Giáo trình Vận dụng vào dạy học thực hành kỹ thuật theo định hướng "dạy học tích cực và tương tác"
Bạn đang xem tài liệu "Giáo trình Vận dụng vào dạy học thực hành kỹ thuật theo định hướng "dạy học tích cực và tương tác"", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- giao_trinh_van_dung_vao_day_hoc_thuc_hanh_ky_thuat_theo_dinh.doc
Nội dung text: Giáo trình Vận dụng vào dạy học thực hành kỹ thuật theo định hướng "dạy học tích cực và tương tác"
- VẬN DỤNG VÀO DẠY HỌC THỰC HÀNH KỸ THUẬT THEO ĐỊNH HƯỚNG "DẠY HỌC TÍCH CỰC VÀ TƯƠNG TÁC" NGUYỄN CẨM THANH Khoa SPKT, trường ĐHSP Hà Nội I- MỞ ĐẦU Phong trào đổi mới phương pháp dạy học hiện nay đang được triển khai ở tất cả các cấp học, bậc học. Định hướng chung của việc đổi mới phương pháp dạy học là tăng cường vai trò chủ động, tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh trong quá trình dạy học, khắc phục tình trạng dạy học thầy thuyết trình, trò thụ động nghe, ghi chép. Đặc biệt trong dạy học thực hành tính tích cực nhận thức là rất cần thiết trong học tập, tính tích cực có các cấp độ từ thấp đến cao: + Bắt chước, cố gắng làm theo các mẫu hành động đã được quan sát. + Tìm tòi, độc lập, hợp tác giải quyết vấn đề, tìm kiếm những cách giải quyết khác nhau. + Sáng tạo, tìm ra giải pháp mới, độc đáo, hiệu quả. Trong xu hướng đổi mới phương pháp dạy học chung đó, ý tưởng nghiên cứu và vận dụng phương pháp dạy học theo định hướng “Dạy học tích cực và tương tác” sẽ giải quyết được các vấn đề này. II- CƠ SỞ LÍ LUẬN a) Một số khái niệm * Tính tích cực, tự lực, chủ động của học sinh Tính tích cực có nghĩa là hoàn thành một cách chủ động, tự giác, có nghị lực, có hướng đích rõ rệt, có sáng kiến và đầy hào hứng, những hành động trí óc và chân tay nhằm nắm vững kiến thức, kỹ năng và kỹ xảo, vận dụng chúng vào trong học tập và thực tiễn. * Dạy học tích cực và tương tác Có thể có nhiều cách phát biểu khác nhau về "dạy học tích cực và tương tác", song về bản chất có thể hiểu đó là: Một kiểu dạy học theo hướng vừa phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh vừa tăng cường sự tương tác giữa các yếu tố trong hệ thống dạy - học; và để đạt được đồng thời cả hai yêu cầu trên cần tổ chức các hoạt động học - dạy để "hoạt động hoá" người học [5]. b) Cơ sở của giai đoạn nhận thức cảm tính Quan điểm "Dạy học tích cực và tương tác" đòi hỏi giáo viên cần phải có hiểu biết về bộ máy học (sơ đồ 1) và tính năng động của nó (sơ đồ 2) để phối hợp tốt hơn các liên hệ qua lại giữa người học, người dạy và môi trường trong việc lĩnh hội kiến thức mới. Người học khai thác tất cả những thông tin bản thân đã tích lũy được, với sự giúp đỡ của người dạy để nắm bắt và thu lượm tri thức mới; người dạy đòi hỏi phải có khả năng thiết kế bài dạy sao cho có tác động nhiều nhất đến tri giác, hứng thú và hoạt động của bộ não người học; môi trường trở thành nguồn kích thích trong quá trình học và trong phương pháp dạy học [6].
- c) Cơ sở của giai đoạn nhận thức lý tính Thuyết hoạt động - nhân cách ứng dụng trong dạy học Ứng dụng thuyết hoạt động - nhân cách trong dạy học cần tính đến hai khía cạnh cơ bản sau [4, Tr215]: Các nguyên lý phương pháp luận do nó đã vạch ra. Quan điểm lý luận tâm lý học của L.X. Vưgốtxki, A.N. Lêônchiep và P.Ia. Galpêrin với tư cách là trục phát triển chính, cốt lõi của tâm lý học hoạt động. "Trung tâm của vấn đề hình thành hoạt động học tập cho học sinh là kỹ thuật, nghệ thuật hình thành và chuyển hoá động cơ mục đích phương tiện học tập, từ đó hình thành hoạt động hành động thao tác học tập của học sinh" [4, Tr236]. Trong dạy học, "cơ sở định hướng của hành động có tầm quan trọng đặc biệt đối với chất lượng, hiệu quả của hành động. Bởi vậy giáo viên có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ cho sự hình thành cơ sở định hướng khái quát những hành động của học sinh" [7, Tr36]. Trong sự vận hành của hệ tương tác dạy học gồm người dạy (giáo viên), người học (học sinh) và tư liệu hoạt động dạy học (môi trường), giáo viên tổ chức kiểm tra, định hướng hành động của học sinh theo một chiến lược hợp lý sao cho học sinh tự chủ chiếm lĩnh, xây dựng tri thức cho mình và do đó đồng thời năng lực trí tuệ và nhân cách toàn diện của họ từng bước phát triển. Có thể mô tả sự tương tác nói trên trong hệ dạy học bằng sơ đồ 3: Sơ đồ 3
- III- THIẾT KẾ, XÂY DỰNG BÀI DẠY THỰC HÀNH KỸ THUẬT THEO ĐỊNH HƯỚNG "DẠY HỌC TÍCH CỰC VÀ TƯƠNG TÁC" 1) Nguyên tắc chung + Đảm bảo mục tiêu, chương trình môn học + Phát huy tính tích cực, tự lực, chủ động của học sinh + Đảm bảo tính khả thi 2) Sơ đồ thiết kế bài dạy thực hành 3) Giải thích nội dung các bước Bước 1: Xác định mục tiêu bài dạy Đối với bài thực hành mục tiêu thường là củng cố, vận dụng lý thuyết và rèn luyện kỹ năng, do đó cần quan tâm nghiên cứu mục tiêu này. Bước 2: Chuẩn bị các điều kiện dạy học 1- GV và HS cần chuẩn bị địa điểm phải phù hợp với nội dung bài thực hành, dụng cụ cần thiết, tư liệu như tranh phóng to, vật mẫu. GV yêu cầu HS chuẩn bị trước, mang đến phòng thực hành theo đúng thời gian quy định. 2- Chuẩn bị phiếu học tập Trong dạy học thực hành, phiếu học tập thường được viết dưới dạng phiếu giao việc/ phiếu thực hành trong đó cần nêu rõ công việc, yêu cầu, phương tiện, thời gian hoàn thành Để kết hợp với việc quan sát, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình thực hành, có thể sử dụng phiếu/ nhật ký của giáo viên.
- Bước 3: Các hoạt động dạy học. 1- Hướng dẫn ban đầu nhằm tạo hình ảnh, biểu tượng vận động và chuyển chúng thành động hình vận động về công việc cần thực hiện; gồm các hoạt động sau: - Giáo viên nêu rõ mục tiêu cụ thể của bài học (cần hoàn thành công việc gì? Hình thành được kỹ năng gì? Thời gian và mức độ cần hoàn thành? Điều kiện thực hiện? Cách đánh giá? ). - Kiểm tra, hồi phục những kiến thức - kỹ năng có liên quan đến bài thực hành, cung cấp hiểu biết và những hướng dẫn mới cần thiết. - Nêu khái quát trình tự công việc, phương tiện, cách thức tiến hành, các thao tác/ động tác chính. có thể dùng các biểu mẫu, sơ đồ, sản phẩm mẫu để minh hoạ. Tuỳ điều kiện cụ thể của bài dạy mà áp dụng một trong 3 mức độ sau: + Mức 1: Giáo viên nêu toàn bộ quy trình và làm mẫu, học sinh luyện tập theo quy trình. + Mức 2: Giáo viên nêu một phần quy trình và làm mẫu, học sinh xây dựng tiếp quy trình và luyện tập. + Mức 3: Giáo viên hướng dẫn học sinh xây dựng quy trình và kế hoạch thực hiện. - Giáo viên biểu diễn hành động mẫu và kiểm tra kết quả của giai đoạn này. 2- Giai đoạn thực hành nhằm chuyển động hình vận động thành kỹ năng ban đầu (hướng dẫn thường xuyên). Giai đoạn này được thực hiện tuỳ theo mục tiêu, nội dung bài thực hành (đặc điểm từng loại kỹ năng - kỹ xảo cần luyện tập, số lượng học sinh tham gia, cơ sở vật chất phòng thực hành ) Các hoạt động chính gồm: - Phân chia vị trí, vật liệu, dụng cụ (theo cá nhân hoặc theo nhóm học sinh). - Học sinh tổ chức vị trí làm việc, tái hiện, bắt chước hành động mẫu của giáo viên, quan sát các phương tiện trực quan hoặc bản hướng dẫn và luyện tập theo trình tự công việc được giao. - Giáo viên theo dõi, uốn nắn, hướng dẫn thường xuyên và kiểm tra từng bước, từng phần công việc của học sinh (có thể dùng các phiếu theo dõi, bảng kê để ghi lại những kết quả quan sát của giáo viên đối với từng học sinh hoặc nhóm học sinh theo các nhiệm vụ được giao để có tư liệu cụ thể cho bước nhận xét đánh giá sau này). Đặc biệt chú ý hướng dẫn học sinh tự kiểm tra và điều chỉnh hành động. Bước 4: Hoạt động đánh giá kết quả bài học - Giáo viên yêu cầu học sinh ngừng luyện tập và tự đánh giá kết quả (qua phiếu thực hành, bản báo cáo - thu hoạch, so sánh và thảo luận nhóm ). - Giáo viên đánh giá kết quả thực hành (thông qua kết quả tự đánh giá của học sinh, phiếu giao việc, (nhật ký) hoặc sản phẩm thực hành ) kết hợp với quá trình theo dõi ở giai đoạn trên. Bổ sung những thiếu sót và rút kinh nghiệm cho bài giảng sau. - Học sinh thu dọn vật liệu, dụng cụ, vệ sinh lớp học. Nhận xét a) Mỗi bước/ giai đoạn của bài dạy đều có mục tiêu/ kết quả xác định và các mục tiêu này có liên quan chặt chẽ với nhau. Vì thế, trong từng bước cần làm cho học sinh ý thức được một cách rõ ràng mục tiêu cần đạt tới (về nội dung công việc, điều kiện/ phương tiện thực hiện, chuẩn mực đánh giá ). b) Trong mỗi giai đoạn của bài dạy, cần phải thiết kế được các hoạt động để phân vai cụ thể và kết hợp từng hành động của giáo viên với từng hành động của học sinh nhằm vào kết quả/ mục tiêu tương ứng. Nghĩa là học sinh phải "học tập trong hoạt động và bằng hoạt động". c) Hành động mẫu của giáo viên phải được biểu diễn chuẩn xác, đúng trình tự các động tác, thao tác; kèm theo sự giải thích rõ ràng để học sinh có được các động hình vận động đúng.
- IV- KẾT LUẬN Việc thiết kế bài dạy thực hành kỹ thuật theo định hướng Dạy học tíchcực và tương tác luôn thể hiện tính nhất quán quan điểm: Phát huy tính tích cực, tự lực, chủ động giải quyết vấn đề của học sinh thông qua các hoạt động và hoạt động thành phần. Các hoạt động này đạt hiệu quả thông qua các hoạt động cụ thể giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy giáo và giữa học sinh với tài liệu Vậy, qua các hoạt động đó học sinh hình thành khả năng nghiên cứu cá nhân, nghiên cứu hợp tác và đề xuất được các giải pháp về học tập và nghiên cứu. Người giáo viên giữ vai trò tổ chức, điều khiển, trọng tài, định hướng các hoạt động cũng như chính xác hóa, thể chế hoá kiến thức tìm ra của học sinh. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]- Nguyễn Văn Bính (chủ biên) - Phương pháp dạy học KTCN - tập 1- Nxb Giáo dục - 2001. [2]- Nguyễn Văn Khôi - Một số vấn đề cơ bản về lý luận dạy học thực hành kỹ thuật - Nxb Giáo dục - 2001. [3]- Nguyễn Bá Kim - Dạy học trong hoạt động và bằng hoạt động- Nxb Giáo dục - 1998. [4]- Phan Trọng Ngọ (chủ biên) - Tâm lý học hoạt động và khả năng ứng dụng trong dạy học - Nxb ĐHQG Hà Nội - 2000. [5]- Tạp chí Giáo dục số 54 - tháng 3/ 2003. [6]- Nguyễn Quang Thuấn (dịch) - Jean-Marc Denommé et Madeleine Roy: Pour une Pédagogie Interactive. - Nxb Thanh niên - 2000. [7]- Phạm Hữu Tòng - Hình thành kiến thức - kỹ năng phát triển trí tuệ và năng lực sáng tạo của học sinh trong dạy học Vật lý - Nxb Giáo dục - 1996. TÓM TẮT Hệ thống hóa cơ sở lý luận và trên nguyên tắc đảm bảo mục tiêu, chương trình môn học; phát huy tính tích cực, tự lực, chủ động của học sinh; đảm bảo tính khả thi, tác gải đề xuất thiết kế và xây dựng các bước cho bài dạy thực hành kỹ thuật theo quan điểm "Dạy học tích cực và tương tác". Summary Apply to teach technical practice according to "Positive and interactive teaching" NGUYEN CAM THANH Theory systematization based on maintaining target and syllabus, raising students 'sense of initiative and self-reliance, and ensuring feasibility, the author proposes to design and build up/ draft step of technical practice teaching methods according to "Positive and interactive teaching".