Tài liệu môn Môi trường và sức khỏe cộng đồng - Hoàng Thị Mỹ Hương
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tài liệu môn Môi trường và sức khỏe cộng đồng - Hoàng Thị Mỹ Hương", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- tai_lieu_mon_moi_truong_va_suc_khoe_cong_dong_hoang_thi_my_h.pdf
Nội dung text: Tài liệu môn Môi trường và sức khỏe cộng đồng - Hoàng Thị Mỹ Hương
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP. HỒ CHÍ MINH KHOA MÔI TRƯỜNG VÀ TÀI NGUYÊN BỘ MÔN QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TÀI LIỆU MÔN HỌC GVPTMH: ThS. HOÀNG THỊ MỸ HƯƠNG Tháng 9/2012 1
- BÀI 1 - NHẬP MÔN SỨC KHOẺ MÔI TRƯỜNG MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng: 1. Trình bày được các thành phần chính của môi trường 2. Nêu được các khía cạnh lịch sử của sức khoẻ môi trường 3. Trình bày được mối quan hệ giữa sức khoẻ và môi trường, các chính sách về sức khoẻ môi trường và quản lý môi trường 4. Giải thích được những vấn đề sức khoẻ môi trường mang tính cấp bách ở địa phương và trên thế giới. NỘI DUNG Sức khoẻ môi trường là nền tảng của Y tế công cộng, cung cấp rất nhiều lý luận cơ bản nền tảng cho một xã hội hiện đại. Quá trình cải thiện tình trạng vệ sinh, chất lượng nước uống, vệ sinh và an toàn thực phẩm, kiểm soát bệnh tật và cải thiện điều kiện nhà ở là nhiệm vụ trung tâm của quá trình thực hiện việc nâng cao chất lượng cuộc sống và tiếp tục những kinh nghiệm quý báu của cả thế kỷ qua. Tuy nhiên, hiện nay cuộc sống của người dân trong thời kỳ đổi mới có nhiều thay đổi: việc đô thị hoá, tăng dân số, thay đổi lối sống, nạn phá rừng, tăng sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, sử dụng các hoóc môn tăng trưởng trong chăn nuôi, sự phát triển công nghiệp và không kiểm soát được những chất thải công nghiệp v.v làm cho môi trường ngày càng bị suy thoái. Trong những năm qua, thảm hoạ thiên nhiên đã gây nên nhiều thiệt hại lớn như lũ quét ở Lai Châu, Sơn La, úng lụt ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hạn hán ở nhiều nơi như Tây Nguyên. Tại một số tỉnh phía nam hiện nay, những trường hợp bị nhiễm độc hoá chất, ngộ độc các hoá chất bảo vệ thực vật và ngộ độc thực phẩm vẫn xẩy ra thường xuyên. Có nhiều chỉ thị và nghị quyết bàn về phương hướng phát triển bền vững, nghĩa là bảo đảm cho môi trường và môi sinh trong sạch, giảm thiểu ô nhiễm nhằm nâng cao sức khoẻ con người như Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam, Nghị định hướng dẫn thi hành luật, v.v Bên cạnh đó còn phải kể đến môi trường xã hội, môi trường làm việc cũng có nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Do vậy, việc nghiên cứu, xử lý, phòng chống ô nhiễm môi trường và cải thiện môi trường xã hội là một việc hết sức cần thiết. Muốn làm được điều đó mọi người, mọi tổ chức trong xã hội mà trước hết là học sinh, sinh viên - những người làm chủ tương lai đất nước phải cùng nhau tham gia giải quyết thì mới đạt được kết quả. Đó là những vấn đề môi trường ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đến kinh tế đất nước. Còn môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ con người cụ thể như thế nào? Thế nào gọi là sức khoẻ môi trường? Chúng tôi sẽ trình bày những khái niệm này ở phần sau. 2
- 1. CÁC THÀNH PHẦN CƠ BẢN CỦA MÔI TRƯỜNG 1.1. Môi trường là gì? Theo Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam (2005), môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật. 1.2. Các thành phần của môi trường Cũng theo Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam (2005), thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác. Tóm lại, các thành phần của môi trường bao gồm môi trường vật lý, môi trường sinh học và môi trường xã hội. 1.2.1. Môi trường vật lý bao gồm các yếu tố vật lý như: khí hậu, tiếng ồn, ánh sáng, bức xạ, gánh nặng lao động. Bên cạnh các yếu tố vật lý còn có những yếu tố hoá học như bụi, hoá chất, thuốc men, chất kích thích da, thực phẩm, v.v 1.2.2. Môi trường sinh học như động vật, thực vật, ký sinh trùng, vi khuẩn, vi rút, các yếu tố di truyền, v.v 1.2.3. Môi trường xã hội như stress, mối quan hệ giữa con người với con người, môi trường làm việc, trả lương, làm ca, v.v 2. CÁC KHÍA CẠNH LỊCH SỬ CỦA SỨC KHOẺ MÔI TRƯỜNG 2.1. Khái niệm về sức khoẻ môi trường Sức khoẻ môi trường là gì? Theo quan điểm của nhiều người sức khoẻ môi trường chính là sức khoẻ của môi trường. Đây là các ý niệm về đời sống hoang dã, về rừng, sông, biển, v.v . và theo họ thì sức khoẻ môi trường đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường. Những người khác thì cho rằng sức khoẻ môi trường là các vấn đề về sức khoẻ của con người có liên quan đến điều kiện sống, sự nghèo nàn, lạc hậu, không đủ nước sạch, lũ lụt, sự phá hoại của côn trùng và súc vật có hại - tất cả các thách thức đó chúng ta đã trải qua, đã chống trả trong suốt quá trình hình thành và phát triển của con người và cuộc sống, nhất là những năm gần đây và chúng ta đã chiến thắng. Cả hai quan điểm này đều chưa đúng, chưa chính xác, sức khoẻ môi trường không đồng nghĩa với sức khoẻ của môi trường và bảo vệ môi trường và cũng không bó hẹp trong việc kiểm soát các loại dịch bệnh của thế kỷ qua. Cho đến hiện nay nhiều tác giả đưa ra khái niệm về sức khoẻ môi trường như sau:“Sức khoẻ môi trường là tạo ra và duy trì một môi trường trong lành, bền vững để nâng cao sức khoẻ cộng đồng”. 3
- 2.2. Lịch sử phát triển của thực hành sức khoẻ môi trường Mỗi sinh vật trên trái đất đều có môi trường sống của riêng mình, nếu thoát ra khỏi môi trường tự nhiên đó hoặc sự biến đổi quá mức cho phép của môi trường mà chúng đang sống thì chúng sẽ bị chết và bị huỷ diệt. Do đó, đảm bảo sự ổn định môi trường sống là điều kiện cơ bản để duy trì sự sống của mọi loài sinh vật trên trái đất. Những ví dụ rất giản đơn mà mọi người đều biết là “ngộ độc ô xít các bon (CO) ở những người đi kiểm tra các lò gạch thủ công đốt bằng than hoặc cá chết do nước bị ô nhiễm hoá chất của nhà máy phân lân Văn Điển”, v.v Điều đó có nghĩa là môi trường, con người và sức khoẻ con người có mối liên quan mật thiết với nhau và có thể cái nọ là nhân quả của cái kia. Không phải đến bây giờ con người mới biết tới mối quan hệ này, mà từ hàng ngàn năm trước người Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư, Ai Cập cổ đại đã biết áp dụng các biện pháp thanh khiết môi trường để ngăn ngừa và phòng chống dịch cho cộng đồng và quân đội. Các tư liệu lịch sử cho thấy từ những năm trước công nguyên, ở thành A-ten (Hy Lạp) con người đã xây dựng hệ thống cống ngầm để thải nước bẩn, đã biết dùng các chất thơm, diêm sinh để tẩy uế không khí trong và ngoài nhà để phòng các bệnh truyền nhiễm. Người La Mã còn tiến bộ hơn: khi xây dựng thành La Mã, người ta đã xây dựng một hệ thống cống ngầm dẫn tới mọi điểm trong thành phố để thu gom nước thải, nước mưa dẫn ra sông Tibre, đồng thời xây dựng một hệ thống cung cấp nước sạch cho dân chúng trong thành phố. Vào thời kỳ này, độ cao của nhà ở, bề rộng các đường đi lại trong thành đều được qui định và tiêu chuẩn hoá, những người đem bán loại thực phẩm giả mạo, thức ăn ôi thiu đều phải chịu tội. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, dân số, ô nhiễm môi trường và phòng chống ô nhiễm môi trường càng được tăng cường và phát triển. Như chúng ta đã biết, các nhân tố sinh học, các hoá chất tồn tại một cách tự nhiên và các nguy cơ vật lý đã tồn tại trong suốt quá trình phát triển của lịch sử loài người. Đồng thời các chất ô nhiễm môi trường do hoạt động của con người sinh ra cũng có quá trình phát triển từ từ và lâu dài. Cuộc khủng hoảng môi trường lần thứ nhất xuất hiện ở Châu Âu lần đầu tiên vào thế kỷ 19, nguyên nhân là do thực phẩm kém chất lượng, nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh đã làm cho nước Anh trở thành xứ sở sương mù do ô nhiễm không khí, thời gian này vấn đề ô nhiễm công nghiệp là một vấn đề hết sức nghiêm trọng nhưng bị chính phủ lờ đi vì còn nhiều vấn đề xã hội khác quan trọng hơn, mặc dù năm 1848 Quốc Hội Anh đã thông qua Luật Y tế công cộng đầu tiên trên thế giới. Trong quá trình phát triển công nghiệp, ô nhiễm kéo dài cho đến giữa thế kỷ 20 và hàng loạt những ô nhiễm mới song song với ô nhiễm công nghiệp là ô nhiễm hoá học, hoá chất tổng hợp, nhất là trước và sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Những tiến bộ của kỹ thuật, lĩnh vực hoá học, đặc biệt là ngành công nghiệp hoá chất đã tạo ra các hoá chất tổng hợp như cao su tổng hợp, nhựa, các dung môi, thuốc trừ sâu v.v đã tạo ra rất 4
- nhiều chất khó phân huỷ và tồn dư lâu dài trong môi trường như DDT, 666, Dioxin v.v gây ra ô nhiễm môi trường nặng nề, dẫn tới sự phản đối kịch liệt của cộng đồng nhiều nước trên thế giới trong suốt thời kỳ những năm 60 và 70 của thế kỷ 20. Làn sóng lần thứ 2 về các vấn đề môi trường xẩy ra vào những năm giữa của thế kỷ 20 với hai phong trào lớn là môi trường và sinh thái. Phong trào môi trường là việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là những tài nguyên không tái tạo. Kết quả là động vật trên đất liền ở nhiều vùng thiên nhiên hoang dã, các vùng đất, biển quý hiếm khác, cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn và tôn tạo. Về phong trào sinh thái tập trung vào các chất có thể gây độc cho con người hoặc có khả năng gây huỷ hoại môi trường. Kết quả của những phong trào này cùng với Hội nghị của Liên hợp quốc về môi trường và con người đã được tổ chức vào năm 1972 đã thuyết phục được nhiều chính phủ các nước thông qua luật lệ nhằm hạn chế ô nhiễm công nghiệp và phát thải rác, phòng chống ô nhiễm hoá học, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc, v.v Làn sóng lần thứ 3 về các vấn đề sức khoẻ môi trường là từ những năm 80, 90 đến nay, ngoài những vấn đề ô nhiễm công nghiệp, hoá chất còn có các vấn đề về dioxit cac bon, clorofluorocacbon gây thủng tầng ozon, vấn đề cân bằng môi trường, phát triển bền vững, môi trường toàn cầu thay đổi, khí hậu toàn cầu nóng lên, v.v sẽ còn phải giải quyết trong nhiều thập kỷ tới. HỘP 1.1. CÁC VÍ DỤ VỀ NHỮNG SỰ KIỆN SỨC KHOẺ MÔI TRƯỜNG QUAN TRỌNG - 1798 - Thomas Malthus xây dựng lý thuyết về phân bố tài nguyên và dân số - 1848 - Quốc hội Anh thông qua Luật Y tế Công cộng - 1895 - Svante Arrhenius mô tả hiện tượng hiệu ứng nhà kính - 1899 - Hiệp định quốc tế đầu tiên về cấm vũ khí hoá học - 1956 - Anh thông qua Luật Không khí Sạch - 1962 - Việc xuất bản cuốn sách Mùa xuân Lặng lẽ (Silent Spring) của Rachel Carson đã thu hút được sự chú ý tới vấn đề thuốc trừ sâu và môi trường - 1969 - Hiệp định quốc tế đầu tiên về hợp tác trong trường hợp ô nhiễm biển (Vùng Biển phía Bắc) - 1972 - Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Con người, Stockholm; DDT đã bị cấm sử dụng ở Mỹ - 1982 - Hội nghị đa phương về sự a xít hoá môi trường đã khởi đầu quá trình dẫn tới chính thức thừa nhận vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới và nhu cầu về sự kiểm soát quốc tế - 1986 - Hội nghị quốc tế đầu tiên về nâng cao sức khoẻ (health promotion) thông 5
- qua Hiến chương Ottawa, trong đó định nghĩa nâng cao sức khoẻ là tạo điều kiện cho con người kiểm soát những yếu tố quyết định tới sức khoẻ của họ. - 1987 - Báo cáo của Uỷ ban Brundtland "Tương lai chung của chúng ta" (Our Common Future) đã kêu gọi hướng tới "phát triển bền vững"; Nghị định thư Montreal về hạn chế phát thải clorofluorocacbon (CFC) vào không khí để giảm tốc độ suy giảm tầng ozon ở tâng bình lưu - 1992 - Hội nghị thượng đỉnh trái đất (Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển), Rio de Janeiro - 1994 - Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, Cairo - 1995 - Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về Phát triển Xã hội, Copenhagen - 1996 - Hội nghị của Liện Hiệp Quốc về vấn đề định cư (HABITAT II), Istanbul - 1997 - Hiệp định khung của Liên Hiệp Quốc về Thay đổi Khí hậu, Kyoto Nguồn: Yassi và cộng sự, 2001 3. NỘI DUNG KHOA HỌC MÔN SỨC KHOẺ MÔI TRƯỜNG Tất cả các khía cạnh của sức khoẻ môi trường là xác định, giám sát, kiểm soát các yếu tố vật lý, hoá học, sinh học và xã hội có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Thực hành sức khoẻ môi trường bao gồm đánh giá, kiểm soát và phòng ngừa các yếu tố trong môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ con người, đồng thời phát huy các yếu tố môi trường có lợi cho sức khoẻ. Việc này bao gồm tất cả các biện pháp cần thiết để đối mặt với các vấn đề như suy thoái môi trường, thay đổi khí hậu, các nguy cơ môi trường như ô nhiễm đất, nước, không khí, ô nhiễm thực phẩm, tiếp xúc với hoá chất và vấn đề rác thải hiện nay. Thực hành sức khoẻ môi trường còn tạo điều kiện, cơ hội để nâng cao sức khoẻ bằng cách lập kế hoạch nâng cao sức khoẻ và tiến tới xây dựng một môi trường có lợi cho sức khoẻ. Các hoạt động sức khoẻ môi trường được thực hiện ở tất cả các cấp, bao gồm: Xây dựng, phát triển các chiến lược và tiêu chuẩn, gồm: - An toàn dân số - Tư vấn cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ trong các trường hợp khẩn cấp - Theo dõi, quan trắc và xây dựng các tiêu chuẩn như tiêu chuẩn về nhà ở v.v - Nâng cao phát triển sức khoẻ Phát triển và đưa ra các khuyến cáo về sức khoẻ môi trường: - Cung cấp thông tin cho cộng đồng về sức khoẻ môi trường - Nghiên cứu sức khoẻ môi trường 6
- - Giáo dục sức khoẻ môi trường Cần phải có kế hoạch xây dựng luật sức khoẻ môi trường Quản lý môi trường vật lý: - An toàn nước, nhất là an toàn nước ở khu giải trí - An toàn thực phẩm - Quản lý chất thải rắn - An toàn và sức khoẻ nghề nghiệp - Phòng chống chấn thương - Kiểm soát tiếng ồn - Sức khoẻ và chất phóng xạ Quản lý nguy cơ sinh học Kiểm soát côn trùng và các động vật có hại - Quản lý bệnh truyền nhiễm qua vật chủ trung gian truyền bệnh - Kiểm soát vi sinh vật Quản lý nguy cơ hoá học: - Xây dựng các tiêu chuẩn an toàn hoá học cho không khí, đất, nước sinh hoạt, nước thải và thực phẩm - Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn - Đánh giá và quản lý các nguy cơ sức khoẻ ở các vùng bị ô nhiễm ví dụ như dioxin, v.v - Kiểm soát thuốc, chất độc, các sản phẩm y dược khác - Chất độc học - Kiểm soát thuốc lá Bên cạnh đó còn nhiều các yếu tố khác cần phải kiểm soát như cung cấp đủ thức ăn dinh dưỡng, cung cấp nước sạch, điều kiện vệ sinh và xử lý rác thải nhất là ở nông thôn hiện nay; cung cấp nhà ở và bảo đảm mật độ dân số v.v Ngoài ra, còn một số các yếu tố khác nhất là khả năng tiềm tàng của các nguy cơ môi trường và suy thoái môi trường tác động lên sức khoẻ do các đặc điểm sau: Thường xẩy ra sau một thời gian dài tiếp xúc Các bệnh liên quan đến môi trường thường do hoặc liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như viêm phế quản mãn tính có thể là do môi trường bị ô nhiễm, do vi khuẩn, thể lực v.v. Thực hành sức khoẻ môi trường sử dụng kiến thức và kỹ năng của nhiều lĩnh vực khác nhau để tập trung giải quyết các vấn đề sức khoẻ tiềm tàng. “Loài người là trung tâm của phát triển bền vững. Họ có quyền sống một cuộc sống khoẻ 7
- mạnh và hoà hợp với tự nhiên”. (Tuyên bố Rio de Janero về Môi trường và Phát triển) 4. QUAN HỆ GIỮA SỨC KHOẺ VÀ MÔI TRƯỜNG Khi con người đầu tiên xuất hiện trên trái đất, tuổi thọ trung bình của họ chỉ khoảng từ 30 đến 40 tuổi. Do sống trong môi trường khắc nghiệt, tuổi thọ của họ thấp hơn nhiều so với tuổi thọ của con người trong xã hội hiện nay. Tuy vậy, 30 - 40 năm cũng đủ để cho họ có thể sinh con đẻ cái, tự thiết lập cho mình cuộc sống với tư cách là một loài có khả năng cao nhất trong việc làm thay đổi môi trường theo hướng tốt lên hay xấu đi. Để có thể sống sót, những người tiền sử phải đối mặt với những vấn đề sau đây: Luôn phải tìm kiếm nguồn thức ăn và nước uống trong khi tránh ăn phải những thực vật có chứa chất độc tự nhiên (ví dụ nấm độc) hoặc các loại thịt đã bị ôi thiu, nhiễm độc. Bệnh nhiễm trùng và các ký sinh trùng được truyền từ người này sang người khác hoặc từ động vật sang con người thông qua thực phẩm, nước uống hoặc các côn trùng truyền bệnh Chấn thương do ngã, hoả hoạn hoặc động vật tấn công Nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, mưa, tuyết, thảm hoạ thiên nhiên (như bão lụt, hạn hán, cháy rừng v.v.) và những điều kiện khắc nghiệt khác. Những mối nguy hiểm đối với sức khoẻ con người luôn luôn xảy ra trong môi trường tự nhiên. Trong một số xã hội, những “mối nguy hiểm truyền thống” trên đây vẫn là những vấn đề sức khoẻ môi trường được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, khi con người đã kiểm soát được những mối nguy hiểm này ở một số vùng, thì những “mối nguy hiểm hiện đại” do sự phát triển kỹ thuật, công nghiệp tạo ra cũng đã trở thành những mối đe doạ đầu tiên đối với sức khoẻ và sự sống của con người. Một số ví dụ về các mối nguy hiểm môi trường hiện đại là: Môi trường đất, nước ở nông thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng do sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không đúng chủng loại, liều lượng và không đúng cách. Các sự cố rò rỉ các lò phản ứng hạt nhân/ nhà máy điện nguyên tử, Sự thay đổi khí hậu toàn cầu, hiệu ứng nhà kính, v.v Trong một vài thập kỷ vừa qua, tuổi thọ của con người đã tăng lên đáng kể ở hầu hết các quốc gia. Các nhà điều tra cho rằng có 3 lý do cơ bản dẫn tới việc tăng tuổi thọ của con người: Những tiến bộ trong môi trường sống của con người Những cải thiện về vấn đề dinh dưỡng Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị y học đối với các loại bệnh tật 8
- Những tiến bộ trong y tế luôn đi cùng với với những cải thiện về chất lượng môi trường, dinh dưỡng và chăm sóc y tế. Ngày nay, những người ốm yếu có cơ hội sống sót cao hơn nhiều do hệ thống chăm sóc y tế được cải thiện. Rất nhiều người luôn sống khoẻ mạnh, do có nguồn dinh dưỡng tốt và kiểm soát tốt các mối nguy hiểm về sức khoẻ môi trường. Khoa học môi trường là một môn học rất cần thiết và quan trọng dựa trên hai lý do căn bản sau đây: Nghiên cứu những mối nguy hiểm trong môi trường và những ảnh hưởng của chúng lên sức khoẻ Ứng dụng những phương pháp hiệu quả để bảo vệ con người khỏi những mối nguy hại từ môi trường. Muốn vậy chúng ta hãy xem xét thế nào là sức khoẻ và thế nào là môi trường? Trước hết chúng ta hãy điểm qua vài nét về hệ sinh thái: Ra đời từ những năm 1930, thuật ngữ “hệ sinh thái” có thể được định nghĩa như là một hệ thống gồm những mối quan hệ tương tác qua lại giữa các sinh vật sống và môi trường tự nhiên của chúng. Đó là một thực thể đóng đã đạt được các cơ chế tự ổn định và nội cân bằng đã tiến hoá qua hàng thế kỷ. Trong Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam (2005), hệ sinh thái được định nghĩa là “hệ quần thể sinh vật trong một khu vực địa lý tự nhiên nhất định cùng tồn tại và phát triển, có tác động qua lại với nhau”. Trong một hệ sinh thái ổn định, một loài này không loại trừ một loài khác, nếu không thì nguồn cung cấp thức ăn cho những loài ăn thịt sẽ không tồn tại. Các hệ sinh thái ổn định và cân bằng sẽ có tuổi thọ cao nhất. Một hệ sinh thái sẽ không thể duy trì được một số lượng lớn vật chất và năng lượng được tiêu thụ bởi một loài mà lại không loại trừ một loài khác, và thậm chí còn gây nguy hiểm cho khả năng tồn tại của toàn bộ hệ sinh thái. Tương tự như vậy, khả năng của một hệ sinh thái trong việc chứa đựng chất thải và tái tạo đất, nước ngọt không phải là vô hạn. Tại một thời điểm nào đó, những tác động từ bên ngoài sẽ phá vỡ cân bằng của hệ sinh thái, dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng hoặc làm huỷ diệt hệ sinh thái đó. Định nghĩa sức khoẻ và môi trường Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (1946) thì sức khoẻ là “trạng thái thoải mái về cả tinh thần, thể chất và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là vô bệnh, tật”. Khái niệm bệnh, tàn tật và tử vong dường như được các nhân viên y tế đề cập tới nhiều hơn so với khái niệm lý tưởng này về sức khoẻ. Do vậy “khoa học sức khoẻ” hầu như đã trở thành “khoa học bệnh tật”, vì nó tập trung chủ yếu vào việc điều trị các loại bệnh và chấn thương chứ không phải là nâng cao sức khoẻ. Tương tự như vậy, nhiều định nghĩa về môi trường trong bối cảnh sức khoẻ đã được đề cập. Theo một định nghĩa được đưa ra năm 1995, môi trường là “tất cả những gì ở 9
- bên ngoài cơ thể con người. Nó có thể được phân chia thành môi trường vật lý, sinh học, xã hội, văn hoá Bất kì môi trường nào hay tất cả các môi trường trên đều có thể ảnh hưởng tới tình trạng sức khoẻ của quần thể” (Theo Annalee, 2001). Định nghĩa này được dựa trên quan điểm là sức khoẻ của con người chủ yếu được xác định do yếu tố di truyền và môi trường. Yếu tố di truyền (gen) do cha mẹ truyền lại, bao gồm ADN trong mỗi tế bào cơ thể. Các gen này tồn tại khi phôi được hình thành và không có sự thay đổi nào về di truyền trong suốt quá trình phát triển của con người. Nếu như có sự thay đổi gen (như trong trường hợp đột biến), nó có thể dẫn tới sự mất chức năng, chết tế bào và ung thư (ở một số trường hợp đột biến cụ thể). Cơ sở vật chất di truyền của một cá thể là một trong những yếu tố chính xác định việc cá thể đó bị ảnh hưởng như thế nào bởi các yếu tố môi trường. Một số cá thể sẽ bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với các chất độc hại, các nguy hiểm môi trường với hàm lượng lớn. Một số cá thể khác lại bị ảnh hưởng ở mức độ thấp hơn, bởi vì họ có các yếu tố nguy cơ/ điều kiện kép hoặc nguy cơ/ điều kiện đã có từ trước. Một số người bị ảnh hưởng ở một mức độ rất thấp do tính nhạy cảm di truyền. Điều đó minh chứng cho những ảnh hưởng của môi trường đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, đã một thời chính con người đã làm huỷ hoại và suy thoái môi trường. Vì suy thoái môi trường nên có ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng như ung thư da tăng lên ở Ôxtrâylia khi tầng ozon bị suy giảm. Con người đã phá rừng trong quá trình phát triển của mình và hậu quả là con người phải chịu những hậu quả của lũ quét, của thay đổi khí hậu toàn cầu, của ô nhiễm các chất thải công nghiệp. Khi con người huỷ hoại môi trường thì theo qui luật nhân quả học, con người cũng phải chịu những mối đe doạ từ môi trường, đó là những mối nguy hiểm hiện đại và truyền thống. Khái niệm về sức khoẻ môi trường Hiện nay trên thế giới, vẫn còn nhiều tranh cãi về các định nghĩa như môi trường là gì? Sức khỏe môi trường là gì. Đặc biệt việc phân biệt sự khác nhau giữa hai phạm trù môi trường và sức khỏe môi trường là rất khó khăn. Sức khỏe môi trường là một thuật ngữ không dễ định nghĩa. Nếu chúng ta cho đó là “Sức khỏe của môi trường” thì dường như chúng ta không quan tâm tới một loài nào cụ thể, ví dụ loài người. Nhưng nếu một ai đó lại muốn định nghĩa thuật ngữ này ám chỉ tới sức khỏe con người thì điều này lại còn quá nhiều chỗ để tranh cãi. Hai định nghĩa dưới đây, định nghĩa đầu tiên quan tâm tới những ảnh hưởng của môi trường lên sức khỏe trong khi định nghĩa thứ hai quan tâm tới những dịch vụ sức khỏe môi trường. Định nghĩa 1: Sức khỏe môi trường bao gồm những khía cạnh về sức khỏe con người, bao gồm 10
- cả chất lượng cuộc sống, được xác định bởi các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học, xã hội và các yếu tố tâm lý trong môi trường. (theo định nghĩa trong Chiến lược Sức khỏe Môi trường Quốc gia của Ôxtrâylia - 1999). Định nghĩa này cũng ám chỉ tới cả lý thuyết và thực tiễn của việc quyết định, kiểm soát và phòng ngừa đối với những yếu tố trên trong môi trường, những yếu tố có thể có ảnh hưởng tiềm tàng bất lợi đối với sức khỏe của các thế hệ hiện tại cũng như các thế hệ tương lai. Định nghĩa 2: Các dịch vụ sức khỏe môi trường là những dịch vụ nhằm cải thiện các chính sách về sức khỏe môi trường qua các hoạt động giám sát, kiểm soát. Chúng cũng thực hiện vai trò tăng cường sự cải thiện những giới hạn của môi trường và khuyến khích việc sử dụng các công nghệ sạch và khuyến khích những thái độ cũng như những cách cư xử tốt đối với môi trường và sức khỏe. Những dịch vụ này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển và đề xuất những chính sách mới về sức khoẻ môi trường. 5. TÁC ĐỘNG CỦA DÂN SỐ, ĐÔ THỊ HOÁ LÊN SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG VÀ MÔI TRƯỜNG Những thách thức về dân số Việt Nam là rất nghiêm trọng đối với tất cả các vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tăng dân số vẫn ở mức cao 1,7% (1999) và di dân nội bộ từ các khu vực nghèo tài nguyên và kinh tế kém phát triển vẫn đang tăng lên và không kiểm soát được. Theo Tổng cục Thống kê, cho đến cuối năm 2006, dân số nước ta đã là hơn 84 triệu người. Theo dự báo đến năm 2020, dân số nước ta xấp xỉ 100 triệu người, trong khi đó các nguồn tài nguyên đất, nước và các dạng tài nguyên khác có xu thế suy giảm, vấn đề nghèo đói ở các vùng sâu, vùng xa chưa được giải quyết triệt để. Hiện tại, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2006), thu nhập bình quân đầu người năm 2004 là 484.400 đồng/ tháng, trong đó, sự chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị là gần 440.000 đồng/ tháng. Tỉ lệ hộ nghèo trong cả nước năm 2004 là 19,5%; và có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn (3,6% ở thành thị và 25,0% ở nông thôn). Quá trình đô thị hoá và phát triển kinh tế bằng con đường công nghiệp hoá đòi hỏi nhu cầu về năng lượng, nguyên liệu ngày càng to lớn, kéo theo chất lượng môi trường sống ngày càng xấu đi nếu không có các biện pháp hữu hiệu ngay từ đầu. Mặt khác, quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá ở nhiều khu vực, vùng lãnh thổ lại không được quán triệt đầy đủ theo quan điểm phát triển bền vững, nghĩa là chưa tính toán đầy đủ các yếu tố môi trường trong phát triển kinh tế xã hội. Theo dự kiến, tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt xấp xỉ 7%/năm và được duy trì liên tục đến năm 2010. Theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài, nếu GDP tăng gấp đôi thì nguy cơ chất thải tăng gấp 3 - 5 lần. Và nếu như trình độ công nghệ sản xuất, cơ cấu sản xuất, trình độ quản lý sản xuất, trình độ quản lý môi trường không được cải tiến thì sự 11
- tăng trưởng sẽ kéo theo tăng khai thác, tiêu thụ tài nguyên và năng lượng. Điều này dẫn đến khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tạo ra sự gia tăng các loại chất thải và ô nhiễm môi trường gây nên sức ép cho môi trường. Trong khi đó môi trường đô thị, công nghiệp và nông thôn tiếp tục bị ô nhiễm. Đến năm 2006, dân đô thị đã là 27,1% so với dân số cả nước - tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2005 (Tổng cục Thống kê, 2006), dự kiến năm 2010 là 33% và 2020 là 45%. Môi trường đô thị ở nước ta bị ô nhiễm bởi các chất thải rắn, nước thải chưa được thu gom và xử lý theo đúng qui định. Khí thải, bụi, tiếng ồn v.v từ các phương tiện giao thông nội thị và mạng lưới sản xuất qui mô vừa và nhỏ cùng với cơ sở hạ tầng yếu kém càng làm cho điều kiện vệ sinh môi trường ở nhiều đô thị đang thực sự lâm vào tình trạng đáng báo động. Hệ thống cấp và thoát nước lạc hậu, xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu. Mức ô nhiễm không khí về bụi, các khí thải độc hại nhiều nơi vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vượt tiêu chuẩn cho phép 2 - 3 lần: VD: Hà Nội, thành phố trong bụi Hà Nội đang trong quá trình đô thị hoá. Những công trình hạ tầng cơ sở về cấp, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, đường sá, nhà hát, sân thi đấu thể thao, nhà ở liên tục được sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới. Có thể ví Hà Nội hiện nay như một đại công trường, hàng ngày tạo ra một lượng lớn bụi bẩn. - Quá tải: Nồng độ bụi bẩn ở Hà Nội ngày một nhiều hơn. Trung bình ở các nơi công cộng trong thành phố nồng độ bụi vượt quá chuẩn cho phép từ 2 đến 4 lần (theo tiêu chuẩn của các nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ, nồng độ bụi ở các thành phố chỉ được phép vượt quá tiêu chuẩn cho phép 1-2 lần). Hứng chịu nhiều nhất là các khu vực đang xây dựng, cải tạo, sửa chữa: Mai Động, Thượng Đình, ngã tư Vọng, Cầu Diễn, Bắc Thăng Long, Chèm, Văn Điển, Láng - Hoà Lạc, Trần Duy Hưng , vượt quá chuẩn cho phép 5 lần. Nồng độ các chất ô nhiễm khác đều vượt chuẩn nhiều lần, cực độc có Pb, SO2. Ô nhiễm do bụi cao nhất là vào hôm trời hành, gió mạnh. - Nguyên nhân gây ra bụi Ngoài chuyện đổ rác bừa bãi của dân, thì phế thải rắn trong xây dựng (đất, đá, sỏi ), vật liệu thi công được coi là tác nhân chính gây bụi bẩn. Từ trung tâm đến ngoại ô, từ các trục giao thông chính đến ngõ ngách, đâu đâu cũng thấy xây dựng. Thành phố đã quy định về bảo đảm vệ sinh, tránh bụi bẩn, các công trình xây dựng nhà ở phải được che chắn kỹ, nhưng không ít chủ công trình đã lờ đi. Nhiều chủ phương tiện chở vật liệu, phế thải không che đậy kín, chở quá tải trọng, phóng nhanh làm rơi vãi ra đường phố. Các công trình thi công, kè sông, đường giao thông, cầu vượt, đường hầm dành cho 12
- người đi bộ không hoàn thành đúng tiến độ, đã tạo nên một lượng bụi rất lớn: cụ thể là đường hầm ngã tư Vọng, hành lang Tây Sơn dài 6,8 km Ngoài ra còn có bụi, khói từ các khu công nghiệp tập trung (cũ và mới), ô tô, xe máy. Đa phần các cơ sở sử dụng công nghệ lạc hậu, dùng than đá mà không có thiết bị thu gom xử lý bụi. Các nhà máy đan xen với dân cư, cơ sở hạ tầng không được xây dựng đồng bộ nên cũng gây ô nhiễm nặng. Môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm do các điều kiện vệ sinh và cơ sở hạ tầng yếu kém. Việc sử dụng không hợp lý các hoá chất nông nghiệp đã và đang làm cho môi trường nông thôn ô nhiễm và suy thoái. Việc phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nước sinh hoạt và vệ sinh là vấn đề cấp bách, tỷ lệ hố xí hợp vệ sinh ở nông thôn thấp, chỉ đạt 18% theo TC 08/QĐ-BYT (Cục YTDP Việt Nam, 2006). Cho đến năm 2005, toàn quốc có 62% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch (Cục BVMT, 2005). Nạn khai thác rừng bừa bãi, thậm chí xảy ra ở cả các khu rừng cấm, rừng đặc dụng; nạn đốt phá rừng đã gây ra những thảm hoạ cháy rừng nghiêm trọng như vụ cháy rừng nước mặn U Minh năm 2001. Đồng thời, việc săn bắt động vật hoang dã cũng đang làm suy giảm đa dạng sinh học và gây huỷ hoại môi trường. Những vấn đề của môi trường xã hội ngày càng trở nên bức xúc như ma tuý, HIV/AIDS, bạo lực, và gần đây là các vụ dịch như SARS, cúm gia cầm H5N1 Những vấn đề môi trường toàn cầu như tầng ozon bị suy giảm, hiệu ứng nhà kính, khí hậu toàn cầu nóng lên, thay đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, hiện tượng El-Nino, La-Nina gây nên các hiện tượng hạn hán, lũ lụt xẩy ra ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đồng thời, nạn chuyển dịch ô nhiễm sang các nước đang phát triển cũng là một vấn đề cần chú trọng. Từ những vấn đề trên thực tế đòi hỏi phải có một chính sách về môi trường, sức khoẻ môi trường một cách đúng đắn, đồng bộ và hợp lý trong giai đoạn phát triển mới của đất nước ta. 6. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN CHO MÔI TRƯỜNG LÀNH MẠNH 6.1. Bầu không khí trong sạch Không khí rất cần thiết cho sự sống, nếu thiếu không khí, con người sẽ chết chỉ sau một vài phút. Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường trầm trọng nhất trong các xã hội ở tất cả các cấp độ phát triển kinh tế khác nhau. Hàng ngày, có khoảng 500 triệu người phải tiếp xúc với một hàm lượng lớn ô nhiễm không khí trong nhà ở các dạng như: khói từ các lò sưởi không kín hoặc lò sưởi được thiết kế tồi. Có khoảng 1,5 tỉ người ở các khu vực thành thị phải sống trong môi trường bị ô nhiễm không khí nặng nề. Sự phát triển của ngành công nghiệp đi 13
- đôi với việc thải ra số lượng lớn các khí và các chất hạt từ quá trình sản xuất công nghiệp và từ quá trình đốt cháy các nhiên liệu hoá thạch cho nhu cầu giao thông vận tải và lấy năng lượng. Khi các tiến bộ công nghệ đã bắt đầu chú trọng đến việc kiểm soát ô nhiễm không khí bằng cách giảm việc thải ra các chất hạt thì người ta vẫn tiếp tục thải ra các chất khí, do vậy ô nhiễm không khí vẫn còn là vấn đề lớn. Mặc dù hiện nay nhiều nước phát triển đã có những nỗ lực lớn để kiểm soát cả việc thải khí và các chất hạt, ô nhiễm không khí vẫn là nguy cơ đối với sức khoẻ của nhiều người. Ở những xã hội phát triển nhanh chóng, việc kiểm soát ô nhiễm không khí không được đầu tư thích hợp vì còn những ưu tiên khác về kinh tế và xã hội. Việc phát triển công nghiệp nhanh chóng ở những nước này đã xảy ra đồng thời với việc gia tăng lượng ô tô và các loại xe tải khác, nhu cầu điện thắp sáng tại các hộ gia đình cũng tăng lên, dân số tập trung ở các khu đô thị hoặc các thành phố lớn. Kết quả là một số thảm hoạ ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới đã xẩy ra. Ở các quốc gia nơi mà việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch ở các hộ gia đình vẫn chưa được chú trọng, ô nhiễm không khí đã trở thành một vấn đề trầm trọng vì năng lượng dùng để sưởi ấm và đun nấu còn thiếu và sản sinh ra rất nhiều khói, dẫn đến ô nhiễm trong nhà và ngoài trời. Kết quả là con người có thể bị kích thích màng nhày, mắc các bệnh hô hấp, bệnh phổi, các vấn đề về mắt và tăng nguy cơ bị ung thư. Phụ nữ và trẻ em ở những cộng đồng nghèo khổ tại các nước đang phát triển là những người đặc biệt phải tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí. Chất lượng không khí trong nhà cũng là vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nước phát triển vì các toà nhà được thiết kế theo kiểu kín gió và có hiệu quả cao về mặt năng lượng. Hệ thống lò sưởi và hệ thống làm lạnh, khói, hơi từ các vật liệu tích trữ trong nhà tạo ra nhiều chất hoá học và gây ra ô nhiễm không khí. 6.2. Có đủ nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt Nước cũng rất cần thiết cho sự sống. Trung bình mỗi người cần phải uống tối thiểu 2 lít nước/ ngày. Nếu sau 4 ngày không có nước, con người sẽ chết. Nước cũng cần thiết cho thực vật, động vật, và nông nghiệp. Trong suốt lịch sử phát triển, con người luôn tập trung sống dọc theo các bờ sông, ven hồ để lấy nước cho sinh hoạt và nông nghiệp. Nước cũng cung cấp phương tiện vận chuyển tự nhiên, được sử dụng để xử lý chất thải và đóng một vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp, ngư nghiệp và các trang trại. Mặc dù nước ngọt được coi là một nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng, nhưng nước ngọt cũng không phải là một nguồn vô hạn. Hơn nữa, nước được phân bố không đồng đều ở các khu vực địa lý và dân cư trên thế giới. Tại rất nhiều nơi, việc thiếu nước đã trở thành trở ngại lớn đối với việc 14
- phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Trong một số trường hợp, việc thiếu nước đã gây ra nhiều cuộc xung đột (ví dụ: những xung đột tranh chấp nước ngọt ở các nước khu vực Trung Đông). Việc khan hiếm nước dẫn đến đói nghèo và làm cằn cỗi đất đai. Rất nhiều thành phố và các khu vực nông thôn đã khai thác nước từ các tầng nước ngầm với số lượng rất lớn, lớn hơn cả khả năng mà bản thân các tầng nước ngầm này có thể tự bổ sung lại được. Chất lượng của nước ngọt có tầm quan trọng rất lớn trong việc duy trì sức khoẻ con người. Rất nhiều bệnh truyền nhiễm đe doạ sự sống và sức khoẻ con người được truyền qua nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bẩn. Khoảng 80% các bệnh tật ở các nước đang phát triển là do thiếu nước sạch và thiếu các phương tiện phù hợp để xử lý phân (WHO, 1992). Có khoảng một nửa dân số trên thế giới mắc phải các bệnh do thiếu nước hoặc nước bị nhiễm bẩn, gây ảnh hưởng chủ yếu đối với tầng lớp người nghèo ở tất cả các nước đang phát triển. Có khoảng 2 tỉ người trên trái đất có nguy cơ mắc phải các bệnh ỉa chảy lây lan qua đường nước hoặc thực phẩm, đây là nguyên nhân chính gây ra tử vong khoảng gần 4 triệu trẻ em mỗi năm. Các vụ dịch tả, thường được truyền qua nước uống bị nhiễm bẩn, đang tăng lên nhanh chóng về mặt tần suất. Bệnh sán máng (200 triệu người nhiễm bệnh) và bệnh giun (10 triệu người bị nhiễm bệnh) là 2 dạng bệnh phổ biến trầm trọng nhất có liên quan tới nước. Các vectơ côn trùng sinh sản nhờ nước cũng truyền các bệnh đe doạ sự sống của con người, chẳng hạn như sốt rét (267 triệu người bị nhiễm), giun chỉ (90 triệu người nhiễm), giun dưới da (18 triệu người nhiễm) và sốt xuất huyết (30 60 triệu người nhiễm) (WHO, 1992). Việc thiếu nước thường dẫn đến các vấn đề có liên quan tới chất lượng nước. Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp và các khu đô thị đã làm vượt quá khả năng của các vực nước tự nhiên trong việc phân huỷ các chất thải có khả năng phân huỷ sinh học và hoà tan các chất thải không có khả năng phân huỷ sinh học. Ô nhiễm nước xảy ra trầm trọng nhất ở các thành phố nơi mà việc kiểm soát các dòng thải công nghiệp không chặt chẽ và thiếu các ống, rãnh dẫn nước thải, thiếu các nhà máy xử lý nước thải. 6.3. Đủ thực phẩm và thực phẩm an toàn Thực phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể con người. Tuỳ vào trọng lượng cơ thể và các hoạt động về thể lực mà cơ thể con người cần khoảng 1000-2000 calo năng lượng mỗi ngày. Nếu như không có thực phẩm, con người sẽ chết sau 4 tuần. Thực phẩm cũng cung cấp các vitamin và các chất vi lượng, nếu không có các chất này, con người cũng sẽ mắc một số bệnh thiếu hụt. Trong vài thập kỉ vừa qua, hệ thống sản xuất lương thực của thế giới đã đáp ứng đủ so với nhu cầu tăng trưởng dân số (Hình 1.3). Tuy nhiên, những thành công trong nông nghiệp toàn cầu cũng không được phân bố đồng đều. Các nước Châu Á và Châu Mỹ La Tinh đã tăng sản lượng lương thực trên đầu người một cách đáng kể, nhưng sản lượng 15
- lương thực của các nước châu Phi vẫn chưa theo kịp được mức tăng trưởng dân số của họ, và các nước thuộc Liên Xô cũ cũng đã giảm sút sản lượng lương thực một cách đáng kể. Đối với phần lớn dân số trên thế giới, suy dinh dưỡng và các bệnh liên quan tới suy dinh dưỡng vẫn còn là một nguyên nhân chính gây ra tình trạng ốm yếu và chết yểu. Các tác nhân gây bệnh qua thực phẩm gây ra hàng triệu ca ỉa chảy mỗi năm, bao gồm cả hàng nghìn người ở những nước phát triển. Việc phân bố và sử dụng thức ăn không hợp lý là thủ phạm chính gây ra các ca bệnh này. Việc suy thoái đất và cạn kiệt các nguồn nước một cách nhanh chóng cũng tạo ra mối đe doạ nguy hiểm đối với việc sản xuất lương thực trong tương lai. 8. KHÁI NIỆM MÔI TRƯỜNG HỖ TRỢ SỨC KHOẺ Trong khái niệm môi trường hỗ trợ sức khoẻ, người ta bàn tới các yếu tố quyết định sức khoẻ của toàn bộ quần thể, bao gồm các yếu tố sau: Vai trò của các yếu tố môi trường địa phương trong sự phát triển lành mạnh của một cộng đồng Một cách tiếp cận tạo điều kiện nâng cao sức khoẻ cũng như bảo vệ khỏi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ môi trường Xây dựng công bằng trong y tế đối với một cộng đồng Tầm quan trọng của phát triển bền vững như là một vấn đề sức khoẻ Tầm hiểu biết của con người về môi trường trên một diện rộng Nhận thức của con người về sự quan tâm và tham gia của cá nhân nhằm duy trì hoặc tạo ra một môi trường lành mạnh Nguồn: Haglund và cộng sự, 1992. 8. TỔNG QUAN VỀ CHÍNH SÁCH VÀ QUẢN LÝ SỨC KHOẺ MÔI TRƯỜNG 8.1. Tình hình thực hiện Chính sách và quản lý môi trường Về chính sách bảo vệ môi trường. Vào những năm 80, lần đầu tiên các nhà khoa học đã đưa ra dự thảo chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Tháng 12/1992, Hội nghị Quốc tế về Môi trường và Phát triển Bền vững đã thông qua kế hoạch 10 năm về môi trường, đây được coi như một chiến lược quốc gia về môi trường cho giai đoạn 1991 - 2000. Trên cơ sở đó, nhiều chính sách, văn bản pháp luật, hàng loạt các hoạt động về quản lý môi trường đã được ban hành như Luật Bảo vệ Môi trường (1993, sửa đổi bổ sung năm 2005), Nghị định 175/CP về "Hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường", Nghị định 26/CP về "Xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường". Đặc biệt năm 1998, Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 36/CT-TW về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương đã được hình thành và đi 16
- vào hoạt động nề nếp. Những điều này đã góp phần không nhỏ ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng môi trường ở nước ta. Về chính sách quản lý sức khoẻ môi trường, trong thời gian qua, ngành y tế đã có một số những chính sách, chiến lược riêng lẻ cho những hoạt động về sức khoẻ môi trường như quản lý chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm (Cục Quản lý Chất lượng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Viện Dinh dưỡng, ), những chính sách về vệ sinh học đường, xây dựng các chỉ số đánh giá chất lượng nước sinh hoạt, xây dựng tiêu chuẩn về vệ sinh lao động và xác định những bệnh nghề nghiệp v.v Một vấn đề cơ bản là ngành y tế đã có một hệ thống hoàn chỉnh, hoạt động có hiệu quả từ trung ương đến địa phương, đó là hệ thống y học dự phòng, các hoạt động về sức khoẻ môi trường đều thông qua hệ thống này. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các chính sách và chiến lược về sức khoẻ môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta chưa có một hội nghị nào có tầm cỡ quốc gia bàn về chiến lược, các chính sách riêng, cụ thể cho sức khoẻ môi trường bởi lẽ chúng ta cũng chưa ra được một định nghĩa rõ ràng hay một khái niệm cụ thể về sức khoẻ môi trường ở Việt Nam. Đây là một vấn đề trong thời gian tới các cấp, các cơ sở y tế trong toàn quốc cần phải quan tâm và tiến hành. Cơ quan giữ vai trò quan trọng trong việc này là Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế trong việc phối hợp với ngành môi trường cần đề nghị Chính phủ để có một Hội nghị quốc gia bàn về chính sách và chiến lược quốc gia về sức khoẻ môi trường. Trong năm 2006, diễn đàn quốc gia về sức khoẻ môi trường đã được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với sự phối hợp của Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Bản thảo chiến lược quốc gia về sức khoẻ môi trường cũng đã được đưa ra bàn luận tại diễn đàn để tiến hành thu thập ý kiến xây dựng. 8.2. Thực trạng và chiến lược về sức khoẻ môi trường Tuy Việt Nam đã đạt nhiều kết quả về bảo vệ môi trường, tránh hiệu quả xấu tác động lên sức khoẻ con người, nhưng còn nhiều vấn đề bất cập trong quản lý môi trường, sức khoẻ môi trường như qui hoạch môi trường chưa lồng ghép với phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục-đào tạo, nâng cao nhận thức môi trường, qui hoạch phát triển đô thị, qui hoạch quản lý tổng thể rừng, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, v.v . Hệ thống tổ chức quản lý, cơ chế và chính sách còn nhiều hạn chế. Kinh phí ít, đầu tư dàn trải nên kết quả nhiều khi không thấy rõ ràng, làm cộng đồng dân cư thay đổi nhận thức còn quá chậm, làm cho môi trường và sức khoẻ môi trường hiện tại còn nhiều điều cần bàn. 8.2.1. Thực trạng Môi trường tiếp tục xuống cấp - Rừng tiếp tục bị suy thoái 17
- - Đa dạng sinh học trên đất liền và dưới biển tiếp tục bị suy giảm - Chất lượng các nguồn nước tiếp tục xuống cấp - Môi trường đô thị và công nghiệp tiếp tục bị ô nhiễm - Chất lượng môi trường nông thôn có xu hướng xuống cấp nhanh - Môi trường lao động ngày càng bị nhiễm độc -Sự cố môi trường gia tăng mạnh - Môi trường xã hội: phân hoá giầu nghèo ngày càng tăng, tệ nạn xã hội, v.v Tác động của môi trường toàn cầu - Vấn đề môi trường của lưu vực sông Mê Kông và sông Hồng - Vấn đề môi trường của các rừng chung biên giới - Vấn đề mưa a-xít - Vấn đề ô nhiễm tầng khí quyển, hiệu ứng nhà kính và suy giảm tầng ozon, hậu quả của vấn đề này gây ra: + Sự thay đổi khí hậu của trái đất đẫn đến sự mất cân bằng của hệ sinh thái + Mực nước biển dâng cao do nhiệt độ trái đất tăng + Hiện tượng El-nino và La-nina làm gia tăng mưa bão và hạn hán nghiêm trọng + Vấn đề ô nhiễm biển và đại dương - Vấn đề chuyển dịch ô nhiễm Thách thức của môi trường nước ta trong thời gian tới - Xu thế suy giảm chất lượng môi trường tiếp tục gia tăng - Tác động của các vấn đề môi trường toàn cầu ngày càng mạnh và phức tạp hơn - Gia tăng dân số và di dân tự do tiếp tục gây áp lực lên môi trường - Tăng trưởng nhanh về kinh tế cùng với việc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã và đang tác động mạnh lên môi trường - Hội nhập quốc tế, du lịch và tự do hoá thương mại toàn cầu sẽ gây ra nhiều tác động phức tạp về mặt môi trường - Nhận thức về môi trường và phát triển bền vững còn thấp kém - Năng lực quản lý môi trường và sức khoẻ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu - Mẫu hình tiêu thụ lãng phí hay khát tiêu dùng. 8.2.2. Chiến lược Phòng ngừa ô nhiễm Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học Cải thiện môi trường tự nhiên và xã hội. 18
- 8.2.3. Giải pháp Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về môi trường và sức khoẻ môi trường Tăng cường vai trò sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, tư nhân trong bảo vệ môi trường Tăng cường và đa dạng hoá đầu tư bảo vệ môi trường Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về môi trường và sức khoẻ môi trường Mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút tài trợ nước ngoài Kết hợp chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Cần có một chiến lược quốc gia về sức khoẻ môi trường TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia 2001-2010. Định hướng kế hoạch hành động ưu tiên về bảo vệ môi trường giai đoạn 2001-2005 (Kế hoạch hành động môi trường 2001-2005), Hà Nội, 2001. 2. UNEP, 2001. Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam, 2001. 3. Annalee, Y. et al. Basic Environmental Heatlh, Oxford University Press, 2001. 4. Monroe T. Morgan. Environmental Health, 2nd Edition, Morton Publishing Company, 1997. 5. The National Environmental Health Strategy, Publications Production Unit, Commonwealth Department of Health and Aged Care, Commonwealth of Australia, 1999. 19
- BÀI 2. CƠ SỞ SINH THÁI HỌC CỦA SỨC KHOẺ VÀ BỆNH TẬT MỤC TIÊU BÀI HỌC Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng: 1. Mô tả được mối quan hệ giữa các hoạt động của con người và mất cân bằng sinh thái 2. Trình bày được những tác động của thay đổi hệ sinh thái lên sức khoẻ con người 3. Giải thích được mối quan hệ giữa sức khoẻ con người và môi trường xung quanh 4. Trình bày được một số bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm liên quan đến môi trường 1. CON NGƯỜI VÀ HỆ SINH THÁI 1.1. Thế nào là một hệ sinh thái Theo luật Bảo vệ môi trường Việt Nam 2005, hệ sinh thái là hệ quần thể sinh vật trong một khu vực địa lý tự nhiên nhất định cùng tồn tại và phát triển, có tác động qua lại với nhau. Hệ sinh thái bao gồm cả thành phần lý học và hoá học như đất, nước và các chất dinh dưỡng cung cấp cho các sinh vật sống trong nó. Những sinh vật này có thể là những động vật, thực vật bậc cao, với cấu trúc cơ thể phức tạp nhưng cũng có thể là các vi sinh vật nhỏ bé. Hệ sinh thái bao gồm những mối tác động qua lại giữa các sinh vật sống trong một sinh cảnh nhất định và con người là một phần của hệ sinh thái. Sức khoẻ và sự phồn thịnh của xã hội loài người phụ thuộc vào những lợi ích mà hệ sinh thái mang lại. Con người đã được hưởng rất nhiều sản phẩm của các hệ sinh thái tự nhiên như thức ăn, động - thực vật làm cảnh, gỗ để xây dựng và làm nhiên liệu, cùng vô vàn các loài động vật, thực vật rất có giá trị trong công tác phòng và chữa bệnh. Những sản phẩm này chiếm một phần quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia. Tuy nhiên, gần đây người ta mới nhận thấy rằng các hệ sinh thái tự nhiên còn đóng nhiều vai trò hết sức quan trọng khác cho sự tồn tại và phát triển của con người. Một số trong những vai trò này là khả năng làm sạch không khí và nước, giải độc và phân giải các loại rác thải, điều hoà khí hậu, tăng sự màu mỡ cho đất, kiểm soát hầu hết các động thực vật có hại cho nông nghiệp, tạo ra và duy trì đa dạng sinh học cung cấp giống cho nông nghiệp, nguyên vật liệu cho công nghiệp, dược liệu v.v. Những lợi ích này tương đương hàng nghìn tỉ đô la mỗi năm, tuy nhiên hầu như không được quy ra tiền để có thể thức tỉnh nhận thức con người nhằm thay đổi các hành vi làm tổn hại tới hệ sinh thái. 1.2. Môi trường và sức khoẻ con người Tần suất mắc các bệnh do các yếu tố môi trường gây ra phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện địa lý và tình trạng kinh tế của từng quốc gia. Việc phơi nhiễm với các nguy cơ 20
- từ môi trường có liên quan chặt chẽ tới tình trạng phát triển của mỗi quốc gia và tình trạng kinh tế - xã hội của từng cá nhân và từng cộng đồng. Những người nghèo thường ít được bảo vệ khỏi các nguy cơ môi trường hơn những người giàu, cho dù đó là những nguy cơ từ các nhà máy, chất thải độc hại, môi trường trong và ngoài nhà, nước sinh hoạt bị ô nhiễm v.v Trong khoảng 3 - 4 thập kỷ trở lại đây, ở những quốc gia có nền công nghiệp phát triển, việc kiểm soát ô nhiễm, thay đổi công nghệ, các quy định và luật môi trường được thực hiện chặt chẽ đã góp phần làm giảm đáng kể việc phơi nhiễm của con người với các tác nhân độc hại. Mặc dù những nước này đã cố gắng cắt giảm những nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng tới sức khoẻ con người từ các tác nhân môi trường, nhưng toàn thế giới hiện đang phải đối mặt với việc thiếu nước sạch do dân số thế giới ngày một tăng, nhu cầu sử dụng nước cũng ngày một tăng. Việc sử dụng nguyên liệu hoá thạch và thải ra những chất khí gây ảnh hưởng tới tầng ô zôn là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “hiệu ứng nhà kính” và “phá huỷ tầng ô zôn”. Con người luôn chịu những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ các nguy cơ môi trường. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, tăng nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch và các bệnh phổi mạn tính. Cũng theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP, 2003), cứ 6 người thì có 1 người thường xuyên không có được nguồn nước uống an toàn, hơn 1/3 dân số thế giới (khoảng 2,4 tỉ người) không có các điều kiện vệ sinh đầy đủ, cứ mỗi 8 giây lại có 1 trẻ em chết vì các bệnh có liên quan tới nước và 80% các bệnh tật, tử vong tại các nước đang phát triển là có liên quan đến nước. Công nhân và cộng đồng dân cư ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang phải chịu những nguy cơ tiềm ẩn từ các sự cố công nghiệp. Vụ nổ ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Liên Xô cũ, 1986) hay vụ nổ ở nhà máy hoá chất Bhopal (Ấn độ, 1984) là những ví dụ điển hình, với hàng trăm đến hàng nghìn người tử vong, hàng trăm nghìn người phải chịu ảnh hưởng (hộp 1). Ví dụ: Thảm hoạ Bhopal, Ấn Độ, 1984. Vụ thảm hoạ xảy ra vào khoảng 22h đêm 2/3/1984 tại trung tâm thành phố Bhopal với khoảng 900.000 dân, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, và trở thành vụ thảm hoạ sự cố công nghiệp lớn nhất trong lịch sử. Vào lúc 22h đêm 2/3/1984, khoảng 40.000 tấn methyl isocyanate (MIC) - một loại chất trung gian được sử dụng trong quy trình sản xuất hoát chất bảo vệ thực vật -rò rỉ từ 2 hầm lưu trữ từ một nhà máy Liên hợp sản xuất hoá chất bảo vệ thực vật. Đây là một loại hoá chất nguy hiểm, có đặc tính nhẹ hơn nước một chút, nhưng lại nặng hơn không khí gấp 2 lần, do vậy, khi thoát ra không khí, đám khí này sẽ tồn tại ở gần mặt đất. Sự rò rỉ này kéo dài gần 2 tiếng, bắt đầu từ 22h ngày 2/3/1984. Do hiện tượng nghịch đảo nhiệt, khí MIC sau khi rò rỉ không thoát lên cao được, và đám mây khí này bao phủ một diện tích khoảng 8km2 quanh nhà máy. Đám mây khí độc hại này dày đặc đến nỗi 21
- mọi người gần như không nhìn thấy gì. Đám khí này gây ho kích ứng, ngạt thở, cay xè - bỏng mắt. Khí độc này làm bỏng các mô ở mắt và phổi nạn nhân, tấn công hệ thần kinh trung ương, làm con người mất khả năng tự điều khiển (đái, ỉa không tự chủ trong quá trình chạy trốn). Vụ rò rỉ xảy ra vào ban đêm, lúc hầu hết mọi người đang ngủ nên số lượng nạn nhân rất lớn, 2.000 người chết vào ngay sáng hôm sau thảm hoạ, và trong vòng 1 tháng sau sự cố, có thêm 1.500 người chết. 300.000 người phải nhập viện vì ngộ độc khí MIC. Sau thảm họa, những nạn nhân còn sống sót bị ảnh hưởng nặng nề như: ung thư, rối loạn kinh nguyệt, quái thai, dị dạng bẩm sinh v.v 50.000 người không thể quay trở lại làm việc do bị chấn thương, nhiều người thậm chí không thể đi lại được. Đến năm 1989, Liên hợp sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật đồng ý chi trả 470 triệu đô la cho việc đền bù thiệt hại do vụ rò rỉ khí MIC gây ra. Tuy nhiên, các nạn nhân không được tham gia ý kiến trong các buổi thương thảo về việc định cư của họ. Nhiều nạn nhân cảm thấy mình bị lừa khi chỉ nhận được các khoản đền bù từ 300 đến 500 $ hoặc số tiền tương đương với các điều trị về mặt y tế trong 5 năm. (Nguồn: truy cập ngày 5/4/2007 và truy cập ngày 30/3/2007.) 1.3. Sự ổn định của hệ sinh thái: nền tảng của sức khỏe con người Sức khỏe của con người không chỉ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những chất ô nhiễm do con người hít phải, ăn phải, hay thấm qua da con người. Các chất độc hại còn ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe con người bằng cách phá vỡ sự ổn định của các hệ sinh thái, do vậy làm giảm năng suất của hệ sinh thái và tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân có hại cho sức khỏe của con người sinh trưởng và phát triển. Chẳng hạn, việc phá rừng lấy gỗ, đốn củi, lấy đất canh tác hoặc chăn nuôi làm giảm khả năng giữ nước của rừng, tăng các dòng chảy xuống sông suối và gây nên lụt lội, trượt đất, thậm chí lũ quét. Những hoạt động này đã gây ra các vụ lụt và trượt đất liên tiếp ở Bangladesh và Philippines. Lụt lội làm giảm năng suất nông nghiệp, và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, thậm chí tử vong do đuối nước hoặc do chấn thương. Lụt lội cũng làm phá hủy các nhà máy xử lý nước và chất thải, tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm lây lan. Ở những khu vực mà người dân sống quanh lưu vực các con sông, và nguồn nước ăn, uống của họ là nước bề mặt tại các sông thì những ảnh hưởng tới sức khỏe của dân cư tại vùng này trong và sau bão lụt lại càng nặng nề hơn. Việc phá các khu rừng nhiệt đới cũng làm tăng sự lan truyền của bệnh sốt rét và một số bệnh do ký sinh trùng, vì khi phá rừng con người đã làm tăng số lượng của các vũng nước tĩnh, nước đọng xung quanh các khu rừng vừa bị đốn hạ và những con đường được tạo ra để chuyên chở gỗ, củi. 22
- Việc phá rừng, đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt là ở quanh các lưu vực sông, đã làm tăng lượng các trầm tích lắng đọng và những chất ô nhiễm khác trong sông - nguồn nước thường được sử dụng để làm nước ăn uống và sinh hoạt cho con người. Hậu quả là con người lại phải đầu tư những trang thiết bị đắt tiền để xử lý nước nhằm bảo vệ sức khoẻ của mình. Các nguồn nước thải từ đô thị cũng như các loại phân bón hoá học được thải vào trong môi trường đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các vi sinh vật trong các dòng sông và trong các vùng biển nông, từ đó lại làm giảm nồng độ ô xy hoà tan trong nước, ảnh hưởng tới cá và các loài sinh vật khác. Ngoài những tác hại trên, phá rừng còn làm thay đổi điều kiện khí hậu trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. Theo hai nhà bác học Myers và Shulka, phá rừng làm thay đổi lượng mưa trong một khu vực và làm tăng sự ấm nóng trên toàn cầu. Những mất cân bằng trong hệ khí quyển toàn cầu cũng tạo ra những nguy cơ gián tiếp đối với sức khoẻ con người. Khí thải có chứa các hợp chất hydrocarbon từ các loại máy lạnh, tủ lạnh và từ các nhà máy làm phá huỷ ôzôn ở tầng bình lưu. Kết quả là nguy cơ mắc ung thư da ở người có thể tăng lên. 1.4. Các hoạt động của con người và tác động lên hệ sinh thái Các hệ sinh thái tự nhiên tham gia vào rất nhiều quá trình khác nhau và có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới con người và các sinh vật khác. Những hoạt động của con người trong môi trường đã, đang và sẽ làm thay đổi rất nhiều quá trình tự nhiên này theo một chiều hướng bất lợi cho sức khoẻ và sự phồn thịnh của chính xã hội loài người. Bảng sau đây sẽ tóm tắt một số quá trình tự nhiên và những tác động của con người lên những quá trình này: Bảng 1. Những ảnh hưởng của con người lên một số quá trình diễn ra trong hệ sinh thái Các quá trình của hệ sinh thái Tác động của con người Quá trình tạo đất Các hoạt động trong nông nghiệp đã tăng sự tiếp xúc của lớp đất bề mặt với mưa nắng làm giảm đáng kể lớp đất bề mặt màu mỡ Kiểm soát chu trình nước Việc chặt phá rừng bừa bãi và các hoạt động khác của con người gây ra lụt lội, lũ quét hay hạn hán ở nhiều nơi Phân hủy các loại rác thải Nước thải, rác thải không qua xử lý và 23
- nước thải chảy từ đồng ruộng, trang trại chăn nuôi làm tăng ô nhiễm nước Dòng năng lượng Một số ngành công nghiệp và nhà máy hạt nhân đã làm tăng ô nhiễm nhiệt độ đối với môi trường xung quanh. Các hoạt động đốt cháy các nhiên liệu hoá thạch sẽ phát thải ra các khí nhà kính và có thể dần dần làm tăng nhiệt độ trái đất (Hiệu ứng nhà kính) Chu trình tự nhiên của các chất dinh Việc sử dụng các nguyên liệu không phân dưỡng huỷ được và các hoạt động chôn lấp rác đã ngăn cản quá trình hoàn trả lại môi trường nhiều nguyên liệu hữu ích Con người là một phần của hệ sinh thái trên trái đất. Những hoạt động của con người có thể có lợi hay có hại đối với sự cân bằng của hệ sinh thái. Phá hoại nơi sinh sống của các loài động - thực vật, có thể là do các hoạt động vô tình hay cố ý của con người, đều đe doạ đến sự cân bằng của các hệ sinh thái trên trái đất. Nếu những tác động này không được giải quyết thì sự ổn định của nhiều hệ sinh thái có thể không có khả năng phục hồi . Con người có thể ảnh hưởng lên hệ sinh thái theo nhiều khía cạnh khác nhau như sau: Bảng 2. Những tác động tiêu cực mà con người gây ra cho các hệ sinh thái Hoạt động của con người Ảnh hưởng lên hệ sinh thái Gia tăng dân số dẫn đến gia tăng tốc độ Gia tăng dân số tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên phục hồi và không phục hồi trên trái đất. Xã hội công nghiệp hoá ở những nước phát Tiêu thụ ồ ạt triển tiêu thụ nhiều tài nguyên trên đầu người hơn những nước nghèo và chậm phát triển Thông thường, chúng ta sản xuất ra và ứng Các kỹ thuật tiên tiến dụng vô vàn các kỹ thuật hiện đại mà không hiểu rõ những tác động tiềm tàng mà nó sẽ 24
- gây ra cho môi trường sinh thái Làm mất đi một diện tích rất lớn rừng nhiệt Chặt phá rừng đới và các sản phẩm của đa dạng sinh học trong các khu rừng này Ô nhiễm đất, nước, không khí và phóng xạ Làm gia tăng ô nhiễm môi trường đã có nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái Bao gồm sự gia tăng của các khí nhà kính mà chủ yếu là hậu quả của quá trình đốt cháy các loại nhiên liệu hoá thạch và sự suy Gây ra những thay đổi trong khí quyển giảm ô zôn ở tầng bình lưu. Các chất ô nhiễm khác cũng gây nhiều tác động tiêu cực tới sinh vật sống. Gia tăng dân số tác động trực tiếp tới quá trình đô thị hoá và sự lan tràn bệnh dịch. Trong vòng một nghìn năm qua, dân số thế giới gia tăng với một tốc độ chóng mặt. Gia tăng dân số làm tăng tốc độ đô thị hoá, người dân ở nông thôn di cư ra thành phố để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân cũng như cho tương lai của thế hệ con cháu. Trước những năm 1950, dân số sống ở đô thị trên thế giới chỉ chiếm khoảng dưới 30%, nhưng đến năm 2050 thì con số này ước tính sẽ tăng lên tới hơn 60%. Vào năm 2000, trên thế giới có khoảng 20 thành phố với số dân vượt quá 10 triệu người (McCartney, 2002). Điều kiện sống đông đúc chật hẹp, vệ sinh môi trường kém do quá trình đô thị hoá xảy ra mạnh mẽ ở nhiều nơi tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm phát triển và lây lan. Một số bệnh dịch phổ biến trên thế giới làm nhiều người mắc và chết là các bệnh tiêu chảy, lao phổi, sốt rét và tả. Ngoài ra còn có nhiều bệnh mới nảy sinh hay các bệnh cũ quay trở lại do sự thay đổi các hệ sinh thái. Điều này chứng tỏ mối tương quan chặt chẽ giữa gia tăng dân số, thay đổi môi trường sinh thái và sức khoẻ con người. Các hoạt động của con người trong thời gian qua đã có những ảnh hưởng tiêu cực tới trạng thái cân bằng của nhiều hệ sinh thái. Mối đe doạ trước mắt là sự phá hoại những nơi sinh sống tự nhiên của sinh vật cũng như sự xâm nhập của các loài lạ xẩy ra sau khi sinh cảnh bị tàn phá. Đối với hệ sinh thái biển thì việc đánh bắt cá và các loài hải sản tràn lan là một mối đe doạ lớn tới sự cân bằng và phồn thịnh của các hệ sinh thái nơi đây. Một trong những tác động lớn nhất mà con người gây ra cho hệ sinh thái đó là làm mất đa dạng sinh học tự nhiên. Theo ước tính của Lawton và May (1995), cứ mỗi giờ qua đi trên thế giới sẽ có một loài bị tuyệt chủng nhưng đáng tiếc là trong quá trình tiến hoá phải mất tới 10.000 năm hoặc thậm chí lâu hơn mới sinh ra được một loài mới. Các mối đe doạ khác tới hệ sinh thái bao gồm sự thay đổi chu trình cacbon, nitơ và các chất hoá học khác trên trái đất do tác 25
- động của quá trình đốt cháy các nhiên liệu hoá thạch, sử dụng phân bón chứa nitơ trong sản xuất nông nghiệp với một lượng lớn v.v. Tuy nhiên, một trong những ảnh hưởng lớn nhất do các hoạt động của con người gây ra và thường được bàn tới trong những năm gần đây đó là sự thay đổi khí hậu trên toàn cầu. Tác động này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các hệ sinh thái cũng như tới sức khoẻ của con người. 1.5. Hậu quả của thay đổi khí hậu và biến đổi hệ sinh thái Theo nhiều nhà khoa học, hậu quả của sự thay đổi khí hậu mà nguyên nhân là do chính các hoạt động của con người gây ra - đặc biệt là sự ấm lên trên toàn cầu (global warming) do sự gia tăng nồng độ khí cacbon dioxit và các khí nhà kính khác trong khí quyển là những tác động tiêu cực lên sức khoẻ của cộng đồng. Các nhà khí tượng học dự đoán rằng, do sự tích tụ của các khí nhà kính mà khí hậu toàn cầu sẽ thay đổi với một tốc độ nhanh hơn rất nhiều trong khoảng lịch sử kể từ 10.000 năm trở lại đây. Trong thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình trên bề mặt trái đất tăng khoảng 0,3 đến 0,6 0C. Theo Sidney và Raso (1998), các mô hình thực hiện trên máy vi tính hiện đại về khí hậu của trái đất dự báo rằng: nếu nồng độ các khí nhà kính vẫn tiếp tục tăng như dự đoán thì đến năm 2100 nhiệt độ trung bình trên trái đất sẽ tăng lên từ 1 đến 3,5 0C. Nhiệt độ tăng lên sẽ thay đổi hệ sinh thái và ảnh hưởng tới sức khoẻ con người như thế nào? Liệu chúng ta có thể dự đoán được một cách chính xác các hậu quả của sự thay đổi khí hậu lên cuộc sống để từ đó có những hành động hay chương trình bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng? Cho tới nay, có rất nhiều người trong số chúng ta còn chưa hiểu được những tác hại mà việc thay đổi khí hậu có thể gây ra cho sức khoẻ con người. Mối liên hệ sẽ trở nên rõ ràng hơn một khi chúng ta nhận ra rằng sức khoẻ con người và sự phồn thịnh của xã hội phụ thuộc vào sự phồn thịnh của các hệ sinh thái tự nhiên trên trái đất, đồng thời những thay đổi trong mô hình khí hậu và những ảnh hưởng lên hệ sinh thái sẽ là nguy cơ cho sức khoẻ con người. Các nhà khoa học dự đoán rằng khí hậu thay đổi sẽ có nhiều tác động mà hầu hết là tiêu cực tới sức khoẻ cộng đồng. Xem Hộp 2 về tác động của El Nilno lên sức khoẻ cộng đồng. Một số tác động tiêu cực của khí hậu thay đổi và mất cân bằng sinh thái lên xã hội chúng ta sẽ được trình bày sau đây. VD - El Nilno và sức khoẻ cộng đồng Ở nhiều vùng trên thế giới, trong giai đoạn xẩy ra El Nilno thì các bệnh truyền qua vector và các bệnh truyền qua nước tăng lên rõ rệt. Lũ lụt sinh ra nhiều nơi chứa nước ngọt tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở. Đợt El Nilno xẩy ra vào năm 1997 - 1998 được xem là mạnh nhất trong thế kỷ 20 và đã gây hậu quả nhiều nơi trên thế giới. Hạn hán nặng và cháy rừng xẩy ra ở nhiều nước thuộc Châu Á các nước vùng Địa Trung Hải, vùng Amazon, các khu rừng nhiệt đởi ở Mêhicô, Trung Mỹ và các bang California và Florida ở Mỹ. Ngứa mắt dị ứng, các bệnh đường hô hấp và tim mạch tăng vọt ở những vùng này. Hạn hán và lũ lụt xảy ra ở nhiều vùng nhiệt đới làm dịch tả lan tràn. 26
- Sóng nhiệt làm hàng ngàn người bị tử vong ở Ấn Độ và hàng trăm người ở Châu Âu và Mỹ. Ở Trung Quốc và Băng La Đét thì lũ lụt xẩy ra với sức tàn phá ghê gớm. Ở vùng mỏm của Châu Phi, trận đại hồng thuỷ xảy ra gây lụt lội vào cuối năm 1997 làm gia tăng bệnh dịch tả, sốt rét và sốt Thung lũng Rift (Rift Valley fever) làm nhiều người và gia súc bị chết. Ở Châu Mỹ La Tinh, lụt lội xảy ra dọc theo biển Đại Tây Dương và vùng phía nam Bra xin đã liên quan với sự bùng nổ bệnh tả và các bệnh truyền qua véc tơ, còn ở nhiều vùng ở phía Nam nước Mỹ thì đã xảy ra các vụ dịch hantavirus do chuột truyền. Đây là bệnh mới nảy sinh và xuất hiện lần đầu tiên ở nước Mỹ, là một quốc gia có nền Y tế công cộng phát triển vào bậc nhất trên thế giới. El Nilno hay còn gọi là Giao động Nam là một chu trình khí hậu tự nhiên. Tuy nhiên, sự hấp thụ nhiệt của đại dương do nhiệt độ trái đất tăng lên có thể làm đảo lộn chu kỳ tự nhiên của El Nilno và làm cho chúng xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Trong thời gian xảy ra El Nilno, những thay đổi của thuỷ triều và gió ở vùng đông Thái Bình Dương sẽ làm thay đổi gió xoáy và các mô hình khí hậu trên toàn cầu. Hạn hán bất thường xảy ra ở nhiều nơi, còn nhiều vùng khác thì lại phải đối mặt với các trận hồng thuỷ và bão lụt dữ dội. Cuối mỗi đợt El Nilno thường xảy ra một giai đoạn khác của chu trình, gọi là La Nilna - sự kiện trái ngược với El Nilno. Ở Ấn Độ, Mê Hi Cô, và đông nam nước Mỹ đã phải chịu cảnh hạn hán khốc liệt trong giai đoạn 1997 - 1998 do tác động của El Nilno, sau đó lại xảy ra các trận lụt lớn vào tháng 8, tháng 9 năm 1998 do ảnh hưởng của La Nilna. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dữ liệu Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Hoa Kỳ thì trong suốt thế kỷ qua các thảm hoạ của thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt, bão và cháy đã gây thiệt hại nặng nề ở nhiều vùng trên thế giới cả về người và của. 1.5.1. Ảnh hưởng tới năng suất của mùa màng Khí hậu thay đổi có thể gây tác động tới năng suất của một số mùa màng ở nhiều nơi. Bất cứ thay đổi bất lợi nào trên diện rộng về công tác sản xuất, cung ứng và phân phối các sản phẩm nông nghiệp - đặc biệt là ở những nước đang phát triển cũng có thể gây ra tác động nghiêm trọng. Tỉ lệ suy dinh dưỡng và hộ bị đói cũng có khả năng tăng lên. Trái đất nóng lên gây nhiều hậu quả trên trên toàn cầu và một trong số những tác động đáng chú ý là sự gia tăng mực nước biển do băng ở hai cực tan ra và sự nở của nước biển do nhiệt độ. Các nhà thuỷ văn học dự đoán rằng, đến năm 2100 thì mực nước biển trung bình trên toàn cầu sẽ tăng lên từ 0,2 đến 1,0 mét và sẽ tiếp tục gia tăng hơn nữa trong những thế kỷ tới. Mực nước biển gia tăng có thể làm tràn ngập các khu vực trước đây là khu dân cư đông đúc hay làm ngập mặn các vùng đất canh tác vốn dĩ rất hạn hẹp ở một số quốc gia. Đặc biệt, Bangladesh và một số quốc gia đảo khác là những nước rất dễ bị tổn thương. Hơn nữa, lụt lội ở những cộng đồng dân cư sống đông đúc vùng ven biển sẽ làm cho nhiều gia đình bị mất nhà cửa và buộc phải dời đến sống ở những vùng đông đúc chật hẹp nơi họ rất dễ bị mắc các bệnh lao, bạch hầu và các bệnh tiêu chảy. Mặt khác, như chúng ta đã biết, ước tính 27
- khoảng 99% các loài động thực vật có hại cho nông nghiệp có thể bị kiểm soát bởi các kẻ thù trong tự nhiên, bao gồm chim, rắn, nhện, ong, nấm, các bệnh do virus và nhiều sinh vật khác. Những tác nhân kiểm soát sinh học tự nhiên này đã giúp cho nông dân tiết kiệm được hàng tỉ đô la mỗi năm bằng cách bảo vệ mùa màng khỏi bị thất thoát và giảm nhu cầu sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật (Naylor và Ehrlich, 1997). Khí hậu thay đổi, hệ sinh thái tự nhiên bị mất cân bằng làm cho quá trình kiểm soát sinh học tự nhiên bị ảnh hưởng và điều này sẽ trực tiếp làm giảm năng suất trong sản xuất nông nghiệp và gián tiếp tác động lên nền kinh tế và sức khoẻ của cộng đồng. 1.5.2. Nhiệt độ quá cao và hậu quả sức khoẻ Do sự gia tăng của nhiệt độ, càng ngày chúng ta càng thấy nhiều trường hợp bị căng thẳng do nhiệt độ, nhiều trường hợp có thể dẫn tới tử vong, đặc biệt là ở người già, trẻ em và đối tượng có thu nhập thấp. Sự nhạy cảm của các nhóm đối tượng này có thể do nhiều yếu tố vật lý và xã hội khác nhau quyết định, bao gồm: khả năng họ phải sống trong điều kiện môi trường không thoáng mát, không có hệ thống thông gió hay điều hoà nhiệt độ. Những bệnh nhân bị các bệnh tim mạch và hô hấp mãn tính là những người có nguy cơ rất cao. Chúng ta đã chứng kiến hậu quả của thời tiết quá nóng bức xảy ra ở Chicago năm 1995, làm 500 người chết chỉ trong một thời gian ngắn. Những mô hình dự báo gần đây cho rằng đến năm 2050 ở nhiều thành phố trên thế giới sẽ có thêm hàng ngàn người bị chết mỗi năm do nóng bức. 1.5.3. Gia tăng ô nhiễm không khí và hậu quả của nó tới sức khoẻ Nhiệt độ tăng lên làm giảm chất lượng không khí, chủ yếu là do vấn đề tăng ô nhiễm khí cacbon dioxit, nitơ oxit, ô zôn v.v. ở những khu vực đô thị nơi môi trường bị ô nhiễm nặng. Nhiệt độ và tia tử ngoại ở tầng thấp của khí quyển tăng lên tạo điều kiện cho các phản ứng hoá học xẩy ra mạnh mẽ và sản xuất ra khí ô zôn. Ô zôn là một khí phản ứng rất mạnh và có thể trực tiếp làm ôxy hoá các phân tử, tạo ra các gốc tự do chứa nhiều năng lượng và có thể làm tổn thương đến tế bào. Nồng độ ô zôn cao trong không khí có thể làm gia tăng các trường hợp bị bệnh hô hấp và bệnh tim mạch. Người ta thấy rằng, những tác động hô hấp cấp tính do ô zôn gây ra có liên quan tới bệnh hen suyễn ở trẻ em. Khí hậu ấm hơn và ẩm ướt hơn ở nhiều vùng có thể làm tăng nồng độ các loại phấn hoa trong không khí và rất có khả năng sẽ có tác động tiêu cực lên những người bị rối loạn dị ứng, ví dụ những bệnh nhân bị hen suyễn hay bị sốt mùa cỏ khô (sốt mùa hè). 1.5.4. Những thay đổi trong hệ sinh thái và các bệnh truyền nhiễm Xuất hiện các bệnh dịch mới và các bệnh có nguy cơ xuất hiện trở lại (Sốt rét kháng thuốc) Sốt xuất huyết Ebola) Sự kết hợp của thay đổi khí hậu, suy thoái môi trường và mất cân bằng các hệ sinh thái đã tạo điều kiện lý tưởng cho sự quay trở lại cũng như sự xuất hiện và lây lan của nhiều căn 28
- bệnh truyền nhiễm - những bệnh đã làm hơn 17 triệu người bị tử vong hàng năm trên thế giới. Khí hậu thay đổi làm thay đổi các hệ sinh thái, tỉ lệ giữa động vật săn mồi và con mồi bị mất cân bằng dẫn tới các phương thức kiểm soát sinh học tự nhiên của các bệnh truyền nhiễm và vector truyền bệnh cũng bị phá vỡ. Các loài cá nước ngọt, chim, lưỡng cư và dơi là những loài giới hạn sự phát triển của muỗi (là vector truyền các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng và viêm não). quạ, chó sói đồng cỏ và rắn giúp kiểm soát các quần thể gặm nhấm. Một số loài gặm nhấm làm lây truyền các bệnh Lyme, hantavirus, arenavirus (sốt xuất huyết), Leptospiroses và dịch hạch. Khi kẻ thù của các vector truyền bệnh bị giảm về số lượng do tác động của thay đổi khí hậu trong lúc các quần thể vector truyền bệnh lại phát triển mạnh mẽ thì các bệnh truyền qua vector sẽ có điều kiện lan tràn và chúng ta khó có thể kiểm soát được. Các nhà khoa học cho rằng khí hậu ấm và ẩm hơn đã tạo điều kiện mở rộng phạm vi hoạt động của nhiều loại bệnh truyền nhiễm. Tiến sỹ Epstein trong một nghiên cứu gần đây về "Sức khoẻ con người và sự thay đổi khí hậu" đã cảnh báo rằng "Thay đổi khí hậu sẽ có nhiều tác động lên sức khoẻ con người và hầu hết là các tác động có hại" (Epstein, 1998). 1.5.5. Thay đổi mô hình bệnh tật Trong quá khứ đã có nhiều giai đoạn bệnh tật tàn phá xã hội loài người, ví dụ như bệnh dịch hạch thời trung cổ xảy ra ở Châu Âu. Vấn đề này đã xảy ra đồng thời với sự gia tăng dân số, sự đô thị hoá và môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng. Với sự ấm lên của toàn cầu như hiện nay cùng với sự thay đổi mạnh mẽ các hệ sinh thái đã tạo điều kiện cho các mô hình bệnh tật thay đổi trên một diện rộng. Trong nghiên cứu của Tiến sỹ Epstein, ông đã đưa ra 3 tác động chính mà sự thay đổi khí hậu có thể gây ra cho sức khoẻ cộng đồng, đó là: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng nổ các vụ dịch bệnh truyền nhiễm Tăng khả năng lây truyền các bệnh truyền qua vector và làm hàng triệu người bị phơi nhiễm với các bệnh mới nảy sinh cũng như phơi nhiễm với nhiều nguy cơ sức khoẻ khác nhau. Cản trở sự kiểm soát bệnh dịch trong tương lai Ngoài ra, một trong những nhân tố không kém phần quan trọng trong việc làm lây lan các bệnh mới nảy sinh, góp phần thay đổi mô hình bệnh tật trên thế giới đó là việc đi lại, thông thương giữa các quốc gia bằng ô tô, tàu cao tốc hay máy bay. Thời xa xưa, phương tiện vận tải chủ yếu giữa các nước là tàu biển hay xe thô sơ, vì vậy thời gian đi sang một vùng khác hay một nước khác là khá lâu. Các vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm có thể bị chết trên đường đi và làm hạn chế sự lây lan bệnh tật giữa các vùng. Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc đi lại giữa các nước bằng máy bay thuận tiện và nhanh hơn nhiều. Theo Alleyne (1998), năm 1995 có hơn 1 triệu người sử dụng máy bay mỗi ngày. Mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho con người nhưng điều này cũng góp phần làm lây lan bệnh tật. Ngoài các 29
- bệnh truyền nhiễm thì ngày nay ở nhiều nước mà nhất là ở những nước phát triển đang phải đương đầu với các bệnh không truyền nhiễm nhưng có tỉ lệ tử vong cao như ung thư, tiểu đường, tim mạch, béo phì v.v 2. MÔ HÌNH BỆNH TẬT Ở VIỆT NAM THEO CÁC VÙNG SINH THÁI Đặc điểm chung của nước ta là đồi núi chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ và đồng bằng chỉ chiếm 1/4 lãnh thổ. Khí hậu nhiệt đới, gió mùa, phía Bắc có 4 mùa, phía Nam có 2 mùa, nhiệt độ trung bình năm cao 21 - 260C, độ ẩm cao. Do ảnh hưởng của gió mùa, địa hình phức tạp nên khí hậu của nước ta luôn thay đổi trong năm, giữa năm này với năm khác, giữa nơi này với nơi khác, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ thấp lên cao. Do đặc tính ấy làm ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội như lề lối sinh hoạt: ăn, mặc, ở và bảo vệ sức khoẻ. Theo địa lý và thống kê y tế (2001) nước ta được chia thành 8 vùng sinh thái như sau: Vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Miền trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. 2.1. Miền núi Trung du Bắc bộ (Đông Bắc và Tây Bắc) Kể từ năm 2001, Miền núi Trung du Bắc Bộ được chia thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc, gồm 16 tỉnh thành: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Lao Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Quảng Ninh, có đặc điểm về địa lý, kinh tế như sau: Là nơi tiếp giáp với các nước Lào và Trung Quốc, liền kề với Đồng bằng Sông Hồng, nên có điều kiện để giao lưu. Địa hình núi non hiểm trở, giàu tài nguyên nhất là tài nguyên rừng và các khoáng sản, nhiều sông, suối, biển Khí hậu vẫn là khí hậu nhiệt đới, có 4 mùa Là nơi sinh sống của nhiều dân tộc ít người như Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, H’mông, v.v Là vùng còn nghèo và khó khăn, mặc dù có nhiều tiến bộ về đời sống văn hoá xã hội, nhưng vẫn còn có những phong tục tập quán lạc hậu, ảnh hưởng đến công việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. 2.2. Đồng bằng Sông Hồng Đồng bằng Sông Hồng gồm 9 tỉnh thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình, có đặc điểm sau: Đồng bằng Sông Hồng rộng gần 1,3 triệu ha, chiếm 3,8% diện tích toàn quốc với một vùng biển bao quanh ở phía đông và đông - nam. Là nơi dân cư tập trung đông đúc nhất trong cả nước, mật độ dân số trung bình 1180 người/km2 (1999) 30