các gia đình có số lượng bò nhiều thuê người cất chòi trong rừng và canh giữ, những người có ít bò thì cột chuông vào cổ để đi tìm bò dễ nhận biết tài sản của mình qua tiếng chuông quen thuộc. Chỉ một ít gia đình làm chuồng và cho bò dặm rơm trong thời gian sử dụng, phần lớn đều không thấy phải làm chuồng dù cây gỗ sẵn có. * Đồng cỏ Người chăn nuôi tại huyện chưa có suy ghĩ trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, do đó các bãi chăn trâu bò trong huyện đều là các đồng cỏ tự nhiên, được phân bố tập trung ở các vùng đồng bằng và vùng bán sơn địa. Tại vùng đồng bằng chăn là các bãi cỏ trong các khu vực công cộng như sân đền chùa, ven sông, lạch hoặc suối, ven đường giao thông, các thửa ruộng sau khi
  28. 80 thu hoạch, trong vườn cây hay quanh nhà ở , nói chung là các nơi có cỏ vì trâu bò được thả tự do và các khu vực trồng trọt thì rào lại. Hầu hết là các đồng cỏ hổn hợp. Năng suất và chủng loại cỏ biến động rất lớn từ mùa mưa sang mùa nắng. Trong mùa khô, do thiếu nước và khả năng giữ nước của đất rất kém nên năng suất cỏ rất thấp. Từ tháng 2 đến tháng 4, phần lớn các đồng chăn khô cháy, một diện tích nhỏ quanh các vùng có nước chỉ còn lại các loại cỏ chịu hạn tốt như cỏ cú, cỏ lá tre, cỏ chỉ với chiều cao cây khoảng vài centimét. Dọc theo sông Mekong, do mực nước sông xuống thấp, nước sông trong, bãi sông dài, đủ ánh sáng nên vài loại rong có lá hẹ và rong lá tròn phát triẻn rất mạnh làm thức ăn cho trâu bò. Các loại rong này phát triển tốt ở độ sâu 20-60cm cho nên tuỳ vào độ dốc của lòng sông thảm rong này có chiều rộng từ 2 đến 50km. Đây là nguồn thức ăn đáng kể cho trâu bò trong khoảng 2 tháng mùa khô, từ tháng hai đến đầu tháng 4. Ven các bờ ruộng có hệ thống nước tưới, người ta thấy sự hiện diện của cỏ mần trầu, cỏ lá tre, cây sục sạc, cây cúc áo, rau tri với năng suất cao hơn. Trên mặt ruộng sau khi thu hoạch lúa ngoài ra còn nhiều loài thực vật làm thức ăn cho trâu bò trong một thời gian giữa hai vụ lúa: cỏ chát, cỏ chỉ, rau muống dại, Mùa mưa đồng chăn bị thu hẹp lại do nông dân canh tác lúa các vùng canh tác được rào chắn kỹ lưỡng hơn, đồng chăn còn lại là càc vùng đất hoang và khu đất công cộng. Cỏ phát triển tốt hơn gồm các chủng loại chính là cỏ lá tre, cỏ cú, cỏ chỉ, mần trầu ở mặt đất và cây sục sạc phát triển mạnh ở tầng trên. Tại vùng bán sơn địa, đồng cỏ chậm bị khô héo vào mùa khô nhờ tán và khả năng giữ nước của cây rừng Nhưng đến cuối tháng giêng thì thảm cỏ dưới tán rừng không khác nhau nhiều so với khu vực đồng bằng và bao gồm các loại cỏ chỉ, cỏ lá tre, cỏ cú Mùa nắng cỏ khô đi, nhưng nhờ phát triển tốt vào mùa mưa nên trâu bò vẫn sử dụng như là cỏ phơi khô. Tại khu vực ở và làm việc của nhóm chuyên gia Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy cỏ voi và cỏ xả phát triển tốt trong điều kiện có tưới không thường xuyên. * Thức ăn gia súc khác Rơm: chủ yếu là rơm lúa nếp. Sau vụ thu hoạch rơm được mang về trữ cùng với lúa và cho trâu bò ăn dần, vì hầu hết nông dân Lào không đập, suốt lúa ngoài đồng mà trữ lúa bó. Tuy nhiên trữ lượng này chỉ dùng cho trâu bò ăn dặm buổi chiều sau khi chăn thả, các hộ giữ trâu bò thẳng trong rừng thì chúng không được ăn dặm thêm. Cám, tấm: Hầu hết là sản phẩm của việc xay các lúa nếp. Tấm cám được dùng chủ yếu để nuôi heo, một phần cho gà, vịt và cá. Người dân không có thói quen cho trâu bò ăn tinh. Sản lượng tấm cám tính từ mức tiêu thụ lúa tại địa phuơng. Thức ăn thừa của người: là nguồn thức ăn cung cấp protein chủ yếu cho vật nuôi tại Champasak là côn trùng. Hàng ngày trong thời gian chăn thả gia cầm tự tìm côn trùng và các động vật thân mềm trong đất, ngoài đồng để thoả mãn nhu cầu của chúng. Vào đầu mùa mưa. lợi dụng đặc tính bị ánh sáng hấp dẫn của nhiều loại côn trùng người ta thu gom chúng dưới đèn và dùng nuôi cá và gia cầm. Đây là nguồn đạm động vật đáng kể cho gia cầm tại địa phương.
  29. 81 Rau xanh: Chủ yếu dùng cho heo. Thông thường nhất là rau muống dùng đệm thêm vào khẩu phần heo, không dùng rau muống cho trâu bò và gia cầm. Rau muống địa phương: thân bò, thân lá xanh, nhỏ, năng suất tương đối thấp, đặc biệt trong mùa khô, thiếu nước. * Dịch bệnh Dịch bệnh trên gia súc gia cầm ở Lào thường xảy ra vào các gia đoạn chuyển tiếp giữa 2 mùa mưa nắng và bao gồm các loại như dịch tả trâu bò, tụ huyết trùng trâu bò, lở mồm long móng, dịch tả heo, tụ huyết trùng heo, New Castle, tụ huyết trùng gia cầm, dịch tả vịt và chó dại. Tại thủ đô Viantiane có một xí nghiệp Sản Xuất Vaccin Gia súc gia cầm có khả năng sản xuất được tất cả các loại vaccin trên cung cấp cho toàn quốc theo hình thức cấp phát không. Dù vậy ngoại trừ các trại chăn nuôi của nhà nước có tỉ lệ tiêm phòng cao, tỉ lệ gia súc gia cầm trong cả nước Lào được tiêm phòng rất thấp. Báo cáo năm 1993, tỉ lệ tiêm phòng chung cho các bệnh như sau: - Trâu bò 25-30% - Heo 7-8% - Gia cầm 10% Tại Champasak, tình hình dịch bệnh tương tự, tuy nhiên tỉ lệ tiêm phòng chỉ chiếm khoảng 10% tổng đàn gia súc gia cầm, trong đó chỉ bao gồm các loại vaccin chủ yếu như dịch tả trâu bò, dịch tả heo, New castle gà, dịch tả vịt và dại chó. Theo thống kê của Chương trình Phát triển nông thôn tại Champasak thì tỉ lệ tiêm phòng và tỉ lệ gia súc gia cầm chết năm 1993 như sau: Bảng 3.4 Tỉ lệ gia súc gia cầm tiêm phòng và chết năm 1993 Trâu Bò Heo Gà, vịt Tiêm phòng ( %) 43,5 41,04 4,37 8,97 Chết ( %) 1,43 0,65 0,49 34,42 Nhìn chung, tỉ lệ tiêm phòng ở huyện rất thấp và tỉ lệ chết của gia cầm rất cao, tỉ lệ chết của trâu bò có thể cao hơn vì phần lớn đàn bò được chăn thả trong rừng quanh năm nên người chăn nuôi không biết chính xác số con sinh ra và số con chết trong rừng. Qua kiểm tra bằng mắt thường trên đàn gà Champasak chúng tôi nhận thấy trỉ lệ và cường độ nhiễm vài loài giun sán tương đối cao. Tỉ lệ và cường độ nhiễm cao nhất xuất hiện đối với Taenia sp.: 80% và 20,75 con, trong đó 7,62 con định vị tại ruột non và 13,13 con tại ruột già, kế đến là Ascatis sp. với tỉ lệ khoảng 60% và cường độ nhiễm trung bình 4,17 con. Tuy nhiên gà địa phương đề kháng khá tốt với cầu trùng, trong 10 gà được khảo sát chúng tôi chỉ phát hiện 1 con nhiểm cầu trùng nhẹ.
  30. 82 Trong chăn nuôi gia súc gia cầm tại Champasak, người ta không chú ý đến việc phòng hay chửa trị bệnh ký sinh và có thói quen ăn thịt tái, trong chừng mực nào đó thói quen nay ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của con người. * Mạng lưới thú y Cục Chăn nuôi Thú y, Bộ Nông Lâm nghiệp Lào có 4 Chi Cục trong cả nước. Tuy nhiên trong từng tỉnh Sở Nông lâm nghiệp không có Chi cục Thú y hoạt động độc lập mà công việc thú y do tổ chăn nuôi thú y phụ trách và trực thuộc phòng Nông Lâm Nghiệp. Tổ chăn nuôi Thú y Champasak có 4 người: 1 kỹ sư chăn nuôi, 2 trung cấp và 1 sơ cấp, ngoài ra còn 1 cán bộ trung cấp công tác trong chương trình Phát triển Nông thôn. Mạng lưới thú y rất mỏng, toàn huyện có 31 thú y viên được tập huấn ngắn hạn hoạt động tại các bản làng, đến thời điểm tập huấn tiêm phòng huyện huy động người tham gia. Thú y viên tại bản hoạt động không lương mà hưởng chế độ kiểm soát sinh 100 kíp/1 heo hoặc bò và 100 kip/con trích trong tiền thuế sát sinh 300 kip do bộ phận thuế vụ nhờ thu. Đội ngũ này cũng không có chế độ hội họp thường xuyên, thông thường khi cần thì huyện cho người đến gặp hay mời lên và chỉ họp khoảng 1 lần/năm. Cả huyện không có cửa hàng thuốc thú y, thông thường cán bộ thú y dùng thuốc người để chữa bệnh cho gia súc, gia cầm bệnh hầu như không được chữa trị. Trong các dịp tiếp xúc với cán bộ và nông dân tại các bản chúng tôi chưa phát hiện được một phương pháp dân gian nào để phòng trị bệnh cho gia súc gia cầm. * Thị trường và mức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi Tại Champasak hệ thống thị trường sản phẩm chăn nuôi rất đơn giản. Toàn huyện chỉ có 2 điểm mổ heo hàng ngày tại vùng II và III. Chủ yếu số gia súc bao gồm heo, trâu và bò được bán nguyên con, không tính trọng lượng cho Pakse, Thái Lan và một phần nhỏ cho các huyện lân cận. Gà, vịt và trứng chủ yếu là trứng được tiêu thụ tại huyện và bán cho Paksé cũng dưới dạng nguyên con không tính trọng lượng. Một lượng nhỏ trứng vịt lộn được nhập từ Thái Lan và một phần nhỏ cho các huyện lân cận. Gà, vịt và trứng chủ yếu là trứng được tiêu thụ tại huyện và bán cho Pakse cũng dưới dạng nguyên con không tính trọng lượng. Một lượng nhỏ trứng vịt lộn được nhập từ Thái Lan. Tại chợ phiên họp vào thứ bảy hàng tuần tại Don Talat thịt heo và thịt bò được bày bán rất ít vào sáng sớm. Trong các bản làng thực phẩm bày bán tại các cửa hàng chủ yếu là cá hộp, trứng vịt, lạp xưởng và nem với số lượng không nhiều và mãi lực không cao. Thỉnh thoảng các ghe thuyền lưới câu được cá trên sông Mekong thì mang bán dọc theo thôn xóm.
  31. 83 Bảng 3.5 Lượng thịt tiêu thụ bình quân của người Lào (kg/người/năm) Loại thịt Số lượng Cá 8-9 Heo 6 Trâu 3-4 Bò 1-8 Trứng 1 Dê 0.03 Lượng thịt tiêu thụ của người dân Champasak không cao và chủ yếu tập trung vào dịp các lễ hội. Theo ước tính của chúng tôi lượng thịt heo và trâu bò tiêu tụ bình quân mỗi người dân Champasak khoảng 5,2 kg/năm. Ngoài ra, người ta còn tiêu thụ một lượng cá đáng kể và trứng nhưng không có cơ sở nào để tính toán. Nhìn chung cơ cấu bữa ăn của người dân rất đơn điệu, thiếu đạm đặc biệt ở trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo. Thí dụ: Mô tả hiện trạng thuỷ sản trên vùng khảo sát. Trong bối cảnh chăn nuôi còn lạc hậu ở huyện Champasak, nghề nuôi cá hầu như chưa được biết tới. Cá hiện diện trong bữa ăn của người dân không thường xuyên và có được nhờ khai thác tự nhiên trên sông Cửu Long. Hai kỳ khai thác chính hàng năm xảy ra vào đầu và cuối mùa mưa (tháng 6 và tháng 12 dương lịch). Chưa có số liệu nào được ghi nhận liên quan đến sản lượng cá khai thác ở huyện Champasak. Thực tế sản xuất ở huyện cũng cho thấy không có gia đình nào chuyên sống bằng nghề khai thác cá sông; vào mùa cá hầu như mọi gia đình đều giăng câu, thả lưới. Trong phạm vi toàn Lào, nghề nuôi cá cũng chỉ mới được chú trọng gần đây. Tỷ lệ sản lượng cá nuôi hiện nay ước tính 7000-8000 tấn/năm, chiếm 22% tổng sản lượng cá nuôi và đánh bắt của cả nước (36.000 tấn). Lượng thịt cá trong khẩu phần ăn của người Lào thuộc nhóm thấp nhất so với các quốc gia khác ở vùng Đông Nam Á. Theo ước tính của uỷ ban Mekong quốc tế (1992), hàng năm người Lào chỉ sử dụng khoảng 6.5kg cá trong khẩu phần ăn của họ. Giá trị này chỉ bằng 50% so với Cambodia và bằng 20% so với Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trong khi đó theo số liệu của Cục Chăn Nuôi Thú Y Lào, bình quân lượng cá sử dụng hàng năm là 8- 9kg/người so với 12-13kg thịt trứng các loại. Sự sử dụng ít cá trong bữa ăn không hẳn có nghĩa là người Lào sẽ thiếu chất đạm. Cũng có thể như vậy, nhưng lượng thịt, trứng gia súc, gia cầm và các loại thực phẩm khác cũng là nguồn cung cấp chất đạm quan trọng tương tự như những cư dân sống ở các vùng xa biển khác trên thế giới. Từ năm 1992, nghề nuôi cá đã được nói tới và thực hiện ở huyện Champasak. Người ta đã thả nuôi cá ở hồ nước cạn trước khu đền cổ Watphu. Dọc theo tuyến thuỷ lợi mới, một vài hộ cũng đã đào ao nuôi cá. Tuy nhiên, do chưa hiểu biết nhiều về kỹ thuật nuôi nên năng suất cá nuôi còn thấp. Sản lượng cá nuôi của huyện tới nay vẫn chưa được ghi nhận vào danh mục thống kê. Toàn huyện Champasak có 123 ao hồ tự nhiên các cở với tổng diện tích 62.5 ha, chủ yếu được dùng để giữ nước cho sinh hoạt vào mùa khô và chưa có ý định
  32. 84 thả nuôi cá. Nghề nuôi cá đến nay vẫn còn là điều mới mẻ với các cư dân trong huyện bởi những lý do sau: - Thực phẩm là cá chỉ chiếm lượng ít và không thường xuyên trong khẩu phần ăn của cư dân vùng này. - Nghề nuôi cá không phải là hoạt động truyền thống do thiếu các thuỷ vực ổn định và mầu mỡ. - Tập quán du canh du cư cùng với tâm lý tự cung tự cấp nhờ khai thác tài nguyên tự nhiên chưa tạo cho cư dân trong vùng nhu cầu trao đổi hàng hoá trong đó có các sản phẩm thuỷ sản. Tuy nhiên, những lý do trên không thể phủ định khả năng phát triển nghề nuôi cá trong nông thôn huyện Champasak một khi nhu cầu thực phẩm gia tăng do mức tăng dân số. Khả năng nuôi cá cũng hoàn toàn có thể nếu các hệ thống thuỷ nông được thiết lập và cấp nước ổn định cho canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều hồ chứa nhỏ mà tính khả thi trong xây dựng cũng như sự hữu ích của nó một khi được nhận thức đúng mức sẽ tạo một diện tích mặt nước khá lớn làm nền tảng cho nghề nuôi cá vốn còn mới mẻ đối với dân Lào. Thí dụ 3: Mô tả hiện trạng trồng trọt. Huyện Champasak nằm trong khu vực gió mùa, nóng và hơi thiếu ẩm, mang tính nhiệt đới rõ rệt, mỗi năm có 2 mùa nắng và mùa mưa phân biệt. Mùa nắng từ tháng 11 đến cuối tháng 4, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến cuối tháng 4. Nhiệt độ trung bình tháng của khu vực là 27,37oC. Champasak được đánh giá là vùng có khí hậu tương đối nóng và khô, nhất là về mùa nắng. Ẩm độ trung bình của khu vực là 72,72%. Mùa mưa ở Champasak kéo dài khoảng 5 tháng, bắt đầu từ tháng 5 đến cuối tháng 10, từ tháng 11 lượng mưa giảm nhanh và hầu như dứt hẳn vào tháng 12. Lượng mưa trung bình ở Champasak là 2595,4 mm. Thống kê nhiều năm ở các trạm lân cận khu vực Champasak vẫn thấy mưa tháng 8 kết hợp với sự dâng cao mực nước sông Mekong vẫn là mối đe dọa lũ lụt cho vùng. Tổng lượng bốc hơi trung bình cả năm 1755,75 mm. Tháng 3 có lượng bốc hơi trung bình cao nhất (231,8 mm). Tháng có lượng bốc hơi thấp nhất là tháng 8 (71,02 mm). Champasak là vùng không có gió lớn. Tốc độ gió trung bình là 2,78 m/s, tháng có gió mạnh nhất là tháng 3 (3,30 m/s) và tháng có vận tốc gió thấp nhất là tháng 9 ( 2,27 m/s). Về đặc điểm thuỷ văn, sông Mekong là sông chính chảy dọc theo sườn phía Đông của huyện Champasak suốt một đoạn có chiều dài 50 km. Đoạn sông Mekong ở khu vực huyện có bề ngang khoảng 1200 - 1500 m. Bề sâu dòng chảy tại tuyến giao thông thuỷ là 3-5 m vào mùa kiệt và có thể đến 18-23 m vào mùa lũ lớn. Lũ lụt là hiện tượng xảy ra hằng năm trên sông Mekong bắt đầu tháng 7 đến tháng 10. Ngoài ra, huyện Champasak không có hồ tự nhiên, các ao nhỏ do nhân dân tự đào để trữ nước cho một phần sinh hoạt hoặc cho trâu bò uống. Hầu hết các ao bị khô vào tháng 4 hàng năm. Nước ngầm là nguồn hỗ trợ quan trọng cho nhân dân trong vùng. Các giếng đào cần đạt đến độ sâu 20- 25 m mới đảm bảo đủ nước vào mùa khô. Hầu hết các Bản làng đều có giếng tự đào và sử dụng loại bơm tay để hút nước theo mẫu của UNICEF. Chất lượng nước ngầm được đánh giá là tốt cho ăn uống. Độ pH nước trung bình là 5-6.
  33. 85 Đất đai, vùng đất chạy dọc sông Mekong phủ vật liệu phù sa do ngập lũ bồi tích hằng năm. Do thời gian lũ ngắn nên mức độ bồi tích thấp. Lớp đất mặt có thành phần sa cấu nhẹ nên dễ bị kết cứng khi khô, nhưng dễ trở nên mềm nhão khi đất bị ướt, do đó cần giữ nước cho lớp đất mặt để tránh hiện tượng đóng ván mùa mưa và nứt tầng đất mặt vào mùa nắng. * Dân số Tổng dân số của huyện theo điều tra dân số tháng 4/1994 là 54.823 người trong 10.462 hộ, bình quân 5-6 người/hộ. Sống tập trung 85% ở các bản làng dọc theo sông Mekong và các tuyến giao thông chính, phần còn lại 15% sống rải rác theo một số trục giao thông thứ cấp hoặc theo các đường suối, lạch nước, ao hồ nằm dưới chân núi. Với diện tích canh tác toàn huyện lên gần đến 12.000 ha, bình quân dân số trên đất canh tác là 1,6 ha/hộ gia đình. Trên 70% diện tích tự nhiên huyện Champasak được bao phủ bởi rừng và cây bụi với nhiều chủng loại khác nhau. * Tôn giáo Tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân Lào nói chung và tại huyện Champasak nói riêng. Hầu hết dân Lào theo đạo Phật và chùa là điểm định cư đầu tiên của các Bản, do đó chùa là nơi đại diện tối cao cho đời sống tinh thần và là người đại diện để cầu phúc cho dân trong các buổi lễ hội. Tôn giáo đạo Phật đã giữ vai trò quan trọng trong toàn bộ đời sống tinh thần và thời gian lao động của dân. Do tính chất riêng biệt về tập quán gắn liền với tôn giáo ở Lào nên trong việc qui hoạch phát triển nông thôn cần phải chú ý đến các ngày lễ hội để trong việc bố trí sản xuất không lấn cấn giữa sản xuất và tập quán tôn giáo. Hiện nay không thể thuyết phục người dân bỏ các phong tục tập quán lâu đời này để tập trung cho sản xuất vì sẽ đụng chạm đến tín ngưỡng của người dân làng. * Lao động Hiện nay tại huyện Champasak, trong tất cả các khâu canh tác đều được làm bằng sức người với những thao tác hoàn toàn bằng thủ công, do đó yêu cầu lao động cho các khâu đòi hỏi rất cao. Do vậy, như đã được trình bày trong phần dân số và lao động cho thấy lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu rất nhiều, nhất là trong những khâu tập trung của mùa vụ như: cấy, thu hoạch, đập lúa và phơi. Vấn đề bỏ tiền ra để thuê công trong những lúc cao điểm này thì chỉ có ở những gia đình có đồng vốn cao, còn lại hầu hết trong các bản của huyện thì chủ yếu là sử dụng lực lượng nhân công gia đình do đó để giải quyết vấn đề trên người dân đã trồng nhiều giống có thời gian sinh trưởng khác nhau để khi thu hoạch sẽ không tập trung, do đó việc quản lý giống có năng suất cao gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp gia tăng thêm một vụ Chiêm thì nhân lực cho vụ này đòi hỏi rất cao và thời gia tập trung sẽ kéo dài thêm nhất là khâu thu hoạch vụ mùa tiếp theo làm vụ Chiêm. Do đó phải sử dụng một số biện pháp sử dụng cơ giới trong một số
  34. 86 khâu như suốt lúa, máy cày tay , để giảm bớt nhu cầu lao động cho một vụ lúa. Đồng thời nếu trồng đúng mùa vụ Chiêm Xuân thì sẽ có một số khoảng thời gian trùng lấp với việc bắt cá ở sông Mekong trong tháng 3, lúc này lực lương lao động sẽ rất mỏng. * Thị trường Thị trường trong nước Lào ở các vùng nông thôn thì có sức mua bán thấp. Cá chủ yếu cá sông như mè vinh, cá rầm, cá chày, basa, rô phi, trê trắng Rau màu không đa dạng chủng loại, chủ yếu là các giống địa phương. Việc buôn bán lúa gạo do tư nhân nắm đầu mối thu mua trong khuôn khổ cho phép tức là có sự kiểm soát từ nhà nước và chịu thuế mua bán cho nhà nước. Ngoài ra các hàng hoá từ huyện cũng có thể mua bán trực tiếp qua Thái Lan thông qua chợ biên giới Lào- Thái ở phía Tây của Tỉnh. 3.2.4 Cơ cấu cây trồng Cơ cấu cây trồng: Đối với cây trồng trên toàn huyện cho thấy, cơ cấu cây trồng rất đơn giản và chủ yếu là cây lúa, có 3 cơ cấu cây trồng chính đó là: - Lúa nếp mùa một vụ. - Lúa 2 vụ: Lúa nếp mùa + Lúa tẻ Chiêm Xuân. - Rau, màu Chiêm Xuân. - Cây màu chủ yếu là bắp, đậu nành, khoai lang, đậu xanh, đậu phộng, thuốc lá, mía, tuy nhiên diện tích thì rải rác và biến động rất lớn qua các năm. - Cây ăn trái chưa phát triển, cây chuối và dừa xuất hiện rải rác trên diện tích thổ cư. 3.2.5 Kỹ thuật canh tác * Lúa nếp mùa Huyện Champasak cho thấy có tất cả 28 giống gạo nếp trong đó có 17 giống dài ngày, 11 giống trung mùa và sớm. Có 6 giống gạo tẻ cao sản ngắn ngày bao gồm TH.205, RD2/3, IR66, IR7, MTL119 có thời gian sinh trưởng từ 90 đến 120 ngày và thường được canh tác trong vụ Chiêm Xuân vì đây là giống không bị quang cảm. Có các giống nếp như Phường Muôn, RD 10, Ubon 505 có thời gian sinh trưởng khoảng 120 ngày cũng được trồng trong vụ Chiêm Xuân. Tất cả các giống lúa mùa nếp còn lại đều có tính quang cảm. Sở dĩ, trong khu vực khảo sát có rất nhiều loại giống khác nhau là do người dân phải chọn thời gian sinh trưởng và thời gian thu hoạch không phải trùng lắp, từ đó giảm được việc tập trung lao động quá nhiều trong một lúc. Đây cũng là một trong những tập quán canh tác lâu đời của vùng này do lực lượng lao động tập trung ít. Về chất lượng nếp đều thuộc loại có chất lượng cao thích hợp với khẩu vị của người dân. Tuy nhiên khả năng kháng bệnh và cho năng suất cao thì khác nhau cho từng giống.
  35. 87 Thời vụ: Mùa canh tác cho khu vực này được gieo vào khoảng giữa tháng 5 kéo dài đến giữa tháng 6 tùy theo thời gian bắt đầu mưa sớm hay muộn. Số lượng giống cho gieo mạ thường biến động khoảng từ 50-80 kg/ha. Tuổi mạ thường tập trung là 25-30 ngày tuổi. Lúa được cấy với mật độ 20 x 30 cm, đôi khi thưa hơn với độ sâu cấy từ 5 đến 7 cm. Thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 11 cho giống mùa sớm đến tháng 12 cho giống mùa dài ngày. Kỹ thuật làm đất thường giống nhau là cày một lần vào đầu mùa mưa trước khi làm mạ và sau đó cày lần thứ hai để đất bể ra nhuyễn đi, đồng thời cũng làm mặt bằng luôn trước khi cấy. Cày chủ yếu bằng trâu hoặc bò, độ sâu cày thay đổi từ 10 -20 cm. Phân hoá học thường rất ít được áp dụng cho vụ mùa, tuy nhiên có khoảng trên dưới 40% nông dân đã áp dụng phân bón trên vùng đất cao này, số lượng phân được áp dụng rất thay đổi theo khả năng kinh tế của người dân. Phân hữu cơ là loại phân được sử dụng phổ biến ở tất cả các nông dân và được bón đầu tiên, số lượng không tính được bởi vì tùy thuộc vào khả năng thu gom phân trâu, bò của nông dân. Phân trâu, bò được phơi khô và đập nhuyễn ra sau đó đem bón vào trong ruộng. Đối với phân hoá học thì số lượng phân bón vào cũng thay đổi nhiều biến động từ 50 kg đến 150 kg loại phân 16-20-00. Sâu bệnh thường rất ít thấy trong vụ mùa, tuy nhiên vẫn có một số bệnh theo nông dân phát hiện cho thấy như bệnh vàng lá lúa, bệnh cháy bìa lá, sâu đục thân. Tuy nhiên khả năng phòng trị sâu bệnh không được người dân chú ý vì điều kiện hiện tại chưa ảnh hưởng nhiều đến sự thất thu năng suất của người dân. Thời gian thu hoạch thường được kéo dài theo các giống với thời gian sinh trưởng khác nhau, do thiếu công lao động. Bởi vì việc thu hoạch chủ yếu cắt bằng tay và đập lúa cũng bằng tay nên mỗi công việc đều phải kéo dài trong suốt thời gian đầu mùa khô. Sau khi thu hoạch và đập lúa xong, lúa được phơi vài nắng sau đó trữ trong những nhà kho. Năng suất đối với cơ cấu lúa mùa này thường thấp, trung bình từ 1 đến 2 tấn/ha. * Lúa vụ Chiêm Xuân Mạ được gieo vào khoảng đầu tháng 2 kéo dài đến giữa tháng 3 tùy theo khả năng làm đất và bơm nước. Số lượng giống cho gieo mạ thường biến động khoảng từ 50 - 60 kg/ha. Tuổi mạ khoảng 20 - 30 ngày tuổi. Lúa được cấy với mật độ 15 x 15 cm đối với lúa tẻ và 20 x 20 cm đối với nếp, đôi khi thưa hơn, độ sâu cấy từ 4 đến 5 cm. Thời gian thu hoạch trong khoảng tháng 5 tháng 6 nên thường bị mưa trong lúc thu hoạch. Kỹ thuật làm đất giống nhau là cày một lần vào đầu mùa mưa trước khi làm mạ và sau đó cày lần thứ hai để đất bể nhuyễn ra, đồng thời cũng làm mặt bằng trước khi cấy. Cày chủ yếu bằng trâu hoặc bò, độ sâu cấy thay đổi từ 10 -20 cm. Phân bón hoá học được áp dụng cho các vụ Chiêm Xuân vừa qua trung bình theo công thức theo công thức 47 - 30 - 00 có những hộ bón đến công thức 70 -30 - 00. Phân hữu cơ ít được sử dụng hơn trong vụ này. Năng suất đối với cơ cấu lúa Chiêm Xuân biến động từ 2-3 tấn/ha.
  36. 88 3.3 Kết luận Việc mô tả điểm là tiến trình bắt buộc và quan trọng của hệ thống canh tác. Việc mô tả đầy đủ sẽ thuận lợi hơn trong việc xác định khó khăn trở ngại và xác định vấn đề cần thiết phải cải tiến trong HTCT.
  37. Chương 4 ĐÁNH GIÁ THÍCH NGHI, TRỞ NGẠI VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP Trong tiến trình nghiên cứu hệ thống canh tác (HTCT) việc đánh giá thích nghi, trở ngại và đề xuất giải pháp giải quyết khó khăn là công tác được tiến hành sau khi mô tả hiện trạng. Mục đích của đánh giá khó khăn và đề xuất giải pháp nhằm cải thiện HTCT hiện có. Đây là công tác quan trọng để cải thiện tình huống (đời sống hoặc HTCT) hiện tại của cộng đồng một cách hiệu quả. Thông thường các bước cần thiết trong đánh giá khó khăn và đề xuất giải pháp cải tiến được hực hiện theo các bước sau: - Đối chiếu để tìm những khó khăn trong HTCT. - Liệt kê vấn đề trở ngại. - Xếp hạng những vấn đề trở ngại: Khi nhận ra nhiều vấn đề trở ngại trong sản xuất, cần xếp thứ tự ưu tiên những vấn đề trở ngại cần nghiên cứu theo tầm quan trọng của chúng. Cũng cần lưu ý đến ưu tiên của nông hộ trong các hoạt động sản xuất. - Xác định nguyên nhân và mối quan hệ nhân quả. Những nguyên nhân gây ra vấn đề trở ngại tương đối phức tạp. Để đơn giản hoá, chúng ta dùng hình vẽ để minh hoạ sự liên hệ giữa vấn đề khó khăn và nguyên nhân gây ra (quan hệ nhân quả). Diễn đạt vấn đề trở ngại thường đặt trong hình hộp và mũi tên chỉ mối quan hệ có chiều từ nguyên nhân đến hình hộp đó. - Liệt kê các giải pháp kỹ thuật để giải quyết trở ngại. Khi các nguyên nhân gây ra trở ngại chính cho việc phát triển sản xuất đã được nhận diện, nhóm nghiên cứu sẽ liệt kê các giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề trở ngại đã được nhận ra qua sự rà xét kết quả báo cáo của cơ quan nghiên cứu, tư liệu nghiên cứu sẵn có hoặc những thông tin có liên quan. - Chọn lọc lại các giải pháp kỹ thuật để giải quyết trở ngại: Cuối cùng, để nhận ra các nhân tố cần đưa ra thử nghiệm, phải qua bước chọn lọc các giải pháp để giải quyết những trở ngại. Việc chọn lọc, đánh giá giải pháp kỹ thuật dựa vào các tiêu chuẩn sau: + Khả thi về mặt sinh học (phù hợp điều kiện tự nhiên). + Khả thi về mặt kỹ thuật (phù hợp mục tiêu và tài nguyên nông hộ). + Hiệu quả kinh tế (bao gồm tránh rủi ro). + Phù hợp chính sách và điều kiện văn hoá - xã hội của địa phương. 4.1 Đối chiếu để tìm những khó khăn trong HTCT Sau khi mô tả hiện trạng vùng sản xuất, công tác tiếp theo là đánh giá thích nghi của hệ thống canh tác. Hệ thống canh tác được đánh giá là thích nghi khi hiện trạng sản xuất phù hợp với yêu cầu của HTCT. Hệ thống canh tác được đánh giá là thích nghi có điều kiện khi hiện trạng sản xuất có những vấn đề không phù hợp với yêu cầu của HTCT. Những vấn đề không phù hợp này gọi là khó khăn trở ngại trong sản xuất hay trong HTCT. Để xác định những vấn đề không phù hợp hay
  38. 90 những vấn đề trở ngại của HTCT, có thể dùng phương pháp đối chiếu để tìm ra các trở ngại này. Bảng 4.1 Bước tiến hành trong chẩn đoán các khó khăn trở ngại của HTCT lúa cao sản lúc 50 ngày sau khi cấy bằng phương pháp đối chiếu Hiện trạng sản xuất lúa (khảo Yêu cầu mô hình lúa (giai Không phù hợp sát lúc 50 ngày sau khi cấy) đoạn 50 ngày sau khi cấy) (Khó khăn) Độ cao đất Độ cao đất Đất thấp (ngập nước) Đất thấp (ngập nước) pH đất pH đất 5 5 Loại đất Loại đất Thịt pha sét (sét < 40%) Phù sa, thịt, thịt pha sét Dinh dưỡng (NPK) đất Dinh dưỡng (NPK) đất Trung bình Trung bình - khá - giàu Nước Nước pH nước pH nước 5.5 - 6.5 5.5 - 6.5 Độ sâu ngập Độ sâu ngập 0.5 m Ngập nước <0.5 m Thời gian ngập Thời gian ngập Ngập vào mùa mưa Suốt vụ Mức độ đầu tư Mức độ đầu tư Đầu tư 300.000 đ/công Trung bình 500.000 đ/công Đầu tư thấp Trình độ kỹ thuật Trình độ kỹ thuật Thấp Trung bình Trình độ sản xuất Số lượng lao động trong gia Số lượng lao động trong gia đình đình 50 công/vụ 60 công /vụ Kỹ thuật canh tác Kỹ thuật canh tác Giống Giống Cao sản, trổ không đều, chiều Cao sản, trổ đều, chiều cao Giống lẫn cao không đồng đều đồng đều Làm đất Làm đất Cày, bừa trước khi gieo Cày, bừa trước khi gieo Số lần bón phân/ vụ Số lần bón phân/ vụ 2 lần (30, 50 ngày) 3 lần (20, 35, 55 ngày) Công thức phân Công thức phân (N - P - K) (N - P - K) 32-32-16 90 - 60 -60 Phân bón thấp Sâu bệnh Sâu bệnh Sâu ăn lá nặng Không Sâu bệnh phá hại Đốm vằn Không Tưới nước Tưới nước Cung cấp nước đầy đủ Cung cấp nước đầy đủ
  39. 91 Phương pháp đối chiếu là phương pháp so sánh giữa hiện trạng sản xuất và yêu cầu của hệ thống canh tác. Những chênh lệch của hiện trạng và yêu cầu của mô hình chính là khó khăn trong HTCT. Các bước tiến hành (Bảng 4.1) - Thiết lập yêu cầu của HTCT. - Mô tả hiện trạng HTCT. - Liệt kê các trở ngại. 4.2 Liệt kê vấn đề trở ngại Căn cứ vào bản đối chiếu trên những khó khăn trở ngại của HTCT được liệt kê dưới đây: - Đầu tư thấp. - Trình độ sản xuất thấp. - Giống lẫn. - Thiếu phân. - Sâu bệnh phá hại. 4.3 Xếp hạng những vấn đề trở ngại Khi nhận ra nhiều vấn đề trở ngại trong sản xuất, cần xếp thứ tự ưu tiên những vấn đề trở ngại cần nghiên cứu theo tầm quan trọng của chúng. Cũng cần lưu ý đến ưu tiên của nông hộ trong các hoạt động sản xuất. Xếp hạng theo cặp đôi cho phép chúng ta xác định các vấn đề hoặc ưa thích chính của các thành viên cộng đồng, xác định các tiêu chí xếp hạng của họ và dễ dàng so sánh các ưu tiên của các cá nhân khác nhau trong cộng đồng. 4.3.1 Phương pháp so sánh cặp Các bước xếp hạng theo cặp: - Chọn một nhóm các vấn đề hoặc ưa thích cần được sắp xếp thứ tự ưu tiên (ví dụ, các khó khăn trong canh tác, hoặc ưu tiên chọn các loại cây trồng); - Với sự giúp đỡ của người được phỏng vấn, hoặc qua thảo luận trước với một người cung cấp thông tin chính, chọn 6 (hoặc ít hơn) vấn đề hay ưa thích được xem là quan trọng nhất trong nhóm trên. - Ghi mỗi một vấn đề (ưa thích) nêu trên vào từng tờ giấy (phiếu) riêng. Giới thiệu với người được phỏng vấn 2 phiếu và hỏi họ vấn đề (ưa thích) nào đó quan trọng hơn, ghi lại câu trả lời vào trong ô thích hợp trong ma trận xếp hạng, hỏi lý do của lựa chọn đó, ghi nhận thông tin vào ma trận tiêu chí xếp hạng. - Trình bày một cặp khác và tiếp tục so sánh như trên cho đến khi hoàn tất hết các cặp so sánh (khi các ô trong ma trận đã được ghi đầy đủ). - Lên danh mục các vấn đề theo thứ tự ưu tiên mà người được phỏng vấn đã xếp hạng chúng, bằng cách sắp xếp các phiếu theo thứ tự ưu tiên.
  40. 92 - Kiểm tra bằng cách hỏi người được phỏng vấn xem còn vấn đề quan trọng nào đã bỏ sót không ghi vào danh mục, nếu có, xếp chúng vào vị trí thích hợp trong biểu xếp hạng. - Kiểm tra chéo kết quả bằng cách hỏi người được phỏng vấn về vấn đề quan trọng nhất (ưu tiên nhất) trong danh mục, câu hỏi này cũng dùng để thấy hữu dụng nếu có nhiều hơn một vấn đề có số điểm cao nhất. - Lặp lại việc xếp hạng theo cặp với nhiều cá nhân và lên biểu tổng hợp các câu trả lời của họ. - Thí dụ: Xếp hạng nguyên nhân gây ra năng suất lúa thấp tại Champasak được tiến hành như sau: - Tổ chức buổi họp gồm những đại diện trong vùng nghiên cứu như đại diện nhóm KIP. - Liệt kê tất cả khó khăn trên bảng theo 2 chiều ngang và dọc. - Biểu quyết từng cặp, ghi vào ô tương ứng vấn đề quan trọng hơn. - Đếm số lần xuất hiện của từng vấn đề khó khăn. - Sắp hạng theo lần xuất hiện. Kết quả được trình bày ở bảng 4.2 và 4.3 Bảng 4.2 Kết quả so sánh cặp các nguyên nhân gây năng suất lúa thấp tại tỉnh Champasak, Lào Thiếu Thiếu Thiếu vốn Đất không Lịch bơm đạm nước giữ nước nước Thiếu đạm - Thiếu Thiếu vốn Đất không Lịch bơm nước giữ nước nước Thiếu nước - - Thiếu Đất không Lịch bơm nước giữ nước nước Thiếu vốn - - - Đất không Lịch bơm giữ nước nước Đất không giữ - - - - Đất không nước giữ nước Lịch bơm nước - - - - - Bảng 4.3 Đánh giá theo tần suất xuất hiện Vấn đề khó khăn Số lần xuất hiện Xếp hạng Thiếu đạm 0 0 Thiếu nước 2 3 Thiếu vốn 1 4 Đất không giữ nước 4 1 Lịch bơm nước 3 2 Dựa trên kết quả của phỏng vấn trên các khó khăn sẽ được xếp theo thứ tự sau:
  41. 93 - Đất không giữ được nước - Lịch bơm mước không hợp lý - Thiếu nước - Thiếu vốn - Thiếu đạm 4.3.2 Xếp hạng ma trận trực tiếp Thường sử dụng phương pháp này khi có nhiều vấn đề phải chọn lựa để thỏa nhiều mục đích khác nhau, xếp hạng ma trận trực tiếp được sử dụng để tìm vấn đề phù hợp nhất cho các mục tiêu đề ra (Bảng 4.4). Xếp hạng ma trận trực tiếp cho phép nhóm PRA xác định danh sách các chỉ tiêu cho một đối tượng nhất định. Nó cho phép nhóm PRA hiểu các lý do xếp ưu tiên cho các vật như loài cây hoặc các loại hoa màu. Các chỉ tiêu dễ thay đổi qua các nhóm (cộng đồng), phụ nữ có thể dùng các chỉ tiêu khác với nam nữ. Các bước xếp hạng ma trận trực tiếp: - Tự chọn hoặc đề nghị người dân lựa chọn một nhóm các đối tượng quan trọng đối với họ. Thí dụ, các loại gỗ củi dùng đun nấu, các loại cây ăn quả, - Ghi các loại quan trọng nhất (từ 3 đến 8 loại). - Đưa ra các chỉ tiêu bằng cách hỏi "Cái gì tốt nhất đối với mỗi loại?", "Cái gì tốt nữa?", tiếp tục đến khi không còn chỉ tiêu nào. - Ghi lại tất cả các chỉ tiêu. - Vẽ một ma trận. - Đối với mỗi chỉ tiêu, hỏi "Loại (đối tượng) nào tốt nhất?", "Loại nào tốt nhỉ?", "Loại nào kém nhất?". "Loại nào kém nhỉ?", "Trong các loại còn lại, cái nào tốt hơn?". - Hỏi "Chỉ tiêu nào quan trọng nhất?". - Buộc một sự lựa chọn, bằng cách hỏi "Nếu phải chọn một loại, ông bà sẽ chọn loại nào?". - Lập lại cho một số người được phỏng vấn. Thí dụ: Xếp hạng nhu cầu cây trồng cho huyện Ô Môn được trình bày trong Bảng 4.4 Bảng 4.4 Xếp hạng nhu cầu trồng cây (Trần Thanh Bé, 1998) Chỉ tiêu Loại cây Xoài Tràm Chuối Gỗ củi 5 5 0 Xây dựng 3 5 0 Quả 5 0 5 Che bóng mát 3 2 1 Tổng số điểm 16 12 6 Xếp hạng 1 2 3
  42. 94 Điểm 1= Kém nhất, 2 = tạm được, 3= Trung bình, 4= khá, 5 = tốt Trong thí dụ trên, việc chọn cây trồng để phát triển trong vùng có 3 loại cây phải chọn, người dân sẽ chọn cây xoài. 4.3.3 Phương pháp SWOT Phương pháp SWOT giúp nhóm nghiên cứu về HTCT hình dung rõ nét nhất về bối cảnh hiện tại và triển vọng tương lai của một cộng đồng, một làng xã hay ở cấp cao hơn. Vậy phương pháp SWOT là gì? Là chữ viết tắt của 4 từ Strength (mạnh), Weakness (Yếu), Opportunitires (Cơ hội) và Threat (Rủi to, nguy hiểm). Đây là kỹ thuật thu thập, phân tích và đánh giá nguồn thông tin cung cấp bởi nông dân và những người khác trong làng xã, cộng đồng, hoặc từ các tài liệu có sẳn. Nó được sử dụng để xác định những mặt mạnh, yếu, triển vọng và rủi ro của một điều kiện sản xuất, một đặc điểm kinh tế xã hội nào đó ở một thời gian nhất định trong một làng xã, cộng đồng hay một tổ chức, một cá nhân nông hộ. - Mạnh: Các điều kiện, phẩm chất, nguồn tài nguyên thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và do đó góp phần vào sự phát triển tốt hơn. - Yếu: Ngược lại các yếu tố bất lợi, những điều kiện không thích hợp làm cản trở phát triển. Hai thành phần trên biểu thị cho điều kiện tại chỗ và hiện thời. - Triển vọng: Những phương hướng cần được thực hiện nhằm tối ưu hoá các điều kiện phát triển, các biện pháp thực hiện để đạt được các mục tiêu đặt ra. - Rủi ro: Ngược lại với triển vọng, những yếu tố có khả năng tạo ra những kết quả xấu, không mong đợi, làm hạn chế hoặc triệt tiêu sự phát triển. Hai thành phần sau có thể hoặc không xảy ra trong hiện tại, chỉ là những dự đoán. Phương pháp SWOT là một hình thức xác định bối cảnh, tình hình hiện tại và khả năng tương lai về mặt kinh tế xã hội cũng như về mặt sản xuất nông nghiệp của một cộng đồng, một làng xã v.v Nó giúp cho nhóm nghiên cứu HTCT hình dung rõ nhất, một cách toàn cục nhất bối cảnh hiện tại cũng như sắp tới. * Tiến trình thực hiện phương pháp SWOT ở cấp xã, ấp Nhìn chung phương pháp SWOT có vài đặc điểm giống với phương pháp KIP về mặt tập hợp một số nông dân hoặc những người khác lại để thảo luận nhóm về một vấn đề nào đó, tuy nhiên, SWOT được thực hiện với mục tiêu chuyên biệt hơn, với những chuyên đề rõ hơn. - Tiếp xúc với chính quyền địa phương, giải thích lý do và mục đích công việc. - Xác định các thành phần, số người thảo luận, cung cấp thông tin ở mỗi nhóm. Chính quyền sẽ cung cấp danh sách những người theo yêu cầu công việc. Số người cho mỗi nhóm từ 5 đến 10. - Ấn định ngày giờ và địa điểm làm việc cho từng nhóm. - Mỗi nhóm cử một người ghi biên bản thảo luận trên tờ giấy lớn có chia thành 4 cột đều nhau cho mỗi mức: mạnh, yếu, triển vọng, và rủi ro. - Nhóm nghiên cứu HTCT cử một người phụ trách một nhóm. Các nhóm này có thể hợp riêng để kết quả thảo luận phong phú hơn.