Giáo trình Tâm thần học (Bản đẹp)

pdf 15 trang huongle 5020
Bạn đang xem tài liệu "Giáo trình Tâm thần học (Bản đẹp)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_tam_than_hoc_ban_dep.pdf

Nội dung text: Giáo trình Tâm thần học (Bản đẹp)

  1. BÀI GIẢNG CHUYÊN ĐỀ: TÂM THẦN HỌC 1
  2. MỤC TIÊU CHUYÊN ĐỀ: Sau khi học xong chuyên đề “Tâm thần học”, người học nắm được những kiến thức đại cương có liên quan như: Mục tiêu và đối tượng của tâm thần học; Khái niệm về sức khỏe tâm thần; Nội dung của tâm thần học; Phân loại các rối loạn tâm thần theo bảng phân loại bệnh quốc tế 10 (ICD-10); Nguyên nhân của các rối loạn tâm thần; Các nguy cơ về sức khỏe tâm thần hiện nay. 2
  3. NỘI DUNG I. MỤC TIÊU VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA TÂM THẦN HỌC - Sức khoẻ cho mọi người là mục tiêu lớn, mục tiêu chiến lược của tổ chức y tế thế giới (WHO), của nhiều quốc gia phát triển và của cả ngành y tế nước ta; và cũng là thước đo chung của mọi xã hội văn minh, nhân bản. - Không thể chia cắt sức khoẻ thể chất với sức khoẻ tâm thần xã hội và ngày càng phải khẳng định vai trò quan trọng của sức khoẻ tâm thần trong một nỗ lực chung để nâng cao chất lượng sống cho mọi người trong một xã hội phát triển. - Chính vì vậy, đối tượng của tâm thần học ngày nay không chỉ đóng khung trong khuôn khổ bốn bức tường của bệnh viện - chỉ tập trung vào những người bệnh tâm thần nặng như người bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, sa sút trí tuệ, thuộc phạm vi tâm thần học truyền thống. Mà tâm thần học hiện đại đang phải bươn trải để phấn đấu vì sức khoẻ toàn diện cả thể chất và tâm thần - vì sự thoải mái cho tất cả mọi người sống trong cộng đồng. II. KHÁI NIỆM VỀ SỨC KHOẺ TÂM THẦN Trong khi sức khoẻ về thể chất đã được dần từng bước xã hội đặt đúng vào vị trí của nó, thì sức khoẻ tâm thần còn phải bền bỉ phấn đấu để thay đổi dần nhận thức vẫn còn nhiều lệch lạc, nhiều mặc cảm. Vậy sức khoẻ tâm thần là gì? Sức khoẻ tâm thần không chỉ là một trạng thái không có rối loạn hay dị tật về tâm thần, mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái, muốn có một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái thì cần phải có chất lượng nuôi sống tốt, có được sự cân bằng và hoà hợp giữa các cá nhân, môi trường xung 3
  4. quanh và môi trường xã hội (Nguyễn Việt - 1999). Như vậy, thực chất sức khoẻ tâm thần ở cộng đồng là: 1. Một cuộc sống thật sự thoải mái. 2. Đạt được niềm tin vào giá trị bản thân, vào phẩm chất và giá trị của người khác. 3. Có khả năng ứng xử bằng cảm xúc, hành vi hợp lý trước mọi tình huống. 4. Có khả năng tạo dựng, duy trì và phát triển thoả đáng các mối quan hệ. 5. Có khả năng tự hàn gắn để duy trì cân bằng khi có các sự cố gây mất thăng bằng, căng thẳng (stress). (R.Jenkins; A.Culloch & C. Parker - Tổ chức y tế thế giới. Geneva - 1998) Vậy là chăm sóc bảo vệ sức khoẻ tâm thần cho mọi người là một mục tiêu rất cụ thể, mang tính xã hội, nhưng cũng rất cao, rất lý tưởng và phải phấn đấu liên tục để tiến dần từng bước, cuối cùng đạt được mục tiêu “Nâng cao chất lượng cuộc sống” của con người Việt Nam. III. NỘI DUNG CỦA TÂM THẦN HỌC 1. Tâm thần học truyền thống 1.1. Tâm thần học đại cương - Lịch sử phát triển tâm thần học. - Triệu chứng học, hội chứng học. - Mối liên quan giữa tâm thần học và các môn khoa học khác. - Phân loại các bệnh, các rối loạn tâm thần. - Bệnh nguyên, bệnh sinh của một số bệnh và các rối loạn tâm thần. - Tâm thần học xuyên văn hoá. 4
  5. 1.2. Bệnh học tâm thần - Loạn thần thực tổn (rối loạn tâm thần liên quan các bệnh nội tiết, chấn thương, thoái triển não: Alzheimer, Pick, ). - Loạn thần nội sinh (tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn cảm xúc, ) - Các rối loạn tâm thần liên quan đến stress (tâm căn, rối loạn cơ thể tâm sinh, trạng thái phản ứng). - Các rối loạn tâm thần do cấu tạo thể chất bất thường và sự phát triển tâm thần bệnh lý (nhân cách bệnh, chậm phát triển tâm thần, ). - Các rối loạn tập tính hành vi ở thanh thiếu niên (hành vi bạo lực, xâm phạm, rối loạn sự học tập, ). - Rối loạn ăn uống. - Loạn chức năng tình dục không thực tổn. - Các rối loạn lo âu, ám ảnh sợ. - Các rối loạn phân định giới tính. - Lạm dụng và nghiện chất (Lạm dụng rượu, nghiện rượu, loạn thần do rượu, lạm dụng ma tuý, nghiện ma tuý, thuốc lá, ). 1.3. Các phương pháp điều trị và phục hồi chức năng tâm lý xã hội. - Liệu pháp sinh học (Dược lí tâm thần, liệu pháp sốc điện, ). - Liệu pháp tâm lý (Liệu pháp tâm lý trực tiếp, gián tiếp, liệu pháp nhận thức, liệu pháp hành vi, ). - Liệu pháp lao động, phục hồi chức năng tâm lý xã hội. - Âm nhạc liệu pháp. 1.4. Quản lý hệ thống dịch vụ chăm sóc và tư vấn sức khoẻ tâm thần cộng đồng. 1.5. Giám định y pháp tâm thần. 5
  6. 2. Tâm thần học hiện đại 2.1. Tâm thần học truyền thống. 2.2. Tâm thần học cộng đồng. - Vệ sinh phòng bệnh và các rối loạn tâm thần. - Tâm thần học xã hội (Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường, đặc biệt môi trường tâm lý xã hội và sức khoẻ tâm thần). - Giáo dục sức khoẻ tâm thần cho gia đình, nhà trường và cộng đồng. - Phục hồi chức năng tâm lý xã hội. - Các hình thái hoạt động rèn luyện thể chất, thẩm mỹ. - Các kỹ năng ứng xử, giao tiếp. - IV. PHÂN LOẠI CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN THEO BẢNG PHÂN LOẠI BỆNH QUỐC TẾ 10 (ICD-10) - Trước đây khi chưa có phân loại quốc tế về các bệnh và các rối loạn liên quan đến sức khoẻ tâm thần, các trường phái tâm thần học khác nhau đều có những bảng phân loại riêng không giống nhau, đã gây khó khăn cho sự thống nhất mang tính chất quốc gia và quốc tế trong phạm vi nhận thức và thực hành chẩn đoán tâm thần học. - Từ khi có bảng phân loại quốc tế 9 (1978) và 10 (1987,1992) và tập chẩn đoán thống kê các rối loạn tâm thần DSM.III của Hội tâm thần học Hoa Kỳ (1980) và DSM.IV (1994) về các bệnh và các rối loạn bệnh tật. Trên 300 rối loạn tâm thần và hành vi trong 100 mục bệnh và rối loạn đã được sắp xếp một cách hệ thống và hợp lý. Trong 10 chương phần F của bảng phân loại bệnh lần 10 (ICD.10) (Viện Sức Khoẻ Tâm Thần đã biên dịch và phổ biến ứng dụng trong cả nước từ 1992). Các rối loạn tâm thần và hành vi đã được mô tả kỹ lưỡng về lâm sàng để nhận dạng và các nguyên tắc chỉ đạo chẩn 6
  7. đoán hợp lý, nhất quán đã giúp cho các nhà tâm thần học trong nước có cùng một ngôn ngữ tâm thần học để giảng dạy, cập nhật thông tin, giao lưu và hoà nhập thúc đẩy sự phát triển. - Dựa trên bảng phân loại các rối loạn tâm thần và hành vi đủ để chẩn đoán xác định và phân loại, làm cho chúng ta dễ dàng hiểu được vì sao ở Hoa Kỳ người ta đã công bố trên 30% dân số có rối loạn tâm thần tính theo tỷ số mắc trong năm (Prevalence of one year) và 48% dân số có rối loạn này hay rối loạn khác tính theo tỷ số mắc phải trong cả đời (Prevalence of life) - Kessler & cộng sự - 1995. Còn theo Sumich H.J; Andrew G; Hunt C.J - 1995, có tới 25-30% người dân australia có rối loạn tâm thần này hay rối loạn khác trong năm; còn ở Pháp và Anh chỉ riêng trầm cảm trong dân chúng nguy cơ mới mắc trong đời 15-25% (Incidence of life). Và vì vậy ở nước ta, kết quả nghiên cứu gần đây của Nguyễn Đăng Dung và cộng sự Bệnh viện tâm thần trung ương là có căn cứ. Tỷ lệ người mắc rối loạn tâm thần này hay rối loạn tâm thần khác là xấp xỉ 15-20%. V. NGUYÊN NHÂN CỦA CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN Các nguyên nhân chủ yếu thường được nêu ra bao gồm: 1. Các nguyên nhân thực tổn. - Chấn thương sọ não. - Nhiễm khuẩn thần kinh (Viêm não, giang mai thần kinh, ) - Nhiễm độc thần kinh (Nghiện các chất, nhiễm độc nghề nghiệp ). - Các bệnh mạch máu não. - Các tổn thương não khác (U não, teo não, xơ rải rác, ) - Các bệnh cơ thể ảnh hưởng đến hoạt động của não. 7
  8. 2. Các nguyên nhân tâm lý. Chủ yếu các stress tâm lý - xã hội tác động vào các nhân cách có đặc điểm riêng, gây ra: - Các rối loạn tâm căn. - Các rối loạn liên quan đến stress. - Các rối loạn dạng cơ thể. 3. Các nguyên nhân cấu tạo thể chất bất thường và phát triển tâm thần bệnh lý. - Chậm phát triển tâm thần. - Nhân cách bệnh. 4. Các nguyên nhân chưa rõ ràng (hay các nguyên nhân nội sinh). Do có sự kết hợp phức tạp của nhiều nguyên nhân khác nhau (di truyền, chuyển hoá, miễn dịch, cấu tạo thể chất, ) nên khó xác định nguyên nhân chủ yếu. Các rối loạn tâm thần thường gọi là nội sinh như: - Bệnh tâm thần phân liệt. - Rối loạn cảm xúc lưỡng cực. - Động kinh nguyên phát. Các rối loạn tâm thần nội sinh nói trên không may lại là những rối loạn tâm thần nặng và thường gặp. Do nguyên nhân chưa xác định rõ ràng nên công tác dự phòng và điều trị gặp nhiều khó khăn, rối loạn thường kéo dài và tái phát. Chương trình phòng chống các rối loạn tâm thần nội sinh phải lâu dài, cần phân biệt các giai đoạn khác nhau của rối loạn, mỗi giai đoạn cần kết hợp nhiều biện pháp thích hợp. Các nguyên nhân tâm lý xã hội (Stress) có vẻ cụ thể hơn, dễ thấy hơn. Tuy nhiên, cơ chế gây bệnh của các stress tâm lý không giản đơn như các stress vật lý trên cơ thể. Vì stress tâm lý đập vào một nhân cách và phương 8
  9. thức phản ứng của nhân cách đối với stress rất đa dạng và phức tạp. Chính vì thế mà ICD-10 không gọi là rối loạn do stress mà dè dặt gọi là rối loạn liên quan đến stress. Như vậy trong lâm sàng, xác định nguyên nhân của một rối loạn tâm thần phải hết sức thận trọng vì có xác định đúng nguyên nhân thì mới hy vọng điều trị có kết quả. VI. CÁC NGUY CƠ VỀ SỨC KHOẺ TÂM THẦN HIỆN NAY Ở nước ta trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, nền kinh tế đã có những chuyển biến mang tính chất bước ngoặt. Từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp chuyển nhanh sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Đi đôi với những mặt tích cực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của các chỉ số thu nhập quốc nội, ổn định tốt hơn đời sống nhân dân, giữ gìn được an ninh chính trị xã hội là điều kiện để hoà nhập với các nước trong khu vực, Cũng đã xuất hiện một số mặt tiêu cực như nạn tham nhũng, cạnh tranh không lành mạnh, quá trình đô thị hoá, sự tăng dân số cơ học tập trung ở các thành phố lớn, mở rộng giao lưu quốc tế khó kiểm soát, sự phân hoá giai cấp giàu nghèo, thất nghiệp là những nhân tố môi trường ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ tâm thần xã hội, đã làm nảy sinh và gia tăng một số bệnh lý và những rối loạn như: 1. Các rối loạn hành vi của thanh thiếu niên (TTN): (Conductive Disorders of Aldolescence). - Rối loạn hành vi được xếp ở mục F.91 bảng phân loại quốc tế 10 (ICD-10) đó là những hành vi xâm phạm, bạo lực, gây thương tích, đâm chém, càn quấy, do những nguyên cớ không tương xứng Khi những hành vi trên tái diễn, lặp đi lặp lại kéo dài ở TTN thì chúng thoả mãn để xếp vào mục rối loạn tập tính (hành vi). 9
  10. - Rối loạn hành vi của TTN có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, thể hiện ở tội phạm do TTN gây ra tăng, theo số liệu của Sở công an HàNội năm 1987 trong tổng số 7824 người bị bắt vì phạm tội, TTN dưới 18 tuổi có 801 người chiếm 10,2%. Gần đây, hiện tượng bạo lực, chống đối người thi hành công vụ, nói năng thô tục nơi công cộng, trộm cắp, cướp giật, cưỡng dâm, đua xe máy trên đường phố đông đúc, trốn học, cờ bạc, rạch mặt trẻ em, luôn được các hệ thống thông tin đại chúng cảnh báo, đã gây cho xã hội nhiều lo lắng, gây tổn thiệt cho sức khoẻ, sự thoải mái của cộng đồng. - Theo nghiên cứu của ngành tâm thần học Việt nam 1990, rối loạn hành vi TTN 10-17 tuổi là 3,7%; ở thành thị cao hơn ở nông thôn, trẻ trai nhiều hơn trẻ gái. Còn theo tài liệu nghiên cứu của Hoàng Cẩm Tú và cộng sự 1997, số trẻ em có rối loạn hành vi ở một phường dân cư Hà Nội là 6-10%. - Không nên quá ngạc nhiên về các con số công bố trên của các nhà tâm thần học Việt Nam. Ở một số nước láng giềng như Trung Quốc, rối loạn hành vi ở TTN Bắc Kinh là 8,3%; Hàn Quốc là 14,1%; Nhật Bản 3,9%; còn ở các nước đã có nền kinh tế thị trường phát triển như các nước Âu, Mỹ là 10-23% (Theo Krufinski và cộng sự 1977; Helzer 1988). Phạm trọng tội trong TTN Mỹ dưới 18 tuổi chiếm 22%; còn tội xâm phạm tài sản công dân có tới 38,7% là TTN dưới 18 tuổi (Lewis D.O - 1981). - Khi phân tích nguồn gốc rối loạn hành vi TTN ngoài vai trò sinh học, nhiều nhà tâm thần, tâm lý và giáo dục học rất chú ý đến rối loạn hành vi do tập nhiễm (Theori de l,aprentissage) chịu ảnh hưởng môi trường sinh trưởng của trẻ em (Gia đình, trường học và xã hội), theo cơ chế: + Bắt chước hành vi xâm phạm và ngược đãi của người lớn (Cha mẹ, anh chị, thầy cô giáo, ) đánh đập lẫn nhau, ngược đãi trẻ em. + Ảnh hưởng phim ảnh bạo lực và sách báo bạo dâm. 10
  11. + Do ảnh hưởng của nhóm trẻ em xấu theo quy luật liên kết, hoặc loại trừ nhóm hoặc theo cơ chế bị ám thị bởi trẻ lớn đã phạm pháp có hành vi ranh mãnh. + Do phản ứng bất toại (frustration) với những bậc cha mẹ, trước căng thẳng trong cơ chế cạnh tranh nhiều rủ ro của cơ chế thị trường. 2. Tự sát (suicide). - Là một cấp cứu trong Y học và cũng là một cấp cứu rất đặc thù trong tâm thần học. - Hàng năm trên thế giới có hàng trăm nghìn người chết do tự sát, có nhiều nước chết do tự sát còn nhiều hơn chết do tai nạn giao thông (Jenkins R và cộng sự. OMS. Geneva-1998). - Ở nước ta chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên biệt về dịch tễ tự sát và toan tự sát, nhưng tỷ lệ những trường hợp ngộ độc do tự sát bằng thuốc trừ sâu và các hoá chất dạng phospho hữu cơ dùng trong nông nghiệp, công nghiệp có chiều hướng gia tăng, lại gặp nhiều từ 15-30 tuổi và là nguyên nhân tử vong cao thứ hai sau tai nạn giao thông (Cao Văn Tuân, 1997), còn Nguyễn Hữu Kỳ nghiên cứu 415 trường hợp toan tự sát (Tự sát không thành- parasuicide) đến cấp cứu ở bệnh viên đa khoa TW Thừa Thiên - Huế 1996 nhận thấy 13,2% là thanh thiếu niên. - Tìm hiểu nguyên nhân tự sát, nhiều tác giả trong nước và ngoài nước nhận thấy như sau: + Sự gia tăng tiềm ẩn các rối loạn tâm thần chưa phát hiện được sớm, kịp thời như trầm cảm (depression), lo âu (anxiety), hoảng loạn (panic disorder), nghiện ma tuý, rối loạn hành vi, mà các rối loạn này dễ phát sinh trong những điều kiện kinh tế thị trường mở cửa thiếu kiểm tra, nhất quán với nhận định của Robins 1986, Klerman 1989. 11
  12. + Nhân tố tâm lý xã hội không thuận lợi (stress): a. Thất bại, đổ bể trong làm ăn, cạnh tranh thua lỗ. b. Mâu thuẫn kéo dài giữa các thành viên trong gia đình không giải quyết được. c. Cấu trúc gia đình bị đảo lộn: ly thân, ly hôn, các thành viên trong gia đình thiếu gắn bó, không có điểm nương tựa, người thân cha hoặc mẹ nghiện rượu. d. Cô đơn ở những người cao tuổi. Giống với nhận định của các nghiên cứu Holinger & Offer - 1982; Weissaman - 1989. e. Do không được quản lý tốt các phương tiện dễ dàng gây tự sát như hoá chất trừ sâu diệt cỏ ở nước ta, súng ống bán tự do ở Hoa Kỳ (Blumenthel - 1988). 3. Lạm dụng chất (Substance abuse) - Lạm dụng chất trong đó có lạm dụng rượu và đặc biệt nghiện ma tuý đã trở thành hiểm hoạ của nhân loại và cũng là nguồn gốc chính của các cuộc bạo lực cục bộ và quốc tế đang có xu hướng gia tăng ở cả các nước đang phát triển và cả các nước phát triển, trong đó có nước ta. - Trong cơ chế thị trường ngày nay, nghiện ma tuý ở nước ta cũng như một số nước khác trong khu vực có một số đặc điểm nguy hại hơn như sau: + Đại bộ phận nghiện ma tuý là những người trẻ tuổi từ 16-35 chiếm 70-80% (Khác với trước đây là những người già cao tuổi). + Nghiện các chất ma tuý nặng hơn, nguy hại hơn chủ yếu là heroin là chất bán tổng hợp dạng thuốc phiện có thời gian bán huỷ ngắn, gây hội chứng cai nặng nề khó đoạn tuyệt. Còn trước đây, nghiện ma tuý chủ yếu là hút thuốc phiện, nhựa của quả cây anh túc. 12
  13. + Nghiện ma tuý ngày nay mạo hiểm hơn, đôi khi hỗn hợp về phương thức (Hút, hít, tiêm chích, ) cũng như việc kết hợp nhiều loại ma tuý (Heroin, seduxen, amphetamin, cocain, LSD.25, ). + Trước đây, nghiện ma tuý chỉ ở một số đồng bào vùng núi phía Bắc có trồng cây thuốc phiện hoặc ở thành phố lớn như Sài Gòn, Nha Trang (Do quân đội Mỹ đem vào), thì nay địa phận nghiện ma tuý đã lan rộng đến các thành phố lớn khác, các vùng nông thôn, thị trấn trong cả nước mà trước đây được coi hầu như không có người nghiện ma tuý. + Vì tiêm chích bằng kim tiêm chung nên nguy cơ lây nhiếm HIV rất cao, có những nơi 70 - 80% người nghiện ma tuý nhiễm HIV, viêm gan B, C - Chính vì tính chất phức tạp của nghiện ma tuý về sức khoả tâm thần xã hội, nhân ngày quốc tế phòng chống lạm dụng ma tuý và buôn bán ma tuý trái phép năm nay, ông Pino Arlachi, giám đốc điều hành chương trình chống lạm dụng ma tuý đã kêu gọi cộng đồng nhân loại hãy cùng hợp lực đẩy mạnh các hoạt động nhằm loại bỏ mối đe doạ của hiểm hoạ ma tuý đến trật tự và sự phồn vinh, yên ổn của cộng đồng. Vì ma tuý và bạo lực là bạn đồng hành của nhau từ góc độ người sử dụng đến khâu sản xuất. - Chính từ lời kêu gọi này chứng minh tính khẩn cấp của mục bệnh học tâm thần, đặc biệt nghiện học ghi mã F.1 bảng phân loại quốc tế 10, đã ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần - xã hội và sự thoải mái của cộng đồng đến chừng mực nào, thậm chí ảnh hưởng đến sự an ninh và an toàn chính trị- xã hội. 13
  14. 4. Trầm cảm (Depression) - Trầm cảm có mối liên quan rất phức tạp với các yếu tố sinh học và còn chịu tác động rất mạnh và trực tiếp của điều kiện kinh tế-xã hội, tâm lý không thuận lợi. - Trong những năm gần đây đầy ắp các y văn thế giới cảnh báo về sự phổ biến của trầm cảm trong nhân loại khoảng từ 3-5% tức khoảng 200 triệu người trên trái đất đã lâm vào tình trạng rõ rệt bệnh lý này, nghiên cứu thể nghiệm của ngành tâm thần học Việt Nam tại một phường và một xã thuộc đồng bằng Bắc Bộ cũng là 2-5%. - Còn nếu nhận thức được rối loạn trầm cảm theo khái niệm tinh tế hơn bao hàm trong đó cả trầm cảm dạng cơ thể, trầm cảm che đậy, trầm cảm tương đương thì số người mắc chứng này (lifetime incidence) là từ 15-25% dân số (Santorius N.A và Jablenski A.S - 1984; Andrew G và Sumich H.J & cộng sự -1985). - Trầm cảm các loại cả về nội sinh và trầm cảm phản ứng (Post Traumatic Stress Disorder - PTSD) với những yếu tố môi trường không thuận lợi, nhất là sự cố của cuộc sống kinh tế- xã hội như hiện nay. Tỷ lệ dẫn đến tự sát rất cao 20-30%. - Chính vì lẽ đó, nhiều quốc gia trong đó có Australia đã phải có chương trình của nhà nước phòng chống các rối loạn trầm cảm. VII. KẾT LUẬN 1. Rối loạn hành vi, tự sát, nghiện chất và trầm cảm chỉ là 4 trong hơn 300 mục đã được ghi nhận trong bảng phân loại quốc tế 10 (ICD-10) về các rối loạn tâm thần và hành vi. Có liên quan rất phức tạp với nhân tố tâm - sinh học về cơ chế bệnh sinh. 14
  15. Nhưng nó cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nhân tố kinh tế - xã hội không thuận lợi của nền kinh tế thị trường. Nhiệm vụ của ngành Tâm thần nói riêng và ngành Y nói chung là phải cảnh báo, phát hiện và tìm ra những giải pháp ngăn chặn dự phòng và chữa trị hợp lý nếu lấy con người với chất lượng sống cao làm mục tiêu chiến lược. 2. Chỉ cộng dồn 4 nguy cơ rối loạn: rối loạn hành vi, tự sát, nghiện chất và trầm cảm thì chỉ số nguy cơ số người có rối loạn tâm thần này hay rối loạn tâm thần khác (người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần) là rất cao trên dưới 20%. Nhiều nước còn công bố nguy cơ này trên 30%. Chính vì vậy, Vụ sức khoẻ tâm thần và lạm dụng chất của Tổ chức y tế thế giới 1998 đã có các khuyến cáo chính phủ và các nhà hoạch định có chính sách ủng hộ các quốc gia vì sức khoẻ tâm thần. 3. Sự tác động nhân quả qua lại giữa sức khoẻ tâm thần và các vấn đề kinh tế - xã hội không thuận lợi đã chứng minh mối liên quan gắn kết giữa khoa học - y học - xã hội học. Với cách nhìn tổng quan như vậy, sự nghiệp sức khoẻ chỉ có thể thực hiện được khi công tác y tế phải được xã hội hoá cao, phải được các nhà quản lý, các nhà hoạt động kinh tế, và mọi công dân coi sức khoẻ, chất lượng cuộc sống là mục tiêu của chính mình. Mặt khác ngành y tế chỉ có thể thực hiện mục tiêu sức khoẻ cho mọi người thành đạt khi có những hiểu biết đầy đủ về môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ con người không những chỉ là môi trường sinh học mà cả môi trường xã hội. ===HẾT=== 15